…
CHIỀU KÍCH TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC MARIA TRONG THÁNH KINH
Hội Thánh bước đi trong thế giới, song hành để chia sẻ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” với nhân loại, hầu cho muôn người ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa và hướng mọi người về ơn cứu độ.
Hội Thánh khắc khoải ưu tư với thực trạng thế giới, nhập thế giữa lòng thế giới cùng với sự văn minh và suy thoái của nó, cách riêng là lời cảnh tính cho thế giới càng văn minh về vật chất càng suy thoái về những giá trị luân lý đạo đức tinh thần.
Thật vậy, thế giới ngày hôm nay tuy đang đạt tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng đang đạt tới “đỉnh điểm” của sự thực dụng, hưởng thụ dục vọng và tôn thờ vật chất; các tương giao giữa người với người và tương giao hữu nghị giữa các nước dựa trên kinh tế lợi nhuận và vũ khí chiến lược hơn là tương giao nhân ái, tương trợ và hoà bình. Giới trẻ học hỏi nhau phong cách hưởng thụ hơn là những kiến thức bổ ích cho xã hội, học hỏi các “mốt” thời trang và các trò tiêu khiển hơn là giá trị đạo đức và tinh thần. Đặc biệt tìm thoả mãn dục vọng và coi thường sự sống, mất dần ý thức về tội lỗi; sự dữ lan tràn và nhân loại sống như “Thiên Chúa không hiện hữu”.
Có thể nói, thảm kịch đồi Calvê ngày xưa khi Đức Giê-su gục đầu tắt thở (chết) thì lúc đó bóng đêm bao phủ địa cầu (x. Lc 23, 44-46) đang xảy ra nơi thế giới ngày hôm nay, khi mà bóng tối sự dữ và tội lỗi đang bao phủ, thì phải chăng Thiên Chúa đã vắng bóng hoặc Thiên Chúa chết rồi?
“Thiên Chúa vẫn sống và hằng sống” – Đó là chân lý mà mọi Kitô hữu phải trả lời và là câu trả lời cho thế giới biết. Tuy nhiên, có thể nói, Thiên Chúa dường như ẩn mặt và vắng bóng trên sự tự do của nhân loại và Thiên Chúa cần những chứng nhân làm cho nhân loại thấy Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và chờ đợi sự hoán cải của họ. Thiên Chúa muốn Hội Thánh và cách riêng các nhà truyền giáo, hơn lúc nào hết, hãy lên đường đi đến “Ninivê” để thức tỉnh con người hoán cải và cứu độ họ. Truyền giáo là bản chất và sứ mạng của Hội Thánh, nên Hội Thánh luôn phải lên đường để đến với muôn dân.
Hình ảnh của Đức Maria đứng dưới chân thập giá, khi bóng đêm bao trùm trời đất, Thiên Chúa Cha như im lặng và vắng bóng, thì còn đó một con người – một người Mẹ, Mẹ Maria – an ủi xoa dịu nỗi đau của Con mình (x. Ga 19, 25). Người Mẹ đó cũng là Hội Thánh hôm nay, cách riêng là các nhà truyền giáo hôm nay, noi gương Đức Maria như là “cột lửa” cho dân đi giữa đêm đen, là “ánh sáng muôn dân” phá tan bóng tối tội lỗi đang phủ ngập trên thế giới hôm nay.
Không chỉ hình ảnh Đức Maria đứng dưới chân thập giá mà thôi, mà mọi hình ảnh Thánh Kinh về Đức Maria đều ẩn chứa ý nghĩa truyền giáo, mọi mầu nhiệm về Đức Maria đều được liên kết với mầu nhiệm Chúa Kitô và mang ý nghĩa cứu độ. Đó là lý tưởng cho những ai dấn thân truyền giáo dõi theo, mà trước hết hãy học ở Mẹ những đức tính cần thiết mà qua những hình ảnh Thánh Kinh đã lần lượt vẽ lên bức chân dung tuyệt hảo của Mẹ.
Thật vậy, Đức Maria được Thiên Chúa ban tặng cho loài người như một hồng ân và như dấu chỉ của tình yêu mầu nhiệm nơi Thiên Chúa được mặc khải. Vì Tình Yêu Thiên Chúa cao cả vượt quá trí hiểu của loài người, tặng ân mà Thiên Chúa gửi đến cho nhân loại nơi Đức Maria được bao trùm bởi mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Vì lẽ đó, chỉ trong ý định niệm mầu của Thiên Chúa tạo dựng và cứu chuộc, con người mới hiểu được phẩm tước và chức vị cao sang của Đức Trinh Nữ. Mọi đặc ân và phẩm vị của Đức Maria cũng được gắn liền với mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ, vì Đức Maria là mẹ Đấng Cứu Thế.
Mọi tương quan, đặc ân, phẩm tước và chức vị của Đức Maria được mọi đời suy tôn và ca tụng trong Hội Thánh Công Giáo Đông cũng như Tây từ cổ chí kim; từ những định tín giáo hôi tuyên xưng, các kinh nguyện phụng vụ Kitô Giáo, đến những suy tư của các thần học gia, các thi sĩ, các nhạc sĩ… Từ lời tuyên xưng đặc ân cao cả nhất của Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa” đến những danh hiệu bình dân nhất mà mọi người kêu cầu nơi các thánh địa và lời kinh sớm tối trong các gia đình.
Khi đọc và suy tư những phẩm chức của Mẹ Maria, đặc biệt chiêm nắm về đặc ân Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và Mẹ nhân loại, cách riêng khi suy tư về tước hiệu “Maria- Nữ Vương các thánh Tông Đồ”, người viết thấy hiện lên nơi Mẹ một bức chân dung truyền giáo sáng chói trong việc trao ban, đem Chúa đến cho mọi người và tái sinh hạ loài người trong ơn cứu độ của Đức Kitô.
Ngay từ đầu được cưu mang Đấng Cứu Thế, Mẹ Maria đã hối hả lên đường mang Chúa đến cho người chị họ, mang ân sủng Chúa Thánh Linh đến cho Gioan Tiền Hô, mang tình yêu phục vụ đến cho gia đình Giacaria… Đó là hình ảnh rất đẹp về truyền giáo của Mẹ làm mẫu gương cho các vị truyền giáo của mọi thời đại. Mẫu gương của Mẹ Maria đang là một thôi thúc cho Hội Thánh hôm nay nói chung và các nhà truyền giáo nói riêng, mau mắn lên đường đem Chúa đến cho người khác trong sự dấn thân phục vụ và sống xin vâng theo ý Chúa trong việc gẫm suy và thực hành Lời Chúa, để Chúa tự do sử dụng như một khí cụ trao ban, đi tìm vinh quang cho Nước Chúa.
Chủ đề CHIỀU KÍCH TRUYỀN GIÁO NƠI ĐỨC MARIA TRONG THÁNH KINH không là một khám phá mới mẻ về Mẹ Maria, nhưng như là một cố gắng nhằm làm nổi bật lên hình ảnh tuyệt vời về truyền giáo của Mẹ, và như là một ước nguyện cho những ai truyền giáo biết noi gương Mẹ trên bước đường đem Chúa đến cho nhân loại.
I. HÌNH ẢNH CỰU ƯỚC VỀ ĐỨC MARIA MANG TÍNH TRUYỀN GIÁO
Thiên Chúa là tác giả của lịch sử tôn giáo Israel, Người hướng dẫn lịch sử ấy đến một mục đích chính, và mục đích chính ấy làm cho lịch sử ấy có ý nghĩa. Nói chính xác hơn, Thiên Chúa là tác giả của Thánh Kinh Cựu Ước và Tân Ước, liên kết sáng tạo và cứu độ và hướng Thánh Kinh về một mục đích là Đấng Kitô và ơn cứu độ Đấng ấy đem đến cho loài người. Các sách Thánh thuộc Cựu Ước và Tân Ước cũng như Thánh Tryền đáng kính đều soi chiếu vai trò của Mẹ Đấng Cứu Thế trong nhiệm cục cứu độ và trình bày thật nổi bật trước mắt chúng ta[1].
Nếu Tân Ước nói về Đấng Kitô, thì Cựu Ước chuẩn bị đường đưa tới Đấng Kitô, mà trên đường đưa tới Đấng Kitô, thì Đức Maria là bước cuối cùng và thiết yếu. Tuy nhiên, cái khó là những gì Thiên Chúa nói hoặc làm liên quan đến Đức Maria trong thời Cựu Ước lại quá kín đáo, khó thấy và khó hiểu, nếu không nhờ ánh sáng mặc khải trọn vẹn (nghĩa là nhờ Tân Ước và Thánh Truyền)[2]. Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Tín Lý về Hội Thánh cũng công nhận:
“Các sách Cựu Ước trình thuật lịch sử cứu độ, trong đó nhân loại chuẩn bị dần dần để đón ngày Đức Kitô đến. Các tài liệu tiên khởi này, được Hội Thánh đọc và hiểu theo mạc khải tiệm tiến và trọn vẹn, đã từng bước trình bày gương mặt của người phụ nữ, đó là người mẹ của Đấng Cứu Độ. Theo ánh sáng ấy, người phụ nữ này đã được phác hoạ trong lời hứa chiến thắng trên con rắn, lời hứa đã được Thiên Chúa ban cho nguyên tổ sau khi họ phạm tội (x. st 3,15). Chính người phụ nữ này là Trinh Nữ mang thai và sinh hạ trong trần gian một người Con được đặt tên là Emmanuel (x. Is 7, 14; Mk 5, 2-3; Mt 1, 22-23). Người phụ nữ này đứng đầu trong những kẻ khiêm hạ và nghèo hèn của Thiên Chúa, là những người tin tưởng mong chờ ơn cứu độ, và được lãnh nhận ơn cứu độ nơi Người. Sau khi nhân loại mong ngóng lời hứa được thực hiện, cuối cùng thời gian đã nên trọn với người phụ nữ này, được xem như Thiếu Nữ tuyệt vời của Sion, và nhiệm cục cứu độ mới mẻ được bắt đầu, khi Con Thiên Chúa đón nhận nhân tính từ nơi người phụ nữ ấy, để giải thoát nhân loại khỏi tội lỗi nhờ những mầu nhiệm thân xác của Người” (GH 55).
Như thế, dựa và Tân Ước và Thánh Truyền, chúng ta có thể biết Cựu Ước tiên báo về Đức Maria. Thánh Thần hướng dẫn các tác giả Thánh Kinh để khi viết về Đức Maria, các tác giả Tân Ước đã trích dẫn hoặc ám chỉ các đoạn văn của Cựu Ước, dù khá kín đáo, nhưng dựa vào các đoạn văn đó, chúng ta có thể dẫn chứng theo ba cách tiên báo:
– Qua các nhân vật.
– Qua các biểu tượng.
– Qua các lời tiên báo.
1. Các nhân vật (những người phụ nữ trong Cựu Ước).
Nguyên tắc thần học đòi hỏi khi đọc lại các bản văn Kinh Thánh, đặc biệt phần Cựu Ước, không nên hiểu theo mặt chữ hoặc hiểu theo nghĩa đen về các nhân vật và các sự kiện, nhưng cần có một cái nhìn xuyên suốt toàn bộ Kinh Thánh và hiểu theo nghĩa tiên trưng nhiều hơn, đồng thời, ý nghĩa Thánh Kinh theo Kitô Giáo đã được nhìn theo cái nhìn đức tin và được đọc dưới ánh sáng Phục Sinh. Cũng thế, để hiểu các nhân vật Cựu Ước, cụ thể là các phụ nữ có tính tiên báo về Đức Maria, phải hiểu theo nghĩa tiên trưng, và được nhìn dưới ánh sáng Phục Sinh, cách riêng, dùng các bản văn Tân Ước để hiểu rõ hơn về Cựu Ước.
Công đồng Vaticano II dạy: “Từ muôn đời, Đức Trinh Nữ đã được tiền định là Mẹ Thiên Chúa, cùng một lúc với việc nhập thể của Con Người”[3].
Sách Giáo Lý Công Giáo số 489 bổ túc thêm: “Suốt thời Cựu Ước, sứ mạng của Đức Maria đã được chuẩn bị trước nơi vai trò của các phụ nữ thánh thiện. Khởi đầu là bà Eva, dù bà bất tuân phục, nhưng bà đã nhận lấy lời hứa rằng, một hậu duệ của bà sẽ chiến thắng ma quỷ (x. St 3, 15) và bà sẽ là mẹ của chúng sinh (x. St 3, 20). Kế đến là ơn sinh hạ khác thường cho Sara khi đã cao niên (x. St 18, 10-14; 21, 1-2). Rồi khác với dự đoán của loài người, Thiên Chúa đã chọn những gì bị coi là bất lực và yếu đuối (x. St 3, 15) để giúp Israel được giải thoát và chiến thắng, như trường hợp của bà Esther và Giuditha…”
a, Bà Eva: đặc trưng cộng tác sáng tạo (x. St 3,15// 2Cr 5, 17).
Những tìm hiểu ở đây chỉ tập chú đến chức năng làm mẹ nhân loại của Đức Maria. Bà Eva là mẹ của chúng sinh, là tổ tiên của nhân loại, tiên trưng cho một Đức Maria sinh ra một nhân loại mới dưới chân thập giá Chúa Kitô. Khi viết: dòng giống Eva sẽ đánh vào đầu con rắn (x. St 3, 15) cho thấy tác giả Thánh Kinh nghĩ tới cần nhiều thời gian của Dân Thiên Chúa chiến thắng trên sự ác: miêu duệ của người nữ luôn bị tổn thương, nhưng vẫn được Thiên Chúa dẫn dắt đến những hoài bão mới mẻ. Niềm hy vọng sẽ chiến thắng sự ác một lần dứt khoát là nguồn cảm hứng xuyên suốt Kinh Thánh. Bà Eva là người đầu tiên đón nhận lời hứa cứu độ, thì sau này, Đức Maria là người đón nhận và làm viên mãn lời hứa đó khi làm Mẹ Đấng Cứu Độ.
Người đàn bà (x. St 3, 15) trước hết là nhân loại, được Thiên Chúa cho sinh hạ Đấng Cứu Thế, vị cứu tinh của chính nhân loại (x. Is 45, 8). Hình ảnh này được gặp thấy nơi sách Khải Huyền chương 12, cũng được áp dụng cho Đức Maria cũng như cho Hội Thánh, bởi lẽ cả hai đều đã bước vào một hôn ước thần nhiệm. Chúa Giêsu sinh làm con Đức Maria; và Hội Thánh là mẹ tất cả những người đã được tái sinh nhờ nước và Thánh Thần; do đó họ trở thành chi thể của Thân Thể Chúa Kitô, nhiệm thể này dần dần lớn lên và vươn tới tất cả mọi người[4].
Đức Maria là sự sáng tạo mới của Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa không tách rời Mẹ khỏi thế giới cũ kỹ như một báu vật có một không hai. Nói cách khác, cuộc tân sáng tạo không chỉ là một cá thể mang danh Maria, nhưng qua trung gian của một ngôi vị được tuyển chọn đặc biệt để tác động trên toàn thể. Thiên Chúa không cứu độ cách đơn lẻ, mà là cứu chuộc số đông bằng cách thiết lập một dòng dõi, một dân riêng, một cộng đồng…
Vì Đức Maria được đẹp lòng Thiên Chúa, nên từ Người, Thiên Chúa tác thành một nhân loại mới sống trong sự vâng phục Thiên Chúa. Thật vậy, Thiên Chúa muốn Đức Maria là “Eva mới” của “nhân loại” mới, nhân loại mới này là những người “không do máu huyết hoặc ý muốn của nam nhân, nhưng do Thiên Chúa mà sinh ra” (x. Ga 1, 13).
Trong ý định của Thiên Chúa, sự đổi mới nhân loại bắt đầu bằng việc tuyển chọn Eva mới, để nhờ Eva mới này mà Con Thiên Chúa mang lấy xác thịt để trở nên Adam mới. Đây là một sự đổi mới kỳ diệu và thật phi thường vượt quá sự suy tưởng của con người[5]. Toàn thể nhân loại được đổi mới do sự tiếp nhận bản tính thần linh trong thể xác của mình. Điều này trước hết được thể hiện nơi Đức Maria, vì người đã tiếp nhận Lời Thiên Chúa trong lòng mình và “xin vâng” để cho Lời Thiên Chúa được hoá thành nhục thể trong dạ mình.
Sự đổi mới nhân loại không thể chỉ là thay đổi cái vỏ bề ngoài, điều này con người có thể làm được và đang tiếp tục làm, nhưng những thay đổi bề ngoài không làm nên một nhân loại mới đúng nghĩa. Thật vậy, nhân loại mới phải được đổi mới từ bên trong, từ cội nguồn của nó, tức là phải đổi mới từ bản tính. Nhưng để có được sự đổi mới tận căn này, thì cần phải tiếp nhận Thiên Chúa vào trong chính hiện hữu, trong chính bản tính của con người và yếu tố thần linh sẽ dần dần giúp con người biến đổi nhân tính nên mới giống hình ảnh Thiên Chúa.
Nơi Đức Maria, sự sống và ân sủng của Thiên Chúa được triển nở cách trọn vẹn và phát huy ở mức độ tối đa đối với khả năng tiếp nhận của loài thụ tạo, đụng chạm với Thiên Chúa Ba Ngôi. Đó là đỉnh cao của nhân loại mới. Đó là địa vị cao sang mà không ai trong loài người có thể mơ ước. Vì lẽ đó, Đức Maria đáng được gọi là Eva mới, mẹ của nhân loại mới (Saint Bernadus, De Maria Nunquam…, p. 57).
Việc so sánh Eva – Maria luôn xuất hiện trong các suy tư về gia sản đức tin được lãnh nhận từ mặc khải của Thiên Chúa. Bà Eva là “mẹ chúng sinh” (St 3, 20), nhân chứng của “khởi nguyên” theo Thánh Kinh, trong đó chứa chất chân lý về việc tạo dựng con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Đức Maria là chứng nhân của “khởi nguyên mới” và “sáng tạo mới” (x. 2Cr 5, 17)… sự so sánh giữa Eva và Đức Maria có thể hiểu theo nghĩa, Đức Maria là mầu nhiệm của “người phụ nữ” mà khởi điểm của mầu nhiệm này là bà Eva, “mẹ chúng sinh”; Đức Maria đón nhận mầu nhiệm này vào chính bản thân mình và đưa mầu nhiệm này vào trong mầu nhiệm của Đức Kitô là“Adam mới và cuối cùng”.
Trong truyền thống đức tin và suy tư Kitô Giáo qua mọi thời đại, việc so sánh Adam – Đức Kitô thường đi sóng đôi với việc so sánh Eva – Maria. Điều này chắc chắn có nhiều ý nghĩa, nhưng phải dừng lại ở ý nghĩa mặc khải gán cho Đức Maria những gì chứa đựng trong thuật ngữ “phụ nữ’ theo Thánh Kinh, một mặc khải sâu xa theo chiều kích mầu nhiệm cứu độ. Theo nghĩa này, Đức Maria vượt qua những ranh giới mà sách Sáng Thế nói đến (x. St 3, 16) và trở về “khởi điểm”, nơi chúng ta gặp được người phụ nữ trong công trình sáng tạo, có nghĩa là trong kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa, trong lòng Ba Ngôi Cực Thánh[6].
Như thế, hình ảnh mang tính truyền giáo của Đức Maria nơi bà Eva ở đây chính là chức năng làm mẹ và việc đón nhận lời hứa cứu độ, vì truyền giáo đồng nghĩa với việc sinh ra cho Thiên Chúa những người con mới trong Đức Kitô và cho họ được thông phần lời hứa cứu độ. Bà Eva là nguyên tố của nhân loại nói chung, còn Đức Maria sinh ra nhân loại mới trong Đức Kitô nói riêng. Bà Eva thuộc con người đầu tiên cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo loài người từ nguyên thuỷ, còn Đức Maria là người mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong công trình “tân sáng tạo”, hay nói đúng hơn là trong công trình cứu độ. Sáng tạo và cứu độ không thể tách rời nhau, từ khởi đầu đến viên mãn. Bà Eva tuy là người đã bất tuân phục, nhưng cũng là người đầu tiên nhận lãnh lời hứa cứu độ cho loài người (x. St 3, 15), còn Đức Maria nhận lãnh sự viên mãn của lời hứa khi sinh ra Đấng là Lời Hứa. Đức Maria là thụ tạo hoàn hảo không thể tách rời khỏi Chúa Giêsu Kitô, Đấng “sinh làm Con một người phụ nữ”. Thiên Chúa đã đặt Mẹ giữa đám tội nhân, để Mẹ phù trì nâng đỡ họ.
Thiên Chúa thực hiện lời hứa cứu độ cách tiệm tiến, kéo dài trong lịch sử Israel, trong đó có bà Sara tiếp tục nhận lời hứa qua việc sinh hạ Isaac trong lúc cao niên:
Vấn đề cần thận trọng khi so sánh Đức Maria với bà Eva:
Điều cần mở ngoặc ở đây khi đem so sánh Đức Maria với bà Eva, đặc biệt trong cái nhìn ngày hôm nay, việc đặt đức Maria trong sự tương phản với bà Eva có thể đem lại một sự nguy hiểm đụng chạm đến nhân phẩm của người phụ nữ, vì thế, khi so sánh nên chỉ dừng lại ở việc bà Eva là hình bóng của đặc trưng làm mẹ (Mẹ chúng sinh – mẹ nhân loại) mà thôi).
Thật vậy, Khi đối chiếu Đức Maria>< Evà trong sự tương phản giữa tội lỗi và thánh thiện, cùng với những lối giải thích tiêu cực trong quá khứ của một số các Giáo Phụ và thậm chí cho đến ngày hôm nay cho thấy một sự nguy hiểm và dẫn tới sự hạ thấp người phụ nữ. Trong một vài chú giải của Đức Piô IX trong hiến chế Indffabilis Deus nhân dịp công bố tín điều vô nhiễm (8/12/1854) cũng phản ảnh điều này: Đức Piô IX đã so sánh Đức Maria với Evà trước khi Evà “sa ngã.” Tiếp đến ngài mô tả Mẹ như là một “hoa huệ giữa những bụi gai” và “gỗ không mục nát.” Mô tả Đức Maria như một “hoa huệ giữa những bụi gai” như Đức Giáo Hoàng thực hiện, không phải là để khẳng định gai góc, bởi vì gai góc bởi bản chất của chúng không bao giờ có thể trở thành bông huệ trắng. Và trong việc mô tả Mẹ như “gỗ không mục nát” ngài muốn ám chỉ rằng tất cả các loại gỗ khác phải mục nát.
Donal Flanagan cho thấy những hậu quả của việc đặt Đức Maria như là một Evà mới hoặc một người phụ nữ mới như sau:
Một cái giá phải trả cho việc so sánh này và cái giá là việc đồng hoá tất cả mọi phụ nữ khác với người đàn bà đầu tiên Evà: không kiên định, không đáng tin cậy, những hữu thể thấp kém về phương diện luân lý trong điều kiện tự nhiên của họ. Sự khác biệt rõ rệt này… tiến trình qua đó người đàn ông phân chia người phụ nữ bằng việc phóng chiếu hai biểu tượng tách biệt và mâu thuẫn về người phụ nữ, đã không bắt đầu với Kitô giáo. Đúng hơn truyền thống Kitô giáo về Đức Maria trong thời gian thích hợp đã phát sinh ra sự nhị nguyên của nó trong thuật ngữ Evà/Đức Maria. Điều này cho phép người đàn ông Kitô giáo phóng chiếu tất cả sự kính trọng, danh dự và tình yêu của anh ta về một người phụ nữ lý tưởng ở một thế giới khác, Đức Maria và vì đó xoa dịu lương tâm của anh ta đối với sự lệ thuộc thực tế và một đẳng cấp thấp anh ta cho phép với những người phụ nữ thật sự trong thế giới được thống trị bởi quyền nam giới của anh ta.
Chỉ một mình Đức Maria trong giới phụ nữ là độc nhất thánh thiện và trinh khiết và trở nên một ngoại lệ. Chính trong bối cảnh này mà sự trinh khiết được giải thích như là cuộc sống phục sinh của Tin Mừng nơi đó phụ nữ được giải phóng khỏi sự nguyền rủa hai mặt thuộc về Evà (x. St 3,16), những đau đớn của việc mang nặng đẻ đau, và sự thống trị của nam giới trên họ. Thậm chí có những quan niệm rằng trong việc chọn sống trinh khiết, phụ nữ trở thành những người đàn ông thiêng liêng và vượt trên tính phụ nữ của họ, thường là một biểu tượng của yếu điểm và nguy hiểm luân lý. Như thế, một cách nào đó coi thân xác phụ nữ là biểu tượng của tội lỗi và chỉ có sống trinh khiết mới là “đàn ông” và mới được giải thoát và đặc biệt vượt trên nữ tính. Đó là những lập luận rất nguy hiểm.
Phóng chiếu những chi tiết “quyến rũ” tiêu cực của Evà cho những phụ nữ khác, rõ ràng không giúp chúng ta nhấn mạnh về sự liên đới của toàn thể nhân loại, đàn ông cũng như đàn bà, trong tội lỗi và trong ân sủng. Elizabeth Johnson chú ý rằng “sự bôi nhọ về các phụ nữ đã trở thành một cái hình bóng che khuất vinh quang của Đức Maria trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo Hội.” Một ví dụ điển hình của vấn đề này là “Madonna – hội chứng những người phụ nữ trụy lạc,” cho phép đàn ông “yêu và kính trọng người phụ nữ lý tưởng của họ trong Đức Maria, nhưng lại bỏ quên hoặc thống trị phụ nữ không bị trừng phạt và được miễn trừ, thậm chí từ những tìm kiếm về chính lương tâm của họ.”
Bởi vì một hệ thống cai trị đã định kiến toàn bộ phạm vi của những biểu tượng thần học, những biểu tượng truyền thống về Đức Maria như Đức Maria, một Evà Mới và khuôn mẫu Ađam Mới-Evà Mới đã hoạt động, một cách vô ý thức, trong việc kiềm chế phụ nữ trong sự đàn áp. Phụ nữ quan tâm về căn tính giới tính, sự tăng trưởng cá nhân, sự thành đạt xã hội và trí tuệ cần thiết phải khước từ những hình ảnh sai lầm như thế.
Nói cách tóm tắt, khi đặt Đức Maria trên bục và tương phản Mẹ với một Evà tội lỗi thì củng cố cho “Madonna-whore syndrome,” thuật ngữ mang tính huỷ diệt đối với phụ nữ, vì khi đó, đặc cách đặt Đức Maria ra ngoài như một ngoại lệ của người phụ nữ tốt lành và có quyền lợi, còn lại những người phụ nữ khác chỉ là những Evà, tôi lỗi và lệ thuộc.
Khuôn mẫu Evà-Đức Maria vẫn còn thấy đang hoạt động trong nền văn hoá của chúng ta, bóp méo hình ảnh của chúng ta có về phụ nữ nghiêng về một thái cực này hoặc một thái cực khác – người lừa dối quyến rũ hay hình ảnh kiêu căng về sự trinh khiết – và để lại cho chúng ta một ấn tượng, nói ra hay không nói ra, rằng phụ nữ không thể được tin tưởng làm những công việc như đàn ông có thể làm.
Thiết nghĩ, đây cũng là một sự cẩn trọng mà các thừa sai cần tìm hiểu để tránh được những sự hiểu lầm về giáo thuyết và tôn trọng bình đẳng trong mọi giới mà họ đem Tin Mừng đến.
b, Bà Sara: đặc trưng của niềm tin (x. St 18, 14 // Lc 1, 37).
Theo kế hoạch cứu độ, Đấng Messia xuất thân từ dòng dõi hai tổ phụ Abraham và Sara. Sách Sáng Thế thuật lại câu chuyện như sau: một hôm dưới cây sồi Mamrê, Thiên Chúa đã phán bảo ông Abraham và bà Sara[7] sẽ có con. Nghe được, bà Sara cười vì thấy ông Abraham và chính bà cũng đã già nua tuổi tác. Biết vậy, Thiên Chúa mới nói với ông Abraham rằng: “Tại sao Sara cười, vì đối với Thiên Chúa nào có điều gì mà không thể làm được?” (St 18, 14). Theo thánh Luca, đó là đặc trưng của Đức Maria suy nghĩ về sự việc vừa không biết đến việc vợ chồng lại vừa thụ thai sinh hạ (x. Lc 1, 31), thần sứ liền đáp: “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được” (Lc 1, 37)[8].
Trong vấn đề sinh hạ Đấng Messia, Thiên Chúa sẽ cho Mẹ của Đấng này là Đức Maria khỏi quy luật tự nhiên. Để loài người dễ chấp nhận khi sự việc ấy đến, nên trước đó, Thiên Chúa cũng đã làm cho bà Sara thoát khỏi quy luật sinh lý tự nhiên và làm chứng cho quyền năng Thiên Chúa. Như vậy, trong trường hợp này, bà Sara là đặc trưng của Đức Maria[9].
