CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,17-37
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời.
“Vậy, Thầy bảo cho anh em biết, nếu anh em không ăn ở công chính hơn các Kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.
“Anh em đã nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ giết người; ai giết người, thì đáng bị đưa ra toà. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt. Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình. Anh hãy mau mau dàn xếp với đối phương, khi còn đang trên đường đi với người ấy tới cửa công, kẻo người ấy nộp anh cho quan toà, quan toà lại giao anh cho thuộc hạ, và anh sẽ bị tống ngục. Thầy bảo thật cho anh biết: anh sẽ không ra khỏi đó, trước khi trả hết đồng xu cuối cùng.
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Chớ ngoại tình. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục. Nếu tay phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy chặt mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân phải sa hoả ngục.
“Luật còn dạy rằng: Ai rẫy vợ, thì phải cho vợ chứng thư ly dị. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ là đẩy vợ đến chỗ ngoại tình; và ai cưới người đàn bà bị rẫy, thì cũng phạm tội ngoại tình.
“Anh em còn nghe Luật dạy người xưa rằng: Chớ bội thề, nhưng hãy trọn lời thề với Đức Chúa. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết: đừng thề chi cả. Đừng chỉ trời mà thề, vì trời là ngai Thiên Chúa. Đừng chỉ đất mà thề, vì đất là bệ dưới chân Người. Đừng chỉ Giê-ru-sa-lem mà thề, vì đó là thành của Đức Vua cao cả. Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được. Nhưng hễ “có” thì phải nói “có”, “không” thì phải nói “không”. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ.
II. SUY NIỆM
“TINH THẦN MỚI”
Bất cứ quốc gia hay tổ chức lớn nhỏ nào trong xã hội loài người đều cần có luật, để giữ kỷ cương phép tắc, giữ trật tự an ninh và đảm bảo sự công bằng xã hội. Bài Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng việc Chúa Giê-su khẳng định Người đến không phải để phá bỏ lề luật mà là để kiện toàn Lề Luật và lời các Ngôn Sứ.
1. Kiện toàn thế nào?
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Môsê hoặc lời các Ngôn Sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành” (Mt 5,17-18).
Việc kiện toàn ít nhất mang hai ý nghĩa:
Đối với Do-thái, lề luật và ngôn sứ liên kết với nhau, nên việc kiện toàn của Chúa Giê-su có nghĩa là Người thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Ki-tô và nhờ Chúa Ki-tô.
Từ nay trong Chúa Giê-su, luật được tuân giữ với tinh thần tự do và yêu mến Chúa, chứ không phải là một sự bó buộc phải làm hay phải giữ. Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ.
Chúa Giê-su đã mời gọi các môn đệ và “dân mới” công chính hơn các Kinh sư, không phải xét theo tiêu chí luân lý đạo đức, nhưng đòi hỏi phải gắn bó với Chúa và đặt sự công chính trên nền tảng là chính Người, thay vì chỉ hài lòng với sự công chính theo kiểu các Kinh sư, tức là sự công chính dựa vào việc tuân giữ Luật Môsê.
2. Chúa Giê-su kiện toàn thập điều.
Sau khi nói về sự kiện toàn lề luật, Chúa Giê-su giải thích một số giới răn trong Thập Điều: Giới răn thứ năm (chớ giết người), giới răn thứ sáu và chín (chớ ngoại tình – li dị), giới răn thứ hai và tám (chớ bội thề và làm chứng dối):
Chớ giết người (Mt 5,21-26)
Luật Môsê quy định kẻ giết người phải bị đem ra toà xử, và tuỳ nghi luật lấy lại sự công bằng đúng sai xét về mặt xã hội và được áp dụng mắt đền mắt răng đền răng khi phạm nhân đã hành động sai.
