THỨ TƯ TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,1-6
Đức Giê-su về nơi quê quán của Người, có các môn đệ đi theo. Đến ngày sa-bát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: “Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Ma-ri-a, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Giô-xết, Giu-đa và Si-môn sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao? ” Và họ vấp ngã vì Người. Đức Giê-su bảo họ: “Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi.” Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin.
II. SUY NIỆM
Tin Mừng hôm nay, thánh sử Marcô kể chuyện Chúa Giê-su về quê, mang theo những kiến thức rao giảng Lời Chúa và năng quyền chữa bệnh. Bước đầu tưởng chừng như thành công về Lời Rao Giảng, nhưng sau đó được coi như là một thất bại vì sự thành kiến và ghen tị của những người quê hương.
Những người ở quê hương nhìn Chúa Giê-su với cái nhìn đầy thành kiến, vì họ biết quá rõ nguồn gốc nhân loại của Người, là con một bác thợ mộc Giuse nghèo nàn ở Nazareth, học hành chỉ ở trường làng, nhất là trong thâm tâm họ, Đấng “Ki-tô” phải là con cái trong hoàng tộc, sống nơi thành phố hoa lệ và được học hành nơi các bậc thầy danh giá… Chính vì thế, khi thấy Chúa Giê-su nổi tiếng giảng dạy thì bắt đầu họ gièm pha chê bai.
Điều đó cho thấy, giữa “biết” và “yêu” đôi khi chẳng song hành với nhau, biết là một chuyện, yêu lại là chuyện khác.
Tôi biết anh A chị B, nhưng chắc gì tôi đã yêu mến họ, tôi tin có ông này bà nọ hiện hữu, nhưng chắc gì tôi yêu thích họ và tìm đến gặp họ?
Cũng vậy, người quê hương Na-da-rét biết rất rõ về nguồn gốc Chúa Giê-su và họ rất thông thạo Thánh Kinh nói về Người, nhưng họ không tin và không yêu mến…
Ma quỷ tin có Chúa Giê-su hiện diện, nó biết rất đúng về Chúa Giê-su, thậm chí còn tuyên xưng Người giữa đám đông, nhưng liệu nó có yêu Người không? Thưa không.
Chúng ta cũng cần tự vấn về mình, chúng ta vẫn cho rằng mình tin có Chúa, chúng ta tin Chúa Giê-su ngự trong Bí tích Thánh Thể… nhưng liệu chúng ta có yêu mến Người thật không? Tin là một chuyện, nhưng có yêu mến hay không lại là một chuyện khác.
Chúng ta tự hào là biết Thiên Chúa, qua học hỏi, qua nghiên cứu, qua những khảo luận thần học, chúng ta thậm chí tự hào về kiến thức đầy mình về Thiên Chúa, nhưng có bao giờ chúng ta cầu nguyện tâm sự với Người không? Có đến viếng Thánh Thể không?
Thậm chí khi tự cho mình hiểu biết đã tạo nên sự thành kiến, và chính thành kiến đã ngăn cản con người tiếp cận chân lý, rồi sinh ra sự ghanh tỵ và gièm pha những ai thành công. Đây cũng là một thực trạng nơi mỗi quê hương chúng ta, chúng ta thường khinh miệt, yên trí và gièm pha những người con nơi quê hương chúng ta thành công trở về, vì trong chúng ta luôn bị cái tính thành kiến (yên trí) cha này, thầy nọ, soeur kia con ông này bà nọ không ra gì… Ngược lại, một vị nào đó từ nơi khác đến, dù xét về tài năng, về đạo đức, về giảng dạy đôi khi còn thua kém xa một người trong quê hương, thì chúng ta lại rất hồ hởi tung hô vì chúng ta không yên trí – thành kiến gì về họ.
Nhưng đó là một thực trạng mà Chúa Giê-su từng trải qua, thì những người môn đệ của Người cũng thế, hãy biết vui vẻ chấp nhận. Là cha, là thầy, là dì, là giáo lý viên hay các cử nhân đại học… chúng ta hãy vui vẻ chấp nhận và luyện tập đức khiêm tốn…
Lại nữa, “gần chùa kêu bụt bằng anh”, khi người Nazareth quá gần gũi nên đã sinh ra lơ là và coi thường. Chúng ta cũng thế, thích đi hành hương nơi này, cầu xin nơi nọ, nhưng ngay nơi giáo xứ mình, chúng ta lại bê trễ việc đến gặp Chúa trong các Thánh Lễ và Giờ Kinh…
Lạy Chúa Giê-su, trò không thể hơn thầy, nhưng nếu được bằng thầy thì đã là có phúc. Xin cho chúng con, nếu có phải nếm trải những sự thành kiến, kỳ thị và ghen ghét mà Chúa đã từng trải qua, thì cũng biết vui vẻ khiêm tốn đón nhận, để trong tất cả mọi sự Chúa được vinh danh. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post