CHÚA NHẬT VII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,38-48
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao? Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện.
II. SUY NIỆM
“LUẬT TIN MỪNG”
Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giê-su đưa ra một sự so sánh song đối giữa luật Cựu Ước và luật Tân Ước, luật bó buộc và luật Tin Mừng, luật nguyên nghĩa và luật kiện toàn, luật Do-thái giáo và luật Ki-tô giáo, luật công bằng giao hoán và luật tha thứ, luật đền ơn trả oán và luật yêu thương…
Và Chúa Giê-su muốn xác định rõ ràng, chọn công chính theo luật hay chọn hoàn thiện theo Tin Mừng? Chọn theo luật dạy hay chọn theo Thầy dạy?
- Luật dạy: Mắt đền mắt, răng đền răng.
- Thầy dạy: Ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra cho họ vả luôn…
“Mắt đền mắt, răng đền răng” có lẽ là điều luật sơ khai nhất của luật hình sự về sự công bằng trong thế giới người xưa. Luật báo thù dự kiến kẻ gây hấn sẽ bị đối xử tương xứng với điều thiệt hại đã gây ra cho nạn nhân, giúp trấn áp tội phạm, buộc con người vào trong một trách nhiệm và sợ hãi trước sự nghiêm minh của việc mạng thế mạng, nhằm hạn chế việc đổ máu do không kiềm chế nỗi sự hận thù và giữ sự quân bình giữa tội ác và hình phạt để giảm bớt sự giết hại đồng loại. Tiến triển theo thời gian, người ta có thể thay thế việc đền mạng bằng tiền của vật chất… và trong Do-thái Giáo cũng đã có những lời khuyên là không cần phải báo thù mà hãy dành sự báo thù cho Đức Chúa (x. Cn 20,22).
Chúa Giê-su còn đi xa hơn các bậc hiền nhân Cựu Ước khi đòi hỏi rằng phải lấy thiện báo ác, lấy yêu thương đáp lại hận thù, có như thế mới diệt được tận căn cái ác ở trong lòng con người. Người chủ trương một thái độ rất cá biệt, tương phản hoàn toàn với thái độ bình thường: “Đừng chống cự với người ác”. Người đòi hỏi các môn đệ phải bẻ gãy vòng xích bạo lực, dù hợp pháp và được báo thù. Nguyên tắc yêu thương của Chúa Giê-su làm đảo lộn các cách xử sự theo quy ước của loài người. Sứ điệp Tin Mừng vượt quá các giới hạn công bằng giao hoán kiểu xử sự dân ngoại. Đức ái Ki-tô giáo chấp nhận cả các giới hạn và khiếm khuyết của con người và lòng nhân ái của Ki-tô hữu là thông dự vào tình yêu của chính Thiên Chúa.
- Luật dạy: “Hãy yêu thương đồng loại và ghét kẻ thù”.
- Thầy dạy: “Hãy yêu thương kẻ thù và hãy cầu nguyện cho họ”.
Đây quả là một lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng là những môn đệ Chúa lại phải cố gắng thực hiện, bởi:
Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giê-su trên thập giá đã KÊU XIN CHÚA CHA tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng CẦU XIN CHÚA tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Ki-tô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là YÊU KẺ THÙ và CẦU NGUYỆN CHO HỌ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang đời con cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Vì thế, hãy nên hoàn thiện như Cha chúng ta trên trời là Đấng Hoàn Thiện. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 2,1-12
Vài ngày sau, Đức Giê-su trở lại thành Ca-phác-na-um. Hay tin Người ở nhà, dân chúng tụ tập lại, đông đến nỗi trong nhà ngoài sân chứa không hết. Người giảng lời cho họ. Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giê-su một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giê-su bảo người bại liệt: “Này con, con đã được tha tội rồi.” Nhưng có mấy Kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: “Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? ” Tâm trí Đức Giê-su thấu biết ngay họ đang thầm nghĩ như thế, Người mới bảo họ: “Sao trong bụng các ông lại nghĩ những điều ấy? Trong hai điều: một là bảo người bại liệt: “Con đã được tha tội rồi”, hai là bảo: “Đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi”, điều nào dễ hơn? Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội, -Đức Giê-su bảo người bại liệt,- Ta truyền cho con: Hãy đứng dậy, vác lấy chõng của con mà đi về nhà! ” Người bại liệt đứng dậy, và lập tức vác chõng đi ra trước mặt mọi người, khiến ai nấy đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ bảo nhau: “Chúng ta chưa thấy vậy bao giờ! “
I. SUY NIỆM
“VAI TRÒ TRUNG GIAN”
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc Chúa Giê-su chữa bệnh cho một người bất toại, chữa lành vì lòng tin của các thân nhân và không những chữa lành phần xác mà còn tha thứ tội lỗi cho bệnh nhân.
