THỨ BA TUẦN XXVI THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,51-56
Khi đã tới ngày Đức Giê-su được rước lên trời, Người nhất quyết đi lên Giê-ru-sa-lem. Người sai mấy sứ giả đi trước. Họ lên đường và vào một làng người Sa-ma-ri để chuẩn bị cho Người đến. Nhưng dân làng không đón tiếp Người, vì Người đang đi về hướng Giê-ru-sa-lem. Thấy thế, hai môn đệ Người là ông Gia-cô-bê và ông Gio-an nói rằng: “Thưa Thầy, Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời xuống thiêu huỷ chúng nó không? ” Nhưng Đức Giê-su quay lại quở mắng các ông. Rồi Thầy trò đi sang làng khác.
II. SUY NIỆM
Một chút ghi nhận về lịch sử, thánh sử Luca giúp chúng ta nhớ lại mối thâm thù truyền kiếp giữa người Samari và người Do-thái. Kể từ thời dân Samari đi lưu đày và dân cư nhiều nơi đến ở tạo thành một dân đa tạp thờ đủ thứ ngẫu tượng, người Do-thái đã tuyệt thông với dân Samari và coi đó là miền đất ô uế và những con người ô uế. Samari lại nằm giữa hai miền Galilê và Giuđê, nên khi người Galilê về Giêrusalem (Giuđê) dự lễ phải đi qua Samari, dân Samari đóng cửa không tiếp và có lẽ họ còn gây khó dễ cho những ai đi ngang qua miền đất của họ.
Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể thầy trò Chúa Giê-su đi từ Galilê về Giêrusalem (để hoàn tất công trình cứu độ), khi đi qua miền đất Samari, các ngài đã không được đón tiếp, nên hai vị tông đồ Giacôbê và Gio-an (mệnh danh là con của sấm sét) đã nổi nóng đòi Thầy hô biến cho lửa từ trời xuống thiêu huỷ dân Samari như lửa đã từng thiêu đốt làng Sôđôm và Gômôra xưa.
Câu chuyện trên để lại cho chúng ta hai điều để suy niệm:
1. Con đường cứu độ không phải là dùng bạo lực.
Nhớ lại trong một khoảng thời gian từ thế kỷ thứ VIII đến X, Hồi Giáo bành trướng một cách nhanh chóng, phần lớn do họ “truyền giáo” bằng bạo lực, họ đánh thắng ở đâu thì dùng khẩu hiệu: “theo đạo Hồi hay là chết”. Người ta bất đắc dĩ phải theo, theo vì bắt buộc và áp lực, không có tự do và cũng đồng nghĩa không có niềm tin và lòng yêu mến.
Khi chưa được thấu hiểu về mầu nhiệm cứu độ, thì Giacôbê và Gio-an cũng như bao nhiêu người Do-thái lúc bấy giờ vẫn mang trong mình tư tưởng có một Đấng Cứu Thế theo kiểu con người, dùng vũ lực để chinh phạt và dùng sức mạnh từ trời để huỷ diệt kẻ ‘vô đạo’. Họ muốn Chúa xô xuống biển Pharao cùng binh tướng chứ không phải vớt lên để giúp hoán cải, muốn xô sập thành Giêricô để tàn sát chứ không phải giúp thay đổi đời sống, muốn xuống khỏi thập giá chứ không phải bị treo lên… Trong khi Chúa Giê-su đang quyết tâm lên Giêrusalem để cứu độ thì họ lại có tư tưởng lên để huỷ diệt và lập vương quốc mới.
Nếu Thiên Chúa cứu độ con người mà dùng tới vũ lực thì hỏi còn ai có thể xứng đáng để được cứu độ? Nếu Thiên Chúa cứu độ mà không vì Yêu Thương thì không cần phải Nhập Thể và Tử Nạn? Thiên Chúa là Tình yêu, Thiên Chúa ban cho con người tự do để lựa chọn và Người tôn trọng tự do đó.
Các môn đệ ngăn cản Chúa Giê-su lên Giêrusalem chịu chết, muốn Chúa Giê-su khiến lửa xuống đốt kẻ ngỗ nghịch, Pharisiêu thách thức Chúa Giê-su xuống khỏi thập giá mới tin… nhưng Chúa Giê-su thực hiện ý Chúa Cha là đến để cứu chứ không phải để diệt. Con đường chết đi để cứu độ mới là con đường của Thiên Chúa.
Thế nhưng, ít nhiều người Công giáo chúng ta ngày hôm nay vẫn còn tư tưởng muốn một Thiên Chúa ra tay đánh phạt kẻ ác chứ không phải nhẫn nại chờ đợi họ hoán cải, muốn Đức Mẹ phạt kẻ phá tượng hơn là nhẫn nhục hi sinh cầu nguyện cho họ. Người ta cảm phục và hoán cải nhờ tinh thần hi sinh và lòng yêu thương của chúng ta, chứ không phải bất đắc gì mà tin chúng ta. Máu các thánh tử đạo làm phát sinh các tín hữu, chứ không phải tài phép của các ngài.
2. Lòng bao dung.
Tại Anbani, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thẳng thắn lặp lại lập trường của Giáo hội là không bao giờ dùng chiến tranh để tạo nên hoà bình, không nhân danh tôn giáo để gây chiến với nhau.
Chúa Giê-su hôm nay phải quở trách hai tông đồ đừng vội nóng giận: những người Samari từ chối không đón tiếp Chúa Giê-su trong dịp này đâu đáng trách hơn những kẻ đóng cửa không tiếp một người Samari vì người này là kẻ đối nghịch.
Với cái nhìn của các Tin Mừng, xem ra mỗi lần Chúa Giê-su gặp mặt người Samari (bờ giếng Giacóp) hay khi Người nói đến người Samari (dụ ngôn người Samari nhân hậu)… là Chúa dạy chúng ta có một cái nhìn mới về những kẻ không cùng một niềm tin như chúng ta. Những người không cùng tôn giáo thường hay gây hấn với nhau, nhiều khi có thái độ rất tàn bạo, đặc biệt nhất là những người tự xưng mình được Thiên Chúa duy nhất mặc khải cho, và người của Cựu Ước xưa đã như vậy rồi.
Chúa Giê-su không ngả theo thứ cuồng tín ấy, thứ cuồng tín được biện minh từ câu truyện của ngôn sứ Êlia dùng lửa từ trời tiêu diệt quân lính vua Akhátgia (x. 2V 1,9-10). Chúa dạy ta đừng lẫn lộn chính nghĩa của Thiên Chúa với chính nghĩa của chúng ta, hay với những lợi ích của tập thể tôn giáo của chúng ta… Chúa muốn mọi người truyền giáo bằng sự tôn trọng tín ngưỡng của nhau chứ không phải bài trừ nhau. Thiên Chúa có những cách thế để cứu độ trong một Ơn Cứu Độ duy nhất bởi Đức Ki-tô, điều quan trọng là chúng ta nỗ lực hết mình trong việc loan báo Tin Mừng tình thương chứ không phải loại trừ. Tân Ước hoàn thành Cựu Ước chứ không loại bỏ Cựu Ước, truyền giáo là giúp hoàn thiện một niềm tin đầy đủ về Thiên Chúa…
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đến trần gian để cứu độ chứ không phải phá huỷ, đến để dẫn tù tội nhân trở về chứ không phải để họ hư đi đời; xin cho chúng con cũng biết nên giống Chúa, là đem ơn cứu độ đến cho lương dân không bằng uy thế quyền lực, nhưng bằng sự nhịn nhục hy sinh, bao dung tôn trọng tự do của mọi người. Amen
Discussion about this post