Hình ảnh Đức Maria mang ý nghĩa truyền giáo từ nơi bà Sara – tổ mẫu của Israel, trước hết chính là lời xác định của Thiên Chúa về quyền năng của Người với bà Sara cũng như với Đức Maria: “Không có gì mà Thiên Chúa không làm được” (St 18, 14 // Lc 1, 37). Việc truyền giáo trước hết là sự cộng tác của các sứ giả, còn mọi sự dù vượt qua trí hiểu và khả năng của loài người Thiên Chúa đều thực hiện được. Kế đến, Sara là mẹ của Isaac, là mẹ của đứa con tự do, là mẹ của đứa con được hưởng lời hứa, là mẹ của đứa con được sinh ra bởi lòng tin và là mẹ của dân tộc Israel sau này. Còn Đức Maria là Mẹ của Đức Kitô, Mẹ của Đấng mang lại tự do đích thực, Mẹ của Đấng là Lời Hứa, Mẹ là Đấng được sinh ra nhờ Mẹ đã tin lời Chúa hứa sẽ được thực hiện (x. Lc 1, 45) và là Mẹ của Dân Mới của Thiên Chúa và được hưởng gia nghiệp của Người.
c, Bà Giuditha: đặc trưng đầy ơn phúc (x. Gđt 13, 18 // Lc 1, 42).
Giuditha có nghĩa là “cô gái Hípri”, câu chuyện về bà Giuditha phản ánh niềm tin vào quyền năng Thiên Chúa, thực hiện kế hoạch của Người bằng cách dùng những người khiêm hạ để hạ bệ những người kiêu căng ngạo mạn, cụ thể là một phụ nữ đơn thường như Giuditha đã chiến thắng đại tướng Holopherne. Sau này trong bài Magnificat, Đức Maria cũng đã tuyên xưng: “Chúa dẹp tan phường lòng trí kiêu căng và hạ bệ những ai quyền thế” (Lc 1, 51-52a).
Khi bà Giuditha trở về từ trại quân ô hợp của vua Nabucodonosor, mang theo thủ cấp của đại tướng chỉ huy quân đội của vua là Holopherne, một đầu mục Do Thái đã nói với bà Giuditha: “Này trang nữ kiệt, bà được Thiên Chúa Tối Cao ban phúc hơn tất cả các phụ nữ trên cõi đất này…”(Gđt 13, 18). Theo thánh Luca, đây là đặc trưng của Đức Maria sau này. Thực vậy, khi Đức Maria viếng thăm bà Elizabeth, bà Elizabeth cũng thốt lên lời ca ngợi: “Em là người có phúc nhất trong giới phụ nữ” (Lc 1, 42). Điều này cho thấy trong cuộc chiến thắng của bà Giuditha chặt đầu tướng giặc hình ảnh một cuộc chiến thắng khác, trong đó “Đức Maria đánh vào đầu con rắn” (x. St 3, 15) với vũ khí của Thiên Chúa, tức là tiếp đón toàn vẹn Con Thiên Chúa và công trình kiên trì của Người để giựt nhân loại ra khỏi tay quỷ dữ. Bài ca “bà làm cho Israel vinh hiển” (Gdt 15, 9tt) mà mọi người tặng cho bà Giuditha còn thích hợp hơn nhiều khi áp dụng cho Đức Maria[10].
Mặt khác, trong xã hội mà người phụ nữ chưa được đánh giá cao, thì làm sao họ hiểu nổi rằng một người phụ nữ sẽ làm Mẹ Thiên Chúa và bênh đỡ loài người khỏi Satan? Để giúp loài người hiểu được quyền năng Thiên Chúa và khả năng ban cho một phụ nữ trong công trình cứu độ, Thánh Thần đã linh hứng cho tác giả viết truyện Giuditha[11]như là một chuẩn bị tư tưởng cho thế hệ Tân Ước dễ đón nhận vai trò của Đức Maria, là người phụ nữ chiến thắng Satan và bênh đỡ loài người.
Như thế, chân dung bà Giuditha gợi lên hình ảnh về Đức Maria tin tưởng, chiến thắng và được đầy ơn phúc. Những đặc điểm này mang tính truyền giáo, vì truyền giáo là mang trên mình niềm tin xông pha vào trận chiến với thế lực ma quỷ, tràn đầy ơn phúc của Chúa và đem niềm vui Phục Sinh (chiến thắng) đến cho mọi người.
d, Bà Debora: đặc trưng tuân giữ Lời Chúa (x. Tl 3-4 // Ga 2, 5).
Sách Thủ Lãnh đưa vào gương mặt của Debora, một phụ nữ làm thủ lãnh Israel khoảng bốn mươi năm. Đó là một nữ ngôn sứ nhân danh Đức Chúa để thi hành công lý. Đây cũng là một trường hợp ngoại lệ, vì hồi đó trong Israel nam giới nắm mọi quyền hành. Ngoài hai chương ngắn ngủi trong sách Thủ Lãnh, chúng ta có thêm chất liệu để nghiên cứu từ tác phẩm “Les Antiquités bibliques” của sử gia Pseudo – Philon (cuối thế kỷ I sau công nguyên). Sách Thủ Lãnh ghi lại việc bà Debora trở thành thẩm phán và khơi mào cho cuộc nổi dậy chống Giavin vua Canaan, đồng thời tiêu diệt tướng Sisera chỉ huy quân đội của vua Giavin (x. Tl 4) và hát lên bài ca chiến thắng (x. Tl 5). Còn Pseudo – Philon trong tác phẩm “Les Antiquités bibliques” đã ghi lại nhiều chi tiết đặc biệt, trong đó có lời lẽ của bà như sau:
“Hãy nghe tôi, hỡi dân tôi! Đây, tôi khuyên nhủ các con với tư cách là phụ nữ của Thiên Chúa và tôi soi sáng cho các con với tư cách là đại diện của nữ giới… Các con hãy chỉ hướng tâm hồn các con lên Thiên Chúa mà thôi, bao lâu các con còn sống… Các con hãy hướng ý nghĩ của các con đến ánh sáng của lề luật. Hãy làm thế nào để tâm hồn không lệch bên phải cũng không lệch bên trái: đúng hơn là các con hãy ngày đêm chú tâm vào lề luật của Chúa[12].
Như thế, trong đặc quyền làm “mẹ” thiêng liêng các chi tộc, bà Debora tìm cách để cho các con (Israel) luôn luôn hướng bước đi của họ về con đường của Chúa.
Lời mời gọi mà bà Debora nói với con cái của mình để họ trung thành với lề luật của Chúa, làm cho chúng ta nhớ đến lời khuyên mà Đức Maria đưa ra cho các gia nhân của tiệc cưới Cana: “Người bảo gì anh em cứ làm theo” (Ga 2, 5). Mặt khác, dưới chân thập giá, Đức Maria chính thức trở thành Mẹ nhân loại khi nhận lời trối của Chúa Giêsu, nhận môn đệ thương mến thay mặt loài người làm con Mẹ. Từ đó, trong trách nhiệm làm Mẹ của Đức Maria đối với Hội Thánh, mẹ có nhiệm vụ luôn đánh thức các con trai con gái phải gắn bó, kiên vững tin vào lời của Con Mẹ[13].
Với tư cách là Mẹ của Hội Thánh, Đức Maria trình lên Thiên Chúa những dấu hiệu về sự bần cùng của nhân loại trong thân xác và tinh thần; và người đã can thiệp giúp để các con trai con gái của Người mở lòng ra đón nhận Lời Chúa Giêsu[14].
Ngày nay, nhiều lần trong các cuộc hiện ra, Mẹ Maria luôn nhắn nhủ và kêu gọi mọi người trung thành gìn giữ luật Chúa, tin tưởng vào Thiên Chúa và hứa ban cho tín hữu chiến thắng Satan.
Như vậy, hình ảnh mang tính truyền giáo rất nổi bật nơi nữ ngôn sứ Debora tiên trưng cho Đức Maria là khuyên nhủ con cái mình trung thành tuân giữ lề luật, và lòng dũng cảm đương đầu với kẻ thù trong niềm tin vào Thiên Chúa để chiến thắng. Đức Maria khi còn tại thế đã thể hiện tư cách đó tại tiệc cưới Cana, nay trên Thiên Quốc, Mẹ còn quan tâm hiện ra nhiều nơi để nhắn nhủ và kêu gọi con cái Hội Thánh và thế giới sống đạo đức và tin tưởng vào Thiên Chúa, đồng thời can đảm chống lại quyền lực sự dữ và mưu mô của vương quốc Satan. Đó cũng là tinh thần của các sứ giả truyền giáo, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, luôn nêu cao niềm tin vào Thiên Chúa, khuyến khích mọi người giữ lề luật và can đảm chống lại sự quyến rũ của quyền lực sự ác.
e, Người mẹ anh hùng trong sách Macabe quyển thứ hai: đặc trưng can đảm và tử đạo (x. 2Mcb 7, 1-41 // Ga 19, 25-27).
Sách 2 Macabe để lại cho chúng ta tấm gương một người mẹ anh hùng trước quan quyền, can đảm an ủi khích lệ bảy người con thà chết chứ không lìa bỏ lề luật của Thiên Chúa (x. 2 Mcb 7, 1-41).
Lòng đạo đức Kitô Giáo thích nối kết hai bà mẹ, bà mẹ của anh em Macabe là người tham dự sự sát tế của bảy người con trai của mình, và người Mẹ của Chúa Giêsu hiện diện bên cạnh con mình trong thảm kịch đồi Calve.
Bà mẹ của anh em Macabe, bản văn Kinh Thánh xác định, chịu đựng tất cả với tinh thần cao thượng, đặt niềm hy vọng của mình vào Thiên Chúa. Đầy tình cảm hào hiệp, bà khích lệ từng người con bằng ngôn ngữ cha ông mình và tấm lòng phụ nữ của bà hoàn toàn được làm sống động bằng một sự hăng hái nam nhi (x. 2Mcb 7, 20-23)[15]. So sánh với hình ảnh Đức Maria hiện diện dưới chân thập giá (x. Ga 19, 25), Mẹ Maria cũng chứng kiến việc sát tế của Đức Giêsu trên thập giá, với tất cả tình cảm và niềm tin hiệp thông cứu chuộc.
Trên thập giá, khi thấy Mẹ Maria đứng bên cạnh (x. Ga 19, 26-27), nhân tính của Chúa Giêsu, bị xé nát bởi chấn thương tâm lý của một bi kịch như thế, chắc chắn Chúa Giêsu đã cảm thấy sự trợ lực không thể thay thế được của sự kiện Mẹ hiện diện, sự an ủi của Chúa Cha trên trời cũng xuyên qua tâm hồn của người Mẹ trần thế của Người (x. Ga 16, 32). Thánh Augustin khi nói về những đau thương của Đức Maria, đã miêu tả người như là “Nữ Vương các thánh tử đạo”, bởi sự tử đạo của Mẹ thì lâu dài và lớn lao hơn tất cả các vị tử đạo. Thánh Thomas d’Aquin nói rằng: “Để có vinh quang tử đạo, thì phải thực hành sự vâng phục trong cuộc tử đạo ở cấp độ cao nhất, hay nói cách khác là vâng phục cho đến chết” (2. 2; q. 124, a.3). Thánh Bernard cũng nói: “Mẹ Maria là một người tử đạo không bởi lưỡi gươm lý hình, nhưng bởi đau thương và cay đắng của trái tim”[16]. Trái tim Mẹ Maria trở thành một tấm gương phản chiếu sự thương khó của Con Mẹ – phản chiếu cách trung thực những vết thương mà Chúa Giêsu đã chịu. Thánh Bonaventura cũng gợi ý thêm rằng: “Những vết thương rải rác trên thân thể Chúa Giêsu đã hợp lại nơi trái tim đơn độc của Mẹ Maria” (Stim. Div, am. P.1, c.3)[17].
Như vậy, hình ảnh người mẹ chứng kiến sự sát tế của những đứa con vì sự dữ hoành hành và làm lễ dâng cho Thiên Chúa, cho thấy thảm kịch đau thương mà mọi nơi và mọi thời những chứng nhân truyền giáo phải đương đầu, không những phải luôn sẵn sàng hiến dâng cả mạng sống trong niềm tin Phục Sinh, mà còn phải sát tế hằng ngày trong tâm hồn vì nỗi đau của nhân loại, hiệp thông với nỗi đau trên thập giá của Chúa Giêsu để sinh ra nhân loại, noi gương người Mẹ anh hùng là Nữ Vương các thánh tử đạo đứng dưới chân thập giá Chúa Giêsu. Hình ảnh bà mẹ Macabe cũng như Mẹ Maria hiệp thông với Con mình trong đau khổ, cũng nói lên sự hãm mình đền tội cho thế giới, đồng thời cũng làm nổi bật lên mức độ yêu mến dành cho Thiên Chúa. Cũng thế, tình yêu thập giá là thước đo mức độ yêu mến và trao ban của những ai dấn thân cho việc truyền giáo, cùng với thái độ sẵn sàng chấp nhận những đau khổ để đền tội cho dân, noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu và Mẹ Maria.
Sự can đảm siêu nhiên là một trong những đặc tính tiêu chuẩn nơi Chúa Kitô và Mẹ Maria. Đó cũng là dấu hiệu của người môn đệ, những nười dấn thân rao giảng Tin Mừng. Đức can đảm siêu nhiên này giúp họ lướt thắng mọi đam mê, kiểm soát sự giận dữ, chu toàn bổn phận, chống lại sự buồn tẻ đơn điệu, hầu dấn bước cho một lý tưởng duy nhất là đem ơn cứu độ đến cho muôn người.
Mặt khác, như bà mẹ trong sách Macabe trở thành nguồn trợ lực cho các con tuẫn đạo khi tưởng chừng như Thiên Chúa đã bỏ rơi Israel, cũng tựa như Mẹ Maria hiện diện dưới chân thập giá trở thành nguồn an ủi cho Con Chí Thánh trong giờ hiến tế khi mà dường như Chúa Cha hoàn toàn im lặng, thì khi giữa dòng đời hôm nay đầy đau thương và mọi người tưởng như Thiên Chúa vắng bóng hoặc không có, thì những chứng nhân truyền giáo phải có mặt để tương trợ họ hầu mọi người thấy Thiên Chúa vẫn có đó và vẫn hiện diện nơi những con người sống bác ái yêu thương…
Ngoài những hình ảnh nêu trên, Cựu Ước còn cho thấy nhiều hình ảnh nổi bật nơi những người phụ nữ Do Thái khác, có vai trò đặc biệt trong lịch sử cứu độ, mà sau này truyền thống giáo phụ và phụng vụ xem là hình ảnh của Đức Maria như: Bà Anna là mẹ của Samuel (x. 1Sm 1), bà Esther (x. Et 5, 1-5; 14-15,9), bà Maria là chị của Môisê (x. Xh 15, 20-21), bà Noémi (x. R 1, 20-21), bà Respha (2Sm 21)…[18]
Đức Maria vượt trên tất cả những người khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và được Thiên Chúa cứu độ. Sau thời mong đợi đằng đẵng chờ Thiên Chúa thực hiện lời hứa; thời gian đã nên trọn và nhiệm cục mới được thiết lập với Đức Maria, người “Thiếu Nữ Sion tuyệt vời”[19].
f. Thiếu nữ Sion: đặc trưng ưu tuyển và đại diện cho cộng đồng (x. Xp 3, 14-17 // Lc 1, 28-41).
Các danh gọi trong Thánh Kinh, đặc biệt những nhân vật nổi bật được nhắc tới trong bộ Ngũ Kinh, thường gắn liền với một vai trò quan trọng như: Adam (con người), Eva (mẹ chúng sinh); hay gắn liền với những sự kiện như: Isaac (nó đã cười), Môisê (vớt lên từ nước); hoặc phản ánh cá tính của một ai đó như: Phêrô (đá), Giacôbê (con của sấm sét)… Theo cách đó, nhiều cô gái Do Thái được phụ mẫu đặt tên là “Myriam” hay “Maria”, như phản ảnh một sự xinh đẹp và quý phái. Tiếng “Myriam” theo tiếng Aram có nghĩa là “công chúa” hoặc “lệnh bà”[20]. Danh gọi này được khởi hứng từ từ sự kính trọng đối với người chị của Môisê là Myriam, một gương mặt thân ái đối với dân Israel. Thật vậy, cho đến một thời kỳ gần kỷ nguyên Kitô Giáo của Tân Ước, sự tưởng nớ đến bà Myriam được trở nên danh tiếng thêm bằng những truyền thống biểu dương vai trò của bà đã góp phần cứu sống vị đại ngôn sứ Môisê là lãnh tụ cứu dân Israel thoát cảnh nô lệ Aicập. Thiết nghĩ, Mẹ của Đức Giêsu cũng được những người trong dòng họ Người gọi là Maria, trước hết để bày tỏ lòng kính trọng thân thương dành cho bà Myriam thời xuất hành.
Dựa trên truyền thống Palestin, thánh sử Luca cho thấy Đức Maria là một phụ nữ Do thái đạo hạnh, trung thành tuân giữ lề luật (x. Lc 2, 22. 27. 39), biết lấy chính những từ ngữ Cựu Ước để diễn tả những lời Người đáp lại sứ điệp của Thiên Chúa (x. Lc 1, 38). Đặc biệt kinh Magnificat của Người là một bài ca ghép nối nhiều câu Thánh Vịnh và lấy từ cảm hứng bài ca vãn của bà Anna (x. 1Sm 2, 1-10 // Lc 1, 46-55). Như vậy, có thể nói, từ danh gọi, đời sống đạo hạnh và vai trò đại diện cộng đồng để dâng lời lời kinh ca ngợi, và hơn nữa góp phần cộng tác trong công cuộc giải phóng nhân loại, Đức Maria xứng đáng và hơn thế nữa đối với tước hiệu được dành tặng cho Người là “Thiếu Nữ Sion”.
Thần học gia Franz Mussner đề tặng trong tác phẩm “Thiếu Nữ Sion” như sau: “Cô thiếu nữ Do Thái Myriam, được các Kitô hữu biết dưới cái tên là “Maria’, nghĩa là Mẹ Đức Giêsu, trong thái độ đức tin, đã luôn luôn tỏ ra mình là con gái của Abraham”[21]. David Flusser, một Rabi nổi tiếng của Do Thái cũng khẳng định: “Về phương diện lịch sử, Đức Maria dưới con mắt mọi người, là chiếc vòng nối kết một cách vững chắc Đức Giêsu và dân Do Thái. Đấng cứu chuộc đức tin Kitô Giáo đã được sinh ra từ một phụ nữ Do Thái tên là Maria”[22]. Trong khi đó, công đồng Vaticano II cũng xác định dựa theo những lời như thánh tông đồ Phaolô trong thư gửi giáo đoàn Rôma (Rm 9, 4-5): “Maria đã được Thiên Chúa nhận là con, được Người cho thấy vinh quang, được ban tặng giao ước lề luật, nền phụng tự và các lời hứa của con cháu các tổ phụ; và sau hết chính Đức Kitô, Con của Đức Trinh Nữ Maria, xét theo huyết thống cũng cùng một nòi giống với Ngài”[23].
Như vậy, Maria thành Nazareth là một người cụ thể, hoà nhập vào trong một bối cảnh lịch sử và xã hội nhất định ở Palestin ở thế kỷ đầu. Maria là một phụ nữ Do Thái, từ ý nghĩa danh gọi (Myriam – Maria) đến dòng giống huyết thống là một “thiếu nữ Sion”.
Cũng trong văn chương Do Thái, với kiểu nói ví von, thường một thành phố quan trọng được ví như một thiếu nữ, chẳng hạn: thiếu nữ Babilon (Tv 137, 8), thiếu nữ Ai Cập (Gr 46, 11); thiếu nữ Êđôm (Ac 4, 21). .. Sion là quả đồi nơi David chiếm của địch để xây dựng thủ đô và sau đó Salomon đã xây cất đền thờ Giêrusalem. Vì thế, thiếu nữ Sion cũng đồng nghĩa với thiếu nữ Giêrusalem (x. Is 1, 8; 2, 3; 4, 3-5; 30, 19tt). Các ngôn sứ thường dùng cách nói “thiếu nữ Sion” để chỉ thành phố Giêrusalem, chỉ đền thờ, nhưng đôi khi chỉ cả dân tộc Israel – một danh xưng của dân Thiên Chúa. Như ngôn sứ Sophonia tuyên sấm: “Reo vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, hò vang dậy đi nào, nhà Israel hỡi! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy nức lòng phấn khởi…” (Xp 3, 14-15); ngôn sứ Dacaria cũng viết: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi” (Dcr 9, 9).
Theo thánh sử Luca, cho thấy khi áp dụng lời ngôn sứ Sophonia và Dacaria trong các biến cố Truyền Tin và Thăm Viếng (x. Lc 1, 26-56), thì Đức Maria không phải chỉ là mnột phụ nữ Do thái, mà là một “thiếu nữ Sion”. Luca đã trình bày Đức Maria như là “thiếu nữ Sion” theo nghĩa của thành ngữ Cựu Ước dùng để nhân cách hoá dân Chúa. Lời thiên thần chào “hãy vui lên!” không phải là một lời chào thông thường, nhưng nó gợi lên những lời hứa về ngày Chúa viếng thăm thành thánh của Người (x. Xp 3, 14-15 và Dcr 9, 9). Tước hiệu “đầy ân sủng”, đối tượng tuyệt vời của tình yêu Thiên Chúa, có thể gợi lên hình ảnh người hôn thê trong Diễm Tình Ca, một trong những hình ảnh cổ truyền kỳ cựu nhất về dân riêng Chúa.
Đối chiếu bản văn Sophonia: “Mừng vui lên, hỡi thiếu nữ Sion, Đức Vua của Israel đang ngự giữa ngươi” (Xp 3, 14-15) với bản văn Luca: “Mừng vui lên, hỡi bà đầy ân sủng, Thiên Chúa ở cùng bà” (Lc 1, 28), có thể thấy rõ ràng là thiên sứ Gabriel nhìn nhận Đức Maria là thiếu nữ Sion, nói đúng hơn, Đức Maria là hiện thân hoàn hảo của dân Chúa. Vì người Do Thái quen chào nhau mở đầu bằng từ “Shalom!” nghĩa là “bình an”, trong khi sứ thần Gabriel lại dùng từ “Kaire!” nghĩa là “Hãy vui lên” để chào Đức Maria, phải chăng đó là một sự tuyên nhận Đức Maria là “thiếu nữ Sion đích thực”[24].
Các chứng cứ văn chương ấy tương xứng với vai trò của Đức Maria trong những bối cảnh đó: một mình Mẹ nhân danh cả “nhà Giacob” tiếp nhận Tin Mừng Cứu Rỗi; Người đón nhận và làm cho sự cứu rỗi có thể hoàn tất. Sau cùng, trong bài ca Magnificat, ngoài lòng biết ơn riêng tư (x. Lc 46-49), Người còn mau mắn nói lên niềm tri ân và vui sướng thay cho dòng dõi Abraham (x. Lc1, 50-55)[25]. Như thế, khi áp dụng cho Đức Maria danh hiệu “thiếu nữ Sion” thì vừa mang tính cá nhân, vừa đại diện cho Israel mới, đồng thời vừa đại diện cho nhân loại mới đón Tin Mừng thời điểm cứu độ bắt đầu. Chính trong nhãn quan này, người ta nhìn Đức Maria là Hội Thánh và là nhân loại mới…[26]
Công đồng Vaticano II trong hiến chế Lumen Gentium, số 55 cũng gọi Đức Maria là “thiếu nữ Sion cao sang” khi xác nhận: “Cuối cùng, sau đêm dài mong đợi lời hứa được thực hiện, với Đức Maria, người thiếu nữ Sion cao sang, thời gian đã nên trọn, đã viên mãn”. Thông điệp Redemptoris Mater cũng viết: “Trong tâm hồn của người thiếu nữ Sion này, một cách nào đó đã hiện lên tất cả vinh quang của ân sủng mà Thiên Chúa Cha quyết định rộng ban cho chúng ta nơi Con yêu dấu”[27].
Như vậy, khi áp dụng cho Đức Maria tước hiệu “Thiếu Nữ Sion” vừa mang tính cá nhân, vừa đại diện cho Israel mới, đồng thời đại diện cho nhân loại mới đón nhận Tin Mừng, cho thấy tính truyền giáo ở đây là vai trò của sứ giả Tin Mừng không chỉ mang tính cá nhân, nhưng còn là đại diện cho nhân loại, đại diện cho Hội Thánh đón nhận và trao ban ân sủng, lãnh nhận ơn cứu độ và đem ơn cứu độ đến cho mọi người.
2. Các biểu tượng.
Sau khi lượt qua một số hình ảnh tiêu biểu mang tính truyền giáo nơi những nhân vật Cựu Ước, chúng ta tiếp tục tìm hiểu một số các biểu tượng mà các giáo phụ và Phụng Vụ áp dụng vào Đức Maria, như:[28]
Địa đàng (St 2, 8).
Tàu Nôê (St 6, 18-19).
Cầu vồng (St 9, 12-17).
Thang Giacob (St 28, 12).
Bụi gai bốc cháy (Xh 3, 2).
Bình vàng (Xh 16, 33-34).
Bàn xá tội (Xh 25, 17-18; Lv 16, 14).
Bàn dâng lễ vật (Xh 25, 23-30; Lv 24, 5-9).
Chân đèn bảy ngọn (Xh 25, 31-39).
Bàn thờ dâng hương (Xh 30, 1-10).
Sao mai (Ds 24, 17).
Vùng đất phì nhiêu (Đnl 8, 7; 33, 28; Tv 84, 13; Is 45, 8).
Da cừu Gédéon (Tl 6, 36-40; Is 45, 8).
Cây gậy nở hoa (Ds 17, 23; Is 11, 1).
Thành đô Thiên Chúa (Tv 77; 86, 3; 97).
Cây bá hương trên núi Liban (Hc 24).
Cửa niêm phong (Ed 44, 1-2
…
Dưới đây chỉ tập chú đến ba biểu tượng được kể là nổi bật nhất: Hòm bia giao ước, đền thờ và núi Sinai.
a, Hòm bia Thiên Chúa: Đặc trưng cưu mang Lời Thiên Chúa, hiện diện và đồng hành (x. Xh 40, 35 // Lc 1, 35).
Sự hiện diện của Thiên Chúa nơi Israel được biểi lộ bằng nhiều cách khác nhau, mà hòm bia là một dấu chỉ khả giác của sự hiện diện đó.
Được che chở dưới lều, hòm bia giống như một đền thờ lưu động đi theo dân Israel trong suốt hành trình trong sa mạc và giai đoạn đầu vào đất hứa, khởi sự từ Sinai cho đến lúc có đền thờ, và hòm bia chỉ được cố định khi có đền thờ. Chúng ta có thể thấy nơi hòm bia những đặc trưng sau đây;
– Hòm bia là vinh quang của Israel (1Sm 4, 22; Ac 2, 1).
– Hòm bia là sức mạnh của Đấng Uy Quyền (Tv 132, 8; 78, 61).
– Hòm bia là sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân Người (Ds 10, 35; 1Sm 4, 7).
– Hòm bia đòi hỏi những ai đến gần phải sống thánh thiện (1Sm 6, 19; 2Sm 6, 1-11).
Các đặc trưng trên được áp dụng cho Đức Maria, khi mọi đời ca tụng Mẹ là vinh quang của những ai được cứu chuộc, là sức mạnh cho mọi người náu ẩn khi bị bách hại, là sự hiện diện của Thiên Chúa vì mẹ cưu mang chính Ngôi Lời Thiên Chúa và là mẫu gương của sự thánh thiện vẹn toàn.
Hòm Bia trở thành dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa ở giữa dân: “Ta sẽ đặt ‘Nhà Tạm’ của Ta giữa các ngươi, và sẽ không chán ghét các ngươi” (Lv 26, 11). Sách Xuất Hành ghi lại việc Thiên Chúa ra lệnh cho Môsê làm Hòm Bia và Lều Hội Ngộ. Khi làm xong, Thiên Chúa thần hiện một cách nhãn tiền: đám mây ngự xuống và rợp bóng trên lều. Chính Thiên Chúa hiện diện giữa dân qua Hòm Bia mà Người hướng dẫn cho họ (x. Xh 40, 34-38).
Nếu so sánh hai đoạn văn Xh 40, 35 và Lc 1, 35, chúng ta dễ dàng nhận thấy chủ ý của tác giả Luca viết theo ngôn ngữ xuất hành để áp dụng cho Đức Maria. Sách Xuất Hành cho thấy người Do Thái tin rằng “đám mây”, “rợp bóng” trên Hòm Bia Giao Ước là dấu chỉ vinh quang Thiên Chúa ngự đến bao phủ trên đó, thì khi miêu tả biến cố Truyền Tin, tác giả Luca đã ghi lại lời sứ thần Gabriel nói: “Quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà”.
Linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh liệt kê một số so sánh song song như sau:[29]
* Đám mây che phủ Lề Hội Ngộ (x. Xh 40, 34) // “Quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà” (Lc 1, 35).
* Vua David nói: “Hòm Bia Đức Chúa đến với tôi thế nào được?” (2Sm 6, 9) // Bà Elizabeth nói với Đức Maria: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này?” (Lc 1, 43).
* Hòm Bia Đức Chúa lưu lại nhà ông Ô-vết Ê-đôm ba tháng trước khi được đem về lại thành Giêrusalem (x. 2Sm 6,10) // Đức Maria ở lại nhà bà Elizabeth độ ba tháng, rồi trở về nhà (x. Lc 1, 56).
