LỄ THÁNH GIA THẤT
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 2,13-15.19-23
Khi các nhà chiêm tinh đã ra về, thì sứ thần Chúa hiện ra báo mộng cho ông Giu-se rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập, và cứ ở đó cho đến khi tôi báo lại, vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi đấy! ” Ông Giu-se liền trỗi dậy, và đang đêm, đưa Hài Nhi và mẹ Người trốn sang Ai-cập. Ông ở đó cho đến khi vua Hê-rô-đê băng hà, để ứng nghiệm lời Chúa phán xưa qua miệng ngôn sứ: Ta đã gọi con Ta ra khỏi Ai-cập.
Sau khi vua Hê-rô-đê băng hà, sứ thần Chúa lại hiện ra với ông Giu-se bên Ai-cập, báo mộng cho ông rằng: “Này ông, dậy đem Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en, vì những kẻ tìm giết Hài Nhi đã chết rồi.” Ông liền trỗi dậy đưa Hài Nhi và mẹ Người về đất Ít-ra-en. Nhưng vì nghe biết Ác-khê-lao đã kế vị vua cha là Hê-rô-đê, cai trị miền Giu-đê, nên ông sợ không dám về đó. Rồi sau khi được báo mộng, ông lui về miền Ga-li-lê, và đến ở tại một thành kia gọi là Na-da-rét, để ứng nghiệm lời đã phán qua miệng các ngôn sứ rằng: Người sẽ được gọi là người Na-da-rét.
II. SUY NIỆM
“CHU TOÀN BỔN PHẬN”
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Gia Đình Thánh Gia phải sống cảnh viễn xứ, phiêu bạt đó đây để chạy trốn sự truy nã của Hê-rô-đê tìm Hài Nhi Giê-su để sát hại. Thánh Giu-se đã đem Hài Nhi Giê-su và Mẹ Ma-ri-a đang đêm chạy từ Bê-lem qua đất Ai-cập, rồi lại từ Ai-cập trở về Na-za-rét. Các đấng đã phải lang thang nơi đất khách quê người, sống kiếp đời làm thuê khổ cực kiếm kế sinh nhai. Có thể nói, ngay mới những ngày đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, thánh Giu-se và mẹ Maria đã phải gặp trăm chiều thử thách về niềm tin, khi phải đối diện với muôn vàn gian khó để bảo vệ và chăm sóc cho Hài Nhi bé nhỏ.
Dưới đây là một vài gợi ý suy tư về gia đình Thánh Gia qua bài tường thuật của thánh ký Mát-thêu:
1. Thánh Giu-se – mẫu mực cho các bậc gia trưởng.
Là dưỡng phụ của Đấng là Vị Cứu Tinh, là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Con Đấng Tối Cao, là “chồng” của Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Các Thiên Thần… ấy thế mà người con ấy và người mẹ ấy lại đang bị những kẻ là phàm nhân truy sát, phải lang thang nơi xứ người, bản thân phải đem vợ con trốn chui trốn lủi cả đêm và phải đi làm thuê làm mướn để nuôi gia đình… Liệu có khi nào thánh Giu-se khủng hoảng niềm tin với Đấng mà mình dưỡng dục hoặc nghi ngờ về người bạn đời là Mẹ Thiên Chúa không? Bởi tại sao Đấng là Con Thiên Chúa lại không ra tay can thiệp? Nếu là chúng ta, chúng ta thử đặt mình vào vị trí của thánh Giu-se, chúng ta có phàn nàn kêu trách Chúa và nghi ngờ về Người không?
Thánh Giu-se đã hoàn thành sứ mạng của một người chồng, người cha trong gia đình và đã đưa Chúa Giê-su và Đức Mẹ về nơi an toàn tại Na-za-rét để sống chung trong một gia đình thánh. Trong tư cách làm chồng, chúng ta được mời gọi sống theo gương thánh Giu-se yêu thương, giúp đỡ, bao bọc chở che cho vợ chứ không là người đánh đập hay đay nghiến vợ; luôn thương yêu và lo lắng cho gia đình luôn được êm ấm, và gặp khi thử thách cũng không kêu ca nản chí.
