THỨ BẢY TUẦN XX THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 23,1-12
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các Kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau. Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay là những lời cảnh báo của Chúa Giê-su cho dân biết lối sống tự tôn và giả hình của các nhà thông luật Do-thái:
1. Giả hình và tự tôn
Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực.
Đó cũng là thái độ của không ít người trong chúng ta, tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.
2. Nói mà không làm
Lời nhận xét dành riêng cho người thông luật là: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính họ thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do-thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.
3. Đừng gọi ai dưới đất là Thầy hay là Cha
Có lẽ không ít người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ thắc mắc, tại sao Chúa nói thế mà ngày nay mình vẫn gọi các linh mục là cha và các tu sĩ hay giáo lý viên là thầy. Chúng ta cần hiểu rằng từ “gọi” hay “kêu” trong ngôn ngữ Phương Đông cách riêng người Do-thái hiểu là nhận người đó làm “chủ” đời mình, hay “lý tưởng” cuộc đời mình, hoặc “tôn thờ” như vị chúa của mình, rồi hoàn toàn lệ thuộc và phục tùng họ, giống như các đệ tử Khổng Tử sống hoàn toàn theo giáo thuyết của Nho Đạo. Nói tắt, “gọi” hay “kêu” ở đây là đệ tử sống theo giáo thuyết và học đòi lối sống của họ.
Theo tiếng Do-thái, chữ “Abba” hiểu là “Cha Chí Tôn” (chỉ dành cho Thiên Chúa) và chữ Rabbi nghĩa là “Thầy Sự Thật” (ý Chúa Giê-su là chỉ có Ngài là Sự Thật), nên không được gọi ai dưới đất là “cha” hay “thầy” theo nghĩa “Cha Chí Tôn” và “Thầy Sự Thật”.[1]
Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giê-su chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giê-su Ki-tô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để “tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi.
Mọi người chúng ta được Chúa mời gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội thánh, chúng ta hãy học lấy tinh thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức quyền và danh vọng để được hơn người…
Khi có trách nhiệm lãnh đạo, chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen
Hiền Lâm
[1] HIỂU THẾ NÀO VỀ CÂU KINH THÁNH: “ĐỪNG GỌI AI DƯỚI ĐẤT LÀ CHA, LÀ THẦY!”.
“RABBI” רַב nghĩa là “THẦY LẼ THẬT” & “ABBA” אבא nghĩa là “CHA CHÍ TÔN”
* Giải ảo về một sự nông nổi ít nhiều, khi đọc Kinh Thánh.
/1/ Rất nhiều người quen thuộc với trình thuật Matthew 23:8-9 dẫn lời Chúa Jesus giảng giải với các môn đồ (chuyển ngữ như sau): “Các ngươi đừng gọi ai dưới đất này là “thầy” (…); các ngươi đừng gọi ai dưới đất này là “cha” (…)”. Để rồi, dựa vào đó, có những tín nhân (Christians) chỉ trích những cách gọi là “cha”, là “thầy”… trong sinh hoạt tôn giáo ở nơi này nơi kia.
Phải chi họ hiểu đúng Kinh Thánh, họ ưng bình phẩm, tỏ thái độ thì không nói làm gì. Đàng này, buồn thay, họ “hiểu” lời Chúa Jesus quá nông nổi, và Phúc Âm bị đem đi “đóng khuôn” cứng ngắc.
/2/ Bằng tâm trí lành mạnh, ắt ai cũng đều biết đến cách gọi “cha”, “thầy” để diễn tả thực tại có thật thuộc về tương quan trong gia đình, trong xã hội. Người giảng dạy cho mình gọi là “thầy” (“nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, dù là “nửa chữ” cũng biết ơn mà gọi “thầy”).
Người sinh thành ra mình, gọi “cha” (dĩ nhiên), rồi những người đáng quí trọng, giúp mình nên người, được gọi “cha” để tạ ơn và xưng mình là “con”… Đây thuộc về luân lý, đạo lý cơ bản của con người.
Có người chống chế rằng-thì-là lời Chúa Jesus dạy “đừng gọi ai dưới đất này là “cha”, ngoại trừ gọi thân sinh là “cha” … Mời đọc lại trình thuật Phúc âm nêu trên, hoàn toàn không có “ngoại trừ”, “except” gì hết.
/3/ Cũng bởi vì lối dịch “thầy” (“master”, “teacher”), “cha” (“father”) mà không tìm hiểu cho ngọn ngành nên bị “nhiễu” trong cách hiểu đó đa!
* “Các người đừng gọi ai dưới đất này là Abba…”.
Người Do Thái gọi “ABBA” אבא : danh xưng này nghĩa là “Cha” – xin chú ý – được dùng trong truyền thống phụng vụ của người Do Thái, KHI CẦU NGUYỆN VỚI THIÊN CHÚA (“in traditional Jewish liturgy and Jewish prayers to God”).
Và, vào thời các tông đồ, tín nhân Christian gọi “ABBA” khi NGUYỆN CẦU VỚI THIÊN CHÚA (“in apostolic times, the Christians made use of the term ’Abba’ in their prayers to God”).
Tức “ABBA” mang lấy nghĩa “Cha Chí tôn”, thánh thiêng vô cùng. Ở đây (Matthew 23:8-9), Chúa Jesus phán dạy: không được gọi ai là Cha Chí tôn, ngoài Thiên Chúa trên trời.
* “Các ngươi đừng để ai gọi mình là Rabbi…”
Người Do Thái gọi “RABBI” רַב nghĩa là “thầy” – xin chú ý – chỉ được dùng để gọi những ai giảng dạy lề luật của Thiên Chúa (“a Rabbi was a teacher of God’s law”).
Đấng Jesus là thầy chí thánh, giảng dạy LẼ THẬT duy nhứt (“Ta là đường, là Lẽ thật, và là Sự sống”), chỉ qua Jesus thì mới đến được với Cha Chí tôn (“Abba”).
Trong trình thuật Matthew 23:8-9, “các ngươi chỉ có một Thầy Lẽ thật (Rabbi), là Jesus Christ [Giê-su Ki-tô]”.
*&*
Thiển nghĩ, chỉ cần thêm “một chút” trong dịch thuật không chỉ rõ ràng hơn, mà còn đúng nghĩa nhứt! (khỏi dính mắc vào cái “hiểu” nông nổi):
“Cha” => “Cha Chí tôn” / “Thầy” => “Thầy Lẽ thật”
“Các ngươi đừng gọi ai dưới đất này là “Cha Chí tôn” (Abba)…”
“Các người đừng gọi ai là “Thầy Lẽ thật” (Rabbi)… ”
Trong sự thờ phượng chí thánh chí tôn, như Chúa Jesus dạy, là CHỈ CÓ MỘT. Đây mới là tinh thần cốt yếu của trình thuật Matthew 23, 8-9.
Discussion about this post