CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 7,21-27
“Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: “Lạy Chúa! lạy Chúa! ” là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi. Trong ngày ấy, nhiều người sẽ thưa với Thầy rằng: “Lạy Chúa, lạy Chúa, nào chúng tôi đã chẳng từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỷ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? ” Và bấy giờ Thầy sẽ tuyên bố với họ: Ta không hề biết các ngươi; xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!
“Vậy ai nghe những lời Thầy nói đây mà đem ra thực hành, thì ví được như người khôn xây nhà trên đá. Dù mưa sa, nước cuốn, hay bão táp ập vào, nhà ấy cũng không sụp đổ, vì đã xây trên nền đá. Còn ai nghe những lời Thầy nói đây, mà chẳng đem ra thực hành, thì ví được như người ngu dại xây nhà trên cát. Gặp mưa sa, nước cuốn hay bão táp ập vào, nhà ấy sẽ sụp đổ, sụp đổ tan tành”.
II. SUY NIỆM
“TIN VÀ SỐNG”
Bài Tin Mừng hôm nay nói lên điều kiện để được vào Nước Thiên Chúa không hệ tại ở việc tuyên xưng hay kêu cầu danh Chúa ngoài môi miệng, mà là việc thực thi ý Chúa. Thực thi ý Chúa nghĩa là đem những lời Chúa dạy trong Tin Mừng ra thực hành trong đời sống. Và ai thực hành lời Chúa thì có một nền tảng vững chắc trong đức tin và lòng yêu mến.
Cha Anthony de Mello có kể câu chuyện hài hước rằng:
Có một người vô thần leo núi, chẳng may trượt té rơi xuống vực sâu, rất may ông ta bám được vào một cành cây nhô ra giữa chừng. Nhìn xuống vực sâu thăm thẳm và tay mỏi cùng cành cây sắp gãy, anh ta liền kêu lên:
– Lạy Chúa, nếu có Chúa thật thì cứu tôi đi tôi tin liền.
Bỗng có tiếng bảo:
– Có Ta chứ, có thật ngươi tin không?
Ông ta liền kêu lên:
– Thưa tôi tin, Ngài cứu tôi đi, về tôi sẽ loan báo cho nhiều người cũng biết mà tin vào Ngài.
Tiếng đó lại bảo:
– Nếu ngươi tin có Ta thì hãy buông tay ra khỏi cành cây.
Ông ta đáp lại :
– Ngu gì mà buông, buông mà chết à? Bộ Chúa tưởng tôi điên chắc?
???
Giống như người vô thần trong câu chuyện trên đây, nói tin Chúa thì dễ lắm, nhưng thực hành điều mình tuyên xưng thật không dễ chút nào.
Trong tình yêu cũng thế, nếu chỉ dừng lại nơi đầu môi chót lưỡi thì là thứ tình yêu giả dối. Chúa Giê-su đã nói: “Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ Lời Thầy” (Ga 14,23). Như thế, việc tuân giữ Lời Chúa là thể hiện lòng yêu mến đích thực. Chúng ta không thể nói yêu mến Chúa mà lại không tuân giữ Lời Người, vì như thế là nói dối. Thật vậy, giữa tin có Chúa và yêu mến Chúa phải là một khi tuân hành ý Chúa.
Tôi biết anh A chị B và tôi nhiều lần gọi tên họ, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Ma quỷ cũng tin có Chúa Giê-su hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giê-su, thậm chí còn tuyên xưng Người giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Người không? Thưa không.
Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt Công giáo, không tham dự các Bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức.
