TÌM HIỂU THÁNH KINH
Cuốn 1 : PHẦN TỔNG QUÁT
Hiền Lâm
Dẫn nhập
“Thánh Kinh là bức thư tình mà Thiên Chúa gửi cho chúng ta là bạn hữu của Người” (Augustino, Enarr in Ps 90). Thật vậy, giống như đôi bạn tình lúc sống xa nhau, họ trao gửi cho nhau những bức tâm thư và nhờ đó mà lời nói yêu thương và hình ảnh của họ luôn hiện diện bên nhau, để nuôi dưỡng tình yêu họ mãi mãi cho nhau. Cũng thế, khi Chúa Giêsu “về trời”, Thánh Kinh như là một lưu bút và là một bức thư tình để lại cho tín hữu và là thông điệp yêu thương của Người vẫn mãi mãi ở cùng nhân loại giúp họ được sống và sống phong phú trong tình yêu của Thiên Chúa. Nói đến thư tình là nói đến những dòng chữ chất chứa tình thương, hơn là những gì thuộc văn hay chữ tốt. Chẳng có anh chàng hay cô gái nào nhận được thư của người yêu mà lại đặt vấn đề về văn phạm sai câu lỗi vần, nhưng chỉ tập chú khám phá trên mỗi dòng chữ một hình ảnh thân thương, một rung động của con tim và những cảm nghĩ về tình yêu và ước vọng tương lai. Cũng vậy, tinh thần học hỏi và sống Thánh Kinh không nhằm nghiên cứu văn hay chữ tốt, mà là một sự khám phá và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa dành cho con người trong chương trình cứu độ.
Theo Hiến Chế Mặc Khải của công đồng Vaticano II, Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người để mặc khải cho họ về chính Thiên Chúa, về tình thương, sự an bài săn sóc, ý định và chương trình cứu độ của Người, nhờ đó con người có thể tiếp cận được với Thiên Chúa và thông phần bản tính của Người. Thánh Kinh hay Lời Chúa không chỉ là một bản văn chất chứa tình cảm của Chúa mà còn là chính Chúa (Dei Verbum 25). Có thể nói, tình yêu của con người đối với Thiên Chúa tỉ lệ với độ mến yêu của con người đối với Thánh Kinh. Sở dĩ công đồng Vaticano II dám đồng hoá Lời Chúa với chính Chúa, vì Lời ở đây không phải là một âm thanh vẳng trong không khí, nhưng trước hết là Ngôi Lời
Công đồng Vaticano II, mong muốn mọi kitô hữu hãy siêng năng học hỏi Thánh Kinh để đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa và để tâm hồn được bối dưỡng nơi bàn tiệc Lời Chúa:
“Mọi kitô hữu, cách riêng các tu sĩ hãy siêng năng đọc Thánh Kinh để học biết khoa học về Thiên Chúa (x. Pl 3,8). Vì không biết Thánh Kinh là không biết Thiên Chúa (S. Hyeronimo). Vậy ước gì họ hăng hái tiếp xúc với chính bản văn Thánh Kinh nhờ Phụng Vụ Thánh chứa đựng dồi dào, hoặc nhờ sốt sắng đọc Kinh Thánh, hay những tổ chức học hỏi thích hợp…” (DV, 25).
Tại sao phải học Thánh Kinh?
Có thể nói môn học Thánh Kinh là môn học quan trọng nhất trong các môn thần học, vì Thánh Kinh là kim chỉ nam cho tất cả mọi suy luận thần học. Hơn nữa, việc hiểu biết Thánh Kinh sẽ hướng dẫn cho đời sống mọi kitô hữu.
Vì thế, việc học hỏi Thánh Kinh là rất cần thiết, không chỉ để biết mà còn là để sống, “vô tri thì bất mộ” – không biết Chúa thì không thể yêu mến Chúa và không biết đường lối Chúa và Thánh Ý của Người thì không thể sống đức ái với tha nhân cách trọn vẹn[1]
Chương I.
CÁC
KHÁI
NIỆM
A. Khái niệm về mặc khải (mạc khải).
1. Định nghĩa.
Chữ Mặc Khải hay Mạc Khải mà người Việt Nam đang dùng là một từ Hán Việt (mạc là màn, mặc là tối, khải là mở), nghĩa là Thiên Chúa vén bức màn hoặc cất đi sự u mê của con người để họ biết về Người, được dịch từ chữ REVELATIO, tiếng Latinh, chữ Revelatio bao gồm: Re (cất lên), velum (khăn voan, cái lúp), tức là cất khăn che để thấy rõ một vật gì.
Do đó:
“Mặc khải là hành động mà Thiên Chúa tỏ mình ra và chương trình cứu rỗi của Người cho nhân loại” (DV, 6).
Ví dụ: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi và mi sẽ cắn vào gót nó” (St 3, 15). Đây là mặc khải đầu tiên Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ[2].
2. Mặc khải và Kitô Giáo.
Người có tín ngưỡng đi tìm cho mình một sự liên lạc với các thần linh mà họ tôn thờ và khao khát có một sự đối thoại. Vì thế, không lạ gì nhiều tôn giáo cổ xưa đã đặt ra nhiều phương cách để như “ép buộc” thần linh tự mặc khải cho họ qua chiêm mộng, bói toán, lắc quẻ, đồng cốt, cầu cơ… Những phương cách đó là do sáng kiến của con người hơn là do thần linh. Thiên Chúa của Cựu Ước và Tân Ước là một Thiên Chúa mặc khải, Người tỏ mình qua công trình sáng tạo, qua lịch sử cứu độ, qua sự đàm đạo và tác động trên các tổ phụ và các ngôn sứ, đặc biệt qua Đức Giêsu Kitô.
Như thế, Kitô giáo được xây dựng trên nền tảng mặc khải của Thiên Chúa, nghĩa là trên niềm tin vào những gì Thiên Chúa nói với loài người (qua các kỳ công trong vũ trụ), qua các sứ giả của Người, nhất là qua Đức Giêsu Kitô. Nhờ đó chúng ta sẵn sàng đón nhận và chấp nhận những chân lý mầu nhiệm vượt qua khả năng tri thức và lý luận của người phàm.
3. Cách thức mặc khải.
Thiên Chúa tỏ mình và tỏ ý định của Người bằng muôn phương ngàn cách. Chính thánh Phaolô đã viết: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người?” (Rm 11, 33-34).
Nhân loại dùng ngôn ngữ mà truyền đạt tư tưởng, ý muốn và tâm tình của mình. Cũng thế, khi chấp nhận đối thoại, Thiên Chúa đã sử dụng chính ngôn ngữ của nhân loại để mặc khải. Thánh Kinh dùng chữ Dabar và Logos để chỉ Lời mặc khải. Nội dung hai từ này bao gồm việc Thiên Chúa thực hiện mặc khải không những qua lời nói mà còn qua những hành động cụ thể. Hai hình thức này bổ túc cho nhau, nghĩa là lời nói của Chúa giải thích và làm sáng tỏ mầu nhiệm được thể hiện bằng hành động trước đó. Ngược lại, Hành động làm ứng nghiệm những gì được mặc khải qua lời nói.
Ví dụ: “Ta thấy cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập… Ta xuống giải thoát chúng…” thế rồi Chúa đã dùng cánh tay uy quyền giải phóng dân Israel khỏi nô lệ Ai Cập (x. Xh 3,7-8). “Ta thương đoàn dân này…” và sau lời nói này Chúa đã hoá bánh ra nhiều nuôi dưỡng dân (x. Mt 15,32).
a, Lời mặc khải.
Nghĩa là Thiên Chúa tuyên phán trực tiếp Lời của Người, hoặc qua miệng các tổ phụ và các ngôn sứ về danh Người hoặc về ý định của Người. Ví dụ: truyền giới răn trên núi Sinai, Đức Giêsu ban bố Hiến Chương Nước Trời…
b, Lời hành động.
Là bằng chính việc làm, Thiên Chúa bày tỏ bản tính của Người và thánh ý của Người là Đấng sáng tạo, quan phòng săn sóc, thương xót con người và luôn trung tín với giao ước Người đã ban cho nhân loại. Ví dụ: Hai chương đầu của sách sáng thế, Tv 33, 6; 1Pr 1,23…).
c, Mặc khải trong Cựu Ước.
– Thiên Chúa cho biết Người là Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng (x. Ga 1,3; Rm 1, 19-20).
– Săn sóc và ban lời hứa cứu độ (x. St 3,8.15).
– Chọn một dân riêng (kêu gọi Abraham) để chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế ra đời.
– Dùng các tổ phụ và các ngôn sứ để giáo huấn.
d, Mặc khải trong Tân Ước.
Thiên Chúa không còn nói với một dân tộc và qua các ngôn sứ nữa, nhưng Người nói với toàn thể nhân loại và nhờ chính Con Một của Người là Đức Giêsu Kitô (x. Ga 3,34; Dt 1,1-2).
Thiên Chúa hiện thân nơi Đức Giêsu bấy giờ là Emmanuel – ở cùng nhân loại, để không chỉ giúp riêng dân Israel thoát ách nô lệ ngoại bang nữa, mà là cứu chuộc nhân loại thoát ách nô lệ ma quỷ, tội lỗi và sự chết, nâng con người lên địa vị làm Con Thiên Chúa và xứng đáng tham dự vào đời sống vĩnh cửu.
Tân Ước hoàn tất trọn vẹn chương trình mặc khải được khởi đầu và chuẩn bị trong Cựu Ước.
4. Các nguồn mặc khải.
Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận Thánh Kinh và Thánh truyền là hai nguồn mặc khải chính và bổ túc nhau. Điều này khác với Giáo Hội Tin Lành chỉ nhìn nhận Thánh Kinh là mặc khải duy nhất.
a, Thánh truyền.
Thánh truyền là những mặc khải tuy không được chép thành văn, nhưng vẫn được các kitô hữu sống và thực hành. Chẳng hạn các phẩm trật, quyền bính của Giáo Hội, quyền thủ lãnh của thánh Phêrô và các đấng kế vị ngài, quyền giáo huấn của các tông đồ…
b, Thánh Kinh.
Thánh Kinh là một kho tàng mặc khải được chép thành văn và lưu truyền cho hậu thế. Có thể nói, cho đến hôm nay chưa có một sách nào được ấn bản nhiều và có thời gian lưu hành dài như Thánh Kinh.
c, Thái độ đối với Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai là những nhân chứng sống động trong việc sống Lời Chúa, họ ý thức tầm quan trọng của Lời Chúa và sùng mộ Lời Chúa.
Các tín hữu sơ khai đón nhận Lời Chúa giữa bao gian truân thử thách, với sự hoan hỷ của Thánh Thần, khiến họ nên mẫu mực cho mọi kẻ tin (1Tx 1, 6). Họ lắng nghe và ngoan ngoãn đem ra thực hành. Thánh Giacôbê viết: “Ai thiết tha và trung thành tuân giữ luật trọn hảo -luật mang lại tự do-, ai thi hành luật Chúa, chứ không nghe qua rồi bỏ, thì sẽ tìm được hạnh phúc trong mọi việc mình làm” (Gc 1, 25). Nhờ trung thành thực thi Lời Chúa nên các tín hữu đầu tiên đã lớn mạnh trong ân sủng. Tác giả sách Công Vụ Tông Đồ dám đồng hoá sự tăng trưởng của Giáo Hội sơ khai với sự tăng trưởng của Lời Chúa. Nói cách khác, một khi các kitô hữu tiếp thu và thực hành Lời Chúa, thì Lời Chúa sẽ làm phát triển sự sống thiêng liêng (x. Cv 6,7; 12,24…). Cuối cùng, các kitô hữu sơ khai đã dám liều chết vì Lời Chúa (x. Kh 6,9) vì Lời Chúa dành cho họ sự toàn thắng cuối cùng (x. Kh 12, 11).
Ngày nay, sau công đồng Vaticano II, phong trào học hỏi Lời Chúađang phát khởi mạnh mẽ. Đó là một điểm son của thời đại. Hơn bao giờ hết, chính Giáo Hội cũng muốn mở rộng lối vào Thánh Kinh cho các kitô hữu. Vì Lời Chúa có sức mạnh và quyền năng để nâng đỡ và tăng cường Giáo Hội, ban sức mạnh đức tin cho con cái Giáo Hội, là lương thực linh hồn nguồn sống thiêng, tinh tuyền và trường cửu cho con cái Giáo Hội (Dei Verbum 21). Vì thế phải đón nhận Lời Chúa với lòng yêu mến và trân trọng[3].
5. Phân loại mặc khải.
a, Mặc khải tư.
Mặc khải tư (Private revelation) là chỉ nhắm tới một số người được giới hạn bởi không gian hoặc thời gian, và không phải là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Những tiết lộ Fatima, Mễ Du…
b, Mặc khải công.
Mặc khải công (Public Revelatio) là mặc khải nhắm tới lợi ích chung của toàn thể nhân loại, và là nền tảng của đạo.
Ví dụ: Mặc khải cho Môisê biết Thiên Chúa là Giavê (có); mặc khải cho Phêrô biết Đức Giêsu là Đấng Kitô hằng sống…
B. Khái niệm về linh hứng và vô ngộ.
Trong Thánh Kinh, có nhiều vấn nạn liên quan đến đức tin, khoa học và lịch sử. Tuy nhiên, khi tìm hiểu, chúng ta không nên quá chú trọng đến tính khoa học hay tính lịch sử, mà là cần có cái nhìn của đức tin. Sở dĩ Thánh Kinh được Do Thái Giáo và Kitô Giáo công nhận như bản văn mặc khải, vì được Chúa Thánh Thần linh hứng và bảo đảm cho khỏi sai lầm.
1. Linh hứng.
Chữ LINH HỨNG được dịch từ INSPIRATIO (Latinh): In là trong, Spirare là thổi. Cái gì thổi? Gió thổi. Trong Thánh Kinh, gió hay hơi (ruah) được dùng để chỉ Thần Khí, tức là Chúa Thánh Thần.
Vậy, Linh hứng hiểu cách đơn giản là “được Thánh Thần thổi cho”.
Ơn linh hứng là ơn Chúa Thánh Thần tác động trên người viết, là ảnh hưởng siêu nhiên, có công dụng nâng cao và thúc đẩy khả năng của tác giả chép Thánh Kinh để họ chỉ viết những gì Thiên Chúa muốn, đồng thời cũng hướng dẫn họ trong việc sử dụng những từ ngữ và thể văn thích hợp để không làm sai lạc chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải.
Đức giáo hoàng Lêô XIII, trong thông điệp Providentissimus Deus (18.11.1893), viết về tác động của Chúa Thánh Thần như sau : ”Bằng một sức mạnh siêu nhiên, Thiên Chúa đã khơi động và thúc đẩy các soạn giả viết. Trong khi các vị viết, Người giúp các vị suy tưởng đúng, muốn viết lại cách trung thành và diễn tả cách thích hợp bằng chân lý không sai lầm, hiểu theo nghĩa là đạt tới mục đích cứu rỗi (apte infaillibiti veritate exprimerunt) tất cả những gì Người truyền cho các vị viết và chỉ những điều đó thôi. Nếu không có như thế thì Người không phải là tác giả của tất cả Kinh Thánh” (EB 125 ; Dz 3293). Đây là bản văn rất quan trọng, vẫn được coi là một định nghĩa ơn linh hứng, bởi vì đoạn văn mô tả tác động cụ thể của ơn linh hứng nơi soạn giả khi ông đang làm việc : Thánh Thần hoạt động cùng với soạn giả con người. Người có sáng kiến, nhưng soạn giả thánh không thụ động, trái lại vẫn làm việc và cộng tác bằng trí tuệ, ý muốn và khả năng hành động.
Đức giáo hoàng Piô XII trong thông điệp Divino afflante Spiritu (30.9.1943), được coi là hiến chương mới của khoa nghiên cứu Kinh Thánh trong Giáo Hội công giáo, và đã có ảnh hưởng rất lớn. Về vấn đề linh hứng, thông điệp nhấn mạnh đến vai trò của soạn giả : “Khi chép Sách Thánh, soạn giả thánh là dụng cụ của Chúa Thánh Thần, một dụng cụ sống và có lý trí”, do đó, “khi được Thiên Chúa tác động, vẫn còn sử dụng những khả năng và sức lực của mình. Thế nên từ cuốn sách do công lao soạn giả làm ra, ai nấy có thể nhận thấy dễ dàng tính cách riêng và những nét đặc thù của mỗi soạn giả” (EB 556).
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mặc Khải đã viết : “Những điều Thiên Chúa măc khải và Kinh Thánh chứa đựng và trình bày, đều đã được ghi chép do ơn Chúa Thánh Thần soi sáng (Spiritu Sancto afflante). Giáo Hội, Mẹ Thánh chúng ta, do niềm tin bắt nguồn từ thời các thánh Tông Đồ, coi là Sách Thánh và thuộc Thư qui toàn bộ các sách Cựu Ước cũng như Tân Ước với tất cả các phần đoạn, vì lý do là các sách đó đã được chép nhờ ơn Chúa Thánh Thần linh hứng (Spiritu Sancto inspirante) nên có Thiên Chúa là tác giả và đã được truyền lại cho Giáo Hội với tư cách đó. Trong việc soạn các Sách Thánh, Thiên Chúa đã chọn một số người và dùng họ, mà họ vẫn sử dụng những khả năng và sức lực của mình, để nhờ chính Người hành động trong họ và qua họ, họ viết ra với tư cách là những tác giả thực sự, tất cả những gì Người muốn và chỉ viết những điều đó thôi” (DV 11).
Dưới đây ta theo kiểu nói của thông điệp Providentissimus Deus để nói rõ hoạt động của ơn linh hứng trên soạn giả thánh.
– Trong trí tuệ : Thiên Chúa soi sáng:
Để trình bày chân lý như Thiên Chúa muốn, trước tiên cần phải có một quan niệm cho đúng. Ơn linh hứng sẽ giúp trí tuệ soạn giả thánh nhận thức đúng. Một trong những yếu tố góp phần tích cực để hiểu tác động của ơn linh hứng đối với trí tuệ của soạn giả thánh là cách phân biệt phán đoán trừu tượng và phán đoán thực hành cùng vai trò của nó.
Ơn linh hứng tác động vào trí tuệ, giúp cho soạn giả nhận thức chân lý Thiên Chúa muốn thông ban và biết nên viết điều gì và viết cách nào. Ánh sáng linh hứng đó có tính cách nội tại, để lời viết ra thực sự là của con người, và cũng là Lời của Thiên Chúa nhờ ánh sáng đó, bởi vì nếu là ngoại tại thì việc làm của soạn giả thánh không còn tính cách tự do nữa mà là bị cưỡng bách.
– Trong ý chí : Thiên Chúa thúc đẩy:
Ơn Thiên Chúa thúc đẩy soạn giả thánh để chỉ muốn viết những gì Thiên Chúa muốn. Vấn đề là sự hài hòa giữa ý muốn của Thiên Chúa với ý muốn của con người như thế nào. Nếu soạn giả thánh là một dụng cụ có lý trí và tự do, thì Thiên Chúa cũng phải sử dụng dụng cụ đó theo bản tính của nó là có tự do. Vì đó ơn linh hứng phải tác động trên ý chí vì đây là quan năng làm cho con người hành động như con người tức là có tự do.
– Trong hành động: Thiên Chúa giúp đỡ:
Ý chí không những quyết định những gì trí tuệ thấy cần phải viết, nhưng còn vận dụng mọi cơ năng để thực hiện quyết định đó nữa. Vậy ơn linh hứng cũng tác động trên cả những cơ năng thực hành nữa. Khi thực hiện ý định viết, Thiên Chúa sẽ nâng đỡ các khả năng hành động như trí tưởng tượng, trí nhớ, tâm tình, khiếu viết văn và cả những hoạt động thân thể nữa. Vì Sách Thánh là tác phẩm của Thiên Chúa và của con người, nên cũng phải qui những tác động của con người về cho Người, nghĩa là Người ban ơn linh hứng siêu nhiên trợ giúp.
Như vậy, ai là tác giả Thánh Kinh?
2. Các tác giả Thánh Kinh.
a, Thiên Chúa.
Vì chính Thiên Chúa linh hứng cho người ta chép và chỉ chép ra những gì Người muốn bày tỏ với nhân loại, nên tác giả chính của Thánh Kinh là chính Thiên Chúa. Chính vì thế mà Thánh Kinh được gọi là Lời Chúa.
b, Các thánh ký (người viết).
Các tác giả chép Thánh Kinh không phải chỉ nghe Chúa Thánh Thần phát âm chữ nào thì viết ra chữ đó, nhưng các vị chép Thánh Kinh là những con người tự do và luôn sử dụng tài năng riêng cùng quan niệm bình dân và tư tưởng thời đại để diễn tả trước hết là cho người đương thời biết những chân lý mặc khải của Thiên Chúa. Vì thế, các vị cũng là những tác giả thực của Thánh Kinh, nhưng chính là những tác giả phụ mà thôi, vì nội dung chính không phải là do sáng kiến của các vị, mà hoàn toàn là Lời mặc khải của Thiên Chúa.
3. Vô ngộ.
Thiên Chúa là Đấng thông minh và chân thật tuyệt đối, nghĩa là Người không thể sai lầm và Người cũng không hề lừa dối ai. Vì thế những điều Người linh hứng cho các thánh ký cũng không thể sai lầm được. Điều này cũng có nghĩa là Thánh Kinh không thể sai lầm.
Sự vô ngộ của Thánh Kinh xuất phát từ Ơn Linh Hứng. Thật vậy, nếu tin rằng chính Thánh Thần linh hứng, tức là soi sáng và hướng dẫn các thánh ký để họ viết ra thì bản văn Thánh Kinh không thể sai lầm, vì Ngài là Thần Chân Lý. Đức Kitô hứa ban Thánh Thần cho các Tông Đồ, như trí khôn và trí nhớ của họ: Là trí khôn, Ngài cho họ thấu hiểu những điều bí nhiệm (x/ Ga 16,13); là trí nhớ, Ngài nhắc cho họ những gì Chúa đã nói với họ (x. Ga 14, 26).
Tuy nhiên, nếu dừng lại theo phương diện khoa học và lịch sử thì không thiếu những mâu thuẫn và sai lầm. Chẳng hạn tường thuật không logich về việc sáng tạo, hoặc đoạn Tin Mừng Matthêu trích dẫn câu: “Thế là ứng nghiệm lời ngôn sứ Giêrêmaia: họ đã lượm ba mươi đồng bạc, tức là cái giá mà số con cái Israel đã đặt khi đánh giá Người”. Câu này của sách ngôn sứ Giacaria nhưng Matthêu lại lầm lẫn là của Giêrêmia (x. Mt 27,9 // Gcr 11,12). Như thế, chúng ta phải hiểu thế nào khi nói Thánh Kinh không thể sai lầm?
Chúng ta có lập trường sau đây của Giáo Hội:
Công đồng Vaticano II trong Hiến Chế Mặc Khải dạy:
– “Phải xem mọi lời các tác giả được linh hứng viết ra, tức các soạn giả thánh, là những Lời của Chúa Thánh Thần, nên phải công nhận rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, những chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại vì ơn cứu độ của chúng ta…” (DV 11)
– “… Để tìm ra chủ ý của soạn giả thánh, giữa những phương pháp khác, cũng cần xét đến văn loại. Vì chân lý được trình bày và diễn tả qua nhiều thể văn khác nhau, như thể văn lịch sử, ngôn sứ, thi phú hoặc những thể văn diễn tả khác. Hơn nữa, nhà chú giải còn có bổn phận tìm hiểu ý nghĩa mà trong những trường hợp nhất định, soạn giả thánh đã muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong hoàn cảnh thời đại và văn hóa của họ qua các lối văn được dùng trong thời đó. Thực vậy, để hiểu đúng ý nghĩa Kinh Thánh muốn quả quyết trong bản văn, chúng ta phải chú tâm đúng mức đến các cách thức cảm nghĩ, diễn tả, tường thuật do bẩm sinh, được thịnh hành trong thời của họ, cũng như phải để ý đến các hình thức mà người thời ấy thường dùng khi giao tế với nhau” (DV 12).
Giáo Hội tin Thánh Kinh vô ngộ vì:
– Giáo Hội thừa kế lòng tin tưởng đó của dân tộc Do Thái.
– Giáo Hội dựa trên uy tín của Đức Kitô (x. Mt 22,31).
– Giáo Hội dựa trên thế giá các Tông Đồ (x. Cv 2, 16).
– Giáo Hội dựa trên lời quả quyết của các giáo phụ: Thánh Clément I viết: “Anh em đừng xuyên tạc Lời Chúa vì đó là Lời chân thật”; thánh Augustine cũng dạy: “Thánh Kinh chân thật và không ai phủ nhận chân lý này, trừ phi kẻ bất lương”.
Như vậy:
– Thánh Kinh là Lời Chúa nói với loài người bằng ngôn ngữ nhân loại (cách nói của loài người), nhờ đó giúp người ta có thể lãnh hội được Lời Chúa cách dễ dàng hơn.
– Chỉ những mặc khải về Ơn Cứu Rỗi mới là nội dung chính của Thánh Kinh mà thôi. Đối với những chân lý về Ơn Cứu Rỗi thì Thánh Kinh không thể sai lầm được (S. Augustin, S. Thomas d’Aquine).
– Những chân lý thuộc lãnh vực khoa học, lịch sử, văn phạm… không phải là những chân lý mà Chúa Thánh Thần muốn dạy dỗ loài người qua chương trình mặc khải, nghĩa là những chân lý ấy không thuộc về nội dung chính của Thánh Kinh.
– Các sai lầm trong các lãnh vực thuộc về nội dung chính của Thánh Kinh không hề ảnh hưởng đến các chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi, nghĩa là không làm sai lạc những chân lý mà Thiên Chúa muốn mặc khải cho con người để họ có thể đạt tới Ơn Cứu Rỗi.
Các tác giả Thánh Kinh có thể sai lầm theo suy nghĩ bình dân, hoặc các ngài phản ảnh những sai lầm của thời đại khi đề cập đến các chân lý ấy.
Trong lãnh vực khoa học: Thánh Kinh được viết ra không nhằm trình bày khoa học. Thánh Kinh không phải là cuốn vạn vật học hay vũ trụ học. Thánh Kinh chỉ muốn loan báo chân lý cứu rỗi, bằng những kiểu nói đơn sơ của người đương thời.
Trong lãnh vực lịch sử: Nếu có những lầm lẫn về các sự kiện hay biến cố lịch sử, ta cần biết rằng, chủ ý của tác giả nhằm giúp ta thấu hiểu hoạt động kỳ diệu của Thiên Chúa trong lịch sử mà thôi. Bởi thế, tác giả ít quan tâm đến việc kiểm chứng các sự kiện hay các tài liệu sẵn có trong tay.
Trong lãnh vực luân lý: Vì Thánh Kinh được viết trong một thời gian rất dài và trong nhiều thời kỳ khác nhau, nên đời sống dân Chúa cũng được cải tiến cách tiệm tiến. Vì thế, nếu có những tập tục xem ra trái với Tin Mừng của Chúa Kitô, thì ta chớ bỡ ngỡ. Lý do là dân trí thời ấy còn thô lỗ lúc ban đầu.
C. Khái niệm về giao ước.
I, Định nghĩa.
1, Cấu tạo Thánh Kinh.
Được gọi là Thánh Kinh hay Sách Thánh là bởi vì:
– Tác giả là chính Thiên Chúa chí thánh.
– Vì trong đó chứa đựng những điều thánh thiện.
– Vì những trang sách này có sức thánh hoá người đọc (S. Thomas Aquino).
Thánh Kinh là một bộ sách gồm 73 cuốn, được chia làm hai phần: Cựu Ước và Tân Ước. Bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi, do nhiều tác giả viết ra dưới sự tác động của Chúa Thánh Thần (ơn Linh Hứng).
Thánh Kinh được viết vào những thời kỳ khác nhau, trải dài từ khoảng năm 1350 trước Chúa Giáng Sinh đến năm 100 sau Chúa Giáng Sinh.
Thánh Kinh cũng được coi là bộ sách Giao Ước, trong đó bao gồm Cựu Ước (giao ước cũ) và Tân Ước (giao ước mới). Cả hai đều gồm ba thể loại: Lịch Sử, Ngôn Sứ và Giáo Huấn.
2, Định nghĩa giao ước.
Giao ước là một thoả thuận giữa hai bên, được thiết lập và đóng ấn bằng một nghi lễ công khai. Qua đó mỗi bên đều được hưởng những quyền lợi, kèm theo những ràng buộc và phải thi hành một số điều kiện.
Theo phong tục cổ thời, các dân vùng Lưỡng Hà Địa thì sau khi hai bên đạt được thoả thuận cho việc ký kết, người ta giết một con vật, rồi phân thây con vật làm hai nửa. Sau đó đại diện hai bên lần lượt đi qua giữa hai phần của con vật đó, ngụ ý nói lên quyết tâm thực hiện điều đã ký kết và sẵn sàng chịu chung số phận như con vật nếu vi phạm điều đã giao ước (x. St 15, 7-20; Gr 31,31; 34,18-22).
