THỨ NĂM TUẦN XVI THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,10-17
Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ? ” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ I-sai-a, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.
“Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe.
II. SUY NIỆM
Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế. Vì vậy, trong sư phạm, người ta thường dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Chúa Giê-su cũng nhiều lần dùng hình thức sư phạm này để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hôm nay, sau khi đã đưa ra dụ ngôn về “người đi gieo giống”, Chúa Giê-su cũng trả lời cho các môn đệ biết tại sao Người dùng dụ ngôn mà giảng dạy.
Trong bối cảnh của dụ ngôn “người đi gieo giống” mà Chúa Giê-su vừa kể, thì trích đoạn Tin Mừng hôm nay là lời giải thích về hai thái độ sống Lời Chúa hay từ khước Lời Chúa: Nghe và hiểu hay nghe mà không hiểu.
1. Nghe và hiểu
Đây là trường hợp của thửa đất tốt, khi đón nhận hạt giống đã sinh hoa kết trái dồi dào. Đó chính là cái phúc mà Chúa Giê-su nhiều lần lặp lại: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc, vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13,16-17).
Cái phúc được nghe và được thấy trước hết phải kể đến các môn đệ của Chúa Giê-su, các ngài là những “người bé mọn” và đơn sơ đón nhận, tin và đi theo Chúa Giê-su. Các ngài có phúc hơn các ngôn sứ và những người công chính thời Cựu Ước đã không có được vinh dự được nghe và được sống với Đấng chính là Lời Thiên Chúa.
Kế đến, cái phúc này dành cho những ai thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống. Chúng ta ngày hôm nay có vinh dự được đọc, được nghe Lời Chúa hằng ngày trong Thánh Kinh và được hiểu qua lời giảng dạy của các đấng bậc trong Giáo hội mà Chúa chọn để hướng dẫn chúng ta.
Mối phúc “lắng nghe và thực hành Lời Chúa” thật cao cả và quan trọng, thậm chí Chúa Giê-su coi việc những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành trở nên như ngang hàng với Mẹ và anh em Người (x. Mt 12,49-50). Năng suy niệm Lời Chúa cho đến khi cảm nhận như Chúa động đậy trong tâm mình, thì khi đó thực sự Chúa đã ở trong ta và đang lớn lên. Khi có Chúa trong mình, thì mới có thể sống và hành động như Chúa Giê-su và luôn làm đẹp ý Cha trên trời.
Chúa Giê-su còn khẳng định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13,12). Nghĩa là hạt giống Lời Chúa được chăm sóc thì sẽ sinh hoa trái gấp bội, nhưng bị bỏ xó thì hạt giống đó sẽ bị hư đi. Mỗi người đều được Thiên Chúa ban ân sủng, đều có con tim, đều có lương tri hướng thiện, thế nhưng nếu ai đánh mất niềm tin vào Thiên Chúa, hướng lương tâm vào những gì trái nghịch với Thiên Chúa, thì những ân sủng Người ban cho và ngay cái mình đang có là lương tâm thánh thiện thưở ban đầu cũng sẽ bị lấy đi. Nước Trời chỉ dành cho những người đơn sơ, chân thành và yêu mến, nên đã có thì lại được đầy dư; còn kẻ không có nghĩa là không tin như Pharisêu, thì những cái đang có tức lòng tin truyền thống của họ cũng sẽ bị lấy đi, và mọi việc họ làm trở nên vô ích.
2. Nghe mà không hiểu
Đây là ba loại đất: bên vệ đường, nơi khô cằn sỏi đá và trong bụi gai (nghe rồi bỏ qua; nghe và hiểu đôi chút vì không lo suy nghĩ và đào sâu; nghe và hiểu nhưng bận bịu nhiều thứ rồi bỏ bê).
Dân gian thường nói về thái độ của kẻ nghe mà không hiểu là: “nước đổ đầu vịt” chỉ trôi đi mà không đọng lại hay thấm vào. Nghe mà không chú ý và suy gẫm; nghe mà không cảm thấy Chúa nói với mình để mà sám hối sửa sai thì cũng như người có tai mà không nghe. Đó là những người không hề có thiện chí để cho Lời Chúa soi chiếu và hướng dẫn mình. Người có tai, có mắt lành mạnh thì phải thấy và phải nghe được. Có mắt và tai lành mạnh mà không nghe, không thấy thì coi như điếc như mù.
Những người đi theo Chúa Giê-su, đã nghe Người giảng dạy, đã thấy những việc Người làm; thế nhưng họ đã dửng dưng, thành kiến, hoặc lo bận bịu với những toan tính, để rồi như không nghe và bị Chúa Giê-su khiển trách: “Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu”.
Từ nghe và thấy phải dẫn đến tâm hồn hoán cải. Nghe và thấy mà không đi vào tâm hồn thì như người thấy mà như mù, người nghe mà như điếc. Thái độ đón nhận Lời Chúa như thế là coi Lời Chúa như một cái gì đó khó ưa và khó dùng, khiến tâm hồn không thể đón nhận. Bởi “vì lòng họ đã ra chai đá”, nên không còn chỗ cho Thiên Chúa ngự trị.
Không ít người Công giáo chúng ta ngày hôm nay, đôi khi xem việc tham dự thánh lễ Chúa Nhật là một gánh nặng vì sợ tội, để rồi đến nhà thờ lúc đọc Lời Chúa và nghe giảng thì ngủ gật, hoặc đi trễ chờ hết phần Phụng Vụ Lời Chúa rồi mới vào. Lại nữa, nhiều bạn trẻ lại dành nhiều thời giờ cho việc tìm kiếm để xem, để đọc và để nghe những ấn phẩm không tốt cho tâm hồn hơn là tìm xem, đọc và nghe Lời Chúa, dù Lời Chúa ngày hôm nay có đầy đủ trên mọi phương tiện truyền thông và các ấn phẩm. Với thái độ như thế, xin hãy nghe Lời Chúa Giê-su hôm nay đang nói với họ: “Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13,14-15).
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con được vào số những người mà Ngài cho là có phúc, tức là những người thấy, nghe và hiểu được Lời Chúa cũng như nhận ra ý Chúa trong mọi biến cố cuộc sống, để Lời Chúa được lớn lên trong tâm hồn chúng con và đơm bông kết trái là các công phúc việc lành, hầu đem nhiều linh hồn trở về với Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post