Điều mà chúng ta thường gặp phải là “ngôn hành bất nhất”, nói mà không làm, hoặc làm nửa vời. Nói Lời Chúa thì hay mà sống thì chẳng ra gì. Điều này được Chúa ví như xây nhà trên cát, nghĩa là không có móng, là mất gốc, mất căn bản của niềm tin, vì không bám sâu vào Lời Chúa, gặp khi thử thách xảy đến sẽ buông xuôi ngã lòng…
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết xây dựng đời mình trên nền đá vững chắc là Đức Ki-tô, để không có gì thuộc ma quỷ và thế gian có thể xô ngã được chúng con. Xin cho chúng con cũng biết dùng chính đời sống gương mẫu để làm chứng cho Chúa hơn là những lý thuyết suông nơi môi miệng. Amen
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 2,23-3,6
Vào ngày sa-bát, Đức Giê-su đi băng qua một cánh đồng lúa. Dọc đường, các môn đệ bắt đầu bứt lúa. Người Pha-ri-sêu liền nói với Đức Giê-su: “Ông coi, ngày sa-bát mà họ làm gì kia? Điều ấy đâu được phép! ” Người đáp: “Các ông chưa bao giờ đọc trong Sách sao? Ông Đa-vít đã làm gì, khi ông và thuộc hạ bị thiếu thốn và đói bụng? Dưới thời thượng tế A-bi-a-tha, ông vào nhà Thiên Chúa, ăn bánh tiến, rồi còn cho cả thuộc hạ ăn nữa. Thứ bánh này không ai được phép ăn ngoại trừ tư tế.”
Người nói tiếp: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát. Bởi đó, Con Người làm chủ luôn cả ngày sa-bát.”
Đức Giê-su lại vào hội đường. Ở đó có một người bị bại tay. Họ rình xem Đức Giê-su có chữa người ấy ngày sa-bát không, để tố cáo Người. Đức Giê-su bảo người bại tay: “Anh trỗi dậy, ra giữa đây! ” Rồi Người nói với họ: “Ngày sa-bát, được phép làm điều lành hay điều dữ, cứu mạng người hay giết đi? ” Nhưng họ làm thinh. Đức Giê-su giận dữ rảo mắt nhìn họ, buồn khổ vì lòng họ chai đá. Người bảo anh bại tay: “Anh giơ tay ra! ” Người ấy giơ ra, và tay liền trở lại bình thường. Ra khỏi đó, nhóm Pha-ri-sêu lập tức bàn tính với phe Hê-rô-đê, để tìm cách giết Đức Giê-su.
II. SUY NIỆM
“GIỮ LUẬT VÌ LÒNG YÊU MẾN”
Bộ luật của người Do-thái nhận tại núi Sinai khi Chúa truyền cho Môisen chỉ có mười điều, nhưng được giải thích cách tỉ mỉ trong Sách Lê-vi và Đệ Nhị Luật thành hơn năm trăm điều. Một trong những điều quan trọng là ngày nghỉ Sa-bát, thuộc giới răn thứ ba trong thập điều, được tuân giữ chi tiết, cặn kẽ và nếu phạm vào có thể bị ném đá chết.
Lời Chúa ngày hôm nay, đặc biệt nói đến việc giữ luật thế nào cho hợp với ý Thiên Chúa trong tương quan với đồng loại. Cách riêng trong bài Tin Mừng, xảy ra một cuộc tranh luận giữa Chúa Giê-su với những người Pha-ri-sêu về luật Sa-bát, nhất là sau khi Chúa Giê-su chữa lành cho một người bị bại tay.
1. Luật Sa-bát với người vụ luật xưa.
Giới răn Sa-bát được giải thích từ việc tin rằng Thiên Chúa sáng tạo trời đất muôn vật trong sáu ngày và ngày thứ bảy thì Người nghỉ ngơi. Chính vì vậy, nguyên thủy người ta nghỉ ngày thứ bảy (Sa-bát) như là một sự bắt chước Thiên Chúa, đồng thời dành một ngày cuối tuần để chỉ dành riêng cho việc phụng sự Thiên Chúa. Thế nhưng, càng ngày, luật Sa-bát được các luật sĩ giải thích chi tiết, cặn kẽ và dừng lại ở mặt chữ của luật: chỉ dừng lại ở cái lý mà đánh mất cái tình, giữ luật vì luật chứ không còn vì yêu mến Chúa và đánh mất đức ái mà luật nhắm tới.