* Vua David và toàn thể nhà Israel rước Hòm Bia Thiên Chúa giữa tiếng hò reo (x. 2Sm 6, 15) // Bà Elizabeth kêu lớn tiếng… (x. Lc 1, 42).
* Vua David nhảy múa trước (Hòm Bia) nhan Đức Chúa (x. 2Sm 6, 16) // Vừa nghe tiếng Đức Maria chào, thì đứa con trong bụng bà elizabeth nhảy lên vui sướng (Lc 1, 44)
…
Hòm Bia giao ước còn được gặp thấy trong Tân Ước: “Đền thờ Thiên Chúa mở ra, và Hòm Bia Giao Ước xuất hiện trong đền thờ…” (Kh 11, 19 – 12, 1). “Đây là nhà Tạm thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ giữa họ…” (Kh 21. 1-3).
Hòm Bia chứa “mười Lời Thiên Chúa”, còn khi cưu mang Đức Giêsu, Đức Maria cưu mang chính Thiên Chúa. Cũng như Hòm Bia trở thành dấu chỉ khả giác sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Người, Đức Maria trở thành dấu chỉ Thiên Chúa đã đến với nhân loại, Đấng là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Hòm Bia trở thành nơi để con cái Israel tin tưởng và tìm đến thỉnh ý Thiên Chúa, Đức Maria là nơi nương nhờ để mọi người tìm đến gặp gỡ Ba Ngôi Thiên Chúa, Mẹ trở thành trung gian trong trung gian Đức Kitô con yêu dấu của Mẹ (quan niệm “qua Mẹ tới Chúa” được hiểu theo nghĩa này).
Như vậy, hình ảnh đẹp nhất mang tính truyền giáo biểu trưng cho Đức Maria mà các sứ giả Tin Mừng noi theo chính là mang Lời Thiên Chúa trong mình và dùng Lời Chúa để dưỡng nuôi dân Chúa trong hành trình đức tin của họ, tựa như Hòm Bia chứa đựng bia ghi khắc Lời Thiên Chúa và đồng hành với dân Israel suốt hành trình sa mạc. Người đi rao giảng Tin Mừng còn là nơi cho mọi người tin tưởng tìm đến để gặp gỡ Thiên Chúa và được hưởng nguồn ơn phúc của Người, tựa Hòm Bia trở thành nơi cực thánh để dân Israel tin tưởng hướng về để thỉnh ý và cầu xin Thiên Chúa để được Người ban ơn.
b, Đền thờ Giêrusalem: đặc trưng hiện diện và gặp gỡ (1V 8, 10 // 1Cr 6, 19).
Trong mọi tôn giáo, đền thờ là nơi thánh, là nơi quy tụ các tín đồ, như là chốn thần linh hiện diện với con người để tiếp nhận phụng tự của họ và cho họ thông phần vào các ân huệ và sự sống thần linh, chắc hẳn nơi cư ngụ thần linh không thuộc thế giới vật chất, nhưng có thể nói, đền thờ được đồng hoá với nơi cư ngụ ấy, đến độ nhờ đền thờ mà con người giao tiếp được với thế giới thần linh. Người ta gặp thấy tính cách biểu tượng này trong Cựu Ước, mà trong đó, đền thờ Giêrusalem là dấu chỉ hữu hình sự hiện diện của Thiên Chúa giữa dân Israel.[30]
Nếu Hòm Bia là nơi Thiên Chúa hiện diện, đi theo dân suốt cuộc hành trình trong sa mạc, thì khi đã an cư trong đất hứa, đền thờ là nơi Thiên Chúa sẽ hiện diện ở đó để dân Người đến đó mà cử hành phụng tự, lắng nghe Lời Thiên Chúa, cầu xin Thiên Chúa và được Người ban phúc lành.
Nhưng vì đền thờ vật chất thì hữu hạn và bao lần bị tàn phá, nên người ta tìm hướng đến đền thờ thiêng liêng có tính vĩnh tồn, mà sau này nơi giáo huấn của thánh Phaolô, chính các tín hữu đã ý thức được rằng chính họ kết thành đền thờ mới, đền thờ thiêng liêng nối dài “đền thờ thân thể Đức Kitô”. Hội Thánh là đền thờ được thiết lập trên Đức Kitô, nền tảng, đầu và là đá góc tường (x. 1Cr 3, 10-17; 2Cr 6, 16tt; Ep 2, 20); đền thờ đặc biệt này là nơi cả người Do Thái lẫn lương dân đều có thể đến gần Chúa Cha trong cùng một Thánh Linh mà không phân biệt gì hết (x. Ep 2, 14-12).
Các Kitô hữu đều là đền thờ của Thiên Chúa với tư cách là chi thể của Thân Thể Đức Kitô (x. 1Cr 6, 15; 12, 27) và thân xác họ là đền thờ Chúa Thánh Linh (x. 1Cr 6, 19; Rm 8, 11). Hai khẳng định ấy liên kết với nhau: bởi thân xác sống lại của Đức Kitô, nơi thần tính ngự một cách hữu hình (x. Cl 2, 9), chính là đền thờ tuyệt hảo của Thiên Chúa, các Kitô hữu chi thể của thân xác ấy hợp với Người kết thành đền thờ thiêng liêng; họ phải cộng tác vào việc tăng triển thân xác ấy trong đức tin và đức ái (Ep 4, 1-10).[31]
Theo phương diện này, trổi vượt trên tất cả mọi Kitô hữu, Đức Maria là ‘Kitô hữu đầu tiên’ xứng đáng là đền thờ lộng lẫy xinh đẹp nhất của Thiên Chúa nơi trần gian, được bao quanh bởi các nhân đức. Cung lòng của Mẹ đã trở thành ngai toà Con Chúa nhập thể.
Đền thờ Giêrusalem là nhà ở tượng trưng của Thiên Chúa, Đấng sống giữa Israel dân Người. Các tiên tri thường ca ngợi: Đức Chúa. Vua của Israel đang ở giữa ngươi; Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đang ở nơi ngươi; hoặc: Ta đến để ở lại giữa ngươi… (Xp 3, 15-17; Dcr 2, 14). Giêrusalem chiếm đặc quyền làm “mẹ Thiên Chúa’ vì trong lòng nó, trong các bức tường của nó có chứa đựng sự hiện diện của Thiên Chúa, được gọi là “Shekinah”, nghĩa là “nơi ở của Chúa”, “nhà ở của Chúa”.[32] Hình ảnh này báo trước về Đức Maria, vì trong người Mẹ của Đức Giêsu, quả nhiên chúng ta thấy một Giêrusalem khác, nhưng được dựng lên cho một nhiệm cục cao hơn. Khi Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể trong Đức Maria, Thiên Chúa đã thực hiện một hình thức nhà ở tuyệt đối mới lạ ở giữa chúng ta, vì: “Ngôi Lời đã mặc xác phàm và cắm lều giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Bụng của các bức tường Giêrusalem được thay thế bởi cung lòng Mẹ Đồng Trinh, bao choàng Con Thiên Chúa bằng xác thịt mình (x. Lc 1, 30-31; Xp 3, 15. 17; Dcr 2, 14) và đền thờ bằng đá biến thành chính con người của Đức Kitô (x. Ga 2, 19-22), đã trở nên con của con người qua trung gian thừa tác vụ làm mẹ của Đức Maria.[33]
Với ánh sáng Phục Sinh, các tín hữu đã đọc lại Cựu Ước đã tìm thấy ý nghĩa tiên trưng cho Đức Giêsu và Thánh Mẫu của Người. Văn chương Gioan đặc biệt tiên phong cho sự tái giải thích này. Đức Giêsu, bằng cái chết đã tụ họp vào trong một khối duy nhất những người con sống tản mác của Thiên Chúa, nghĩa là toàn thể nhân loại (x. Ga 10, 16; 11, 51-52), quy tụ những ai đang bị phân tán do ác thần vào trong một Giêrusalem mới (x. Ga 10, 12; 16, 32).
Đền thờ mới là chính con người của Đức Kitô mà trong đó Chúa Cha và Chúa Con là sự hiệp nhất hoàn hảo (x. Ga 10, 30) và thành Giêrusalem – mẹ mới là Hội Thánh (x. Ga 10, 16), được tượng trưng trong con người của Đức Maria, Mẹ của Đức Giêsu dưới chân thập giá. Nếu ngôn sứ nói đến Giêrusalem xưa, mẹ của những kẻ sống tản mác: “Con cái của Người được tập họp tất cả” (Is 60, 4), thì bây giờ Đức Giêsu nói với Mẹ Người: “Thưa Bà, đây là con của Bà” (Ga 19, 26). Người con này là môn đệ thương mến của Đức Giêsu, đại diện cho toàn thể nhân loại bị phân tán và được hiệp nhất nhờ cái chết của Đức Kitô. Nói cách khác, chúng ta có một sự chuyển dịch hình ảnh, từ Giêrusalem đến Mẹ của Đức Giêsu. Giêrusalem là mẹ của những người sống tản mác trở về (x. Er 6, 19-21), được tập họp lại trong đền thờ mọc lên ở bên trong các bức tường của nó, mẹ Đức Giêsu là Mẹ của các con cái Thiên Chúa bị phân tán, được hiệp nhất trong con người của Đức Giêsu Kitô.[34]
Tóm lại, đền thờ Giêrusalem là hình ảnh sự hiện diện của Thiên Chúa và hiện diện của đền thờ giữa dân Chúa, Giêrusalem như hiện thân của một “người mẹ cưu mang Thiên Chúa để Người ở cùng nhân loại” và đặc biệt đền thờ là nơi quy tụ mọi con cái Israel và cả các dân tộc lưu lạc trở về. Khi ví Đức Maria như là đền thờ Giêrusalem, chúng ta thấy toát lên hình ảnh truyền giáo nơi Mẹ là sự hiện diện của Thiên Chúa trong Mẹ, đồng thời sự hiện diện của Mẹ giữa những người tin Chúa, đặc biệt Mẹ trở nên mối hiệp nhất cho mọi người, khởi đi từ biến cố nơi núi Ôliu trở về sau khi Chúa Thăng Thiên để cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh thần ngự xuống (x. Cv 1, 14). Tấm gương của Mẹ Maria là một lời mời gọi những ai đi rao giảng Tin Mừng, luôn cưu mang Chúa trong mình, luôn hiện diện đồng hành với đoàn chiên và trở nên dấu chỉ hiệp nhất cho mọi người.
c, Núi Sinai: đặc trưng giao ước (Xh 19-21 // Lc 1, 26-38).
So với các biểu tượng khác mà Jean Fournée kể ra và sau này đã hình thành nên ‘kinh cầu đức Bà’, có lẽ hình ảnh núi Sinai ít được mọi người biết đến nhất và hầu như hiếm thấy dùng hình ảnh núi Sinai để áp dụng cho Đức Maria. Thế nhưng, Sinai lại là một hình ảnh rất đẹp khi so sánh với Đức Maria trong biến cố truyền tin qua việc thần hiện, lời đáp trả và sự khiêm tốn. Tất cả các yếu tố này hình thành nên một sự ký kết giao ước và “tân giao ước” giữa Thiên Chúa với Israel và toàn nhân loại.
Giao ước Sinai trước hết là một hôn ước thần nhiệm của Israel với Thiên Chúa. Tại đây, tác giả của biến cố vĩ đại này là ba nhân vật: Thiên Chúa, ông Môisê và dân Israel. Qua trung gian Môisê làm phát ngôn viên nói với dân lời Thiên Chúa về những dự định thiết lập mối dây ràng buộc rất đặc biệt qua sự tiếp nhận lề luật; dân Israel được giải thích, hiểu và đã nhất trí đáp lại, và sau đó họ được ban cho lề luật qua hai bia đá ở với họ, rồi giao ước đã được ký kết. Kể từ đó Thiên Chúa đã trở thành Phu Quân của Israel và Israel là hiền the của Người (x. Ed 16, 18). Hình ảnh đó được lặp lại trong cuộc truyền tin, tại đây ba diễn viên: Thiên Chúa, thiên thần Gabriel và Đức Maria. Qua trung gian thiên sứ Gabriel là phát ngôn viên của Thiên Chúa giải thích rõ ý định công trình của Thiên chúa về giao ước mới cho Đức Maria, vừa là ‘thiếu nữ Sion’ – ‘con gái Abraham’ – và của dân Israel, đặc biệt đại diện cho nhân loại đáp trả lời “xin vâng” (fiat), để đón lấy chính Thiên Chúa nhập thể và “giao ước vĩnh cửu” được thiết lập từ đây, Đức Giêsu trở thành Tân Lang mà Tân Nương là Hội Thánh.
Có thể liệt kê ra một vài đối chiếu như sau:
Sinai | Truyền tin | |
Nhân vật | – Thiên Chúa là chủ giao ước.
– Môisê là phát ngôn viên.
– Dân Israel. |
– Thiên Chúa là chủ tân giao ước.
– Thần sứ Gabriel là phát ngôn viên. – Đức Maria (đại diện cho dân mới). |
Lời đối đáp | – Thiên Chúa qua Môisê nói về ý định lập giao ước (x. Xh 19, 5-6).
– Dân Israel được Môisê giải thích, hiểu, và đáp lại lời hứa: “Mọi lời Đức Chúa phán, chúng tôi xin thi hành” (Xh 19, 8). |
– Thiên Chúa qua thần sứ Gabriel nói về ý định cứu độ (lập tân giao ước. Lc 1, 26-33).
– Đức Maria, được Thần sứ Gabriel giải thích, hiểu và thưa “xin vâng” (x. Lc 1, 38). |
Ký giao ước | – Thiên Chúa ban lề luật và Thiên Chúa hiện diện nơi bia đá theo dân Israel suốt hành trình…
– Hôn ước giữa Thiên Chúa và Israel: Thiên Chúa là Phu Quân và Israel là hiền thê. |
– Con Thiên Chúa nhập thể vào cung lòng Trinh Nữ Maria và ở cùng nhân loại.
– Hôn ước vĩnh cửu giữa Thiên Chúa và loài người: Đức Kitô là Tân Lang và Hội Thánh là Tân Nương. |
Như vậy, tại biến cố truyền tin giao ước mới đã bắt đầu. Giao ước mới này trổi vượt hơn hẳn giao ước Sinai về phẩm chất, vì Thiên Chúa sắp thực hiện công trình của Người đã dự định từ thuở đời đời, mà trong đó giao ước Sinai chỉ đóng vai trò chuẩn bị. Thiên Chúa muốn gần chúng ta hơn nữa, khi lặp lại sự sáng tạo trước kia “Thiên Chúa dựng nên con người theo hình ảnh giống như Thiên Chúa” (St 1, 26-27) và bây giờ không những con người giống hình ảnh Thiên Chúa, mà Thiên Chúa thành người thật, khi Con Thiên Chúa mặc lấy nhân tính, mặc lấy xác thịt, mặc lấy khuôn mặt của con người, vì “Ngôi Lời đã thành xác phàm và cư ngụ giữa chúng ta” (Ga 1, 14). Để thực hiện dự định tuyệt vời vượt quá sự mong đợi của loài người, Thiên Chúa đã cần đến sự cộng tác của một phụ nữ, và người phụ nữ được tuyển chọn cho sứ mệnh này là Maria thành Nazareth.[35]
Chúng ta lần lượt tìm hiểu một số yếu tố trong việc ký kết giao ước và “tân giao ước”:
* Thần hiện.
Thánh Kinh Cựu Ước nhắc đến việc Thiên Chúa chọn núi Sinai làm nơi hiển ngự (Shekinad: chỗ ở): “Hỡi rặng núi ngất cao, cớ sao mi lườm nguýt ngọn núi được Chúa Trời dành làm nơi ngự trị” (Tv 68, 17). Còn Đức Maria trở thành nơi được ‘Thiên Chúa yêu thích ở giữa dân Người’, Thiên Chúa đã tuyển chọn cung lòng của Đức Trinh Nữ Maria để được là Emmanuel.
Mây bao phủ dày đặc và vinh quang bao trùm núi Sinai khi Thiên Chúa ngự xuống (x. Xh 19, 16), Đức Maria cũng được bao quanh bởi ân sủng của Chúa Thánh Thần: “Thánh Thần sẽ đến trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên Bà” (Lc 1, 35).
Dân Israel đã thanh tẩy mình trong sạch, cụ thể là không gần gũi việc vợ chồng, để xứng đáng đón nhận giao ước và lề luật (x. Xh 19, 14-15). Đức Maria được chuẩn bị hoàn toàn trinh khiết, thánh thiện và thái độ sẵn sàng khi nhận lấy Ngôi Lời Thiên Chúa đến trong cung lòng mình (“vì tôi không biết đến việc vợ chồng” Lc 1, 34).
* Fiat.
Các Rabbi Do Thái đã dùng một số câu đặc biệt trong sách Diễm Ca để áp dụng cho mặc khải của Thiên Chúa ở núi Sinai như một cuộc hôn nhân:
Thiên Chúa – Phu Quân ôm hôn Israel – hiền thê nơi giao ước Sinai (x. Dc 1, 2).
Lời đáp trả của Israel như cam tùng thơm mát bay lên trước núi Sinai (x. Dc 1, 12).
Sau khi phán dạy những điều ghi trong lề luật, Thiên Chúa muốn được nghe tiếng Israel đáp trả tựa như mong muốn người yêu lên tiếng và được nghe tiếng người yêu nói (x. Dc 2, 14).
Tất cả những so sánh này sẽ càng thích hợp hơn khi nói về Đức Maria nơi biến cố truyền tin, Mẹ xứng đáng là hiền thê được Thiên Chúa ôm hôn lúc Ngôi Lời nhập thể, Mẹ là hương thơm thánh thiện bay lên trước toà Thiên Chúa, đặc biệt, theo thánh Bernard thì lúc truyền tin, Ba Ngôi Thiên Chúa hồi hộp và vũ trụ lặng im chờ Đức Maria thưa tiếng “xin vâng”[36].
* Khiêm tốn.
Để ban lề luật, Thiên Chúa chọn núi Sinai, ngọn núi được xem là thấp bé so với sự hùng vĩ của các ngọn núi khác như núi Basan, Thabor, Carmel… Thánh vịnh 68, 16-17 đã cho thấy điều đó: “Hỡi basan rặng núi ngất cao, cớ sao mi lườm nguýt ngọn núi được Chúa Trời dành làm nơi ngự trị”, đọc lại các câu trước đó (c. 3-15) ta biết ngọn núi được Chúa chọn làm nơi ngự trị đó chính là núi Sinai mà các rặng núi cao khác đã ganh tị. Việc Thiên Chúa Tối Cao chọn ngọn núi thấp bé Sinai mà không chọn những ngọn núi hùng vĩ khác để hiển ngự, cho ta liên tưởng đến sự khiêm tốn của “nữ tỳ Maria”, đặc biệt trong bài Magnificat mà Đức Maria đã hát lên tán tụng Thiên Chúa vì “Người đã đoái thương nhìn đến tỳ nữ hèn mọn… dẹp tan phường lòng trí kiêu căng, hạ bệ người quyền thế và nâng cao kẻ khiêm nhường” (x. Lc1, 48. 51-53). Thật vậy, cũng giống như chọn núi Sinai thấp bé để thực hiện giao ước, Thiên Chúa đã dùng cùng một cách đó khi chọn Đức Maria khiêm tốn để thực hiện Giao Ước Mới. Thiên Chúa đã đảo lộn những sự tự phụ của những người tin là mình vững mạnh nhờ khả năng riêng của mình.
Tóm lại, đặc tính chủ đạo mang tính truyền giáo của Đức Maria khi đối chiếu với Sinai, chính là nơi để Thiên Chúa thiết lập một giao ước vĩnh cửu là đến ở với nhân loại. Đó cũng là tâm tình của những ai lo việc thông truyền đức tin Kitô giáo, biết dẫn đưa mọi người vào hôn ước thần nhiệm với Đức Kitô, chính họ cũng phải luôn xứng đáng để Thiên Chúa hiển ngự nhờ sự vâng phục và khiêm tốn.
3. Các lời tiên báo.
Nhờ ánh sáng Phục Sinh các Kitô hữu lần giở lại các trang Cựu ước, đã gặp thấy toàn bộ sách thánh quy hướng về Đức Kitô, từ các biến cố, hình ảnh, biểu tượng, đến các lời tiên báo. Cùng với nhữnglời tiên báo về Đức Kitô, chúng ta cũng gặp thấy nhiều sấm ngôn về Đức Maria là Thân Mẫu của Đấng Messia. Dưới đây, người viết chỉ tập chú đến một số lời tiên báo về Đức Maria được xem là nổi bật và có tính truyền giáo.
a, Tin Mừng Cứu Độ đầu tiên: đặc trưng chiến đấu chống sự dữ (x. St 3, 15 // Kh 12).
“Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15).
Tưởng cũng cần nói rõ ở đây là, khi tìm hiểu đoạn Kinh Thánh này, người viết đang sử dụng bản dịch Kinh Thánh của nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, mà trong đoạn văn St 3, 15 này được dịch từ nguyên bản Hípri. Sở dĩ cần nói ra ở đây là có một sự khác biệt giữa ba bản: bản Hípri, bản LXX (Hy Lạp) và bản Vulgata (Latinh)[37].
Bản Hípri: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó (zéra) sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”.
Bản LXX: Có lẽ đã hiểu và dịch chữ “zera” trong tiếng Hípri theo nghĩa cá thể, nên dịch: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người đàn ông (autôs: autos) sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”.
Bản Vulgata: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người đàn bà ấy (ipsa) sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó”.
Trước đây tại Việt Nam còn có bản dịch rằng: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người phụ nữ, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; người phụ nữ sẽ đạp dập đầu mi và mi sẽ tìm cắn gót chân nó.[38]
Ở đây, không cố ý đưa ra một nhận xét hoặc so sánh các bản dịch, nhưng tin tưởng đi về bản văn nguồn là bản Hípri, được nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ dịch là: “… dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi…”, để đi tìm hình ảnh tiên báo về Đức Maria, và đâu là ý nghĩa mang tính truyền giáo từ lời sấm ngôn này với ba điểm chính:
*1 Dòng giống người phụ nữ: Khi Kinh Thánh tuyên nhận bà Eva là nguyên tổ của loài người, và Tin Mừng cứu độ được ban ra, bà Eva đã nhận lời hứa cho dòng giống của bà: “… Dòng giống người ấy sẽ đánh vào đầu mi”, điều này có nghĩa sau này chính Đấng Cứu Độ sẽ là con cháu Eva theo nhân tính, và Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Độ, nên trước hết, hình ảnh này làm nổi bật vai trò người phụ nữ, bổn phận làm mẹ của người phụ nữ và viễn tượng công trình cứu độ, mà trong đó, Đức Maria là Đấng đã sinh ra Đấng Cứu Độ.
*2 Tư thế chủ động của dòng dõi người nữ trong cuộc chiến đấu và chiến thắng: Bản văn St 3, 15 cho thấy, dòng dõi người người đàn bà sẽ chiến đấu với Satan trong tư thế “đứng”, chứ không phải tư thế “bò” như con rắn[39]. Điều này cũng ngầm ý cho thấy thế giới sự dữ có nhiều mưu mô xảo trá quỷ quyệt luồn lách như con rắn (x. St 3, 1), nhưng với thế chủ động, dòng giống người nữ sẽ chiến thắng (Stabat Mater).
*3 Thiên Chúa đứng về phía người phụ nữ: Khác với sự chúc dữ dành cho con rắn, Thiên Chúa tuyên phạt dòng giống người phụ nữ, nhưng không nguyền rủa họ như nguyền rủa con rắn (x. St 3, 14). Thiên Chúa nghiêng về phía dòng giống Eva, chống lại Satan cám dỗ (x. St 3, 15). Thật vậy, dù không hiểu câu chuyện “sa ngã” theo nghĩa đen, nhưng có thể hiểu rằng, nhờ linh hứng, tác giả sách Sáng Thế đã tin tưởng rằng có quyền lực sự dữ đối nghịch với loài người, mà Thiên Chúa, Đấng Toàn Thiện sẽ bênh vực loài người chống lại. Lời hứa cứu độ là một chuỗi dài cho những biểu hiện của “lòng nhân hậu”… cho đến ngày được viên mãn trong Đức Kitô được sinh ra bởi người phụ nữ là Đức Maria.
Như vậy, từ ba điểm nổi bật trên, cho thấy tính truyền giáo được rút ra ở đây là làm cho muôn dân trở thành “dòng giống” của Trinh Nữ Maria cùng với Trưởng Tử Giêsu, Con Chí Thánh của Mẹ; cho mọi người can đảm và chủ động chiến đấu với quyền lực Satan; đồng thời làm cho muôn dân biết chọn đứng về điều thiện và tin tưởng vào Thiên Chúa luôn bênh đỡ con người chống lại sự ác.
b, Emmanuel – Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta: đặc trưng rao giảng Tin Vui (x. Is 7, 14 // Mt 2, 18. 22-23).
“Này đây người thiếu nữ sẽ mang thai, sinh hạ con trai và đặt tên là Emmanuel” (Is 7, 14).
Có thể nói, sấm ngôn về người thiếu nữ sinh con được trích dẫn trên đây là một trong những sấm ngôn quan trọng nhất trong Kinh Thánh, và cũng đoạn Kinh Thánh này để lại nhiều vấn đề nan giải, ít nhất là có ba lối giải thích:
1* Đó là người vợ của vua Akhab và sự sinh nở của bà là một điềm lành cho vương quốc[40].
2* Sấm ngôn chỉ có ý nghĩa cho tương lai sau này được ứng nghiệm nơi Đức Maria, sinh ra Đấng Messia.
3* Sấm ngôn vừa là dấu chỉ cho toàn dân lúc đó áp dụng cho vợ vua Akhab sinh con, vừa tiên trưng cho Đức Trinh Nữ Maria sinh hạ Đấng Cứu Thế.
Cùng với các nhà Kitô học và Thánh Mẫu học, chúng ta thiên về lối giải thích thứ hai, nghĩa là Isaia tiên báo về Đức Maria sinh hạ Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, khi đọc kỹ bản văn, chúng ta lại gặp phải một khó khăn lớn khi đối chiếu các bản văn Hípri và Hy Lạp.
Bản Hípri viết là “một thiếu nữ” mang thai (thiếu nữ: nghĩa là cô gái còn trẻ chứ không nhất thiết phải hiểu là đồng trinh), trong khi bản Hy Lạp ghi là: “một trinh nữ” se mang thai; bản văn Hípri sử dụng thì hiện tại, còn bản Hy Lạp lại sử dụng thì tương lai (một thiếu nữ mang thai // một trinh nữ sẽ mang thai).
Như vậy, theo bản Hípri thì dường như dấu chỉ “người thiếu nữ sinh con” đã gần kề, xét về thời gian, áp dụng cho việc vợ vua Akhab sinh hạ Ezechias, phần là vì bà vợ Akhab là thiếu phụ chứ không phải “trinh nữ”, phần là vì nếu đọc câu 16 tiếp theo đó sẽ thấy ứng nghiệm khi Ezechias lớn lên thì đất đai hai vua mà ngài khiếp sợ sẽ không còn (x. Is 7, 16), mà theo lịch sử thì lúc này vương quốc Đamát đã mất và Samari đã bị sát nhập vào Assur. Tuy nhiên, cũng cần biết, lời tiên tri ở đây mang vẻ thật long trọng và siêu việt khi tuyên bố về sự hiện diện của Đấng Emmanuel, cho thấy mang tính cánh chung hơn là dấu hiệu hiện thời (x. Is 9, 1-5; 11, 1-9). Đàng khác, chính vua Ezechias sau này cũng không thế phục hưng vương quốc.
Còn bản Hy Lạp, như đã nói ở trên, có lẽ khi nhóm ký lục biên dịch (bản LXX) đã thấy rõ sự suy tàn của triều đại David và đọc thấy bản văn đầy vẻ trang trọng phản ánh tính cánh chung, nên đã nghĩ tới một sự ứng nghiệm xa hơn.
Nguyên bản Hípri sử dụng danh từ Alma: thiếu nữ, còn dịch văn Hy Lạp lại sử dụng từ parthênôs: trinh nữ và xác định sự thụ thai đồng trinh.[41] Như thế, bản Hy Lạp có ý nghĩa gần hơn về sự đồng trinh của Đức Trinh Nữ Maria mà sau này được thánh Matthêu trích dẫn để áp dụng cho việc thụ thai và sinh hạ Đức Giêsu.
“…Maria đã thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần… và tất cả sự việc đã xảy ra để ứng nghiệm lời xưa kia Chúa phán qua miệng ngôn sứ: ‘Này đây, Trinh Nữ sẽ thụ thai và sinh hạ con trai, người ta sẽ đặt tên con trẻ là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta” (Mt 2, 18. 22-23).