Tuy nhiên, nếu hiểu theo nghĩa chặt, thì không thể có giao ước đúng nghĩa giữa Thiên Chúa và loài người. Vì giao ước chỉ được thiết lập giữa hai bên ngang hàng với nhau và hai bên đều được hưởng lợi và cùng phải có bổn phận ràng buộc. Trong khi Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và con người chỉ là thụ tạo được Thiên Chúa dựng nên từ hư vô thì không thể ngang hàng với nhau được. Đồng thời Thiên Chúa cũng chẳng được lợi ích gì và Người cũng không thể bị ràng buộc vào bổn phận phải thi hành, vì mọi sự đều là của Thiên Chúa. Nhưng vì yêu thương Thiên Chúa đã tự hạ cố để thiết lập giao ước, nên đúng hơn phải hiểu giao ước giữa Thiên Chúa với loài người là một Lời Hứa được ban cho con người mà thôi (x. St 9,11; 15,5; Xh 19,5).
Giao ước khác biệt với mọi bản giao kèo hay hợp đồng giao kết khác, nghĩa là các bản giao kết kia nếu một bên vi phạm thì bên còn lại không bị ràng buộc nữa, trong khi Giao Ước thì không thay đổi, bằng chứng là phía con người bất tín biết bao lần, nhưng Thiên Chúa vẫn luôn trung tín.
3. Giao ước cũ và giao ước mới.
a, Cựu Ước.
Là Lời Giao Ước Cũ mà Thiên Chúa thiết lập với dân riêng của Người là Israel qua trung gian là các tổ phụ và các ngôn sứ, và được đóng ấn bằng máu con vật sát tế.
CÁC SÁCH CỰU ƯỚC (46 cuốn)[4]:
* 21 sách lịch sử: Sáng Thế, Xuất Hành, Lêvi, Dân Số, Đệ Nhị Luật, Giosuê, Thủ Lãnh, Rút, 1&2 Samuel, 1&2 Vua, 1&2 Sử Biên Niên, Ét-ra, Nơkhemia, Tôbia, Giútđita, Ét-te, 1&2 Macabê.
* 18 sách ngôn sứ: Isaia, Giêrêmia, Aica, Barúc, Edêkien, Đanien, Hôsê, Giôen, Amốt, Ovađia, Giôna, Mika, Nakhum, Khabacuc, Xophonia, Khácgai, Dacaria, Malakia.
* 7 sách giáo huấn: Gióp, Thánh Vịnh, Châm Ngôn, Giảng Viên, Diễm Ca, Khôn Ngoan, Huấn Ca.
b, Tân Ước.
Là Lời Giao Ước Mới mà Thiên Chúa thiết lập với toàn thể nhân loại nhờ chính Con Một Người là Chúa Giêsu và được đóng ấn bằng chính Máu của Người đổ ra trên thập giá (x. Mc 14,22-25; 1Cr 11,23-25).
CÁC SÁCH TÂN ƯỚC (27 cuốn):
* 5 sách lịch sử: Mátthêu, Máccô, Luca, Gioan, Công Vụ Tông Đồ.
* 1 sách ngôn sứ: Khải Huyền
* 21 sách giáo huấn (các thư): Rôma, 1&2 Côrintô, Galát, Ephêsô, Philípphê, Côlôsê, 1&2 Thêxalônica, 1&2 Timôthê, Titô, Philêmôn, Do Thái, Giacôbê, 1&2 Phêrô, 1&2&3 Gioan, Giuđa.
II. Các nguồn tài liệu.
1. Các sách luật (ngũ kinh)[5].
Ngũ Kinh: 5 cuốn sách đầu tiên của Thánh Kinh làm thành một khối duy nhất gọi là sách Luật[6]. Để đạt tới như hiện nay, Ngũ Kinh đã trải qua một quá trình thành hình và phát triển lâu dài.
Ban đầu khi nhìn vào thế giới, khi quan sát các hiện tượng trong trời đất, khi chứng kiến cuộc sống và thân phận con người, khi kinh nghiệm về các biến cố trong lịch sử… một số người trong Israel được mặc khải của Thiên Chúa đã suy tư và tìm hiểu ý nghĩa của những thực tại này. Rồi để phổ biến những kiến thức và kinh nghiệm lãnh hội được từ Thiên Chúa, các tác giả đã dùng những tích truyện, những bài thơ, những điều luật làm phương tiện chuyển tải cho mọi người. Nhờ đó mà chúng ta có bộ Thánh Kinh, cách riêng bộ Ngũ Kinh[7].
Những truyền thống trên bao gồm nhiều tài liệu khác nhau, lắm lúc có cả những tài liệu không cần thiết. Vì thế, qua những biến cố quan trọng ảnh hưởng đến đức tin vào Thiên Chúa, như việc tìm thấy sách Luật trong đền thờ, cuộc lưu đày… người ta đã hiệu đính lại các truyền thống và loại bỏ những gì không cần thiết, đồng thời đưa ra những chú giải làm căn bản thần học cho các truyền thống ấy.
Ngày nay các nhà chú giải phân biệt được thành 4 truyền thống khác nhau lẫn lộn trong bộ Ngũ Kinh:
a, Truyền thống J
J là chữ viết tắt chữ Javeh (Gia-vê). Được gọi là truyền thống Gia-vê vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi danh Thiên Chúa là Gia-vê.
Truyền thống J xuất hiện ở Miền Nam (Giuđa) vào khoảng thế kỷ X trước Chúa Giáng Sinh, dưới thời Đavít và Salômon trị vì Israel.
Đặc điểm của truyền thống này là dùng cách thức của con người để diễn tả Thiên Chúa. Chẳng hạn: Kể chuyện Thiên Chúa giống như thợ gốm ngồi lấy đất nặn ra con người, lấy xương sườn đàn ông để đắp thành đàn bà…
Truyền thống J trình bày giai đoạn lịch sử bao quát kéo dài từ con người khởi thuỷ đến biến cố Xuất Hành. Chủ đề tổng quát của truyền thống J là LỜI HỨA và THỰC HIỆN LỜI HỨA được trình bày qua các trình thuật về các tổ phụ.
b, Truyền thống E
E là viết tắt chữ Ê-lô-him. Được gọi là truyền thống Ê-lô-him vì các đoạn văn thuộc truyền thống này gọi Thiên Chúa là Ê-lô-him.
Truyền thống E xuất hiện muộn hơn truyền thống J, thuộc miền Bắc, tức vào khoảng thế kỷ IX trước Chúa Giáng Sinh.
Đặc điểm của truyền thống này là luôn tránh lối diễn tả về Thiên Chúa theo cách thức con người. Vì thế, khi tường thuật việc Thiên Chúa muốn mặc khải điều gì, thì truyền thống E không dùng hình thức trực tiếp mà dùng các cách thức như: báo mộng, đám mây, ngọn lửa, thiên thần…
Về mặt luân lý, truyền thống E khắt khe hơn truyền thống J, để đương đầu với lối sống vô luân và phong tục của các bộ tộc ngoại đạo sống xung quanh hoặc lẫn lộn với dân Israel.
c, Truyền thống P
P là viết tắt chữ Priest (tư tế). Được gọi là truyền thống tư tế, vì các bản văn thuộc truyền thống tập chú đến những gì liên quan đến chức tư tế và phụng vụ, như: các ngày lễ, của lễ, y phục thánh…
Truyền thống P xuất hiện vào thời lưu đày. Giữa lúc dân Chúa sống giữa thế giới dân ngoại, nên rất dễ bị lung lạc và đồng hoá với các hình thức tôn giáo ngoại đạo. Vì thế, truyền thống P ra đời nhằm bảo vệ đức tin tinh tuyền và cách thờ tự Thiên Chúa của Israel.
Cũng như truyền thống E, đặc điểm của truyền thống P cũng luôn tránh lối diễn tả Thiên Chúa theo cách thức con người, vì Thiên Chúa là Đấng Siêu Việt Tuyệt Đối. Đặc biệt đặt trọng tâm vào chủ đề: Thiên Chúa là Đấng Thánh, nên Israel cũng phải thánh thiện, nghĩa là phải tách biệt ra khỏi nền luân lý và những hình thức tôn thờ do con người bày ra.
Truyền thống P trình bày lịch sử theo khung cảnh phụng vụ, trình bày lịch sử Israel thành 4 thời kỳ và mỗi thời kỳ được đành dấu bằng một giao ước đặc biệt của Thiên Chúa và được đáp ứng bằng một hình thức tôn thờ đặc biệt.
Tóm lại, truyền thống P được trình bày theo lối phụng vụ trang trọng với chủ đích giúp dân Israel lưu đày giữ vững niềm tin vào Thiên Chúa.
Ba truyền thống J, E và P đan kết lại với nhau làm thành 4 cuốn đầu của bộ Ngũ Kinh.
d, Truyền thống D.
D viết tắt chữ Deutoronomy (luật thứ hai). Được gọi là truyền thống Đệ Nhị Luật vì nói về luật và là nội dung của sách Đệ Nhị Luật.[8]
Truyền thống D xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII trước Chúa Giáng Sinh, thuộc thời kỳ khủng hoảng tôn giáo, do các vua gian ác làm tổn hại đến việc tôn kính Giavê, cùng với việc Miền Bắc đã bị sụp đổ và Miền Nam đang bị đe doạ trầm trọng bởi đế quốc Assyri. Trước tình trạng ấy, truyền thống D ra đời nhằm khích lệ dân Israel trung thành với giao ước qua việc tuân giữ lề luật.
Căn bản thần học của truyền thống D là xác tín rằng Giao Ước là lựa chọn đầy yêu thương của Thiên Chúa, do đó tuân giữ giao ước (lề luật) của Thiên Chúa chính là đáp lại sự lựa chọn đầy yêu thương đó.
Cả 4 truyền thống J, E, P và D đều là truyền khẩu, mãi tới thời Đavít và Salomon mới được chép ra thành văn nhờ các thư ký của triều đình. Sau này trong thời kỳ lưu đày ở Babilon và thời kỳ hồi hương mới được các tư tế đúc kết lại các tài liệu như chúng ta có ngày hôm nay[9].
2. Văn chương ngôn sứ [10].
Ngôn sứ được hiểu là một sứ giả của Thiên Chúa và chuyển đạt Lời Chúa, chuyển đạt ý định của Thiên Chúa cho dân.
Các ngôn sứ nhận được sứ điệp từ Thiên Chúa đôi khi qua thị kiến (x Is 6, Ed 1-3…), nhưng thường thì qua ơn linh hứng diễn ra nơi nội tâm. Các vị nhận thức được rõ về linh hứng và xác tín rằng đó là mặc khải của Thiên Chúa và phải được rao giảng cho dân.
Văn chương ngôn sứ: Để rao giảng Lời Chúa cho dân, các ngôn sứ đã sử dụng nhiều hình thức văn chương khác nhau như: THƠ TRỮ TÌNH, NHỮNG TƯỜNG THUẬT BẰNG VĂN XUÔI, NGỤ NGÔN, NHỮNG BÀI GIẢNG THUYẾT, SẤM NGÔN, AI CA, CHÂM BIẾM… Sứ điệp Lời Chúa được các ngôn sứ rao giảng liên quan đến hiện tại và tương lai. Các ngài cũng có thể tiên báo một biến cố sắp xảy đến để minh chứng lời nói và sứ vụ của mình xuất phát từ Thiên Chúa (x. 1Sm 10,1tt; Is 7, 14; Gr 28,15tt).
Để phân biệt đâu là một ngôn sứ có thật là do Thiên Chúa sai đến hay không, Thánh Kinh giúp chúng ta biết dựa theo 1 trong 2 tiêu chuẩn sau đây:
1% Những lời do ngôn sứ rao giảng phải được ứng nghiệm (x. Gr 28,9; Đnl 18,22). Điều này khó tin với người đương thời, vì thường thì lời ngôn sứ được ứng nghiệm trong một tương lai xa. Vì thế, cần đến tiêu chuẩn thứ 2 sau đây:
2% Giáo huấn của ngôn sứ rao giảng phù hợp với tôn giáo Gia-vê (x. Gr 23,22; Đnl 13,2-6). Hơn nữa, các lời ngôn sứ hầu như không bao giờ nói đến những điều bình an giả tạo trước sự suy đồi đạo đức, nhưng thường thì các ngôn sứ nói đến những lời cảnh tỉnh khó nghe, vì đó là lệnh của Thiên Chúa thức tỉnh dân Người.
Tiền ngôn sứ và hậu ngôn sứ: Quy điển Thánh Kinh Do Thái thì các sách: Giosuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua là sách TIỀN NGÔN SỨ, để phân biệt với HẬU NGÔN SỨ là: Isaia, Giêrêmia, Êdêkien và 12 ngôn sứ nhỏ[11].
3. Các sách khôn ngoan [12].
Tìm kiếm và chiếm hữu được khôn ngoan là một khát vọng lớn lao. Vì thế, đi tìm sự khôn ngoan hiểu biết là một phong trào rất thịnh hành của các dân tộc. Mục đích của công cuộc tìm kiếm khôn ngoan là thâu thập những kinh nghiệm rút từ cuộc sống hằng ngày, rồi đúc kết lại thành một nghệ thuật sống giúp người ta thành công trên đường đời, biết sống hoà hợp với mọi người và vũ trụ, để đạt được hạnh phúc.
Các kinh nghiệm rút từ cuộc sống và những quan sát tuần hoàn của vũ trụ được lưu truyền lại bằng những câu CÁCH NGÔN, TÍCH TRUYỆN, BÀI THƠ, ANH HÙNG CA… và làm thành một kho văn chương độc đáo, đó là VĂN CHƯƠNG KHÔN NGOAN[13].
Dân Israel cũng hấp thụ nền văn minh và kho tàng khôn ngoan của các dân tộc, nhưng không chỉ dừng lại ở những gì có tính cách nhân bản mà còn được nâng lên một lãnh vực cao siêu hơn, không chỉ dừng lại ở lãnh vực cuộc sống thường ngày mà thăng hoá lên trong cái nhìn tôn giáo, nghĩa là sự khôn ngoan đích thực xuất phát từ Giavê, được soi sáng bởi Giavê và sự khôn ngoan của mọi khôn ngoan chính là lòng đạo đức và kính sợ Đức Chúa. Có thể so sánh sự khác biệt: Khôn ngoan dân ngoại đưa ra sự đối lập giữa khôn và dại, thì khôn ngoan Isrel đưa ra sự đối lập giữa đạo đức và vô luân, giữa công chính và bất chính…
Tóm lại: Các nguồn tài liệu lịch sử, ngôn sứ và khôn ngoan đã tạo nên một cuốn Thánh Kinh duy nhất.
Chương II.
MỘT
SỐ
VẤN
ĐỀ
THÁNH
KINH.
1, Ngôn ngữ, chất liệu chép Thánh Kinh [14].
Ngôn ngữ: Hiện nay, các thủ bản (bản gốc) nguyên thủy của Thánh Kinh phần lớn đã bị thất lạc và chỉ còn lại các bản sao lục, nghĩa là những bản được sao chép từ bản chính. Căn cứ vào những bản sao lục, thì Thánh Kinh được chép bằng các loại ngôn ngữ sau đây:
Híp-ri (Do Thái): Hầu hết các sách Cựu Ước được chép bằng tiếng Do Thái, nhất là các sách lịch sử.
Hi Lạp: Một số ít sách được viết bằng tiếng Hi Lạp, nhất là các sách thuộc văn chương khôn ngoan và viết vào thời kỳ văn hoá Hi Lạp bành trướng (khoảng -333).
A-ram: Chỉ có một số đoạn và rất ít sách chép bằng tiếng A-ram. Aram là thứ ngôn ngữ gần với tiếng Híp-ri, nó được dùng làm tiếng quốc tế được sử dụng trong khắp đế quốc Ba Tư trong công việc thương mại và ngoại giao (như tiếng Anh ngày nay). Ở Giuđêa, tiếng Aram dần dần thay thế tiếng Híp-ri là thứ tiếng chỉ còn dùng trong phụng vụ. Thời Đức Giêsu dân nói tiếng Aram và không còn hiểu tiếng Híp-ri nữa.
Riêng các sách Tân Ước đều chép bằng tiếng Hi Lạp. Một số học giả cho rằng, Tin Mừng Matthêu được chép bằng tiếng Aram trước khi được dịch ra tiếng Hi Lạp[15].
Chất liệu viết: Nghệ thuật in ấn mới được phát minh vào thế kỷ XV sau Chúa Giáng Sinh. Thế nhưng, từ thời thượng cổ, con người cũng đã tìm ra những cách để lưu lại, như khắc trên gỗ, trên đá, trên đất sét…
Các chất liệu được dùng để chép Thánh Kinh là chỉ thảo và da thuộc.
– Chỉ thảo (papyrus): Là loại chất liệu làm bằng ruột cây sậy chẻ mỏng và ép chồng lên nhau rồi phơi khô làm giấy để viết.
– Da thuộc (Parchment): Là chất liệu làm bằng da thú vật ngâm nước vôi, phơi khô và đánh nhẵn ra để làm giấy viết. Loại này xuất hiện vào khoảng thế kỷ VII Trước CSS.
2. Vấn đề quy điển Thánh Kinh.
Quy điển Thánh Kinh là tất cả những sách được nhìn nhận là có Linh Hứng và chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Rỗi.
Vấn đề quy điển: Có thể nói việc đưa ra khảo sát và phán quyết về đặc tính linh hứng để một cuốn sách được xếp vào quy điển là rất phức tạp và để lại nhiều vấn đề tranh cãi.
Trước hết, Thánh Kinh không phải là một cuốn sách, do một tác giả chép, xuất hiện cùng một thời kỳ và được in ấn thành sách như ngày nay. Trái lại, là một sưu tập nhiều cuốn sách, do nhiều tác giả khác nhau chép, xuất hiện vào nhiều thời kỳ đôi khi cách xa nhau và hơn nữa còn được sao chép nhiều lần chứ không phải in ấn một lần như ngày nay. Vì thế, việc sưu tầm các tài liệu đó, rồi gom lại thành tập và sao lục lại các tài liệu ấy đã tạo ra nhiều nghi vấn về tính chính xác của một cuốn sách. Chẳng hạn: Cuốn sách ấy có được sao lục đúng với bản gốc không? Có thực sự có linh hứng không…? Cho nên, vấn đề quy điển được đặt ra là nhằm loại bỏ những cuốn sách không thực sự có Ơn Linh Hứng và không được kể là Kinh Thánh.
Thứ đến, là do trong Kinh Thánh có những câu chuyện thiếu phần kết thúc, hoặc thiếu những tình tiết lãng mạn, ly kỳ. Thế rồi có những đầu óc giàu tưởng tượng, hoang đường, đã viết bổ sung nhằm thoả mãn tính hiếu kỳ. Chẳng hạn người ta đã viết thêm truyện kể về cuộc đờiẩn dật của Chúa Giêsu, chuyện về thánh Giuse… vì cho rằng trong Kinh Thánh nói quá ít và quá thiếu. Những sách mang nhiều tình tiết ly kỳ, hoang đường và hư cấu này được xếp vào các sách gọi là Nguỵ Thư [16].
Sau cùng, có những sách được một số cộng đoàn Do Thái hoặc cộng đoàn Kitô Giáo nhận là Thánh Kinh, nhưng một số cộng đoàn khác lại không nhìn nhận. Vì thế vấn đề quy điển được đặt ra để phán quyết sách nào là có Linh Hứng và sách nào là không?
a, Sự khác biệt về quy điển trong Công Giáo và Tin Lành.
Giáo Hội Công Giáo và Tin Lành không nhìn nhận một quy điển Thánh Kinh như nhau.
Cụ thể, 7 cuốn sau đây được Giáo Hội công giáo nhìn nhận là Thánh Kinh, trong khi Tin Lành thì không:
1. Sách Tobia.
2. Sách Giuđita.
3. Sách Khôn Ngoan.
4. Sách Huấn Ca.
5. Sách Baruc.
6. Sách Macabê I.
7. Sách Macabe II.
Ngoài ra, Tin Lành cũng không nhìn nhận một số chương trong sách Ette và sách Đanien vào quy điển.
b, Thẩm quyền phán quyết về quy điển Thánh Kinh.
Khi phán quyết về một cuốn sách không thể căn cứ vào hình thức văn chương để chân nhận tính linh hứng của nó, vì nhiều cuốn có hình thức văn chương tuyệt tác mà không được công nhận vào quy điển, trong khi một số cuốn có hình thức văn chương rất nghèo nàn và vụng về lại được xếp vào quy điển. Cũng không thể căn cứ vào nội dung cao siêu để phán quyết là có linh hứng, vì không thiếu những tác phẩm viết về những suy luận cao siêu như các tác phẩm của Socrate, Platon, Aristote… nhưng không thể gọi là Thánh Kinh.
Cần biết rằng, đã nhìn nhận Thánh Kinh là bộ sách chứa đựng các chân lý mặc khải của Thiên Chúa, thì đương nhiên cũng chỉ có mình Thiên Chúa mới là tiêu chuẩn và có thẩm quyền để phán quyết mà thôi.
Tuy nhiên, Thiên Chúa, qua mầu nhiệm nhập thể, Chúa Giêsu sau khi về trời đã uỷ thác quyền bính cho các Tông Đồ và ban Thánh Thần cho họ, rồi từ các Tông Đồ thông truyền đến cho Giáo Hội của Người. Chúa Thánh Thần hướng dẫn và gìn giữ Giáo Hội khỏi mọi sai lầm về giáo lý và luân lý, vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).
Tóm lại, vì được Chúa Kitô uỷ thác để bảo tồn và truyền bá giáo lý mặc khải của Chúa, nên Giáo Hội có đủ thẩm quyền để phán quyết tính cách linh hứng của một cuốn sách. Tiêu chuẩn để Giáo Hội phán quyết có được xếp vào quy điển hay không, chính là sách có phù hợp với giáo lý của các Tông Đồ hay không.
Ngoài ra, tiếng nói của một số các sử gia và chuyên viên nghiên cứu sách thánh cũng góp phần quan trọng, nhưng chỉ có giá trị làm sáng tỏ vấn đề, chứ không có tính quyết định.
3. Thánh Kinh và Khoa Học.
Nếu nhìn theo khao học, chúng ta thấy trong Thánh Kinh có rất nhiều điều trái với khoa học.
Ví dụ:
Trình thuật tạo dựng trong 6 ngày (x. St 1).
Nước được chứa trên trời trong một cái vòm rắn chắc (x. St 1,7; G 37, 18).
Thỏ rừng là động vật thuộc loài nhai lại (x. Lv 11,6; Đnl 14,4).
Trái đất bằng phẳng, có cột chống đỡ và bên dưới là nước (Tv 136,6).
Mặt trời xoay quanh trái đất (Tb 2,7; Et 11,11); Giosuê cho mặt trời đứng lại (Gs 10,12).
Trước những mâu thuẫn với khoa học như thế đã dẫn đến các lập trường sau đây:
a, Các lập trường cực đoan.
Phái cực tả: Chủ trương rằng, vì trái ngược với khoa học nên Thánh Kinh hoàn toàn sai lầm, vì thế không đáng tin.
Phái cực hữu: Chủ trương Thánh Kinh hoàn toàn phù hợp với khoa học. Chủ trương này cố gắng giải thích những sự kiện Thánh Kinh cho hợp với khoa học. Chẳng hạn: Để giải thích việc con người trong Thánh Kinh hợp với thuyết tiến hoá theo khoa học, họ giải thích rằng, ông bà nguyên tổ ban đầu ở trần truồng trong vườn địa đàng, chịu tác động của sương gió… nên vẫn lông lá mọc nhiều trên da, và đó là dấu vết còn lại ngày hôm nay nơi con cháu. Hoặc, chuyện sáng tạo vẫn đúng là 6 ngày, nhưng ngày ở đây được hiểu là một thời kỳ có thể kéo dài hàng trăm triệu hoặc tỉ năm. Những giải thích của phái cực hữu nhiều khi rất gượng ép và bế tắc. Chẳng hạn, họ không thể lý giải việc thứ tự sáng tạo: ngày đầu tiên có ánh sáng, nhưng tới ngày thứ tư mới tạo dựng mặt trời mặt trăng… (x. St 1).
b, Lập trường của Giáo Hội Công Giáo.
Giáo Hội chủ trương Kinh Thánh không phải là bộ sách dạy về khoa học, lịch sử hay văn phạm, nhưng là bộ sách chứa đựng những chân lý mặc khải về Ơn Cứu Độ mà Thiên Chúa muốn nói với loài người bằng tiếng nói con người. Nhờ đó người ta mới có thể hiểu và đón nhận được Lời Chúa[17]. Vì vậy, những quan niệm như “mặt trời xoay quanh trái đất” là quan niệm thông thường của người đương thời và việc tác giả Thánh Kinh thời đó sử dụng quan niệm bình dân để chép thì sẽ giúp người ta dễ hiểu và dễ chấp nhận. Còn nếu ai cũng quan niệm như thế mà có người nói ngược lại thì sẽ bị coi là gàn dở điên khùng nên chẳng thèm tin. Ngay cả ngày nay, quan niệm về việc “mặt trời xoay quanh trái đất” vẫn còn tồn tại như chúng ta vẫn thường nói “mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở đàng tây” mà không ai đặt vấn đề sai đúng, và ai cũng biết đó là theo quan sát của mắt thường.
Tóm lại, Thánh Kinh không phải là bộ sách có mục đích dạy về khoa học, nên có thể có những mâu thuẫn về khoa học, do các tác giả dùng chính quan niệm bình dân để chép, hoặc phản ảnh những sai lầm của thời đại lúc ấy.
4. Các chủ thuyết.
a, Vấn đề sáng tạo.
Cần biết rằng, tường thuật về sáng tạo không phải là một sự tích lịch sử, nhưng là một cách dựng truyện để diễn tả về những chân lý mặc khải Ơn Cứu Độ. Có nghĩa là, xuyên qua các tường thuật về sáng tạo có vẻ huyền thoại này, mời gọi chuyển đạt những chân lý sau đây:
* Vũ trụ vạn vật từ đâu mà có?
– Do Thiên Chúa sáng tạo nên.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ từ lúc nào và bằng gì?
– Thiên Chúa tạo dựng từ khởi thuỷ và từ hư vô.
* Thiên Chúa tạo nên vũ trụ thế nào?
– Bằng Lời quyền năng, chỉ phán một lời là có.
* Tình trạng của vũ trụ từ lúc tạo thành thế nào?
– Hoàn toàn tốt đẹp.
* Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ để làm gì?
– Để biểu lộ sự tốt lành của Người.
* Thiên Chúa sáng tạo hay liên tục sáng tạo?
– Liên tục sáng tạo vì sau khi sáng tạo, Thiên Chúa chúc phúc cho các sinh vật tiếp tục sinh sản ra nhiều.
* Có nhiều thần sáng tạo không?
– Chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo duy nhất. Các thần dân ngoại tôn thờ như: Ai Cập có thần mặt trời, Babilon có thần mặt trăng, Assiry có thần các tinh tú… chỉ là thụ tạo do Thiên Chúa dựng nên mà thôi, chứ không phải là thần minh.
b, Vũ trụ quan theo Thánh Kinh.
Người xưa quan niệm cơ cấu vũ trụ giống như một cái bát lớn úp xuống mặt đất (chân trời). Có các tinh tú được gắn chặt cố định trên vòm trời. Vì thỉnh thoảng có mưa nên tin rằng có nước được ngăn lại trên trời, khi mưa thì các con đập được mở ra để nước tuôn xuống. Mặt đất thì bằng phẳng như mặt bàn, bên dưới là nước và mặt đất có các cột chống đỡ. Trong lòng đất là Âm Phủ (sheol) là nơi cư ngụ của người chết….
Để trả lời cho những điều trên, cần hiểu rằng thời thượng cổ, người ta chưa phát minh ra các phương tiện hiện đại như kính lúp và các phương tiện khám phá không gian, mà tất cả chỉ dừng ở việc quan sát các sự luân chuyển trong vũ trụ bằng mắt thường. Tất cả chỉ dừng lại ở mức quan niệm hơn là những thí nghiệm khám phá. Chính vì thế, những quan niệm cổ xưa được chép ra so với thời nay sai với khoa học chứng minh được, nhưng lại rất hợp lý và cho đến ngày nay bằng việc quan sát thường ngày cũng vẫn hợp lý. Người đương thời dùng để chuyển đạt Lời Chúa cũng sử dụng tiếng nói và quan niệm như thế. Vì vậy, cần nắm bắt được điều này để không rơi vào những phán xét cực đoan cho rằng Thánh Kinh là sai lầm.
c, Độc nguyên và đa nguyên.
Ngày nay, khi xuất hiện các nghiên cứu về tiến hoá, về các chủng loại người cũng như những khám phá về dấu vết của sự sống sinh vật có thể có nơi các hành tinh ngoài trái đất, người ta bắt đầu đặt vấn đề nguyên tổ: Độc nguyên hay đa nguyên?
Thuyết độc nguyên (Monogenisme) chủ trương con người phát sinh từ một cha mẹ duy nhất.