Sự kiện toàn của luật Tin Mừng không chỉ dừng lại ở hành động cụ thể tay chân mới là tội, mà ngay cả việc giận hờn mắng nhiếc nhau đã xứng bị đem ra hội đồng và đáng phải sa hoả ngục rồi. Thật vậy, giết nhau không chỉ dừng lại ở thể xác, nhưng bằng lời lẽ và hiểm kế thâm độc còn đáng sợ hơn biết chừng nào…
Sự kiện toàn không chỉ dừng lại ở tính tương quan con người, mà là thành tương quan đối với Thiên Chúa, xúc phạm đến nhau tức là xúc phạm đến Thiên Chúa và xứng đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt.
Chớ ngoại tình (Mt 5, 27-32).
Luật Môsê chỉ cấm ngoại tình bằng hành động, nhưng Chúa Giê-su muốn con cái Thiên Chúa phải có một tâm hồn trong sạch từ tư tưởng đến lời nói việc làm. Khi trong lòng có ý nghĩ đen tối và ao ước phạm tội thì đã là tội rồi. Toà án thế gian chỉ xử những gì bên ngoài, nhưng Thiên Chúa thấu suốt mọi bí ẩn sẽ xét xử chúng ta từ tâm hồn.
Việc Chúa Giê-su nói cái gì trở nên dịp tội thì hãy lo cắt đi, chấp nhận mất một bộ phận mà tránh được hoả ngục. Ở đây không hiểu theo nghĩa đen là phải chặt tay móc mắt, vì nếu thế thì không còn ai toàn vẹn vì bản năng yếu đuối của con người. Điều Chúa muốn nói ở đây chính là phải cất đi và xa lánh những nguy cơ có thể đẩy chúng ta đến phạm tội, dù phải chấp nhận phần thiệt về mình, như lánh xa những ấn phẩm đen, không đến những nơi chốn không thích hợp, tránh dùng những thức uống làm mình mất kiểm soát…
Còn việc luật cũ cho ly dị thực ra không phải Thiên Chúa ban, nhưng vì sự yếu đuối của dân mà Môsê đã chấp nhận. Chúa Giê-su đã kiện toàn theo tinh thần mới khi khẳng định sự bất phân ly của hôn nhân.
Chớ bội thề (Mt 5, 33-37)
Giới răn thứ ba trong Thập Điều cấm việc lấy danh Chúa mà thề hay nhân danh Người mà làm điều trái; giới răn thứ tám cấm làm chứng gian hại đồng loại. Còn Chúa Giê-su kiện toàn những điều luật này khi dạy rằng, đừng thề chi cả, cứ có thì nói có và không thì nói không, còn gian dối là bởi ma quỷ.
Khi nói điều này, Chúa Giê-su muốn trong tinh thần mới hãy mặc lấy Thiên Chúa là Đấng Chân Thật để sống trung thực, đối nghịch với mưu mô lọc lừa của ma quỷ là cha đẻ của sự gian dối.
Tóm lại, kiện toàn lề luật mà Chúa Giê-su dạy chúng ta là không bãi bỏ luật nhưng mặc cho luật một tinh thần mới, nghĩa là vượt qua sự giữ luật cách tiêu cực để thi hành cách tích cực trong Chúa Ki-tô: giữ luật không vì sự bó buộc phải làm mà là với cả sự tự do muốn làm vì lòng yêu mến Chúa và tha nhân, biến luật từ việc kìm hãm bản thân thành sự thanh thoát thánh hoá bản thân, giữ luật không dừng lại ở sự thể hiện ở ngoài mà là cả một tâm hồn ngay thẳng và trong sạch.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,40-45
Có người bị phong hủi đến gặp Người, anh ta quỳ xuống van xin rằng: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi! “Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: “Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết.” Nhưng vừa ra khỏi đó, anh đã bắt đầu rao truyền và tung tin ấy khắp nơi, đến nỗi Người không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người.
