VÌ SAO TRÂN TRỌNG GỌI LÀ
“CHỮ QUỐC NGỮ” ?
* Kỳ thực vẫn còn nhiều người hiện nay chưa tỏ vì sao gọi “chữ Quốc ngữ”. Có hiểu thì mới yêu quí thực lòng.
* Các giáo sĩ người Bồ Đào Nha thuộc dòng Tên (Công giáo) có công trạng đặt nền móng tạo lập chữ Quốc ngữ.
&1&
Khi các giáo sĩ dòng Tên người Bồ đến Đàng Trong (từ Quảng Bình trở vô phương Nam) vào năm 1615, họ không tìm cách “áp đặt” tiếng Bồ mà – trái lại – họ cố gắng tìm hiểu người bản xứ nói tiếng Việt ra sao, để từ đó suy nghĩ cách ký âm tiếng Việt theo hệ chữ Latin. Người có công tiên phong là giáo sĩ Francisco de Pina, tạo nền móng “chữ viết cho tiếng An Nam”.
Giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) đến Đàng Trong, năm 1624, học tiếng Việt và học bộ chữ mà Francisco de Pina đã gầy dựng. Sau đó, năm 1627, giáo sĩ Đắc Lộ ra Đàng Ngoài (miền Bắc) vừa truyền giáo vừa phổ biến “chữ viết cho tiếng An Nam”, thâu thập, bổ sung lời ăn tiếng nói của người ngoài bắc.
Tắt một lời, “chữ viết cho tiếng An Nam” (về sau gọi là “chữ Quốc ngữ”) bắt đầu từ Đàng Trong, rồi mới lan ra Đàng Ngoài (miền Bắc)! Việc tạo ra một bộ chữ RIÊNG cho người bản xứ (người Việt) là công trình ĐỘC ĐÁO của các vị giáo sĩ dòng Tên!
Năm 1773 dòng Tên rời khỏi nước Việt, và mãi hơn 80 năm sau là năm 1858 người Pháp mới can dự vào lịch sử VN trong lãnh vực chánh trị.
Thấy gì? Chữ Quốc ngữ, do các vị giáo sĩ dòng Tên đặt nền móng từ những thập niên ĐẦU THẾ KỶ 17 xa lắc, hoàn toàn thuộc về lãnh vực ngôn ngữ học & tôn giáo, không liên can gì đến xung đột thế tục chánh trị (khi thực dân Pháp vào xâm chiếm nước Việt là GIỮA THẾ KỶ 19, độ sai biệt thời gian so với thời điểm các vị giáo sĩ dòng Tên vào truyền đạo là những 250 năm lận).
Cần hiểu đúng với dữ kiện lịch sử khách quan nêu trên, không bị mắc lỡm bởi trò “gắp lửa bỏ tay người” của một số kẻ “nghiên kíu” thiếu lương thiện (họ vu cáo giáo sĩ đặt ra chữ Quốc ngữ để… rước Tây, cách biệt tới 250 năm, bắn đại bác còn không tới, khó vậy mà bọn họ cũng vu cáo cho bằng được).
&2&
Vì sao bộ chữ do các giáo sĩ Bồ soạn ra cho người Việt được gọi trân trọng: “CHỮ QUỐC NGỮ”?
A) Cả ngàn năm, nhiều triều đại nước Việt đều mượn chữ Hán làm văn tự chính thức. Nói cách khác, chữ Hán không phải hệ chữ chỉ dành riêng cho người Việt (nên không thể gọi là “quốc ngữ”).
Tỉ như, khi tiền nhân chúng ta viết dòng chữ Hán “南 國 山 河 南 帝 居”, hẳn nhiên người Hoa nhìn vào mặt chữ này là họ HIỂU nghĩa ráo trọi! Khác nhau nằm ở tiếng nói, ở QUỐC ÂM mà thôi.
