…
Ý NGHĨA TRAO BAN
Thánh Thể là Bí Tích Tình Yêu. Một câu định nghĩa rất ngắn, nhưng lại rất đầy đủ, rất súc tích và bao hàm một ý nghĩa thật bao la. Thật thế, từ ngày xửa ngày xưa cho tới bây giờ và còn mãi, không ai định nghĩa được tình yêu một cách đầy đủ. Tình yêu được Thiên Chúa phú ban cho loài người và chỉ có loài người mới có để sống và trao ban mà thôi. Hai chữ “tình yêu” đã đi vào huyền nhiệm. Tình yêu không thể diễn tả được hết bằng ngôn từ, nhưng là sự cảm nhận rất riêng của mỗi người trong sự rung cảm của trái tim mà không bị lệ thuộc của bất cứ ranh giới nào.
Thế rồi, không biết từ khi nào: Bí Tích Thánh Thể được mang danh gọi là Bí Tích Tình Yêu, chỉ biết rằng từ lâu danh gọi này đã xuất hiện trong các Thông Điệp, Tông Thư và trong nhiều bản văn Phụng Vụ. Và có lẽ chỉ có danh gọi này mới làm toát lên được ý nghĩa sâu xa nhất của Huyền Nhiệm Thánh Thể: là trao ban, là tự hiến, là hiệp thông, là tự hủy, là hy sinh… nói tóm: Thánh Thể là Tình Yêu.
Cũng như không ai nói hết được về tình yêu, thì khi nói Thánh Thể là Tình Yêu cũng có nghĩa là không thể suy sao thấu, kể sao hết và nói sao cùng về ý nghĩa của Bí Tích cao cả này. Chính vì vậy mà trong khả năng giới hạn, người viết xin mạo muội đóng góp một vài suy tư nho nhỏ vào sự vô cùng của Huyền Nhiệm Thánh Thể ấy. Đó là Ý NGHĨA CỦA TRAO BAN.
I. Ý NGHĨA TRAO BAN
1. Những kiểu trao ban tiêu cực
Khả năng trao ban và nhận lãnh là đặc tính của con người. Thông thường khả năng lãnh nhận thường lấn át khả năng trao ban, vì khuynh hướng con người thích hưởng thụ, thích thu góp, thích chiếm đoạt. Đó là điều mà Chúa Giêsu từng đề cập đến khi đưa ra dụ ngôn “Con nợ độc ác”, anh ta muốn được nhận sự tha bổng của ông chủ, nhưng lại không chịu cho đối với người bạn của anh dù số tiền chỉ bằng 1% số tiền mà anh được xóa nợ (x. Mt 18, 23-35). Cũng cần biết rằng, khả năng đón nhận của con người cũng đầy so đo tính toán, nghĩa là chỉ nhận những gì có lợi cho mình, chứ mấy ai dám đón nhận những nghịch cảnh. Vì thế, con người tìm đủ mọi cách để thoái thác, chạy trốn hoặc nếu phải đón nhận nghịch cảnh thì phần lớn chỉ là bất đắc dĩ mà thôi.
Còn khả năng trao ban thì sao ?
Tinh thần trao ban cũng đầy dẫy tính tiêu cực, đôi lúc nó được nguỵ trang dưới một tinh thần xả kỷ, nhưng lại ngầm ý đi tìm thỏa mãn cá tính của mình. Trao ban để nhằm phô trương, hoặc ngầm mong những lời khen tặng hay những quà cáp của lòng biết ơn. Việc trao ban còn mang màu sắc tiêu cực hơn khi có ý đồ “thả con tép để bắt con tôm”, chẳng khác gì một kiểu quảng cáo tài trợ để nhằm khuếch trương thương hiệu để tăng doanh thu bán hàng. Thật đáng sợ khi ngày hôm nay, người ta thích chạy theo cái mã bề ngoài mà không biết đến giá trị thực bên trong kém chất lượng hay đã mục ruỗng. Cái cách xét duyệt của không ít các cuộc họp ngày nay là cứ nhìn bề ngoài mà xét, từ đó mọi người cứ chạy theo và cố gắng phát huy cái bề ngoài thật nổi trội để thăng tiến và đương nhiên không ngoại trừ những thủ đoạn xấu xa để “ghi điểm”, họ phát huy chân lý theo số đông hoặc chân lý thuộc về kẻ mạnh. Những cách ghi điểm lại được ngụy trang rất tài tình với lý do xây dựng, nhưng lại nhằm vu cáo, tố cáo nhau để tìm cách hạ người khác xuống để tôn mình lên. Việc trao ban kiểu tiêu cực này còn ảnh hưởng đến cả sự thiêng liêng cao quý nhất là Tình Yêu, cũng bị danh lợi hóa khi lạm dụng nó để thỏa mãn bản năng, thể hiện cá tính hoặc nhằm chiếm đoạt cho mình…. Một điểm tiêu cực nữa trong tình yêu mà Chúa Giêsu từng lưu ý là người ta thường chỉ tìm yêu những kẻ yêu mình, nghĩa là yêu để được yêu. Như thế thì có hơn gì “thả con săn sắt để bắt con cá rô”.