Qua việc trích dẫn của tác giả Tin Mừng Matthêu, cho ta việc suy tư về mầu nhiệm Đức Maria sẽ dễ chấp nhận hơn khi dùng bản Hy Lạp, vì theo công đồng Vaticano II trong Hiến chế về Hội Thánh dạy: “Phải đọc và hiểu dưới ánh sáng mặc khải trọn vẹn sau này. Phải đọc dưới ánh sáng mặc khải Tân Ước mới hiểu đúng, vì đoạn văn Is 7, 14, cũng như đoạn văn St 3, 15 là một phác hoạ còn mờ”.[42]
Tuy đưa ra một vài chú thích thần học trên đây, nhằm có một cái nhìn xác đáng hơn, nhưng vấn đề quan trọng ở đây nhắm đến là hai cụm từ “trinh nữ” và “Emmanuel”. Hai từ này trong lời tiên báo của Isaia được áp dụng cho Đức Maria khi sinh ra Đấng là Emmanuel. Dấu chỉ người trinh nữ sinh con là điềm lành cho vương quốc Giuđa ngày xưa, thì nay việc Trinh Nữ Maria sinh Con cũng là Tin Mừng cho muôn thế hệ; Emmanuel, dấu chỉ Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta xưa ở nơi Hòm Bia đi theo dân Israel suốt hành trình và ngự trong đền thờ Giêrusalem, cũng là Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta, đã nhập thể và nhập thế thực sự, đã đến trong cung lòng Đức Maria, làm người, sinh ra và sống với mọi người, và cuối cùng ở với mọi người cho đến tận thế qua các Bí Tích, đặc biệt nơi huyền nhiệm Thánh Thể.
Như vậy, trong lời sấm ngôn Is 7, 14, khi tiên báo về một dấu chỉ, một điềm lành cho triều đại David, được các Kitô hữu nhìn dưới ánh sáng Phục Sinh để áp dụng cho Đức Trinh Nữ Maria sinh Đấng Emmanuel là một Tin Vui cho nhân loại. Ngoài ra, khi nói về đức đồng trinh của Mẹ Vô Nhiễm, nghĩa là sự xứng đáng khi tiếp nhận và cưu mang Lời Chúa, người truyền giáo phải tôn trọng gìn giữ sự tinh tuyền của Lời Chúa khi được rao giảng cho nhân loại, phải được cắt nghĩa nhờ ơn soi sáng của Thánh Thần, chứ không phải do ý muốn của con người (tựa như Đức Maria cưu mang Ngôi Lời là do quyền năng Chúa Thánh Thần chứ không phải do ý muốn của nam nhân). Đặc biệt, khi thời đại hôm nay đang sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí như Thiên Chúa đã chết rồi. Vì thế, hơn lúc nào hết, các chứng nhân rao giảng Tin Mừng phải giúp cho mọi người nhận ra Đức Giêsu Nazareth chính là Đấng Emmanuel đã đến, đã sống và đang sống ở giữa nhân loại.
c, … Cho đến thời một sản phụ sinh con: đặc trưng đem đến sự bình an (x. Mk 5, 1-4 // Mt 2, 1-6 và Lc 2, 4-7)
Ngôn sứ Mikha sống cùng thời với ngôn sứ Isaia, và hai sấm ngôn của hai vị tiên tri này hầu như giống nhau khi tuyên sấm về “một người phụ nữ sinh con”, có liên hệ đến sự xuất hiện của Đấng Messia trong tương lai, cũng như hàm ý nói về Thân Mẫu của Người. Tuy nhiên, khi đọc kỹ lời tiên báo của Mikha, chúng ta nhận thấy có phần năng động hơn. Xét về tính lịch sử, bối cảnh, cũng như địa lý được ghi nhận trong Tân ước, thì lời tiên báo của Mikha được ứng nghiệm cách rõ ràng và chi tiết hơn.
“Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha,
ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa,
từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiện
một vị có sứ mạng thống lãnh Israel.
Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa.
Vì thế, Đức Chúa sẽ bỏ mặc Israel cho đến thời một sản phụ sinh con.
Bấy giờ những anh em sống sót của người con đó
sẽ trở về với con cái Israel.
Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa
và uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ.
Họ sẽ được an cư lạc nghiệp
và bấy giờ quyền lực của Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất.
Chính Người sẽ đem lại hoà bình” (Mk 5, 1-4).
Có thể nói hầu như toàn bản văn trên đều đã được ứng nghiệm cả về bối cảnh, địa lý, nguồn gốc thần linh và cách cai trị của Đấng Messia.
* Bối cảnh: “Đức Chúa bỏ mặc Israel cho đến thời một sản phụ sinh con”. Israel suốt một thời gian dài không ngôn sứ, không thủ lãnh và bị đô hộ, cho tới khi Đức Kitô được một người phụ nữ là Đức Maria sinh ra.
* Địa lý: “Phần ngươi, hỡi Bêlem Épratha, ngươi nhỏ bé nhất trong các thị tộc Giuđa, từ nơi ngươi, Ta sẽ cho xuất hiệnmột vị có sứ mạng thống lãnh Israel”. Đức Giêsu sinh ra tại Bêlem, thuộc chi tộc Giuđa (x. Mt 2, 1-6; Lc 2, 4-7).
* Nguồn gốc thần linh: “Nguồn gốc của Người có từ thời trước, từ thuở xa xưa”// “Từ nguyên thuỷ đã có Ngôi Lời, và Ngôi Lời là Thiên Chúa” (Ga 1, 1).
* Cách cai trị: “Người sẽ dựa vào quyền lực Đức Chúa và uy danh Đức Chúa, Thiên Chúa của Người mà đứng lên chăn dắt họ. Họ sẽ được an cư lạc nghiệp và bấy giờ quyền lực của Người sẽ trải rộng ra đến tận cùng cõi đất. Chính Người sẽ đem lại hoà bình” // “… Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua David, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacob đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận”(Lc 1, 32-33).
Các tác giả Tin Mừng biết lời sấm này, và nhận ra rằng lời sấm được hoàn tất nơi Đức Kitô Giêsu (x. Mt 2, 6; Ga 7, 42). Khi vị ngôn sứ nói về Bêlem, chắc hẳn ông muốn nói rằng Đấng Messia, Đấng có sứ mạng thống lãnh Issrael, sẽ là người kế vị hợp pháp của Đavít, vị vua có gốc gác ở Bêlem. Nhưng nếu ông nói nguồn gốc của Người có từ thời trước, chắc chắn là ông muốn nói rằng, Người còn vượt hậu duệ của David: Thiên Chúa đã nghĩ đến Người và chuẩn bị cho Người xuất hiện.[43]
Cũng như ngôn sứ Isaia trong 7, 14, ngôn sứ Mikha 5, 1-4 cũng gắn liền Thân Mẫu của Đấng Messia với Đấng Messia ấy khi đều nhắc tới việc “một người nữ sinh con’. Điều này cũng dễ hiểu, vì trong văn hoá triều đình Đông Phương, cách riêng vùng Cận Đông, Thái Hậu có một vị trí rất quan trọng và Thánh Kinh đặc biệt cẩn thận ghi chép tên tuổi và những ảnh hưởng của các bà (x. 1V 14, 21; 15, 2-10; 22, 42; 2V 9, 6; 12, 2; 14, 2; 15, 2. 35; 18, 2; 22, 1; 23, 31. 36; 24, 18); ngoài ra, vị trí của Thái Hậu còn lớn hơn cả Hoàng Hậu (so sánh: 1V 1, 16. 31 và 1V 2, 19: Hoàng hậu bái đế vương, trong khi đế vương phải bái thái hậu). Khi áp dụng các lời tiên tri này cho Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu, mà Đức Giêsu là Con Thiên Chúa, là Vua Hoàn Vũ, thì thế giá của “Thái Hậu Maria” cao trọng biết bao.
Thiết nghĩ, tính truyền giáo nơi lời sấm này áp dụng cho Đức Maria mà các sứ giả Tin Mừng phải noi theo là làm cho Lời Thiên Chúa được sinh ra, để đem lại bình an cho thế giới. Thật vậy, lời sấm của ngôn sứ Mikha nói về việc Thiên Chúa như bỏ rơi Israel cho đến thời một người nữ sinh con và đứa con đó sẽ đem lại hoà bình, mặc nhiên ứng nghiệm cho thời đại hôm nay, khi mà thế giới như bị bỏ rơi, như vắng bóng Thiên Chúa vì đã lãng quên hoặc không nhận biết Người, thì đã đến lúc rất cần những con người làm cho Lời Thiên chúa được sinh ra và nhờ đó đem lại bình an cho nhân loại. Mặt khác, Đức Maria như một thái hậu luôn can thiệp chuyển cầu cho mọi người, thì những ai mang sứ mệnh truyền giáo cũng luôn biết chuyển cầu cho thế giới hôm nay.
*
* *
Tóm lại, tính truyền giáo của Đức Maria được loan báo trong Cựu Ước qua các nhân vật, biểu tượng và sấm ngôn, là một tiến trình của lịch sử cứu độ, từ sáng tạo đến “tân sáng tạo” và hướng về cánh chung, mà trung tâm là Đức Kitô. Trong đó, cùng với Đức Giêsu Kitô, Đức Maria – Thân Mẫu Người giữ một vai trò quan trọng trong nhiệm cục cứu độ. Thật vậy, trong kế hoạch sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa, cùng với việc chuẩn bị cho Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể cứu thế, Thiên Chúa cũng đã chuẩn bị và tuyển chọn Đức Maria để làm mẹ Con Chí Ái của Người, Người đã chuẩn bị những hình ảnh tiên báo từ các nhân vật, các biểu tượng và các lời sấm về Đức Kitô và về Thân Mẫu Người, và tất cả nên ứng nghiệm nơi Tân Ước.
II. TÍNH TRUYỀN GIÁO NƠI ĐỨC MARIA TRONG TÂN ƯỚC
Bước sang Tân Ước, Các Tin Mừng vẽ lên một hình ảnh thực về Đức Maria, Mẹ Đấng Cứu Thế, hiện diện trong mọi thời khắc quyết định của lịch sử cứu độ, từ một cô thôn nữ Nazareth đến làm Mẹ loài người, từ biến cố Nhập Thể đến biến cố Hiện Xuống, từ việc sinh ra Đầu Hội Thánh nơi máng cỏ ở Bêlem đến việc sinh ra các chi thể Hội Thánh dưới chân thập giá tại đồi Calvê… Mẹ đồng hành và thông dự với Con Chí Thánh trong mọi biến cố “phục hồi” nhân loại, Mẹ đã sống trọn lời “xin vâng” để phục vụ công trình sáng tạo và cứu độ của Thiên Chúa.
Đức Maria là kiệt tác của Thiên Chúa. Nhờ quyền năng và sự quan phòng của Thiên Chúa mà Đức Maria được tạo thành với tất cả sự tinh tuyền và thanh khiết của tạo dựng nguyên thủy. Có thể nói, nếu mọi công trình tạo dựng của Thiên Chúa đều tốt đẹp, thì Đức Maria là thụ tạo hoàn toàn đẹp lòng Thiên Chúa, vì mẹ là niềm vui, là sự mãn nguyện của Thiên Chúa khi nhìn đến con cái loài người. Nếu người Do thái tin nhận tổ phụ Abraham là cha của mọi dân tộc được chúc phúc (x. St 22, 17-18), thì các Kitô hữu cũng có quyền tự hào rằng, nhờ Đức Maria, phúc lành của Thiên Chúa được tuôn đổ chan hoà trên nhân loại (x. Lc 1, 28), nhờ Đức Maria mà nhân loại được phúc đón nhận “Ánh Sáng” và “Bình An” của Thiên Chúa.
Đức Maria được nên cao trọng trước mặt Thiên Chúa và loài người, vì nhận biết mình là hư vô nhỏ bé, là nữ tỳ hèn mọn của Đấng Tối Cao (x. Lc 1, 38.48). Mẹ được Thiên Chúa sủng ái vì đã hiến mình cho Thiên Chúa cách trọn vẹn để Thiên Chúa thực hiện ý định cứu độ. Đặc biệt Mẹ được coi là vô cùng thánh thiện trước mặt Thiên Chúa vì không lấy mình làm trung tâm, nhưng quy hướng tất cả về Thiên Chúa, Mẹ không phô trương chính mình, nhưng để cho Thiên Chúa lớn lên và vinh hiển qua cuộc sống của mình.
Theo truyền thống Kitô Giáo, vai trò quan trọng của Đức Maria đã được phác hoạ ngay trong mặc khải Thánh Kinh. Sở dĩ Nhóm Mười Hai chú tâm đến sứ vụ Đức Giêsu từ lúc chịu phép rửa tới ngày phục sinh (x. Cv 1, 22; 10, 37tt; 13, 24tt) là vì các ngài chỉ có thể nói về những sự kiện họ đã mục kích và là những sự kiện phải đáp ứng nhu cầu cấp bách nhất mà sứ mệnh truyền giáo đòi hỏi mà thôi. Vì thế, sự thường các bài tường thuật về thời thơ ấu của Đức Giêsu chỉ xuất hiện sau đó. Thật vậy, trong bốn Tin Mừng, Marcô hầu như không biết chuyện thời thơ ấu và suốt Tin Mừng chỉ có hai lần ghi nhận về Đức Maria (x. Mc 3, 31-35; 6, 3). Matthêu có tường thuật chuyện thời thơ ấu, nhưng lại có hướng thiên về Giuse nhiều hơn, dòng dõi David, là người lãnh nhận sứ điệp từ trời cao và đặt tên Giêsu cho con trẻ của Trinh Nữ (x. Mt 1, 18-25; 2, 13. 20. 22). Còn Luca, Đức Maria được đưa ra ánh sáng ngay từ đầu Tin Mừng. Người đã giữ vai chính và có một nhân cách mạnh mẽ. Trong những ngày khai sinh Hội Thánh, chính Người cũng đã tham dự cầu nguyện với các môn đệ ở nhà Tiệc Ly (x. Cv 1, 14). Cuối cùng trường phái Gioan đã ghi nhận cuộc đời công khai của Đức Giêsu giữa hai biến cố liên hệ song hành với Đức Maria (x. Ga 2, 1-12; 19, 25tt): tại Cana cũng như trên núi Sọ, Đức Giêsu đã long trọng xác định vai trò của Đức Maria như một tín hữu, rồi sau như mẹ các môn đệ Chúa Giêsu và là mẹ nhân loại[44].
Hiến chế Tín Lý về Hội Thánh từ số 55 đến 59 đã tóm tắt toàn bộ vai trò của Đức Maria trong nhiệm cục cứu độ, như là một sự song hành cùng với Đức Giêsu Kitô sống trọn Thánh Ý Chúa Cha để cứu độ nhân loại, trải dài suốt thời gian tại thế. Dưới đây, chúng ta chỉ trực tiếp bàn đến những biến cố được xem là nổi bật và quyết định nhất của cuộc đời Mẹ Maria trong công trình cứu độ của Thiên Chúa, và đặc biệt có liên hệ đến tính truyền giáo. Truyền giáo là cứu độ.
1.Biến cố truyền tin: Lc 1, 26- 38[45]
“Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót đã muốn Đấng được tiền định làm mẹ phải nói lên sự ưng thuận của mình trươc khi mầu nhiệm nhập thể được thực hiện; để như một người nữ sẽ phục vụ cho sự chết, thì một người nữ sẽ phục vụ cho sự sống. Điều này lại càng thích ứng hơn nữa trong trường hợp của Mẹ Đức Giêsu: Mẹ sẽ sinh Sự Sống cho thế gian; Sự Sống này sẽ canh tân tất cả; vì thế Mẹ được Thiên Chúa tặng ban nhiều hồng ân để có thể đáp ứng cho một phận vụ cao trọng như thế” (GH 56).
Ngay giây phút tượng thai, Đức Maria đã được Thiên Chúa trang điểm bằng sự thánh thiện cao vời; nên lúc truyền tin, Mẹ cũng được thiên thần chào kính là “Đấng đầy ân phúc”, và Mẹ đã đáp lời thiên sứ rằng: “Là nữ tỳ Thiên Chúa, tôi xin vâng”. Như thế, Đức Maria là con cháu Ađam, khi vâng nghe tiếng Chúa, đã trở thành Mẹ Đức Giêsu. Với trọn tâm hồn và không một tội lỗi nào ngăn cản, Mẹ đón nhận ý định cứu độ của Thiên Chúa, tự nguyện làm nữ tỳ của Chúa để phục vụ cho con người và công trình của Thiên Chúa, tùy thuộc vào liên kết với Đức Kitô nhờ ân sủng của Thiên Chúa toàn năng, để hoàn toàn phục vụ cho mầu nhiệm cứu độ[46]. Trọn lịch sử cứu độ, và theo một nghĩa nào đó, trọn lịch sử loài người, đều được liên kết với biến cố truyền tin. Thật vậy, nếu kế hoạch của Thiên Chúa Cha là quy tụ tất cả trong Đức Kitô (x. Ep 1, 10), thì cả vũ trụ đều được ân huệ thần linh tác động, với ân huệ này, Thiên Chúa Cha đã đoái nhìn đến Đức Maria để làm cho Mẹ trở thành Thân Mẫu Con của Người. Về phần mình, cả nhân loại như được gói trọn vào trong tiếng “xin vâng” (fiat), qua đó Đức Maria đã mau mắn nói lên sự ưng thuận của mình đối với ý định của Thiên Chúa[47].
Biến cố truyền tin chói sáng lên với ba nét đẹp của Đức Maria là Đấng đầy ân sủng, là nữ tỳ khiêm hạ và lời đáp trả “xin vâng”. Đó cũng là ba đặc trưng mang tính truyền giáo:
a, Đặc trưng đầy ân sủng.
“Đấng đầy ân sủng”. Ân sủng (kharis: kharis) – Kêkharitomênê: là tính từ thụ động trở thành danh từ: Đấng lấp đầy ân sủng. Từ sau lời chào: “Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng”, Đức Maria được mang tên là Đấng Đầy Ân Sủng. Tước hiệu này được hiểu theo hai khía cạnh:
– Thiên Chúa đổ tràn đầy ân sủng. Ân sủng không do công nghiệp của con người, nhưng hoàn toàn là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn chọn cho Con Mình một người Mẹ trần thế để thực hiện mầu nhiệm Nhập Thể, Người đã chuẩn bị cho kẻ được chọn là Đức Maria “được tràn đầy ân sủng”. Chính việc tràn đầy ân sủng này làm cho các giáo phụ liên tưởng đến đặc ân vô nhiễm, Thiên Chúa gìn giữ Đức Maria khỏi tội, từ lúc được thụ thai… như thế mới xứng đáng đón nhận Con Thiên Chúa, Đấng không hề biết tội là gì, vào trong cung lòng mình.
– Hồng ân được ban để giúp cho nhân vật chu toàn một trách nhiệm do Thiên Chúa thiết đặt. Nói như thánh Phaolô “Hồng ân là để xây dựng nhiệm thể”. Ở đây còn cao trọng hơn: Đức Maria được trang bị hồng ân để làm Mẹ Đức Giêsu, Con Thiên Chúa[48].
“Mừng vui lên, hỡi Bà đầy ân sủng” (Lc 1, 28).
Lời chào của thiên sứ Gabriel đã dứt khoát đưa Đức Maria vào mầu nhiệm Chúa Kitô, vào khởi nguyên mới của thời kỳ cứu độ đã đến. Sau lời công bố “Bà đầy ơn phúc”, thiên sứ còn cúi chào “con người được chúc phúc giữa các phụ nữ” (x. Lc 1, 42), điều này làm nổi bật lời chúc lành của Thiên Chúa Cha mà thánh Phaolô viết cho chúng ta trong thư Êphêsô: “Trong Đức Kitô, từ cõi trời Người đã thi ân giáng phúc, cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1, 3). Đó là “lời chúc lành linh thiêng mang tính chất đầy tràn và phổ quát xuất phát từ tình yêu nối kết Chúa Con đồng bản thể với Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần. Đồng thời đó cũng là lời chúc lành được tuôn đổ qua Đức Kitô Giêsu đến cho mọi người trong lịch sử nhân loại. Dù vậy, lời chúc lành này đến với Đức Maria thật phi thường: thật thế, bà Elizabeth cũng đã gọi Đức Maria là “diễm phúc hơn mọi người nữ”[49].
Theo ngôn ngữ Thánh Kinh, ân sủng là một ân ban đặc biệt, và theo Tân Ước, ân ban này có nguồn gốc từ Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng là tình yêu, mà hoa trái của tình yêu là sự tuyển chọn. Sự tuyển chọn thuộc về kế hoạch muôn đời của Thiên Chúa muốn cứu độ loài người bằng cách cho tham dự vào đời sống của Người trong Đức Kitô (x. 2Pr 1, 4).
Trong mầu nhiệm Chúa Kitô, Đức Maria đã hiện diện “trước cả khi tạo thành vũ trụ”, cùng như “trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ” (Ep 1, 4), vì Mẹ là Đấng được Thiên Chúa Cha “tuyển chọn” làm thân mẫu cho Con của mình trong mầu nhiệm Nhập Thể, và là Đấng được Chúa Con cùng với Chúa Cha tuyển chọn, bằng cách phó trao Mẹ từ muôn thuở cho Chúa Thánh Linh của sự thánh thiện. Đức Maria được liên kết với Chúa Kitô cách đặc biệt và độc đáo, nhờ đó, từ muôn thuở Mẹ được yêu mến trong Người Con chí ái này,trong Người Con đồng bản thể với Chúa Cha, trong Người Con đó tất cả vinh quang của ân sủng đều qui tụ về. Đồng thời, Đức Maria vẫn luôn rộng mở cho “hồng ân đến từ bên trên” (x. Gc 1, 17). Như công đồng Vaticano II dạy, Đức Maria trổi vượt trên các người khiêm hạ và khó nghèo của Thiên Chúa, là những người tin tưởng, hy vọng và lãnh nhận ơn cứu độ của Thiên Chúa[50].
Đặc ân “đầy ơn phúc” cũng hướng đến toàn bộ hồng ân siêu nhiên mà Đức Maria đã lãnh nhận, chỉ vì Mẹ được tuyển chọn và được xác định làm Thân Mẫu Chúa Kitô, và sự tuyển chọn này có thể nói là độc nhất và phi thường, đưa đến đặc tính duy nhất của vị trí Đức Maria trong mầu nhiệm Chúa Kitô cứu độ. “Vinh quang của ân sủng” được biểu hiện nơi Mẹ Thiên Chúa qua sự kiện Mẹ được cứu độ lạ lùng[51]. Nhờ ân sủng sung mãn của Người Con chí ái, dựa vào công nghiệp cứu độ của Đấng trở thành con của mình, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố của nguyên tội. Như thế, ngay từ giây phút đầu tiên thành thai, ngay lúc khởi đầu hiện hữu, Đức Maria thuộc về Đức Kitô, được thông phần vào ân sủng cứu độ và thánh hoá, và vào tình yêu xuất phát từ Người Con yêu dấu của Chúa Cha, Đấng qua mầu nhiệm Nhập Thể đã trở thành Con của Mẹ. Vì thế, trên bình diện ân sủng, nghĩa là việc tham dự vào bản tính thần linh, Đức Maria, nhờ Chúa Thánh Thần, nhận lãnh sự sống từ Người Con mà Mẹ sinh ra, và Đức Maria đón nhận “sự sống mới” này cách tràn đầy, thích ứng với tình yêu của Con dành cho Mẹ- và thích ứng với phẩm giá Mẹ Thiên Chúa- nên thiên thần đã gọi Mẹ lúc truyền tin là “Đấng đầy ân sủng”[52]. Như vậy, truyền tin chính là mạc khải mầu nhiệm Nhập Thể vào lúc khởi đầu việc thực hiện mầu nhiệm này trên trái đất. Việc Thiên Chúa ban tặng chính mình, ban tặng cuộc sống thiên linh của mình cho toàn thể thụ tạo, đặc biệt là cho con người, đạt tới đỉnh cao trong mầu nhiệm Nhập Thể. Thật vậy, mầu nhiệm này là đỉnh cao của tất cả hồng ân trong lịch sử nhân loại và của cả vũ trụ. Đức Maria được “đầy ân sủng” vì việc nhập thể của Ngôi Lời: sự liên kết của Con Thiên Chúa với nhân tính trong một bản vị được thực hiện và hoàn tất nơi Mẹ. Như công đồng Vaticano II khẳng định: “Đức Maria là Mẹ Con Thiên Chuá, do đó là Nữ Tử yêu dấu của Chúa Cha và là đền thờ của Chúa Thánh Thần. Nhờ lãnh nhận ân sủng vô cùng cao quí, Mẹ đã trổi vượt mọi tạo vật khác trên trời dưới đất”[53]. Sách Giáo Lý Công Giáo số 722 cũng dạy: Thánh Thần đã chuẩn bị Đức Maria bằng ân sủng. Mẹ “đầy ân sủng” vì là Mẹ của Đấng “nơi Người tất cả sự viên mãn của thần tính hiện diện, cách cụ thể” (x. Cl 2, 9). Chỉ nhờ ân sủng, Mẹ đã được thụ thai không hề mắc tội, như là thụ tạo khiêm tốn nhất, xứng đáng nhất để đón nhận hồng ân khôn tả của Đấng Toàn Năng. Thiên sứ Gabriel chào Mẹ bằng tước hiệu cao trọng “Nữ Tử Sion”: “Mừng vui lên!” Khi cưu mang Ngôi Con Hằng Hữu, dưới tác động Thánh Thần, Đức Maria đã dâng lên Chúa Cha lời tạ ơn của toàn thể Dân Chúa là Hội Thánh.
b, Đặc trưng khiêm hạ.
“Này tôi là nữ tỳ của Chúa” (Lc 1, 38a). Đức Maria muốn sống đúng ơn gọi của mình trước Thiên Chúa. Đó là ơn gọi của người nữ tỳ như Mẹ đã đáp lại lời thiên sứ tuyền tin. Chính sự khiêm hạ trước Thiên Chúa và loài người mà Đức Maria đã lôi cuốn tình yêu Thiên Chúa. Mẹ biết mình được Thiên Chúa yêu thương, nhưng không phải do công phúc của mình mà do lòng từ bi của Thiên Chúa: “Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến phận thấp hèn nữ tỳ của Người” (kinh Magnificat). Bởi vì Thiên Chúa có một đường lối hành động rất đặc biệt. Đó là “hạ kẻ quyền thế xuống khỏi ngai vàng và suy tôn những người khiêm hạ” (x. Lc 1, 48- 52; Gc 4, 6). Ơn gọi của “người nữ tỳ Thiên Chúa” đối ứng cách kỳ diệu với hình ảnh “người tôi tớ Yavê” vốn được ngôn sứ Isaia phác hoạ cách đầy đủ trong Cựu Ước (x. Is 42, 1- 4; 49, 1- 6; 50, 4- 9; 52, 13; 53, 12). Nếu Đức Maria là “nữ tỳ của Thiên Chúa” thì Đức Giêsu Kitô là “người tôi tớ Giavê”, với tất cả ý nghĩa Kinh Thánh của chữ “tôi tớ”. Vì sự kiêu căng và bất phục của Nguyên Tổ đã làm cho nhân loại hư mất, thì con đường tự hạ của Con Thiên Chúa đã trở nên phương thế cứu độ. Đức Giêsu Kitô là Ađam mới đã chọn thân phận “người tôi tớ Giavê” để tái tạo nhân loại trong tình yêu Thiên Chúa, thì Đức Maria, Eva mới cũng muốn sống trọn thân phận “nữ tỳ của Thiên Chúa” để làm mẹ của nhân loại mới.
Đức Giêsu nhận mình là Đấng thiên sai khiêm tốn, và sự khiêm tốn là châm ngôn sống của Người. Người đã dạy về vẻ đẹp của sự khiêm tốn chân thật. Người mời gọi các môn đệ “Hãy học cùng Ta” không phải là các phép lạ, hay những chuyện phi thường tạo dựng thế giới, mà là học “hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Đức Maria đã học được bài học đó từ trời, linh hồn của Mẹ đã hít thở sự khiêm tốn đó bởi Thánh Thần của Thiên Chúa. Thánh Bernard nói: “Mẹ Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa bởi đức trinh khiết của Mẹ, nhưng bởi sự khiêm nhường Mẹ đã thụ thai Người”[54]. Sự khiêm tốn của Đức Maria đã kéo Ngôi Lời Thiên Chúa từ bên hữu của Chúa Cha xuống với vực sâu hư vô của nhân loại mà cứu vớt nhân loại.
Có thể nói, dù vô tội, nhưng Đức Maria là người khiêm tốn nhất trong các thụ tạo của Thiên Chúa. Trong giây phút hệ trọng nhất của sự truyền tin, Đức Maria đã làm hài lòng Thiên Chúa ngay khi Người được tán tụng, Người liền tuyên xưng mình chỉ là tôi tớ của Thiên Chúa: “Này tôi là tôi tớ Chúa” (Lc 1, 38).
c, Đặc trưng vâng phục (fiat).
Đức Maria nhận ra ý muốn của Đấng Toàn Năng trong lời thiên sứ và tùng phục quyền năng của Người, Mẹ đáp lại: “Tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1, 38). Thời điểm đầu tiên của sự vâng phục… Đức Maria ưng thuận sự lựa chọn của Thiên Chúa, để nhờ Chúa Thánh Thần, trở thành Mẹ của Thiên Chúa, vì Mẹ được hướng dẫn bởi tình yêu hoàn toàn “tận hiến” cho Thiên Chúa một con người nhân bản, để cộng tác trọn vẹn mối hiệp thông vào chương trình cứu độ.