Thuyết đa nguyên (Polygenisme) lại chủ trương phải có nhiều nguyên tổ khác nhau. Thuyết này cho rằng, vì có rất nhiều chủng loại người khác nhau trên các châu lục, cũng như có sự tiến hoá theo nhiều thời kỳ để hình thành con người thông minh. Đồng thời, biết đâu có một chủng người khác ở một hành tinh khác trong vũ trụ ngoài trái đất (người ngoài hành tinh). Vì thế, có nhiều nguyên tổ.
Vấn đề được đặt ra là câu chuyện về nguyên tổ Ađam – Eva là một sự tích mang màu sắc huyền thoại, mà nguồn văn J để lại không thể hiểu theo nghĩa đen, và như vậy có buộc phải tin là độc tổ hay không?
Trong khi những bản văn Tân Ước như Rm 5,12-21 và 1Cr 15,21tt xác định về độc tổ: “Vì một người mà tội lỗi đã nhập vào thế gian và vì tội lỗi mà người ta phải chết…”. Giáo Lý của Giáo Hội nói về tội nguyên tổ…. Vậy làm sao dung hoà được chuyện độc tổ hay đa tổ quả là một điều hết sức khó khăn.
Đức Pio XII trong thông điệp Humani Generis phản bác thuyết đa nguyên vì cho rằng thuyết này không thể dung hoà được tội nguyên tổ.
Nhà thần học người Đức Karl Rahner cho rằng thuyết đa nguyên có thể chấp nhận được một vài hình thức.
Dự trù cho vấn nạn tội nguyên tổ, một số nhà thần học ngày nay không không coi Tội Nguyên Tổ như một hành động do Nguyên Tổ loài người phạm một lần và gây ra hậu quả có ảnh hưởng đến toàn nhân loại, nhưng họ đồng hoá tội đó với TỘI TRẦN GIAN nơi thần học Gioan (x. Ga 1,29), nghĩa là do lạm dụng tự do Nguyên Tổ đã vi phạm lệnh truyền của Thiên Chúa, rồi một khi tội lỗi bắt đầu xuất hiện thì đà xuống dốc không thể dừng lại được và kéo theo một môi trường hay một tình trạng hư hoại. Trải qua từ thế hệ này đến thế hệ khác, tội lỗi cứ thêm chồng chất và mọi người đều đóng góp vào “tội trần gian” ấy. Đó là tình trạng khi một người sinh ra đã ở trong môi trường tội lỗi và rồi lệ thuộc tình trạng sẵn có này. Với khả năng nhỏ bé con người không thể lướt thắng mãnh lực tội lỗi nên cần đến Ơn Cứu Rỗi.
Nếu hiểu tội nguyên tổ theo nghĩa “tội trần gian” thì không còn khó khăn về vấn đề độc tổ hay đa tổ. Tín điều Giáo Hội là vấn đề thuộc đức tin, nhưng việc phát sinh từ một cha mẹ duy nhất thì không thuộc đức tin.
Đó là những dự trù cho những giải thích có thể trong tương lai, chứ cho đến ngày nay vẫn chưa ai có thể chứng minh được cách chắc chắn là đa nguyên.
5. Thánh Kinh và thời gian.
Cách tư duy theo lối Tây Phương, quan niệm thời gian như một thực tại có thể đo lường được. Thật vậy, khi muốn nhắc đến thời gian, người ta dùng các dụng cụ trắc lượng như đồng hồ hay quyển lịch để có thể xác định một thời đại hoặc một biến cố. Thời gian trở thành đặc tính có thể đo lường.
Nhưng đối với người Do Thái, biết thời gian không phải là cho nó một thời biểu, mà biết thời gian được nói đến là thời gian nào: Đó là thời gian của tiếng cười hay thời gian khóc lóc, thời gian của hoà bình hay thời gian chiến tranh, thời gian để gieo hay thời gian để gặt…
“Mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời :
một thời để chào đời, một thời để lìa thế ;
một thời để trồng cây, một thời để nhổ cây ;
một thời để giết chết, một thời để chữa lành ;
một thời để phá đổ, một thời để xây dựng ;
một thời để khóc lóc, một thời để vui cười ;
một thời để than van, một thời để múa nhảy ;
một thời để quăng đá, một thời để lượm đá ;
một thời để ôm hôn, một thời để tránh hôn ;
một thời để kiếm tìm, một thời để đánh mất ;
một thời để giữ lại, một thời để vất đi ;
một thời để xé rách, một thời để vá khâu ;
một thời để làm thinh, một thời để lên tiếng ;
một thời để yêu thương, một thời để thù ghét ;
một thời để gây chiến, một thời để làm hoà” (Gv 3,1-8).
Giống như khi nói: “thời gian tốt”, thời gian xấu”, “thời kì tân tiến”, “thời kỷ khó khăn…” có nghĩa là đánh giá những gì xảy ra trong thời gian, đánh giá phẩm tính của kinh nghiệm con người chứa đựng trong đó.
Khi nghĩ đến lịch sử, người ta tìm lại quan niệm lượng số về thời gian. Riêng người Do Thái thời xưa không tự đặt mình vào một chỗ nhất định, mà phối trí các biến cố, địa điểm, các thời đại và thấy mình lư thông trong đó. Nguyên tố duy nhất và độc nhất của biến cố đối với Do Thái là Thiên Chúa, vì Người là chủ lịch sử, là Đấng tổ chức thời gian: “… Một thời để ăn chay, một thời để vui chơi, một thời để phán xét, một thời để cứu rỗi…”
Mười một chương đầu của sách Sáng Thế tường thuật tuổi đời rất dài của các tổ phụ, như: Ađam 930 tuổi (St 5,5), Mơthusêlac 969 tuổi, Nôê 950 tuổi (St 9,29)… Điều này cho ta những thắc mắc:
Có phải người xưa sống thọ hơn ngày nay?
Người xưa đã biết tính tuổi (365 ngày) như ngày nay?
Làm thế nào các tác giả Thánh Kinh biết được tuổi những người sống trước họ hàng trăm thế kỷ?
Thiết nghĩ, Thiên Chúa không mặc khải những điều như thế, nhưng các tác giả chép thánh Kinh đã định tuổi của họ với những dụng ý sau:
– Cố gắng bắc nhịp cầu nối liền giữa thời đại đương thời của tác giả với các tổ phụ thời đại xa xưa, để nói lên tính liên tục của lịch sử và chứng tỏ Thiên Chúa là chủ lịch sử và hiện diện hoạt động trong mọi thời đại. Tuy nhiên, trở ngại lớn nhất cho các tác giả là sử liệu truyền khẩu về các vĩ nhân và các biến cố không nhiều trong khoảng thời gian lịch sử rất dài, nên các vị đã phải phân phối tuổi tác các vĩ nhân làm sao cho bao trùm hết được khoảng thời gian lịch sử ấy. Dĩ nhiên, các tác giả Thánh Kinh cũng không biết rõ lịch sử nhân loại bắt đầu từ bao giờ và các vị cũng chỉ dùng quan niệm bình dân của thời đại các vị để chép mà thôi.
– Quan niệm người xưa cho rằng sống lâu là một ân huệ Chúa ban. Vì thế, việc gán cho các tổ phụ có tuổi đời trường thọ, ngụ ý cho thấy rằng các tổ phụ kia đã sống cuộc sống đầy ân nghĩa với Thiên Chúa.
Tóm lại: Tuy các tác giả Thánh Kinh thực sự không biết chắc về tuổi thọ của các tổ phụ, nhưng việc gán cho các tổ phụ có tuổi đời rất lớn là nhằm cho thấy dù các vị sống từ thời xa xưa vẫn thuộc gia đình nhân loại, và Thiên Chúa của chúng ta hôm nay cũng là Thiên Chúa của các tổ phụ xưa. Thiên Chúa duy nhất.
6. Ngày tháng trong Thánh Kinh.
Người Do Thái tính năm tháng theo hai loại lịch khác nhau:
Năm: Tính theo dương lịch, nghĩa là mỗi năm có 365 ngày.
Tháng: Tính theo âm lịch, nghĩa là tính theo chu kỳ mặt trăng xoay quanh trái đất một vòng gồm 29 ngày. Như thế, 12 tháng trong 1 năm chỉ có 348 ngày. Vì sự chênh lệch của năm âm lịch và dương lịch, nên cứ hai hoặc ba năm lại phải thêm một tháng nhuận. Cách thêm tháng nhuận do các tiến sĩ luật họp và nghiên cứu thêm vào sau tháng cuối cùng (Adar thứ hai).
Trước khi về định cư tại Canaan, người Do Thái dùng tên tháng của người Canaal, nhưng sau lưu đày, họ dùng tên tháng của Babilon như sau:
1. Nisan (khoảng tháng 3 và 4).
2. Iyyar (khoảng 4 và 5).
3. Siwan (khoảng 5 và 6).
4. Tammuz (khoảng 6 và 7).
5. Ab (khoảng 7 và 8).
6. Alul (khoảng 8 và 9).
7. Tiishri (khoảng 9 và 10).
8. Marsheshwan (khoảng 10 và 11).
9. Kisleu (khoảng 11 và 12).
10. Tebet (khoảng tháng 12 và tháng giêng).
11. Shebat (khoảng tháng giêng và 2).
12. Adar (khoảng 2 và 3).
Năm nhuận có thêm tháng Adar thứ hai.
Ngày: Ngày của người Do Thái được tính từ lúc mặt trời lặn. Vì thế, Đức Giêsu chịu chết vào ngày thứ sáu, Người ta phải cho tháo xác Người xuống trước khi mặt trời lặn để khỏi vi phạm ngày Sabát (x. Ga 19,31). Ngày được chia thành 12 giờ và đêm có 4 canh. 7 ngày một tuần, 4 tuần 1 tháng, ngày thứ 7 là sabat – ngày nghỉ.
7. Các ngày lễ.
Shabbat (tiếng Hebrew: ÇĐÌ) , là ngày nghỉ hàng tuần, bắt đầu từ lúc trước khi mặt trời lặn ngày thứ sáu và kết thúc sau khi mặt trời lặn vào ngày thứ bảy, tưởng nhớ ngày nghỉ của Thiên Chúa sau sáu ngày tạo dựng vũ trụ.[13] Ngày lễ này rất quan trọng trong việc thực hành đạo và được quy định trong giáo luật. Lúc mặt trời lặn ngày thứ sáu, người phụ nữ trong gia đình đón ngày Shabbat bằng cách thắp hai hoặc nhiều cây nến và đọc lời chúc lành. Bữa tối bắt đầu với Kiddush, lời chúc lành trên chén rượu, và Mohtzi, lời chúc lành trên bánh mì. Ngoài ra, trên bàn ăn còn có thể bày thêm challah, hai ổ bánh mì xoắn. Trong ngày Shabbat, người Do Thái bị cấm làm những việc như đã quy định trong 39 danh mục hoạt động bị cấm trong ngày Shabbat. Những hành động bị cấm bao gồm: đốt lửa, viết lách, sử dụng tiền bạc hoặc mang vác ở nơi công cộng. Việc cấm đốt lửa trong thời kỳ hiện đại là cấm lái xe (vì có đốt cháy nhiên liệu) và sử dụng điện.
Ba lễ hành hương
Các ngày lễ thánh (haggim), để kỷ niệm các mốc trong lịch sử Do Thái giáo, như việc thoát khỏi đất Ai Cập, sự mạc khải của Thiên Chúa trong sách Torah, hoặc đôi khi đánh dấu sự chuyển mùa hoặc lúc giao mùa giữa các chu kỳ trồng trọt. Có ba lễ chính, đó là Lễ Vượt qua, Lễ Ngũ Tuần và Lễ Lều tạm. Trong ba dịp lễ này, các tín hữu thường hành hương về Jerusalem để dâng sự hy sinh trong Đền Thánh.
Lễ Vượt qua là ngày lễ nghỉ kéo dài một tuần, bắt đầu vào chiều tối ngày thứ 14 của Nisan (tháng thứ nhất theo lịch Do Thái), để tưởng nhớ ngày thoát khỏi Ai Cập. Các nước khác ngoài Israel, Lễ Vượt qua được mừng trong tám ngày. Thời xưa, lễ này trùng vào mùa gặt lúa mạch. Đây là lễ duy nhất tập trung cho các nghi thức được thực hiện ngay tại nhà, đó là “Bữa tối lễ Vượt qua”. Thực phẩm có men (chametz) được mang ra khỏi nhà trước ngày lễ và suốt tuần sẽ không dùng thực phẩm có men. Nhà cửa được dọn dẹp sạch sẽ để bảo đảm không còn bánh mì trong nhà và vào buổi sáng của ngày lễ, người ta sẽ đốt tượng trưng chiếc bánh có men cuối cùng trong nhà. Bánh không men (Matzo) sẽ được dùng thay cho bánh mì.
Lễ Ngũ Tuần (Shavuot) kỷ niệm sự mạc khải của sách Torah cho Con cái Israel trên núi Sinai. Đây còn được gọi là Lễ Bikurim, (Hoa quả đầu mùa), lễ này trùng với mùa thu hoạch lúa mì. Trong ngày lễ Shavuot, người ta tổ chức học suốt đêm (Tikkun Leil Shavuot), ăn thực phẩm làm từ sữa (bánh phô-mai và bánh kếp mỏng được đặc biệt yêu thích), đọc Sách Ruth, trang trí nhà cửa và đền thờ thành màu xanh lá cây, mặc quần áo trắng, tượng trung cho sự thanh khiết.
Lễ Lều tạm (Sukkot) tưởng nhớ Con cái Israel phải mất 40 năm đi qua sa mạc để trở về miền Đất Hứa. Lễ này kỷ niệm việc dựng các lều tạm (sukkot) khi dân Israel lưu đày trên đất Ai Cập. Lễ này trùng với mùa thu hoạch hoa quả và đánh dấu sự kết thúc một chu kỳ trồng cấy. Người Do Thái khắp nơi trên thế giới ăn ở trong sukkot trong 7 ngày 7 đêm. Lễ Lều tạm kết thúc bằng lễ Shemini Atzeret (lễ người Do Thái cầu mưa) và lễ Simchat Torah, là lễ đánh dấu sự kết thúc của sách Torah và bắt đầu một chu kỳ sách mới.
Lễ trọng
Lễ trọng (Yamim Noraim) là các lễ về sự phán xét và tha thứ.
Rosh Hashanah, (còn gọi là Yom Ha-Zikkaron (“Ngày tưởng niệm,”) và Yom Teruah (“Ngày tiếng kèn Shofar”). Rosh Hashanah là lễ Năm mới của Do Thái giáo, mặc dù nó là ngày thứ nhất của tháng thứ 7 Tishri, theo lịch Do Thái. Rosh Hashanah đánh dấu bắt đầu thời gian 10 ngày để đền bù tội lỗi chuẩn bị cho lễ Yom Kippur, trong thời gian này, người Do Thái sửa soạn tâm hồn, sám hối và làm việc đền bù tội lỗi đã phạm một cách vô tình hay cố ý trong suốt năm qua. Trong ngày lễ này, người ta thổi kèn shofar (kèn sừng cừu), trong đền thờ, người ta ăn táo và uống mật ong, đọc các lời chúc lành trên thực phẩm tượng trưng như quả lựu chẳng hạn.
Yom Kippur, (“Ngày đền tội”) là một trong những lễ trọng của Do Thái giáo. Đó là ngày cộng đoàn tụ họp lại và cầu nguyện xin tha thứ tội lỗi đã phạm. Các tín hữu cầu nguyện suốt ngày trong đền thờ, đọc kinh từ sách Mahzor, thỉnh thoảng có nghỉ một tí vào buổi chiều. Vào đêm lễ Yom Kippur, trước khi thắp nến, người ta ăn nhẹ (suhoor). Nghi thức trong các đền thờ vào đêm lễ Yom Kippur bắt đầu với lời kinh Kol Nidre. Vào dịp lễ này có thể mặc quần áo trắng nhưng không được mang giày da. Ngày tiếp theo, người ta cầu nguyện từ sáng đến tối. Khi buổi cầu nguyện kết thúc (“Ne’ilah,”) người ta thổi một hồi dài kèn shofar.
Các ngày lễ khác
Hanukkah, (tiếng Hebrew: çð ), còn gọi là Lễ hội Ánh sáng, là lễ kéo dài tám ngày bắt đầu từ ngày thứ 25 của tháng Kislev theo lịch Do Thái. Trong dịp lễ này, người Do Thái sẽ thắp thêm một ngọn đèn theo số tăng dần của mỗi đêm lễ, đêm thứ nhất thắp một ngọn đèn, đêm thứ hai thắp hai ngọn đèn…cho đến đêm cuối cùng là tám ngọn đèn.
Lễ Hanukkah có nghĩa là “dâng hiến” vì nó đánh dấu việc tái dâng hiến Đền thờ sau khi đền thờ bị Đức vua Antiochus IV Epiphanes báng bổ. Trong đức tin, Hanukkah nhằm tưởng nhớ “Dầu kỳ diệu”. Theo sách Talmud, khi tái dâng hiến Đền thờ Jerusalem sau chiến thắng của phong trào Macabê đối với Đế chế Seleucid, chỉ còn đủ dầu thánh để đốt lửa vĩnh cửu trong Đền thờ trong một ngày. Kỳ diệu thay, lửa đã cháy trong tám ngày – đó là thời gian đủ để ép, chuẩn bị và thánh hoá dầu mới.
Hanukkah không được đề cập đến trong Phúc âm và cũng chưa bao giờ được xem là lễ chính của Do Thái giáo nhưng lễ này đã được mừng rộng rãi ở nhiều nơi, chủ yếu là do lễ cũng trùng vào dịp Lễ Giáng sinh.
Purim (tiếng Hebrew: ơí Prỵm) là lễ mừng, tưởng nhớ việc giải thoát dân Do Thái gốc Iran (Persian Jews) khỏi bị truy sát của Haman, người đã tìm để tiêu diệt họ, theo như Sách Esther đã ghi chép. Trong ngày lễ này, người ta đọc Sách Esther ở nơi công cộng, trao tặng nhau thực phẩm và thức uống, làm việc từ thiện cho người nghèo, và ăn mừng (Esther 9:22). Các tập tục khác bao gồm uống rượu, ăn bánh “hamantash”, mang mặt nạ, tổ chức diễu hành (carnival) và tiệc mừng.
Purim được kỷ niệm hàng năm vào ngày thứ 14 của tháng Adar theo lịch Do Thái, tương đương với tháng hai hoặc tháng ba của dương lịch.
8. Ý nghĩa các con số trong Thánh Kinh.
Trong Thánh Kinh thường sử dụng những con số có tính tượng trưng, cách riêng thể văn khải huyền hay dùng các con số ám chỉ một thực tại nào đó, như:
– Số 7 ám chỉ sự hoàn hảo.
– Số 6 ám chỉ sự bất toàn.
– Số 12 ám chỉ dân Israel.
– Số 40 ám chỉ sự đầy đủ.
– Số 1000 ám chỉ tính bao la rộng lớn.
Ví dụ: “Samson vớ được cái hàm lừa tươi và dùng nó đánh chết một ngàn người Philitinh” (Tl 15,15). “Có một trăm bốn mươi bốn ngàn người được đóng ấn” (Kh 7,4)…
Thực ra các tác giả chép Thánh Kinh không chủ tâm cung cấp cho độc giả những con số chính xác, nhưng nhằm cho thấy về tầm mức quan trọng của vấn đề được nói tới mà thôi.
Chương III.
CHÚ
GIẢI
THÁNH
KINH.
1. Định nghĩa.
Chú giải Thánh Kinh là tìm hiểu ý nghĩa để rồi áp dụng vào cuộc sống. Đây là việc thường ngày của những ai muốn đọc Lời Chúa. Việc chú giải có nhiều trình độ khác nhau:
– Chú giải một cách khoa học như các nhà chuyên môn về Thánh Kinh.
– Khám phá những ý nghĩa thiêng liêng sâu sắc như các Giáo Phụ.
– Rút ra những bài học đơn sơ cho cuộc sống thường ngày.
Riêng khoa chú giải Thánh Kinh Công Giáo là khoa nhằm giải thích và chuyển đạt Lời Chúa cách trung thành và trọn vẹn, đặt dưới quyền giáo huấn của Giáo Hội.
Trong Cựu Ước có phong trào Midrash chuyên việc chú giải Cựu Ước; trong Tân Ước, Chúa Giêsu và các Tông Đồ trưng dẫn Cựu Ước và đã đem áp dụng vào thực tế. Đến thời các giáo phụ có hai trường phái với hai đường hướng rõ rệt: trường phái Alexandria với thánh Clément d’Alexandria và Origène thiên về nghĩa bóng, còn trường phái Antiochia thiên về nghĩa của từ. Hai trường phái này ảnh hưởng rất lớn trên các giáo phụ, như thánh Augustino theo lối chú giải của trường phái Alexandria, còn thánh Hieronymo lại thiên về trường phái Antiochia.
Sở dĩ ngày nay chúng ta đón nhận Thánh Kinh là vì chúng ta dựa trên quan điểm của Giáo Hội. Ngay từ đầu, Giáo Hội có lòng tin tưởng và quý mến đặc biệt đối với Thánh Kinh. Trước hết, các Tông Đồ kêu mời mọi Kitô hữu hãy đến kín múc từ Thánh Kinh những chân lý và sức sống. Thánh Phaolô viết cho Timôthê: “Từ thời thơ ấu, anh đã biết Sách Thánh, sách có thể dạy anh nên người khôn ngoan để được ơn cứu độ, nhờ lòng tin vào Đức Ki-tô Giê-su. Tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng, và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công chính” (2Tm 3, 15-16). Thánh Phêrô cũng đồng một xác tín: ““Chúng tôi tin tưởng vào lời các ngôn sứ. Anh em chú tâm vào đó là phải, vì lời ấy như chiếc đèn tỏ rạng giữa chốn tối tăm, cho đến khi ngày bừng sáng và sao mai mọc lên soi chiếu tâm hồn anh em. Nhất là anh em phải biết điều này: không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2Pr 1, 19-21).
Công đồng Vaticano II, quyền tối cao trong Giáo Hội hôm nay, đã tuyên bố: “Giáo Hội luôn tôn kính Thánh Kinh như Thân Thể Chúa… Cùng với Thánh Truyền, Thánh Kinh đã và đang được Giáo Hội xem như Qui Luật Tối Cao hướng dẫn đức tin, được Thiên Chúa linh hứng và được ghi chép một lần cho muôn đời” (DV 21). Lòng tin tưởng của Giáo Hội nơi Thánh Kinh không ngoài thánh ý của Chúa Kitô. Người đã từng quả quyết: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê hoặc lời các ngôn sứ. Thầy đến không phải là để bãi bỏ, nhưng là để kiện toàn” (Mt 5,17). Quả thật, Chúa Kitô từng trích dẫn Cựu Ước để dạy dỗ và phi bác những ý kiến sai lạc của cấp lãnh đạo đương thời.
Khoa chú giải cần xem xét: đâu là mối quan hệ giữa một bên là các vấn đề chú giải có tính lịch sử và phê bình đối với các sách khác nhau, và bên kia là ý nghĩa của Thánh Kinh Do Thái đối với đức tin thời hiện đại? Đây không hề là một câu hỏi dễ dàng, vì chỉ cần nghĩ thêm một chút, chúng ta có thể nhận ra rằng việc nghiên cứu bản văn có thể không dính líu gì đến một thái độ dấn thân hay một định hướng đặc biệt nào về tôn giáo cả. Tuy nhiên, từ một quan điểm đức tin, ta sẽ thấy chính những phương pháp này có thể hữu ích cho việc xây dựng thần học hiện đại. Khả năng giải quyết những câu hỏi gay go được nêu lên bởi khoa phân tích phê bình là một dấu cho thấy một niềm tin trưởng thành vào Thiên Chúa, ngay cả dù nó có nghĩa rằng mình phải sống với những câu hỏi còn bỏ ngỏ hay những vấn đề phức tạp. Chẳng hạn, không nhất thiết phải tin vào một con người lịch sử có tên là Abraham để có được một đức tin sâu xa và vững vàng rằng Thiên Chúa không ngừng truyền đạt cho chúng ta qua các câu chuyện về Abraham. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu bản văn vẫn là việc rất quan trọng.
Một thần học đích thực Kitô giáo không thể được xây dựng tách rời khỏi việc lắng nghe kỹ lưỡng những bản văn này. Thánh Kinh Do Thái vẫn là nguồn chủ yếu cho đức tin của con người hiện đại, và các Kitô hữu hiện đại có thể bắt đầu xây dựng thần học của riêng mình bằng cách nghiêm túc tham chiếu đến vị Thiên Chúa đã giải phóng các nô lệ, lật đổ các vua chúa, ngỏ lời qua các ngôn sứ, và hành động trong lịch sử.
Chú giải Thánh Kinh nghiên cứu dựa theo ba lãnh vực:
– Khảo sát bản văn.
– Tìm hiểu ý nghĩa của bản văn.
– Những phương tiện giúp hiểu Thánh Kinh.
2. Khảo sát bản văn.
Khảo sát bản văn là xác định đâu là bản văn chính thức. Lý do của công việc này là vì hầu hết các thủ bản nguyên thuỷ đã mất và chỉ còn các sao lục, mà các sao lục thì được chép bằng tay nên không thể tránh khỏi những thiếu sót sai lầm, như chép sót, bỏ bớt, chép lặp, hoặc khó hiểu thì tự ý sửa lại hay bổ sung thêm hoặc thêm phần giải thích vào. Chính vì vậy mà nhiệm vụ đầu tiên của các nhà chú giải là phải làm sao để thiết lập lại một bản văn gần giống với bản nguyên thuỷ nhất. Đây là một công việc rất khó khăn, vì có quá nhiều bản sao lục, chẳng hạn chỉ riêng Tân Ước có tới khoảng 5 ngàn bản Hi Lạp, 8 ngàn bản La-tinh và khoảng 1 ngàn bản bằng các ngôn ngữ khác. Các nhà chú giải đã xác lập bản văn gần giống thủ bản nhất theo cách sau:
a, Tìm số nhiều các bản giống nhau nhất (có khác biệt ít nhất giữa các bản văn với nhau trong số các bản văn).
b, Gặp chỗ khác biệt thì so sánh:
– So sánh tất cả các bản với nhau.
– So sánh với Thánh Truyền.
– So sánh với những tài liệu các Giáo Phụ.
– Dùng những nguyên tắc phê bình văn chương.
3. Các hình thức văn chương.
Các tác giả Thánh Kinh đã chọn cho mình những hình thức văn chương riêng để diễn đạt Lời Thiên Chúa. Dưới đây là một số hình thức gặp thấy trong Thánh Kinh:
a, Dụ ngôn.
Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế.
Người ta dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Ví dụ: Đức Giêsu nói: “Nước Trời giống như một kho báu chôn trong thửa ruộng…”
Câu này gồm 3 yếu tố:
1. Hình ảnh quen thuộc thường nhật: Kho tàng chôn trong thửa ruộng.
2. Thực tại siêu hình: Nước Trời.
3. So sánh giữa hai thực tại trên với nhau.
Nhờ sự so sánh này mà người ta có ý niệm về thực tại siêu nhiên chưa thấy được.
Tuy nhiên, khi giải nghĩa dụ ngôn không nên quá chú tâm đến từng chi tiết tỷ mỷ và xem các chi tiết đều có ý nghĩa, nhưng chỉ cần nhìn vào những điều dụ ngôn muốn ám chỉ là đủ.
b, Ngụ ngôn.
Ngụ ngôn (Fable) là câu chuyện giả tạo không thể xảy ra trong thực tế, vì gán cho các sinh vật, thực vật, sông nước… những đặc điểm của con người, nhằm diễn tả một sự việc của con người mà tác giả kể ngụ ngôn nhắm tới. Ngụ ngôn chứa đựng những bài học luân lý được diễn tả qua các chi tiết của câu chuyện.
Thánh Kinh có sử dụng hình thức văn chương này, nhưng không nhiều.
Ví dụ: “…Bụi gai trả lời cây cối: “Nếu quả thật các ngươi xức dầu phong ta làm vua cai trị các ngươi, thì hãy tới nương náu dưới bóng ta; bằng không, lửa sẽ bốc ra từ bụi gai và sẽ thiêu rụi các cây bá hương Li-băng…” (Tl 9,8-15).
Xem thêm 2V 14, 9-10.
Tân Ước không sử dụng hình thức văn chương ngụ ngôn.
c, Ám tỷ (ám chỉ).
Phép ám tỷ (Metaphor) là một kiểu nói bóng bảy, dùng một từ hay một câu nếu hiểu theo nghĩa đen thì ám chỉ điều này, nhưng qua đó lại ám chỉ về điều khác, nhờ có sự tương đồng nào đó giữa hai sự vật.
Ví dụ ví Chúa Giêsu là Chiên Con (hiền lành, hy tế), Phêrô là Đá (vững chắc), Hêrôđê là Con Cáo (bù nhìn, lén lút trong đêm tối)…
Đặc điểm của phép ám tỷ là nói lên một thực tại vừa không thực lại vừa thực. Ví dụ: “Thầy là cây nho, anh em là cành nho” (Ga 15,5). Không thực là Chúa Giêsu và các môn đệ không phải là cây nho cành nho thật, nhưng điều thực là Chúa Giêsu là nguồn sự sống thần linh cho những ai kết hợp với Người.
d, Ẩn dụ.