Vậy đâu là ý nghĩa thật của sự trao ban? Câu trả lời đầy đủ nhất được tìm thấy nơi Bí Tích Thánh Thể, là bằng chứng hùng hồn nhất và đúng nghĩa nhất về trao ban. Chúng ta cùng bàn về vấn đề này trong mục sau đây:
2. Ý nghĩa trao ban
Người ta thường đặt câu hỏi: “Tại sao Thiên Chúa đầy quyền năng lại không chọn phương thế khác dễ hơn, mà chọn nhập thể, sống kiếp khổ đau rồi chết nhục nhã như thế để cứu chuộc con người”. Với lối trả lời theo thần học có lẽ cao siêu quá nên nhiều người khó chấp nhận, vì thần học trả lời rằng: “Chúa Giêsu chọn phương cách nhập thể là vì muốn cho con người biết rằng, con người có một giá trị rất cao quý mà Ngài không ngại mặc lấy thân xác con người, và cũng qua sự nhập thể Ngài nâng phẩm giá con người lên”. Chúng ta có thể đưa ra một lối giải thích bình dân qua ví dụ minh họa như sau: Cũng như một chàng trai muốn tìm kiếm bạn đời, mà cứ ở một chỗ, không đến nhà cô gái, không tìm gặp nàng, không trao đổi tìm hiểu nàng, mà cứ ở nhà gọi điện thoại, gửi tin nhắn, thư điện tử… để tỏ tình, thì làm sao cô gái kia nhận lời được. Hơn nữa, phần lớn người Việt Nam còn có tục phải đi làm rể, thì mới có cơ hội cưới được nửa kia của đời mình. Chúa Giêsu cũng thế, nếu Ngài cứ ở trên trời nói vọng xuống: “Ta yêu các con, Ta sẵn sàng chết vì các con…” thì làm sao con người kiểm chứng được tình yêu đó và đáp lại được. Vì thế, Chúa Giêsu phải xuống với con người, cùng chấp nhận kiếp sống, cùng đồng hành chia sẻ và sẵn sàng hy sinh để cứu con người là đối tượng mà Ngài yêu. Đúng vậy, Ngài đã làm như thế, và bằng chứng hùng hồn nhất là “chết đi cho người mình yêu”. Trở lại với ý nghĩa trao ban nơi Bí Tích Tình Yêu, chúng ta cần đặt ra vấn nạn: Tại sao gọi là Bí Tích Tình Yêu? Tại sao trao ban Bí Tích Thánh Thể lại được gọi là trao ban cao quý nhất? Người viết xin đưa ra một lối minh họa sau đây:
Một lần kia trong dịp sinh hoạt học trò, một giáo lý viên đặt câu hỏi: “Khi yêu nhau người ta cần gì nhất?” một số ít học trò cho rằng: Cần thông cảm, cần có tài chánh ổn định, cần những món quà kỷ niệm, cần những lá thư tỏ tình…. Nhưng phần lớn đồng ý với câu trả lời: “Khi yêu nhau người ta cần nhau”. Vâng, đó là một sự cảm nhận đúng đắn nhất của các tình nhân. Khi họ yêu nhau, những thứ thư từ, quà cáp, tiền bạc, lời nói… chỉ là những thứ phụ thuộc, điều họ cần chính là con người của nhau, cần hiến dâng hoàn toàn cho nhau, cần được kết hợp với nhau tuy hai mà một…, và đó cũng là chất thể của Bí Tích Hôn Nhân. Hơn ai hết, Chúa Giêsu là Vua Tình Yêu, Ngài quá thấu hiểu sự thiếu thốn của con người là đối tượng yêu của Ngài. Những lời nói, hành động của Ngài để lại thật quý, nhưng có gì quý hơn và con người cần hơn? Có gì minh chứng tình yêu hơn là sự trao ban chính thân mình Ngài cho con người? Và Thánh Thể khi được trao ban cho con người mang một ý nghĩa tròn đầy của một sự kết hiệp, vừa mang tính thể chất vừa mang tính thần thiêng. Thật vậy, Chúa Kitô đã chứng minh tình yêu của Ngài đối với nhân loại bằng sự trao ban tuyệt đỉnh là thân mình chí thánh của Ngài. Đó là bằng chứng hùng hồn nhất và là ý nghĩa nhất của trao ban. Trao ban cả mạng sống, trao ban đến giọt máu cuối cùng. Trao ban vượt trên tất cả mọi sự trao ban là cho đi tất cả, không so đo tính toán. Trao ban bằng chính tình yêu đích thật.
