CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA
NĂM A & B
I. ĐỌC TIN MỪNG:
* Năm A: Mt 3,13-17
Bấy giờ, Đức Giê-su từ miền Ga-li-lê đến sông Gio-đan, gặp ông Gio-an để xin ông làm phép rửa cho mình. Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi! ” Nhưng Đức Giê-su trả lời: “Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.” Bấy giờ ông Gio-an mới chiều theo ý Người.
Khi Đức Giê-su chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tầng trời mở ra. Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.”
* Năm B: Mc 1,7-11
Ông Gioan rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
II. SUY NIỆM
“NHẬP THỂ – NHẬP THẾ”
Rất nhiều bài giảng, chia sẻ hoặc suy niệm tuyệt hay về hai ý nghĩa: Chúa không có tội nhưng chịu phép rửa thống hối thay cho nhân loại, và Chúa chịu phép rửa không phải để thanh tẩy mình mà là để thanh tẩy dòng nước. Rất tuyệt vời, nhưng hơi khó hiểu “tác dụng ngược” cho Thần Học Bí Tích Rửa Tội mà Chúa Giêsu lập ra sau này, bởi Bí Tích là qua dấu chỉ bề ngoài để thông ơn cho kẻ lãnh nhận, chứ đâu phải ngược lại thụ nhân lại ban ơn ngược cho Bí Tích. Dù Phép Rửa của Gioan chỉ là hình bóng của Phép Rửa Kitô giáo, nhưng tại sao Chúa Giêsu làm “ngược lại”?
Vì thế, người viết đoạn chia sẻ này chỉ dám bàn đến hai điểm nhỏ sau đây:
1. Một sự nhập thể trọn vẹn.
Con Thiên Chúa đi vào đời, sinh vào một quốc gia và một thể chế Tôn Giáo, nhất là đất nước và tôn giáo đóng vai trò khởi đầu ơn cứu độ, thì đương nhiên nhập gia tuỳ tục. Chúa Giêsu nhập thể và nhập thế cách trọn vẹn khi Người mang lấy một thân phận con người, sinh ra nơi một gia đình, giữ mọi tập tục lễ nghi. Dù Phép Rửa của Gioan lúc này chỉ là một sự sám hối không có trong lề luật, nhưng trong lúc này từ Pharisiêu đến người nô lệ đều tin và kéo đến lãnh nhận, thiết nghĩ việc Chúa Giêsu chịu phép rửa ít là để làm gương, đồng thời chuyển tải một sứ điệp là bất cứ ai muốn đón nhận Nước Trời, đều phải bắt đầu bằng việc sám hối. Đó là sứ điệp chung mà Gioan Tiền Hô cũng như Chúa Giêsu bắt đầu trong Lời Rao Giảng đầu tiên (kégysma): “Hãy sám hối vì Nước Trời đã gần” (Mt 4,17).
Đặc biệt trong Tin Mừng Mát-thêu sau khi Gioan không dám làm phép rửa cho Chúa Giêsu, thì Người nói: “Vì chúng ta cần chu toàn bổn phận như thế” (Mt 3,15). Câu này là Chúa nói rõ ràng chứ không phải ai bịa ra, Người muốn chu toàn bổn phận chứ không phải Người nói với Gioan là “rửa cho tôi để tôi thanh tẩy nước”, hoặc “rửa giùm tôi vì tôi chịu phép thay cho nhân loại”.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là trong ngày khởi đầu sứ vụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho nhiều người thấy sự chứng thực của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một khẳng định về thiên tính trong Ba Ngôi của Người, và Gioan cũng vui mừng vì được chứng thực Đấng mình loan báo đã đến và sứ vụ của ông hoàn tất.
Như vậy, sứ điệp mà Chúa muốn mỗi chúng ta hôm nay là sống tinh thần nhập thể, khởi đầu để đón nhận một sứ vụ gì đều cần phải sám hối vì thân phận con người của mình. Đồng thời sống tinh thần nhập thế, là nhập gia tuỳ tục, hoà mình vào cảnh sống của cộng đoàn ta đang sống, hoà mình với hoàn cảnh nơi ta được sai đến, hoà đồng chứ không bị hoà tan; noi gương Chúa Giêsu, trở nên một người như mọi người để cứu độ muôn người.
2. Ý nghĩa tích cực của Bí Tích Rửa Tội.
