Trong các lễ truyền chức Giám mục hay Linh mục, người ta thường chọn thánh vịnh 109 (110) với câu đáp:
“Muôn thuở Con là Thượng Tế
Theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”.
Thế nhưng ít ai để ý đến ý nghĩa Thánh Vịnh áp dụng cho những cuộc lễ này.
Người Do-thái có vị tư tế và cũng là thượng tế được phong đầu tiên là A-ha-ron khi dân còn lữ hành trong sa mạc, ông này thuộc chi tộc Lê-vi. Kế từ đó các con ông A-ha-ron nối tiếp nhau là tư tế cha truyền con nối.
Khi vào đất hứa, Trong 12 chi tộc, thì chi tộc Lê-vi được dành riêng làm tư tế, họ không được chia ruộng đất, nhưng được ăn “bổng lễ” từ tiền thuế của 11 chi tộc kia và đồ cúng của những ai đến dâng của lễ.
Và cũng từ đây, theo cách cha truyền con nối, một đứa trẻ nam vừa lọt lòng mẹ là đã là một tư tế tương lai, nên có thể nói trung bình tỉ lệ tư tế của Do-thái Giáo là 1/12, nghĩa là khoảng 12 người Do-thái thì có 1 tư tế, nên không lạ gì có những tư tế cả năm trời chưa được vào cung thánh dâng lễ một lần, và còn phải bắt thăm và trúng thăm mới có cơ hội, như trường hợp ông Giacaria (bố của Gioan Tiền Hô) là một ví dụ (x. Lc 1,9).
Nói chung, người Do-thái chỉ chấp nhận, tư tế phải là người xuất thân từ dòng tộc Lê-vi, dù trong thời Các Vua hay thời Macabe có ít nhiều sự lộn xộn, nhưng mãi cho đến thời Chúa Giê-su thì tư tế vẫn thuộc dòng tộc Lê-vi.
Trong các tư tế, có người được chọn làm thượng tế, và phần lớn là hàng dọc tính từ A-ha-ron. Ban đầu, thượng tế điều hành cả về giáo quyền lẫn thế quyền, nhưng đến sau thời ông Sa-mu-en, dân Do-thái đòi một vị vua, và từ đó, quyền dân sự dành cho vua, còn thượng tế lo việc tôn giáo, nhưng tầm ảnh hưởng của thượng tế vẫn rất lớn.
Kể từ thời vua Đa-vít cho đến thời Chúa Giê-su, đối với dân Do-thái, vua thì phải thuộc dòng tộc Đa-vít, còn tư tế thì phải thuộc chi tộc Lê-vi.
Khi nói Chúa Giê-su là “Vua” thuộc dòng tộc Đa-vít, các tác giả Tân Ước không khó khăn để tìm ra gia phả, nhưng đến lúc nói Chúa Giê-su là Thượng tế, các tác giả gặp khó khăn để chứng minh. Vì thế, TÁC GIẢ THƯ GỬI CHO CHÍNH NGƯỜI DO THÁI đã ngược dòng lên đến sách Sáng Thế để tìm thấy ban đầu đã có một vị thượng tế tối cao là Men-ki-xê-đê:
“Ông Men-ki-xê-đê, vua thành Sa-lem, mang bánh và rượu ra; ông là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao. Ông chúc phúc cho ông Áp-ram và nói: ‘Xin Thiên Chúa Tối Cao, Đấng dựng nên trời đất, chúc phúc cho Áp-ram! Chúc tụng Thiên Chúa Tối Cao, Đấng đã trao vào tay ông những thù địch của ông!’ Rồi ông Áp-ram biếu ông Men-ki-xê-đê một phần mười tất cả chiến lợi phẩm” (St 14,18-20).
“Quả vậy, ông Men-ki-xê-đê là vua Sa-lem, là tư tế của Thiên Chúa Tối Cao, đã đón gặp và chúc lành cho ông Áp-ra-ham, lúc ông này đang trên đường về sau khi đánh bại các vua. Ông Áp-ra-ham đã chia cho ông Men-ki-xê-đê một phần mười chiến lợi phẩm. Trước hết, ông tên là Men-ki-xê-đê, nghĩa là “vua công chính”; rồi ông lại là vua Sa-lem, nghĩa là “vua bình an”. Ông không có cha, không có mẹ, không có gia phả, cuộc đời không có khởi đầu, cũng không có kết thúc. Như thế là ông giống Con Thiên Chúa: mãi mãi ông vẫn là tư tế” (Dt 7,1-3).
Khi trích dẫn đoạn văn sách Sáng Thế về thượng tế Men-ki-xê-đê, tác giả thư Do-thái đã chứng minh cho mọi người thấy, Chúa Giê-su là Thượng Tế theo phẩm hàm Men-ki-sê-đê, nghĩa là không phải theo kiểu cha truyền con nối theo chi tộc Lê-vi, mà là đến trực tiếp từ Thiên Chúa và được Thiên Chúa tuyển chọn.
Từ đó, những người được tuyển chọn lo việc tế tự trong Giáo Hội Công Giáo, không phải kiểu cha truyền con nối Giám mục bố sinh ra Giám mục con, mà là được Thiên Chúa tuyển chọn qua Giáo Hội.
Vì thế, mà trong các lễ truyền chức vẫn hát:
“Muôn thuở Con là Thượng Tế
Theo phẩm trật Men-ki-xê-đê”
Hiền Lâm
Discussion about this post