Ẩn dụ (Allegory) là câu chuyện không có thực, được dựng lên với mục đích diễn tả một chân lý nào đó cách thi vị và gần gũi. Chẳng hạn truyện Nguyên Tổ ăn trái cấm “giữa vườn” và bị phạt nặng. Truyện này nhằm mục đích nói lên ngay từ đầu con người đã vi phạm lệnh Chúa và lãnh lấy hậu quả của sự bất tuân, chứ không phải có chuyện chỉ ăn một trái cây mà bị phạt nặng đến thế.
e, Cường điệu (ngoa ngữ).
Cường điệu (Hyberbole) là kiểu nói phóng đại quá với sự thật nhằm muốn nhấn mạnh điều muốn nói. Chẳng hạn khi nói: Đánh chết nó đi, có nghĩa là không phải đánh chết mà là ngụ ý đánh cho thật đau.
Ví dụ khi nói về tầm mức lan rộng của giáo lý Đức Giêsu, Gioan viết: “Còn nhiều điều khác Đức Giêsu đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế gian cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra” (x. Ga 21,25).
f, Mỹ từ.
Mỹ từ (Euchanism) là kiểu nói dùng các từ thanh lịch để nói tránh một sự việc tế nhị hoặc khó nói, hay không muốn nói thẳng ra.
Ví dụ: thay vì nói “chết” người ta dùng từ “an nghỉ” hoặc “ngủ”…
4. Ý nghĩa Thánh Kinh.
Thánh Kinh có thể mang nhiều ý nghĩa khác nhau, nên cần tìm hiểu các loại nghĩa được sử dụng trong Thánh Kinh mới có thể hiểu được tư tưởng chính của tác giả muốn nhắm tới.
Đi tìm ý nghĩa của Kinh Thánh là một tiến trình qua nhiều nguyên tắc: Tìm ý nghĩa thực của từ ngữ mà tác giả nhắm tới, đặt chúng vào trong sự liên tục của bản văn và tìm chủ đích của cả tác phẩm muốn nói với mục đích gì?
a, Các nguyên tắc.
Nguyên tắc 1: Tìm ý nghĩa thực mà tác giả nhắm tới. ví dụ: Khi nói “Nhớ chết đi được” có nghĩa là rất nhớ.
Nguyên tắc 2: Đặt vào mạch văn nếu không sẽ làm cho nội dung bị méo mó hoặc sai lệch. Ví dụ: “Hãy sám hối”. Nếu tách câu này ra thì giáo lý Chúa Giêsu cũng chỉ dừng lại ở mức Cựu Ước như các ngôn sứ, Gioan Tẩy Giả và ngay cả Đức Phật cũng nói thế. Nhưng đặt vào mạch văn: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” thì mới nói lên được nội dung đầy đủ của giáo lý Chúa Giêsu.
Nguyên tắc 3: Xét chủ đích của tác giả trong mỗi tác phẩm. Chẳng hạn mỗi Tin Mừng mang một sắc thái riêng: Matthêu viết cho Kitô hữu gốc Gio Thái thì cố gắng làm cho họ hiểu những gì tiên báo trong Cựu ước đã ứng nghiệm…
b, Nghĩa của từ ngữ (Literal sense).
Mỗi từ ngữ đều ám chỉ một thực tại nào đó, nghĩa là mỗi từ ngữ đều mang ý nghĩa và có thể hiểu theo hai cách:
– Nghĩa đen: Là điều mà từ ấy nói đến trực tiếp. Ví dụ khi nói “con cáo” tức là người ta nghĩ ngay đến loài động vật rình rập vào ban đêm và được người ta gọi là con cáo…
– Nghĩa bóng: Là ý nghĩa của từ ngữ nói về sự vật này nhưng lại ám chỉ một sự vật khác cách bóng bảy. Như khi Đức Giêsu nói: “Hãy đi nói với con cáo ấy thế này…”. Con cáo được nói ở đây ám chỉ vua Hêrôđê.
c, Nghĩa biểu tượng (Typical sense).
Là ý nghĩa rút ra từ một thực tại trong Cựu Ước, rồi áp dụng vào Tân Ước. Vì Tân Ước thực hiện và hoàn tất những hình bóng Cựu Ước, nên chỉ những thực tại được đề cập trong Tân Ước mới có mối tương quan ý nghĩa biểu tượng mà thôi.
Hai thực tại trong nghĩa biểu tượng, có thể là nhân vật, sự vật, biến cố:
Nhân vật: Melkiseđe là hình bóng Chúa Giêsu linh mục thượng phẩm…
Sự vật: Manna là hình bóng Thánh Thể…
Biến cố (hành động): Vượt qua Biển Đỏ là hình bóng Bí Tích Rửa Tội…
d, Nghĩa hoàn hảo (Fuller sense)
Nghĩa hoàn hảo hay đầy đủ là ý nghĩa rút ra từ một từ ngữ được ám chỉ về thực tại này, nhưng lại được áp dụng cho một thực tại khác.
Ví dụ: “Các ngươi không được làm gãy một cái xương nào của nó”(Xh 12,46) Câu này được dùng cho con chiên vượt qua, nhưng lại áp dụng cho thực tại là Đức Giêsu không bị đánh giập ống chân (x. Ga 19,36).
Nghĩa hoàn hảo khác với nghĩa biểu tượng ở chỗ, nghĩa biểu tương là rút từ thực tại này áp dụng vào thực tại khác, trong khi nghĩa hoàn hảo là cùng một từ ngữ được áp dụng cho trường hợp này để áp dụng cho trường hợp khác.
Đôi khi trong một vài trường hợp một câu vừa có nghĩa biểu tượng, vừa có nghĩa hoàn hảo. Ví dụ: “Như Môisê treo con rắn đồng trong sa mạc thế nào, thì Con Người cũng bị treo lên như vậy”. Nghĩa biểu tượng là hình ảnh con rắn đồng với Đức Giêsu, nhưng sự “treo lên” (nghĩa hoàn hảo) mới diễn tả hết sự Cứu Độ của Đức Giêsu.
e, Nghĩa phóng tác (Accommodated).
Là ý nghĩa được căn cứ vào nghĩa đen của một chữ, một câu hay một đoạn Kinh Thánh, rồi suy rộng ra và áp dụng vào nhiều lãnh vực khác nhau. Nghĩa này thường được các nhà giảng thuyết, nhất là các nhà đạo đức sử dụng nhiều. Tuy Giáo Hội không cấm, nhưng không thật sự khuyến khích.
Nghĩa phóng tác tự nó đóng góp quan trọng trong việc suy tư, nhưng dễ bị méo mó lung lạc hoặc vượt quá thực tế sự thật khi không chú ý bám chặt vào chủ đề chính mà phóng đại ý phụ để tạo sức hấp dẫn… rồi tưởng tượng và bịa đặt thêm. Ví dụ trong “Ngắm Thương Khó” người ta tưởng tượng ra chuyện Đức Giêsu bị bắt trên đường dẫn đến nhà Kha-na: “chúng đi trên cầu, thòng dây bắt Đức Giêsu lội dưới sông lạnh lẽo giá rét…”. Trong khi quãng đường này không hề có cầu cống sông ngòi gì cả.
6. Phương pháp nghiên cứu lịch sử.
Vì mặc khải xảy ra trong lịch sử, cho nên muốn hiểu Thánh Kinh, chúng ta cần “tìm ý nghĩa mà … các thánh sử muốn diễn tả và thực sự đã diễn tả trong thời đại và hoàn cảnh văn hóa của họ, qua những lối văn được dùng trong thời đó” (Dei Verbum 11). Để giúp đạt được mục đích này, Giáo Hội khuyến khích chúng ta dùng phương pháp Phân Tích (Phê Bình) Lịch Sử, vì phương pháp này nghiên cứu các văn bản Thánh Kinh như các tài liệu lịch sử và tìm cách hiểu bản văn trong phạm vi lịch sử. Tuy nhiên phương pháp này không phải là phương pháp duy nhất, cần phải được sử dụng một cách cẩn trọng theo truyền thống Đức Tin của Giáo Hội.
a, Đại cương về phương pháp phân tích lịch sử
Trong phương pháp Phân Tích Lịch Sử, ý nghĩa của bản văn được tìm thấy trong cái thế giới lịch sử và văn hóa mà trong đó bản văn được phát sinh, các nhân vật và biến cố trong lịch sử mà từ đó bản văn chính được tạo ra, cũng như các truyền thống được truyền khẩu hoặc được viết thành văn có trước khi bản văn cuối cùng được thành hình.
Phương pháp này tìm cách xác định ý nghĩa nguyên thủy của bản văn qua việc tái tạo: (1) Khung cảnh nguyên thủy. (2) Môi trường lịch sử và văn hóa đầu tiên mà trong đó bản văn được sáng tác. (3) Những nguồn tài liệu, hoặc truyền khẩu hoặc được ghi chép, dùng để viết bản văn. (4) Các hoàn cảnh lịch sử và văn hóa dẫn đến việc viết bản văn. (5) Các niềm tin về thần học cũng như văn hóa của các tác giả và độc giả đầu tiên của bản văn. (6) Chủ ý của các tác giả đầu tiên.
Thực ra, có nhiều cách thế khác nhau trong việc nghiên cứu Thánh Kinh theo Phân Tích Lịch sử. Phương pháp phân tích văn thể được dùng để khám phá ra các truyền thống khẩu truyền đằng sau bản văn. Phương pháp phân tích nguồn văn để tìm ra các văn bản được sát nhập vào bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích biên tập chú ý đến vai trò của soạn giả hay người viết cuối cùng là người gom góp các tài liệu hoặc truyền khẩu hoặc đã được viết xuống thành bản văn Thánh Kinh. Phương pháp phân tích văn tự chú ý đến lịch sử của việc lưu truyền bản văn sau khi bản chính đã được soạn thảo.
b, Sự cần thiết của phương pháp phân tích lịch sử
Đây là một phương pháp cần thiết để nghiên cứu Thánh Kinh vì các bản văn Thánh Kinh xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử và văn hóa khác với hoàn cảnh của chúng ta. Hiến Chế Tín Lý Mặc Khải (Dei Verbum) của Công Đồng Vaticanô II khẳng định rằng “mặc khải xảy ra trong phạm vi lịch sử nhân loại.” Tài liệu về Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh viết: “Thánh Kinh, thực ra, không tự mình xuất hiện như một mặc khải trực tiếp các chân lý vĩnh cửu, nhưng như chứng từ viết về những lần can thiệp của Thiên Chúa mà trong đó Ngài đã tự tỏ mình ra trong lịch sử nhân loại. Bằng một cách thế khác hẳn với các giáo lý của các tôn giáo khác, sứ điệp Thánh Kinh có một chỗ đứng vững chắc trong lịch sử. Cho nên không thể hiểu các bản văn Thánh Kinh cách đúng đắn nếu không nghiên cứu hoàn cảnh lịch sử ảnh hưởng đến các bản văn này.”
Theo Giáo Hội thì Thiên Chúa đã chọn các tác giả Thánh Kinh, hoạt động trong họ và nhờ họ mà truyền đạt lời của Ngài. Ngài hoàn toàn sử dụng năng lực và khả năng của họ để họ viết như những tác giả thật sự (x. Dei Verbum 11-12). Đức Thánh Cha Piô XII viết trong Divino Afflante Spiritu rằng các tác giả được linh hứng của Thánh Kinh là dụng cụ sống động và hợp lý của Chúa Thánh Thần. Họ đem cá tính của mình vào các bản văn Thánh. Các phương pháp Phân Tích Lịch Sử có thể được dùng để hiểu rõ hơn về các tác giả nhân loại mà Thiên Chúa đã dùng để thông tri Lời Ngài.
Nhờ phương pháp Phân Tích Lịch sử chúng ta có thể hiểu chính xác hơn nghĩa văn tự của các bản văn Thánh Kinh.
c, Giới hạn của phương pháp phân tích lịch sử
Từ ngày Giáo Hội cho phép và khuyến khích dùng phương pháp Phân Tích Lịch Sử trong việc nghiên cứu Thánh Kinh. Nhiều học giả đã cố gắng dùng phương pháp này để chứng minh mọi biến cố trong Thánh Kinh. Từ đó đưa đến việc lạm dụng phương pháp này. Trước hết, phương pháp này thường có khuynh hướng nghiên cứu tiền sử của các bản văn Thánh Kinh mà không tìm hiểu ý nghĩa của toàn thể bản văn. Thứ đến, thay vì tìm hiểu ý nghĩa của lịch sử được tái tạo đằng sau bản văn như các nhà phân tích lịch sử làm, một số người cho rằng phải chú tâm nhiều hơn đến những tường thuật trong bản văn Thánh Kinh. Một số các nhà chú giải dựa vào thuyết duy lý hoặc thuyết tự nhiên để tìm những cách giải thích về các phép lạ xảy ra trong Thánh Kinh theo lịch sử. Vì không tin vào phép lạ hay quyền năng biết trước lịch sử của Chúa, nhiều người đã thay thế những câu truyện được kể trong Thánh Kinh với lịch sử được họ tái tạo dựa theo các tiêu chuẩn lịch sử hiện đại, hoặc loại bỏ những truyền thống lâu đời mà họ cho rằng không phù hợp với khoa học. Thí dụ như nhiều người cho rằng việc Đức Chúa Giêsu được sinh ra bởi Mẹ Đống Trinh là huyền thoại; Tin Mừng Thánh Luca phải đuợc viết sau năm 70 vì trong đó có những đoạn văn nói quá rõ về việc Thành bị phá hủy…. Do đó người đọc Thánh Kinh chỉ còn lại một số dữ kiện tối thiểu có thể được xác nhận cách chắc chắn trong lịch sử, mà mất đi các ý nghĩa phong phú đa dạng được tìm thấy trong chính những câu truyện được diễn tả trong Thánh Kinh.
Nghiên cứu Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử thường không vượt qua giai đoạn tìm hiểu xem bản văn có ý nghĩa gì trong vị trí lịch sử nguyên thủy, để đi đến việc tìm hiểu xem bản văn muốn nói gì với chúng ta hôm nay. Vì thế Chú giải Thánh Kinh sẽ không trọn vẹn nếu chỉ phân tích lịch sử. Đức Thánh Cha Phaolô VI, ngày 14 tháng 3, 1974, đã kêu gọi các học giả phải giải thích Thánh Kinh theo giáo huấn Giáo Hội: “Công việc của anh em không phải chỉ giải thích các bản văn cổ để trở lại hình thái sơ khởi của một số bản văn Thánh Kinh. Nhiệm vụ chính yếu của một nhà chú giải Thánh Kinh là trình bày sứ điệp mặc khải cho Dân Thiên Chúa; phơi bày chính ý nghĩa của Lời Chúa ngay trong những Lời ấy trong mối liên hệ với con người hiện đại.”
Gần đây hơn nữa một số học giả bị lôi cuốn bởi các sách ngoài quy điển và một số truyền khẩu được tái tạo mà cho rằng chúng diễn tả sự bình đẳng của sứ điệp của Chúa Giêsu đúng hơn là sách Tân Ước, vì chúng không bị áp đặt bởi một Giáo Hội chuyên chế. Ngược lại phương thức của Công Giáo là nhấn mạnh sự liên tục và phát triển của của các truyền thống Thánh Kinh từ truyền khẩu và các bài viết về thời tiền sử, đến việc biên soạn cuối cùng và sát nhập vào quy điển, cùng việc liên tục sử dụng và giải thích Thánh Kinh trong đời sống Giáo Hội cho đến hiện nay.
Đôi khi phương pháp này mạo nhận là có tính cách khoa học khách quan cùng địa vị đặc quyền của mình. Trên thực tế, phương pháp Lịch Sử đã đưa ra những tiếp cận cùng những ước đoán khác nhau, đôi khi còn trái ngược nhau. Còn Giáo Hội tuy xác nhận sự cần thiết của việc nghiên cứu bản văn theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử, nhưng không cho nó là phương pháo độc nhất được dùng để hiểu bản văn Thánh Kinh. Thượng Hội Đồng Giám Mục về Lời Chúa vừa qua đã đưa ra hai hậu quả đáng tiếc của việc lạm dụng phương pháp Phân Tích Lịch sử là: (1) “Đối với những độc giả hiện nay, Thánh Kinh trở thành một cuốn sách hoàn toàn trong quá khứ, không có khả năng nói với thời đại chúng ta”; (2) “Hậu quả thứ hai trầm trọng hơn, là sự mất dạng của việc chú giải theo Đức Tin mà ‘Dei Verbum’ vạch ra. Thay vì chú giải theo niềm tin, thì lại lọt vào đó một viêc chú giải theo thực chứng và thế tục chối bỏ cả việc Thiên Chúa có thể hiện diện và lui tới trong lịch sử nhân loại”
Chính vì những lý do trên mà chúng ta nên đọc các sách chú giải Thánh Kinh theo phương pháp Phân Tích Lịch Sử cách thận trọng, ý thức rằng phương pháp này có thể bị bóp méo bởi những thiên lệch duy lý và chủ quan. Khi giải thích Thánh Kinh, điều chắc chắn nhất là luôn luôn tuyệt đối trung thành với giáo huấn của Huấn Quyền. ĐTC Bênêđictô XVI nhắn nhủ chúng ta trước Kinh Truyền Tin ngay sau Thánh Lễ bế mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục ngày 26 tháng 10 năm 2009 rằng: “Một bài chú giải Thánh Kinh hay cần có cả phương pháp Phân Tích Lịch Sử lẫn phương pháp Thần học, bởi vì Thánh Kinh là Lời Thiên Chúa trong các chữ của loài người. Điều này có nghĩa là mọi đoạn văn phải được đọc trong khi luôn để tâm đến tính duy nhất của tất cả Thánh Kinh, truyền thống sống động của Giáo Hội và ánh sáng Đức Tin. Thánh Kinh đúng là một tác phẩm văn chương, và hơn nữa, là một bộ luật của nền văn hóa phổ quát, nhưng không được cướp mất yếu tố Thiên Chúa của Thánh Kinh, mà trái lại, phải được đọc trong cùng một Chúa Thánh Thần là Đấng viết Thánh Kinh.”
7. Vai trò của Giáo Hội.
Dù thời nay có nhiều phương tiện giúp giải thích Thánh Kinh, nhưng vẫn còn rất nhiều câu và nhiều đoạn Thánh Kinh chưa rõ nghĩa, hoặc còn hàm ẩn nhiều nghĩa chưa được khai thác. Điều này là thao thức của các nhà chú giải Thánh Kinh. Tuy nhiên, quyền phán quyết cuối cùng vẫn phải luôn thuộc về Giáo Hội, vì đó là “tôn sư sống động” mà Chúa Kitô uỷ thác cho việc bảo tồn, truyền bá và giải thích Lời Chúa (x. Mt 28,18-20). Bởi vì: “Ai nghe anh em là nghe Thầy” (Lc 10,16).
Tóm lại: trong việc chú giải, cần nắm vững 7 nguyên tắc như sau:
1% Thánh Kinh được viết ra nhằm trình bày chương trình mặc khải của Thiên Chúa. Nhưng mặc khải là một thực tại duy nhất và liên tục mà chóp đỉnh là mầu nhiệm Đức Kitô. Do đó mầu nhiệm Đức Kitô là đối tượng duy nhất của Kinh Thánh. Khoa chú giải trước hết nhằm phô bày cách rõ ràng mầu nhiệm căn bản này.
2% Toàn bộ Thánh Kinh không được chép trong một lúc, nhưng theo nhịp tiến của thời gian. Vì thế, khi chú giải một bản văn Cựu Ước chẳng hạn, ta phải đối chiếu với mầu nhiệm Đức Kitô.
3% Khi tìm hiểu một đoạn văn nào của Thánh Kinh, ta phải đặt nó vào trong toàn bộ của cuốn sách.
4% Vì Thiên Chúa đã muốn dùng ngôn ngữ của nhân loại để diễn tả các mầu nhiệm, và vì ngôn từ nhân loại mang dấu vết của một nền văn minh văn hoá, một ý thức hệ, một khung cảnh xã hội… nên ta cần phải thấu hiểu ngôn ngữ mà tác giả đã dùng để chép.
5% Khi gặp một chữ khó hiểu ta cần nghiên cứu các ý nghĩa khác nhau: nghĩa bóng, nghĩa của từ, nghĩa hoàn hảo…
6% Khi gặp một kiểu nói khác lạ, ta cần tìm xem kiểu nói ấy thuộc loại thể văn nào (thi ca, lịch sử, giáo huấn, luật, ngôn sứ…).
7% Ý thức rằng, chỉ có Giáo Hội có bổn phận gìn giữ và có thẩm quyền phán quyết về việc chú giải Lời Chúa.
Chương IV.
LƯỢC
SỬ
CÁC
GIAI
ĐOẠN
THÁNH
KINH.
I. Niên biểu giản lược.
a, Trước Chúa Giáng Sinh
Thế kỷ – XVIII: Abraham, thời này có vương quốc Ai Cập và Babilon.
(kinh Véda 1500 – 1000).
Khoảng – 1250: Môsê và cuộc Xuất Hành.
K -1220: Giosuê: Israel vào Canaal.
K -1010 : Đavít, kinh đô Giêrusalem.
(Nhà Chu 1050 – 770).
K – 970: Salomon, đền thờ Giêrusalem.
K -930: Nam Bắc phân tranh.
K -880: Omri, Kinh đô Samari của Israel.
K -875: Akhab, xuất hiện ngôn sứ Elia và Elisa.
K -750: Giêrôbôam II, có các ngôn sứ Amos, Hôsê, Isaia, Mikha.
Các sách ngôn sứ Amos, Hôsê, Isaia (1-39), Mikha.
(Đời Xuân Thu 722 – 481).
K -721: Samaria lưu đày qua Assyri.
K -716: Khítkigia vua Giuđa.
K -630: Các sách ngôn sứ Sophonia, Giêrêmia.
K -622: Giosigiahu cải cách tôn giáo.
Các sách Giosuê, Thủ Lãnh, Samuel, Các Vua.
K -612: Ninivê bị phá huỷ.
Sách ngôn sứ Nakhum
(Lão Tử 605 – 520)
K -600: Sách ngôn sứ Habacuc.
K -587: Lưu đày Babilon.
Các sách ngôn sứ Êdêkiel, Isaia II (40-55).
(Đức Phật 563 – 483; Khổng Tử 551- 479).
K -539: Cyrus vua Batư, chiếm Babilon, ra sắc chỉ cho người Do Thái hồi hương.
K -515: Giơrúpbabel xây lại đền thờ Giêrusalem.
Các sách ngôn sứ Khácgai, Giacaria, Isaia III (56-66).
K -445: Nơkhemia.
K -420: Sách ngôn sứ Malakia
Các sách Gióp, Cách Ngôn, Diễm Ca, Rút, phần lớn Thánh Vịnh.
K -400: San định lần cuối bộ Ngũ Kinh.
(Chiến Quốc 400 – 256; Trang Tử 380 – 320; Mạnh Tử 372 – 289).
K -350: Sách ngôn sứ Gioel.
Các sách Sử Biên Niên, Étra, Nơkhemia.
K -333: Alexandro chiếm Tiểu Á, bành trướng văn hoá Hi Lạp, Giuđê dưới quyền Ai Cập.
Sách ngôn sứ Giacaria II (9-11).
Sau -300: Bản dịch LXX bắt đầu.
Các sách Giảng Viên, Étte.
(vạn lý trường thành).
(Thục An Dương Vương 257; nhà Tần 256; Triệu Đà 207; Lưu Bang lập nhà Hán 202).
K -198: Giuđê dưới quyền Syria.
K -180: Sách Huấn Ca (Hípri).
K -170: Antiocus Etiphane cấm đạo Do Thái.
K -166: Dòng họ Macabê khởi nghĩa. Bắt đầu có bè Pharisiêu, Sađốc, Essenien.
Sách ngôn sứ Đaniel.
K -132: Sách Huấn Ca (Hi Lạp).
K -125: Sách 2 Macabê.
(Nhà Hán đô hộ Nam Việt).
K -100: Các sách 2 Macabê, Giuđitha.
K -63: Tướng Pompê chiếm giêrusalem, Rôma đô hộ Giuđê.
Sách Khôn Ngoan.
K -37: Hêrôđê Cả.
K -6: Chúa Giêsu Giáng Sinh[18] .
K -4: Hêrôđê chết.
b, Sau Chúa Giáng Sinh
K năm 6: Giuđê là một tỉnh của Rôma. (kinh Phật vào Trung Quốc).
K năm 8: Phaolô sinh tại Tarsô.
(hết thời Tiền Hán).
K. 14-37 Tibèrius hoàng đế Rôma.
K. 26-36: Philatô tổng trấn Giuđê.
(nhà Hậu Hán. 22).
K. 27: Gioan Tẩy Giả rao giảng, khởi đầu sứ vụ Chúa Giêsu.
K. 30. Chúa Giêsu chịu đóng đinh (thứ 6, ngày 7 tháng 4).
K. 30. Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ và môn đệ Đức Giêsu. Thánh Phêrô rao giảng ở Jerusalem. Khoảng 3.000 người trở lại xin rửa tội và họp thành cộng đoàn Kitô giáo đầu tiên.
36-37 (?). Thánh Stephanus, phó tế, bị ném đá chết tại Jerusalem. Ngài là vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội. Một phần cộng đoàn Giáo Hội tiên khởi phải phân tán đi khắp nơi. Sau đó ít lâu, thánh Phaolô trở lại. Ngài trước tên là Saul, từng bách hại Giáo Hội; sau khi trở lại, ngài nhập đoàn các tông đồ thực hiện 3 cuộc truyền giáo lớn khắp vùng Tiểu Á và được mệnh danh là tông đồ dân ngoại.
39. Cornelius và gia đình được thánh Phêrô rửa tội. Biến cố này nói lên sứ mạng truyền giáo của Giáo Hội cho mọi dân tộc.
(40-43: Trưng Trắc – Trưng Nhị)
42. Vua Hêrôđê Agrippa bách hại Kitô hữu tại Palestine. Thánh Giacôbê Tiền là vị tông đồ đầu tiên tử đạo.
44. Thánh Phêrô bị tống ngục; nhiều tín hữu trốn đến Antioch xứ Syria. Chính nơi đây, những người tin theo Đức Kitô được gọi là Kitô hữu.
45-49. Hành trình truyền giáo đầu tiên của thánh Phaolô đến Antioch, Cyprus, Antioch xứ Pisidia, Listra…
48-49. Công đồng Chung đầu tiên ở Jerusalem không đòi buộc lương dân trở lại phải giữ luật Môsê.
49. Hoàng đế Claudius buộc người Do Thái phải rời khỏi Rôma, vì người Do Thái và Kitô hữu tranh chấp với nhau về Đức Kitô (sử gia Sueton).
K.50. Tin Mừng truyền miệng đầu tiên được biên soạn thành văn bản, đó là bản Tin Mừng theo thánh Matthêu bằng tiếng Aram, nhưng sau đó bị thất lạc. Thư của thánh Giacôbê có lẽ được viết vào dịp này.
50-52. Hành trình truyền giáo lần thứ 2 của Thánh Phaolô đi Listra, Phrygia, Galatia, Philippi ở Macedonia, Athens, Corinth.
51. Thánh Phaolô viết các thư gửi tín hữu Thessalonica (1&2).
53-58. Hành trình truyền giáo thứ 3 của Thánh Phaolô: Ephesus, Corinth, Galatia, Phrygia, Macedonia, Philippi, Jerusalem.
57: Thư gửi tín hữu Philíp, Côrintô 1&2, Galát, Rôma.
58-63. Thánh Phaolô bị bắt ở Caesarea, rồi được giải sang Rôma; ngài bị giam giữ ở Rôma từ năm 61-63, sau đó được thả.
62: Thư gửi tín hữu Côlôsê, Êphêsô, thư gửi ông Philêmôn. Thánh Giacôbê hậu bị ném đá.
64. Hoàng đế Nero đốt thành Rôma và đổ tội cho người Kitô hữu, dẫn đến cuộc bách hại dã man. Có thể thư 1 Phêrô, thư 1 Timôthê và thư gửi Titô viết giai đoạn này.
64-67: Thánh Phêrô tử đạo trong dịp này. Có thể thư gửi tín hữu Do Thái và thư 2 Timôthê viết giai đoạn này.
65. Bản Tin Mừng theo thánh Marcô được biên soạn.
65-67. Thánh Phaolô đi giảng ở Ephesus, Macedonia; sau đó, bị bắt tại Rôma và bị chém đầu.
66-70: Do Thái khởi nghĩa chống Rôma.
70. Titus chiếm đóng thành Jerusalem, sau đó đốt đền thờ.
K.80. Bản Tin Mừng theo thánh Matthêu, Luca và Công Vụ Tông Đồ được biên soạn. Có thể thư 1 Phêrô, thư Do Thái và thư Giacôbê viết dịp này.
(85: Phật Giáo chia thành Tiểu Thừa và Đại Thừa).
