CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 6,24-34
“Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.
“Vì vậy Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.
II. SUY NIỆM
“TÌM KIẾM NƯỚC THIÊN CHÚA VÀ SỰ CÔNG CHÍNH CỦA NGƯỜI”
Bài Tin Mừng hôm nay làm rõ lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnh của vũ trụ thế giới và làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Bởi thế, tin vào Chúa quan phòng là nhận Thiên Chúa làm chủ đời mình chứ không phải nô lệ cho tiền bạc; tin vào sự quan phòng của Thiên Chúa là lo tìm kiếm nước Thiên Chúa và sự công chính của Người.
1. Không làm tôi hai chủ.
Dù trong địa vị nào, con người vẫn muốn “bắt cá hai tay”, Chúa cũng muốn mà xa hoa cũng muốn. Thật ra, tiền của không có gì là xấu mà là rất cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó sẽ xấu khi ta trở thành nô lệ chúng, để rồi vì tiền mà ta không ngại bất cứ thủ đoạn nào phạm đến Chúa và tha nhân. Nhất là vì lo chạy theo tiền bạc mà quên hết việc đạo đức rồi dần dần tiền của lấn át dần Thiên Chúa, tiền và những lo toan vật chất ngự trị trong tâm hồn ta thay cho Thiên Chúa.
« Không đầy tớ nào có thể làm tôi hai chủ» Chỉ có một chủ chứ không có hai chủ. Ai làm đầy tớ cho tiền bạc, người ấy đương nhiên không có quyền làm ông chủ; người ấy mang trên mình cái ách nô lệ này. Quả thật, đồng tiền đúng ra không có quyền, nó là tên nô lệ bất chính… Sự giầu có không sinh ra với chúng ta, không theo chúng ta đến cùng đích của cuộc đời. Trái lại, Đức Ki-tô, ở với chúng ta vì Người là sự sống…
Con người không được bình an là quá lo lắng về của cải vật chất, để rồi trằn trọc nghĩ suy tính toán, lấn chiếm hết cả thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện, dẫn đến mất cả niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa.
2. Tin vào Chúa quan phòng.
Chúa Giê-su không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa.
Sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi.
Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.
“Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Người dựng nên mọi sự tốt đẹp; biết xây dựng Nước Trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi nơi.
Chúa Giê-su đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: “Chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến”, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người.
“Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Người”, nghĩa là: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa. Nếu đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý Thiên Chúa và chương trình của Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con biết phân định giữa việc chọn Chúa hay chọn tiền bạc, quá lo lắng đến vật chất hay luôn tín nhiệm vào sự quan phòng của Chúa. Xin cho chúng con biết ưu tiên tìm kiếm Nước Chúa và sự thánh thiện, để mọi thứ khác Chúa sẽ ban cho chúng con. Amen.
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 2,18-22
Bấy giờ các môn đệ ông Gio-an và các người Pha-ri-sêu đang ăn chay; có người đến hỏi Đức Giê-su: “Tại sao các môn đệ ông Gio-an và các môn đệ người Pha-ri-sêu ăn chay, mà môn đệ ông lại không ăn chay? ” Đức Giê-su trả lời: “Chẳng lẽ khách dự tiệc cưới lại có thể ăn chay, khi chàng rể còn ở với họ? Bao lâu chàng rể còn ở với họ, họ không thể ăn chay được. Nhưng khi tới ngày chàng rể bị đem đi rồi, bấy giờ họ mới ăn chay trong ngày đó. Chẳng ai lấy vải mới mà vá áo cũ, vì như vậy, miếng vá mới đã vá vào sẽ kéo vải cũ, khiến chỗ rách lại càng rách thêm. Cũng không ai đổ rượu mới vào bầu da cũ, vì như vậy, rượu sẽ làm nứt bầu, thế là rượu cũng mất mà bầu cũng hư. Nhưng rượu mới, bầu cũng phải mới! “
II. SUY NIỆM
“ĐỜI SỐNG MỚI – TINH THẦN MỚI”
Ăn chay, cầu nguyện và làm phúc bố thí là ba sinh hoạt chính trong đời sống đạo đức của Do-thái Giáo. Họ có một cuộc “đại chay” bắt buộc nhân ngày lễ xá tội. Đồng thời họ cũng có những cuộc chay tịnh khác mang tính cách tập thể, chẳng hạn như vào các ngày tổ quốc gặp hoạn nạn. Ngoài ra, những người đạo đức còn ăn chay vì lòng sốt sắng, như các môn đệ của Gio-an Tẩy Giả và những người Biệt phái, họ thường ăn chay mỗi tuần hai lần. Chung quy lại, ăn chay đối với Do-thái Giáo bao gồm ba ý nghĩa chính:
– Để tỏ lòng sám hối và xin ơn.