II. Ở HAI ĐẦU NỖI NHỚ
Tại sao lại ở hai đầu nỗi nhớ? Thật ra, khi đem phụ lục này vào đây có lẽ không hợp lý. Tuy nhiên khi khai triển đề tài trao ban Thánh Thể, người viết thấy nó có một tia sáng giúp thấy rõ hơn về chính mình đang ở giai đoạn nào của tình yêu, đặc biệt là tình yêu dành cho Chúa Giêsu Thánh Thể. Thật thế, đã yêu nhau thì luôn nhớ đến nhau, luôn muốn gặp nhau và luôn nhắc tên nhau…. Ở hai đầu nỗi nhớ: đầu kia Chúa Giêsu Thánh Thể đang chờ bạn và rất nhớ bạn, còn bạn, bạn đang ở đâu của nỗi nhớ, bạn có nhớ Ngài không?
Có một bạn trẻ đến xin một linh mục để được tư vấn về đời tu:
– Thưa cha con muốn vào dòng, xin cha cho biết những đòi hỏi của đời tu để sau này con khỏi ngỡ ngàng.
Linh mục mỉm cười, ngài rót trà mời anh và hỏi:
– Có thật con muốn đi tu không?
– Dạ! Thật ạ!
– Thế con đã yêu lần nào chưa?
Chàng trai quá bất ngờ vì câu hỏi này, anh ấp úng:
– Dạ! Dạ… rồi ạ! Có thể nói được như thế!
– Thế cảm giác của con lúc đang yêu thế nào?
Chàng trai đỏ mặt:
– Dạ! Khó diễn tả lắm cha ạ! Con luôn lâng lâng hạnh phúc, mơ mộng, nhớ nhung, cố gắng sống tốt và dễ thương trong mắt nàng, cảm thông và chia sẻ mọi vui buồn với nàng. Điều con sợ nhất là làm nàng phải buồn, thậm chí con còn cảm thấy lo cho nàng hơn cả chính mình. Hồi đó, một ngày nếu không được gặp nàng một lần có lẽ con chết mất. Tâm trạng con luôn ngẩn ngơ, nhớ nàng mọi nơi mọi lúc, kể cả trong giấc ngủ…. Dạ! Thưa cha, lúc đó dường như cả vũ trụ này chỉ có nàng thôi ạ!
Vị linh mục mỉm cười, đứng dậy vỗ vai chàng thanh niên và ôn tồn bảo:
– Tốt lắm! Đời tu cũng chỉ muốn con có thế thôi! Ước gì khi vào Nhà Dòng rồi con cũng yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể như đã từng yêu “cô nàng ấy”, để một ngày con không đến viếng Thánh Thể một lần con sẽ không chịu được. Con cũng sẽ luôn nhớ đến Chúa mọi nơi mọi lúc và khao khát được kết hợp nên một với Ngài như từng nhớ nhung và hẹn hò với nàng năm xưa. Hãy cố lên nhé! Chúa Giêsu đang chờ con đến để trao ban tình yêu và khao khát được yêu con lắm đấy!
Tình Yêu nơi Chúa Giêsu Thánh Thể dành cho bạn ở đầu kia nỗi nhớ, Ngài đang nhớ bạn tha thiết. Bạn đừng để Ngài phải ôm mối tình đơn phương mong mỏi đợi chờ. Hãy về với Ngài để hai trái tim cùng nhịp đập. Hãy ở lại trong trái tim của Ngài…
*
* *
Để kết luận cho bài viết này, người viết xin mượn lại câu chuyện mà thánh ký Matthêu kể lại việc dâng cúng của người Do-thái. Trong khi các quan chức và những người trưởng giả khệ nệ đổ xoang xoảng số tiền của mình vào hòm công đức, thì một bà goá nghèo chỉ có hai đồng xu kính cẩn và nhẹ nhàng bỏ vào. Thế mà dưới cái nhìn của Chúa Giêsu, chính bà góa này mới là người dâng cúng nhiều nhất, vì đã dâng cho Thiên Chúa cả lòng yêu mến và đó là điều Thiên Chúa cần. Còn những trưởng giả kia mặc dù số bạc của họ gấp ngàn lần số bạc của bà góa, nhưng lòng yêu mến của họ không bằng một phần trăm của bà, vì họ chỉ dâng số dư thừa, hoặc dâng để phô trương, để được khen tặng mà thôi. Đến đây ta có thể kết luận được rằng, Ý NGHĨA ĐÍCH THỰC CỦA TRAO BAN là trao ban một cách nhưng không, không so đo tính toán, không vì danh lợi, nhưng tất cả chỉ vì Tình Yêu. Và Bí Tích Thánh Thể chính là sự trao ban tròn đầy đó.
Hiền Lâm
Discussion about this post