TẠI SAO CÓ BỐN TIN MỪNG KHÁC NHAU ?
Rõ ràng độc giả tin mừng nào cũng thấy chúng khác nhau. Đôi khi các biến cố được xếp đặt khác nhau (Gioan đặt việc thanh tẩy đền thờ vào lúc Chúa Giêsu bắt đầu sứ vụ còn Marcô đặt ở cuối). Đôi lúc chúng khác nhau về chi tiết (chẳng hạn như tên của các tông đồ hoặc các tên trong gia phả của Mt 1 và Lc 3). Đôi lúc có sự khác nhau khi thuật lại (nhiều biến cố trong Gioan không có trong ba tin mừng khác).
Tại sao như vậy?
Khuynh hướng tiếp cận các Tin Mừng của chúng ta là nghĩ chúng như các cuốn sử hiện đại. Ta muốn chúng cung cấp hết những sự kiện về Chúa Giêsu và đặc biệt là sắp xếp theo niên đại cuộc đời ngài. Nền văn hóa của chúng rất quan tâm đến trật tự và chi tiết. Xét theo những tiêu chuẩn này thì các Tin Mừng khó lòng đáp ứng.
Song các tác giả tin mừng không hề có ý viết một cuốn sử hiện đại. Ngay cả họ không hề biết về điều đó hoặc biết người ta sẽ quan tâm đến những vấn đề như vậy. Họ chỉ biết về một tiểu sử viết theo lối cổ xưa. Mục đích của một tác phẩm như thế không phải là đưa ra niên đại sống của nhân vật nhưng trình bày những dữ kiện được tuyển chọn để trình bày ý nghĩa của đời sống nhân vật cũng như những điểm luân lý mà người đọc có thể rút ra từ đấy. Ta có thể thấy được điều này khi đọc cuốn “Cuộc đời của các hoàng đế La Mã” của Plutarch. Mỗi cuộc đời được trình bày để đưa ra một điểm luân lý cho người đọc. Thể loại văn chương cổ này gần với những gì mà các tác giả tin mừng đã viết hơn là những cuốn tiểu sử theo nghĩa hiện nay. Cách viết của các tác giả tin mừng hoàn toàn hiểu được đối với các độc giả vào thời họ.
Như vậy, các tác giả tin mừng trình bày các biến cố được tuyển lựa từ cuộc đời Chúa Giêsu với một mục đích. Gioan có mục đích hoàn toàn đơn giản: “Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người” (Ga 20,30-31). Marcô và Luca có mục đích truyền rao tin mừng tương tự. Matthêô còn thêm vào mục đích giáo huấn giáo hội khi sắp xếp những câu nói của Chúa Giêsu thành năm diễn từ lớn về các chủ đề hữu ích cho giáo hội.
Mỗi Tin Mừng nhắm đến một cộng đoàn khác nhau. Nếu truyền thống là đúng thì Marcô ghi lại giáo huấn của Thánh Phêrô ở Rôma, nghĩa là nó nói với các thính giả phần lớn là ngoại giáo. Luca gởi đến một nhân vật có thể là một quan chức ngoại giáo (Lc 1,1-4). Không ai biết người này là ai (hoặc cái tên Thêôphilô [người yêu mến Thiên Chúa] có phải là một cái tên chung dành cho những ai yêu mến Thiên Chúa đang đọc cuốn sách này), song bộ sách hai cuốn là Tin Mừng Luca và Tông đồ công vụ dường như có mục đích biện hộ cho đức tin Kitô giáo trước các thủ lãnh dân ngoại (cũng có thể là lời biện hộ của Phaolô). Đây không phải cùng loại với thính giả chung chung mà Marcô muốn gởi đến. Trái lại, Matthêô dường như có thính giả là những Kitô hữu người Do Thái hay người Do Thái giáo. Gioan có thính giả khác hoàn toàn. Hiển nhiên, một diễn giả cũng không dùng cùng một “bài giảng” cho những thính giả khác nhau.
Hơn nữa, các tác giả tin mừng là những người khác nhau. Tác giả của Tin Mừng Gioan nhắm đến phối cảnh miền Giuđê của Chúa Giêsu và ít nói đến các biến cố xảy ra tại Galilê, trong khi các Tin Mừng khác nói nhiều về Galilê và những nơi khác không phải là Giuđê. Các tác giả cũng có những mối quan tâm khác nhau. Luca rất quan tâm về các vấn đề như tiền bạc và sở hữu, việc Chúa Giêsu chấp nhận những người phụ nữ, và việc cầu nguyện. Trái lại, Matthêô hoàn toàn quan tâm đến tương quan của Chúa Giêsu với lề luật Do Thái. Marcô nói rất ít về những giáo huấn của Chúa Giêsu song ông nói nhiều hơn về những gì Chúa Giêsu đã làm. Một đôi điều này là mối quan tâm của chính tác giả và một vài điều kia là những điều mà thính giả của họ quan tâm.