88-97. Triều đại Giáo hoàng Clemens I, ngài là giám mục Rôma và đã gửi thư cho tín hữu Corinthô.
K.95. Sách Khải Huyền, Tin Mừng theo thánh Gioan và 3 thư của ngài, được biên soạn. Có thể thư 1&2 Timôthê và thư Titô được soạn lại, đồng thời có thể thư 2 Phêrô và thư Giuđa cũng được viết trong dịp này. Hoàng đế Domitianus cấm đạo gắt gao ở Rôma.
K.100. Thánh Gioan Tông Đồ chết ở Ephesus, chấm dứt thời Tông đồ và thế hệ đầu tiên của Kitô giáo.
II. Tóm tắt lịch sử Do Thái (lược sử).
Thật không khôn ngoan nếu tách biệt Thánh Kinh Do Thái khỏi dân tộc đã sản xuất ra nó và mảnh đất mà dân tộc này đã sống. Giới nghiên cứu gần đây đã bắt đầu nhấn mạnh đến tầm quan trọng của bối cảnh chính trị, kinh tế và xã hội của sự xuất hiện liên bang It-ra-en vào các thế kỷ 13 và 12 trước Chúa Giáng Sinh. Đất Canaan vào lúc đó vốn đã là một vùng đất tranh chấp lâu dài, đóng vai trò như một cầu nối giữa người Ai Cập ở phía nam , người Hít-ti chủ yếu tập trung ở Tiểu Á, và các cường quốc đang nổi lên ở Mêsôpôtamia phía đông (x. bản đồ số 1 ở cuối sách). Như vậy, lịch sử Thánh Kinh diễn ra trong một “Khu Vực Trung Tâm” của cổ thời.
Các tư liệu của người Ai Cập cho biết rằng dường như đất Canaan được cư trú bởi “những người dân của một lãnh địa độc lập”, được điều khiển bởi một bậc vị vọng địa phương; họ sống nhờ vào lương thực được cung cấp bởi các nông dân trồng ngũ cốc trên miền bình nguyên và canh tác những vườn cây trái trên các đồi dốc (ôliu, vả và nho). Ý thức hệ nâng đỡ hệ thống này là một tôn giáo đặt nền trên sự bảo đảm mùa màng phong phú và con người sinh sôi nảy nở, đồng thời tôn trọng trật tự hay quyền bính đã được thiết lập dựa trên sự cúng tế hy lễ cho chư thần. Các vị thần chính yếu là: thần giông tố Baal, nữ thần Asherah, và thần El. Tôn giáo Canaan được hậu thuẫn bởi một giới tư tế phụ trách các đền thờ và các trung tâm thờ cúng khác nhau. Đây chính là tình hình ở Canaan khi đám dân Do Thái nô lệ từ Ai Cập kéo đến.
Căn cứ vào các truyền thống Thánh Kinh thì thật khó xác định những dữ kiện chính xác của cuộc “Xuất Hành”. Chẳng hạn, Xh 10,28-29 kết thúc truyền thống cho đó là một “cuộc trốn thoát” khỏi Ai Cập, trong khi Xh 11-12 thì trình bày biến cố đó như “một sự trục xuất” người Do Thái sau nạn dịch thứ 10, và cũng là cuối cùng, giết chết tất cả con đầu lòng của người Ai Cập. Sách Xuất Hành pha trộn hai truyền thống này bằng cách nêu sự kiện Pharaô đổi ý và đuổi theo người Do Thái, tạo ra những truyền thống về sự giải thoát dân Do Thái tại Biển Đỏ. Nhưng, một lần nữa, ở đây lại có hai truyền thống, một truyền thống mô tả người Do Thái trốn thoát ngang qua những vùng trũng hơi lầy lội (làm cho xa mã của người Ai Cập trở thành vô dụng), còn truyền thống kia, muộn hơn, chuyển tình tiết ấy thành hiện tượng nước biển rẽ ra một cách kỳ diệu, rõ ràng nhằm nêu bật tầm quan trọng thần học của việc Thiên Chúa cứu giúp dân Do Thái trong những khi họ lâm vào cảnh khốn cùng.
Dù trường hợp nào, thì chúng ta cũng ghi nhận một nhóm người vốn là nô lệ ở Ai Cập đã đến Canaan vào khoảng năm 1250 trước công nguyên, với một tôn giáo hướng về một Thiên Chúa đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ Ai Cập. Tôn giáo này, trong hình thức sơ khai của nó, gắn bó chặt chẽ với Môsê. Đức tin thuở phôi thai của It-ra-en được đặt nền trên những kỳ vọng luân lý căn bản (“Lề Luật”), trên việc thực hành phụng tự trong một cái miếu thờ hay chiếc lều di động, và trên việc tôn thờ một Thiên Chúa được gọi là “Giavê”. Tuy nhiên, yếu tố chính của tôn giáo này, dưới cái nhìn của giới nông dân Canaan đương thời, là sự kiện rằng vị Thiên Chúa Giavê này là một vị thần giải phóng những người nô lệ, và do đó Ngài là một vị thần có liên can tới hoàn cảnh sống của họ. Tôn giáo này, khi đến Canaan, đã gây một ảnh hưởng “bùng nổ”, và đại đa số những người làm nên “mười hai chi tộc It-ra-en” chính là những người Canaan đã cải giáo để theo tôn giáo mới này.
Nhưng việc cải giáo để theo tôn giáo của Giavê này không trơn tru, và đã không ngừng xảy ra tình trạng các ý niệm của tôn giáo Canaan và tôn giáo Giavê pha trộn lẫn nhau tạo thành một vấn đề kéo dài suốt thời đại các Vua của It-ra-en và Giuđa, từ khoảng năm 1000 trước công nguyên cho đến thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật khoảng năm 640-609 trước công nguyên. Đã có nhiều khám phá mới đây của khoa khảo cổ cho thấy mức độ của tình trạng này (nghĩa là, sự pha trộn của hai hay nhiều truyền thống tôn giáo). Chẳng hạn, các kinh nguyện được ghi trên những miếng đất sét được tìm thấy trong một điện thờ nhỏ gần sa mạc Sinai có nói đến “Giavê” và “vợ là Asherah”. Một kinh nguyện như thế là chứng cứ cho thấy rằng người ta đã pha trộn các yếu tố của tôn giáo It-ra-en và tôn giáo Canaan. Lời tố cáo của Thánh Kinh dành cho nhiều vị vua của It-ra-en và Giuđa bỏ việc phụng thờ chân chính đối với Giavê cho thấy rằng các vua ấy thường nghiêng chiều về tính thủ cựu của tôn giáo Canaan hơn là tính cách tân của lòng nhiệt thành phụng thờ Giavê. Các vị vua ấy bị phê phán kịch liệt bởi những người triệt để ủng hộ sự phụng thờ Giavê – tức là các ngôn sứ.
Như vậy, dường như sự phụng thờ Giavê đã bắt đầu trong tư cách là một tôn giáo của “thiểu số” nơi những người trước kia là nô lệ ở Ai Cập và những người Canaan cải giáo, và rồi về sau có được uy thế lớn hơn trong thời quân chủ (nhất là dưới triều vua Giôsia). Tuy nhiên, lúc bấy giờ, số phận của các quốc gia It-ra-en độc lập bị định đoạt bởi sự nổi lên của các đế quốc ở Mêsôpôtamia, và việc phụng thờ Giavê sẽ dần phát triển thành Do Thái giáo nơi một dân tộc lụy thuộc các đế quốc ấy về chính trị và kinh tế. Nói cách khác, căn tính “con cái It-ra-en” đang nổi lên đã đi vào một bước quặt quan trọng, rứt ra khỏi một căn tính chính trị khi những đế quốc to lớn này (đầu tiên là Assiri, rồi đến Babylon, sau đó là Ba tư) bắt đầu bành trướng ảnh hưởng về phía tây, tiến vào vùng duyên hải Palestine.
Thời đại quân chủ It-ra-en bắt đầu khoảng năm 1000 trước công nguyên. Đavít là vị lãnh đạo nổi bật nhất; ông đã thành công trong việc thống nhất các dân Do Thái và Canaan thành một mối để chống lại sự đe dọa đang ập đến từ những kẻ xâm lăng ở vùng duyên hải gọi là Philitinh. Đavít cũng thiết lập một thủ đô là Giê-ru-sa-lem, và mở rộng ảnh hưởng chính trị của It-ra-en qua bên kia sông Giođan, đi vào các vùng đất Ammon, Moab, Êđom và tràn lên Syria phía bắc.
Con trai của Đavít là Salômôn nối nghiệp cha, tiến hành thêm những hoạt động củng cố mối thống nhất, bao gồm việc xây dựng một Đền Thờ cho cả quốc gia, thiết kế theo mẫu đền thờ của người Canaan. Nhưng dù Salômôn rất nổi tiếng về hoạt động ngọai giao và sự “khôn ngoan”, những công việc xây dựng của ông – huy động nhiều sức người sức của – đã bị xem là bóc lột, nhất là tại vùng lãnh thổ phía bắc (1V 9,22, nhưng nên xem thêm 1V 5,27; 11,28 và 1V 12).
Palestine/Canaan vốn không phải là một môi trường thuần nhất, và những sắc thái nông nghiệp khác nhau dẫn đến những sắc thái xã hội khác nhau, tình hình càng phức tạp hơn nữa do bởi các đòi hỏi đóng góp vào công cuộc xây dựng của Salômôn bằng lao động và thuế má. Khi Salômôn qua đời, các dân phía bắc (gồm 10 trong 12 chi tộc) ly khai ra khỏi triều đình Giê-ru-sa-lem, và thiết lập một nước It-ra-en mới vào năm 922 trước công nguyên. Vì thế, Thánh Kinh Do Thái gọi quốc gia phía bắc là “It-ra-en”, và quốc gia phía nam là “Giuđa”. Nước Giuđa duy trì triều đại của dòng tộc Đavít, trong khi It-ra-en được cai trị bởi một loạt nối tiếp các vua, không vị nào trong đó rốt cục có thể thiết lập một vương triều khả dĩ vững chãi. Vì thế quốc gia phía bắc xem ra bất ổn hơn. Ở phía bắc, các ngôn sứ thỉnh thoảng dấy lên những cuộc cách mạng bằng cách công bố rằng Thiên Chúa đã chọn một vị vua mới trong khi ông vua tại vị vẫn còn đang ngồi trên ngai!
Trong nửa sau thế kỷ 8 trước CGS, quốc gia phía bắc tham gia vào một khối liên minh các quốc gia nhằm cố gắng chống lại áp lực ngày càng tăng của đế quốc Assiri. Khi vị vua của quốc gia phía nam, vua Akhaz, từ chối tham gia vào liên minh này, các thành viên của liên minh quyết định gây áp lực đối với Akhaz, và phát động một cuộc chiến tranh. Để ứng phó, vua Akhaz kêu gọi sự hỗ trợ của người Assiri – thế là người Assiri bắt đầu xâm lăng về phía tây. Năm 722 trước công nguyên, liên minh nói trên bị tiêu diệt bởi những người Assiri xâm lăng, trong đó có cả quốc gia It-ra-en phía bắc.
Đế quốc Assiri sử dụng một đường lối quân sự, nhằm bảo đảm sao cho các vùng bị chinh phục không thể có khả năng tập hợp sức đề kháng. Điều này liên quan đến việc trục xuất những bộ phận lớn dân chúng tại các vùng mới chinh phục, và thay vào đó bằng một nhóm người được đưa đến từ một vùng khác của đế quốc. Nhưng đế quốc Assiri cuối cùng bị lật đổ bởi một thế lực hùng mạnh mới nổi lên của người Mêsôpôtamia ở phía nam vùng lòng chảo hai con sông Tigre và Euphrate – đó là những người Babylon.
Giữa những năm 640 và 609, nghĩa là, giữa cuộc suy tàn của đế quốc Assiri và sự bành trướng thanh thế của người Babylon, vua Giôsia cai trị ở Giê-ru-sa-lem. Vua Giôsia được nhìn nhận là có công phát động một cuộc cải cách quan trọng, tập trung mọi việc phụng tự về Giê-ru-sa-lem (nghĩa là chấm dứt việc phụng tự trong các đền thờ địa phương, tránh hiện tượng pha tạp với các thực hành tôn giáo của người Canaan), đồng thời phục hồi một hình thức phụng tự Giavê cách tinh ròng hơn, có lẽ để hưởng ứng lời kêu gọi của một số ngôn sứ. Công cuộc của vua Giôsia đặt cơ sở trên Lề Luật được chứa đựng trong Sách Đệ Nhị Luật, và vì thế được gọi là “Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật”. Phong trào này cũng gợi cảm hứng thêm cho việc trước tác văn chương. Sau cái chết của Giôsia trong một chiến dịch chống lại người Ai Cập (609 trước công nguyên), “Lịch Sử Đệ Nhị Luật” được biên soạn, bắt đầu với Giôsuê và tiếp tục tới cuộc xâm chiếm của người Babylon như được mô tả ở cuối sách 2 Các Vua.
Người Babylon, cuối cùng, đã có thể đánh bại các đạo binh Assiri vào năm 609 trước công nguyên. Sau khi lên ngôi, vua Nabucôđônôso đã đưa người Babylon đi xa hơn về phía nam trên vùng duyên hải Canaan, củng cố quyền kiểm soát của mình đối với khu vực như một thái độ với người Ai Cập. Năm 597, vua trẻ Jehoiachin thần phục Nabucôdônôso, và Nabucôdônôso nhận Giuđa làm một nước chư hầu, đặt một nhà cai trị do chính ông chọn để làm một “tay sai” ở Giê-ru-sa-lem. Nabucôdônôso đặt tên cho vị vua mới này là “Zedekiah” (sự thay đổi tên thường tượng trưng cho quyền kiểm soát chính trị), đặt vua ấy lên ngai, rồi trở về Babylon với một nhóm người đi đày – trong đó có cả vị vua trẻ Jehoiachin. Đây là khởi đầu của cuộc Lưu Đày, và rõ ràng chỉ liên quan đến giới “thượng lưu của xã hội Giuđa” tức những kẻ có thể trực tiếp đe dọa đến sự cai trị của Babylon.
Zedekiah làm vua chư hầu trong 10 năm, nhưng suốt trong thời gian này ông đã nuôi tham vọng cai trị Giuđa như một quốc gia độc lập. Có lẽ hành động mạo hiểm ấy của ông đã được khích lệ do bởi những hứa hẹn giúp đỡ từ phía người Ai Cập, (như chúng ta có thể ghi nhận các ngôn sứ như Giêrêmia đã gay gắt tố cáo ý tưởng cho rằng Ai Cập sẽ cung cấp sự trợ giúp đáng tin cậy để vãn hồi nền độc lập). Khi Zedekiah ngừng triều cống người Babyon, thì hành động này của ông có ý nghĩa như một tuyên bố độc lập, và rồi chẳng bao lâu sau đó Nabucôdônôso một lần nữa kéo binh mã làm cuộc tây tiến để lập lại quyền kiểm soát. Giê-ru-sa-lem bị tàn phá vào năm 587-576, sau một cuộc vây hãm kéo dài, và các con của Zedekiah bị hạ sát. Chính Zedekiah cũng bị tra tấn và bị đưa đi Babylon. Đền thờ bị tàn phá, các đồ đạc trong Đền Thờ bị “tịch thu và đem đi” cùng với phần lớn dân chúng. Cuộc lưu đày này có tầm vóc lớn hơn nhiều so với mười năm trước đó, và liên quan tới một con số rất đông đảo dân chúng. Con số người bị đi đày được ước lượng từ 20 ngàn tới 70 ngàn, rõ ràng đây là một tỉ lệ rất cao.
Cuộc “Lưu Đày Babylon” này là một trong những biến cố rất hệ trọng trong vận mệnh của dân Do Thái; nhưng nhóm người lưu đày đã sống còn và đã tái lập đức tin của họ. Khi rốt cục người Ba tư đánh bại Babylon vào năm 539, hoàng đế Kyrô đã cho phép người Do Thái trở về Palestine. Dù một nhóm khá đông những người Do Thái vẫn còn ở lại Babylon, song “những cuộc hồi hương” khác nhau của người Do Thái (như được mô tả trong Et-ra) đã cho phép tái lập lại đức tin, cộng đoàn, và ngay cả việc phụng tự Đền Thờ.
Chúng ta không biết nhiều về xã hội Giuđa thời hậu lưu đày. Chỉ có một vài cuốn sách được gán cho thời này, chẳng hạn sách Hacgai, Dacaria, Malaki, và Etra-Nêhêmia. Tình trạng thiếu thông tin này tiếp tục cho tới giai đoạn Hi Lạp (sau năm 333 trước công nguyên) là giai đoạn mà chúng ta lại bắt đầu có những nguồn văn chương/lịch sử như các sách ngụy thư (Apocryphal) khác nhau. Điều mà chúng ta có thể giả đoán, đó là cộng đoàn Do Thái đã hình thành một căn tính và đức tin cộng đoàn mạnh mẽ dưới sự lãnh đạo của các tư tế, là những người xuất hiện như những vị lãnh đạo chủ yếu thay cho vương triều Đavít. Niềm hy vọng về việc khôi phục một quân vương thuộc dòng tộc Đavít đã trở thành căn bản cho một thời đại trong tương lai; niềm hy vọng này đôi khi dấy lên những hoạt động có tính dân tộc chủ nghĩa nơi những người Do Thái ở Palestine. Nhưng vào thời này, nhiều người Do Thái vẫn đang sống trong một “Diaspora” (nghĩa là, tại những nơi không phải là Palestine/It-ra-en) trải rộng từ Ai Cập tới xa bên phía đông qua khỏi lãnh thổ Babylon và Batư. Đối với họ, đức tin không còn có nghĩa là sự tồn vong của đất nước, nhưng là căn tính thuộc chiều kích tinh thần cũng như sự đề kháng lại tình trạng đồng hóa về mặt văn hóa. Từ những cộng đoàn này chúng ta có những câu chuyện về những người Do Thái trung kiên sống ở nước ngoài, chẳng hạn Đanien và Esther.
Từ thời lưu đày cho đến thế kỷ 20, với chỉ một thời gian tương đối ngắn trước cuộc chiếm đóng của người Rôma vào năm 64 trước công nguyên, dân Do Thái vẫn phải lụy thuộc về chính trị và kinh tế vào những người không phải là Do Thái. Vì thế, Do Thái giáo và Kitô giáo là những tôn giáo có gốc rễ được tìm thấy nơi những con người “bị xâm lăng” về chính trị. Đức Giavê, một vị Thiên Chúa của những người nô lệ được giải phóng, vì thế trở thành vị Thiên Chúa của những người bất lực và là vị Thiên Chúa của sự phán xử đối với những kẻ áp bức, những người giàu có và những người nắm quyền lực.
Nếu chúng ta không quên rằng hầu như tất cả Thánh Kinh Do Thái đều được biên tập và sắp xếp (nếu như không phải được viết trọn vẹn) bởi một dân tộc bất lực về chính trị, thì các bài thánh ca của Thánh Kinh nói với một “Thiên Chúa của chinh chiến” sẽ – một cách nào đó – mang những âm hưởng khác. Những ý niệm như thế sẽ có một ý nghĩa hoàn toàn khác (và không có tính Thánh Kinh) khi được những người nắm quyền lực trích dẫn nhằm phục vụ cho ích lợi của họ. Còn ở đây, tất cả những nhận thức ấy lại đến với chúng ta từ các loại văn khác nhau trong Thánh Kinh Do Thái, mỗi loại đóng góp những nhãn giới riêng. Chúng ta hãy tìm hiểu vắn tắt một số trong các loại ấy và đồng thời tìm hiểu một số vấn đề bật lên từ việc nghiên cứu những cuốn sách này ngày nay.
III. Các thời đại về lịch sử Thánh Kinh và Do Thái.
Do Thái giáo (tiếng Hebrew , Yehudah) là một tôn giáo gắn liền với Thánh Kinh Do Thái và lịch sử dân tộc Israel. Do Thái giáo xem mình là mối quan hệ giao ước giữa con cái Israel (sau này là nhà nước Do Thái) với Thiên Chúa. Và như thế, nhiều người xem đây là tôn giáo thờ độc thần đầu tiên. Nhiều phương diện của Do Thái giáo tuân theo các khái niệm về đạo đức và luật dân sự của phương Tây. Do Thái giáo là một trong những tôn giáo cổ xưa nhất mà vẫn còn được thực thi cho đến ngày hôm nay, và có rất nhiều sách thánh và truyền thống của đạo này là trung tâm của các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham. Như vậy, lịch sử và những luân lý đạo đức của Do Thái giáo có ảnh hưởng ít nhiều đến các tôn giáo khác, bao gồm cả Kitô giáo và Hồi giáo.
Vì đại đa số người theo Do Thái giáo là người Do Thái nên tín đồ tôn giáo này cũng còn được gọi là người Do Thái, và gọi như thế là đang nói đến nhóm tôn giáo-dân tộc, vì các lý do trong sách thánh đã xác định họ là một quốc gia, chứ không chỉ riêng những người theo đạo. Năm 2007, dân số Do Thái ước tính khoảng 13.2 triệu người, trong đó có 41% sinh sống ở Israel.
Trong Do Thái giáo hiện đại, uy quyền không được trao cho một người riêng lẻ hay một cơ quan nào cả mà nó ở trong sách thánh, giáo luật, và các thầy giảng (Rabbi) là những người diễn dịch Thánh Kinh thư Giáo luật. Theo những lời truyền của người Do Thái, Do Thái giáo khởi nguồn bằng giao ước giữa Thiên Chúa và ông Abraham (khoảng năm 2000 trước Chúa Giáng Sinh), tổ phụ và quốc tổ của nhà nước Do Thái. Qua nhiều thời đại, Do Thái giáo gắn liền với rất nhiều luân lý tôn giáo, mà quan trọng nhất là đức tin vào một Thiên Chúa duy nhất là Đấng Toàn Năng, rất nhân từ, thông biết mọi sự, Người đã tạo dựng vũ trụ và tiếp tục thống trị nó. Theo tục truyền Do Thái, Thiên Chúa thiết lập giao ước với con cái Israel và hậu duệ của nó và cho chúng biết lề luật và giới răn của Người thông qua ông Môsê trên núi Sinai. Do Thái giáo trân trọng việc học hỏi Cựu Ước và tuân giữ các điều răn đã ghi trong Cựu Ước.
1. Thời tiền sử.
Palestin là một trong những miền đất được con người cư ngụ sớm nhất (khoảng 40.000 năm trước Chúa Giáng Sinh). Dân Canaan đã sống ở Palestin khoảng 3.000 năm trước CGS và ảnh hưởng của họ còn rất lớn kể cả sau khi bị dân Isrel chinh phục miền đất này (x. Xh 3,8).
Thật vậy, vùng Cận Đông, trước năm 3,000 trước CN, có hai trung tâm văn minh rất tách biệt nhau. Mỗi nền văn minh đều có văn hóa, tay nghề và hệ thống chữ viết riêng. Một ở vùng Lưỡng Hà, tức vùng đất nằm giữa hai con sông Tích-ra và Êu-phơ-rát, một vùng ‘trăng lưỡi liềm phì nhiêu’. Nền văn minh kia chính là Ai Cập. Câu truyện về loài người bắt đầu với Vườn Ê-đen, tọa lạc đâu đó ở Lưỡng Hà Địa. Ápraham xuất phát từ thành Ur, phía nam Lưỡng Hà. Một số con cháu của ông lập nghiệp tại Kha-ran về phía bắc trong khi ông tiến vào Ca-na-an.
Như thế, ta thấy tổ tiên khởi thủy của dân tộc Do Thái chính là một trong các vương quốc giầu có và hùng mạnh tại các thung lũng sông ngòi của Ai Cập và Lưỡng Hà. Trong các lãnh thổ nằm giữa, ta thấy nhiều thành phố có vây tường và các vương quốc tí hon. Những thành trì này bảo vệ các người định cư giúp họ an ổn trồng cấy các mảnh đất bên trong. Nhưng cũng có các bộ lạc du mục, luôn luôn chuyển dịch, để tìm ra đồng cỏ tốt tươi cho đoàn vật của họ. Áp-ra-ham và gia đình ông chính là một trong những nhóm du cư khắp vùng ấy.
2. Thời các bộ tộc.
Theo sách sáng thế (St 11,27-32) thì gia đình Ápraham phát xuất từ thành Ur, thuộc xứ Canđê, một thành phố ở miền nam thung lũng Euphơrát. Ong di chuyển lên phía bắc và tới lập cư ở Kharan. Tại đây ông được Chúa kêu gọi (St 12,1-3). Sau đó cùng với vợ và cháu là Lot di chuyển đến Sikhem
Đồng bằng duyên hải và Thung Lũng Gio-đan, những nơi có đất đai canh tác tốt, đã có người định cư từ lâu. Điều ấy lôi cuốn người cháu của Áp-ra-ham là Lót. Lót từ vùng đồi núi di chuyển tới đóng lều gần Xơ-đôm. Nhưng cuộc sống ở đấy có cái nguy hiểm riêng của nó. Lót chỉ là một trong số nhiều người chịu tai vạ khi các vua nổi loạn rấy lên lật đổ quyền kiểm soát của các lãnh chúa xa xôi (St 14).
Còn Ápraham tiếp tục di chuyển xuống miền nam, qua Nêghép đến tận Ai Cập. Cuối cùng đến lập cư tại Khépron.
Về Isaac thì Thánh Kinh không đề cập nhiều, ông như cầu nối kế tiếp đền Giacóp là con ông mà thôi.
Riêng Giacóp thì có nhiều câu chuyện có vẻ ly kỳ và hấp dẫn. Ông phải trốn khỏi đất Canaan vì cướp quyền trưởng nam của Esau. Ông chạy tới Kharan và ở với cậu là Laban và cưới hai cô con gái của Laban là Lêa và Rakhen làm vợ. Sau khi hẹn Esau và giải quyết xong tranh chấp Giacop trở về Canaan.
Hạn hán và đói kém thường xẩy ra tại Ca-na-an. Nên người du mục đương nhiên phải di chuyển xuống vùng đất phì nhiêu của Ai Cập. Anh em con Giacop cũng đã xuống Ai Cập mua lương thực, một câu chuyện rất hấp dẫn về nhân vật Giuse con Giacop được làm quan trong triều đình Pharaô được truyền tụng. Chẳng bao lâu sau, cả nhà Ít-ra-en (12 con trai của Gia-cóp) đều đã định cư tại Gô-sen, phía đông Đồng Bằng Sông Nin.
3. Thời nô lệ và xuất hành.
Dân Ít-ra-en cư ngụ tại Ai Cập trong gần 400 năm. Trong thời gian đó, họ đã phát triển thành cả một dân tộc.
Thời Pharaô Sêti I (-1317-1290) và Ramset II (-1290-1234) khởi công xây cất các cung điện, các vua này không còn biết đến ông Giuse và bắt đầu bắt dân Do Thái làm nô lệ phục dịch và còn coi người Do Thái như một đe doạ. Họ xiết chặt quyền kiểm soát, cưỡng bức người Do Thái phải làm việc như các nô lệ chuyên sản xuất gạch xây nhà. Để giảm thiểu số người Do Thái, Vua Ai Cập ra lệnh bỏ trôi sông các trẻ trai của Do Thái cho chết đuối hết. Dân kêu van Chúa nên Ngài gửi nhà lãnh đạo đến với họ, đó chính là Mô-sê.
Phải kinh qua nhiều tai ương, Vua Ai Cập mới chịu để dân Do Thái ra khỏi xứ sở ông. Nhưng vào phút chót, ông lại thay đổi lòng dạ, nên đã cho quân sĩ đuổi theo, nhưng dân Do Thái chạy thoát qua ‘biển sậy’ tới Núi Xi-nai yên ổn. Cuộc ‘xuất hành’ bắt đầu (x. Xh 1-14).
Cuộc xuất hành kéo dài khoảng 40 năm và tại sa mạc Sinai, dân Do thái đã nhận Thập Điều (mười giới răn – giao ước). Trước khi tiến vào đất hứa, ông Môsê đã chết tại núi Nebo và Giôsuê thay thế ông đưa dân vào đất Canaan.
4. Thời lập quốc.
Giô-suê đảm nhiệm quyền lãnh đạo toàn dân khi họ tiến vào lãnh thổ bên kia Sông Gio-đan. Thực ra, cuộc chiến thắng không dễ dàng như tường thuật trong sách Giosuê, nhưng có lẽ diễn ra theo kiểu xâm nhập dần từ phía miền núi xuống. Cuộc hội họp ở Sikem (Gs24) có lẽ nhằm mục đích quy tụ và liên kết toàn dân lại thành một khối duy nhất sau khi đã xâm nhập được một số nơi và hiện các chi tộc đang sống rải rác.