2. Thánh Mẫu Maria – gương sáng cho các bà mẹ.
Mẹ Maria biểu lộ người vợ hiền luôn gắn bó và đồng hành với thánh Giu-se trên mọi nẻo đường. Khi cùng thánh Giu-se trở về quê quán làm sổ kiểm tra ở thành đô hay lúc phải trốn qua Ai Cập, lẫn khi trở về Na-za-rét, hoặc lúc lạc mất Chúa Giê-su ở đền thờ, Mẹ Maria cùng chung chia vui buồn sướng khổ với thánh Giu-se. Tình yêu biểu lộ qua sự tâm đầu ý hợp và sống nên một với nhau. Mẹ Maria cùng chung một niềm tin can trường trước những éo le của cuộc sống, Mẹ không oán thán hay nghi ngờ vì tại sao con mình là Chúa lại phải bách hại và gia đình phải lầm than cơ cực. Mẹ sống âm thầm xin vâng, lo lắng cho Chúa Giê-su được ngày càng lớn lên trong ân nghĩa.
Noi gương Mẹ Maria, những người làm vợ cũng được Lời Chúa mời gọi biết phục tùng chồng trong yêu thương và tôn trọng nhau cho xứng với những người thuộc về Chúa. Đồng thời chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái nên người.
3. Chúa Giê-su – gương sống cho những người con trong gia đình.
Trong gia đình Thánh Gia, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giê-su vẫn hoàn toàn chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa (x. Lc 2,49) và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình khi sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se (x. Lc 2,51). Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,40).
Như vậy, noi gương Chúa Giê-su, trong phận làm con, chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình. Sự hiếu kính đó không chỉ là điều hợp với lẽ phải, hợp với khao khát chính đáng của con người, nhưng còn là điều đẹp ý Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa muốn con cái thờ cha kính mẹ (x. Đnl 5,16). Bởi lòng hiếu thảo của con cái là quà tặng đẹp nhất dâng cho cha mẹ và được Chúa chúc lành.
Tóm lại, mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, mời gọi mọi người chúng ta sống thánh trong chức phận của mình cách cụ thể. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết vun đắp cho gia đình nên trong ấm ngoài êm, biết lo lắng, hy sinh, nhường nhịn và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,13).
Lạy Chúa, gia đình được ví như Hội Thánh tại gia, nơi ươm mầm tương lai cho Giáo Hội. Xin cho mỗi thành viên trong các gia đình biết cùng cộng tác với nhau, xây dựng gia đình mình thành mái ấm tình thương, thành nơi chan chứa tình bác ái và yêu thương. Và sự yêu thương đó lan toả trên gia đình lối xóm và mọi nơi, để mọi người nhìn thấy Chúa đang hiện diện thực sự trong gia đình, mà ca ngợi Thiên Chúa. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,22-40
Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê, bà Ma-ri-a và ông Giu-se đem con lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non. Hồi ấy ở Giê-ru-sa-lem, có một người tên là Si-mê-ôn. Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông. Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa. Được Thần Khí thúc đẩy, ông lên Đền Thờ. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giê-su đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người, thì ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng:
“Muôn lạy Chúa, giờ đây
theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ
Chúa đã dành sẵn cho muôn dân:
Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại,
là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”
Cha và mẹ Hài Nhi ngạc nhiên vì những lời ông Si-mê-ôn vừa nói về Người. Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”
Lại cũng có một nữ ngôn sứ tên là An-na, con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.
Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Na-da-rét, miền Ga-li-lê. Còn Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa.
