THỨ HAI TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10,34-11,1
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được.
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy.
“Ai đón tiếp một ngôn sứ, vì người ấy là ngôn sứ, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ; ai đón tiếp một người công chính, vì người ấy là người công chính, thì sẽ được lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính.
“Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu.”
Ra chỉ thị cho mười hai môn đệ xong, Đức Giê-su rời chỗ đó, đi dạy dỗ và rao giảng trong các thành thị trong miền.
II. SUY NIỆM.
Để theo Chúa, chúng ta sẽ bị giằng co giữa tin hay không tin, chọn Chúa hay chọn thế gian, chọn hy sinh từ bỏ hay thoả hiệp tình cảm, thú vui, danh vọng và quyền lực. Đức Giê-su đòi những ai tin Người phải sẵn sàng vượt lên và thậm chí trên cả tình cảm gia đình ruột thịt để dứt khoát chọn Chúa và bước theo Người
Lời của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay khẳng định sự chọn lựa dứt khoát ấy. Chúa mời gọi vượt qua mọi ràng buộc cá nhân để sống tương quan với Chúa bằng các tương quan đức ái với tha nhân.
1. Sự chọn lựa của người môn đệ theo Chúa.
“Anh em đừng tưởng Thầy đến đem bình an cho trái đất; Thầy đến không phải để đem bình an, nhưng để đem gươm giáo. Quả vậy, Thầy đến để gây chia rẽ giữa con trai với cha, giữa con gái với mẹ, giữa con dâu với mẹ chồng. Kẻ thù của mình chính là người nhà” (Mt 10,34-36).
Nghe có vẻ ngược đời, nhưng sự chia rẽ ở đây nói lên một sự lựa chọn cho người môn đệ. Những ai dám sống và hành động theo con đường Chúa Giê-su, thì thường bị người đời coi là dại dột, là ngu xuẩn, là điên rồ, thậm chí còn bị ghen ghét hoặc bị bách hại đủ kiểu. Vì thế, người đòi môn đệ phải sẵn sàng chia sẻ sự đau khổ mà Chúa Giê-su phải chịu. Vì thực tế sẽ có sự chia rẽ từ trong các gia đình: trong cùng một nhà mà có những người tin Chúa và có kẻ lại không tin. Nhưng ai bền đỗ đến cùng thì sẽ được ơn cứu độ
Sự giằng co chia rẽ xảy ra trong nội tâm từng người, cũng như trong cả tập thể xã hội. Có những người sẽ đứng lên chống báng một sự cứu rỗi mà họ cho là tiêu cực, là hạ đẳng, là ‘thuốc phiện của quần chúng’. Tin Mừng do đó không cho phép tồn tại một sự yên ổn bình thân.
Bình an theo đường lối Đức Giê-su là sự hiệp nhất có được do mọi người thuận theo thánh ý duy nhất của Chúa. Để có được thứ bình an này, con người phải can đảm cùng bước ra khỏi bóng tối sự dữ để đến với anh em, dám dứt khoát nói “không” với cám dỗ, dám lội ngược dòng với khuynh hướng thấp hèn. Đức Giê-su đến như ngọn lửa tạo ra vùng trời ánh sáng đó cho ta.
2. Thứ tự ưu tiên trong việc lựa chọn.
“Ai yêu cha yêu mẹ hơn Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng với Thầy » (Mt 10,37).
Phải chăng Chúa Giê-su đặt ra một điều kiện của Chúa quá khó? Sở dĩ Người đưa ra điều kiện như vậy để nói lên một sự dứt khoát chứ không phải nửa vời. Người không khuyến khích việc vô ơn bất hiếu với cha mẹ, hoặc phải sống vô tâm vô tình với người thân, nhưng là Người muốn nhấn mạnh đến sự ưu tiên chọn Chúa là trên hết và Người đòi hỏi sự so sánh hơn kém khi phải chọn lựa. Nếu phải chọn lựa giữa Đức Giê-su với cha mẹ và người thân, thì những người quyết tâm theo Chúa phải dám chọn Chúa Giê-su là gia nghiệp.