Hạn từ Sa-bát có nghĩa là “nghỉ ngơi”. Thần học sáng tạo II (St 2,1-3) nhằm chứng minh việc Thiên Chúa muốn phải thánh hóa một ngày trong tuần, không hẳn để tụ họp cử hành phụng vụ cho bằng để mọi người được nghỉ ngơi (x. Xh 20,10). Bởi vì Thiên Chúa Chí Thánh không muốn một dân thánh lại chỉ lo nhu cầu ăn uống hằng ngày hoặc chỉ lo lao động.
Như thế, khi ban bố lề luật, Thiên Chúa muốn sự yêu mến và tự nguyện, nhưng dần già, được giải thích quá tỉ mỉ đến cả những chi tiết nhỏ nhặt. Để rồi, các tiến sĩ – Kinh sư – Biệt phái thì sinh ra vụ luật và dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Theo Biệt phái – Pharisiêu, bộ luật dành cho Do-thái dạy phải kiêng việc xác ngày Sa-bát cách triệt để theo mặt chữ, nếu ngày đó có ai đó chỉ cần đi lượm vài nhánh củi về để đun bếp nướng bánh cũng phải bị xử ném đá chết, ngay cả đường đi cũng có một số con đường bị cấm không được đi vào ngày sa-bát.
Hôm nay, họ bắt bẻ Chúa Giê-su về luật sa-bát vì 3 lý do:
Người Pharisiêu chú tâm đến hình thức của luật đến nỗi quên đi bản chất của luật là bác ái yêu thương, họ sẵn sàng để người khác đói khát chứ không thà lỗi luật. Luật là cứu sống chứ không phải giết chết.
Họ vốn chủ trương là hassidim, nghĩa là giữ luật cách khắt khe, nên khi bắt bẻ Chúa Giê-su là một ngầm ý đề cao về mình và che giấu sự giả hình của mình.
Họ xem luật như cứu cánh và bắt buộc Thiên Chúa phải theo ý họ mà thưởng công cho họ. Trong khi luật chỉ là dẫn đường, còn cùng đích phải là Thiên Chúa.
2. Luật Sa-bát với Người Công giáo hôm nay.
Bài Tin Mừng hôm nay cũng cho thấy việc Chúa Giê-su vạch trần sự giả hình của Biệt phái – Pha-ri-sêu, ngày Sa-bát mọi người đến nghe Lời Chúa thì họ đến với ý đồ xấu nhằm để hại người. Luật đối với họ sẵn sàng ném đá chết một người lượm củi nấu ăn, không dám đi đường cấm dù cấp bách liên quan đến sự sống cần cấp cứu. Họ coi việc giữ những điều lặt vặt hơn là mạng sống của một con người. Chúa Giê-su biết họ đang rình mò tìm kế hại Người, nhưng Người vẫn không ngần ngại chữa lành cho người bị bại tay, và qua đó Người chấn vấn họ “ngày Sa-bát nên làm điều lành hay làm điều dữ?”. Chúa Giê-su đã ra tay làm điều lành trước mắt họ vì đối với Người luật yêu thương bác ái vượt trên tất cả mọi của lễ mà họ dâng. Thế nhưng, họ đã không chịu nhận ra mà còn giận điên lên và bàn nhau tìm cơ hội khác để giết Chúa Giê-su.
Trong trường hợp của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su có thể nói với người bị bại tay: Sao anh lại xin tôi làm một điều bị cấm trong ngày Sa-bát? Ngày mai anh trở lại đây để tôi chữa cho… Nhưng không, Chúa Giê-su thấy đức ái cần vượt lên trên, vì Tin Mừng là để giải phóng, và người ta được giải tỏa khi nhận ra rằng trong xã hội không có gì là tuyệt đối, cho dù xã hội muốn áp dụng những luật lệ nào đó với nhãn hiệu là bất khả xâm phạm. Luật Sa-bát đúng là một trong những luật căn bản của Sách Thánh, nhưng không khỏi có những trường hợp luật ép buộc thay vì giải tỏa. Cũng thế, ngay trong Giáo hội, những luật lệ được coi là linh thiêng nhưng một lúc nào đó lại trở thành chướng ngại vật cho Tin Mừng, và nếu đúng như vậy, thì dưới ánh sáng của Thánh Thần, lương tâm Ki-tô giáo phải tìm ra một giải pháp cho thời điểm ấy. Dám làm như thế mới thực sự là người tự do làm con cái Thiên Chúa (x. 1Cr 3,21-23; 8,4; Cl 2,20-23).