Cũng khá quan trọng để xét đến độ dài của các Tin Mừng. Matthêô, Luca và Gioan vừa đủ dài, nếu dài hơn nữa thì phải viết bộ sách hai cuốn. Các bản cuộn chỉ có một độ dài nào đó mà thôi. Như vậy, nếu họ sử dụng chất liệu từ Tin Mừng Marcô, họ phải tóm tắt nếu không muốn bỏ bớt những chất liệu khác của riêng họ.
Luật viết tiểu sử vào thời bấy giờ không buộc phải xếp mọi sự theo trật tự niên đại. Marcô có thể đã xếp theo một niên đại cứng, song các tác giả khác đã tự do nhóm lại các sự việc với nhau theo những quy luật khác. Luca đặt nhiều giáo huấn của Chúa Giêsu trong bối cảnh chuyến đi từ Galilê đến Giêrusalem (Lc 9,51-19,10, được gọi là “trình thuật du hành”). Tuy nhiên, ông cũng có Bài giảng miền Đồng Bằng trong Lc 6, còn Matthêô nhóm lại nhiều điều trong giáo huấn này trong Bài giảng trên Núi trong Mt 5-7, bao gồm cả chất liệu được tìm thấy trong Bài giảng miền Đồng Bằng và các chất liệu trong “trình thuật du hành” của Luca. Hai Tin Mừng này có hai dàn bài khác nhau khi trình bày cùng một chất liệu. Chúng được hình thành tùy theo những mối quan tâm của các tác giả tương ứng. Luca quan tâm đến di chuyển về địa lý, từ Galilê đến Giêrusalem (và rồi trong Tông đồ công vụ là từ Giêrusalem đến Rôma), trong khi Matthêô chú trọng hơn đến sự hiện thực hình ảnh của ông Môisê nơi Chúa Giêsu. Thật thú vị khi Matthêô và Luca cùng sử dụng Marcô, thế nhưng họ có khuynh hướng sử dụng Marcô thành những khối. Luca biên tập Marcô nhiều hơn Matthêô (một phần vì Luca quan tâm đến thể văn Hy Lạp trong khi Marcô khá vụng về vấn đề này).
Gioan thì khác. Ông không kể lại nhiều câu chuyện về Chúa Giêsu. Thay vào đó, ông chọn trình bày 7 dấu hiệu, bảy phép lạ đặc biệt (dù chúng ta biết Chúa Giêsu làm nhiều phép lạ hơn thế). Ông không ghi lại nhiều câu nói ngắn của Chúa Giêsu song nhóm lại những điều Chúa Giêsu nói thành những bài diễn từ dài mà trong đó rất khó phân biệt đâu là lời Chúa Giêsu và đâu là phần bắt đầu lời của Gioan (trong bản thảo gốc không có dấu chấm hỏi hay chấm câu gì cả, cũng không có phân chia từ).
Vì thế, giống như trong một cuốn tiểu sử cổ, các Tin Mừng không phải là những tấm hình chụp của Chúa Giêsu mà là những bức vẽ chân dung. Trong bức chân dung, điều quan trọng là vẽ cho giống, nhưng họa sĩ cũng có thể vẽ thêm những điều khác họa sĩ nhìn thấy trong con người ấy: có thể là một vài đặc điểm nhân vật, một vài hành động người ấy đã làm hoặc chức vụ nào người ấy nắm giữ. Có thể nhân vật ấy ngồi trong xưởng vẽ trống không nhưng họa sĩ sẽ vẽ thêm vào những cảnh quan chung quanh để nói lên đặc điểm của nhân vật. Chúng ta không cho rằng bức vẽ ấy không chính xác. Ta biết rằng bức vẽ ấy nhắm đến điều gì. Thật vậy, một cách nào đó thì bức vẽ chân dung ấy còn chính xác hơn hình chụp vì nó cho phép ta nhìn thấy những điều mà không bao giờ lộ ra trong hình chụp (chẳng hạn như tính cách), nhưng đó lại là phần rất lớn của con người ấy.
Trong các Tin Mừng, chúng ta có bốn bức chân dung của Chúa Giêsu. Mỗi tác giả đều quan tâm đến những khía cạnh khác nhau trong đời sống và con người Ngài. Điều này sớm được biểu trưng trong lịch sử giáo hội khi các Tin Mừng được đồng hóa với những hình ảnh khác nhau. Gioan được đồng hóa với con chim ưng, Luca với một con người, Marcô với con bò và Matthêô với con sư tử (tượng trưng cho vương quyền). Những hình ảnh này được rút ra từ sách Khải Huyền 4,7. Vì thế chúng ta không bị giới hạn trong một cái nhìn về Chúa Giêsu mà có đến bốn nhãn quan phong phú.