Các chi tộc định cư tại các vùng được phân chia cho họ. Nhưng giờ đây lại sống rải rác khắp nơi, bị bao vây bởi các lân bang thù nghịch. Khi Giôsuê mất, việc kiểm soát được cả lãnh thổ xem ra là việc khó làm. Dần dà, dân Do Thái mất hết ý niệm chính Thiên Chúa đã chiến đấu cho họ. Họ bắt đầu thỏa hiệp với các nước lân bang, và cả với các thần minh của họ, mong sao được sống yên ổn. Kẻ thù của họ rõ ràng lợi dụng được điểm yếu của họ. Sách Thủ Lãnh thuật lại câu truyện đáng buồn ấy. Các nước lân bang vì thế quay đầu tấn công lại họ: Vua Lưỡng Hà từ hướng bắc; người Mô-áp và Am-mon từ bên kia Sông Gio-đan; người Ma-đi-an từ hướng đông. Người Ca-na-an tại Kha-xo lớn mạnh đủ để thực hiện cuộc tấn công thứ hai vào những người mới định cư. Và từ hướng duyên hải, người Phi-li-tinh đẩy dân Do Thái ngày một lùi dần về phía núi đồi. Cũng như bao nhiêu lần khác trong lịch sử của họ, người Ít-ra-en đều kêu cầu Chúa đến giúp đỡ họ qua cơn bĩ cực. Mỗi vị ‘phán quan’ hay thủ lãnh đều ít nhất cũng đem lại một thời kỳ bớt căng thẳng. Những vị nổi tiếng nhất trong hàng ngũ những người chiến đấu dành tự do này chính là Đơ-vô-ra và Ba-rắc, Ghít-ôn, Gíp-tác và Sam-sôn. Thời kỳ thủ lãnh kéo dài khoảng từ năm – 1200 đến năm – 1050.
5. Thời quân chủ.
Vị sau cùng và vĩ đại nhất trong hàng thủ lãnh chính là Sa-mu-en. Ngài vừa là tiên tri vừa là người tạo nên các vị vua. Khi Sa-mu-en về già, dân chúng yêu cầu có một vị vua để cai trị họ, giống như các quốc gia khác. Sa-mu-en cảnh cáo để họ thấy rằng có vua có nghĩa là có quân dịch, có cưỡng bức lao động và có áp chế. Nhưng dân Ít-ra-en bất kể những thứ ấy, họ vẫn cần có một vị vua. Nên cuối cùng Sa-mu-en đã làm theo lời họ yêu cầu. Vị vua đầu tiên là một thanh niên thuộc chi tộc Ben-gia-min, cao ráo và đẹp trai, tên là Sa-un. Buổi đầu, mọi sự đều suôn sẻ, nhưng rồi quyền lực lọt vào đầu óc Sa-un và ông bắt đầu làm ngơ các huấn lệnh rõ rệt của Thiên Chúa. Vì sự bất tuân của Sa-un, nên con trai ông là Giô-na-than không thừa kế được ngai vàng. Thay vào đó, ngay lúc sinh tiền của Sa-un, Thiên Chúa đã sai Sa-mu-en đi xức dầu cho Đa-vít làm vua kế tiếp. Khi còn là một cậu bé chăn chiên, Đa-vít đã giết được tên quán quân người Phi-li-tinh là Go-li-át. Sự nổi tiếng của cậu khiến Vua Sa-un ghen tức. Nên trong nhiều năm, Đa-vít phải sống như một người bị đặt ra ngoài vòng pháp luật, lúc nào cũng phập phồng cho số phận mình. Nhưng rồi cả Sa-un lẫn Giô-na-than đều bị chết trong lúc chiến đấu với quân Phi-li-tinh. Đa-vít lên làm vua. Ông thống nhất vương quốc, chiếm cứ Giê-ru-sa-lem, một thành trì của người Giơ-vút, làm thủ đô. Ông là một quân vương kiêm chiến sĩ. Ông đã mở mang vương quốc, xua đuổi các kẻ thù xưa.
Tuy nhiên, dù Đa-vít là một nhà quân sự tài ba, nhưng trong việt tề gia ông lại nhu nhược. Câu chuyện dài ở Sm 9-20 và 1V 1-2 đã cho thấy mặt trái trong triều đại của ông là việc phế trưởng lập thứ, bỏ con chính thức để chọn con ngoại tình kế vị ngai vàng. Đó là mầm mống của gây ra hậu hoạ sau này.
Gia bảo ông để lại cho Sa-lô-môn. Đa-vít muốn xây một đền thờ cho Chúa tại Giê-ru-sa-lem, nhưng ông chỉ đủ thì giờ thu thập vật dụng. Sa-lô-môn mới là người xây dựng đền thờ ấy và nhiều dinh thự lộng lẫy khác. Một vương quốc hùng mạnh, vững ổn đã giúp Sa-lô-môn thịnh trị qua nhiều liên minh buôn bán. Đức khôn ngoan của ông đã thành huyền thoại. Tại vương triều của Sa-lô-môn, có rất nhiều vui chơi văn hóa và mỹ thuật. Thời ông là hoàng kim thời đại của Ít-ra-en. 1Sm 8 – 1V 11.
6. Thời phân tranh nam bắc.
Dưới thời Sa-lô-môn, Ít-ra-en trở thành một vương quốc giầu có và hùng mạnh, nhưng dân chúng thì bị áp chế bằng sưu cao thuế nặng cũng như lao công khổ dịch. Khi con trai của Sa-lô-môn là Rơ-kháp-am lên trị vì, họ thỉnh cầu ông nhẹ gánh cho họ. Nhưng ông cự tuyệt. Nên mười chi tộc miền Bắc đã nổi dậy chống lại. Họ lập ra một vương quốc mới, tức vương quốc Ít-ra-en, với Gia-róp-am I làm vua và thủ đô đặt tại Si-khem. Ở miền Nam, Rơ-kháp-am cai trị vương quốc Giu-đa (gồm hai chi tộc Giu-đa và Ben-gia-min) với thủ đô tại Giê-ru-sa-lem. Gia-róp-am cũng lập ra một trung tâm thờ phượng mới cho vương quốc phía Bắc, hoàn toàn cắt đứt với Giê-ru-sa-lem. Ông ta chọn Đan, ở phía bắc, và Bết-ên, một trung tâm quan trọng lúc Sa-mu-en còn sống. Nhưng rồi các tập tục ngoại giáo mau chóng du nhập vào việc thờ phượng. Các sử gia soạn giả hai sách Các Vua và Sử Biên xếp loại các vua là ‘tốt’ hay ‘xấu’ là tùy họ có chịu canh cải tôn giáo hay để cho các tập tục ngoại giáo tiếp tục hoành hành. Út-di-gia-hu và Khít-ki-gia là hai trong các vua biết đi theo đường lối Thiên Chúa của Giu-đa. Vua A-kháp của Ít-ra-en có thành tích tệ hại hơn cả. Ông và bà vợ ngoại giáo là I-de-ven chống lại tiên tri Ê-li-a và bách hại bất cứ ai thờ phượng Thiên Chúa. Ngày nay, người ta vẫn còn nhìn thấy di tích ‘tháp ngà’ của ông vua này tại Sa-ma-ri. Các biên niên sử của Át-sua ghi lại rằng ông vua này đem 10,000 binh lính và 2,000 chiến xa dự trận đánh Qarqar, nơi ông liên minh với Ai Cập chống lại Vua San-ma-ne-xe của Át-sua (853 trước CN).
Sự lớn mạnh của thế lực Phương Bắc: Trong vị thế chiến lược giữa hai đại cường Ai Cập và Lưỡng Hà của mình, cả Ít-ra-en lẫn Giu-đa đều là mồi ngon cho xâm lược. Đa-vít và Sa-lô-môn thành công một phần vì không đại cường nào mạnh đủ để tấn công lúc các ông còn trị vì. Nhưng sau khi phân rẽ vương quốc, các quốc gia gần kề như Xi-ri, Am-mon và Mô-áp lập tức đem lại cho các vua Ít-ra-en và Giu-đa đủ thứ rắc rối. Tuy nhiên, chính sự lớn mạnh của các đại cường chính xa hơn về phía đông bắc mới có tính quyết định. Đế quốc Át-sua trước đó từng có thời gian đầy sức mạnh dưới thời Tích-lát Pi-le-xe I. Nhưng cuộc gây hấn tàn bạo khiến ai cũng phải kinh hoàng đối với họ lên đến cực điểm vào các năm 880 và 612 trước CN. Đế quốc này đặt căn cứ tại ba thành phố lớn: Át-sua, Ca-lác và Ni-ni-vê. Từ giữa thế kỷ thứ 9 trước CN, thời A-kháp trị vì Ít-ra-en, các vua Át-sua đã liên tiếp tấn công Ít-ra-en và Giu-đa rồi. Chẳng bao lâu sau, Vua Giê-hu của Ít-ra-en phải triều cống Vua San-ma-ne-xe III của Át-sua. Một trăm năm sau, Vua A-khát của Giu-đa yêu cầu Vua Tích-lát Pi-le-xe III của Át-sua giúp mình chống lại Xi-ri và Ít-ra-en (Is 7; 2V 16). Ông ta đã chiến thắng cả hai nước trên, nhưng cũng vì thế, Giu-đa đã trở thành nước chư hầu của Át-sua. Khi Ít-ra-en từ khước không chịu triều cống hàng năm, vị vua kế tiếp của Át-sua đã chiếm lấy Sa-ma-ri, lưu đầy mọi người và hủy diệt vương quốc phía bắc (7221 trước CN; 2V 17). Không bao lâu sau, Ai Cập bị người Át-sua đánh bại. Năm 701 trước CN, ông vua hùng mạnh là Xan-khê-ríp vây hãm Giê-ru-sa-lem, nhưng nhờ Vua Khít-ki-gia biết tín thác nơi Thiên Chúa, nên thành thánh đã được cứu (2V 19). Người Át-sua phải chiến đấu rất nhiều mới giữ được đế quốc của họ. Trong thế kỷ kế tiếp, nhiều tỉnh nổi lên giành lại độc lập. Đế quốc ấy tồn tại tới lúc Át-sua lọt vào tay người Mê-đi năm 614 trước CN và Ni-ni-vê bị người Mê-đi và Ba-by-lon tiêu hủy năm 612. Tóm lại, vương quốc phía bắc tồn tại ngắn hơn nhưng có tới 20 đời vua, còn vương quốc Giuđa tồn tại 18 đời vua.
7. Thời lưu đày.
Lịch sử Do Thái từ ngàn xưa cho thấy cha ông họ đã luôn sống dưới kiếp nô lệ, hết với đế quốc này sang đế quốc khác. Trong thời kỳ này có bốn Đế Quốc cai trị cả vùng Tiểu Á.
Thời đó (trước đây 2000 năm), người Do Thái nhìn thế giới rất nhỏ, đơn giản là tin có trời tròn đất vuông. Hơn nữa, con người thời này biết rất ít về địa lý của thế giới, cụ thể là với Châu Phi thì họ chỉ biết được những vùng rẻo nhỏ, còn với Châu Á thì cũng chỉ biết được một số vùng nào đó, nhất là với Châu Mỹ thì lại càng hoàn toàn không biết gì (vì mãi đến sau này Kha Luân Bố mới khám phá ra Châu Mỹ). Nói tóm lại, thế giới thời đó chỉ là những vùng xung quanh Địa Trung Hải.
Với người Do Thái thời đó thì Israel chính là cái rốn của vũ trụ và Giêrusalem là cái rốn của Israel. Có bốn thời đại, đúng hơn là bốn đế quốc đã thay nhau đô hộ Do Thái:
– Assyri = khoảng năm – 650
– Babylon = khoảng năm – 550 (thời lưu đày)
– Đế quốc Ba Tư = khoảng năm – 450.
– Đế quốc Hy Lạp = khoảng năm – 323.
Thời đó, ai chiếm được vùng này là chiếm được toàn thể thế giới. Vì thế, nói tới bối cảnh lịch sử thời này là nói nhiều đến các vua chúa đương thời.
Trong Thánh Kinh, nếu Át-sua có nghĩa là áp bức, thì Ba-by-lon có nghĩa là quyền lực. Nobopolassar, thống đốc khu vực quanh Vịnh Ba Tư, giải phóng Ba-by-lon khỏi Át-sua và năm – 626 lên ngôi vua. Ông tiếp tục chiến thắng người Át-sua và năm – 612, người Ba-by-lon và Mê-đi chiếm được thủ đô của Át-sua là Ni-ni-vê. Họ không chỉ bằng lòng với việc chiếm cứ Át-sua mà còn tìm cách thu tóm toàn bộ Đế Quốc Át-sua nữa. Người Át-sua rút về Kha-ran, nhưng chẳng bao lâu cũng bị bứng khỏi đấy. Người Ai Cập, vì biết đất nước mình lâm nguy, nên đã tự động tiến quân lên phía bắc để hỗ trợ người Át-sua. Vua Giô-si-gia-hu của Giu-đa đụng độ với đoàn quân Ai Cập tại Mơ-gít-đô. Trong trận chiến này, ông bị giết và do đó, Giu-đa trở thành chư hầu của Ai Cập (2V 23:29). Bốn năm sau, tức năm – 605, quân đội Ba-by-lon do Na-bu-cô-đô-nô-xo cầm đầu đã đánh bại quân Ai Cập tại Cá-cơ-mít (Gr 46:1-2). Đế quốc Ba-by-lon mỗi ngày một bành trướng. Giơ-hô-gia-kim của Giu-đa là một trong nhiều vị vua nay phải triều cống cho Na-bu-cô-đô-nô-xo. Sau một trận đánh khốc liệt với quân Ba-by-lon năm – 601, người Ai Cập khích lệ Giu-đa nổi dậy. Na-bu-cô-đô-nô-xo phái quân đội tới dẹp loạn và năm – 597, chỉ sau khi Giơ-hô-gia-kim lên ngôi không lâu, Giu-đa đầu hàng. Vua và nhiều nhà lãnh đạo bị đầy qua Ba-by-lon. Chính sách của kẻ xâm lăng không những là cướp bóc và phá phách, mà còn làm suy yếu các nước chư hầu và ngăn chặn những vụ nổi loạn trong tương lai bằng cách tống xuất các công dân hàng đầu của họ (2V 24:10-17). Dù thế, 10 năm sau, Xít-ki-gia-hu, một ông vua bù nhìn được Na-bu-cô-đô-nô-xo đặt lên ngai vàng Giu-đa, đã cầu viện Ai Cập để nổi dậy. Quân Ba-by-lon bèn xâm lăng Giu-đa và vây hãm Giê-ru-sa-lem. Cuộc vây hãm này kéo dài 18 tháng. Cuối cùng, tường thành bị chọc thủng. Năm – 586, thành bị chiếm. Vua Xít-ki-gia-hu bị bắt và bị làm cho mù. Các báu vật, kể cả châu báu của đền thờ, đều bị đem qua Ba-by-lon. Giê-ru-sa-lem và đền thờ bị phá hủy, còn công dân thì bị tống xuất. Chỉ những người thật nghèo mới được phép ở lại canh tác đất đai (2V 25:1-21).
8. Thời hồi hương.
Giữa thế kỷ thứ sáu trước CGS, Ba-by-lon hết sức hùng mạnh. Nhưng các tiên tri lên tiếng nói về một Thiên Chúa mà đối với Người mọi ông vua chỉ là bù nhìn, và Người có thể dùng chính thế lực ngoại giáo để hoàn tất các ý định của mình. Ky-rô, người Ba Tư, thống nhất được hai vương quốc Mê-đi và Ba-tư ở phía đông của Ba-by-lon. Ông chiếm được nhiều lãnh thổ xa xôi tận phía đông như Ấn Độ. Rồi ông tấn công chính Ba-by-lon. Thành này thất thủ năm – 539 và ông thống lãnh toàn bộ đế quốc. Các vua Ba-Tư mở rộng bờ cõi xa hơn cả các đế quốc trước đó. Họ chiếm được cả Ai Cập và trọn vùng nay là Thổ Nhĩ Kỳ. Khi Ba-by-lon thất thủ, Ky-rô bắt đầu tái tổ chức đế quốc. Ông phân chia nó thành các tỉnh, mỗi tỉnh đều có nhà cai trị riêng, gọi là ‘satrap’. Những vị này thường là người Ba Tư, nhưng dưới họ là các nhà cai trị địa phương với một số quyền nhất định. Dân các nước chư hầu được khích lệ duy trì phong tục và tôn giáo riêng của mình. Như một phần của chính sách trên, Ky-rô phái một số người Do Thái trở lại Giê-ru-sa-lem để tái thiết thành phố và đền thờ, như đã được thuật lại trong sách Ét-ra và Nơ-khe-mi-a. Người Do Thái cũng lập nghiệp ở nhiều vùng khác nhau trong đế quốc. Ở Su-san, một trong các thủ phủ của Ba Tư, một vị vua sau này tên là Xéc-xét I, còn tôn một phụ nữ Do Thái làm hoàng hậu, như đã được sách Ét-te thuật lại. ‘Sự tán dân’ (diaspora), một danh từ chỉ chung những người Do Thái sống trên xứ người, sau này trở thành rất quan trọng vào thời Tân Ước.
Vì họ sống xa đền thờ, nên những người Do Thái này đã phát triển ra hệ thống hội đường làm trung tâm giáo huấn và thờ phượng. Việc đó đã xây nền cho việc phát triển mau lẹ của các giáo hội Ki-tô giáo sau này, là các giáo hội cũng được xây dựng theo khuôn mẫu ấy. Vua Đa-ri-ô I (522-486 trước CGS), người xây dựng nên thủ đô mới hết sức vĩ đại là Persepolis, và là người đã chiếm được miền Tây Ấn Độ, cũng đã đẩy đế quốc xa hơn về phía tây. Năm – 513, ông chiếm Ma-kê-đô-ni-a, phía bắc Hy Lạp. Năm – 490, người Ba Tư bị người Hy Lạp đánh bại tại Marathon, và vũ đài được chuẩn bị sẵn cho những chiến công hiển hách sau này của Hy Lạp cổ điển xưa.
9. Thời đô hộ.
Xéc-xét I ( 486 – -465) xâm lăng Hy Lạp, còn chiếm được cả A-thê-na, nhưng đã bị đánh bại trong trận hải chiến ở Sa-la-mi. Át-tắc-xát-ta, Đa-ri-ô II và các vua kế tiếp đã đánh trả. Vận mệnh của Ba Tư và Hy Lạp, Mê-đi và Ai Cập lúc thịnh lúc suy nhưng cuối cùng, vào năm – 333, người chiến binh Hy Lạp tên A-lê-xan-đê quê ở Ma-kê-đô-ni-a đã vượt Hellespont để bắt đầu sự nghiệp phi thường của mình. Ông chỉ mới 22 tuổi khi khởi đầu tiến quân trên khắp mặt thế giới cổ thời. Ông ‘giải phóng’ Ai Cập khỏi tay người Ba Tư (lập ra hải cảng Alexandria), rồi tiến quân qua phía đông, đến tận trái tim Đế Quốc Ba Tư. Ông tiến chiếm mọi nơi đến tận Ấn Độ và đánh bại bất cứ ai cản đường tiến quân của mình, đến đâu cũng thiết lập ra các thành thị Hy Lạp. Tước hiệu ‘A-lê-xan-đê Đại Đế’ của ông thật hết sức xứng đáng.
Đại đế A-lê-xan-đê là con của Vua Philiphê II, vua sứ Makêdonia. Vua Philiphê II có tham vọng tập hợp các xứ xung quanh Địa Trung Hải thành một đế chế Hy Lạp. Trong vòng 23 năm, ông đã chinh phục lại được các thành phố đang chịu sự thống trị của Ba Tư. Không những thế, ông đã huy động được một đội quân hùng mạnh dự định một ngày nào đó sẽ tuyên chiến với Ba Tư. Đang khi đó ông đã bị chính vợ mình là bà Olympias, mẹ của A-lê-xan-đê đại đế giết hại. Bà đã sát hại chồng để giữ ngôi báu cho con mình, vì ngoài bà, ông còn có rất nhiều vợ.
A-lê-xan-đê trở thành hoàng đế năm 19 tuổi. Ông đã từng học trong trường của Aristote. Ông khao khát được biết về văn hoá, siêu hình học, tâm lý học, y khoa, khoa học, thiên văn, triết học, toán học. v.v.
Nối nghiệp cha, ông ta có tư tưởng sẽ hình thành một đế quốc bao trùm cả thế giới, và trong thế giới đó, nền văn minh Hy Lạp sẽ trị vì. Vì thế, ở bất cứ nơi nào ông chiếm được, ông điều biến thành những thuộc địa của Hy Lạp để văn minh Hy Lạp được phổ biến và lan rộng.
Khi chinh phục được Ai Cập, ông có ý định xây dựng đây một thành phố lớn mang tên ông. Ngoài ra, nơi những thành phố hoặc những vùng ông đã chiếm lĩnh được, ông bắt dân đóng thuế cùng vơ vét những tài nguyên bù vào những gì ông đã bỏ ra trước chiến tranh và để nuôi chiến tranh.
Khi đạo quân của A-lê-xan-đê đến biên giới gần Ấn Độ, đoàn quân vì di chuyển xa xôi nên đã mỏi mệt, và không muốn tiến xa hơn nữa. Vì thế ông đành dừng lại và thu quân về, và đế quốc dừng lại ở đó. Trên đường thu quân về ông qua đời ở Babylon vì một cơn sốt, lúc đó ông được 33 tuổi.
Công trạng của ông là đã phổ biến văn hoá Hy Lạp trên toàn đế quốc của mình. Ngoài ra, ông còn là người có tính nhân bản và biết thuật dùng người: Người trẻ đi đánh trận, còn người đau yếu và già nua thì ở nhà xây dựng thành phố. Như vậy, ông là người có óc xây dựng chứ không chỉ biết có tàn phá. Hơn thế nữa, quân của ông khi từ Hy Lạp sang Châu Á, đi tới đâu đều cưới người địa phương ở đó. Từ đó tạo nên sự Hy Lạp hoá các vùng mà đế quốc đã đi qua.
Người ta ước tính rằng chưa đầy 14 năm, ông đã đi hơn 25.000 cây số, và đã xây dựng được một đế quốc rộng hơn cả Babylon thời đó.
Alexandre đại đế không có con nối dõi, mặc dù trước đó các tướng lĩnh đã thúc giục ông lấy vợ trước khi tấn công vào Châu Á. Người kế ngôi ông là người em cùng cha khác mẹ, tên là Philipphê.
Nhưng Philipphê lại là người bị tâm thần. Bởi đó, ông này cũng đã bị bà Olympias mẹ của Alexandre đại đế sát hại. Vì tội ác tày đình giết chồng hại con này mà sau đó bà cũng đã bị xử trảm. Đến đây dòng dõi của vua Philipphê II hoàn toàn tuyệt tự. Vì thế, sau đó đế quốc Hy Lạp lớn rộng đã được cai trị bởi 4 chư hầu cũng là 4 vị tướng lãnh của A-lê-xan-đê đại đế.
Các nhà cai trị Xê-lêu-kít, đặt bản doanh ở An-ti-ô-ki-a bên Xi-ri, kiểm soát vùng Pa-lét-tin. Người Pơ-tô-lê-mai, đặt bản doanh tại A-lê-xan-ri-a cai trị Ai Cập. Tuy nhiên, về văn hóa, thế giới Hy Lạp vẫn là một thể thống nhất với tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ chung và khuôn mẫu văn minh Hy Lạp làm chuẩn. Bối cảnh này đóng một vai trò rất sinh tử trong các biến cố sau này.
Đến thời Tân Ước, dân Do Thái đã phải sống hết 500 năm dưới ách thống trị ngoại bang kể từ ngày từ lưu đầy trở về. Dưới thời Đế Quốc Hy Lạp, họ nộp sưu thuế cho Pơ-tô-lê-mai của Ai Cập và chấp nhận tiếng Hy Lạp làm ngôn ngữ Đế Quốc. Năm – 198, nhà cai trị gốc Xê-lêu-kít tại Xi-ri là An-ti-ô-khô đại đế đánh bại nhà Pơ-tô-lê-mai và chiếm đóng Pa-lét-tin. Nhưng sau đó ông bị người Rôma đánh bại tại Magnesia vào năm – 190.
Người Rôma đánh thuế đế quốc Xê-lêu-kít rất nặng và tìm mọi cơ hội để cướp bóc các thành thị và đền thờ. An-ti-ô-khô Ê-pi-pha-nê dùng sự chống đối của những người Do Thái đạo hạnh gọi là Khi-si-đim như cái cớ để cướp phá đền thờ Giê-ru-sa-lem. Sau đó, ông cho xây một trung tâm ngoại giáo của Hy Lạp ngay trung tâm thành phố và một bàn thờ trong đền thờ dâng kính thần Zeus (Dớt) trên đó, họ cho dâng heo làm hy lễ (luật thực phẩm Do Thái cấm không được dùng thịt này).
Sự xỉ nhục cuối cùng trên đã khiến xẩy ra cuộc nổi loạn của anh em nhà Ma-ca-bê. Người Do Thái thành công trong việc tự giải phóng mình trong một thời gian để có thể thanh tẩy cũng như tái thánh hiến đền thờ vào năm 165 trước CGS[19].
10. Cuộc khởi nghĩa của nhà Macabê.
Năm – 167, vào những giai đoạn trước, sứ Giudêa dưới quyền cai trị của tiểu vương đóng tại Ai Cập coi vùng Palestin. Còn với thời đại mới thì Palestin lại dưới quyền cai trị của Syria
Vị tiểu vương Syria bắt dân đóng thuế và thờ lạy thần ngoại lai. Trong bối cảnh đó xuất hiện một người tên là Mattathias. Ông là tư tế lãnh đạo tôn giáo, Ong từ trối vâng lời tiểu vương cống nộp thuế và thờ thần ngoại. Vì thế, Ong và gia đình trốn lên núi của Giuđê và tổ chức kháng chiến. Cấu kết với một số người do thái chính thống.
Ông Mattathias chết vào năm – 166 và con ông là Giuđa Maccabée lên thay.
Giuđa Maccabée có tư tưởng phóng khoáng hơn. Theo luật Môsê ngày Sabát không được đánh nhau. Nhưng ông này chủ trương bất cứ ngày nào địch vào là đánh mà vẫn không lỗi luật. Ông tổ chức một đạo quân du kích chống lại Syria, quân của ông chống trả một cách quyết liệt và chiến thắng nhiều trận như ở Emmaiis cách Giêrusalem khoảng 50 km về hướng tây và nhiều nơi khác, mỗi một địa danh mà ông giải phóng được lại có những người Do Thái ở đó ủng hộ và bổ sung vào quân đội của ông.
Cuối cùng ông chiếm được Giêrusalem. Theo lễ nghi, khi chiếm được thành phải làm lễ tẩy uế đền thờ.
* Ngày 25-12 ông thiết lập nghi thức phượng tự theo nghi lễ Lêvi dâng lên Thiên Chúa. Dân Do Thái coi là lễ cung hiến hay là lễ ánh sáng.
Quân đội của ông xây dựng một tường thành mới kiên cố hơn (tường thành nơi chiếm đóng). Những người Do Thái chính thống rất hài lòng với những kết quả mà ông Giuda đạt được. Nhất là trên bình diện tôn giáo, và những người Do Thái chính thống (Hassidim) muốn an phận, nghỉ ngơi và không muốn đánh nhau nữa. Nhưng đối với ông Giuđa vẫn muốn tiếp tục giải phóng kể cả mặt tôn giáo và chính trị.
Năm – 164 Antiochus IV qua đời. Và những người Do Thái thân Hylạp đã bật mí chi tiết này cho một tay tên là Lysias, là một quốc sư của ông vua trẻ Antiochus V mới lên ngôi.
Ông Giuđa Maccabée bị những người Do Thái này chơi. nên khi ông quốc sư cầm một đạo binh đến vây thành Giêrusalem nhưng sau một thời gian thì triều đình buộc Lysias ra đi. Trước khi đi ông đòi Giuđa Maccabée một thoả hiệp:
– Bên ngoài tường thành mà Maccabée xây dựng phải để cho quân triều đình đóng giữ, còn bên trong thì cha con nhà Giuđa tự lo liệu
Vào thời Antiochus V, người Do Thái tuy bị nô lệ nhưng vẫn được tự do tôn giáo.
Ông Giuđa Maccabée có hai em trai là Jonathan và Simon. Cả ba anh cùng đồng lòng muốn kháng chiến. Maccabée là cái búa của Thiên Chúa. Tên này do người Do Thái đặt cho anh em ông vì họ hâm mộ và ủng hộ các ông. Cho rằng cái búa của Thiên Chúa sẽ đập tan mọi kẻ thù địch.
Trong khi một bên muốn an phận và một bên muốn đánh tiếp. Từ đó sinh ra những mâu thuẫn. Nhóm Hassidim (do thái chính thống và là tiền thân Pharisêu) có thế lực rất lớn và ảnh hưởng đến cả thế quyền.
Lysias lợi dụng tình thế sự bất hoà này đã đặt một người tên Alsimus lên làm thượng tế (vì vua tại trị còn trẻ nên ông quốc sư này làm mọi chuyện theo ý của ông ta. Alsimus thuộc dòng tộc tư tế nhưng ở trường phái thân Hy Lạp. Anh em Maccabée chống lại sự đặt để này. Ông Alsimus đã cầu viện lên vua Démétrios I (vua Syria). Nhà vua sai một đạo binh, và người dẫn đầu là Nicanor đến bắt Giuđa Maccabée và khẳng định vị trí của Alsimus. Nhưng quân Maccabée mạnh nên quân của nhà vua thua, và Nicanor bị giết chết, còn Alsimus thì trốn sang Syria.