Còn chúng ta là người Công giáo, ngày sa-bát (Thiên Chúa nghỉ ngơi – sau sáng tạo) của người Do-thái đã được thay thế bằng Ngày Chúa Nhật (Chúa Giê-su Phục Sinh – sáng tạo mới), chúng ta đã tuân giữ Ngày Chúa Nhật như thế nào:
Chúng ta tham dự Thánh Lễ vì lòng yêu mến hay vì bắt buộc phải đi lễ?
Chúng ta làm việc bác ái hay là dửng dưng với những hoàn cảnh khó khăn của đồng loại mà ta gặp thấy? Chúng ta có nhân danh ngày nghỉ, lấy cớ việc đi lễ… để rồi không đếm xỉa đến những người gặp hoạn nạn đang cần đến sự giúp đỡ của chúng ta.
Chúng ta giữ gìn luật Ngày Chúa Nhật cốt để phô trương chính mình và lên án người khác không?
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mọi người chúng biết giữ luật vì lòng yêu mến Chúa và quảng đại với tha nhân, hơn là giữ lề luật chỉ vì luật mà lỗi đến đức bác ái công bình đối với tha nhân. Amen.
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 7,1-10
Đức Giê-su vào thành Ca-phác-na-um. Một viên đại đội trưởng kia có người nô lệ bệnh nặng gần chết. Ông ta yêu quý người ấy lắm. Khi nghe đồn về Đức Giê-su, ông cho mấy kỳ mục của người Do-thái đi xin Người đến cứu sống người nô lệ của ông.
Họ đến gặp Đức Giê-su và khẩn khoản nài xin Người rằng: “Thưa Ngài, ông ấy đáng được Ngài làm ơn cho. Vì ông quý mến dân ta. Vả lại chính ông đã xây cất hội đường cho chúng ta.” Đức Giê-su liền đi với họ. Khi Người còn cách nhà viên sĩ quan không bao xa, thì ông này cho bạn hữu ra nói với Người: “Thưa Ngài, không dám phiền Ngài quá như vậy, vì tôi không đáng rước Ngài vào nhà tôi. Cũng vì thế, tôi không nghĩ mình xứng đáng đến gặp Ngài. Nhưng xin Ngài cứ nói một lời, thì đầy tớ của tôi được khỏi bệnh. Vì chính tôi đây, tuy dưới quyền kẻ khác, tôi cũng có lính tráng dưới quyền tôi. Tôi bảo người này: “Đi! là nó đi; bảo người kia: “Đến! là nó đến; và bảo người nô lệ của tôi: “Làm cái này! là nó làm.” Nghe vậy, Đức Giê-su thán phục ông ta, Người quay lại nói với đám đông đang theo Người rằng: “Tôi nói cho các ông hay: ngay cả trong dân Ít-ra-en, tôi cũng chưa thấy một người nào có lòng tin mạnh như thế.” Về đến nhà, những người đã được sai đi thấy người nô lệ đã khỏi hẳn.
II. SUY NIỆM
“LỜI CẦU XIN KHIÊM TỐN”
Trong Tin Mừng, ít khi chúng ta gặp thấy Chúa Giê-su khen, nhất là khi lời khen dành riêng cho một ai đó. Hôm nay, Chúa Giê-su khen ngợi niềm tin của một sĩ quan Rô-ma, lời khen thiết thực đến mức có sức chữa lành một người tôi tớ của vị sĩ quan này.
Điều lạ ở đây là người được Chúa Giê-su ca ngợi về niềm tin, không phải là một chức sắc tôn giáo Do-thái, cũng không phải là một đạo hữu Do-thái mà là một kẻ ngoại đạo đang cầm quyền đô hộ dân Người.
Với những gì thánh sử Mát-thêu tường thuật, chúng ta dễ nhận ra rằng, Chúa Giê-su không quá phân biệt người có đạo hay kẻ ngoại, mà Chúa nhìn thấy nơi tâm hồn của mỗi người. Điều mà Chúa khen tặng và sẵn sàng chữa lành hôm nay chính là sự khiêm tốn và niềm tin của con người.