Lời “xin vâng” không chỉ nói lên sự khiêm nhường và vâng phục cách đơn thuần, nhưng còn hơn thế nữa, Người xác tín và hoàn toàn đồng ý với chương trình của Thiên Chúa, nghĩa là “ngay bây giờ sẽ thụ thai”, mà Giuse không biết gì cả. Khi chấp nhận chương trình của Thiên Chúa, thụ thai để làm Mẹ Đấng Cứu Độ, Đức Maria biết rất rõ sự nguy hiểm đang chờ đón mình là có thể mất mạng vì luật Môsê sẽ ném đá thiếu nữ đã đính hôn mà có thai ngoài hôn nhân (x. Đnl 22, 22- 23). Tiếng “xin vâng” là một tiếng can đảm vâng phục, tin tưởng phó thác cả mạng sống vào tay Thiên Chúa và tiếng “xin vâng” đó sẽ theo suốt cuộc đời của Đức Maria cho đến cây thập giá. Âm thầm chấp nhận tất cả, vì chương trình của Thiên Chúa[55].
Tuy nhiên, cũng cần hiểu đúng trong sự “xin vâng” của Đức Maria chất chứa hoàn toàn với tất cả ý thức và tự do, Người được thiên sứ Gabriel giải thích ý nghĩa công trình của Thiên Chúa muốn được thực hiện nơi con người của Mẹ. Thật vậy, ý định của Thiên Chúa luôn được thi hành và chương trình của Thiên Chúa luôn được thực hiện, nhưng không phải bằng cách cưỡng bách hay ép buộc. Khi chương trình Thiên Chúa liên can đến con người mà Thiên Chúa trang bị cho được tự do, thì có thể nói, chương trình ấy phần nào lệ thuộc vào sự cộng tác của con người (như thánh Augustino từng nói). Nếu Thiên Chúa sử dụng con người như những “con tốt” trên bàn cờ hay như những vật vô tri trong vũ trụ, thì mọi sự sẽ diễn ra trong trật tự và ổn định, nhưng Thiên Chúa đã không muốn thế, vì như vậy sẽ tước đi sự tự do -điều quí giá nhất trong tình yêu- con người, làm cho sự đáp trả mất đi ý nghĩa và giá trị của nó. Cũng thế, Đức Maria, với cả “nhân vị” của mình, Người đã thưa tiếng “xin vâng” với sự cộng tác cao nhất, trong sự tự do và trách nhiệm, cùng với một tình yêu không mức độ.
Như vậy, trong biến cố truyền tin, Đức Maria để lại một mẫu gương chói ngời về truyền giáo. Người trở thành một khí cụ tuyệt hảo trong tay Thiên Chúa để ban ơn cứu độ cho nhân loại. Đức Maria được tràn ngập ân sủng và nhờ Người- trong Đức Kitô- ân sủng được tuôn đổ cho nhân loại. Đức Maria đã qui về Thiên Chúa tất cả mọi đặc ân và vinh quang nhận được, khiêm tốn nhìn nhận mình là “nữ tỳ hèn mọn” và tất cả là do Thiên Chúa. Đặc biệt Đức Maria đã can đảm thưa tiếng “xin vâng” để suốt cuộc đời âm thầm chấp nhận phó thác mình cho Thiên Chúa hầu cộng tác cứu độ loài người. Cũng thế, ân sủng, khiêm tốn và xin vâng là căn bản mà một nhà truyền giáo phải có, vì để trở thành khí cụ trong bàn tay Thiên Chúa hầu đem Tin Mừng đến cho mọi người, họ phải bước đi trong ân sủng, khiêm tốn qui hướng mọi sự về cho Thiên Chúa và không tự phụ về những thành công mình đạt được. Đặc biệt, luôn phó thác hoàn toàn cho Thiên Chuá trong sự vâng phục thánh ý Người. Sự vâng phục đó cũng là hiến lễ hằng ngày dâng lên Thiên Chúa để mưu ích cho các linh hồn.
2. Biến cố thăm bà Elisabeth.[56]
“Mẹ sống để phục vụ, Mẹ đi để trao Chúa Giêsu” (Malneih).
Con Thiên Chúa, từ ngày truyền tin, lại còn là con Đức Maria. Hồng ân ấy, Đức Maria không giữ cho riêng mình, Người đã vội vã lên đường, đi thăm người bà con để chia sẻ cho nhau. Ở Nazareth, Đức Maria là người đầu tiên được mạc khải cho biết sự mang thai lạ thường của Elisabeth, một người chị họ ở làng Ain Carem (cách Giêrusalem 9km và cách Nazareth hơn 100km). Khi được thiên sứ Gabriel tiết lộ về việc bà Elisabeth đã mang thai được 6 tháng, đã gợi lại hình ảnh những cuộc sinh hạ lạ thường trong Cựu Ước, đem lại những nhân vật có vai trò quan trọng trong lịch sử cứu độ, như sự sinh hạ của Sara, sự sinh hạ của mẹ ông Samson, đặc biệt sự sinh hạ Samuel của bà Anna, là cảm hứng cho bài ca Magnificat bất hủ mà Đức Maria hoan hỷ hát lên với bà chị họ Elisabeth[57].
Biến cố thăm viếng trước hết làm nổi bật lên hình ảnh Đức Maria là vị truyền giáo đầu tiên khi đem Chúa đến cho người khác. Sự xuất hiện của Mẹ sau tiếng chào đã làm cho bà Elisabeth được tràn đầy Thánh Thần và Gioan Tẩy Giả được cứu độ. Cũng tựa như Phêrô được sai đến nhà Cornêliô, khi ông vừa nói thì Thánh Thần ngự xuống trên nhà ông. Biến cố gặp gỡ giữa Maria và Elisabeth đã làm nổi bật lên ba đặc trưng: Đức tin, sự trao ban, phục vụ và đứng về phía những người nghèo hèn nhỏ bé.
a, Đặc trưng niềm tin[58].
Như đã nói ở trên, với khoảng cách giữa Nazareth và Ain Carem với liên lạc thời đó, tin tức về một phụ nữ mang thai ở cách xa nhau như thế, Maria chỉ biết được nhờ tin vào Lời Chúa qua miệng thiên sứ Gabriel mà thôi. Niềm tin của Đức Maria được khẳng định khi Mẹ thưa “xin vâng” một cách dứt khoát và điều này được chính bà Elisabeth đã thốt lên lời ca ngợi “phúc cho bà là kẻ đã tin…” (Lc 1, 45).
Lúc nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Maria cũng chưa biết Thiên Chúa sẽ đưa mình tới đâu, nhưng Đức Maria chắc chắn tin vào Thiên Chúa và chương trình của Người. Chính lòng tin sắt đá ấy đã làm cho Đức Maria xứng đáng được đón nhận Chúa Giêsu Kitô vào trong dạ mình, thông chia cho Người bản tính nhân loại để Người trở nên một phần tử loài người mới, và bắt đầu từ đó, một nhân loại mới đã được thai sinh[59]. Chức vụ làm mẹ này là kết quả của lòng tin nơi Đức Maria vào Thiên Chúa. Đức Maria không những được tôn vinh về chức vụ làm Mẹ Đấng Cứu Thế về mặt thể xác, nhưng Mẹ còn cao trọng hơn mọi người về mặt đức tin. Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói: “Đức Maria là người môn đệ đầu tiên trọn hảo nhất của Đức Kitô và trọn hảo nhất về mặt đức tin”. Nếu Abraham là “tổ phụ những kẻ tin” (x. Rm 4, 12), thì Đức Maria là hiện thân sự hoàn hảo của đức tin. Abraham ra đi còn có một lời hứa “đất và dân”; Đức Maria đón nhận trách nhiệm trong một niềm tin phó thác mạng sống mình vào tay Thiên Chúa. Dù không có bất cứ một lời hứa nào, Đức Maria vẫn phó thác và đi hết con đường vâng phục của mình trên trần gian. Thiên Chúa còn sai sứ thần nắm bàn tay sát tế của Abraham để khỏi hạ gươm giết con một mình, còn Đức Maria không thấy bàn tay nào ngăn cản các lý hình giết chết Người Con yêu dấu[60].
Từng câu từng chữ trong lời ca tụng của bà Elisabeth đều mang đầy ý nghĩa, nhưng điều bà nói cuối cùng mới thực quan trọng: “Em thật có phúc, vì đã tin…” (Lc 1, 49)[61]. Cầu nói này có thể đặt cận kề với tước hiệu “đầy ơn phúc” trong lời chào của thần sứ. Qua lời chào của thiên sứ Gabriel và lời tán dương của bà Elisabeth dành cho Đức Maria, cho thấy chân lý về Đức Maria hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô, chỉ vì Mẹ đã tin[62].
Công đồng Vaticano II dạy: “Phải bày tỏ sự vâng phục của đức tin (Rm 16, 26; 2Cr 10, 5-6) đối với Thiên Chúa mạc khải, nhờ đó con người hoàn toàn tự nguyện phó thác vào Thiên Chúa”[63]. Cách diễn tả đức tin này đã được Đức Maria thực hiện nơi bản thân mình cách trọn vẹn. Giây phút quyết định là lúc truyền tin, và các lời của bà Elisabeth: “Em thật có phúc vì đã tin” được áp dụng vào giây phút chính xác đó[64]. Với cả lý trí và ý chí, Đức Maria đã đáp lại tiếng Chúa bằng cả con người trọn vẹn đầy nhân tính và nữ tính, và lời đáp trả của đức tin nàybao một sự cộng tác hoàn hảo với hồng ân trợ lực của Thiên Chúa và một sự sẵn sàng trọn vẹn cho hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng không ngừng dùng hồng ân của mình làm cho đức tin luôn hoàn hảo[65].
Những lời của bà Elisabeth khen ngợi “Em thật có phúc vì đã tin” không chỉ liên hệ đến giây phút truyền tin; câu này cho thấy đỉnh cao niềm tin của Đức Maria trong sự chờ đợi Đấng Cứu Thế, nhưng cũng là điểm xuất phát, khởi điểm của một cuộc hành trình hướng về Thiên Chúa trọn con người đức tin. Tin có nghĩa là hoàn toàn trao phó bản thân mình cho chân lý của Lời Thiên Chúa hằng sống, khi biết và nhận thức một cách khiêm hạ rằng “quyết định của Thiên Chúa ai dò thấu được” (Rm 11, 3). Có thể nói, Đức Maria nhìn thấy, theo thánh ý muôn đời của Đấng tối cao, mình đang hiện diện ở giữa “con đường không thể hiểu được” và “quết định không thể dò thấu được” của Thiên Chúa, đã được thích ứng mình theo bóng tối của đức tin khi mở rộng tâm hồn đón nhận tất cả những gì chương trình Thiên Chúa đòi buộc[66].
Như vậy, Đức Maria luôn hiện diện trong mầu nhiệm Chúa Kitô vì được “đầy ơn phúc” thì cũng “nhờ đức tin”, Đức Maria chia sẻ vào mầu nhiệm này trong tất cả chiều kích của cuộc đời trần thế của Người. Mẹ tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, đồng thời một cách âm thầm, Mẹ làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô hiện diện nơi con người.
b, Đặc trưng đức ái (trao ban và phục vụ)[67].
Việc Đức Maria vội vã ra đi đến Ain Carem khi vừa được báo tin là người chị họ trong lúc tuổi già đã mang thai được sáu tháng, được thôi thúc bởi ba động lực là để chia sẻ niềm vui, trao ban “ân sủng” và tinh thần đức ái: Đức Maria đến chia sẻ niềm vui kép đôi vì vừa được cưu mang Chúa Giêsu, vừa vui mừng cho bà Elisabeth được Thiên Chúa cất đi nỗi nhục son sẻ của bà; Đức Maria đến để đem Chúa Giêsu đến cho Gioan được nhảy mừng và bà Elisabeth được tràn đầy Chúa Thánh Thần; và Đức Maria đến để giúp đỡ bà Elisabeth trong thời kỳ thai nghén. Tất cả được gói gọn trong một động lực duy nhất là đức ái tuyệt hảo của Mẹ Con Thiên Chúa.
Niềm vui trươc hết và trên hết mà Đức Maria muốn chia sẻ chính là niềm vui được Thiên Chúa cứu độ: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi”. Thật vậy, Đức Maria là người đầu tiên được Thiên Chúa thương cứu độ, giữ gìn cho khỏi mọi vết nhơ của tội nguyên tổ, như con người thuở ban đầu được tạo dựng, nghĩa là sống trong sự sống siêu nhiên, trong ơn thánh sủng. Được cứu độ là niềm vui lớn nhất mà bao thế hệ đợi chờ, chính vì thế mà Đức Maria, người được cứu độ đầu tiên, tràn ngập niềm vui, vừa cất tiếng chào thì Gioan trong dạ bà Elisabeth cũng nhảy lên vui sướng vì ơn cứu độ đã đến.
Đức Maria mang đến cho gia đình bà Elisabeth ân sủng của Thiên Chúa, vì Mẹ tràn ngập ân sủng, nên ân sủng đó trào tràn trên bà Elisabeth làm cho bà cất lớn tiếng và ca ngợi Mẹ Thiên Chúa. Đức Maria mang trong mình Đấng là ân sủng và được bao quanh bằng ân sủng của Thánh Thần, Mẹ hiểu rõ bản chất của ân sủng không cho phép tích trữ và giữ lấy như của riêng, mà cần phải trao ban, ân sủng không dừng lại nơi Mẹ mà được tặng ban cho con cái loài người. Thật vậy, nếu ân sủng là để phân phát, thì người làm đầu chỉ có thể là để phục vụ (x. Mt 23, 11), và thế giới ân sủng còn là thế giới của tình thương. Tình thương bao la và cao thượng vốn được xây dựng trên hy sinh và dâng hiến. Nơi đó, không chờ đợi để nhận lãnh hay để được phục vụ, mà là luôn tìm cách trao ban, chia sẻ và hiến tặng. Đức Maria đã thực hiện trọn vẹn tinh thần đức ái khi hạ mình làm người tôi tớ phục vụ.
Dù được diễm phúc hơn mọi người phụ nữ vì đã cưu mang Con Thiên Chúa, cưu mang Đấng Cứu Thế mà cả dân Israel và muôn dân trông đợi, nhưng Đức Maria đã không tự coi mình cao trọng trong phẩm vị “Hoàng Thái Hậu” mà hạ mình để phục vụ, mà người đầu tiên được diễm phúc Mẹ Thiên Chúa đến phục vụ là bà Elisabeth. Nếu Đức Giêsu là Chúa và là Thầy mà đã quì xuống rửa chân cho các môn đệ, thì trươc đó chính Mẹ Người là Mẹ Thiên Chúa đã hạ mình phục vụ một thụ tạo, và với một công việc rất thấp hèn suốt một thời gian ba tháng theo lời kể của Luca (x. Lc 1, 56).
c, Lời kinh Magnificat: Đặc trưng đứng về phía những người bị áp bức.
Xuất xứ của lời kinh Magnificat cho đến nay vẫn chưa hết những tranh luận của nhiều nhà thần học, nhưng dựa theo chính những lời được thốt ra trong lời kinh “Từ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc” mà đặc ân “đầy ơn phúc” lúc này chỉ có nơi Đức Maria và được khẳng định qua sứ thần Gabriel cũng như của bà Elisabeth, nên ta không nghi ngờ gì nữa mà chắc chắn lời kinh này được hát lên từ môi miệng Đức Maria, ca ngợi lòng thương xót của Chúa đã thực hiện lời hứa cứu chuộc dân Người. Tuy lời kinh hoạ lại tâm tình của bà Anna mẹ của Samuel (x. 1Sm 2, 1- 10) cùng với những chắt lọc ý nguyện của các lời kinh Cựu Ước đương thời, nhưng quan trọng hơn cả là được đọc trong một tâm tình của một người nữ tỳ được chọn làm Mẹ Thiên Chúa và cộng tác trực tiếp trong chương trình cứu độ.
Kinh Magnificat được khởi đầu bằng niềm vui của một con người được cứu độ (x. Lc 1, 47), kế đến nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho những ai hèn mọn (x. Lc 1, 48- 53)[68]. Đặc biệt, điều được nói đến nhiều nhất là sự đối nghịch giữa thế lực giàu và người nghèo bị áp bức, và Thiên Chúa đã yêu thương cứu giúp người nghèo khó khiêm hạ.
Có thể nói, Đức Maria đã cất lên bài ca của những người bị áp bức, mà trong đó Mẹ và bà Elisabeth diễn tả mối bận tâm của mình dành cho dân Israel. Đức Maria đã nhận vào trong con người của Mẹ một cảm thức và mối bận tâm của bà Anna sau khi bà này sinh hạ Samuel, và ca ngợi về tất cả những điều này vào trong một bài ca biết ơn. Luca giữ lấy cảm thức này cho chúng ta trong kinh Magnificat mà ngài đặt như là một lời dẫn cho việc công bố của Đức Giêsu về sứ mạng của Người là giải phóng người nghèo và những kẻ bị bỏ rơi (Lc 4, 18- 19).
Cụm từ tapeinoi (tapeinoi) hoặc anawim (anawim) theo ngôn ngữ Hy Lạp muốn nói về một người nghèo bình thường, không quyền hành, không ảnh hưởng. Khi hát lên lời này, Đức Maria như muốn tuyên bố, Thiên Chúa không đánh giá con người theo tiêu chuẩn trần thế. Những con người thành đạt, giàu sang và leo lên đỉnh cao quyền lực, có lẽ sẽ làm cho mọi người kính nể và sợ sệt, nhưng đối với Thiên Chúa thì không. Giàu sang và quyền lực trần thế chỉ là thứ chóng qua như “con người chóng qua như cỏ”. Thiên Chúa chú tâm đến người góa bụa, trẻ mồ côi, người hèn mọn, những con người không có chút quyền hành gì, những con người vô tích sự trước mắt người đời. Kẻ giàu sang quyền thế thường thoả mãn về mình; người nghèo hèn chỉ trông cậy vào Thiên Chúa. Kinh Magnificat là tuyên ngôn: Thiên Chúa là Thiên Chúa của người nghèo và người bị áp bức; phúc cho người nghèo vì có Thiên Chúa là Đấng luôn chăm sóc họ. Đức Maria là mẫu gương sự nghèo khó và lời kinh Magnificat mà Mẹ hát lên phản ánh việc Mẹ đứng về phía những người bị áp bức. Điều này làm cho lời kinh này mang một tính cách mạng vĩ đại: cần phải thay đổi vị trí xã hội để mọi người được bình đẳng trước mặt Thiên Chúa[69].
Tóm lại: Như đã nói ở trên, biến cố thăm viếng bà chị họ Elisabeth là hành trình truyền giáo đầu tiên với đầy đủ tính năng của một cuộc truyền giáo thực thụ, khi Mẹ đem Chúa Giêsu đến cho người khác và trao ban Chúa Giêsu để những người lãnh nhận được tràn ngập niềm vui vì được cứu độ. Điều này cũng tựa như việc Phêrô cho anh què ở Cửa Đẹp Đền Thờ chính Chúa Giêsu và anh được chữa lành để rồi anh nhảy nhót tưng bừng ca ngợi Thiên Chúa. Biến cố thăm viếng làm nổi bật lên đặc trưng của người môn đệ là: Đức tin, đức ái và cảm thông -nghĩa là người truyền giáo mang trên mình niềm tin phó thác cho công trình cứu độ của Thiên Chúa, thực hiện đức ái Kitô bằng việc dấn thân phục vụ và trao ban niềm vui, đồng thời cảm thông và bênh vực cho những người nghèo hèn và những người bị áp bức trong xã hội.
3. Biến cố sinh hạ Đức Giêsu[70].
Có thể nói, biến cố Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu, xét về phụng vụ Kitô giáo, được mừng long trọng bậc nhất cùng với lễ Phục Sinh. Có nhiều nơi biến cố giáng sinh tổ chức hoạt cảnh, canh thức và các việc đạo đức còn lớn hơn cả đại lễ Phục Sinh và biến cố này còn có ảnh hưởng đến cả những người ngoài Kitô giáo. Tuy nhiên, biến cố Giáng Sinh xem ra được bàn tới khá ít trong các suy tư thần học xưa cũng như nay. Thật vậy, khi nghiên cứu về biến cố Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu, các nhà thần học thường thiên về hướng khai triển theo Kitô học và tập chú vào mầu nhiệm Nhập Thể hơn. Dĩ nhiên, khi suy tư về mầu nhiệm Nhập Thể, không thể không nói đến sự cộng tác trực tiếp của Đức Maria, vì Con Thiên Chúa nhập thể vào cung lòng Mẹ và được Mẹ sinh ra trong thế giới loài người.
Con Thiên Chúa đi vào thế gian không hiển linh xuất hiện như một vị thần giá lâm hiển hách, nhưng được sinh ra nơi một người phụ nữ khiêm hạ, và sinh ra trong cảnh nghèo hèn khó khó “không có nơi tựa đầu”. Đó là sứ điệp đầu tiên của Nước Trời, mà Đức Maria là người đầu tiên được cộng tác trong vai trò làm Mẹ Đấng là Nước Trời và sống tinh thần nghèo khó của mối phúc đầu tiên: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,3 ). Chúng ta sẽ cùng khai triển hai đặc trưng mang tính truyền giáo này: đặc trưng làm mẹ, và đặc trưng khó nghèo.
a. Đặc trưng làm mẹ:
Khoa Thánh Mẫu Học đặc biệt tập chú đến tín điều cao trọng và được định tín từ những thế kỷ đầu của Hội Thánh, đó là “tước hiệu Théotokos (Theotokos) – Mẹ Thiên Chúa”. Ở đây, người viết không nhằm nghiên cứu gì thêm về tín điều này, nhưng chỉ tập chú suy tư về tính truyền giáo xuất phát từ đặc trưng làm mẹ, đặc biệt chức làm mẹ nhân loại của Đức Maria mà thôi.
Trươc hết, Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô, nhưng Chúa Kitô là Đầu của toàn thể nhân loại. Chúa Kitô, Ngôi Lời Nhập Thể, đại diện cho nhân loại được cứu chuộc. Trong chương trình của Thiên Chúa, việc Nhập Thể mang ý nghĩa của một sự cứu độ, do một người được Thiên Chúa chọn gọi làm đại diện cho toàn thể nhân loại. Đó là ý nghĩa của từ “thiên sai”. Đấng Thiên Sai không chỉ là Người loan báo và ban ơn cứu độ cách khách quan, ngoại tại, nhưng còn chứng minh rằng sự cứu độ đó đã thực sự đến với nhân loại. Đức Maria được mời gọi và ưng thuận làm Mẹ Chúa Chúa Kitô, Đầu của nhân loại. Nếu làm Mẹ của Đầu thì cũng là Mẹ của toàn thể. Đó là nền tảng đầu tiên của mẫu tính thiêng liêng đối với loài người. Nhưng Chúa Kitô đã thực hiện viên mãn ơn gọi của nhân loại mới, còn đa số nhân loại thì đang trên đường thực hiện ơn gọi của mình. Đức Maria là Mẹ của nhân loại đã hoặc đang trên đường lãnh nhận ơn cứu độ[71].
Đức Maria là Mẹ của nhân loại vì đã chuyển đạt cho nhân loại sự sống thần linh, sự sống vĩnh cửu, khởi đi từ việc sinh Đấng Cứu Thế được trao ban cho nhân loại. Vì Đức Maria chỉ có ý nghĩa trong tương quan với Chúa Kitô, nên mẫu tính của Người cũng chỉ có nền tảng khi được nối kết với Chúa Kitô. Khi sinh ra Chúa Kitô, tác giả sự sống thần linh, cho thế gian, Đức Maria thực sự là Mẹ nhân loại, nhưng là một nhân loại mới. Là “Eva mới”, Đức Maria cũng là Mẹ các chúng sinh (x. St 3, 20).
Sứ mệnh làm mẹ của Đức Maria thiết yếu gắn liền với sự sống siêu nhiên. Đức Maria là mẹ của loài người bằng cách làm cho đời sống ân sủng, sự sống của Chúa Kitô được nảy sinh và triển nở nơi các tâm hồn. Đối với các tâm hồn sống trong ân sủng, Đức Maria dẫn đưa họ đến một đời sống ngày càng mật thiết hơn với Chúa Giêsu, còn đối với các tâm hồn tội lỗi, Mẹ là hiện thân của sự khoan dung nhân hậu. Có thể nói, việc sinh ra Chúa Giêsu cho nhân loại, cũng có nghĩa là Đức Maria đã cho nhân loại sự sống siêu nhiên, điều đó cũng thật như những người mẹ cho con cái mình sự sống tự nhiên vậy. Đức Maria nuôi nấng, phù hộ, làm lớn lên và phát triển sự sống siêu nhiên của nhân loại để đưa nó tới chỗ hoàn hảo[72].
Giáo huấn của thánh Phaolô hướng mọi người Kitô hữu về chức làm mẹ thiêng liêng của Đức Maria, khi thánh nhân thích diễn tả những điều kỳ diệu của mầu nhiệm, nhờ đó Kitô hữu chỉ trở thành một thân thể với Đức Kitô: là chi thể của Đức Kitô, nên phải tham dự vào những đoạn đời khác nhau của Đức Kitô (x. Rm 6, 8). Nói cách khác, các Kitô hữu là con cái và thừa tự của cùng một Chúa Cha với Đức Kitô. Cũng theo dòng tư tưởng đó, có thể kết luận rằng: các Kitô hữu cũng được cưu mang và sinh ra bởi Đức Maria với Đức Kitô và có cùng một mẹ với Người.
Sau cùng, việc sinh hạ Đức Giêsu cho thấy đặc trưng truyền giáo của Đức Maria chính là hình ảnh của Hội Thánh, cách riêng các Kitô hữu, luôn làm cho Thiên Chúa được sinh ra nơi các tâm hồn, sinh ra cho thế giới mọi nơi và mọi thời, nghĩa là làm cho Thiên Chúa được muôn người nhận biết. Vấn đề này thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Galát đã viết: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của tôi, mà tôi đã quặn đau sinh ra một lần nữa” (Gl 4, 19). Đức Maria đã sinh ra cho nhân loại chính Đấng Cứu Độ, Mẹ lại cùng với Đức Giêsu “quặn đau” sinh ra các Kitô hữu dưới chân thập giá và cả cuộc đời xin vâng của Mẹ đã làm cho Nước Chúa được hiển trị trên thế giới và cách riêng trong tâm hồn mọi người. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh theo nghĩa thiêng liêng, vì Người đã cộng tác với Chúa Giêsu, mà sinh hạ những người con trong đức tin cho Hội Thánh. Thiên Chúa đã trao phó cho Mẹ nhiệm vụ phân phối ân sủng cứu chuộc của Chúa Kitô, như tín lý dạy mọi người biết về vai trò “trung gian ân sủng” của Mẹ. Nếu thiên chức làm mẹ cốt ở việc làm phát sinh những mầm sống mới, thì Đức Maria là Mẹ các tín hữu vì cùng với Chúa Giêsu đem lại sự sống ân sủng cho họ. Đức Maria là Mẹ của Hội Thánh vì Người đã sinh ra Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, và vẫn tiếp tục sinh các phần thân thể của Chúa Giêsu trong ân sủng đức ái và đức tin. Hay nói cách khác, Đức Maria vẫn tiếp tục làm cho Chúa Giêsu được sinh ra cho Hội Thánh và trong các tâm hồn[73].
b, Đặc trưng nghèo khó.
Nếu biến cố truyền tin và thăm viếng là sự kiện liên kết giữa thần linh và con người (thiên sứ Gabriel và bà Elisabeth) khen tặng Đức Maria là “đầy ân sủng”, thì nơi máng cỏ Bêlem, một sự phối hợp cùng lúc giữa thần linh và con người (thiên sứ và mục đồng). Đó là bản hợp xướng của các thiên thần và các mục đồng trong đêm thánh vô cùng: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương” (Lc 2, 14). Những người được Chúa thương là những con người nghèo hèn bé nhỏ của Israel còn sót lại mà ngôn sứ Sophonia từng loan báo (x. Xp 3, 11). Hơn ai hết, Đức Maria là hiện thân của con người nghèo khó theo Tin Mừng, đặc biệt trong bối cảnh sinh hạ Đức Giêsu. Thật vậy, tường thuật của thánh Luca, Giuse và Maria là những người nghèo đã không đủ tiền để vào quán trọ; có lẽ không ai dám chứa vì Maria sắp khai hoa nở nhụy, gây nhiều phiền phức. Các mục đồng là những người đầu tiên chứng kiến cảnh giáng sinh của Con Thiên Chúa, cũng là những người nghèo và thuộc tầng lớp thấp kém nhất trong xã hội, nhưng có vì thế mà họ lại là người xứng đáng được hợp đoàn với những người nghèo của Thiên Chúa, và Thiên Chúa ưa thích tỏ mình cho những người nghèo hèn bé mọn.