II. SUY NIỆM
“NẾU CHÚA MUỐN”
Sách Lê-vi đặt ra quy định hết sức khắt khe thậm chí nhẫn tâm cho người phong hủi. Họ bị coi là thứ ô uế và phải tách hẳn khỏi cộng đồng, sống những nơi ít bóng người qua lại, lỡ thấy ai đi qua thì phải la lên cho người ta biết mình bị hủi mà tránh xa, không cắt tóc cạo râu và luôn mang đồ rách (x. Lv13,45-46). Khi may mắn khỏi bệnh thì phải đến trình diện tư tế (tư tế kiêm luôn quyền bác sĩ) để họ thử nghiệm hai lần trong khoảng cách bảy ngày rồi mới được tuyên bố là sạch và phải dâng lễ để được gia nhập cộng đồng. Nói cách vắn tắt là bị phong hủi thì coi như mất quyền làm người, và sau khi lành sạch, phải làm lễ tạ ơn để được quyền làm người. Ngay cả khi được sạch rồi, còn phải kiếm cho được con chiên để đem đến cho tư tế để được công nhận (x. Lv 13,1-18.45-46 và cả chương 14).
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện một người phong hủi, liều mình “mang án chết” (vì bị bệnh mà chạy vào đám đông sẽ bị ném đá) chạy đến giữa đám đông cầu xin Chúa Giê-su để được chữa lành.
Chúng ta để ý đến hai chi tiết của tường thuật:
1. Lòng yêu thương của Chúa Giê-su.
Trong khi luật của người Do-thái quy định chỉ cần chạm đến người phung hủi thì chính mình cũng nhiễm uế và phải đi dâng lễ đền tội, lại nữa mọi người sợ sệt xa lánh vì sợ bị lây bệnh. Nhưng Chúa Giê-su thì không những không xa lánh, không sợ lây, không lo bị nhiễm… mà tình thương Người cao hơn tất cả, Người đã cúi xuống chạm đến người phong hủi và chữa lành.
Mùa Giáng Sinh, chúng ta mừng Chúa Giê-su Nhập Thể – từ cõi trời cao xuống nơi cơ hàn. Thì đây, tiếp theo Mầu Nhiệm Nhập Thể là Mầu Nhiệm Nhập Thế của Người – cúi xuống để chạm đến tận cùng nỗi thống khổ của con người và ra tay chữa lành họ.
Chúa Giê-su không những chữa lành bệnh hủi thân xác, mà còn muốn người được chữa lành phục hồi quyền làm người khi bảo họ đi trình diện tư tế để được hoà nhập cộng đồng.
Tình yêu thương có sức vượt qua mọi luật lệ, mọi ngăn cách, mọi sợ hãi để đến với tha nhân. Chúa Giê-su đã đi bước trước nêu gương cho chúng ta về sự cao cả của tình yêu thương này.
Đến lượt Ki-tô hữu chúng ta hôm nay, “con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, chúng ta là con Chúa liệu chúng ta có học được sự yêu thương này để đến với những người đau khổ không, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ ?
2. Thái độ cầu xin của người bị phong hủi.
Người phong hủi mang trên mình cả căn bệnh thân xác cả nỗi đau tinh thần. Thân xác bị sự tàn phá kinh khủng của căn bệnh quái ác là da thịt và các chi thể bị rơi rụng dần trong đau đớn. Tinh thần bị mất quyền làm người do “xã hội phi nhân đạo” tạo nên. Người phong hủi nếm trải tận cùng của nỗi đau và tuyệt vọng. Tuy nhiên, qua thái độ của người này, chúng ta thấy toát lên một niềm tin phó thác mà ít ai có được.
Người phong hủi đã thân thưa với Chúa: “Lạy Thầy, NẾU THẦY MUỐN, Thầy có thể chữa con được sạch”
Người phong hủi không than trách tại sao Chúa quyền năng lại để cho phải đau khổ như thế, không cầu xin theo kiểu buộc Chúa theo ý mình, không ra điều kiện, nhưng phó thác hoàn toàn cho Chúa quyết định, xin vâng theo ý CHÚA MUỐN. Chúa muốn thì được sạch, Chúa không muốn cũng xin vâng.