Người Việt đọc là: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”
Người Hoa Bắc Kinh đọc: / Nán guó shān hé nán dì jū /
B) Chúng ta dùng hệ chữ “abc”, được dựa trên ký tự Latin (nói cho chính xác hơn là dựa trên bộ chữ Bồ Đào Nha của các giáo sĩ dòng Tên, mà chữ Bồ cũng xuất phát từ ký tự Latin).
Thử viết lại câu trên:
“Nam quốc sơn hà Nam đế cư”.
Người Bồ, người Pháp… nhìn vô mặt chữ của câu thơ trên, họ hiểu không? KHÔNG. Muốn hiểu được, họ phải học bộ chữ mà người VN chúng ta sử dụng.
Bộ chữ mà chỉ có người VN (và những ai học tiếng Việt) mới hiểu, tức bộ chữ này đã trở thành BỘ CHỮ VIỆT, đã trở thành CHỮ QUỐC NGỮ của RIÊNG người VN chúng ta!
Hãy cùng nhau nhớ như vậy (ngoại trừ những kẻ thiếu lương thiện tri thức)!
C) CHỮ QUỐC NGỮ còn hay gấp bội, khi chứa được TOÀN BỘ QUỐC ÂM (tức “tiếng nói Việt”).
Khi xưa, viết 山, người Việt đọc thành “sơn” (người Tàu Bắc Kinh đọc khác: “shān”). Cái chữ 山 này không thể phát âm là “núi” (dù đồng nghĩa với “sơn”).
Tiếng Việt mà phát âm là “sơn” thì được ghi lại bằng chữ Hán 山; nhưng tiếng Việt phát âm là “núi” thì không chứa trong Hán tự mà phải lang thang bên ngoài văn tự, tồn tại trong khẩu ngữ của tiền nhân chúng ta.
Bây giờ, trong chữ Quốc ngữ, cả “sơn” lẫn “núi” đều được ghi lại, đều được ôm ấp trong lòng chữ Quốc ngữ, không còn phải lang thang nơi khẩu ngữ nữa.
Kể chuyện gánh hát cho vui. Hồi năm 1928, Phước George (Bạch công tử) lập gánh Huỳnh Kỳ cho Cô Phùng Há tài danh làm đào chánh. “Huỳnh Kỳ” 黃 旗 là nói theo kiểu người Việt ở miền Nam (hai chữ Hán này, người Hoa Quảng Đông nói “wòng kì”, người Hoa Bắc Kinh kêu “hoảng xỉ”). Gánh hát lừng danh, đi tới đâu báo hiệu bằng cách treo hàng loạt cờ màu vàng (nghĩa của “huỳnh kỳ” là cờ màu vàng).
Phát âm là “Huỳnh Kỳ” (hoặc “Hoàng Kỳ” theo kiểu nói ngoài Bắc) thì được ghi lại bằng chữ Hán: 黃 旗. Nhưng, phát âm là “cờ vàng” thì bó tay, không chứa trong Hán tự.
Thời may, “cờ vàng” không phải lang thang nơi khẩu ngữ người Việt mà được ghi lại/ ký âm đâu ra đó trong chữ Quốc ngữ, cùng song hành đề huề với chữ “huỳnh kỳ”.
Thấy gì? Hết thảy các lối nói trong tiếng Việt (QUỐC ÂM) đều có mặt trong CHỮ QUỐC NGỮ.
&3&
Hãy cùng nhau tri ân các vị giáo sĩ dòng Tên, nhứt là đối với Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Các ngài dựa trên chữ Bồ, chữ Latin mà đặt ra một bộ chữ cho tiếng Việt, đặc biệt tới mức… những người Bồ, Latin đồng hương với các ngài nhìn vào bộ chữ mới này cũng không thể nào hiểu được (nếu không học)!
Bởi vì đây là TẶNG PHẨM NGÔN NGỮ được DÀNH RIÊNG CHO NGƯỜI VIỆT mà thôi (Francisco de Pina, Alexandre de Rhodes trong những bức thư, hồi ký của họ đều coi nước Việt là “quê hương thứ hai, mến yêu” tận trong tâm khảm) ./.
Discussion about this post