– Đợi chờ Đấng Cứu Thế đến giải phóng dân khỏi ách đô hộ ngoại bang.
– Lòng đạo đức.
Từ đó, chúng ta có thể hiểu, những người thắc mắc về việc ăn chay trong bài Tin Mừng hôm nay là ăn chay bởi sự nhiệt thành đạo đức. Bởi vì, ngay trong lời thắc mắc của họ: “Tại sao môn đệ của Gio-an và Biệt phái ăn chay, còn môn đệ Thầy thì không?”
Theo trình tự của Tin Mừng, đây không phải là dịp xá tội để giữ chay theo mùa, đây cũng không phải việc cố ý thắc mắc vì không tin Đấng Cứu Độ đã đến, vì chính Gio-an Tiền Hô (bao gồm các môn đệ của ngài) đã tin Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế.
Lại nữa, trong câu trả lời của Chúa Giê-su: “Các ông có thể bắt các bạn hữu đến dự tiệc cưới, ăn chay, đang khi tân lang còn ở với họ chăng?” Nghĩa là trong thời gian của sự vui mừng. Hơn nữa, Chúa Giê-su còn lấy ví dụ về “miếng vải mới không thể vá vào áo cũ”, nghĩa là Người lên án về việc người Do-thái muốn dùng cái đạo đức của mình để áp đặt cho người khác, họ muốn dùng cái bình luật cũ để đổ rượu giao ước mới vào.
Nhưng dù hiểu theo nghĩa nào, thì tự bản chất việc ăn chay của người Do-thái là một phương thế rất tốt, và chính Chúa Giê-su cũng ủng hộ việc chay tịnh là phương thế để chống lại ma quỷ và chước cám dỗ. Nhưng ở đây, Người nhấn mạnh đến tinh thần ăn chay chứ không phải sự tỏ lộ ra bên ngoài như đầu tóc bù xù, mặc đồ xuếch xoác, mặt mày ủ rũ, thiểu não… để thiên hạ khen là đạo đức thánh thiện.
Nơi Tin Mừng Matthêu, Chúa Giê-su còn dạy: “Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh”. Dĩ nhiên là không phải cứ hễ giữ chay là phải xức nước hoa hay bận đồ đẹp hoặc giả bộ vui vẻ, mà là sự kín đáo âm thầm chỉ mình ta với Chúa. Không tìm vinh danh nơi lời ca tụng người đời, mà là để Thiên Chúa được vinh danh nơi sự hi sinh hãm mình của chúng ta.
Như vậy, qua việc chất vấn của người Do-thái, Chúa Giê-su đã nhân cơ hội này, dạy chúng ta những bài học sau:
Đừng học đòi những người bắt bẻ môn đệ Chúa Giê-su về việc ăn chay bởi vì họ xét đoán người khác, bắt người khác làm theo ý của mình, bắt người khác phải giống như họ, tạo ra một khuôn mẫu để bắt người khác phải chiều theo ý mình.
Trở thành môn đệ Chúa Giê-su, ta phải thay đổi cách sống cũ, từ suy nghĩ đến hành động, để mặc lấy cách suy nghĩ, cách hành động, cách sống mới cho phù hợp với Tin Mừng.
Vải vá áo, rượu trong bình là hình ảnh diễn tả đời sống của tôi. Chúa muốn tôi buớc theo Chúa thì cần phải thay đổi cách sống cho phù hợp với Tin mừng. Thay đổi tư tưởng, lời nói và hành động Thay đổi để trở nên giống như Chúa Giê-su, hiền lành, khiêm nhượng, yêu thương phục vụ, khoan dung tha thứ…
Lạy Chúa Giê-su, Chúa dạy chúng con biết hãm mình để chiến đấu chống lại chước ma quỷ cám dỗ, xin cho chúng con cũng luôn ý thức rằng việc ăn chay hãm mình trở thành phương thế đền tội và có công phúc trước mặt Chúa không hệ tại ở số lượng hay được ghi nhận từ người đời, mà là xuất phát từ tấm lòng chân thành cùng với tâm tình riêng tư giữa chúng con với Chúa. Amen
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 6,39-45
Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!
“Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.