Đây là thái độ của chúng ta cần học lấy tinh thần này, bởi không ít người trong chúng ta mỗi lần gặp thử thách là kêu trách Chúa, cầu nguyện với điều kiện, muốn Chúa theo ý mình hơn là mình sống theo ý Chúa.
Bài học mà bài Tin Mừng hôm nay muốn chúng ta: là thân phận con người yếu đuối, ai trong chúng ta ít nhiều cũng mang căn bệnh phong hủi của tâm hồn là tội lỗi, thậm chí cách này hay cách khác tự tách mình ra khỏi Chúa và cộng đoàn. Chúng ta hãy phó thác vào tình yêu thương của Chúa Giê-su, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, hãy để cho Chúa Giê-su chạm vào mình để được thanh sạch. Hãy đến với Bí tích Hoà giải để cho Chúa chạm vào tâm hồn và Người sẽ chữa lành.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh chứ không phải bắt Chúa phải theo ý mình… Xin cũng giúp chúng con học lấy sự yêu thương của Chúa để đến với những người đau khổ, nhất là đến với những người bị bệnh nan y và những ai bị xã hội ruồng bỏ. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,20-26
Đức Giê-su ngước mắt lên nhìn các môn đệ và nói:
“Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó,
vì Nước Thiên Chúa là của anh em.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải đói,
vì Thiên Chúa sẽ cho anh em được no lòng.
“Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc,
vì anh em sẽ được vui cười.
“Phúc cho anh em khi vì Con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị xoá tên như đồ xấu xa. Ngày đó, anh em hãy vui mừng nhảy múa, vì này đây phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Bởi lẽ các ngôn sứ cũng đã từng bị cha ông họ đối xử như thế.
“Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có, vì các ngươi đã được phần an ủi của mình rồi.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được no nê, vì các ngươi sẽ phải đói.
“Khốn cho các ngươi, hỡi những kẻ bây giờ đang được vui cười, vì các ngươi sẽ phải sầu khổ khóc than.
“Khốn cho các ngươi khi được mọi người ca tụng, vì các ngôn sứ giả cũng đã từng được cha ông họ đối xử như thế.
II. SUY NIỆM
“PHÚC HỌA HỆ TẠI Ở VIỆC TRAO BAN”
Bài giảng được kể là HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI trong Tin Mừng Matthêu kể ra tám cái phúc (Bát Phúc), hôm nay đến lượt Tin Mừng Luca thu lại chỉ còn bốn cái phúc và bốn cái khốn.
Theo Matthêu, đây là bài giảng trên núi, bao gồm tám mối phúc thật, nhấn mạnh đến sự “ nghèo khó tâm linh”, sự đói khát công lý, sự đau khổ nội tâm: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó…” Còn Luca, đây là bài giảng ở chỗ đất bằng, trình bầy bốn lời chúc phúc kèm theo bốn cái khốn, như những phản đề đối chiếu dành cho người nghèo và kẻ giầu, người đói khát và kẻ no đầy. Đó là hai thành phần xã hội, hai giai cấp đối chọi nhau mà Tin Mừng muốn mô tả và để cho người tín hữu lựa chọn.
Bốn mối phúc và bốn cái khốn trở thành bốn cặp song đối với nhau:
Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó // Khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có.
Đói khát // no nê.
Khóc lóc // vui cười.
Bị bách hại // được trọng vọng ca tụng.
Nhưng tại sao nghèo khó, đói khát, khóc than và bị bách hại lại là phúc? Và tại sao giàu có, no nê, vui cười và được trọng vọng thì lại là hoạ?
1. Phúc cho anh em là những người nghèo khó…
Matthêu đã tâm linh hóa khi diễn tả: “Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó” ! Còn Luca thì nói về những người nghèo thực sự, đói khát thực sự, đau khổ thực sự trong thân xác, là người thiếu thốn của cải vật chất, người không có quyền lực cũng như ảnh hưởng, người bị bóc lột. Và vì không có của cải, sống bơ vơ, không được che chở nên họ chỉ còn biết đặt trọn niềm tín thác vào Chúa.