1. Vai trò trung gian
Hình ảnh những người thân nhân của người bất toại phải trèo tường dỡ mái nhà, làm mọi cách để giúp người thân tiếp cận với Chúa, mong được Chúa chú ý đến sự khốn khổ của họ. Cho thấy niềm tin vào quyền năng của Chúa Giê-su và lòng yêu thương dành cho người anh em đang phải khốn khổ vì bệnh tật. Lòng tin của họ đã được Chúa Giê-su ghi nhận (x. Mc 2,5) và ra tay chữa lành.
Điều này cho thấy tính tương giao trong niềm tin và lời cầu nguyện. Thật vậy, không thiếu những người thân chúng ta, nhữnng người cần đến sự kêu cầu của chúng ta với Chúa. Họ bất lực vì nhiều lý do không thể đến với Chúa để được chữa lành, nhất là phần linh hồn. Chính vì thế, họ cần chúng ta là những Ki-tô hữu, là những người con của Chúa “khiêng” (nâng họ lên) đưa họ đến với Chúa, giúp họ vượt qua những bức tường và dỡ bỏ “mái nhà’ (rào cản mặc cảm tội lỗi), để họ được chữa lành.
Chúa Giê-su không chỉ thấy sự đau khổ của người bất toại, mà còn thấy lòng tin của những người khiêng anh ta đến. Tin Mừng nói rõ rằng, thấy lòng tin của ‘họ’ như vậy, Người đã chữa lành… Đó là một sự khích lệ lớn cho chúng ta khi chúng ta cầu xin cho một ai đó, khi chúng ta trở thành trung gian nối dài tính trung gian của Đức Ki-tô đem Chúa đến cho họ.
2. Quyền tha tội
Khác với mọi người đến nghe giảng và được chữa lành, mấy bác “sư kinh khủng” lại đến để bắt bẻ; mọi người chỉ thấy kính phục và ca ngợi quyền năng Thiên Chúa, còn mấy ông “kinh” kia lại chỉ thấy đó là một sự phạm thượng. Theo quan niệm của các Kinh sư, bệnh tật là do tội mà ra, có thể do chính đương sự phạm tội, cũng có thể do đời cha hay đời ông của đương sự phạm tội mà nay đương sự phải chịu phạt. Chúa Giê-su tuy không chấp nhận quan niệm này, nhưng có lẽ hôm nay, Người dùng chính cách nghĩ của họ để chữa bệnh, người tha tội cho người bất toại nghĩa là trị tận gốc căn cơ của bệnh.
Thật ra, theo như lời khẳng định: “…để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội”, Chúa Giê-su muốn mọi người chân nhận chủ quyền của Thiên Chúa, khẳng định Người là Đấng có quyền tha tội và hành động chữa lành cho người bất toại là một hành động của Thiên Chúa.
Quyền tha tội đó đã được Chúa Giê-su ban cho các Tông Đồ và lưu truyền từ đời này qua đời khác trong Giáo hội; quyền được Chúa ban qua linh mục nơi toà giải tội khi linh mục đọc: “Vậy, cha tha tội cho con…”. Như vậy, nếu còn những ai nghi ngờ về năng quyền này, hãy đọc lại Lời Chúa (Ga 20,23).