II. SUY NIỆM
« CHU TOÀN LUẬT CHÚA »
Bài Tin Mừng hôm nay LỄ THÁNH GIA THẤT hôm nay kể lại việc Gia Đình Thánh Gia đem dâng Hài Nhi Giêsu cho Thiên Chúa Cha. Nơi đây, Chúa Ngôi Hai đã tỏ mình cho ông Simêon và bà Anna -là những người sống công chính và khao khát gặp Chúa- được gặp thấy Người.
Qua bài Tin Mừng, chúng ta cùng suy tư về mẫu gương của Gia Đình Thánh Gia:
1. Thánh Giu-se – mẫu mực cho các bậc gia trưởng.
Là dưỡng phụ của Đấng là Vị Cứu Tinh, là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Con Đấng Tối Cao, là “chồng” của Mẹ Thiên Chúa, là Nữ Vương Các Thiên Thần… ấy thế mà người con ấy và người mẹ ấy lại đang bị những kẻ là phàm nhân truy sát, phải lang thang nơi xứ người, bản thân phải đem vợ con trốn chui trốn lủi cả đêm và phải đi làm thuê làm mướn để nuôi gia đình… Liệu có khi nào thánh Giu-se khủng hoảng niềm tin với Đấng mà mình dưỡng dục hoặc nghi ngờ về người bạn đời là Mẹ Thiên Chúa không? Bởi tại sao Đấng là Con Thiên Chúa lại không ra tay can thiệp? Nếu là chúng ta, chúng ta thử đặt mình vào vị trí của thánh Giu-se, chúng ta có phàn nàn kêu trách Chúa và nghi ngờ về Người không?
Thánh Giu-se đã hoàn thành sứ mạng của một người chồng, người cha trong gia đình và đã đưa Chúa Giê-su và Đức Mẹ về nơi an toàn tại Na-za-rét để sống chung trong một gia đình thánh. Trong tư cách làm chồng, chúng ta được mời gọi sống theo gương thánh Giu-se yêu thương, giúp đỡ, bao bọc chở che cho vợ chứ không là người đánh đập hay đay nghiến vợ; luôn thương yêu và lo lắng cho gia đình luôn được êm ấm, và gặp khi thử thách cũng không kêu ca nản chí.
2. Thánh Mẫu Maria – gương sáng cho các bà mẹ.
Mẹ Maria biểu lộ người vợ hiền luôn gắn bó và đồng hành với thánh Giu-se trên mọi nẻo đường. Khi cùng thánh Giu-se trở về quê quán làm sổ kiểm tra ở thủ đô hay lúc phải trốn qua Ai Cập, lẫn khi trở về Na-za-rét, hoặc lúc lạc mất Chúa Giê-su ở đền thờ, Mẹ Maria cùng chung chia vui buồn sướng khổ với thánh Giu-se. Tình yêu biểu lộ qua sự tâm đầu ý hợp và sống nên một với nhau. Mẹ Maria cùng chung một niềm tin can trường trước những éo le của cuộc sống, Mẹ không oán thán hay nghi ngờ vì tại sao con mình là Chúa lại phải bách hại và gia đình phải lầm than cơ cực. Mẹ sống âm thầm xin vâng, lo lắng cho Chúa Giê-su được ngày càng lớn lên trong ân nghĩa.
Noi gương mẹ Maria, những người làm vợ cũng được Lời Chúa mời gọi biết phục tùng chồng trong yêu thương và tôn trọng nhau cho xứng với những người thuộc về Chúa. Đồng thời chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái nên người.
3. Chúa Giê-su – gương sống cho những người con trong gia đình.
Trong gia đình Thánh Gia, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giê-su vẫn hoàn toàn chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa (x. Lc 2,49) và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình khi sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se (x. Lc 2,51). Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,40).
Như vậy, noi gương Chúa Giê-su, trong phận làm con, chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình. Sự hiếu kính đó không chỉ là điều hợp với lẽ phải, hợp với khao khát chính đáng của con người, nhưng còn là điều đẹp ý Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa muốn con cái thờ cha kính mẹ (x. Đnl 5,16). Bởi lòng hiếu thảo của con cái là quà tặng đẹp nhất dâng cho cha mẹ và được Chúa chúc lành.