Cần hiểu rằng Chúa Giê-su không chủ trương đói khát và cùng khốn, nhưng Chúa rất yêu thương những thân phận nghèo khó vì họ tin thác vào sự quan phòng của Người. Hơn nữa, trong kiếp sống nghèo, họ đã phải chịu thua thiệt nhiều hơn, nên Chúa sẽ bù đắp Nước Trời cho họ cũng là phải lẽ, dĩ nhiên cái nghèo này không do sự biếng nhác mà có thể vì thiếu may mắn, nhất là do bị áp bức vì dám sống thật và trung thực trong việc làm.
Đức Giê-su đang ám chỉ đến những người thiếu thốn, người thấp cổ bé miệng, những người không ai che chở, vì thế họ chỉ còn biết tin cậy vào Chúa. Như thế, người nghèo khó được chúc phúc mà Đức Giê-su muốn nói, chính là những người nhận thức được rằng họ không thể tìm được hạnh phúc cậy dựa vào của cải vật chất đời này. Và từ đó họ sẽ tìm kiếm hạnh phúc chỉ ở nơi Chúa.
Những người giầu thì có xu hướng dựa vào của cải họ có. Đối với họ, chính thế gian này mới quan trọng. Thiên Chúa không ít thì nhiều cũng thừa thãi, và đời sau thì xa vời và mơ hồ. Nhất là khi lo chạy theo lòng tham không đáy, họ càng dễ dấn sâu vào việc làm phi pháp vì lợi nhuận, tự nó không đẹp lòng Chúa và gây phản chứng cho đời sống đạo.
Lại nữa, người giàu lại muốn giàu thêm nên ngày đêm chỉ lo tính toán không còn chỗ và còn thời gian dành cho Chúa, tệ hơn vì lòng tham họ càng ngày càng trở nên keo kiệt bủn xỉn và không còn biết yêu thương chia sẻ.
Cuối cùng, khi đã giàu rồi thì lo hưởng thụ và tự đắc tự hào vênh vang về mình và dễ khinh dể kẻ khác. Họ nghĩ mình đã đầy đủ nên không cần đến Chúa…
Như vậy, lời chúc “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó”, không có nghĩa là tìm sự thiếu thốn vật chất, nhưng có một giá trị nội tâm, nó giải thoát chúng ta khỏi mọi ràng buộc với của cải trần thế, và mở rộng lòng mình ra trước sự giàu có tinh thần. Chúa Giê-su đã sinh ra trong cảnh nghèo hèn, và đã chết trần trụi trên Thập Giá để mang lại ơn cứu độ, hạnh phúc đời đời cho chúng ta.
2. Phúc cho anh em bây giờ phải đói khát…
Về vấn đề này, thánh Luca cũng chép là một sự đói khát thực tế chứ không phải sự đói khát công chính như thánh Matthêu, nghĩa là không phải chuyện tâm linh mà là đói cái ăn cái mặc. Việc này như là mở rộng của lời chúc phúc thứ nhất, nhưng với một mức độ sâu hơn. Cái nghèo thì bao hàm những thiếu thốn chung, nhưng khi nói đến đói cái ăn thì chạm ngay đến sự tồn tại, đến mạng sống. Thật vậy, có thể sống nghèo, nhưng không ai sống được nếu phải nhịn đói.
Hình ảnh đối lập giữa những người ăn chơi tiền tỉ bên cạnh những người thoi thóp cần miếng bánh lót dạ cho qua ngày vẫn hằng ngày đập vào mắt chúng ta. Chúa ở bên người đói khát nhưng cũng nhìn thấy kẻ xa xỉ ăn chơi. Chúa nhận ra nỗi đau của kẻ đói để an ủi họ trong ngày phán xét, nhưng cũng khốn nạn cho kẻ no nê mà không biết đồng loại mình đang chết đói. Đó cũng là ý nghĩa của lời phúc và khốn cho người đói – kẻ no nê.