II. SUY NIỆM
Sai lầm của một người bình thường, thì tác hại chỉ riêng mình người ấy, nhưng nếu tư tưởng hoặc công việc của một nhà lãnh đạo hay một người lo việc giáo dục sai lầm thì hệ quả kéo theo sai lầm của cả một thế hệ. Thật vậy, khi những người có trách nhiệm xét đoán và phân định sai thì kéo theo cả một hệ thống sai lầm và hậu quả càng trở nên tệ hại. Đó cũng là điều các bậc thầy Do-thái mắc phải mà Chúa Giê-su lên án họ qua bài Tin Mừng hôm nay:
1. Mù dắt mù thì cả hai sẽ lăn cù xuống hố.
Điều Chúa Giê-su nhắm tới đầu tiên chính là những bậc thầy Do-thái, họ đang bị mù về tâm linh vì không nhận ra Chân Lý, không nhận ra Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ, và chính vì sự mù loà đó mà họ đã dẫn đưa cả đoàn dân đến sự sai lạc để rồi phải rơi “xuống hố” diệt vong.
Đó là cái mù đức tin. Nghĩa là không biết gì về nguyên nhân và cùng đích của cuộc sống, cũng không biết mình đang sống để làm gì, sau này mình sẽ ra sao. Cái mù này liên can tới định mệnh đời đời của mỗi người.
Với tư cách là Ki-tô hữu, người môn đệ của Đấng đã tự xưng mình là ánh sáng thế gian, chúng ta phải củng cố niềm tin cho trong sáng và vững bền, để trong nhận thức cũng như trong hành động, ta trở nên đuốc sáng soi cho mọi người về những giá trị siêu nhiêu cũng như tự nhiên của cuộc sống.
Cũng có thể hiểu cái mù ở đây là cái mù của con mắt tâm hồn, nghĩa là người biết một đôi điều về phương diện nào đó, học lóm được cái gì đó, nhưng thích phô trương giữa dân chúng, thích làm thầy dạy người khác. Xã hội có nhiều người bị mù con mắt tâm hồn thì xã hội sẽ loạn, giáo xứ lắm kẻ bị mù loà tâm linh thì giáo xứ xuống cấp… nhất là người mù tâm linh kia mà giữ được chức vụ trọng yếu trong cộng đoàn hay giáo xứ thì còn tệ hại hơn.
2. Việc mình thì quáng, việc người thì sáng.
Dân gian có câu:
“Chân mình những lấm mê mê
Lại cầm bó đuốc đi rê chân người”
Chúa Giê-su vạch rõ tính cách của nhiều người trong chúng ta thường thì không thấy lỗi lầm của mình, nhưng lại xoi mói dò xét cái lỗi của người khác mà lắm khi cái lỗi của chúng ta còn lớn gấp trăm lần cái lỗi của tha nhân.
“Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi. Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.
Cái lỗi nhỏ như cái rác của tha nhân thì mình dễ nhìn thấy, nhưng cái lỗi lớn như xà nhà của mình thì lại không thấy. Chúng ta dễ dàng kết án cái lỗi nhỏ nhặt của tha nhân, nhưng lại không ý thức về những tội tày đình của bản thân…
Chúng ta dễ nói lên ý kiến, nhận định chủ quan về người khác, mặc dù chúng ta chẳng có trách nhiệm để làm việc đó, hay sẵn sàng rêu rao cho mọi người biết về những sai lầm, khiếm khuyết của người khác nhằm ngầm ý đề cao mình hơn.
Chúa Giê-su không cấm chúng ta có những nhận xét khách quan, những nhận xét phân biệt phải trái, sai quấy. Nhưng khi chúng ta kết tội và lên án lương tâm người anh em, là chúng ta xâm phạm quyền chỉ dành riêng cho Thiên Chúa. Trong đời sống cộng đồng, điều này dễ xảy ra khi chúng ta có một chút gì hơn anh chị em mình thì dễ dàng dùng mình làm tiêu chuẩn để lên án người khác, hay những khi “suy bụng ta ra bụng người”, mắt mình dính bụi thì thấy mọi thứ đều bẩn.
3. Xem quả biết cây.
Nhiều người khi nghe đoạn Tin Mừng này, thường tập trung chú giải theo hướng “cha nào con nấy” hay “hổ phụ sinh hổ tử”. Nghĩa là cha mẹ làm sao thì con nó làm vậy. Điều này có phần đúng khi “cha mẹ hiền để đức cho con”, vì con cái kế thừa tính di truyền về hình dáng và cá tính từ cha mẹ. Tuy nhiên, sự kế thừa thường bị phá vỡ bởi phần nhiều do hoàn cảnh và môi trường đã tác động làm thay đổi đời sống luân lý đạo đức nơi thế hệ sau. Cụ thể, không thiếu những bậc cha mẹ đạo đức sinh ra đứa con “trời đánh”, hay cha mẹ thông minh sinh đứa con học lực “đội sổ”, hoặc cha mẹ tầm thường sinh đứa con thành đạt, hay cha mẹ bê tha sinh đứa con ngoan đạo tốt lành…
Chính vì thế, mà với lời dạy của Chúa Giê-su hôm nay, chúng ta chỉ nên tập chú hiểu theo khía cạnh xem kết quả cuối cùng để biết động lực xuất phát từ Thiên Chúa hay từ loài người, từ ý tốt hay bởi dụng ý xấu, để vinh danh Chúa hay ngầm ý vinh danh mình…?