Lại nữa :
– Ai sống thánh thiện và khao khát Chúa thì Chúa sẽ cho gặp. Cũng như cụ già Simêon, nữ ngôn sứ Anna ngày đêm ăn chay cầu nguyện, và bà đã được gặp Chúa và chúc tụng Người. Điều này cho thấy, muốn được gặp Chúa và được biến đổi đời sống, chúng ta cần có một đời sống thánh thiện và khao khát thật sự.
– Muốn con cái lớn lên trong ơn nghĩa thánh, cha mẹ cần biết dâng con cho Chúa. Tin Mừng kể sau sự kiện được cha mẹ dâng mình cho Thiên Chúa, trẻ Giêsu lớn lên đầy khôn ngoan và trong ơn nghĩa Chúa. Điều này mang ý nghĩa việc dâng trẻ Giêsu vừa để chu toàn lề luật, vừa ký thác cuộc đời cho Thiên Chúa hướng dẫn. Cũng vậy, các bậc làm cha làm mẹ hãy biết dâng con mình cho Thiên Chúa (dâng ở đây không có nghĩa là đi tu), nhưng là phải biết ký thác cho Chúa, xin Chúa soi sáng, ban sức mạnh và hướng dẫn con cái mình biết sống đẹp lòng Chúa và có ích cho Giáo Hội cũng như xã hội.
– Mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, mời gọi mọi người Công Giáo chúng ta sống thánh trong chức phận của mình cách cụ thể. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết vun đắp cho gia đình nên trong ấm ngoài êm, biết lo lắng, hy sinh, nhường nhịn và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,13).
Lạy Chúa, gia đình được ví như Hội Thánh tại gia, nơi ươm mầm tương lai cho Giáo Hội. Xin cho mỗi thành viên trong các gia đình biết cùng cộng tác với nhau, xây dựng gia đình mình thành mái ấm tình thương, thành nơi chan chứa tình bác ái và yêu thương. Và sự yêu thương đó lan toả trên gia đình lối xóm và mọi nơi, để mọi người nhìn thấy Chúa đang hiện diện thực sự trong gia đình, mà ca ngợi Thiên Chúa. Amen
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 2,41-52
Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.
Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con! “Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao? ” Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói.
Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.
II. SUY NIỆM
« THÁNH GIA VÀ THÁNH GIÁ »
Thời trung cổ trở về trước, một số nhà tu đức từng quan niệm về sự cheo leo của bậc sống gia đình và thậm chí coi bậc hôn nhân như là một cấp thấp. Người ta từng giải thích rằng, đường trần gian đến quê trời ngăn cách như là một con sông lớn, trong đó các giáo sĩ (linh mục) thì an toàn đi trên cầu để qua, tu sĩ cũng khá an toàn khi ngồi trên những chiếc thuyền dù có phần bấp bênh, còn giáo dân thì phải bơi lội qua sống nên cheo leo lắm. Một vài vị giáo phụ lại cho là: người đi tu thì đi trên cầu (vì được bảo vệ an toàn trong các Đan viện), còn người sống ngoài “thế gian” thì phải lội sông nên ba phần thì mất hết hai.
Không đâu, sự thật thì “nếu không có đời sống hôn nhân thì lấy đâu ra người sống ơn gọi thánh hiến”. Việc thánh Giáo hoàng Gio-an Phao-lô II ngày 21 tháng 10 năm 2001 trong dịp mừng 20 năm tông huấn “Familiaris Consortium (1981-2001) về sứ mạng hôn nhân của Kitô hữu” đã phong chân phước cho cặp vợ chồng là ông Luigi Beltrame Quattrocchi và bà Maria Corsini. Đặc biệt trong lễ này có hai linh mục là con của ông bà này đồng tế với Đức Thánh Cha, ngoài ra còn có hai soeur nữa cũng là con của hai ông bà này.