Bỏ cha, bỏ mẹ, vợ con, anh em là bỏ những cái gì ngoài mình, nhưng Chúa còn đòi hỏi hơn nữa là dám bỏ cả mạng sống nếu phải làm chứng cho Chúa.
3. Từ bỏ mình và vác thập giá theo Chúa.
“Ai không vác thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng với Thầy. Ai giữ lấy mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,38-39).
Thời bách hại mà các thánh tử đạo đã thực hiện trọn vẹn theo nghĩa chặt đã qua, nhưng ngày hôm nay, chính mỗi Ki-tô hữu cũng vẫn luôn phải đứng trước một chọn lựa: một bên là chọn Chúa và một bên là chọn những thứ thuộc vật chất.
Điều khó từ bỏ hơn cả là “bỏ mình”, nghĩa là bỏ chính cái tôi ngầm ý hay minh nhiên tham vọng địa vị và lợi lộc cho mình, muốn biến mình làm trung tâm và làm cho sự hướng thiện không còn chỗ đứng trong tâm hồn của mình nữa.
Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa, cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá của anh em, mà Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình, là trách nhiệm trong bậc sống của mình.
Từ bỏ không phải một lần là đủ, mà nó sẽ là một cuộc chiến liên tục trong cuộc đời mỗi người. Chúng ta luôn bị cám dỗ tìm kiếm hơn là từ bỏ, thu tích, giữ chặt những gì chúng ta có, hơn là cho đi, chúng ta còn bị cản trở, níu kéo bởi bao nhiêu thứ tình cảm khiến chúng ta chưa sẵn sàng để theo Chúa.
4. Hoa trái của lòng bác ái
“Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy… Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,40.42).
Chúa Giê-su khẳng định về chiều kích tương quan hàng dọc với Thiên Chúa dựa trên tương quan đức ái với đồng loại. Khi chúng ta làm điều gì cho anh em là chúng ta đang làm cho chính Chúa Giê-su và cũng đồng thời đang làm cho Chúa Cha.
Việc bác ái dù nhỏ nhất nhưng luôn có giá trị cứu độ. Thiên Chúa sẽ trả lẽ cho chúng ta trong nước của Người bằng với những gì chúng ta đã trao tặng cho tha nhân, dù chỉ là một bát nước lã thì Thiên Chúa cũng ghi nhận.
Con người không thể mang được bất cứ một thứ của cải vật chất nào theo mình về thế giới bên kia, bởi tất cả sẽ ở lại sau cái chết. Thế nhưng con người cứ lo vun vén và giữ khư khư nó, giữ lại đến mức dư thừa mà không chia sẻ cho người đói khát bất hạnh, lo thu tích để rồi lúc chết đi phải để lại cho người khác tận hưởng. Họ không ý thức được rằng, chỉ có lòng bác ái và những gì chia sẻ cho tha nhân vì tình yêu thương thì sẽ theo họ về cõi vĩnh hằng.
Vấn đề được Thiên Chúa ân thưởng không hệ tại ở giàu hay nghèo, cũng không hệ tại ở việc cho hàng tỷ đồng hay chỉ là một bát nước lã, nhưng là biết sống tương quan đức ái với tha nhân, giúp đỡ nhau vì lòng mến Chúa và yêu đồng loại. Người cho nhau một ly nước vì Chúa thì có giá trị hơn gấp bội so với người cho cả gia tài chỉ vì được ca tụng đời này.
Lạy Chúa Giê-su, bước đường theo Chúa đòi hỏi chúng con một sự chọn lựa dứt khoát là chỉ chọn Chúa và sống tương quan với Ngài bằng tương quan đức ái với tha nhân. Xin cho chúng con biết từ bỏ sự lôi kéo mời chào hấp dẫn hào nhoáng giả tạo mà xã hội đang bày ra để làm lạc hướng chúng con, để biết sống có kỷ luật đối với bản thân, có trách nhiệm với gia đình và với quê hương giáo xứ chúng con. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post