Trong buổi gặp gỡ các khách hành hương ngày 8 tháng giêng năm 2014, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hỏi rằng: “Ai trong các bạn còn nhớ ngày mình được rửa tội thì giơ tay lên. Ai còn nhớ?” Hàng ngàn người mà không ai nhớ cả. Có lẽ mọi người chúng ta cũng thế, chúng ta ghi nhớ những ngày được vào hội đoàn này tổ chức nọ, được làm chức này việc nọ… rồi kỷ niệm 10 năm, ngân khánh, kim khánh, ngọc khánh… Nhưng lại ít ai nhớ ngày mình được “làm Con Chúa” và “làm con Hội Thánh”, được gia nhập “Nước Trời”.
Nhiều và rất nhiều người khi nghe đến việc chịu Phép Rửa Tội là nghĩ ngay đến chuyện được tha tội nguyên tổ (và tội riêng ta phạm), nghĩ theo cách này không sai chút nào nhưng có vẻ tiêu cực. Chúng ta đọc lại Giáo Lý Công Giáo số 1213 và 1279 dạy rằng “…Bí Tích Rửa Tội tái sinh chúng ta trong ơn thánh, phục hồi cho chúng ta quyền làm con Thiên Chúa, được gia nhập vào Hội Thánh…”. Như thế, Bí Tích Rửa Tội trước hết là một sự phục hồi ơn siêu nhiên đã mất bởi nguyên tổ, rồi tái sinh chúng ta nên người mới, được làm con Thiên Chúa và là em của Chúa Giêsu. Hiểu theo cách tích cực, Bí Tích Rửa tội không chỉ là phục hồi lại tình trạng nguyên thuỷ, mà còn nâng con người lên một địa vị cao hơn, được gọi Thiên Chúa là Cha và làm “con người mới” nên một chi thể trong Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giê-su, nhân ngày mừng Lễ Chúa Chịu Chịu Phép Rửa hôm nay, xin cho chúng con ý thức hơn về ơn gọi làm Kitô hữu của mình, để chúng sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 3,15-16.21-22
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.
Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con.
II. SUY NIỆM.
“LỜI CHỨNG”
Con Thiên Chúa đi vào trần gian cũng như bắt đầu công trình nhập thế vẫn trong hình hài giản dị khó nghèo để đồng hành với con người, nên khó có ai nhận ra được bản tính và sự nghiệp của Người, nên cần đến những lời chứng thực của Thiên Chúa Cha và lời giới thiệu từ sứ giả của Người là Gioan Tiền Hô.
Phụng vụ Lời Chúa trong Tin Mừng ngày hôm nay cho chúng ta hai lời chứng đó.
1. Lời chứng của Chúa Cha.
“Này là Con Ta Yêu Dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”
Lời chứng này có hai vế:
Vế thứ nhất là Lời Mặc Khải đến từ chính Thiên Chúa Cha, chứng thực Chúa Giê-su Con Thiên Chúa Cha tự đời đời nay đến trần gian hầu cứu độ nhân loại. Thật vậy, Chúa Giê-su là mặc khải tròn đầy của Thiên Chúa Cha. Vì thế, sau Người, không nhất thiết phải có những mặc khải nào nữa. Nên Giáo hội đã rất dè dặt với “những mặc khải tư”. Bởi “mặc khải tư” chỉ như là một sự giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa, chứ không phải đi ngược hoặc thay thế những Lời Thiên Chúa mà Chúa Giê-su “đã tỏ cho các Tông đồ”. Thế nhưng, vấn đề này đã trở nên lạm dụng khá nhiều khi không thiếu những người tự xưng là “thị nhân” này, “con gái yêu” nọ, “tông đồ” kia… Vì vậy, để tránh những sai lạc, chúng ta áp dụng theo vế thứ hai từ Lời chứng sau đây:
Vế thứ hai là một lệnh truyền của chính Thiên Chúa Cha: “Các ngươi hãy nghe lời Người”. Lời phán trực tiếp phán từ trời xuống thì mấy ai có được diễm phúc nghe thấy, nhưng Lời đến trong xác phàm là Chúa Giê-su thì bất cứ ai cũng đón nhận được qua Lời Chúa hằng ngày, qua Thánh Kinh và qua Giáo Hội. Tin vào những “thị nhân” hoặc những kiểu “sứ điệp cửa sau” thì luôn có thể lầm lạc, nhưng tin vào Lời Chúa qua Thánh Kinh và Giáo Hội thì không bao giờ lầm được. Đó cũng là căn bản lời khẳng định của Thiên Chúa Cha qua sự soi sáng của Chúa Thánh Thần dành cho bất cứ ai biết lắng nghe và tuân giữ Lời Chúa.