1. Khiêm tốn
Xét về thế giá và địa vị, viên sĩ quan đến xin Chúa chữa bệnh cho người tôi tớ hôm nay có quyền lực đại diện cho đế quốc Rô-ma để cai trị một vùng của người Do-thái, ông có lính tráng và kẻ hầu người hạ, thậm chí xét về mặt chính trị, ông còn có quyền bắt, trục xuất hoặc ngăn cấm Chúa Giê-su truyền đạo.
Thế nhưng, ông nhận ra nơi con người Chúa Giê-su không đơn thuần là một thầy dạy như các Kinh sư, mà là một vị ngôn sứ của Thiên Chúa, nên ông đã cảm thấy bất xứng trước mặt Người. Ông nhìn nhận mọi chức vụ và địa vị đều dưới quyền của Thiên Chúa, và ông đã khiêm tốn nói lên: “Lạy Thầy, không dám phiền Thầy hơn nữa, vì tôi không xứng đáng được Thầy vào nhà tôi, cũng như tôi nghĩ tôi không xứng đáng đi mời Thầy, nhưng xin Thầy phán một lời, thì đầy tớ tôi được lành mạnh”. Lời xét mình này của ông đã được Giáo hội dùng để cho chúng ta thân thưa với Chúa mỗi ngày trong thánh lễ trước khi đến rước Mình Thánh Chúa.
Ước gì mỗi lần chúng ta đọc lời này, chúng ta cũng có được sự ý thức về mình như viên sĩ quan trên đây, không ỷ vào địa vị mà vênh vang tự hào, nhưng quy về vinh quang Chúa, và nhìn nhận mình có là gì đều do ân huệ Chúa ban. Bởi trước mặt Chúa không phân biệt người có quyền cao chức trọng hay kể bần hàn cố nông, nhưng người cao trọng trong nước Chúa chính là hãy trở nên bé nhỏ và khiêm tốn.
2. Niềm tin
Lời của viên sĩ quan: “Vì tôi cũng chỉ là một sĩ quan cấp dưới, (tuy nhiên) tôi có những lính dưới quyền tôi, tôi bảo người này đi, thì nó đi; bảo người khác lại, thì nó lại; và bảo đầy tớ tôi làm cái này, thì nó làm”.
Đây là một lời tuyên xưng đức tin cao độ. Với cách so sánh, ông tuy là quan nhỏ, nhưng cũng có cấp dưới và họ phải vâng lệnh ông, từ đó ông tuyên xưng Chúa Giê-su là Chúa, có quyền trên mọi quyền lực thần thiêng, có quyền trên mọi bệnh tật và tất cả đều phải vâng lệnh Người (quan niệm của người Do-thái tin bệnh tật là do tà thần và sự dữ).
Điều đáng nói ở đây nữa là, một sĩ quan thường ỷ thế vào quyền lực và tiền bạc để lo lắng cho người đầy tớ, nhưng không, ông tin Chúa Giê-su mới có thể chữa lành và niềm tin của ông đã được đền đáp.
Còn chúng ta, đứng trước những khó khăn, đau khổ, bệnh tật… chúng ta có đặt niềm tin đủ vào Chúa để xin Người trợ lực không, hay là ỷ lại vào sức mình? Ước gì sau khi đọc bài Tin Mừng này, mọi người chúng ta xác tín hơn vào sự quan phòng của Chúa, để trong khi chúng ta ra sức đương đầu với những khó khăn và đau khổ của cuộc sống, biết chạy đến Chúa để được Ngài soi sáng và ban ơn trợ lực. Và trên hết, hãy tin tưởng và cầu xin Chúa chữa lành bệnh tật nơi tâm hồn chúng ta.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là Đấng hiền lành và khiêm nhường trong lòng, nên Chúa cũng sẵn lòng cứu giúp những ai khiêm tốn, suy phục và đặt niềm tin nơi Chúa. Xin cho chúng con cũng biết khiêm tốn đến với Chúa, để được Chúa chữa lành những bệnh tật tâm hồn. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post