Có thể nói, suốt cuộc đời Đức Maria là một sự nghèo khó triền miên từ máng cỏ cho tới đồi Calvê. Bêlem: một chuồng bò lừa, chiếc tã, máng cỏ, rơm khô… đó là tất cả những gì Mẹ có để chuẩn bị cho “Đấng không nơi tựa đầu” sinh ra. Sự khó nghèo bị ruồng rẫy bỏ bên lề, khinh bỉ, vì đó là sự khốn cùng. Tại đền thờ, để chuộc lại “Con đầu lòng”, Đức Maria cũng chỉ có lễ vật của người nghèo là hai con chim non. Trong khi cả hoàn cầu không thể cân cái giá “Con Chiên”. Trong lúc chạy sang Ai cập, suốt hành trình sa mạc và lang thang trên đất khách quê người có lẽ Đức Maria và thánh Giuse sống thật túng quẫn…
Ngoài cái nghèo khó, thiếu của cải vật chất, thì tinh thần nghèo khó cũng không thiếu nơi Đức Maria. Tình thần nghèo khó hệ tại việc từ bỏ bên trong cách tuyệt đối và phổ quát tất cả các thụ tạo. Thật vậy, từ lúc vô nhiễm thai, Đức Maria đã hoàn toàn dâng hiến cho Thiên Chúa tất cả, dửng dưng với những gì không thuộc về Chúa hay không đưa tới vinh quang Nước Trời. Đức Maria không tin yêu gì ngoài Thiên Chúa, tất cả cho Thiên Chúa và trong Thiên Chúa.
c, Đặc trưng chiêm niệm.
“Bà Maria ghi nhớ những sự việc ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19)
Đức Maria sống với đôi mắt luôn nhìn vào Chúa Kitô và luôn đón nhận lời Người như kho tàng của mình: “còn Bà Maria thì ghi nhớ những sự việc ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19; x. 2, 51). Những kỷ niệm về Đức Giêsu ghi khắc trong lòng Mẹ, đồng hành với Mẹ trong mọi hoàn cảnh, Mẹ luôn nhìn lại những thời điểm cuộc đời mình được sống bên Chúa Giêsu[74]. Từ đó Mẹ sống một cách âm thầm trong sự chiêm ngắm mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa, Mẹ không vênh vang về đặc ân của mình, nhưng hầu như rút vào thinh lặng, và có lẽ như vậy mà sau những trình thuật thời thơ âu của Chúa Giêsu, hầu như các Tin Mừng rất ít nói về Mẹ.
Có thể nói, Đức Maria sống âm thầm bằng cách không xuất hiện giữa công chúng, ít nhất khi không cần thiết. Và khi cần, Đức Maria tức khắc có mặt, nhưng chỉ hiện diện như người phục vụ, chứ không phải như kẻ có quyền để sai khiến. Điều này thật rõ ràng trong tiệc cưới Cana, nơi cho thấy một hình ảnh trung thực về vai trò của Mẹ. Nơi đó, tác giả Tin Mừng thứ tư cũng ghi nhận sự can thiệp kín đáo của Mẹ qua những lời lẽ tế nhị, gọn gàng chính xác (x. Ga 2).
Maria là mầu nhiệm của Thiên Chúa. Nếu theo sự thường, mặc khải là vén mở những điều ẩn giấu bằng lời nói và hành động, thì nơi Đức Maria, Thiên Chúa mặc khải bằng sự che giấu. Không phải bằng lời nói hay hành động nhưng bằng thinh lặng và chiêm ngưỡng. Có thể nói, mặc khải bằng lời nói và thinh lặng là phương thế dành cho đại chúng. Nhưng mặc khải bằng sự âm thầm và thinh lặng là phương thế ưu việt dành cho những linh hồn đặc tuyển.
Đức Maria chiêm ngắm chính thần tính (Đức Giêsu) mà Mẹ mang trong mình, thần tính đó được kết hợp với xương thịt mình trong ngôi vị là Con Thiên Chúa. Trong Đức Kitô nguồn mọi sự khôn ngoan thông hiểu (x. Cl 2, 3); thế mà Người ở trong Đức Maria, nên trong Mẹ đã được che dấu mọi kho tàng khôn ngoan và thông hiểu. Cũng có thể nói Đức Maria là một nhà chiêm niệm, Mẹ chiêm ngắm vinh hiển của Chúa Ba Ngôi trong Con Một Thiên Chúa mà Mẹ sinh ra từ xáx thịt Mẹ. Chúa Kitô tỏ cho biết làm sao sự vinh hiển của Chúa Ba Ngôi được biểu lộ trong lúc chiêm niệm khi Người nói: “Không ai biết Con trừ ra Cha, cũng như không ai biết Cha trừ ra Con và kẻ mà Con mặc khải cho” (Mt 11, 27). Thế mà Đức Giêsu đã từng mặc khải Chúa Cha và chính mình với tư cách là Con cùng Chúa Thánh Thần cho nhiều người, phương chi cho chính Mẹ mình, vì lòng trong sạch của Mẹ vượt hẳn mọi người, xứng đáng chiêm ngắm Thiên Chúa. “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14, 9). Không ai thấy Đức Giêsu bằng Mẹ Người đã sinh ra Người do chính xác thịt mình. Cũng thế, khi Đức Giêsu nói với các Tông Đồ: “Tất cả những gì Thầy đã nghe được nơi Cha của Thầy, thì Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15). Thiết nghĩ, nếu Đức Giêsu đã mặc khải mọi sự cho các Tông đồ, thì lẽ nào Người lại giấu không mặc khải cho Mẹ Người là “Nữ Vương các Tông Đồ”?
Như vậy, những đặc trưng truyền giáo trong biến cố Đức Maria sinh hạ Đức Giêsu thật nổi bật và khẩn thiết cho thế giới, đặc biệt trong thời đại hôm nay. Thế giới ngày hôm nay sống như vắng bóng Thiên Chúa, thậm chí xem như Thiên Chúa không còn hiện hữu, thì bổn phận của Hội Thánh, của các Kitô hữu và cách riêng các nhà truyền giáo phải làm cho Thiên Chúa được sinh ra cho mọi người, nghĩa là làm cho nhân loại nhận biết Thiên Chúa và ý thức sự hiện diện của Người, hầu các chuẩn mực đạo đức được tôn trọng và biết hướng tới những giá trị tinh thần và thiêng liêng để được cứu độ. Mặt khác, hơn lúc nào hết, khi thế giới chạy theo vật chất, sống phóng túng và hưởng thụ, thì sống đức khó nghèo sẽ là một điểm sáng thức tỉnh muôn người. Ngoài ra, sự thinh lặng chiêm niệm như là một sự đi ngược dòng chống lại sự ồn ào của những biến động xã hội, mà sự ồn ào đó đã làm cho con người không thể lắng nghe tiếng nói của Thiên Chúa và tiếng nói của lương tâm.
5. Dâng Chúa Giêsu trong đền thánh (Lc 2, 22- 40)[75].
Biến cố Đức Maria và thánh Giuse đem Đức Giêsu vào đền thánh để dâng cho Thiên Chúa được Tin Mừng Luca lồng ghép hai nghi thức thánh tẩy cho Đức Maria sau khi sinh và dâng Đức Giêsu (Con đầu lòng) cho Thiên Chúa thành một. Có người cho rằng đây là một cách Luca dùng để ngầm ý làm nổi bật sự kết hợp giữa Đức Giêsu và Mẹ Người trong việc tiến dâng cho Thiên Chúa Cha. Luca muốn diễn tả biến cố này là một sự thánh tẩy đền thờ hơn là Đức Maria được thanh tẩy. Thật vậy, cách trích dẫn Cựu Ước ở đây, cho thấy Luca chú ý đến tính thần học hơn là về phương diện lịch sử.
“Khi đã đến lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môisê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Thiên Chúa, như đã chép trong luật Chúa rằng: ‘Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh dành cho Chúa; và cũng để dâng của lễ theo luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non” (Lc 2, 22- 24).
Ở đây, chúng ta dễ nhận thấy có một sự trích dẫn không thống nhất khi áp dụng các nghi thức và bản văn lề luật. Trình thuật trên cho thấy của lễ để dâng con đầu lòng là một cặp chim gáy hoặc một cặp bồ câu non là của lễ của người nghèo (Lv 12, 8). Thế nhưng, theo luật Môisê, của lễ dâng con đầu lòng (hay chuộc lại) là mười lăm chỉ bạc (x. Ds 18, 15-16), còn đôi chim gáy hay cặp bồ câu non là lễ vật tạ tội của người phụ nữ sau sinh con khi đã mãn thời kỳ thanh tẩy (x. Lv 12). Có lẽ, như đã nói ở trên, Luca không quan tâm lắm đến việc Đức Maria cần tẩy uế, vì Người không thể bị ô uế khi sinh ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, Đấng Chí Thánh và thanh sạch, cũng như Mẹ là Đấng thanh sạch vì được tràn đầy ân sủng, nên lễ thanh tẩy ở đây có lẽ Luca muốn ám chỉ đền thờ Giêrusalem. Vì từ khi Hòm Bia bị mất (vào 587), đền thờ đã trở nên trống rỗng và xem như Thiên Chúa không còn hiện diện nữa. Nay Đức Giêsu Cứu Thế đến, đền thờ lại được tràn đầy, Thiên Chúa lại hiện diện, và như thế, đền thờ được tẩy uế. Tuy nhiên, dù giải thích theo nghĩa nào, thì việc cha mẹ Đức Giêsu đem Người vào đến thánh để dâng cho Thiên Chúa, trước hết là để chu toàn lề luật (x. Lc 2, 27).
a, Đặc trưng chu toàn lề luật.
Đọc lại sách Xuất Hành chương 13, 1-2, cho thấy luật dâng con đầu lòng cho Thiên Chúa xuất phát từ sau tai ương thứ mười, khi thần sứ Đức Chúa giết các con đầu lòng Ai Cập. Đức Chúa đã phán với ông Môisê: “Hãy thánh hiến cho Ta mọi con so, mọi con đầu lòng trong số con cái Israel, dù là người hay thú vật: nó thuộc về Ta” (Xh 13, 1-2). Như thế, tất cả những con đầu lòng đều thuộc về Thiên Chúa, nghĩa là có quyền phục vụ Lều Thánh. Tuy nhiên, từ khi xảy ra chuyện “con bò vàng” (x. Xh 32, 1-6), đặc quyền dành cho “con đầu lòng” phục vụ Lều Thánh không còn nữa, mà việc phục vụ Lều Thánh được dành cho con cái Lê vi:
…“Môisê từ trên núi xuống, hô to “Ai trung thành với Đức Chúa thì theo tôi” “tất cả con cái ông Lê vi đều tập họp bên ông Môisê”. Họ tuốt gươm tàn sát ba ngàn người thờ bụt thần. Môisê chúc phúc cho họ: “Hôm nay, anh em được phong chức để phục vụ Đức Chúa, vì kẻ thì đã hy sinh con mình, kẻ thì hy sinh anh em mình, khiến Người chúc phúc cho anh em hôm nay” (x. Xh 32, 25-29). Đức Chúa phán: “Đây chính Ta đã chọn các thầy Lêvi giữa con cái Israel thay thế tất cả các trưởng nam, các con đầu lòng trong số các con cái Israel, cho nên các thầy Lêvi thuộc về Ta” (Ds 3, 11-12)…
Như vậy, ban đầu những người được dâng vào phục vụ đền thánh phải là những con trai đầu lòng (x. Xh 13, 1-2), nhưng về sau được thay thế bằng con cái dòng tộc Lêvi (x. Xh 32, 1-6.25-29; Ds 3, 11-12). Đây cũng là ý nghĩa của suy tư thần học về việc Đức Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh hay Đức Maria dâng Chúa Giêsu trong đền thánh. Như đã nói ở trên, không có chuyện dâng Chúa Giêsu vào đền thánh nữa, vì Đức Maria không dâng Chúa Giêsu vào để Người phục vụ đền thờ, mặt khác, Đức Maria trước đó đã không khấn dâng Chúa Giêsu vào như trường hợp của bà Anna khấn dâng Samuel cho Thiên Chúa trước khi Samuel chào đời (x. 1Sm 1, 11), hơn nữa, Đức Giêsu không thuộc dòng Lêvi. Và rõ ràng sau đó Đức Maria và thánh Giuse đã đưa Đức Giêsu về lại Nazareth (x. Lc 2, 39- 40).
Tuy nhiên, dù những người con đầu lòng không phải phục vụ đền thờ nữa, nhưng vẫn thuộc về Thiên Chúa, nên phải chuộc lại bằng lễ vật (x. Ds 18, 15-16) và Đức Maria đã chu toàn điều luật đó. Vì vậy, biến cố dâng Chúa trong đền thánh cho thấy Đức Maria vừa chu toàn luật thanh tẩy, luật dâng con đầu lòng vừa chu toàn luật chuộc lại con đầu lòng bằng lễ vật.
Cách kể chuyện của Luca còn cho thấy việc dâng Chúa Giêsu trong đến thánh như là một cuộc gặp gỡ giữa Cựu Ước và Tân Ước (giữa Simêon và Anna đại diện cho Cựu ước với Đức Giêsu là Đấng khai mở Tân Ước). Trong khi Matthêu cố minh chứng Đức Giêsu chính là Môisê mới, thì có vẻ như Luca lại thích áp dụng Đức Giêsu như là vị ngôn sứ Samuel mới. Thực ra Luca thấm nhuần hình ảnh của Samuel từ bài ca của bà mẹ hiếm muộn Anna, cho đến việc Samuel được bà Anna dâng vào đền thờ để phục vụ Thiên Chúa (x. 1Sm 1, 22-28); còn “cha mẹ Đức Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền liên quan đến Người” (Lc 2, 27). Điều này cho thấy Giuse và Maria tuân giữ lề luật rất kỹ càng, làm cho việc “sống dưới lề luật” của Đức Giêsu càng nổi bật[76].
Tóm lại, Đức Maria tuân giữ lề luật Thiên Chúa và những qui định tôn giáo rất đầy đủ, ngoài ra, còn chấp hành cả những gì thế quyền qui định nữa. Điều này được chứng minh qua việc Đức Maria dù đang thời kỳ thai nghén và sắp đến ngày sinh nở cũng đã cùng với Giuse vượt đường xa về nguyên quán để khai sinh, rồi sau đó dâng lễ thanh tẩy, dâng con đầu lòng và cử hành việc chuộc lại con đầu lòng theo như những gì luật tôn giáo qui định. Đây là một trong những ưu điểm nổi bật của Đức Maria mang ý nghĩa truyền giáo, vì hơn ai hết, những chứng nhân truyền giáo phải là người gương mẫu trong việc tuân giữ lề luật Thiên Chúa và biết vâng phục Hội Thánh, vâng phục các vị chủ chăn trong Hội Thánh là những người đại diện Chúa Kitô, đồng thời cũng biết tôn trọng thế quyền cách chính đáng nơi mình đang phục vụ.
b, Đặc trưng sẵn sàng chịu thử thách.
Một đặc trưng nữa của người môn đệ được tìm thấy nơi Đức Maria trong biến cố dâng Chúa vào đền thánh là sẵn sàng chịu đau khổ. Lời tiên báo của ông Simêon: “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn hồn Bà” (Lc 2, 35) là một mặc khải về viễn tương đau khổ của Đức Giêsu cũng như của chính Đức Maria, và từ đó cùng với Con mình, Đức Maria bước vào cách mãnh liệt sự hiệp thông cứu chuộc, để tâm hồn nhiều người được tỏ lộ, Mẹ đồng hành với công cuộc truyền giáo của Con và kết hiệp với hy tế của Con (sosio passionis) hầu mưu cầu sự cứu rỗi cho con người. Lời của ông Simeon như một cuộc truyền tin thứ hai cho Đức Maria; vì đã cho Mẹ thấy chiều kích cụ thể trong lịch sử, trong đó Con của Mẹ sẽ thực hiện sứ vụ của mình: giữa sự cứng tin và trong đau khổ. Một mặt, nếu lời loan báo này xác nhận niềm tin của Mẹ vào việc Thiên Chúa sẽ thực hiện các lời hứa, thì mặt khác cũng cho thấy Đức Maria phải sống sự vâng phục đức tin trong đau khổ, bên cạnh Đấng Cứu Độ khổ đau; chức năng Từ Mẫu của Mẹ sẽ nằm trong bóng tối và sự đau xót[77]. Đặc biệt, dưới chân thánh giá, nhờ lòng tin, Đức Maria chia sẻ vào mầu hiệm kinh hoàng của sự tự hạ. Có lẽ đó là sự tự hạ (kénosis) âu xa nhất của đức tin trong lịch sử loài người. Nhờ đức tin, Đức Maria tham dự vào cái chết cứu độ của Con mình; nhưng khác với đức tin của các môn đệ đang chạy trốn, đức tin của Mẹ thật chói ngời. Qua thập giá, Đức Giêsu đã chứng thực cách dứt khoát trên đồi Calvê rằng Người là “dấu hiệu bị người đời chống báng” như ông Simeon đã báo trước. Đồng thời, ở nơi đó những lời nói về Đức Maria cũng thành tựu: “Phần Bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thấu lòng Bà”[78].
Cũng như Đức Kitô đã chấp nhận chịu thử thách đau khổ không phải do tội của Ngài, mà là vì gánh lấy tội thế gian, Đức Maria thánh thiện đã chịu đau khổ nhiều khi dâng lên Chúa Cha sự đau khổ của Đức Kitô và sự đau khổ của chính mình như Mẹ của Đấng Cứu Thế. Mẹ thông hiệp đầy đủ vào hy tế của Con trong giai đoạn có tính cách lịch sử của nó. Sự đau khổ của Con Thiên Chúa thì vô cùng và sự đau khổ của Đức Maria cũng thật lớn lao. Điều này được truyền thống Hội Thánh kính nhớ qua diễn ca: “Bảy sự Thương Khó Đức Mẹ”[79]. Sự đau khổ tự nguyện của những người vô tội có giá trị cứu chuộc, như thánh Phaolô tuyên bố: “Những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu, tôi sin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho Thân Thể Người là Hội Thánh” (Cl 1, 24). Điều này cho thấy rằng, việc Đức Maria hiệp thông trong sự đau khổ của Đức Kitô, góp phần vào việc khai sinh Hội Thánh, tức là làm phát sinh một nhân loại mới hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Như vậy, trong biến cố Đức Maria dâng Chúa Giêsu vào đền thánh, ngoài đặc trưng chu toàn lề luật, còn ngời sáng lên tinh thần sẵn sàng chấp nhận chịu thử thách đau khổ để mưu cầu phần rỗi cho nhân loại. Đó cũng là đặc trưng mang tính truyền giáo khi chấp nhận tất cả mọi nghịch cảnh gian lao để chuộc lấy các linh hồn về cho Thiên Chúa.
6. Tiệc cưới Cana (x. Ga 2, 1-12)[80].
Đức Giêsu, Mẹ Ngài là Đức Maria và các môn đệ đều hiện diện tại tiệc cưới Cana. Với sự kiện “Mẹ của Đức Giêsu” được đề cập đến ngay trong câu đầu tiên của tường thuật tiệc cưới Cana, điều này cung cấp bối cảnh cho phép lạ, và sự kiện Đức Maria đặt câu hỏi liên quan đến “rượu”, rõ ràng hướng sự chú ý của độc giả vào Mẹ. Tiệc cưới cũng như các bữa tiệc trong Kinh Thánh đều có tính biểu tượng về ngày Messia (Is 25, 6; Đn 5, 1; Mt 22, 2).
Khi rượu sắp hết, một sự bối rối cho mọi người trong phòng tiệc, Đức Maria đã đề cập đến vấn đề này và yêu cầu các người phục vụ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Sứ điệp này cũng muốn nói với cộng đoàn Hội Thánh sơ khai, gồm những ai cần tham dự vào “rượu” của thời đại mới[81].
Tác giả Tin Mừng thứ tư mô tả sự đáp trả của Đức Maria đối với Đức Giêsu trong một cách thức cho thấy rằng đức tin của Mẹ không bao giờ có chút nghi ngờ. Dù chưa thấy phép lạ, nhưng đức tin cho Đức Maria biết điều Đức Giêsu sẽ làm. Mẹ cho thấy rằng mối tương quan của Mẹ đối với Đức Giêsu không chỉ là mối tương quan sinh học mà còn là một tương quan nền tảng đức tin. Vai trò nổi bật của Đức Maria trong tiệc cưới Cana này bao gồm sự cảm thông, sự chuyền cầu và hướng mọi người về với Đức Giêsu.
a, Đặc trưng về sự cảm thông.
Câu chuyện tiệc cưới Cana cho thấy hình ảnh thật đẹp của Đức Maria về sự cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của đôi tân hôn. Đức Maria đã nhạy bén thấu hiểu sự bối rối của chủ tiệc. Tiệc đang vui mà rượu hết giữa chừng là một tai nạn, làm cho chủ tiệc mất mặt và cô dâu chú rể bị chê cười, cảm thông với hoàn cảnh như vậy, Đức Maria đã “gợi ý” với Đức Giêsu.
Sự cảm thông được diễn tả như đôi cánh của đức ái, là y tá săn sóc cho bệnh nhân … Sự thông cảm còn tiên liệu trước cho những tâm trí chậm chạp, đó là thấy trước nhu cầu. Sự cảm thông là quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ. Sự cảm thông với đôi tân hôn và chủ tiệc nơi tiệc cưới Cana là biểu trưng cho một sự cảm thông liên lỉ của Mẹ Thiên Chúa đối với những người con của Mẹ được sinh ra dưới chân thập giá Đức Kitô. Đức Maria không chỉ cảm thông với những ai chạy đến kêu xin Mẹ, mà còn đi bước trước cảm thông với những ai gặp đau khổ thiếu thốn cả khi họ chưa kịp cầu xin, tựa như việc Mẹ cảm thông với hoàn cảnh bi đát và quá tế nhị có thể làm mất danh dự của đôi tân hôn, và đã lo lắng cho họ trước khi họ xin được giúp đỡ[82].
b, Đặc trưng chuyển cầu.
Câu chuyện tiệc cưới Cana còn vọng lại âm vang về hình ảnh nữ thẩm phán Đơbôra trong Cựu Ước. Hình ảnh bà Đơbôra kêu gọi các “con cái” phải biết vâng nghe lời Thiên Chúa, được áp dụng cho Đức Maria “đề nghị” các gia nhân phục vụ vâng nghe lời Đức Giêsu dạy: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”.
Điều này cũng cho thấy rõ ràng về vai trò đặc biệt của Đức Maria trong trình thuật về tiệc cưới Cana trong Tin Mừng thứ tư. Tuy nhiên, cần có một cái nhìn khách quan và đúng đắn về vai trò trung gian của Mẹ, để tránh những nhận xét thái quá như trước đây, vì không ít người từng cho rằng sẽ không có phép lạ Cana nếu như Đức Maria không can thiệp và như thế gián tiếp coi rằng Đức Giêsu không có một sự cảm thông trắc ẩn…
Chính vì thế, cần biết phối hợp giữa nhãn quan Kitô học và Thánh Mẫu Học. Thánh Mẫu học không thể đứng độc lập mà không có Kitô học. Ý nghĩa biểu trưng của Đức Maria trong tiệc cưới Cana như là dân Israel mới xin Đức Giêsu một dấu chứng. Xác nhận Người là Đấng Messia. Dù vậy, có một chi tiết đặc biệt cần lưu ý ở đây là Đức Maria can thiệp hơn là cầu xin, uy thế của một người mẹ gợi ý hoặc nhắc khéo với Đức Giêsu, chứ không phải van xin Người làm phép lạ. Điều đó cũng cho thấy uy thế trổi vượt của Mẹ trong việc chuyển cầu cho loài người trước mặt Thiên Chúa so với mọi sự chuyển cầu khác của các vị thánh và những người công chính.
“Thân Mẫu Người nói với tha nhân: “Người bảo gì anh, các anh cứ việc làm theo” (Ga 2, 5). Đây được xem như lời trối tinh thần vì đây là lời nói cuối cùng mà Đức Maria nói được Tin Mừng thuật lại. Những lời này như là lời mời gọi sẵn sàng vâng phục Lời của Đức Giêsu, nghĩa là tin vào Người (x. Ga 2, 11; 1, 12). Chữ “diakonoi” (diakonoi)ở đây, Gioan dùng để gọi những người phục vụ, biểu trưng cho các môn đệ tiên khởi của Đức Giêsu, những kẻ trở thành những người phục vụ Lời và mang trách nhiệm phân phát “rượu ngon” của Đức Khôn Ngoan (x. 1Cr 3, 5; 2Cr 3, 6; 6, 4; Ep 3, 7; Cl 1, 7.23.25). Trong cái nhìn như thế, Đức Maria chính là người mẹ tinh thần của những kẻ tin, luôn luôn khuyến khích các môn đệ của Đức Giêsu thực hiện Lời của Người. Chính Mẹ là người khuyến khích những kẻ tin trở thành cộng đoàn của giao ước mới, luôn vâng phục Lời của Đức Kitô. Ngay trong tiệc cưới Cana, tức là ngay lúc Đức Giêsu Nazareth khai mạc cuộc đời công khai, trong việc rao giảng Nước Trời, Đức Maria đã thực thi chức năng là người mẹ tinh thần của cộng đoàn[83].
Việc “hết rượu rồi” là một khía cạnh cụ thể sự nghèo túng của nhân loại, điều này cũng mang một giá trị tượng trưng: đoán trước những nhu cầu con người, cũng đồng thời đưa chúng vào chiều kích sứ mạng thiên sai và sức mạnh cứu độ của Đức Kitô. Vậy cần phải có một sự trung gian: Đức Maria đứng giữa con mình và loài người trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn, nghèo túng và khổ đau của họ. Mẹ đứng “ở giữa”, nghĩa là hoạt động trong vai trò trung gian, không phải bên ngoài, nhưng với tư cách là Mẹ, và ý thức mình có thể trình bày cho Con các nhu cầu của nhân loại, hay đúng hơn là “có quyền làm điều đó”. Sự trung gian của Đức Maria là cầu bầu cho loài người. Không những thế, với tư cách là Thân Mẫu, Mẹ cũng muốn quyền năng thiên sai của con mình được biểu lộ, nghĩa là quyền năng cứu độ của Người nhằm cứu giúp nhân loại bất hạnh, giải thoát họ khỏi sự dữ dưới mọi hình thức và mọi mức độ đang đè nặng trên cuộc sống của họ.
Một khía cạnh thiết yếu khác trong vai trò làm Mẹ của Đức Maria được tỏ hiện qua điều Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Thân Mẫu của Đức Kitô xuất hiện trước nhân loại như người phát ngôn ý muốn của Chúa Con; Mẹ đưa ra một số đòi hỏi phải làm để quyền năng cứu độ của Đấng Thiên Sai được thể hiện… ở Cana, nhờ sự can thiệp của Đức Maria và sự tuân phục của các gia nhân mà Đức Giêsu đã bắt đầu “giờ” của Người. Cũng như ở Cana, Đức Maria xuất hiện như một kẻ tin vào Đức Giêsu: lòng tin của Mẹ làm phát sinh “dấu lạ” đầu tiên của Đức Giêsu và góp phần khơi dậy đức tin nơi các môn đệ (x. Ga 2, 11)[84].
Bản văn Tin Mừng thứ tư về tiệc cưới Cana cho thấy dấu chứng đầu tiên về sự chăm sóc đầy tình mẫu tử của Đức Maria. Công Đồng Vaticanô II đã làm nổi bật chân lý này trong giáo lý của mình và long trọng xác định rằng trách nhiệm mẫu tử của Đức Maria được liên kết với vai trò trung gian của Đức Kitô:
“Vai trò làm Mẹ của Đức Maria đối với loài người không làm lu mờ hay giảm bớt chút nào vai trò trung gian duy nhất của Chúa Kitô, trái lại còn làm sáng tỏ mãnh lực của sự trung gian đó, vì chỉ có “một Đấng trung gian duy nhất giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô” (1Tm 2, 5). “Từ ý định nhân lành của Thiên Chúa, vai trò trung gian của Mẹ Đức Giêsu bắt nguồn từ công nghiệp dư tràn của Chúa Kitô. Sự trung gian của Đức Maria hoàn toàn tuỳ thuộc vào sự trung gian của Chúa Kitô, nguồn mạch mọi quyền lực của trung gian đó”[85].
Chính trong nghĩa này mà biến cố Cana miền Galilê được xem như lời tiên báo đầu tiên về sự trung gian của Đức Maria, hoàn toàn hướng về Đức Kitô và hướng về mạc khải quyền năng cứu độ của Người. Nói cách khác, xét trên bình diện thần học, chỉ cần Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất để cứu độ nhân loại, nhưng đứng về khía cạnh nhân loại, thì đến với Chúa Giêsu, nhờ Đức Maria, là một điều rất thích hợp. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho toàn thể nhân loại, trên phương diện khách quan, đã hoàn tất đầy đủ, nhưng trên phương diện chủ quan, con người tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu, qua sự trợ giúp của Đức Maria. Với tấm lòng từ mẫu của Đức Maria, ơn cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho thế gian, sẽ mang đến một hình ảnh khoan dung nhân ái[86].
Như vậy, vai trò trung gian của Đức Maria tự bản chất không thay thế Đức Kitô, vì chỉ mình Đức Kitô là Đấng Trung Gian cần thiết, sung mãn và hoàn hảo, nhưng đức Maria qua cái nhìn của nhân loại về Chúa Kitô, Mẹ có tất cả quyền thế của một Nữ Trạng Sư: vì do sự lôi cuốn hiền mẫu mãnh liệt mà Người thực hiện trên bất cứ người nào chiêm ngưỡng Người trong sự đơn sơ của con tim, thì Người chiếm lấy linh hồn họ để dẫn dắt về tới Chúa Kitô một cách hữu hiệu. Kinh nghiệm cho biết: ai được bàn tay của Nữ Trạng Sư dẫn dắt thì những người ấy tới gần Đấng trung gian duy nhất của họ hơn và với một niềm cây trông và yêu mến nhất[87].