Nhưng có lẽ quan trọng hơn cả là trong ngày khởi đầu sứ vụ hôm nay, Chúa Giêsu muốn cho nhiều người thấy sự chứng thực của Chúa Cha và Chúa Thánh Thần, một khẳng định về thiên tính trong Ba Ngôi của Người, và Gioan cũng vui mừng vì được chứng thực Đấng mình loan báo đã đến và sứ vụ của ông hoàn tất.
2. Lời chứng của Gioan.
Lời chứng của Gioan là là lời khiêm tốn khẳng định về chỗ đứng trong bổn phận của việc làm chứng cho Chúa Giê-su được lớn lên trong mọi người và mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa.
Thật vậy, mọi người được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau, ơn gọi khác nhau tuỳ khả năng và bậc sống của mình, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh, mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Thánh Gioan có lý do để nhận và giữ vị thế cho mình, vì dân chúng ai nấy lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, cúi đầu lắng nghe và chịu phép rửa của ngài, có các môn sinh theo ngài, và ngay Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa dưới tay ngài, nhưng ngài ý thức vai trò và sứ vụ là đi trước chuẩn bị cho Chúa đến. Ngài ý thức giai đoạn của ngài là gì trong chương trình của Chúa.
Còn chúng ta (cả đời lẫn đạo), không ít người tự lầm tưởng như chỉ có mình mới làm được điều này điều kia mà không ai có thể thay thế, rồi lo tạo cánh kéo bè củng cố chỗ đứng của mình. Đặc biệt khó chấp nhận và tìm cách níu kéo khi phải bàn giao công việc cho người khác.
“Ai cưới cô dâu, người ấy là chú rể”. Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo hội là của Chúa chứ không phải của người được Chúa sai đến. Chúng ta dễ bị cám dỗ chạy theo danh vọng và địa vị mỗi khi làm được việc gì đó cho người khác. Có khi khoe khoang và kể về công trạng của mình cho người khác khen ngợi. Chúng ta dành vị trí “làm chồng” của Chúa, làm cho Chúa nhỏ lại để mình được lớn lên. Hãy nhớ rằng, Chúa mới là “chồng”, Hội Thánh địa phương hay hoàn vũ và riêng từng người là hiền thê (vợ) của Chúa trong tình yêu Giêsu; còn những ai được Chúa sai đến chỉ là “phù rể”, mà phù rể thì lo chuẩn bị cho người ta đón chú rể đến, và vui mừng khi chú rể gặp được “cô dâu”, chứ không phải mình dành vị trí của chú rể.
“Người phải lớn lên, còn tôi thì nhỏ lại”. Vâng, chúng ta cần khiêm tốn ý thức chỗ đứng của mình trong chương trình của Chúa, để Chúa được vinh danh trong công việc của chúng ta. Đặc biệt, cá tính và đam mê của chúng ta phải nhỏ lại, thì Chúa mới lớn lên được trong tâm hồn chúng ta; còn nếu trong tâm hồn chúng ta cao ngạo, ngổn ngang mọi thứ đam mê, ước vọng vật chất phình to lấp đầy, thì Chúa sẽ không còn chỗ để hiển ngự với chúng ta được.
Tóm lại, khi chúng ta chào đời là chúng ta được sinh ra lần thứ nhất vào thế giới này, nhưng khi lãnh bí tích Rửa Tội là chúng ta được sinh ra trong Giáo hội và trở thành con Thiên Chúa. Vì thế, cũng như Chúa Giê-su hôm nay bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, thì chúng ta cũng được mời gọi -nhớ lại ngày mình được rửa tội- hầu ý thức về vai trò ngôn sứ là làm chứng cho Chúa và giới thiệu Chúa cho mọi người. Làm chứng bằng chính việc lắng nghe và sống Lời Chúa, giới thiệu Chúa bằng cách khiêm tốn làm cho Chúa được lớn lên trong chính mình, trong tha nhân và trong thế giới hôm nay.
Lạy Chúa Giê-su, nhân ngày mừng Lễ Chúa Chịu Chịu Phép Rửa hôm nay, xin cho chúng con ý thức hơn về ơn gọi làm Kitô hữu của mình, để chúng sống xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post