Lạy Chúa Giê-su, cách này hay cách khác, chúng con cũng đang bị bệnh bại liệt tâm hồn, xin cho chúng con biết mau chạy đến toà cáo giải để được Chúa tha thứ tội lỗi và chữa lành bệnh tật thiêng liêng cho chúng con. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,27-38
“Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em. Ai vả anh má bên này, thì hãy giơ cả má bên kia nữa. Ai đoạt áo ngoài của anh, thì cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì hãy cho, ai lấy cái gì của anh, thì đừng đòi lại. Anh em muốn người ta làm gì cho mình, thì cũng hãy làm cho người ta như vậy. Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ. Và nếu anh em làm ơn cho kẻ làm ơn cho mình, thì còn gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng làm như thế. Nếu anh em cho vay mà hy vọng đòi lại được, thì còn gì là ân với nghĩa? Cả người tội lỗi cũng cho kẻ tội lỗi vay mượn để được trả lại sòng phẳng. Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Người vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.
“Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ. Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án. Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha. Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. Vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”
II. SUY NIỆM
“YÊU KẺ THÙ”
Bài Tin Mừng hôm nay khá dài, nhưng điều chính yếu vẫn xoay quanh chủ đề: Hãy yêu thương kẻ thù, tha thứ và hãy cầu nguyện cho họ.
Đây quả là một lời dạy khó thực hiện nhất, nhưng là những môn đệ Chúa lại phải cố gắng thực hiện vì nếu không, Ki-tô hữu cũng chẳng hơn gì những người ngoại.
1. Yêu thương kẻ thù.
Nếu chúng ta chỉ yêu những người yêu mình thì cũng có hơn gì dân ngoại và những người tội lỗi, họ cũng làm được và làm tốt hơn nữa là khác. Chúa Giê-su trên thập giá đã kêu xin Chúa Cha tha thứ cho người đóng đinh mình, thánh Têphanô khi bị ném đá cũng cầu xin Chúa tha thứ cho những kẻ bách hại… Đến lượt chúng ta là những Ki-tô hữu, chúng ta giống Chúa và khác với người ngoại chính là việc yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho họ.
Cá tính của con người thật khó để yêu kẻ thù, ngay việc tha thứ và không trả thù đã là cao thượng lắm rồi, đàng này Chúa còn đòi hỏi chúng ta bước thêm một bước cao hơn nữa lên đỉnh hoàn thiện là yêu kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Thật ra, dù khó, nhưng lại là một phương thế tuyệt hảo nhất có thể hoá giải được những mâu thuẫn giữa người với người. Vì khi, cứ tìm cách trả thù nhau thì thù hận càng ngày càng chồng chất từ đời cha sang đời con cháu và cả những dòng tộc trả thù đến trường kỳ. Nếu tôi trả thù được anh thì con anh tìm cách trả thù tôi và cứ như thế mãi mãi. Còn khi lấy ân để trả thù thì không những thù được hoá giải mà còn dễ nên bạn hữu của nhau và làm gương cho hậu thế.
2. Khi tha thứ là lúc được thứ tha.
Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Lại nữa, khi sự tha thứ trong tương quan giữa người với người được thực hiện, lại chính là tiêu chuẩn Chúa xét công trạng cho chúng ta đáng được ân thưởng Nước Trời. Vì: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét, đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa tuyên án…” Lỗi lầm giữa chúng ta với nhau chẳng là gì so với lỗi phạm giữa chúng ta với Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa đã ngàn lần tha thứ cho chúng ta thì đến lượt chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau. Chúa cho mưa xuống trên người lành cũng như kẻ dữ, thì tại sao chúng ta phải phân biệt thương ai ghét ai?
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy yếu đuối và giới hạn, để từ đó dễ cảm thông và không lên án tha nhân. Xin cũng cho chúng con luôn biết sẵn sàng tha thứ cho những ai xúc phạm đến mình, để chúng con cũng được Chúa thứ tha tội lỗi. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post