Vì thế, thật quan trọng khi đọc mỗi Tin Mừng trong chính nó hơn là kết hợp tất cả lại để cho hài hòa. Hài hòa là cố gắng đặt tất cả bốn Tin Mừng lại với nhau thành một câu chuyện, nhưng khi làm thế là đánh mất nhãn quan của các Tin Mừng. Nó cũng giống như nhặt những mảnh miếng ra khỏi bốn bức chân dung rồi ghép lại thành một bức chân dung tập thể. Sự hài hòa này làm thỏa mãn khát vọng xếp đặt tất cả theo trật tự song làm như thế là vặn vẹo các Tin Mừng. Cuối cùng, sự hài hòa không phải là điều mà Thiên Chúa chọn để linh hứng. Thiên Chúa chọn linh hứng bốn Tin Mừng chứ không phải chỉ một cuốn tiểu sử chính thức. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn bốn bức chân dung của Chúa Giêsu chứ không phải một, bốn sứ điệp dành cho giáo hội chứ không phải chỉ một mà thôi.
Không phải bốn chân dung mâu thuẫn nhau mà chỉ là khác nhau. Nếu bốn họa sĩ ngồi và vẽ cùng một cảnh mặt trời lặn, mỗi người vẻ mỗi khác. Mỗi người sẽ bỏ ra hoặc vẽ vào những chi tiết khác nhau. Mỗi người sẽ có những cái nhìn khác nhau và có thể chọn lựa những pha ánh sáng khác nhau để nhấn mạnh cảnh mặt trời lặn. Không ai vẽ “sai” vì mỗi họa sĩ đều vẽ cùng một cảnh mặt trời lặn.
Như vậy, sự khác biệt của các Tin Mừng cũng rất quan trọng. Khi thấy điều gì khác khác thì ta cần phải hỏi tại sao. Nhiều khi sự khác biệt là vô nghĩa. Chẳng hạn, Marcô 6,39 nói cỏ màu xanh mà các Tin Mừng khác không có chi tiết này. Họ có thể đã bỏ đi chi tiết này để tiết kiệm không gian. Những khác biệt khác lại có ý nghĩa. Khi Matthêô tường thuật lời của Chúa Giêsu về vấn đề ly dị (Mt 19,9), ông chỉ nói về người đàn ông ly dị đàn bà vì trong luật Do Thái thì chỉ có đàn ông mới có thể ly dị. Khi Marcô nói về điều này (Mc 10,11-12), ông nói cả đàn ông ly dị đàn bà và đàn bà ly dị đàn ông, vì cả hai phái đều có thể ly dị theo luật Rôma. Mỗi tác giả đều phản ánh cùng một chân lý mà Chúa Giêsu nói (có lẽ là bằng tiếng Aram chứ không phải Hy Lạp) thích hợp với hệ thống pháp luật mà thính giả của họ đang sống. Mỗi tác giả đều phác họa chính xác mối quan tâm của Chúa Giêsu về sự bền vững của hôn nhân. Tương tự như vậy, Matthêô tường thuật trật tự các cơn cám dỗ để chúng kết thúc trên một ngọn núi, phù hợp với quan tâm của ông là Chúa Giêsu như ông Môisê mới (Mt 4,1-11), và Luca xếp chúng theo một trật tự để Chúa Giêsu kết thúc ở Giêrusalem, hài hòa với quan tâm của ông là từ Galilê đến Giêrusalem (Lc 4,1-13). Không tác giả nào khẳng định mình sắp xếp các chất liệu theo trật tự niên đại, vì thế trật tự không là vấn đề.
Mỗi Tin Mừng đều cố gắng phát đi một thông điệp cho chúng ta. Vấn đề quan trọng đối với độc giả chúng ta không phải là duyệt lại đời sống của Chúa Giêsu với mỗi biến cố theo trật tự niên đại mà là nhận được sứ điệp mà các Tin Mừng muốn chuyển tải, nghe được lời mời gọi để tin, quy phục giáo huấn của Chúa Giêsu, sống trong tư cách môn đệ mà các Tin Mừng muốn mời gọi chúng ta. Cuối cùng, chúng ta không được mời gọi để làm các nhà phê bình nghệ thuật, nhưng để lấp đầy căn nhà của chúng ta với những “tia sáng” đến từ bốn bức chân dung này.
(Walter C. Kaiser, Jr., Peter H. Davids, F. F. Bruce, Manfred Brauch, “Why are there four different Gospels”, trong Hard Sayings of the Bible, InterVarsity Press, 2010, tr. 82-85.)
Chuyển ngữ: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính.
Discussion about this post