Trong lúc đang say men chiến thắng, thì quân cứu viện của nhà vua tới đánh tan tác quân kháng chiến của Maccabée. Không biết Giuđa Maccabée có chết ở cuộc chiến đó hay không nhưng ông đã kịp gởi một phái đoàn đi cầu viện Rôma. Thì Rôma thích nên chấp nhận lời thỉnh cầu đó. Tuy không sang đánh ngay nhưng Rôma báo động và đe doạ Vua Démétrios I.
Giuđa chết, Jonathan là em ông tiếp tục lãnh đạo kháng chiến. Ông là thủ lãnh của Giuđêa từ -160 đến -142.
Nhưng ông Alsimus trên nguyên tắc vẫn là thượng tế, trở về sau cuộc chạy trốn và chết năm -159. Sau đó trong vòng 7 năm liền không có thượng tế vì anh em Maccabée không được vua yêu thích nữa.
Alexandre Balas cậy vào thế của sứ thần Rôma. Cả hai đều ra sức làm vừa lòng Jonathan để nhờ cậy
Ông Alexandre Balas nói với Jonathan nếu đứng về phía ông thì sẽ được làm thượng tế và là bạn của nhà vua; ngược lại Démétrios I thì hứa sẽ miễn thuế và trả đất bị chiếm đóng. Qua hai sự mời gọi đó. Jonathan đã chọn Balas vì với ông danh xưng làm thượng tế rất quan trọng.
Sau đó Balas ám sát Démétrios I, và Jonathan thì thần phục Balas. Sau đó Balas bị ám sát ở ẢRập, và khi Balas bị ám sát thì ông Jonathan chạy chọt với Démétrios II để xin vua khẳng định Jonathan là thượng tế hợp pháp. Nhưng Démétrios II đã không giữ lời hứa của Démétrios I, nghĩa là không chấp nhận Jonathan là thượng tế, chính vì vậy Jonathan bực mình và quay sang một người khác tên là Tryphon
Tryphon là kẻ đối nghịch với Démétrios II. Tryphon dựa vào thế lực của Antiochus VI là con của Alexandre Balas, Tryphon mặc dù đã có âm mưu ám sát Antiochus VI nhưng cũng không ủng hộ Jonathan vì sợ. Ông bắt cả gia đình Jonathan và giết chết.
Khi Jonathan bị giết thì ông Simon kế vị lãnh đạo Do Thái độc lập từ năm -142 đến -63. Ông thần phục Démétrios II và ủng hộ Démétrios II chống lại Tryphon. Nhà vua miễn giảm thuế và nhìn nhận miền Giuđêa như một nhà nước độc lập. Ông tìm cách chèn ép nhóm Do Thái thân Hy Lạp, nhưng dù sao vẫn phải chịu ảnh hưởng Hy Lạp
Simon là một vị thủ lãnh khôn ngoan và trung thành lề luật. Ông được đặt làm thượng tế và còn được là tiểu vương. Từ việc ông được thăng hoa cả về mặt tôn giáo và chính trị, số người ủng hộ ông rất là nhiều và đề nghị ông là vua. Bắt đầu triều đại nhà Asmon[20].
Năm – 63 sứ Giuđa trở thành một tỉnh của Rôma mà họ phân vùng. Ông Hycano II lãnh đạo cả vùng thổ Giuđêa. Các xứ này đã thấm nhuần văn hoá Hy Lạp.
Vùng Samaria (ven biển) và thập tỉnh bị ảnh hưởng văn hoá Hy Lạp nhiều nhất. Trực tiếp dưới quyền chăm sóc của Syria. Lãnh thổ Do Thái do ông Hycano II lãnh đạo chỉ còn là cộng đồng tôn giáo mà trung tâm của người Do Thái là Giêrusalem.
Ông Hycano II chịu lỗi trước mặt hoàng đế Rôma. Ong có nhiệm vụ đóng thuế hàng năm.
Sứ Palestin được bình an (- 57). Nhưng do sự xung đột nội bộ của người Do Thái. Người ta chia vùng này thành 5 tỉnh.
Năm – 55 Antipale. Được làm tổng trấn Rôma tại Girusalem.
Năm – 58 Césa được bầu làm hoàng đế của Rôma sau khi chiến thắng Pompée 48
Antipale theo phò Césa và được phong làm tổng trấn Rôma tại Giuđêa, ông tập hợp các tướng lĩnh. Người Do Thái giúp Césa đánh thắng Pompée. Hoàng đế Césa đã chết vào năm – 44, người Do Thái đã khóc thương ông.
Năm – 40 Antigone là con trai út của Aristobule II tìm cách nắm chính quyền nên chạy sang cầu cứu Parthes. Khi đã được người Parthes ủng hộ, ông đã bỏ tù Hycano II, cắt tai và phế chức tư tế của Hycano II đưa về Babylon lưu đày. Còn Hêrôdê Cả đã chạy trốn sang Rôma.
Năm – 42. Khi Antigone chống Hycano II thì Hêrôđê Cả bênh vực Hycano II nên sau đó Hycano II đã gả đứa cháu gái cho Hêrôđê Cả. Cô ta tên là Mariamne (cô này là con của bà Salomé Alexandra và vua Aristobule I). Đến khi Antigone bị trục xuất ra khỏi Giêrusalem và bị giết ở Ankiokia. Hêrôđê cả trở thành tổng trấn Giêrusalem. Ông là dân biểu của Rôma và được lên làm vua ở Giêrusalem.
– Vì lấy cháu gái Hycano II, mà Hycano II là thượng tế nên Hêrôđê cũng được làm thượng tế. Tuy nhiên, tổ tiên của Hêrôđê cả và Antipale mang dòng máu Hydome nên dân không ưa gì ông
Bà mẹ vợ của ông ghét ông vì việc ông làm vua là làm cản trở con ruột của bà là Aristobule III. Biết được điều này, nên trong một bữa tiệc. Hêrôđê cả đã dùng cân vệ của mình để giết Aristobule III bằng cách dìm trong nước.
Khi biết con của mình là Aristobule III bị giết chết bà mẹ đã thỉnh cầu Nữ hoàng Cléopatre..
Cléopatre đã rỉ tai hoàng đế Rôma và cho gọi Hêrôđê cả về Rôma để giải trình vụ việc này. Hêrôđê đã nghi ngờ trước sự việc sẽ xảy ra với mình khi về Rôma, nên ông đã bắt bà mẹ vợ giao cho ông Giuse và căn dặn nếu ông không trở về thì sẽ giết bà ta.
Năm – 31 có một cuộc nổi dậy do Octave cầm đầu đã chiến thắng Anton. Hêrôđê lo lắng không biết mình còn được làm vua xứ Giuđêa nữa không nên kết hợp với Octave.
Octave thấy Hêrôđê được việc cho mình nên củng cố cho Hêrôđê ở Giuđêa và ban thưởng một số vùng đất ở phía bên kia sông Giođan (phía đông).
Năm – 25 nhiều cuộc biểu tình chống lại Hêrôđê Cả, vì với tất cả những tội ác mà ông đã gây ra, cho dù ông đã làm xoa dịu dân Do Thái thân Hy Lạp và một số người Do Thái chính thống, nhưng cũng không gây được cảm tình với họ (ông đã cho xây lại đền thờ Giêrusalem và xây cảng ở Césarê) Bởi vì với người Hy Lạp sống ở Giuđêa thì cho rằng Hêrôđê mang một nửa con người Do Thái trong mình và họ đã không chấp nhận. Nhưng ngược lại với dân Do Thái thì không thích nửa người Idumé trong ông, vì thế ông không những không gây được cảm tình với dân mà lại càng làm căng thẳng hơn.
Hêrôđê cuối đời bị đau nặng về cả thể xác đến tinh thần và qua đời vào năm -4.
11. Thời phát sinh Kitô Giáo.
Giu-đê trở thành chư hầu Rôma dưới quyền tổng trấn Xi-ri. Nhưng người Do Thái được tự do thực hành tôn giáo và có nhà cai trị riêng. Hê-rô-đê miền I-đu-mê cai trị từ năm 37 đến năm 4 trước CGS. Bất kể các dự án xây dựng dinh thự nguy nga của ông, trong đó có đền thờ Giê-ru-sa-lem, dân Do Thái vẫn rất ghét Hê-rô-đê Cả, và phần lớn người ta chỉ nhớ đến những tàn bạo và dã man của ông mà thôi. Đó là bối cảnh của việc Chúa Giê-su sinh ra. Thánh Lu-ca ghi lại sự kiện là Chúa Giê-su sinh ra dưới thời đệ nhất Hoàng Đế Rôma, tức Au-gút-tô. Ông này được Ti-bê-ri-ô nối ngôi năm 14. Hành vi Hê-rô-đê sát hại các hài nhi tại Bê-lem hoàn toàn phù hợp với cá tính ông ta. Khi ông ta chết, vương quốc bị ba người con của ông chia nhau. Một tên vì cai trị quá tệ đã bị người Rôma truất phế và thay thế bằng một tổng trấn cho vùng Giu-đê. Phông-xi-ô Phi-la-tô, người đã lên án tử cho Chúa Giê-su, làm tổng trấn từ năm 26 đến năm 36.
Hội đồng Do Thái, gọi là Sanhedrin, cố gắng sống hòa hoãn với người Rôma để duy trì thế đứng của chính mình. Những người khác, như các viên thu thuế chẳng hạn, cũng lợi dụng sự chiếm đóng của người Rôma để làm đầy túi tham. Nhiều người trông chờ ngày họ được giải thoát khi họ được tự do. Như Si-mê-ôn, người đã có mặt ở đền thờ khi cha mẹ Chúa Giê-su đem dâng con trẻ cho Thiên Chúa, họ ‘chờ đợi ngày Ít-ra-en được cứu vớt’. Bởi thế, Chúa Giê-su rất thận trọng đối với tước hiệu Đấng Được Xức Dầu, đấng giải thoát từng được hứa hẹn xưa nay, vì sợ nâng cao niềm hy vọng của dân muốn Ngài lãnh đạo cuộc nổi dậy chống người Rôma.
Theo một sử gia người do thái tên: Flavius Josèphe thì Hêrôđê Cả đã trao cho ông Archélaiis một quyền chức (Ethnarque) và một nửa vương quốc của ông ta, trong đó có Giuđêa, Samaria, Iduméa. Một nửa khác được chia cho hai người con của ông là :
– Hêrôđê Antipa cai trị Galilê và Pérée.
– Hêrôđê Philipphê cai trị phía đông Galilê và Bétsaida.
Hêrôđê Cả còn 3 đứa con trai khác nhưng ông thấy chúng có tham vọng chính trị. Để trừ hậu quả sau nàu nên ông đã giết chúng.
Khi Hêrôđê chết, thì xứ Syria bảo hộ của Rôma nằm trong tay một người tên Barut. Vào thời đó có một người tên Giuđa con ông Ezechias tự xưng mình là đấng thiên sai và cầm đầu một băng nhóm bạo loạn. Băng này lôi kéo một số đông người của Giuđêa và Samaria. Trước tình hình bạo loạn đó, ông Barut xuống dẹp loạn và giết khoảng 2000 người.
Thời đó xảy ra nhiều cuộc nội chiến . vídụ: như một nhóm Zelote năm 6 trước công nguyên và cũng nhóm Zelote này năm 66 sau CN cũng nổi loạn.
Sau khi được chia phần, các con trai Hêrôđê sang Rôma để được chuẩn nhận từ hoàng đế Rôma. Trong khi đó những người Do Thái ở Palestin cũng cử một phái đoàn đến hoàng đế Rôma để bày tỏ những bất đồng về sự phong vương này vì họ muốn tẩy chay gia đình Hêrôđê. Để dung hoà Rôma quyết định không gọi Archelaiis là vua (nhưng chỉ là thủ lãnh của một tỉnh).
Archelaiis lấy tước hiệu là Ethnarque: tuy không được Rôma cho tước hiệu vua nhưng cả hai người con Hêrôđê Cả tuy có quyền hạn nhưng vẫn dưới quyền của Archelaiis.
Philippê và Antipas có tước hiệu Rôma ban cho là (Tétraque) là tướng của ¼ vùng tiểu vương.
Khi thánh Giuse và Mẹ Maria trở về từ Aicập đã lập nghiệp ở Galilêa chứ không phải ở Judêa vì họ biết Archelaiis cai trị vùng này.
Khoảng năm thứ 4-6 ông Archelaiis cai trị dân sống trong một thời kỳ thịnh vượng. Ở đây có hai miền khá khác nhau : xứ Samaria, dân tạp chủng từ thời nô lệ sang Assyria là dân ở miền bắc về đó sinh sống vì dân lưu đày về không còn thuần chủng. Còn Giuđêa gần gũi Galillé và Pérée.
Về mặt địa lý và chính trị thì xứ Pérée và Galillé là hai địa danh bị chia căt vì một nửa thuộc về Hêrôđê Antipas.
Triều đại Archelaiis đánh dấu của sự chống đối giữa Sađốc và Pharisiêu. Pharisiêu đòi quyền tự do mà ngày xưa họ được hưởng còn bây giờ con của Hêrôđê Cả không tôn trọng. Có một số người dù sống trong miền thuộc Archelaiis nhưng họ thích Hêrôđê Antipas và Hêrôđê Philipphê hơn.
Để chỉ sự chống đối này, Archelaiis đặt để các vị tướng và không cần dân bầu điều này làm cho dân giận (ông ta cưới một cô em gái cùng cha khác mẹ).
Hêrôđê Antipas trị vì Galileé và Pérée. Hai vùng cách biệt bởi Samaria và vùng Thập Tỉnh.
Galille là một xứ màu mỡ và Hêrôđê Antipas lập thủ phủ của mình tại địa danh Tiberiade để tôn vinh hoàng đế tên là Tibère.
Tiberiade: là trung tâm giáo dục tôn giáo của thượng tế.
Antipas là một người tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn trọng đạo Do Thái. Ông trị vì khoảng 30 năm, cưới bà HHêrôđia, bà này ly dị với người chồng trước là Hêrôđê Philipphe để lấy ông này. Bà là cháu gái của Hêrôđê Cả và bà Mariamne và là chắt của Hycano II.
Hoàng đế Rôma Caligula thấy Antipas tham vọng chính trị nên đày qua xứ Gaule (năm 39 – 40) và đặt ông Agrippa lên thay.
Hêrôđê Philipphe trị vì bên kia sông Giođan (phía tây) xứ sở này tương đối thanh bình và trong xứ này người ta dùng ngôn ngữ Aram. Hêrôđê Philipphe cũng là một nhà xây dựng, ông đã cho xây hai thành: Césare Philiphe và cái kia là Panéas.
Hêrôđê Philipphe chết năm 34 và vùng đất của ông được tháp vàp tỉnh Syria vào năm 34 dưới quyền Agrippa I
Khi Archelaiis bị đày sang Rôma thì xứ Giuđêa được bảo hộ dưới quyền hoàng đế Rôma và trực tiếp quản lý bời các tổng trấn. Và cả các tỉnh thuộc Rôma trở nên một phần của xứ Giuđêa, trực thược dưới quyền một thống đốc tên là Quirinus đã tổ chức vào năm thứ 6 một cuộc thu thuế trên toàn cõi Giuđêa và Samaria. Chính cuộc cải cách thuế đó đã làm cho người Pharisiêu ủng hộ phong tráo ái quốc của những người Zélote.
Bổn phận tổng trấn là thu thuế và giữ an ninh, thường ông có thể uỷ thu thuế cho một nhóm hay một cá nhân ký hợp đồng với tổng trấn. Những người thu thuế này phải là người Rôma hay người Do Thái làm cho Rôma. Chính những người làm việc thu thuế bị coi là ngoại lai.
Vào thời các tổng trấn thời Do Thái giữ độc lập một mức độ nào đó, và hoàng đế tôn trọng truyền thống tôn giáo của họ. Đối với người Do Thái quyền bính tối thượng nằm chính trong con người của thượng tế.
Một vị thượng tế nổi tiếng thời đó tên là Anna nắm quyền từ năm thứ 6 -15 là một người Sađốc giàu có và thông thoáng với Rôma, ông gây ảnh hưởng trện người con rể là Caipha và sau này bốn người con trai của ông tiếp tục lên nắm quyền. Thượng tế Caipha trị vì năm 18 – 36. có dính vào vụ án giết Chúa Giêsu.
Vào năm 26 Fontio Philatô tổng trấn cai trị Giuđêa. Ông ta có đôi lúc chọc giận người Do Thái rồi kiếm cách làm hoà lòng dân. Chính vì thế, khi vụ án Chúa Giêsu xảy ra, ông tha Banaba để làm yên lòng dân. Nhưng vì không đẹp lòng dân nên một ngày kia ông bị hạ bệ bởi một ông sứ thần của Rôma tên là Vitellius. Vitellius giao chức tổng trấn cho Jonathan con của Caipha.
Jonathan lên nắm chức thượng tế. Người ta giả thiết vào năm 36 dưới thời Jonathan các thượng tế lên án và giết Stephano mà không có ý kiến của Rôma và một năm sau đó ông Vitellius thay ông Jonathan bằng Théophile.
Hoàng đế Tibère chết vào năm 37 (ông Théophile lên thượng tế vào năm 37-71). Hoàng đế Caligula là một người Rôma, ông rất yêu thích văn hoá Hy Lạp. Ông đặt xứ Giuđêa dưới quyền của một tổng trấn tên là Maurulus ( 37-71).
Hoàng đế Caligula: bị ám sát năm 41 và ông Claudius lên thay thế ( 41-44). Claudius đặt Palestin dưới quyền cai trị của Rôma, ông tháp nhập Galillée vào Samaria và đặt Agrippa II con của Agrippa I làm thủ lãnh khắp vùng từ năm 49-54 và người tổng trấn đầu tiên mà hoàng đế Claudius đặt coi sóc toàn bộ Palestin bởi một người Rôma tên là Cuspius Fadus.
– Cuspius Fadus làm tổng trấn từ năm 44-46
– Tibère Alexandre…………………………………..46-48
– Ventidius Cumanus…………………………………..48-52
– Antoine Félix …………………………………………….52-60
Chính trong thời Antoine Félix có sự cố: Phaolô bị giam ở Césare và phải ra trước toà Félix.
– Festus……………………………………………………… 60-62
– Albinus…………………………………………………….62-64
– Florus …………………………………………………..64-66.
Với sự nổi dậy của những người ái quốc Zélote. Những người Kitô hữu bỏ Giêrusalem mà đi. Cuộc di cư của những người kitô hữu tiên khởi trước khi có cuộc bạo loạn của những người Do Thái chống Rôma từ năm 66-70.
PHỤ LỤC I
GIÊSU DƯỚI CÁI NHÌN CỦA DO THÁI GIÁO
VÀ HỒI GIÁO
Theo con số thống kê của “Time Almanach 2001” thì Kitô Giáo, tức Cơ Đốc Giáo (Christianity) là tôn giáo có số lượng tín đồ lớn nhất thế giới, chiếm 1/3 dân số toàn thể nhân loại.
Dân số thế giới hiện nay là 5 tỷ 929 triệu.
Số lượng tín đồ Kitô Giáo (Christians) là: 1 tỷ 943 triệu.
Mặc dầu gần hai tỷ người đó đều tự nhận là tín đồ Kitô (Christians) nhưng họ thuộc về nhiều giáo hội khác nhau, với những tín điều và nghi lễ khác nhau. Nói chung, những người theo Kitô Giáo có thể được chia thành 5 nhóm tôn giáo sau đây:
1. Công Giáo La Mã: 1 tỷ 026 triệu (trực thuộc Vatican)
2. Các giáo phái Tin Lành: 316 triệu (trên 200 giáo phái chống đối Vatican)
3. Chính Thống Giáo: 213 triệu (phần lớn ở Đông Âu, Nga và Bắc Phi)
4. Anh Giáo: 63 triệu (nghi lễ giống Công Giáo nhưng không thuộc Vatican)
5. Các nhóm Kitô Giáo độc lập: 373 triệu (Unaffiliated Christians)
Qua gần hai ngàn năm lịch sử, Kitô Giáo đã bị phân hóa trầm trọng và những cuộc thánh chiến tương tàn giữa những người anh em có cùng niềm tin vào Chúa Kitô đã làm tiêu hao nhiều chục triệu sinh linh. Nhưng có một sự kiện nổi bật trong lịch sử là: Dù cho những người Kitô Giáo chống đối nhau, thậm chí giết nhau như cuộc xung đột Công Giáo Tin Lành ở Ái Nhĩ Lan hoặc xung đột giữa Chính Thống Giáo và Công Giáo ở Nam Tư, nhưng họ vẫn có chung một niềm tin: Giêsu là Chúa Cứu Thế (Messiah/Christ).
Qua lăng kính tâm linh của các tín đồ Kitô Giáo, Giêsu là đấng Messiah với những thuộc tính sau đây:
1. Ngài là Thiên Chúa hóa thân thành người (God in human form).
2. Ngài chết để chuộc tội tổ tông của loài người
3. Ngài sống lại lên trời và sẽ xuống thế gian lần thứ hai vào ngày tận thế để xét xử mọi người sống và chết (mọi người chết sẽ sống lại để được xét xử)
Như chúng ta đã biết, Do Thái và Hồi Giáo cũng là những đạo thờ Thiên Chúa nhưng cả hai đều phủ nhận Giêsu là Messiah với những thuộc tính nói trên.
Hai tôn giáo Do Thái và Hồi đã đưa ra những luận cứ nào để bác bỏ tư cách Messiah (Kitô) của Giêsu? Đó là nội dung chính yếu của bài viết này.
I. QUAN ĐIỂM CỦA DO THÁI GIÁO VỀ GIÊSU
Giêsu là một người có thật, bằng xương bằng thịt, đã được sinh ra ở Do Thái cách đây gần 2000 năm.
Nhưng ý niệm về Messiah (Chúa Cứu Thế/ Chúa Kitô) là một sản phẩm đặc biệt trong tư duy của dân tộc Do Thái. Để tìm một định nghĩa xác thực nhất về Messiah, thiết tưởng không có gì đáng tin cậy hơn là Tự Điển Bách Khoa về Đạo Do Thái (The Shengold Jewish Encyclopedia).
Niềm tin vào Đấng Messiah (Messianism) được định nghĩa như sau: “Niềm tin vào đấng Messiah là niềm tin rằng: dân tộc Do Thái và toàn thể nhân loại được dẫn đến một thời đại hoàng kim, trong đó nền công lý toàn hảo và nền hòa bình thế giới được thực hiện bởi đấng Messiah. Ngài là vị vua lý tưởng và là một người toàn hảo. Danh từ “Messiah” có nghĩa là “Người được xức dầu”, đây là một phương cách cổ xưa để tôn vinh một người được trao trọng trách đặc biệt. Danh từ “Messiah Adonai” có nghĩa là “Người được Thiên Chúa xức dầu”. Đây là một danh hiệu do Cựu Ước dùng để gọi các vị vua của Israel. Các vị tiên tri trong kinh Thánh mô tả Messiah là một người được Thiên Chúa chỉ định, một vị lãnh đạo lý tưởng để đưa toàn thế giới đến nền công chính và hòa bình. Qua nhiều thế kỷ lưu lạc, dân tộc Do Thái vẫn tiếp tục ước mơ về sự xuất hiện của đấng Messiah”.
(Messianism: The belief that the Jewish people and all humanity would be led to a Golden Age of perfect justice and universal peace by a Messiah, an ideal king and a perfect man. The Hebrew Messiah means “one anointed man with oil”, the ancient way of dedicating a man to a special service. Messiah Donai – The Anointed of God – was a title of honor given in the Bible to the Kings of Israel. The prophets described the Messiah as a divinely appointed man, an ideal ruler who would lead the world in righteousness and in peace.
During the long centuries of exile, the Jewish people continued to dream of the Messiah).
Qua định nghĩa “Messiah” nói trên của người Do Thái, ta thấy sứ mạng của “Chúa Cứu Thế” chính danh phải là người thực hiện được nền hòa bình thực sự và nền công chính toàn hảo trên khắp thế giới. Xét theo tiêu chuẩn này, mọi người đều sẽ nhận rõ rằng: Giêsu chỉ là một kẻ vô dụng vì y chưa từng bao giờ góp được một chút công lao nào cho nền công chính và hòa bình của nhân loại.
Trong Kinh Thánh Cựu Ước có nhiều điều tiên tri về Messiah. Nhưng Giêsu chưa từng bao giờ thực hiện được một điều nào để chứng tỏ ông ta là Messiah cả. Thí dụ:
– Tiên tri Isaiah (thế kỷ 8 TCN) định nghĩa Messiah là đấng “giải thoát mọi người bị áp bức” (To let the oppressed go free – Isaiah 6: 9 và 6: 1-2). Thử hỏi Giêsu đã giải thoát được một người nào bị áp bức trên thế gian này?
– Isaiah cũng nói: Đấng Messiah sẽ gom góp toàn dân Do Thái trở về đất Israel (Gather all Jews back to the land of Israel – Isaiah 43: 5-6). Lịch sử Do Thái đã chứng minh ngược lại: Giêsu chết khoảng năm 30. Đến năm 70 thì Israel bị quân La Mã đánh chiếm và tiêu diệt người Do Thái vô số kể. Đến nỗi người Do Thái sợ bi diệt chủng nên đã bỏ xứ lánh nạn khắp nơi trên thế giới. Gần 19 thế kỷ sau (1949) thì Liên Hiệp Quốc (không phải Giêsu) đã gom dân Do Thái về Israel!
– Tiên tri Zechariah nói: Đấng Messiah là vua cai trị toàn thế giới (King over all the world – Zech. 14: 19) Điều này thì trong 2000 năm qua và cho đến muôn kiếp về sau chẳng bao giờ Giêsu có thể thực hiện được!
– Tiên tri Isaiah xác định: Messiah phải là người thuộc dòng vua David theo phụ hệ (Messiah must be decended on his father’s side from King David.
– Isaiah 11: 1) Giêsu có mẹ đồng trinh nên không có cha, vậy y làm sao thuộc dòng David theo phụ hệ được? Do đó, Giêsu không có tư cách Messiah.
– Người Do Thái hoàn toàn bác bỏ tính cách Thiên Chúa của Giêsu vì Cựu Ước dạy “Thiên Chúa chỉ có Một” (The Lord is One – Dent 6: 4) và “Thiên Chúa là vĩnh cửu, vượt thời gian. Ngài là vô cùng, vượt không gian. Ngài không thể được sinh ra và không thể chết” (God is eternal above time. He is infinite above space. He cannot be born and cannot die – Numbers 23: 19). Giêsu đã được sinh ra bởi bà Maria và đã chết dù chỉ chết 3 ngày 3 đêm) nên Giêsu không thể là Thiên Chúa vì Thiên Chúa không chết dù chỉ trong giây phút.
Người Do Thái vẫn chờ đợi sự xuất hiện của đấng Messiah. Điều đó có nghĩa là đấng Messiah chưa từng bao giờ xuất hiện trên thế gian này. Đối với họ, Giêsu không hề thực hiện được một điều nào Cựu Ước đã tiên tri về Messiah nên Giêsu không bao giờ được dân tộc Do Thái công nhận. Người Do Thái cũng phủ nhận sự tái lâm của Giêsu vì thần học của đạo Do Thái khẳng định Messiah chỉ đến một lần và không bao giờ trở lại. (No second coming of Messiah).
Dân tộc Do Thái rất kiên trì trong niềm tin tôn giáo vì họ tin tưởng rằng đạo Do Thái là đạo duy nhất do Thiên Chúa mặc khải cho cả quốc gia (a national revelation). Truyền thuyết về Messiah là sản phẩm tâm linh của cả dân tộc Do Thái. Họ không ngờ truyền thuyết này đã trở thành chiếc boomerang quay ngược lại tiêu diệt dân tộc mình. Trong gần hai ngàn năm qua, họ luôn luôn phủ nhận tư cách Messiah của Giêsu. Hậu quả thảm khốc là nhiều triệu người Do Thái đã bị giết nhưng vẫn chưa đủ đền mạng của một người Do Thái được người ta tôn vinh là Đấng Messiah!
II. QUAN ĐIỂM CỦA HỒI GIÁO VỀ GIÊSU
Khi nghiên cứu về Hồi Giáo, chúng ta sẽ ngạc nhiên nhận thấy người Hồi Giáo – nhất là Hồi Giáo Ả Rập – rất quan tâm và viết khá nhiều về Giêsu.
Tiến sĩ Tarif Khalidi, giáo sư môn ngôn ngữ học Ả Rập tại Đại Học Cambridge, đã thu thập được 303 câu chuyện (stories) qua hàng trăm cuốn sách bằng tiếng Ả Rập viết về Giêsu.