Và rồi bảy năm sau, ngày 19-10-2008, cặp vợ chồng Louis Martin và Zélie Guérin là song thân của thánh nữ Tê-rê-xa Hài Đồng Giêsu. Và hai ông bà đã được tôn phong hiển thánh trong tháng 10 năm 2015.
Như vậy, chẳng phải cha linh hướng của thánh Tê-rê-xa (giáo sĩ), hay soeur bề trên của thánh Tê-rê-xa (tu sĩ) được phong thánh, mà là ông bà cố thánh Tê-rê-xa được phong thánh (giáo dân).
Điều này, Giáo hội minh nhiên khẳng định, không có bậc sống nào là thấp kém, đồng thời đề cao vai trò của gia đình, bởi gia đình đóng vai trò quan trọng trong Giáo hội và xã hội.
Phải, không bậc sống nào chắc chắn nên thánh, nhưng ai chu toàn nghĩa vụ và trách nhiệm trong sự tín thác vào Thiên Chúa mới là thánh. Chẳng ai đi trên cầu hay lội dưới sông cả, mà tất cả cùng phải đi qua cùng một “cây cầu duy nhất là thánh giá” mới vào được Nước Trời. Cuộc đời THÁNH GIA gắn liền với THÁNH GIÁ là vậy. Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giuse đã cùng qua thập giá mới vào vinh quang. Thập giá của các ngài được diễn tả qua bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe.
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện Hài Nhi Giê-su đi lễ mà « quên » trở về nhà, “báo hại” thánh Giu-se và Mẹ Ma-ri-a mất ba ngày trời chạy đôn chạy đáo để đi tìm, cuối cùng gặp thấy Bé Giê-su đang ngồi “tám” với mấy ông biệt phái và quý ngài tiến sĩ ở đền thờ. Đâu phải như ngày nay có các phương tiện truyền thông liên lạc, và cũng chẳng có các phương tiện giao thông di chuyển hiện đại như bây giờ, ông bà Giu-se về tới nhà rồi lại lo quay trở lại đi tìm con, thiết tưởng phải bộ hành cả ngày lẫn đêm. Một thử thách không hề nhẹ, và biết đâu cũng là một sự nhẫn – nhịn đức độ của thánh Giu-se khi Bé Giê-su ở lại mà “quên xin phép”. Điều này cho thấy, ngay mới những ngày đầu tiên của mầu nhiệm Nhập Thể của Ngôi Hai Thiên Chúa, thánh Giu-se và mẹ Maria đã phải gặp trăm chiều thử thách về niềm tin, khi phải đối diện với muôn vàn gian khó để bảo vệ và chăm sóc cho Hài Nhi bé nhỏ.
Thánh gia đã chu toàn bổn phận và trách nhiệm của mình:
1. Thánh Giu-se – mẫu mực cho các bậc gia trưởng.
Là dưỡng phụ của Đấng là Vị Cứu Tinh, là Thiên Chúa Ngôi Hai, là Con Đấng Tối Cao, là “chồng” của Mẹ Thiên Chúa… ấy thế mà người con ấy và người mẹ ấy xem ra chẳng có gì nổi bật, thậm chí còn bị những kẻ là phàm nhân như Hê-rô-đê truy sát, phải lang thang nơi xứ người, bản thân phải đem vợ con trốn chui trốn lủi cả đêm và phải đi làm thuê làm mướn để nuôi gia đình… Liệu có khi nào thánh Giu-se khủng hoảng niềm tin với Đấng mà mình dưỡng dục hoặc nghi ngờ về người bạn đời là Mẹ Thiên Chúa không? Bởi tại sao Đấng là Con Thiên Chúa lại không ra tay can thiệp? Nếu là chúng ta, chúng ta thử đặt mình vào vị trí của thánh Giu-se, chúng ta có phàn nàn kêu trách Chúa và nghi ngờ về Người không?