3. Phúc cho anh em là những kẻ bây giờ đang phải khóc lóc…
Theo Chúa thì luôn có thập giá trên vai mà vác, nghĩa là thử thách không thể thiếu trong cuộc đời Ki-tô hữu. Nhưng rồi chính Chúa sẽ lau khô dòng lệ cho những ai theo Người (x. Kh 21,3). Chính Chúa Giê-su cũng chảy nước mắt vì thành Giêrusalem sẽ sụp đổ, khóc thương Lazarô bạn Người chết và đổ mồ hôi máu khi nhìn thấy viễn cảnh thập giá dành cho Người. Cuộc đời Ki-tô hữu cũng sẽ phải khóc cho thế giới hư hoại, khóc cho nội đau của đồng loại và khóc vì thập giá nặng trên vai. Con Thiên Chúa đã khóc và chúng ta cũng khóc, nhưng sự khóc lóc đó sẽ biến thành niềm vui trong Chúa và Chúa Giê-su giúp chúng ta vượt qua đau khổ, biến nó thành nguồn mạch của niềm vui trong Nước Trời.
Ngược lại, con người ngày nay chạy theo những đam mê truỵ lạc, bày ra đủ trò tiêu khiển vui chơi… Họ đã được vui cười, nhưng sự vui cười này đã xô đổ mọi chuẩn mực luân lý và không còn ý thức về tội. Sự vui cười đó đã đẩy họ xa dần Thiên Chúa và đi tới sự khóc lóc đời đời trong hoả ngục.
4. “ Phúc thay cho anh em khi vì con Người mà bị người ta oán ghét, khai trừ, sỉ vả và bị khai trừ như đồ xấu xa…”.
Ngày xưa, các thánh Tử Đạo thường được vua chúa hứa nếu bỏ đạo sẽ được trọng thưởng cho hưởng chức tước vinh hoa bổng lộc (nghĩa là được trọng vọng và ca tụng), còn nếu không bỏ đạo thì sẽ bị lăng nhục và giết chết. Dưới cái nhìn đức tin, chúng ta thấy các thánh đã chọn “cái phúc” là chịu bách hại và từ chối “cái khốn” là được ca tụng.
Ngày nay cũng thế, để được vinh thân phì gia và đương nhiên có chức có quyền có giàu sang thì được ca tụng, không ít người Công giáo đã không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho “tà thần” (…). Nhẹ hơn, không ít người giấu diếm để khỏi người khác biết mình là người Công giáo vì sợ bị chê cười hoặc bị kỳ thị trong công việc… Còn những ai dám sống thật và dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
TÓM LẠI: Tin Mừng hôm nay cảnh giác chúng ta: Giàu có nhưng tham lam, ích kỷ là cái giàu vô phúc; no nê để nuông chiều xác thịt, mù quáng trước tiếng gọi thiêng liêng thì đó là sự no nê bất hạnh; vui cười mà xao lãng việc đạo đức, những bổn phận của đời sống siêu nhiên, chuẩn bị cho đời sống vĩnh hằng, thì đó là vui cười bất hạnh; được mọi người ca tụng cũng không chắc là được hạnh phúc, vì lòng con người thay đổi, nay hoan hô mai đả đảo cách dễ dàng, hơn nữa, cứ mải miết cho người ta ca tụng là làm nô lệ cho danh vọng, và sẽ sao lãng việc làm vinh danh Thiên Chúa, là bổn phận làm người và làm con Chúa. Khi chê trách sự giàu có, vui cười v.v. Chúa Giê-su có ý chê trách thái độ sống theo kiểu thế gian, làm cản trở việc đi vào Nước Trời.
Lạy Chúa Giê-su, các mối phúc theo Tin Mừng hướng chúng con đến với Chúa và tha nhân, chứ không phải chỉ sống ích kỷ cho riêng mình. Xin cho chúng con nhờ sống vì Chúa và sống cho người khác mà chúng con cảm nhận được hạnh phúc thiêng liêng và đích thực, để chúng con biết vượt lên những khó khăn mà sống một cuộc đời thanh tao giữa vũng lầy tội lỗi. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post