THỨ TƯ TUẦN III MÙA CHAY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,17-19
“Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn. Vì, Thầy bảo thật anh em, trước khi trời đất qua đi, thì một chấm một phết trong Lề Luật cũng sẽ không qua đi, cho đến khi mọi sự được hoàn thành. Vậy ai bãi bỏ dù chỉ là một trong những điều răn nhỏ nhất ấy, và dạy người ta làm như thế, thì sẽ bị gọi là kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời. Còn ai tuân hành và dạy làm như thế, thì sẽ được gọi là lớn trong Nước Trời”.
II. SUY NIỆM
Bộ phim “Tôn Tử Đại Truyện” kể lại cuối thời Xuân Thu (khoảng sau năm 540 trước Công Nguyên), có ông Tôn Võ nước Tề, lánh qua nước Ngô sinh sống. Ông đã soạn thảo ra 13 cuốn luận về cách dụng binh – trị quốc, quen gọi là “Binh Pháp Tôn Tử”. Tôn Tử đã dùng binh pháp đó giúp Ngô Vương (lúc đó là Hạp Lư) hưng Ngô hạn Sở một thời. Về sau, Tôn Tử về ở ẩn dưới núi La Phù, cùng với những kinh nghiệm chiến sự đẫm máu giết chóc, ông đã hiệu đính bộ Binh Pháp thành 82 cuốn, trong đó muốn quy hướng dụng binh – trị quốc về “nhân nghĩa – trung hòa”, và “binh vô chiến khuất nhân – thiện chi thiện giả”. Nghĩa là binh không chiến mà thành, không làm gì mà trị mới là cảnh giới cao nhất. Sau này, trong một lần được hạnh ngộ với Khổng Tử và Lão Tử, Tôn Tử trình bày Binh Pháp lấy cốt yếu ở “trung hòa là nguyên tắc của trời đất”, Lão Tử cho đó là cảnh giới cao nhất, có thể gọi là “Đạo”, nhưng Đạo thì vô hình vô tướng không thể diễn tả, và Khổng Tử giải thích rằng, Đạo đó thể hiện ra bằng “Thiên Đạo” và “Nhân Đạo”. Mà “thiên đạo” thì ‘kính nhi viễn chi’ nên quan trọng là sống “nhân đạo” bao gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Bộ luật Sinai mà Môisê công bố từ đầu có 10 điều, nhưng dần dà được các Rabi dẫn giải chi tiết thành hơn 500 điều lớn nhỏ. Bởi lẽ Dothái không đơn thuần là một tôn giáo mà là một nước Dothái giáo, vì thế luật Sinai không chỉ là luật tôn giáo mà còn là một bản Hiến Pháp bao gồm mọi khía cạnh chính trị, kinh tế, giáo dục, xã hội… thì đương nhiên cần sự công bằng và trật tự. Một điều luật nguyên thủy là tôn giáo, mà áp dụng cho cả việc xã hội thì chắc chắn có sự nặng nề và những bất cập khó dung hòa được giữa thế sự và tâm linh. Suốt chặng đường dài mấy ngàn năm, luật càng ngày càng thêm nặng nề cứng nhắc, bởi nó nặng về hình thức và bó buộc, cùng với những quan niệm sai lầm thần thánh hóa luật và biến nó thành cùng đích thay vì chỉ là phương tiện, từ đó người ta giữ luật chỉ vì sợ và giữ một cách máy móc hơn là để tỏ lòng yêu mến Thiên Chúa.
Hôm nay Chúa Giêsu nói rằng Người đến không phải bãi bỏ luật Sinai mà là để kiện toàn. Kiện toàn ở đây không phải là một sự bỏ bớt hay bổ sung thêm (x. Mt 5,19), mà là đưa luật đến một cảnh giới cao hơn, cảnh giới đó là “mến Chúa yêu người”. Việc kiện toàn của Chúa Giêsu là thực hiện và đưa đến mức độ viên mãn những gì Thiên Chúa hứa trong Sách Thánh. Người là điểm đến và ứng nghiệm những gì chép trong Cựu Ước. Luật không bị mất hiệu lực một chấm một phẩy nào, nhưng đạt tới sự viên mãn nơi Chúa Kitô và nhờ Chúa Kitô.
Một chút loại suy, chúng ta có thể nói: xưa Tôn Tử tìm “vô chiến phục nhân” là “đạo”, mà đạo thì bao gồm “thiên đạo và nhân đạo”, nhưng thiên đạo thì “kính nhi viễn chi”, nên cuối cùng chỉ còn “nhân đạo”. Thì ở đây, chúng ta thấy luật cũ với bao nhiêu điều thì cảnh giới cuối cùng mà Chúa Giêsu nhắm tới vẫn là “Mến Chúa yêu người”, mà chính việc “yêu người’ quyết định tất cả, chứng tỏ cho thấy việc mến Chúa: “Ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1Ga 4,20).
Chung quy lại, việc kiện toàn của Chúa Giêsu bao hàm ít nhất mấy ý nghĩa sau đây:
Giữ luật vì yêu mến: Giữ luật cách tích cực, tránh điều xấu thôi chưa đủ, nhưng phải làm điều tốt. Giống như một người con làm thiện lánh ác vì nó thương bố, chứ không phải vì nó sợ bố đánh. Chúa Giêsu tóm tắt mọi luật lệ vào luật mới là yêu thương: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34).
Phân biệt chính yếu và tùy phụ: Thứ tự ưu tiên “mến Chúa – yêu người” phải đứng hàng đầu (x. Mc 12,28-31). Luật Thiên Chúa phải trọng hơn luật của loài người, không được ‘dựa vào truyền thống mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa’ (x. Mt 15,1-9).
Khắc luật vào tâm: Nghĩa là đưa lề luật vào nội tâm. Phải đổi mới từ chính trái tim. Luật không còn khắc trên bia đá cứng nhắc nữa, mà phải được khắc trong trái tim mình. Phải rửa bên trong để bên ngoài cũng được sạch (Mt 23,25-26). Tránh mọi thứ hình thức (x. Mt 6,1-6.16-18).
Luật vì con người: Từ nay luật mang lấy một diện mạo mới là luật vì sự sống con người chứ không phải kềm hãm con người theo mặt chữ. Điển hình là luật nghỉ ngày Sabat, Chúa Giêsu đã đưa ra định hướng cho luật này: “Ngày Sabat vì con người chứ không phải con người vì ngày sabat” (Mc 2,27). Vì thế, ngày Sabat để cứu sống con người, để giải thoát con người, để làm điều tốt cho con người (Mc 3,1-6).
Xác định vai trò của luật trong Ơn Cứu Độ: Đây là điểm quan trọng nhất của việc kiện toàn. Ơn Cứu Độ đến cách nhưng không từ Thiên Chúa qua công cuộc cứu độ của Đức Kitô, còn luật chỉ đóng vai trò người giám hộ, vai trò dẫn đường và chỉ là phương tiện đạt tới cứu cánh chứ không phải cứu cánh.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết vâng theo lời dạy của Chúa, để hân hoan giữ luật Chúa và Hội Thánh truyền trong tinh thần yêu mến và liên kết trong Người, hầu cho luật không còn là gánh nặng, nhưng giúp chúng con nên giống Chúa hơn. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post