Để giúp độc giả dễ hiểu về vai trò trung gian chuyển cầu của Đức Maria, Vieyra nhà thuyết giáo lỗi lạc người Bồ Đào Nha đã dùng hình ảnh sau đây thật sống động:
… “Đây là vận may của một trong hai tên trộm đang ở trên đồi Calvê, còn tên kia thất sủng. Chúa Giêsu Kitô ở giữa hai người; nhưng giữa thánh giá Chúa Giêsu Kitô và thập giá kẻ trộm lành có Đức Mẹ đứng đó, còn giữa thánh giá Chúa Giêsu Kitô và thập giá kẻ trộm dữ không có Đức Mẹ ở đó. Nơi đâu giữa tội nhân và Thiên Chúa có Mẹ Thiên Chúa, thì tội nhân được cưú thoát; nơi đâu không có Mẹ, tội nhân bị đẩy lùi lại”[88].
Tóm lại, tường thuật tiệc cưới Canan trong Tin Mừng Gioan đã làm nổi bật hai đặc trưng mang tính truyền giáo của Đức Maria là lòng cảm thông trắc ẩn trước nhu cầu cũng như đau khổ của người khác, và vai trò trung gian chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho nhân loại và cách riêng cho các tâm hồn. Đây là tinh thần mà mọi thành phần dân Chúa, cách riêng đối với các chứng nhân rao giảng Tin Mừng phải mặc lấy. Đặc biệt giữa thế giới hôm nay, biết bao người đang chìm đắm trong đau khổ thể xác và lầm than tội lỗi, rất cần lòng cảm thông chia sẻ tình tương thân tương ái và nhiệt thành ra đi để giúp mọi người đón nhận Tin Mừng hầu được giải phóng khỏi lầm than tội lỗi. Đồng thời, các con cái Mẹ Maria hãy học lấy gương Người để ngày đêm cầu xin ơn Thiên Chúa thương xót và ban ơn cứu độ cho các tâm hồn và cho thế giới thoát cảnh chiến tranh và nghèo đói.
7. Trên Đồi Calvê (Ga 19, 25- 27)[89].
Nếu đoạn Tin Mừng của Gioan về biến cố Cana trình bày sự chăm sóc từ mẫu của Đức Maria vào lúc khởi đầu công trình thiên sai của Đức Kitô, thì một đoạn khác của Tin Mừng thứ tư này xác nhận vai trò làm mẹ trong bình diện cứu độ của ân sủng đạt tới đỉnh cao, đó là lúc hy tế thập giá của Đức Kitô, cũng là mầu nhiệm vượt qua của Người, được hoàn tất:
“Đứng gần thập giá Đức Giêsu, có thân mẫu Người, bà Maria vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Maria Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giêsu nói với thân mẫu rằng: “Thưa Bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25- 27).
Đọc kỹ đoạn tường thuật, thoạt đầu chỉ thấy đó là một sự lo lắng của Đức Giêsu dành cho mẹ mình, người mẹ mà Người để lại trong một nỗi đau khổ tận cùng. Thế nhưng, ý nghĩa bản tường thuật này có thể đi xa hơn vì hai lý do: Thứ nhất “môn đệ thương mến” ở đây còn là một ẩn số, không chắc chắn là Gioan, theo các nhà Thánh Mẫu Học thì có thể là một biểu trưng (symbol): người được Chúa Giêsu yêu là nghe và tuân giữ Lời (x. Ga 14, 21)[90]. Mặt khác, nếu trên thập giá, Đức Giêsu chỉ coi Gioan là một cá nhân, thì Đức Giêsu không phải lo, vì Gioan vẫn còn đầy đủ cha mẹ là ông bà Dê-bê-đê. Chính vì vậy, có thể hiểu hình ảnh “người môn đệ được Chúa yêu” là đại diện cho loài người nhận Đức Maria làm mẹ. Thứ hai, trong thứ tự của lời trối, rõ ràng mang ý nghĩa Đức Giêsu chính thức đặt Đức Maria làm mẹ nhân loại hơn là một sự nhờ cậy “người môn đệ thương mến” nhận chăm sóc Đức Maria. Đức Giêsu nói với Đức Maria trước rồi nói với môn đệ sau. Theo lẽ thường nếu muốn gởi gắm Đức Maria cho “môn đệ thương mến” thì Đức Giêsu phải nói với “môn đệ thương mến” trước xem môn đệ có đồng ý không. Như vậy, nghĩa là Đức Giêsu trao cho Đức Maria một sứ mệnh là làm mẹ “môn đệ thương mến” đại diện cho các tín hữu, nghĩa là Đức Maria sẽ là Mẹ của chúng ta, và bản văn Ga 19, 26 là bản văn nền tảng cho tín điều ấy[91].
“Vai trò làm mẹ thật mới mẻ này” của Đức Maria, được thiết lập trong đức tin, là hoa trái của tình yêu “mới mẻ”, một tình yêu thấm sâu vào Mẹ dưới chân thập giá, qua việc Mẹ chia sẻ vào tình yêu cứu độ của Đức Kitô[92]. Chúng ta cùng tìm hiểu hai đặc trưng truyền giáo chủ yếu trong bản văn này: Giờ hiến tế và hiệp thông cứu độ.
a, Giờ hiến tế: đặc trưng của sự hy sinh.
Phần nghiên cứu này chỉ tập chú đến bản văn được trích dẫn từ Tin Mừng Gioan 19, 25 – 27. Đức Maria trong Tin Mừng thứ tư này nhắc đến chỉ vỏn vẹn có hai lần trong hai hoàn cảnh: tiệc cưới Cana và dưới chân thập gia -Cana và Calvê được nối kết bằng “giờ” hiến tế, giờ tử nạn và là giờ được “tôn vinh”. Việc Đức Giêsu ngỏ lời với Đức Maria dưới chân thập giá, đặt trong một hoàn cảnh hết sức rất long trọng được lồng trong cái chết của Đức Giêsu vào giờ Người được tôn vinh[93]. Chắc chắn sẽ mang một ý nghĩa rất quan trọng đối với tác giả Tin Mừng thứ tư này. Đức Maria hiện diện trong giây phút khai mạc cuộc đời rao giảng và tỏ lộ vinh quang của Đức Giêsu và Mẹ cũng hiện diện trong giây phút Đức Giêsu đưa cuộc đời trần thế đến đỉnh cao của tế hiến mạng sống mình, dâng lên Thiên Chúa vì loài người. Bản văn Ga 19, 26 và Ga 2, 1- 12 như có một sự đối xứng nhau, dường như Đức Giêsu hẹn Đức Maria trong tiệc cưới Cana là “một giờ nào đó hãy đóng vai trò làm mẹ mà xin”. Hôm nay, giờ Đức Giêsu đã đến, đó là “giờ” Người được tôn vinh vì Người đã vâng ý Cha mà chịu hiến tế hy sinh. Đức Maria được liên kết với giờ hiến tế này và trái tim Mẹ cũng chịu hiến tế như lời tiên báo của Simêon là “Một lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn Mẹ” (x. Lc 2, 35). Điều này cũng cho thấy Đức Maria là “thiếu nữ Sion” nên cuộc đời của Mẹ sẽ mang dấu ấn của số phận dân Người. Vì là Mẹ Đấng Messia, Đức Maria nằm trong cuộc chiến, chia sẻ mọi đau khổ với con mình. “Lưỡi gươm sẽ đâm thấu tâm hồn bà” gợi lên lưỡi gươm trong sách ngôn sứ Ezechiel 14, 17, cắt đứt Israel, chỉ còn để lại một “số sót”. Lưỡi gươm nói lên sự đau khổ nội tâm của người mẹ, đau khổ ở đây là đau khổ của người mẹ nhìn người ta ruồng bỏ con mình. Lưỡi gươm trong Ezechiel vừa cắt đứt Israel vừa sinh ra số sót; ngay dưới chân thập giá, Đức Maria là “Mater dolorosa” đau xót vì sự phủ nhận của nhân loại đối với Đức Giêsu, nhìn Con chết tức tưởi, sự cắt đứt này cũng làm cho Mẹ buốt xót, sinh ra “số sót” cho nhân loại, đó là những kẻ tin vào Đức Kitô. Lưỡi gươm đâm thấu lòng Mẹ để Mẹ luôn chia sẻ khổ đau với Con, vừa đứng về phía những kẻ tin vào Đức Giêsu, ôm lấy tất cả vì Đức Giêsu đã gửi gắm tất cả cho Mẹ: “Này là Con của Mẹ”[94]. Giờ phút hiến tế dưới chân thập giá là đỉnh điểm của lời “xin vâng”, và cả cuộc đời xin vâng của Đức Maria hướng về giờ phút hy sinh này. Cùng với Chúa Giêsu, Đức Maria đã chịu sát tế tâm hồn và làm cho lời “xin vâng” viên mãn khi Đức Giêsu kêu lên: “mọi sự đã hoàn tất”.
b, Đặc trưng hiện diện và hiệp thông cứu chuộc.
Sự “đồng công” của Đức Maria vào việc cứu chuộc chưa được Hội Thánh định tín và còn là vấn đề đang được tranh luận giữa một số nhà thần học – ít là nói cách chung – thì không phải về phương diện có cộng tác hay không, nhưng về tầm mức tới đâu trong việc cộng tác.
Có thể tạm xác nhận những điểm sau đây: tâm tư chung của Hội Thánh cho rằng Đức Maria có phần trong việc cứu độ nhân loại, bên cạnh Chúa Cứu thế; – cái phần này không thu hẹp lại trong sự kiện thể lý là Đức Maria đã cho Con Thiên Chúa có bản tính nhân loại để nhờ đó mà cứu chuộc nhân loại, nhưng cái phần đó còn bao hàm một sự phối hợp ý chí, đau khổ và sự hiến thân của Chúa Giêsu và Đức Maria tới mức nào đó; – đến nỗi có thể nói rằng: nhân loại được cứu độ trước hết và chính là bởi Đức Kitô và thứ đến là nhờ sự cộng tác của Đức Maria trong sự tuỳ thuộc vào công việc của Đức Kitô[95].
Để tránh những so sánh thái quá, có thể thay từ “đồng công cứu chuộc” bằng từ “hiệp thông cứu chuộc”. Đức Maria rõ ràng đã đóng vai trò trổi vượt trên bất cứ phàm nhân nào trong sự hiệp thông với Đức Giêsu cứu chuộc. “Hiệp thông cứu chuộc” không phải “tự thân cứu chuộc” mà là cộng tác hoặc tháp nhập vào sự cứu chuộc đó. Chỉ có một mình Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc duy nhất, nhưng khi sinh hạ Hội Thánh trên thập giá, Đức Giêsu không chỉ có một mình, mà Người còn có Đức Maria đứng dưới chân thập giá, để cùng chia sẻ sự đau khổ và giúp Người chấp nhận hiến dâng. Và sau hết là “hiệp thông cứu chuộc” vì Đức Maria đã tham gia vào công trình sinh hạ Hội Thánh.
Thánh Alberto Cả viết: “Đức Maria đã tham dự vào cuộc khổ nạn để cứu nhân loại. Khi mà những Tông Đồ và môn đệ bỏ trốn, thì Người ở lại đứng dưới chân thập giá và chịu trong lòng những vết thương Chúa Giêsu phải chịu ngoài thân; chẳng phải lúc đó lưỡi gươm đã đâm thấu qua tâm hồn Mẹ sao?”[96]
Chính sự liên kết những đau khổ và ý chí Mẹ với những đau khổ và ý chí của Đức Giêsu, và cũng chính nhờ sự từ bỏ những quyền lợi của một người mẹ mà Đức Maria đã cùng với Đức Giêsu cứu chuộc nhân loại: Sự liên kết những đau khổ của Đức Maria với những đau khổ của Đức Giêsu đã làm cho người nên Mẹ đau thương cũng như Đức Giêsu đau khổ. Có thể nói, Đức Giêsu phải chịu những đau khổ nào trrong thân xác và linh hồn thì Đức Maria cũng phải chịu những đau đớn ấy trong lòng Người. Và cũng như Đức Giêsu đã muốn gánh chịu những đau khổ thể xác và tinh thần tới tột độ khả năng chịu đựng của Ngài, thì cũng như Ngài, Mẹ Ngài cũng phải chịu trong lòng tất cả những đau khổ mà trái tim vô nhiễm Người có thể chịu được. Mặt khác, ý chí của Đức Maria vốn kết hiệp với ý chí của Con, tức là ý chí của người luôn kết hiệp với ý chí Thiên Chúa. Đức Giêsu nhập thể là để hồi phục vinh quang Thiên Chúa và cứu chuộc thế gian bằng cuộc khổ nạn – chết – phục sinh của Ngài. Và Đức Maria cũng muốn cho vinh quang Thiên Chúa và phần rỗi của nhân loại nhờ cùng cuộc khổ nạn và cái chết của Đức Giêsu. Đó là một sự tuân phục tuyệt đối… Ngoài ra, khi dâng hiến người Con thì cũng đồng nghĩa với việc “từ bỏ” quyền lợi của một người mẹ của Người, vì con là lẽ sống của mẹ, lấy mạng sống của con thì chẳng khác nào huỷ lẽ sống của mẹ. Đó là sự dâng hiến cao cả trong việc hiệp thông cứu độ[97].
– bóng đêm bao trùm vạn vật:
Sau cùng, trên thập giá, lúc Đức Giêsu tưởng chừng như đã bị bỏ rơi hoàn toàn, thậm chí Chúa Cha dường như vắng bóng, thì còn đó Mẹ Ngài đứng dưới chân thập giá như là một động lực cuối cùng nâng đỡ Ngài – Thiên Chúa Cha giờ này đang ở trong sự hiện diện của Đức Maria và Thánh Thần vẫn phủ bóng trên Đức Maria để trợ lực Ngài trong giờ hiến tế… Đó là lời kết cho phần tìm hiểu về biến cố trên đồi Calvê, làm nổi bật lên hình ảnh cao cả nhất của một Đức Maria truyền giáo. Thật vậy, khi Chúa Giêsu tắt thở và bóng đêm bao trùm vạn vật (x. Lc 23, 44-46) thì Đức Maria vẫn hiện diện dưới chân thập giá, những khi thế giới tưởng chừng như vắng bóng Thiên Chúa, thì vẫn còn đó những môn đệ của Ngài hiện diện làm chứng Thiên Chúa vẫn sống trong họ, sống trong những hoạt động đức ái và tinh thần dâng hiến của họ. Đó là hình ảnh đẹp cho những chứng nhân truyền giáo, vì nhân loại ngày hôm nay đang bước đi trong bóng tối và sống như Thiên Chúa đã chết, thì cùng với Đức Maria, các nhà truyền giáo phải là ánh sáng muôn dân cho thấy Thiên Chúa hằng sống.
8. Từ núi Oliu trở về.
Sách Tông Đồ Công Vụ ghi: “Bấy giờ các Tông Đồ từ núi Oliu trở về Giêrusalem. Về tới nơi, các ông lên lầu trên. Tất cả các ông… siêng năng cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Maria, thân mẫu Đức Giêsu”(Cv 1, 14). Đó là một chứng cớ chắc chắn rằng, Đức Maria hiện diện trong cộng đoàn đầu tiên, bắt đầu là Nhóm Mười Hai, cầu nguyện và chờ đợi lời Chúa Giêsu đã hứa là sẽ ban Chúa Thánh Thần đến để hướng dẫn cho công cuộc truyền giáo. Từ đó ta có thể tìm hiểu hình ảnh Đức Maria trong ý nghĩa truyền giáo ở đây là: đặc trưng hiệp nhất và chờ đợi Chúa Thánh Thần.
a, Đặc trưng hiệp nhất.
Trình thuật Đức Maria ở giữa các Tông Đồ cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần mặc nhiên gợi lên một hình ảnh rất đẹp về sự hiệp nhất, mà trước hết là sự đồng tâm nhất trí nơi cộng đoàn Hội Thánh đầu tiên này (x. Cv 1, 14). Thật vậy, Ngay từ buổi bình minh của Hội thánh, khởi đầu cuộc hành trình thật dài trong đức tin, được khai mở nhờ ngày lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem, Đức Maria hiện diện cùng với tất cả những người tạo thành nền tảng cho “dân Israel mới”. Mẹ hiện diện giữa họ như chứng nhân đặc biệt cho mầu nhiệm Chúa Kitô. Hội Thánh kiên tâm cầu nguyện cùng với Mẹ, đồng thời chiêm ngắm Mẹ trong vinh quang của Ngôi Lời Nhập Thể (LG 65). Mẹ trở nên biểu tượng cho sự hiệp nhất trong một chủ chiên duy nhất là Đức Kitô và đó cũng là tâm nguyện của Đức Kitô khi cầu xin Chúa Cha cho mọi người luôn hiệp nhất nên một.
Với hành trình dài của đức tin, Hội Thánh đã có những lần bị chia rẽ thành các Giáo Hội khác nhau. Điều Hội thánh mong muốn bây giờ là mọi Kitô hữu trong mọi tôn giáo cùng một nguồn gốc ý thức rằng, chỉ có thể tìm lạiđược sự hiệp nhất, khi dựa trên sự hiệp nhất đức tin. Phải vượt qua những khác biệt nghiêm trọng trên bình diện giáo lý về mầu nhiệm và chức vụ của Hội Thánh cũng như về vai trò Đức Maria trong công cuộc cứu độ. Những cuộc đối thoại của Hội Thánh Công Giáo với các Giáo Hội và các cộng đoàn Giáo Hội Đông Phương, đã được bắt đầu ngày càng quy về hai khía cạnhgắn liền với nhau của một mầu nhiệm cứu độ. Nếu mầu nhiệm Ngôi Hai Nhập Thể hé mở cho thấy mầu nhiệm Mẹ Thiên Chúa và nếu việc chiêm ngắm Mẹ Thiên Chúa giúp hiểu sâu hơn mầu nhiệm Nhập Thể, thì điều này cũng đúng khi nói về mầu nhiệm Hội Thánh và về vai trò của Đức Maria trong công trình cứu độ. Khi tìm hiểu sâu các mầu nhiệm này và được mầu nhiệm này soi sáng mầu nhiệm kia, các Kitô hữu ao ước thực thi điều Chúa sẽ nói với họ – như Đức Maria căn dặn họ – để có thể cùng nhau tiến bước trong cuộc lữ hành đức tin, mà Đức Maria luôn là gương mẫu: Mẹ sẽ dẫn họ đến sự hiệp nhất mà Chúa duy nhất của họước muốn và tất cả những người chăm chỉ lắng nghe “điều Thánh thần nói với các Hội Thánh ngày hôm nay” (Kh 2, 7; 11, 17) cũng ước muốn mãnh liệt như vậy[98].
b, Đặc trưng theo sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Chính lúc Hội Thánh khai sinh và tỏ hiện cho thế giới, cho thấy sự liên tục trong vai trò làm Mẹ của Đức Maria: Thiên Chúa không muốn tỏ bày mầu nhiệm cứu rỗi nhân loại cách long trọng trước khi Người đổ tràn Thánh Thần Chúa Kitô đã hứa, nên các Tông Đồ, trước ngày Hiện Xuống “đã đồng tâm nhất trí siêng năng cầu nguyện cùng với Đức Maria, Thâm Mẫu Chúa Giêsu”. Đức Maria cũng tha thiết cầu xin Thiên Chúa ban Thánh Thần là Đấng đã bao trùm Mẹ trong ngày truyền tin.
Vậy, trong kế hoạch ân sủng, được thực hiện dưới tác động của Thánh Thần, có một mối tương quan độc nhất giữa thời điểm Ngôi Lời Nhập Thể và thời điểm Hội Thánh khai sinh. Người nối kết hai thời điểm này là Đức Maria: Đức Maria ở Nazareth và Đức Maria trong Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem. Trong cả hai trường hợp, sự hiện diện âm thầm, nhưng thiết yếu của Mẹ, đã chỉ cho thấy con đường của việc sinh ra nhờ Thánh Thần. Vậy, Đức Maria đã hiện diện trong mầu nhiệm Đức Kitô với tư cách là Mẹ, cũng hiện diện trong mầu nhiệm Hội Thánh, nhờ thánh ý của Chúa Con và nhờ Thánh Thần[99].
Biến cố từ núi Oliu trở về là bắt đầu cho một chuỗi dài ý thức của các Tông Đồ về vai trò của Chúa Thánh Thần trong sứ vụ truyền giáo, mà hình ảnh đầu tiên về Đức Maria ở giữa các Tông Đồ trong Nhà Tiệc Ly như là một mẫu gương và nhắc nhủ sự cần thiết của ơn Chúa Thánh Thần, đồng thời là một lời mời gọi tất cả những ai lo việc truyền giáo cần biết cầu xin ơn soi sáng của Thánh Thần hướng dẫn, sức mạnh Thánh Thần nâng đỡ và quyền năng Thánh Thần tác sinh.
9. Người nữ khải huyền.
Hình ảnh người nữ mặc áo mặt trời trong sách Khải Huyền chương 12 có nhiều cách hiểu. Nếu nói sách Khải Huyền là cuốn sách khó hiểu nhất và khó giải thích nhất, thì chương 12 của sách này là một thập giá của những nhà chú giải Kinh Thánh. Hình ảnh người nữ trong chương 12 lúc thì được hiểu là Hội Thánh, khi thì được hiểu là Đức Maria, hoặc đôi khi cùng hiểu người nữ đó vừa là Đức Maria vừa là Hội Thánh. Từ thời các giáo phụ đến thời Trung Cổ, người nữ mặc áo mặt trời được trình bày theo nhãn quan Giáo Hội Học (ecclesiologique) nhiều hơn; giữa thời Trung Cổ, các học giả đan tu, nhất là trong truyền thống phụng vụ (đến nay vẫn giữ trong lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời) và trong nghệ thuật, lại nhìn theo Thánh Mẫu Học (mariologique); còn ngày nay vẫn tồn tại hai lập trường song song và mỗi nhà thần học đều có cái lý riêng của họ: các nhà thần học Đức như K. Rhaner và các cộng sự viên của ông coi hình ảnh người nữ mặc áo mặt trời là Israel và Hội Thánh[100], nhưng các nhà thần học Pháp như Réne Laurentin… lại xem đó là hình ảnh Đức Maria.
Những tìm hiểu sau đây không có tham vọng đưa ra một lập trường nào mới, hoặc ủng hộ theo một giải thích thiên về Thánh Mẫu Học hay Giáo Hội Học, nhưng chỉ là những suy tư về khía cạnh truyền giáo nơi Đức Maria được tìm thấy trong hình ảnh người nữ mà tác giả sách Khải Huyền mô tả trong chương 12 mà thôi.
Khải huyền chương 12, 5 viết: “Bà sinh hạ một người con trai, người con này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân… và sau đó được đưa về ngai Thiên Chúa trên trời” như trong Thánh Vịnh 2, 9 đã tiên báo về Đấng Messia, nếu Đức Giêsu là Đấng Messia ấy, thì trước khi ám chỉ cái gì khác, người phụ nữ sinh hạ ấy phải là Đức Maria và rõ ràng các Tin Mừng cũng đã khẳng định điều đó. Theo đó cũng có thể nói rằng, tác giả sách Khải Huyền đã dựa vào hình ảnh Đức Maria tại thế mà mô tả Đức Maria trong ngày khải thắng. Cũng dựa vào Tin Mừng, chúng ta gặp thấy một số hình ảnh song song:
Tin Mừng | Khải Huyền |
– Đức Maria là Mẹ Chúa Giêsu
(x. Ga 2, 1; 19, 25). |
– Mẹ Đấng Messia
(x. Kh 12, 2-5) |
– Đức Maria là Mẹ các tín hữu
(x. Ga 19, 27). |
– Mẹ các môn đệ của Đấng Messia
(x. Kh 12, 17). |
– Đức Maria được gọi là “Đàn Bà”
(x. Ga 2, 4; 19, 26). |
– Người mẹ ấy cũng được gọi là “đàn bà”
(x. Kh 12, 4.6…) theo nghĩa St 3, 15 – Eva – mẹ chúng sinh |
– Đức Maria như hòm bia Thiên Chúa
(x. Lc 1, 35.39.43.56…) |
– Người đàn bà ấy cũng được ví như “hòm bia Thiên Chúa” (x, Kh 11, 19 so với 12, 1). |
Ngoài ra, hình ảnh người nữ mặc áo mặt trời đội trên đầu triều thiên 12 ngôi sao, vừa tượng trưng cho dân Israel với 12 chi tộc, nhưng cũng tượng trưng cho “Israel mới” trước hết là 12 Tông Đồ. Điều này cũng cho thấy hình ảnh tông đồ của Đức Maria, hay nói đúng hơn đó là đặc trưng truyền giáo. Những hình ảnh biểu tượng về “người nữ mặc áo mặt trời” được Thiên Chúa trang bị bằng những gì là cao cả nhất cho thấy việc Thiên Chúa đặc biệt ưu tuyển sủng ái Đức Maria cũng như với Hội Thánh. Ngoài ra, theo quan niệm phương Đông, mặt trời hay các tinh tú có tính bền vững, còn mặt trăng là dấu chỉ thay đổi (từ hình lưỡi trai, lưỡi liềm, đến tròn trịa… theo từng ngày trong tháng), điều này cho thấy, Đức Maria cũng như Hội Thánh được bao bọc bảo vệ bằng sự bền vững (mặt trời và ngôi sao), nhưng đạp trên mặt trăng nghĩa là vượt lên trên mọi sự thay đổi. Dù thử thách hiểm nguy bởi những mưu kế của Con Mãng Xà (quyền lực sự dữ thế gian…), đặc biệt như dòng nước hung dữ (Kh 12, 15-16), nhưng không bị cuốn trôi vì có Thiên Chúa ban cho những phương thế và ân sủng gìn giữ (đôi cánh phương hoàng… Kh 12, 14) cùng với sự cộng tác chiến đấu từ chính mình… Đó là tất cả ý nghĩa của đặc trưng chiến đấu và chiến thắng.
a, Đặc trưng chiến đấu.
“Con Mãng Xà nổi giận với người Phụ Nữ và đi giao chiến với những người còn lại trong dòng dõi Bà, là những người tuân theo các điều răn của Thiên Chúa và giữ lời chứng của Đức Giêsu” (Kh 12, 17).
Hình ảnh con mãng xà căm giận người phụ nữ và giao chiến với dòng dõi bà cho thấy một cuộc chiến đấu trường kỳ giữa hai thế lực thiện và ác. Hình ảnh người phụ nữ vừa được hiểu là Đức Maria sinh ra Đấng Cứu Độ chiến thắng Satan, đồng thời cũng là hình ảnh của Hội Thánh đang phải trường kỳ chiến đấu với thế lực sự dữ. Các Kitô hữu (dòng dõi Bà) là con cái của Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo và là con cái của Hội Thánh đang luôn phải can đảm chống lại quyền lực của Satan. Thật vậy, Satan tấn công Hội Thánh vì đó là Nhiệm Thể của Đức Kitô (mà Đức Kitô đã chiến thắng nó). Mỗi Kitô hữu một khi đã được chia sẻ với Đức Kitô cũng sẽ chia sẻ số phận của Người, tức là phải chịu sự tấn công của Satan. Cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác cứ tiếp tục; cái ác đè nặng trên các tôi tớ Đức Giêsu, máu chứng nhân cứ tuôn đổ, người “Phụ Nữ” đau đớn và quằn quại, mọi tín hữu kiên nhẫn vì Thiên Chúa đã và sẽ chiến thắng bởi Thiên Chúa mới có trọn chủ quyền và nói tiếng nói cuối cùng.
Thông điệp chính của sách Khải Huyền, đặc biệt nơi chương 12 này là ai kiên vững chiến đấu đến cùng sẽ được cứu và được thông phần chiến thắng. Đặc trưng chiến đấu là một thực tế trong cuộc lữ hành đức tin, các tín hữu, đặc biệt các chứng nhân rao giảng Tin Mừng phải đương đầu. Noi gương Đức Maria, các thừa sai phải chiến đấu hy sinh chống lại vương quốc Satan hầu làm cho Nước Thiên Chúa hiển trị… Và sự kiên cường chiến đấu đến cùng sẽ đạt đến chiến thắng cùng với “Chiên Con” là Đức Kitô.
b, Đặc trưng chiến thắng.
Nếu “người nữ đạp đầu con rắn” là hình ảnh của ơn cứu độ vào lúc khởi nguyên, thì cũng có thể nói hình ảnh “người nữ mặc áo mặt trời” là dấu hiệu chiến thắng trong thời cuối cùng.
“Một điềm lớn xuất hiện trên trời: một người Phụ Nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Câu Kinh Thánh này đã trở nên quen thuộc, nhất là từ khi Phụng Vụ Hội Thánh dùng làm bài Ca Nhập Lễ lễ Đức Maria Hồn Xác Lên Trời (1950). Có thể nói, sách Khải Huyền là bản trường ca của Hội Thánh trên trần gian. Hay nói đúng hơn, đó là một bài hùng ca mô tả cuộc chiến đấu gian lao của Hội Thánh để luôn trung thành với Chúa Kitô. Tuy nhiên, đặc điểm của sách Khải Huyền là hướng về sự vinh thắng cuối cùng của Hội Thánh, sau khi trải qua nhiều nỗi gian truân thử thách và bách hại. Giờ chiến thắng được tiên báo bằng dấu chỉ “người phụ nữ”[101].