Thiết nghĩ, để phân định được ngôn sứ thật hay kẻ giả danh, tiên tri của Chúa hay sứ giả của Sa-tan? Chúng ta dựa vào ít nhất ba điều kiện sau đây:
– Có tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa như đức tin tông truyền từ các Tông Đồ dạy không?
– Có nhằm để Thiên Chúa được vinh danh hay không (ý Chúa hay ý mình)?
– Có vâng phục huấn quyền như Chúa Giê-su dạy và kết quả cuối cùng có đem lại sự hiệp nhất không?
Có tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa như đức tin tông truyền từ các Tông Đồ dạy không?
Càng ngày càng xuất hiện nhan nhản những kẻ xưng mình là “thị nhân”, là “con gái yêu”, là “ngôn sứ thật”, là “được Chúa sai đi” rồi tự cho mình được “mạc khải” nhưng thực tế lại rao truyền điều đi ngược lại với đức tin tông truyền mà Chúa Giê-su giao cho các Tông Đồ truyền lại cho Giáo hội. Chẳng hạn, có cái gọi là “sứ điệp từ trời” của một phụ nữ tự xưng là “con gái yêu” của Chúa, rao truyền những điều nghịch đức tin, dựa theo những con số tượng trưng trong Thánh Kinh rồi giải thích theo nghĩa đen, lên án Giáo hội trong công đồng Vaticano II, bất phục và không tin vào sự kế vị hợp pháp của Đức Thánh Cha… Như thế, chính cái gọi là sứ điệp ấy tự mâu thuẫn với Lời Chúa dạy.
Có nhằm để Thiên Chúa được vinh danh không (ý Chúa hay ý mình)?
Rất nhiều công việc của vị này, đấng nọ, người kia làm bao việc trọng đại, xả thân rao giảng, xây dựng các công trình tôn giáo và từ thiện, nhưng thay vì để Thiên Chúa được vinh danh thì họ lại ưa thích được sự ngưỡng mộ khen tặng và muốn được lưu danh…
Có vâng phục huấn quyền như Chúa Giê-su dạy và kết quả cuối cùng có đem lại sự hiệp nhất không?
Giáo hội trải qua hơn 20 thế kỷ đã phải đương đầu với bao nhiêu lạc giáo. Hầu như các lạc giáo đều có mẫu số chung là luôn khởi đầu có vẻ rất đạo đức, họ ngụy trang bằng Lời Chúa và nhân danh Chúa để bảo vệ chân lý, nhưng rồi càng ngày càng xa lìa chân lý đích thực là Chúa Ki-tô trong Giáo hội, chỉ vì sự tự tôn cái tôi của họ và bất phục huấn quyền. Ngày nay, một hình thức lạc giáo mới đang lợi dụng truyền thông để thực hiện ý đồ xấu, cụ thể là những kẻ bất mãn với các mục tử đã lập các website và trang-nhóm trên mạng xã hội để lên án và nói xấu hàng giáo phẩm, lôi kéo thật nhiều thành viên đi theo họ và ủng hộ họ. Hầu như dù họ viết gì, mở đầu thì luôn là Lời Chúa và việc đạo đức, nhưng rồi cũng vòng vo sang chuyện nói xấu các đấng bậc trong Giáo hội và lên án Giáo hội. Chung quy lại là tìm cách chia rẽ thay vì hiệp nhất anh chị em mình trong một Giáo hội. Đáng tiếc là nhiều anh chị em Công giáo chúng ta, đặc biệt là các bạn trẻ dễ bề bị họ mê hoặc.
Như vậy, theo lời Chúa Giê-su dạy, chúng ta dùng tiêu chuẩn “xem quả biết cây” để phân định đâu là ngôn sứ thật và đâu là tiên tri giả, hầu không vội vàng tin theo những thứ mới lạ làm lung lạc niềm tin của mình vào Chúa Ki-tô và vâng phục Giáo hội.
Lạy Chúa Giê-su là Ánh Sáng thế gian soi chiếu con mắt tâm hồn của mọi người, xin cho chúng con biết gội rửa con mắt tâm hồn mỗi ngày bằng việc suy tư và thực hành Lời Chúa, để chúng con không bị lầm đường lạc lối, đồng thời nhờ ơn Chúa soi dẫn, chúng con có khả năng dẫn dắt tha nhân đến với Chúa. Amen
Discussion about this post