THỨ BA TUẦN XIV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,32-38
Người ta đem đến cho Đức Giê-su một người câm bị quỷ ám. Khi quỷ bị trục xuất rồi, thì người câm nói được. Dân chúng kinh ngạc, nói rằng: “Ở Ít-ra-en, chưa hề thấy thế bao giờ! “Nhưng người Pha-ri-sêu lại bảo: “Ông ấy dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.”
Đức Giê-su đi khắp các thành thị, làng mạc, giảng dạy trong các hội đường, rao giảng Tin Mừng Nước Trời và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
II. SUY NIỆM
Mở đầu bài Tin Mừng là câu chuyện Chúa Giê-su trục xuất một tên quỷ ra khỏi người câm. Toàn dân thì ca tụng, nhưng Biệt phái thì độc miệng cho rằng: Chúa dùng quyền tướng quỷ mà trừ quỷ. Khi đã không ưa thì người ta đố cho dưa thối, Biệt phái Pharisêu tìm mọi cách để nói xấu Chúa Giê-su, vì giáo lý của Người đã vạch trần thái độ kiêu ngạo, dối trá và giả hình của họ. Tuy nhiên, đối với Chúa Giê-su, sự chống đối không quan trọng khi Người không phản kháng, mà điều khẩn thiết hơn cả là Tin Mừng phải được loan báo cho muôn dân.
1. Sự ganh tị của người Pharisêu.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập, hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giê-su dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con.
Trong ý thức hệ của người Do-thái, họ vẽ ra trong tư tưởng của mình một lối sống kiểu Pharisiêu giả hình và đòi dân theo, họ quan niệm một thời kỳ cứu độ và một Đấng Mesia giàu sang, chứ không phải hoà đồng chung bàn với người hèn kém. Từ đó họ không nhận ra được Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế. Với ý thức hệ như thế, họ không những bị trói buộc trong tư tưởng thiển cận của họ, không nhận ra được dấu chỉ của thời đại, mà còn bắt người khác phải suy nghĩ và hành động như họ. Chính vì thế mà họ gièm pha những lời Chúa Giê-su nói và những hành động Người làm. Họ tìm cách lèo lái dân thỏa hiệp với họ và xuyên tạc sự thật về Chúa Giê-su, trong khi dân chúng ca tụng công việc của Chúa thì họ lại bóp méo xuyên tạc cho đó là việc của tướng quỷ.
Thật vậy, khi trong mình tư tưởng ghanh ghét và thành kiến, thì dù đối tượng có tốt thế nào đi nữa, dưới con mắt Biệt phái cũng xấu và tìm mọi lý lẽ để chê bai kết án. Cũng thế, khi chúng ta thiếu thiện cảm và cố chấp, thì mọi cái nhìn của chúng ta sẽ dễ bề xuyên tạc, gièm pha và kết án.
2. Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít.
Chúa Giê-su chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do-thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Người như một “mục tử” và “lương y”.
Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít! Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Cầu nguyện là hình thức dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Bởi vì nếu người ta tin vào tầm quan trọng của sứ vụ mà người ấy phải thực hiện, thì mọi việc đều có thể làm được để nó sẽ không chết cùng với chúng ta, mà đúng hơn là nó vẫn tiếp tục với những người khác qua chúng ta và sau chúng ta.
Chúa Giê-su sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.
Sứ mệnh của các môn đệ được Chúa sai đi bằng rao giảng và chữa lành bệnh tật. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, chúng ta có thể nói rằng đây là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Rao giảng và chữa lành, công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
Lạy Chúa Giê-su, khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng con mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Xin cho chúng con khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post