Với lối nhìn Thánh Mẫu Học, Người Phụ Nữ đối lập với Con Mãng Xà được đồng hoá với Đức Maria trong cuộc chiến chống lại con “Rắn” (Kh 12, 19) vốn là biểu tượng của Satan. Điều này cho thấy một sự tương ứng khi so sánh với những hình ảnh trong sách Sáng Thế: chương trình của Thiên Chúa đã đặt Đức Maria trong một sự tham dự vào ơn cứu chuộc từ khởi nguyên đến tận cùng trong Đức Giêsu Kitô.
Trong cuộc lữ hành đức tin, mọi kitô hữu đều hướng đến sự chiến thắng cuối cùng cùng với Đức Kitô và đó là động lực cho sự chiến đấu chống lại quyền lực của Satan (mà Satan đó được nguỵ trang dưới nhiều hình thức). Hình ảnh Người Phụ Nữ khoác trên mình áo mặt trời cũng là hình ảnh của các chứng nhân Tin Mừng luôn mang trên mình chiến thắng của Chúa Kitô và hướng về chiến thắng cuối cùng của triều đại Thiên Chúa.
c, Chiều kích vũ trụ (Đặc trưng tôn trọng phẩm giá phụ nữ).
Khi đem thêm chiều kích vũ trụ vào đây chỉ nhằm làm nổi bật lên hình ảnh đức maria như là biểu tượng của một sự tôn trọng phẩm giá người phụ nữ, giữa một thế giới mà phẩm giá người phụ nữ đang bị xúc phạm do chế độ nam quyền cũng như dùng phụ nữ như là công cụ thoả mãn xác thịt, đồng thời ngay cả không ít những phụ nữ cũng đã tự đánh mất chính mình theo trào lưu văn hóa hưởng thụ.
Khi tín điều hồn xác lên trời được công bố vào năm 1950, nhiều người lo ngại nó có thể là một ngăn trở lớn cho sự hiệp nhất Kitô giáo. Nghịch lý thay, chính nhà phân tâm học Tin Lành Carl Jung cũng nói, Giáo Hội cần một biểu tượng nữ tính. Ông nhận thấy rằng một ý thức mới về phẩm giá của phụ nữ phải nhìn nhận cách có ý thức; và phẩm giá đó phải được nhận lấy một tuyên bố biểu tượng. Ông quan tâm đến sự kiện rằng qua việc tôn vinh nữ giới (thường bị cho là biểu tượng của sự dữ) đến mức độ của thần tính, Giáo Hội đã và đang thực hiện một tuyên xưng biểu tượng mạnh mẽ. Thấy Đức Maria đội vương miện và được tôn vinh trên thiên đàng, nghĩa là thấy được nữ giới trong một ánh sáng mới.
Ngay lúc “khởi nguyên”, người phụ nữ – cũng như người đàn ông – đều được Thiên Chúa tạo dựng và được người đặt vào trật tự tình yêu. Nguyên tội không phá huỷ trật tự này. Điều này được “Tiền Tin Mừng St 3, 15” minh chứng cho thấy vị trí duy nhất của người phụ nữ trong bản văn then chốt của mặc khải. Ngoài ra khi tuyên bố tín điều Đức Maria hồn xác lên trời, một cách nào đó, đặc biệt qua phụng vụ, cảm hứng về “người nữ” trở thành “nguyên mẫu” của Thánh Kinh được nhìn thấy trong chiều kích cánh chung của vũ trụ và con người trong sách Khải huyền. Nơi đó, bà là “một người phụ nữ mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12, 1). Có thể nói, hình ảnh này về người phụ nữ trong chiều kích vũ trụ và trong chiều kích toàn thể công trình sáng tạo[102].
Hình ảnh phục sinh thân xác của người nữ cũng đánh tan mọi quan niệm về người nữ là biểu tượng đem sự dữ vào trần gian. Trong thân xác vinh quang của Đức Maria, thọ tạo vật chất bắt đầu tham dự vào thân xác phục sinh của Đức Kitô. Hồn xác Đức Maria lên trời, không chỉ báo trước về thân xác được phục sinh của các Kitô hữu, nhưng còn nói về tình trạng được cứu chuộc của vũ trụ, một vũ trụ đang bị con người huỷ diệt vào thời đại hôm nay:
Tình trạng được cứu chuộc trọn vẹn của thế giới vật chất cũng phải phản chiếu trong Đức Maria như là Nguyên Mẫu của Giáo Hội… tình trạng được cứu chuộc của vũ trụ vật chất vào thời chung cuộc toả chiếu từ thân xác của Mẹ. Hình ảnh Đức Maria hồn xác về trời cũng có ý nói lên rằng, sau Đức Kitô, hình ảnh một nữ giới được cất nhắc lên như là một sự tiến lên trong sự bình đẳng hiểu theo cả nghĩa tinh thần lẫn thể xác.
Đức Maria lên cao và được nâng lên trên hàng thiên thần và chư thánh và cùng ngự trị với Đức Kitô. Từ thời cổ, các Giáo Phụ đã ca tụng Đức Maria là Bà Chủ, là Nữ Vương mọi thọ tạo (Jean Damascène, De fide orth. IV, 14), Nữ Vương loài người (André de Crète, Hom, 2 in Dormit. ss. Deeiparae). Phụng vụ cũng ca ngợi Đức Maria là Nữ Vương thiên đàng. Các Đức Giáo Hoàng trong các thông điệp đã gọi Mẹ là Nữ vương trời đất (Pio IX), Nữ Vương thế giới (Pio XII), đặc biệt gọi Mẹ là Nữ Vương vũ trụ (Leo XIII).
Trong một thế kỷ có những cuộc chiến tranh khủng khiếp, những cuộc huỷ diệt sự sống con người, huỷ diệt nhiều trung tâm văn minh, huỷ diệt môi sinh, và sự đe doạ liên tục của vũ khí hạt nhân, Giáo Hội Công Giáo khẳng định rằng, trong một phụ nữ, Đức Maria, Mẹ của Thiên Chúa, ý nghĩa sau cùng của toàn bộ thực tại đã được nhận diện. Chúng ta cảm thấy bất lực trước nghèo khổ, đói kém, áp bức đưa đến chết chóc cho nhiều người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Tuy nhiên, chúng ta được khuyến khích chống lại những điều đó, để bảo vệ hành tinh của chúng ta. Đây là những dấu chỉ của hi vọng giữa những bất công và đàn áp. Vô nhiễm nguyên tội và hồn xác về trời nói đến sự viên mãn cuối cùng của Nước Thiên Chúa và thách thức chúng ta làm việc để biến đổi hiện tại trong khi chúng ta hướng về thời viên mãn, thời quy tụ “mọi sự trong Ngài, những điều trên trời và dưới đất” (Eph 1,10).
Kết luận.[103]
Vị Tông Đồ vĩ đại, phổ quát duy nhất chính là Chúa Kitô, Đấng tiếp tục hoạt động tông đồ của Ngài cho đến ngày tận thế qua hết mọi chi thể của Nhiệm Thể Ngài. Nhưng Kinh Thánh đã cho con người cảm thấy tình yêu của Chúa Kitô đối với Mẹ Ngài đã thúc đẩy Ngài liên kết Mẹ vào những chứng vụ khác nhau của Ngài như ‘một trợ tá giống như Ngài”. Vì thế mà mọi người nghĩ ngay đến việc Đức Maria cũng được gọi vào sứ mạng tông đồ vĩ đại, phổ quát và duy nhất. Qua những gì vừa trình bày với cái nhìn theo khía cạnh truyền giáo, cho thấy Kinh Thánh gán cho Đức Maria một việc hoạt động nơi các linh hồn dưới hình thức mọi việc tông đồ.
Ngay từ những trang đầu, Kinh Thánh đã chứa đựng một lời tiên tri rõ ràng về sứ mạng này của Đức Trinh Nữ, trong câu chúc dữ Thiên Chúa phán chống lại Satan (x. St 3, 15). Từ lời chúc dữ dành cho con Rắn đã trở thành Tin Mừng đầu tiên được mặc khải, một mối thù truyền kiếp từ Người Đàn Bà và Con Rắn và cũng là mối thù truyền kiếp từ bè lũ Satan và dòng dõi người đàn bà, cũng trong mối thù ấy, Người Đàn Bà tỏ ra sự liên kết với dòng dõi mình – là Chúa Kitô và các con cái khác của Người – là dòng dõi sẽ chiến đấu và chiến thắng con Rắn. Quyển sách cuối cùng của bộ Kinh Thánh có nhắc đến quyển sách đầu và cho thấy Tin Mừng cứu độ đầu tiên được tiên báo đã nên ứng nghiệm. Chương 12 sách Khải Huyền tả lại một lần nữa cuộc chiến giữa Người Đàn Bà cùng với dòng dõi chống lại Con Mãng Xà, Con Mãng Xà trước tiên rất mạnh nhưng đã bị đánh bại – Con Mãng Xà đó chính là Con Rắn xưa (x. Kh 12, 9).
Từ đời đời, Thiên Chúa trong kế hoạch nhiệm mầu của Người đã chuẩn bị cho Đấng Messia xuất hiện hầu rao giảng cho nhân loại biết Nước Thiên Chúa, sứ vụ “Missio” cũng có nghĩa Đức Kitô là vị “Đại Tông Đồ” của Thiên Chúa Cha. Để chuẩn bị cho sự xuất hiện vị Đại Tông Đồ đó, Thiên Chúa đã chuẩn bị một người phụ nữ hoàn hảo làm mẹ của Con Ngài. Cựu Ước ghi nhận những hình ảnh, biểu tượng và các lời tiên báo về người mẹ đó cùng với những đặc trưng mà các hình ảnh, biểu tượng và các lời tiên báo thể hiện, làm toát nên bức chân dung tuyệt đẹp mang tính tông đồ truyền giáo sẽ được thành toàn nơi Đức Maria trong Tân Ước.
Điều mà Cựu Ước đã cho mọi người cảm thấy trước dưới hình ảnh quan niệm của Phương Đông thì Tân Ước đã chứng minh là đang thực hiện. Tân Ước Đã cho thấy rằng Đức Maria tự do và ý thức thực hiện một hành vi tông đồ (truyền giáo) có mức độ vô biên thế nào, một hành vi từ đó phát sinh mọi việc tông đồ trong tương lai, và hành vi từ ấy đã trao tặng cho con người Vị Tông Đồ chính yếu là Đức Giêsu Kitô. Hành vi ấy cũng cho thấy được hành động của Đức Maria nơi những vị làm đầu, những vị truyền giáo, những ai tham dự vào chức tông đồ của Chúa Giêsu sau này: Chính nhờ có việc thăm viếng của Đức Maria mà một vị tiên tri lớn được Chúa Thánh Thần thánh hoá, vị tiên tri đó đã đi trước Chúa Cứu Thế và dọn đường cho Ngài; chính nhờ Đức Maria mà các mục đồng Bêlem trở thành những “tông đồ” đầu tiên giữa dân Do Thái và những đạo sĩ làm “tông đồ” giữa dân ngoại; chính khi nhận lấy Hài Nhi Giêsu từ tay Mẹ Maria mà các tiên tri của đền thánh là Simeon và Anna tuyên bố trước những linh hồn đạo đức ở Giêrusalem việc xuất hiện của Đức Kitô mà người ta hằng mong đợi; chính phép lạ mà Đức Maria đã xin được ở Cana đã làm kiên vững đức tin của các Tông Đồ đầu tiên; chính Đức Giêsu trong cơn hấp hối đã trối vị đại diện Nhóm Mười Hai (có mặt lúc đó) và các tông đồ mọi thời sau cho Đức Maria; chính khi từ núi Oliu trở về và sau khi đã tĩnh tâm cầu nguyện cùng Đức Maria mà Nhóm Mười Hai đã nhận được Chúa Thánh Thần, Đấng hiện xuống hoàn tất việc đào tạo Tông Đồ và sai các ngài đi rao giảng…
Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi, trong Giáo Trình Truyền Giáo Học soạn cho các sinh viên Học Viện Thần Học Xitô Thánh Gia đã tóm tắt về hình ảnh truyền giáo nơi Đức Maria như sau:
Nói đến truyền giáo mà bỏ qua sứ vụ của Đức Maria thì quả thực là một thiếu sót. Mẹ Maria là người Kitô hữu đầu tiên và là môn đệ tiên khởi của Chúa Giêsu và nói không quá lời Mẹ Maria là nhà truyền giáo đầu tiên của Giáo Hội. Mẹ Maria là người trao ban Chúa Kitô cho thế giới, cho con người. Như thế, Mẹ Maria là mẫu mực của Hội Thánh truyền giáo và là mẫu mực của mọi người truyền giáo (tr. 42).
Thật vậy, tuy những tìm hiểu về Thánh Kinh trên đây chỉ là một lối nhìn theo khía cạnh truyền giáo, nhưng cũng là một cách tiếp cận để hiểu và sống tinh thần tông đồ của Đức Maria. Tất cả được tóm gọn trong việc đón nhận, thực hành và trao ban Lời của Thiên Chúa, noi gương người Tông Đồ tuyệt vời là Đức Maria, Đấng hoàn toàn gắn bó với ý muốn Thiên Chúa (x. Lc 1, 38), Đấng đã đón nhận lời mời và đã đem ra thực hành; vì hành động của Mẹ đều do tình yêu và tinh thần phục vụ tác động; Mẹ là Tông Đồ đầu tiên và tuyệt vời nhất của Đức Kitô. Tất cả những điều này có giá trị mẫu gương phổ quát và vĩnh viễn.[104]
Đôi dòng cảm nhận:
Khi nhìn thấy sự nỗ lực không ngừng của các chứng nhân truyền giáo trong những thập kỷ gần đây tại Việt Nam, đặc biệt nơi những giáo phận còn rất nhiều người ngoài Kitô Giáo, nhưng thống kê cho thấy so với số dân tại Việt Nam, so với mức độ tăng trưởng dân số, đặc biệt tính trung bình cả nước giữa con số những người trực tiếp tham gia truyền giáo (linh mục, tu sĩ, giáo lý viên) so với những người trở lại đạo (2 người truyền giáo mới có1người trở lại đạo) thì còn rất khiêm tốn. Điều này đặt ra cho bản thân người viết một nỗi trăn trở: phải chăng Giáo Hội Việt Nam hiện nay chưa có những phương thế truyền giáo hiệu quả, phải chăng còn thiếu những thừa sai? Hoặc do trào lưu tục hoá làm cho con người không còn quan tâm đến những giá trị tinh thần và tâm linh…? Thiết nghĩ, một cách nào đó những lý do trên có thể đúng, nhưng theo thiển ý của người viết, một trong những lý do khiến việc truyền giáo chưa đạt hiệu quả một phần là do không ít những vị truyền giáo có thừa nhiệt huyết nhưng lại phần nào thiếu đi những đức tính cần thiết hữu ích cho việc rao giảng Tin Mừng. Hay nói đúng hơn, do chưa tìm cho mình một gương mẫu về truyền giáo để noi theo, đó cũng là lý do người viết xây dựng đề tài: THÁNH KINH NÓI VỀ ĐỨC MARIA MANG TÍNH TRUYỀN GIÁO như là một sự mạo muội chỉ ra một gương mẫu trọn hảo (sau Chúa Kitô) là Đức Maria, với những đức tính trổi vượt của Mẹ mà các thừa sai cần noi theo.
Thật vậy, dù trong thời đại nào, người ta cũng cần những chứng nhân hơn là thầy dạy, cần gương sáng và thực hành hơn là những lời rao giảng trống rỗng, cần sự dấn thân phục vụ hơn là những tranh luận cao siêu… Vì thế, khi viết đề tài này, người viết cố gắng chỉ ra những đặc trưng truyền giáo của mẹ như: khiêm tốn, vâng phục, phó thác, yêu thương, khó nghèo, can đảm, hy sinh, bình an, hiệp nhất, chu toàn lề luật, đứng về phía những người bị áp bức, tôn trọng nhân phẩm… Nhưng điều làm cho người viết ưng ý nhất và cố gắng nhấn mạnh hơn cả chính là sự khiêm tốn (khiêm tốn trong lời nói, khiêm tốn trong phục vụ, khiêm tốn trong trong cả tư cách giản dị khó nghèo). Ước mong những ai mang trên mình sứ vụ truyền giáo luôn tâm niệm rằng: Lời Chúa Giêsu mời gọi, hãy học lấy gương Người không phải là những chuyện gì cao siêu như phép lạ lấp biển dời non hay xua tà trừ bệnh, mà trước hết “hãy học cùng Thầy vì Thầy hiền lành và khiêm nhượng trong lòng”
Cuối cùng như đã bộc bạch ở phần nhập đề, khi chọn viết đề tài này, người viết chỉ tập chú chiêm ngưỡng về một khía cạnh nhỏ trong sự phong phú bao la của Mẹ Thiên Chúa, đó là vẻ đẹp truyền giáo của Mẹ mà thôi. Hay nói đúng hơn, chỉ với mọt góc nhìn và chắc chắn không thể tránh khỏi những khiếm khuyết. Hơn nữa, dù xây dựng hình ảnh Đức Maria như là một bức chân dung truyền giáo, nhưng những lập luận chỉ dừng lại ở những chứng từ Thánh Kinh, chứ chưa đề cập đến kho tàng phong phú của Thánh Truyền, chưa đưa ra các bằng chứng của các giáo phụ, các thần học gia, các Đức Giáo Hoàng và các công đồng, nếu có những trích dẫn thì cũng chỉ để chứng minh cho những chứng từ Thánh Kinh mà thôi. Mong ước của người viết là sẽ tiếp tục khai triển đề tài này trong phần hai với những chứng từ Thánh Truyền nói về Đức Maria mang tính truyền giáo.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
01. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, KINH THÁNH – LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2008.
02. SÁCH GIÁO LÝ HỘI THÁNH CÔNG GIÁO, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2008.
03. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ DEI VERBUM, bản dịch của Lm Nguyễn Văn Trinh, 2007.
- Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, bản dịch của Lm Nguyễn Văn Trinh, 2007.
05. Đức Thánh Cha Pio IX, TÔNG HUẤN INEFFABILS DEUS, ban hành ngày 08/12/1854.
06. Đức Thánh Cha Phaolô VI, TÔNG HUẤN MARIALIS CULTUS, ban hành ngày 02/02/1974.
07. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG HUẤN ROSARIUM VIRGINIS MARIAE, ban hành ngày 16/10/2002.
08. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG HUẤN VITA CONSERRATA, ban hành ngày 25/03/1996.
09. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM, ban hành ngày 15/08/1988.
10. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG HUẤN EVANGELII NUNTIANDI.
11. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, ban hành ngày 25/03/1987.
12. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTOR HOMINIS.
13. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MISSIO.
14. SỨ ĐIỆP CỦA ĐỨC THÁNH CHA BENEDICTO XVI, NHÂN NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN GIÁO, 2006.
12. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, xuất bản năm 1971.
13. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, lưu hành nội bộ.
14. Lm Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, xuất bản năm 2005.
15. Lm Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, NXB Tôn Giáo 2002.
16. Karl Rahner, MARIA KẺ ĐÃ TIN, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2004.
17. E. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, xuất bản năm 1953, chuyển ngữ: Marie dans le Dogme, dịch giả: Lm Bùi Quang Trung.
18. Raoul Plus, ĐỨC MARIA TRONG LỊCH SỬ THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ, nguyên tác: Marie dans notre histoire divine, chuyển ngữ: Giêrônimô Maria.
Một số sách chưa tìm thấy bản Việt ngữ:
19. Notra eatate 4, dans Concile Oecuménique Vatica II, centurion, Paris 1967.
20. Saint Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS
21. Saint Bernard, DE SERM. D. IN COENG.
- S. Bernardus, DE LAUDIBUS MARIAE.
23. S. Bernadus, IN DOMINICA INFRA OCTAVAM ASSUMPTIONIS .
24. Augustino, DE SANCTA VIRGINITATE, III, 3: PL 40,398.
25. Saint Irene, EXPOSITIO DOCTRINAE APOSTOLICAE.
26. Pseudo – Philon, LES ANTIQUITEUS BIBLIQUES, p. 255 – 256 ; 268 – 271.
27. A. Sera, MARIA À CANA. MARIE AU PIES DE LA CROIX, Cerf, Paris, 1983.
28. A. Serra, MARIA SECONDO IL VANGELO.
29. Terence Cooke, MENDITATIONS ON MARY.
30. Jean fournée, LA VIERGE AUX QUINZE SIMBOLES, Téqui, Paris Vie, 1990.
- Franz Mussner, IL POPOLO.
32. David Flusser, IL CRISTIANESIMO. UNA RELIGIONEEBRAICA. EDIZIONI PAOLINE, Cinisello Balsamo Milan, 1992.
33. Jean Fournée, LAVIERGE AUX QUINZE SYBOLES, Téqui, Paris Vie, 1990.
34. Kathleen Coyle, MARY IN THE CHRISTIAN TRADITION: From a Contemporary penspective. England Gracewing House, 1998.
CHÚ THÍCH
[1] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 55.
[2] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 43.
[3] Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 61.
[4] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 39
[5] x. Saint Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS…, p. 56.
[6] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG THƯ MULIERIS DIGNITATEM, số 11.
[7] Isaac tiếng Hípri có nghĩa là “nó đã cười”.
[8] x. Lm. Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 43.
[9] x. Lm. Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 47.
[10] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 699.
[11] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 48.
[12] x. Pseudo – Philon, LES ANTIQUITEUS BIBLIQUES, p. 255 – 256 ; 268 – 271.
[13] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 116.
[14] x. A. Sera, MARIA À CANA. MARIE AU PIES DE LA CROIX, Cerf, Paris, 1983, p. 22-26 ; 62-72.
[15] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 124-125.
[16] x. Saint Bernard, DE SERM. D. IN COENG. s, 4.
[17] x. Terence Cooke, MENDITATIONS ON MARY, p.73.
[18] Xem thêm: Jean fournée, LA VIERGE AUX QUINZE SIMBOLES, Téqui, Paris Vie, 1990.
[19] Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 55.
[20] Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[21] Franz Mussner, Il Popolo, p. 5, 123.
[22] David Flusser, Il Cristianesimo. Una religioneebraica. Edizioni Paoline, Cinisello Balsamo Milan, 1992, p. 26.
[23] Notra eatate 4, dans Concile Oecuménique Vatica II, centurion, Paris 1967, p. 697.
[24] … trong Cựu Ước chỉ có 3 chỗ khởi đầu lời ngôn sứ bằng từ “Kaire”: Xp 3, 14-17; Ge 2, 21-27 và Dcr 2, 14-15.
[25] Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[26] x. Lm Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr. 95.
[27] Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, so 8.
[28] x. Jean Fournée, LAVIERGE AUX QUINZE SYBOLES, Téqui, Paris Vie, 1990.
[29] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 52.
[30] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[31] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Đền Thờ.
[32] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 266.
[33] x. A. Serra, MARIA SECONDO IL VANGELO, p. 35-40.
[34] x. Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 268-269.
[35] Tham khảo Tài liệu Thánh Mẫu Học, MYRIAM – THIẾU NỮ SION, năm 2003, tr. 242.
[36] x. Sancti Bernardi opera . q. VIII.
[37] Phần các bản dịch được tham khảo từ cuốn THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA của Linh mục Tanila Hoàng Đắc Ánh, tr. 54.
[38] Hiện nay vẫn còn thấy trong Sách Bài Đọc (bản cũ) đọc trong Thánh Lễ.
[39] Có học giả cho rằng khi viết bản văn này, tác giả Thánh Kinh sử dụng bút chiến chống lại những dân tộc láng giềng có thói quen thờ thần Rắn.
[40] Lối giải thích này không tương thích, vì trước đó thái tử Ezechias – sau này được ca ngợi là ông vua tốt lành – thì đã sinh ra rồi, hơn nữa Ezechias đã không thể phục hưng đất nước, nên chắc chắn lời sấm ngôn trên phải ứng nghiệm ở một tương lai xa hơn.
[41] x. Lm Tanila Hoàng Đắc Ánh, THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA, tr. 58.
[42] Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 55.
[43] x. Nhóm Các Giờ Kinh Phụng Vụ, LỜI CHÚA CHO MỌI NGƯỜI, phần chú thích, tr. 1551
[44] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Maria.
[45] Xem thêm: MC 17; RM 8-11; Giáo Lý Công Giáo 148; 484; 490; 494; 965; 2617; 2674.
[46] x. Công Đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 56.
[47] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG HUẤN ROSARIUM VIRGINIS MARIAE, số 20.
[48] x. Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 96.
[49] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 8.
[50] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 22
[51] x. Đức Thánh Cha Pio IX, TÔNG HUẤN INEFFABILS DEUS.
[52] Tham khảo THÔNG ĐIỆP REDEMTORIS MATER, số 10.
[53] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 53.
[54] x. S. Bernardus, DE LAUDIBUS MARIAE, Hom 1, 57.
[55] Tham khảo tài liệu THÁNH MẪU HỌC 2005, tr 101.
[56] xem thêm: LG 57; RM 12-14; Giáo Lý Công Giáo 148; 495; 523; 717; 2676-2677.
[57] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 12.
[58] Đọc thêm THÁNH MẪU HỌC của Lm Aug. Nguyễn Văn Trinh, tr. 112
[59] x. Karl Rahner, MARIA KEU ĐÃ TIN, tr 29.
[60] x. Lm Augustino Nguyễn Văn Trinh, Thánh Mẫu Học, tr 102.
[61] x. Augustino, DE SANCTA VIRGINITATE, III, 3: PL 40,398; Sermo 25,7.
[62] Xem thêm THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER số 36.
[63] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ DEI VERBUM, số 5.
[64] x. Saint Irene, EXPOSITIO DOCTRINAE APOSTOLICAE, 33.
[65] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 56.
[66] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 19.
[67] x. E. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, tr. 375-378.
[68] Xem thêm Giáo Lý Công Giáo, số 2619.
[69] Tham khảo Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr. 113- 114
[70] Xem thêm: LG 57; MC 19; Giáo Lý Công Giáo 423; 437; 486; 506; 525-526 và 527-528.
[71] x. S. Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS…, tr. 110- 111.
[72] x. E. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LY, tr 96.
[73] x. S. Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS…, p. 96.
[74] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, TÔNG HUẤN ROSARIUM VIRGINIS MARIAE, số 11.
[75] Xem thêm: Giáo Lý Công Giáo 529 – 534; RM 16.
[76] x. Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 122.
[77] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 16
[78] x. S. Bernadus, IN DOMINICA INFRA OCTAVAM ASSUMPTIONIS, Sermo 14.
[79] x. S. Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS… p. 87.
[80] Xem thêm: LG 58; RM 21-22; Giáo Lý Công Giáo 2618.
[81] Kathleen Coyle, MARY IN THE CHRISTIAN TRADITION: From a Contemporary penspefective.
[82] Xem thêm THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER số 21.
[83] x. Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 139- 140.
[84] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 21.
[85] x. Công đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM, số 60.
[86] Xem thêm A. Serra, MARIE À CANA MARIE AU PIED DE LA CROIX, Cerf, Paris 1983, p. 22-26, 37-53, 62-72.
[87] x. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, tr 206- 207.
[88] Tường thuật của Raoul Plus, S.J. trong cuốn “ĐỨC MARIA TRONG LỊCH SỬ THIÊN CHÚA CỨU ĐỘ”, tr. 157.
[89] Xem thêm LG 58; RM 23-24; Giáo Lý Công Giáo 149; 618.
[90] x. Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr 144.
[91] Tham khảo THẦN HỌC VỀ ĐỨC MARIA của Lm. Hoàng Đắc Ánh, tr 37.
[92] x. Công Đồng Vaticano II, HIẾN CHẾ LUMEN GENTIUM số 54 và ĐTC Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 23- 24.
[93] x. Giáo Hoàng Học Viện Pio X – Đà Lạt, ĐIỂN NGỮ THẦN HỌC THÁNH KINH, mục Giờ, tr.146.
[94] x. Lm. Nguyễn Văn Trinh, THÁNH MẪU HỌC, tr. 124-125
[95] x. E. Neubert, ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ, tr. 142.
[96] Mariale, t. XXXVII, p. 818.
[97] x. Kathleen Coyle, MARY IN THE CHRISTIAN TRADITION: From a Contemporary penspective.
[98] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 30.
[99] x. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, THÔNG ĐIỆP REDEMPTORIS MATER, số 24.
[100] Ob das Weib in Apk M. meint, ist schwer zu sagen. Zunãchst ist wohl Israel und sodam die Kirche selbst unter ihm zu verstehen.
[101] x. S. Bernadus, DE MARIA NUNQUAM SATIS… p. 102.
[102] x. Tông thư Mulieris Dignitatem, số 30.
[103] Tham khảo từ cuốn ĐỨC MARIA TRONG TÍN LÝ của E. Neubert.
[104] x. Đức Thánh Cha Phaolô VI, TÔNG HUẤN MARIALIS CULTUS số 35.
Discussion about this post