THỨ NĂM SAU LỄ TRO
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,22-25
Khi ấy Đức Giê-su nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì người nào được cả thế giới mà phải đánh mất chính mình hay là thiệt thân, thì nào có lợi gì?
II. SUY NIỆM
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Trong câu nói này của Chúa Giêsu, chúng ta gặp thấy hai chữ “MÌNH”: “bỏ mình” và “vác thập giá mình”. Đó cũng là hai ý được trình bày sau đây:
1. Bỏ mình.
Có hai anh chị nọ yêu nhau, nhưng cứ mỗi lần hẹn gặp nhau lại hay cãi nhau. Thế rồi một hôm anh đề nghị, mỗi người cùng ngồi lại và suy nghĩ coi mình có cái gì đó cần phải thay đổi cho phù hợp với nhau, chứ cứ cãi nhau hoài thế này thật chẳng đi đến đâu.
Cô gái suy nghĩ một lát rồi nói:
– Em thấy em chẳng phải thay đổi gì nữa, bởi em xinh đẹp, giàu có, học thức cao… Vì thế anh mới là người phải thay đổi.
Chàng trai thở dài và nói:
– Phải, em quá hoàn hảo như thế rồi, nên anh phải thay đổi thôi.
Cô gái hí hửng:
– Đúng rồi đó, anh thay đổi là đúng.
Nhưng vừa nói đến đây, cô như giật mình hỏi anh:
– Ơ, mà anh thay đổi gì?
Chàng trai:
– Anh thay đổi bạn gái…
Câu chuyện cho thấy, cô gái kia có thể dễ dàng từ bỏ tình cảm gia đình, của cải, bằng cấp, nghề nghiệp… nhưng lại không thể từ bỏ cái tôi của mình để hòa hợp với người yêu, và cái kết là sự đổ vỡ chia tay.
Hôm nay, Chúa Giêsu nói: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo”. Bỏ mình tức là bỏ đi cái tôi của mình, bỏ đi cái cá tính của mình, bỏ cái ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, ra khỏi chính mình để đến với Chúa và với tha nhân.
Chúng ta có thể bỏ danh vọng, của cải, sự nghiệp, tình cảm… những điều đó là những gì ngoài mình, nhưng thật không dễ gì bỏ được chính mình. Trong sách Gióp 2,4-5, Satan đến nói với Chúa về ông Gióp : “Da đổi da! Tất cả những gì người ta có, người ta đều sẵn sàng cho đi để cứu mạng sống mình. Ngài cứ thử giơ tay đánh vào xương vào thịt nó xem, chắc chắn là nó sẽ nguyền rủa Ngài thẳng mặt!”; hay Alexande cũng nói: “Thắng được vạn quân còn dễ hơn là thắng được chính mình”. Cái tôi chính là cá tính của mỗi người, vốn dễ kiêu ngạo muốn trên mọi người, muốn thể hiện chính mình, muốn người khác theo ý mình; chứ không dễ gì khiêm tốn và phục vụ tha nhân. Nhưng đó lại là điều kiện của “thập giá”, bởi thập giá được làm bằng chất liệu khiêm tốn và phục vụ.
Phóng chiếu lên cuộc đời Kitô hữu chúng ta thì thấy rất rõ : Không thiếu những người giữ đạo nhà thờ rất tốt, lễ nào cũng đi, điểm hành hương nào cũng tới, đền thánh nào cũng viếng… Thế nhưng, lại không thể hòa hợp được với gia đình, cha mẹ, vợ chồng, con cái ; không thể hòa thuận được với lối xóm và nổi xung với bất cứ ai. Bởi vẫn giữ cái tôi cá tính mình quá lớn, không ai có thể đụng đến mình được. Để làm sáng tỏ điều này, xin kể câu chuyện: « Có hai bà kia từng có mâu thuẫn với nhau, hôm nọ đi lễ chiều Chúa Nhật, chẳng may gặp nhau trước cổng nhà thờ, thế là lao vào chửi nhau. Lúc đang chửi thì thấy cha xứ đi về, một bà vội mặc áo dài để chạy vào nhà thờ, nhưng không quên quay lại mắng : ‘Mày đợi đấy, cha về rồi, tao vào tao đi lễ tao rước lễ cái đã, rồi ra tao hay tội cho ». (Chắc bà này vào rước lễ lấy sức ra chửi tiếp ???).
Thế đấy, miệng chúng ta có thể nói theo Chúa, nhưng Chúa Giêsu đòi hỏi điều kiện theo Người thì phải bỏ mình thì chúng ta lại làm không được.
Ngay trong đời tu, không thiếu những người có thể bỏ được những phương tiện sang trọng hay các liên hệ tình cảm, nhưng lại không thể bỏ được cái tôi của mình. Cụ thể là có vị trông rất đạo đức thánh thiện, luật lệ đàng hoàng, kinh nguyện đầy đủ, lăn xả làm việc… nhưng lỡ có ai nói điều gì chạm tới cá tính hay quyền lợi thì lại nổi xung lên… Nếu không thể ra bỏ mình, không ra khỏi chính mình thì không thể vâng phục được, như thánh Anselmô từng nói : « Sự vâng phục là đỉnh cao của sự từ bỏ ».
2. Vác thập giá mình.
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, nhưng thập giá mà Chúa Giêsu nói ở đây chính là “thập giá mình”: là “thập giá bổn phận” và “thập giá kiếp người”.
– Thập giá bổn phận: Chúa bảo chúng ta vác thập giá mình chứ không phải vác của ông hàng xóm, không phải “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hay “việc nhà thì nhác việc chú bác thì siêng”, mà là việc chu toàn bổn phận công dân, bổn phận đối với Chúa và Giáo Hội trong đấng bậc mình, không thể đẩy bổn phận đó cho người khác, cũng không né tránh.
– Thập giá kiếp người: Là những khó khăn lao nhọc và trái ý nghịch lòng. Đó là thập giá của chính mình vì không ai có thể vác thay ta. Ông Simon Kyrênê vác đỡ Chúa Giêsu trên đường khổ giá, chứ không thể vác thay cũng không thể đi lên đỉnh đồi hiến tế, cũng vậy, chúng ta chia sẻ đỡ nâng gánh nặng giúp nhau, nhưng mỗi một người phải trả lẽ về chính thập giá đời mình và phải đi đến cùng con đường theo Chúa.
Đường thập giá thực ra không có gì xa thực tế, nhưng đúng với cả nghĩa tôn giáo lẫn xã hội. Thật vậy, có ai đạt được vinh quang mà không khổ luyện, muốn thi đậu phải miệt mài đèn sách, muốn chiến thắng trong các cuộc thi phải đòi hỏi khổ luyện… và đặc biệt, muốn hưởng phúc Nước Trời phải biết hy sinh và chịu thử thách.
Tóm lại, lời Chúa ngày hôm nay mời gọi chúng ta phải biết bỏ đi cái tôi của mình và vác lấy thánh giá bổn phận mình, để đường thập giá phận người chúng ta trở thành thánh giá dẫn chúng ta đến với Nước trời mai sau.
Lạy Chúa Giêsu, trong Mùa Chay thánh này, Chúa mời gọi mọi chúng con từ bỏ lại tất cả những gì cản bước chúng con đến với Chúa và đến với nhau. Xin cho chúng con biết can đảm chấp nhận những trái ý nghịch lòng để cùng hiệp thông với Chúa trên con đường thánh giá cứu độ các linh hồn. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post