Thánh Giu-se đã hoàn thành sứ mạng của một người chồng, người cha trong gia đình và đã đưa Chúa Giê-su và Đức Mẹ về nơi an toàn tại Na-za-rét để sống chung trong một gia đình thánh. Trong tư cách làm chồng, chúng ta được mời gọi sống theo gương thánh Giu-se yêu thương, giúp đỡ, bao bọc chở che cho vợ chứ không là người đánh đập hay đay nghiến vợ; luôn thương yêu và lo lắng cho gia đình luôn được êm ấm, và gặp khi thử thách cũng không kêu ca nản chí.
2. Thánh Mẫu Maria – gương sáng cho các bà mẹ.
Mẹ Maria biểu lộ người vợ hiền luôn gắn bó và đồng hành với thánh Giu-se trên mọi nẻo đường. Khi cùng thánh Giu-se trở về quê quán làm sổ kiểm tra ở thành đô hay lúc phải trốn qua Ai Cập, lẫn khi trở về Na-za-rét, hoặc lúc lạc mất Chúa Giê-su ở đền thờ, Mẹ Maria cùng chung chia vui buồn sướng khổ với thánh Giu-se. Tình yêu biểu lộ qua sự tâm đầu ý hợp và sống nên một với nhau. Mẹ Maria cùng chung một niềm tin can trường trước những éo le của cuộc sống, Mẹ không oán thán hay nghi ngờ vì tại sao con mình là Chúa lại phải bách hại và gia đình phải lầm than cơ cực. Mẹ sống âm thầm xin vâng, lo lắng cho Chúa Giê-su được ngày càng lớn lên trong ân nghĩa.
Noi gương Mẹ Maria, những người làm vợ cũng được Lời Chúa mời gọi biết phục tùng chồng trong yêu thương và tôn trọng nhau cho xứng với những người thuộc về Chúa. Đồng thời chu toàn bổn phận nuôi dạy con cái nên người.
3. Chúa Giê-su – gương sống cho những người con trong gia đình.
Trong gia đình Thánh Gia, mặc dù là Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người, Chúa Giê-su vẫn hoàn toàn chu toàn bổn phận với Chúa Cha trong tư cách là Con Thiên Chúa (x. Lc 2,49) và chu toàn bổn phận là con trong một gia đình khi sống đời khiêm hạ và hằng vâng phục Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se (x. Lc 2,51). Người ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa (x. Lc 2,40).
Như vậy, noi gương Chúa Giê-su, trong phận làm con, chúng ta có bổn phận hiếu kính cha mẹ mình. Sự hiếu kính đó không chỉ là điều hợp với lẽ phải, hợp với khao khát chính đáng của con người, nhưng còn là điều đẹp ý Chúa. Bởi lẽ Thiên Chúa muốn con cái thờ cha kính mẹ (x. Đnl 5,16). Bởi lòng hiếu thảo của con cái là quà tặng đẹp nhất dâng cho cha mẹ và được Chúa chúc lành.
Tóm lại, mừng Lễ Thánh Gia hôm nay, mời gọi mọi người chúng ta sống thánh trong chức phận của mình cách cụ thể. Mỗi thành viên trong gia đình hãy biết vun đắp cho gia đình nên trong ấm ngoài êm, biết lo lắng, hy sinh, nhường nhịn và tha thứ cho nhau (x. Cl 3,13).
Lạy Chúa, Gia đình được ví như Hội Thánh tại gia, nơi ươm mầm tương lai cho Giáo Hội. Xin cho mỗi thành viên trong các gia đình biết cùng cộng tác với nhau, xây dựng gia đình mình thành mái ấm tình thương, thành nơi chan chứa tình bác ái và yêu thương. Và sự yêu thương đó lan toả trên gia đình lối xóm và mọi nơi, để mọi người nhìn thấy Chúa đang hiện diện thực sự trong gia đình, mà ca ngợi Thiên Chúa. Amen
Discussion about this post