THỨ BA TUẦN BÁT NHẬT PHỤC SINH
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,11-18
Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ, thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân. Thiên thần hỏi bà: “Này bà, sao bà khóc? ” Bà thưa: “Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! ” Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su. Đức Giê-su nói với bà: “Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? ” Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: “Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về.” Đức Giê-su gọi bà: “Ma-ri-a! ” Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: “Ráp-bu-ni! ” (nghĩa là “Lạy Thầy”). Đức Giê-su bảo: “Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em”.” Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: “Tôi đã thấy Chúa”, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.
II. SUY NIỆM
Hai giác quan giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận thông tin là thị giác và thính giác (mắt và tai). Mắt và tai tiếp nhận rồi truyền vào tri thức và trái tim để biện phân và đặc biệt là giúp hồi tưởng về ký ức.
Hai sự tiếp nhận này có phần không giống nhau giữa hai phái nam và nữ, vì như người ta thường nói: “Mắt con trai, tai con gái”. Đàn ông thường yêu bằng cái nhìn về bạn đời, nhưng phụ nữ lại thích nghe những lời nói ngọt ngào yêu thương.
Lần lượt các tường thuật về biến cố Phục Sinh, các Tin Mừng cũng làm lộ rõ hai khả năng tiếp nhận và cảm nhận về Đấng Phục Sinh dựa theo hai giác quan là thính giác và thị giác. Cụ thể là mắt các ông môn đệ nhận ra Đấng Phục Sinh khi thấy Người bẻ bánh và dâng lời tạ ơn; còn chị em thì nghe Thầy gọi tên thật thân thương là nhận ra ngay và ôm lấy chân Thầy.
Tin Mừng hôm nay kể chuyện cô Maria Mácđala, có lẽ vì quá đau đớn vì Thầy đã chết và khóc quá nhiều nên mắt hoen mờ, nên đã không nhận ra Đấng Phục Sinh, thậm chí còn tưởng là người làm vườn. Tuy nhiên, với lời gọi thân thương: “Maria !!!” Cô đã không thể lầm được nữa, cô nhận ra Thầy ngay và ôm quàng lấy chân Thầy rồi thốt lên lời thân thương mà cô từng gọi Thầy biết bao lần trước đây: “Thầy !!!”
Có thể nói, tình yêu của cô Maria Mácđala mà văn chương Gioan xây dựng có một mức độ vượt trên tình cảm thông thường, gần như là một tình yêu “phái tính” khi Maria Mácđala thầm yêu Chúa như là Đấng lang quân của của cô.
Như trong sách Diễm Ca diễn tả: “Tiếng người tôi yêu văng vẳng đâu đây, kìa chàng đang tới, nhảy nhót trên đồi, tung tăng trên núi” (Dc 2,8). Khi người ta đã từng đồng hành với nhau hay là yêu mến nhau, thì ngay cả việc không thấy, nhưng ngồi nghe tiếng chân bước hay tiếng thở… cũng đủ giúp nhận ra nhau. Một người mẹ già bị mù, nhưng người con của bà từ xa về chưa kịp đến gần bà thì bà đã nhận ra bởi tiếng nói, cử chỉ… đã ăn sâu trong ký ức của bà, nhất là đứa con lại là đối tượng yêu quý nhất của bà.
Từ việc nghe đã tác động lên ký ức giúp hồi tưởng lại, Maria Mácđala đã cảm nhận được tiếng nói của Thầy những lần ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe, và được nghe Chúa gọi tên nhiều lần trong những tháng ngày theo Chúa. Giờ đây, dù lúc đau thương không còn đủ tỉnh táo, mắt thể lý bị hoen mờ vì khóc quá nhiều, nhưng tiếng nói đầy yêu thương của Thầy thì Maria Mácđala không thể lầm vào đâu được.
Như vậy, chủ ý của việc tường thuật biến cố Phục Sinh, các tác giả Tin Mừng đã cho chúng ta nhiều cái nhìn để củng cố đức tin qua nhiều cách tiếp thu và cảm nhận của cả hai phái nam và nữ. Đấng Phục Sinh đã dùng chính cách tiếp thu giới hạn của con người mà cho họ được biết Người, rồi từ đó họ đi rao giảng – làm chứng về những gì mắt thấy tai nghe và lòng cảm nhận.
Nghe và thấy đều thuộc dấu hiệu khả giác của bí tích. Bí tích có mô thể và chất thể -lời đọc và cử chỉ- cả hai chuyển tải Đấng Hiện Diện trong bí tích được trao ban cho thụ nhân. Hiệu quả tròn đầy của bí tích phụ thuộc nhiều ở lòng yêu mến. Hôm nay Maria Mácđala là một bằng chứng cho sự yêu mến đó, và cô đã được gặp chính Đấng Phục Sinh là đối tượng mà lòng cô khao khát và yêu mến.
Lạy Chúa Giêsu, có lẽ không ít người trong chúng con chưa thực sự gặp được Đấng Phục Sinh nên tâm hồn chúng con chưa được đổi mới, bởi vì chúng con chưa đủ khao khát và lòng mến của chúng con dành cho Chúa chưa thật mặn nồng. Xin Chúa ban cho chúng con một con tim hết lòng khao khát và yêu mến Chúa hơn. Amen.
Hiền Lâm.
Discussion about this post