Ông đúc kết lại thành sách “The Muslim Giêsu”. Nguyên bản bằng tiếng Ả Rập. Bản dịch Anh ngữ 246 trang do Havard University Press xuất bản 2001. Tựa đề của cuốn sách ngụ ý Giêsu không phải là người Do Thái, cũng không phải là giáo chủ đạo Kitô mà là một tín đồ Hồi Giáo. Cũng tương tự như Giêsu, Abraham và Moises đều được người Hồi Giáo coi là những người đồng đạo của họ. Muhammad khẳng định: “Abraham không phải là Do Thái hay Kitô. Abraham, Moises và Giêsu đều là những tín đồ Hồi Giáo. (Abraham was not a Jew nor yet a Christian. Abraham, Moises and Giêsu are Muslims – Koran 3: 67).
Người Hồi Giáo cho rằng: các tín đồ Kitô đã hiểu sai về Giêsu và chỉ có người Hồi Giáo mới có cái nhìn đích thực về một “Giêsu Thật” (The Real Giêsu).
Tất cả những quan niệm của người Hồi Giáo về Giêsu đều được Muhammad truyền dạy trong kinh Koran qua những câu thơ rải rác trong 15 chương sách. Chúng ta cũng biết rằng kinh Koran là Kinh Thánh của Hồi Giáo (The Holy Bible of Islam). Đối với các tín đồ Hồi Giáo, Giêsu thật là Giêsu được mô tả trong kinh Koran (Quranic Giêsu). Đó chính là Giêsu trong đức tin Hồi Giáo:
– Kinh Koran ca ngợi Giêsu là tiên tri của Thiên Chúa (a prophet of God) là sứ giả của Chúa (a messenger of God) là tiếng nói và tinh thần của Thiên Chúa Allah (the Word and the Spirit of Allah) (Koran 3: 45).
– Kinh Koran ca ngợi Giêsu có tài tranh biện vì được Thiên Chúa ban sức mạnh tinh thần thánh thiện (God gave Giêsu clear arguments and strenghten him with the holy spirit – Koran 2: 87). Thiên Chúa dạy dỗ Giêsu sự khôn ngoan và sự hiểu biết về kinh Thánh Cựu Ước, Tân Ước (Allah taught him the wisdom, and the Tawrah, the Injil – Koran 3: 48) Giêsu có khả năng chữa lành những kẻ mù hoặc những kẻ cùi hủi và khiến cho kẻ chết sống lại với sự cho phép của Thiên Chúa Allah (Giêsu heals the blind and the leprous and bring the death to life with Allah’s permission – Koran 3: 49)
– Hồi Giáo công nhận Giêsu được sinh ra bởi bà Maria đồng trinh (And She who guarded her chastity – Koran 21: 91). Koran nhắc lại lời của bà I-sa-ve (mẹ của Gioan) chúc mừng bà Maria: “Thiên Chúa Allah đã chọn bà trên hết mọi người nữ ở thế gian này” (Allah has chosen you above the women of the world! – Koran 3: 42).
– Hồi Giáo tin rằng Giêsu sẽ trở lại thế gian vào ngày phán xét cuối cùng nhưng chỉ với tư cách nhân chứng mà thôi. Vị thẩm phán tối cao xét xử mọi người là Thiên Chúa Allah. (On the day of Resurrection Giêsu shall be a witness – Koran 4: 159).
– Hồi Giáo không nói Giêsu đã từ kẻ chết sống lại, nhưng tin rằng Thiên Chúa Allah đã đưa Giêsu về trời. (Allah took him up to Himself – Koran 4: 158)
Mặc dầu Hồi giáo tôn vinh Giêsu như trên nhưng họ hoàn toàn phủ nhận tư cách Thiên Chúa hoặc Con Thiên Chúa của Giêsu. Koran khẳng định: “Thật là nhục mạ Thiên Chúa đối với những kẻ nói Giêsu, con của Maria, là Thiên Chúa. Giêsu không là gì khác hơn là tôi tớ của Thiên Chúa mà thôi” (They do blaspheme who say God is Giêsu, son of Maria. He was no more than a servant of God – Koran 5: 72-75).
Giêsu không phải là một sinh vật linh thiêng mà chỉ là một người thường như chúng ta. Trước mặt Thiên Chúa Giêsu cũng giống như Adam, tất cả đều được Thiên Chúa dựng lên bằng tro bụi. (Surely, the likeness of Giêsu is with Allah as the likeness of Adam. He created him from dust – Koran 3: 59). Sở dĩ Giêsu được coi là một người đặc biệt vì ông ta được Thiên Chúa Allah ban cho đặc ân và ngài biến ông ta thành một gương sáng cho con cháu của dân tộc Do Thái. (Giêsu, son of Mary, was naught but a servant on whom God bestowed favor and made him an example for the children of Israel – Koran 43: 59).
– Hồi Giáo kịch liệt chống lại Thuyết Thiên Chúa Ba Ngôi. Kinh Koran luôn luôn nhắc đi nhắc lại điều quan trọng nhất của đạo Hồi là: Thiên Chúa chỉ có Một. Ngài không sinh con và không do ai sinh ra. Không có một người nào giống Thiên Chúa cả. (Say not three Deists, Allah is One. Koran 4: 117, Say, He, Allah is One. He begets not, nor is He begotten and none is like Him. Koran 112: 1-4)
Thiên Chúa không bao giờ tha thứ cho bất cứ ai đồng hóa với Ngài – Bất cứ ai gán ghép một cái gì đó vào Thiên Chúa đều phạm tội trọng. (Surely, Allah does not forgive that anything should be associated with him – Whoever associated anything with Allah he devises indeed a great sin – Koran 4: 48)
– Hồi Giáo phủ nhận việc Giêsu bị đóng đinh trên thập giá (They – the Jews – killed him not nor cruxified him – Koran 3: 59) đồng thời phủ nhận “tội tổ tông” của Adam và Eva, mặc dầu Hồi Giáo cũng tin hai vị này là tổ tiên của loài người. Nói cách khác, Hồi Giáo hoàn toàn phủ nhận lập luận của đạo Kitô cho rằng đã chịu chết trên thập giá chuộc tội tổ tông để cứu loài người.
Đọc kinh Koran, mọi người sẽ nhận thấy thái độ rất rõ rệt của Hồi Giáo đối với Kitô Giáo:
Một mặt, người Hồi Giáo rất tôn kính Giêsu. Mặt khác người Hồi Giáo tỏ thái độ thù nghịch đối với các tín đồ Kitô Giáo vì người Kitô vi phạm những điều cấm kỵ hết sức nghiêm ngặt của đạo Hồi là tuyệt đối cấm thờ bất cứ một ai ngoài Thiên Chúa Allah và cấm thờ ảnh tượng. Muhammad qui trách nhiệm cho những người Do Thái lập đạo Kitô đã ngụy tạo Lời Chúa và viết thêm những điều bậy bạ vào Thánh Kinh làm cho Kitô Giáo trở thành một tà đạo. Muhammad viết:
– “Những người Do Thái (lập đạo Kitô) là những kẻ đã thay đổi Lời Chúa hoặc xuyên tạc Lời Chúa bằng miệng lưỡi của họ và nhạo báng đạo của Chúa” (of those who are Jews there are those who alter the words of God… distorting the words with their tongues and taunting about religion – Koran 4: 46).
– “Thật là một thảm họa cho những kẻ viết Thánh Kinh bằng bàn tay của họ rồi nói rằng sách đó do Thiên Chúa ban cho” (Woe, then, to those who write the Book with their hands and then say: This is from Allah – Koran 2: 79).
Muhammad ca ngợi Giêsu là người hết lòng tôn thờ Thiên Chúa Allah – kinh Koran có thuật lại lời cầu nguyện của Giêsu như sau:
“Vinh danh Chúa Allah. Chúa biết những gì con nghĩ trong đầu nhưng con không biết điều gì trong ý Chúa. Chỉ có chúa là Đấng Thông Biết mọi sự”.
(Glory to Allah. Thou knowest what is in my mind and I do not know what is in Thy mind. Surely Thou art the great knower of the unseen things – Koran 5:117)
Đối với đạo Hồi, Giêsu được coi là một người công chính giống như tiên tri Elisha của đạo Do Thái. Kinh Koran viết: “Giêsu và Elisha đều chung một hàng của những người Công Chính”.
(Giêsu and Elisha were all in the rank of the Righteous. Koran 6: 85)
Nhưng các tín đồ Kitô Giáo lại bị người Hồi Giáo coi là “những kẻ không tin Chúa” (The disbelievers) và họ sẽ phải chịu hình phạt sau đây do người Hồi Giáo dành cho họ: “Chúng ta sẽ gieo kinh hoàng nơi trái tim của những kẻ không tin đạo. Cho nên, hãy chặt đầu chúng và bứt hết các đầu ngón tay của chúng!” (We will cast terror into the hearts of those who disbelieve. Therefore strike off their heads and strike off every fingertips of them – Koran 8: 12).
PHỤ LỤC II
TRUYỀN THỐNG ABRAHAM
DƯỚI ÁNH SÁNG KHOA HỌC KHẢO CỔ
Trải qua 4000 năm lịch sử, nhân vật Abraham đã được coi là biểu tượng cho niềm khát vọng của con người muốn thiết lập một mối giao ước (covenant) với Thượng đế.
Nói đúng ra, đó là khát vọng tâm linh của phần đông các dân tộc Tây phương, bao gồm Âu châu, Do thái và các chủng tộc Ả rập. Đố với các dân tộc Á châu, ý niệm về sự thiết lập một giao ước với Thượng đế là hoàn toàn xa lạ, nếu không muốn nói là kỳ quặc!
Chúng ta không thể tưởng tượng nổi là cái ý tưởng kỳ quặc đó đã xâm chiếm tâm linh của hơn một nửa dân số loài người. Hiện nay có tới trên 3 tỉ người tôn vinh nhân vật Abraham là Thánh tổ phụ về huyết thống (Father) hoặc Thánh tổ phụ của đức tin (Spiritual Ancestor of Faith).
Một điều đáng chú ý là hai tỉ người Ki-tô giáo, 1.3 tỉ người Hồi giáo và 15 triệu tín đồ Do thái giáo từ xưa đến nay luôn luôn thù nghịch nhau, nhưng tất cả đều đồng nhất tự xưng mình là tín đồ độc thàn chân chính của Abraham (True Abrahamic monotheists). Dù là một nhân vật có thật trong lịch sử hoặc hcỉ là một nhân v6ạt thần thoại, Abraham đã hiển nhiên là một “giáo chủ” có đông tín đồ nhất từ xưa đến nay. Có thể nói, Abraham là giáo chủ của các giáo chủ Tây phương, bời lẽ không có một tôn giáo nào của Tây phương mà không tôn vinh Abraham là tổ phụ đức tin của tôn giáo mình.
Cuốn sách đầu tiên của Bộ Thánh kinh Do thái là sách Sáng thế ký (Genesis II: 27-28) cho biết : Noah sinh ra Shem, Shem sinh ra Terah, Terah sinh ra Abraham. Abraham lấy Sarah sinh ra Isaac, Isaac sinh ra Jacob là tổ tiên của 12 bộ lạc Israel. Abraham lấy cô đầy tớ gái Ai cập sinh ra Ismael là tổ tiên của các giống Ả rập. Kinh thánh Do thái kể lý lịch của Abraham như trên để xác định Abraham chẳng những là ông tổ lập đạo Chúa mà còn là ông tổ của dân tộc Do thái về huyết thống.
Do thái thuộc dòng dõi chính thức của Abraham còn các dân tộc Ả rập đều thuộc dòng dõi thấp kém vì chỉ là “con rơi con rớt” của Abraham mà thôi.
Trong sách Phúc âm Tông đồ Công vụ của Ki-tô giáo có bức thư của Phao-lồ gửi cho các tín hữu ở Rome, trong đó có câu: “Đức tin của chúng ta là đức tin của Tổ phụ Abraham” (Epostle to the Romans: Our faith is that faith of our Fatther Abraham). Phao-lồ là “vị đại thánh” có công hàng đầu trong việ lập đạo và truyền đạo ki-tô, vì vậy các nhà chuyên nghiên cứu tôn giáo Tây phương đã gọi Ki-tô giáo là “thần học của Phao-lồ” (The Pauline theology). Phao-lồ đã xác nhận Ki-tô giáo là đạo của Abraham. Ngòai ra, vì Phao-lồ là người Do thái nên ông ta đã gọi Abraham là Tổ phụ (Father).
Công giáo Việt Nam tránh né không gọi Abraham là “tổ phụ” nhưng cũng tôn vinh Abraham là một vị thánh cao cả ngồi cạnh Đấng chí tôn. 92% dân số Việt-nam ngoại đạo đều là những kẻ chưa biết đến “đạo thánh” của Abraham! Người Công giáo Việt-nam cảm thấy xót thương đồng bào mình nên đã sáng tác bài kinh bất hủ mang tựa đề :
“Kinh Cầu Cho Dân Nước Việt-nam Trở Lại Đạo Thánh”:
“Lạy Chúa, thuở Chúa mới giáng sinh, Chúa đã kêu gọi ba vua phương Đông đến thờ lạy Chúa. Chúa đã phán rằng : Ngày sau có nhiều kẻ bởi Đông Tây sẽ đến nghỉ ngơi cùng Thánh Abraham trên nước thiên đàng. Nay nước Việt-nam cũng là một cõi Đông Phương đang còn nhiều kẻ tin vơ thờ quấy chưa hề biết Đấng chí tôn. Xin Chúa hãy làm cho nó tìm đến cùng Chúa hầu ngày sau đặng nghỉ ngơi (cùng thánh Abraham) trên nước thiên đàng, chúc tụng ngợi khen Chúa đời đời kiếp kiếp.” (Kinh Nhựt khóa 143-146).
Vị giáo chủ sáng lập đạo Hồi là Muhammad viết kinh Koran vào đầu thế kỉ 7 đã tôn vinh Abraham là tín đồ Hồi giáo. “Abraham chẳng phải là người Do thái, cũng chẳng phải người Ki-tô nhưng ngài là một người công chính, một người Hồi giáo.” (Abraham was not a Jew nor a Christian but he was upright man, a Muslim – Koran 3:67). “Chúng ta tin Thiên Chúa và tin những gì đã được Thiên Chúa mặc khải cho Abraham và Ismael” (We believe in Allah and waht eas revealed to Abraham and Ismael – Koran 3:84).
Nói tóm lại, tất cả các đạo thờ Chúa gồm có Do thái, Ki-tô và hồi đều dành nhau làm “con cái của Abraham” (The children of Abraham). Nhưng điều mỉa mai là từ nhiều thế kỷ qua đến nay, lịch sử của đám con cái Abraham luôn luôn là lịch sử của một cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn liên miên bất tận! Vấn đề đựơc đặt ra 12 nguyên nhân nào đã dẫn đến sự nghi kỵ hận thù không thể hàn gắn giữa những người tự nhận là anh em cùng cha là Abrahan?
Nhà khảo cổ chuyên về Thánh kinh (Biblical archaeologist) Tad Szulc, tác giả bài “Abraham, cuộc hành trình của niềm tin” (Abraham, Journey of faith) đăng trên tạp chí National geographic tháng 12/2001 (trang 90-129), đã trả lời một phần cho vấn đề nêu trên. Tác giả đến Jerusalem quan sát và chụp hình nhiều nhóm tín đồ độc thần. Tất cả đều dùng Thánh kinh như những kịch bản bi kịch (drama). Các người thuyế giảng đều tự coi mình như những diễn viên (actors). Lúc đầu các nhóm đều kể chuyện Thánh kinh giống nhau, nhưng về sau họ rẽ sang những chi tiết của câu chuyện khác nhau. Chính sự khác nhau về những chi tiết này đã làm các tôn giáo và các chủng tộc thù nghịch nhau, mặc dù tất cả đều cùng tôn vinh Abraham làm tổ phụ.
Màn bi kịch được diễn nhiều nhất tại Jerusalem là chuyện Thiên Chúa dựng lên trời đất cạn vật trong 7 ngày, Chúa đuổi tổ tiên loài người là Adam và Eva ra khỏi vười Địa đàng, Chúa tạo nên trận Đại hồng thủy trong đời Noah. Con út của Noah là Shem sinh ra Terah. Terah sinh ra Abraham và Thiên Chúa ra lệnh cho Abraham thực hiện một sứ mạng lịch sử. Đến đây câu chuyện bắt đầu khác : Người Hồi giáo tin rằng sứ mạng lịch sử của Abraham đã được mặc khải cho loài người qua Muhammad thuộc dòng dõi Ismael, con của Abraham. Trong khi những người Do thái và Ki-tô giáo tin rằng họ được Thiên Chúa mặc khải và ban cho nhiều ân sủng thiêng liêng qua dòng dõi Jacob, con của Isaaac, tức cháu nội của Abraham.
Đối với các nhà nghiên cứu tôn giáo đứng bên ngoài quan sát đều đưa ra nhận xét : Tất cả các chuyện kể trên đều là bịa đặt, đả đựơc viết ra để tự vinh danh bộ lạc của mình! (these stories are pure fiction, written for tribal self-glorification – Journey of faith, National Geographic 12/2001, page 90).
Chúng ta hãy duyệt qua Kinh thánh Do thái và Kinh Koran của Hồi giáo để xem hai tôn giáo này đã xử dụng truyền thuyết Abraham để tôn vinh dân tộc của họ như thế nào. Cuối cùng, qua kết quả của các công trình khảo cổ, chúng ta sẽ có một giải đáp khoa học khách quan về truyền thuyết Abraham.
1. Truyền thuyết Abraham qua Kinh thánh Cựu ước Do thái:
Sách Sáng thế ký 11: 27-31 cho biết Abraham sinh tại thành phố Ur ở phía Nam xứ Babylon (nước Iraq hiện giờ). Căn cứ vào sự xác định này của Thánh kinh Cựu ước, vào đầu thập niên 1920 hàng ngàn nhà khảo cổ từ khắp mọi nới trên thế giới đã đổ xô đến Ur để khai quật tìm hiểu về sinh quán của Abraham. Ur là một nới tiều điều bụi bặm, khô cằn sỏi đá và không có một người nước nào cả. Hiện chỉ còn một số ụ đất hình kim-tự-tháp, một số ngọn tháp Zigguart được xây để thờ thần Mặt trăng (Sin) vào khoảng năm 2100 TCN (Trước Công nguyên). Toàn cảnh thành phố Ur rộng khoảng 120 mẫu (acres) được tạo dựng lên khoảng 5000 năm TCN. Thành phố Ur được khai quật đợt đầu trong thập niên 1920 và sau đó vào thập niên 1930, dưới sự lãnh đạo của nhà bác học khảo cổ trứ danh người Anh là Leonard Woolley.
Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại Ur nhiều ngôi mộ cổ của các vua chúa và di tích của nhiều dãy phố. Đặc biệt là những đồ trang sức bằng vàng, bạc và đá quý rất tinh xảo. Điều đó chứng tỏ Ur là một thành phố giàu có và đạt tới trình độ văn minh cao. Theo các giáo sư chuyên khảo cứu về văn minh Babylon thuộc trường Đại học Michigan thì Ur là thủ đô của vùng Lưỡng Hà châu (Mesopotamia) và là thương cảng của sông Euphrate sát gần với Vịnh Ba tư. Thành phố Ur có tới 12.000 dân và đạt tới điểm cực thịnh vào khoảng năm 2100 TCN.
Sau đó, bờ biển của Vịnh Ba tư được đất bồi và tiến xa ra biển, đã để thành phố Ur ở lại phía sau cách bờ biển tới hơn một trăm dặm. Ur dần dần biến thành sa mạc hoang vu. Các công trình khai quật thành Ur không phải là vô ích vì nó đã đem lại cho các nhà khảo cổ hàng ngàn tấm đất sét phơi khô (sun-dried clay tablets) có những hàn chữ giống như nêm cối gọi là “Cuneiform”. Lối viết chữ này đã được phát minh từ năm 3200 TCN bởi giống người Sumerians là những cư dân đầu tiên ở vùng Lưỡng Hà châu này.
Giáo sư Michalowski, chuyên viên khảo cổ về Luỡng Hà châu thuộc Đại học Michigan và là chủ bút tờ báo nghiên cứu về chữ Cuneiform (Kournal of Cuneiform Studies) cho biết : Thành phố Ur là trung tâm thương mại trong vùng Lưỡng Hà châu vào khoảng 2100 TCN, tương đương với thành phố Venice của Ý sau này vì tại UR người ta dùng nhiều thuyền bè chạy trên sông Euphrates, sông Tigris và nhiều sông đào thông qua các con sông lớn này. nếu Abraham là một nhân v6ạt có thật vào thời điểm này và nếu được đi học thì Abraham phải biết toán học, sử học, kế toán và văn chương của người Sumerians. Tại Ur có rất nhiều đền thờ thần Sin, tức thần Mặt trăng (The Moon God). Rất có thể những suy nghĩ về thần Mặt trăng đã dẫn Abraham đến ý tưởng thờ một Thiên Chúa duy nhất.
Sác Sáng thế ký mô tả thành phố Ur thuộc xứ Chaldes là một điều sai lầm vì các nhà khảo cổ có đầy đủ bằng cớ xác nhận Chaldes là một địa danh xuất hiện ở vùng Lưỡng Hà châu vào thiên niên kỷ I TCN, tức sau thời đại của Abraham tới một ngàn năm.
Giáo sư Do thái Finkelstein, chủ nhiêm ngành khảo cổ thuộc Đại học Tel Aviv, cho biết : “Trong 20 năm qua, khoa học khảo cổ đã trở thnàh một công cụ chính yếu để khảo cứu các giai đoạn quá khứ của Do thái Cổ. Sau nhiều năm nghiên cứu , ngành khảo cổ chưa xác định được có hay không có Abraham, nhưng sách Sáng thế ký (Genesis) viết về ông ta được ước tính đã được viết trong thế kỷ 7 TCN.” (National Geograpic, p.106-107). Như vậy, sách Sáng thế ký đã được viết để kể chuyện một nhân vật đã sinh ra trước đó tới 13 thế kỷ. Diều này cho thấy chuyện Abraham khó có thể là một chuyện thật.
Tuy vậy, các nhà khảo cổ vẫ đọc sách Sáng thế ký và lần mò theo từng trang sách để đi tìm dấu vết của Abraham. Sách Sáng thế ký viết : “Họ rời thành phố Ur để đi về Canaan với Terah, Abraham, Sarah và Lot. Họ đến Haran và định cư tại đây.”
– Các tài liệu ghi chép bằng chữ Cuneiform ghi nhận vào khoảng năm 2000 TCN có một trận chiến tranh lớn gây ra bời giống người Elamite (tức Iran ngày nay) đến tàn phá thành phố Ur. Đây có thể là lý do khiến gia đình của Abraham phải dời đi nơi khác.
– Từ thành phố Ur đến Canaan là cuộc hành trình dài 600 dặm (965 km). Nếu đi đường bộ với đoàn lữ hành có ngựa, lừa, lạc đà … củng phải mất nhiều tháng hặoc cả năm. Sáng Thế ký cho biết Abraham không đến th8ảng Canaan mà đến định cư tại thành phố Haran một thời gian. Thành phố Haran ngày nay là một ngôi làng thuộc Thổ nhĩ kỳ với 500 cư dân. Các ngôi nhà của dân làng này đều làm bằng đất sét giống như tổ ong. Thuở xa xưa, làng này là một thành phố thương mại sầm uất vì nó nằm trên bờ sông Balikh, phía Bắc thung lũng sông Euphrates và là ngã tư quan trọng của vùng Lưỡi Liềm Cận Đông (The firtile crescent of the Near East). Tại đây có nhiều đền thờ thần Mặt trăng giống như ở Ur. Dân cư trở nên thưa thớt vì khí hậu thay đổi càng ngày càng nóng. Hiện tại nhiệt độ trung bình ở đây lên tới 120 độ F.
Điều đặc biệt đáng chú ý là ở giữa làng Haran có một ngọn đồi, trên đó có một căn nhà mà dân làng này tin rằng đó là căn nhà khá rộng lớn như nhà của những người khá giả. theo chuyện dân gian lưu truyến ở vùng này thì Abraham làm nghề chăn nuôi và thường bán lông cừu cho nông dân trong vùng để đổi lấy nông sản và thực phẩm.
Những chuyện về Abraham ở Haran chỉ có thế nhưng cũng thu hút khá nhiều du khách từ những vùng lân cận đến bằng xe buýt (bus) vào cuối tuần để viếng thăm những “di tích” của Abraham !
Ở gần làng Haran có thành phố Urfa cới dân số gần nửa triệu người. Từ xa xưa thành phố này đã được coi là sinh quán của Abraham. Hàng năm người ta tổ chức những đại hội lớn gọi là “Đại hội Abraham” thu hút rất đông du khách từ thập phương kéo tới.
Truyền thuyết địa phương kể rằng : Abraham sinh ra trong một cái hang đá ở phía nam của thành phố Urfa. Khi mới sinh ra được một ngày, Abraham đã lớn bằng đứa trẻ đầy tháng và sau một năm, Abraham lớn bằng đứa trẻ 12 tuổi. Khi trưởng thành, Abraham đập nát các ảnh tượng của các thần cà khuyên mọi người chỉ thờ một Thiên Chúa mà thôi. Vua Nimrod ra lệnh nắt Abraham và xử tử bằng cách thiêu sống. Nhưng khi ngọn lửa mới bùng lên thì tự nhiên có một vòi nước đổ nước xuống dập tắt ngọn lửa và những thanh củi đang cháy biến thành những con cá, nhờ thế mà Abraham được cứu sống.
Hiện nay, mỗi tuần có nhiều chuyến xe bus chở khách hành hương từ Iran qua viếng hang đá mà họ tin là nơi sinh của Abraham. Trước khi vào hang đá họ phải đi qua một ngôi đền Hồi giáo có một ngọn tháp nhỏ. Họ ở đây ít phút cầu nguyện Thượng đế trước khi vào viếng thăm hang đá, nơi sinh ra của Abraham, vị thánh tổ vĩ đại của tất cà các đạo thờ Chúa ! Đối với dân chúng ở khắp vùng này thì sinh quán của Abraham là Urfa chứ không phải Ur như sách Sáng thế ký của đạo Do thái đã nói. Dù cho Abraham sinh ra tại Ur hay Urfa cũng không quan trọng, điều quan trọng là sách Sáng thế ký (cuống sach đầu tiên của bộ Kinh thánh Do thái) đã mô tả chi tiết về Haran : Tại Haran, Chúa nói với Abraham hãy tiếp tục lên đường đi đến Đất hứa. Lúc đó Abraham đã 75 tuổi, vợ là Sarah đã 65 tuổi. Abraham lên đường cùng với vợ và người cháu trai tên là Lot. Họ mang theo nhiều tài sản gồm súc vật và đồ đạc. Từ haran đến đất hứa Canaan, Abraham phải đi qua nước Syria. Đất hứa Canaan chính là dải đất của xứ Ai cập. Sáng thế ký mô tả vùng Đất hứa Canaan “chảy ra sữa và mật” (flowing with milk and honey) ngụ ý miền đất này rất phì nhiêu. Trong thực tế vùng đất Canaan khô cằn sỏi đá nên từ hai ngàn năm trước Công nguyên đa số cư dân ở Canaan phải sinh sống bằng nghề buôn bán. Vì thế, từ thuở đó chữ “Canaanites” đã có nghĩa là thương gia (merchants).
Sách Sáng Thế kể tiếp: Abraham đến vùng Đất hứa, trước hết cư ngụ tại thành phố Sechem. tại đây Chúa hiện ra với Abraham và phán rằng: “Ta sẽ cho dòng dõi của con vùng đất này” (To your seed I will give this land).
Sechem là tên của một thành phố cổ tại Trung đông đã có từ 2000 năm TCN, tọa lac ở phía tây sông Jordan. Nay thành phố mang tên Nablus, có 130.000 dân và đặt dưới quyền kiểm soát của chính quyền Palestine. Hiện tại thành phố này đang là một bãi chiến trường giữa Palestine và Do thái. Cũng như hàng ngàn năm về trước, nơi đây đã từng là chiến trường giữa hai dân tộc con cháu của Abraham : Do thái và Ả rập !
Sách Sáng thế ký không nói Abraham ở tại thành phố Sechem bao lâu, chỉ nói Abraham đi về phía nam đến sa mạc Negrev. Ngày nay, vùng Negrev đã được dẫn thủy nhập điền nên nghề nông phát triển. Vào thời Abraham, mỗi khi gặp mùa hạn hán vùng này thường bị lâm vào nạn đói trầm trọng. Chính vì vậy Abraham đã phải bỏ Đất hứa Canaan để đi Ai cập. Nhờ có sông Nil và vùng đồng bằng phì nhiêu màu mỡ nên dân Ai cập có một cuộc sống no đủ thịnh vượng. Mục đích của Abraham đến Ai cập kiếm ăn để khỏi bị chết đói. Khi mới tới biên giới Ai cập , Abraham căn dặn Sarah (lúc đó 65 tuổi) : “Em là một người đàn bà đẹp, nếu em nói là vợ ta thì người Ai cập sẽ giết ta. Vậy em hãy nói là em gái của ta”. Quả nhiên, các cận thần của vua Pharaon thấy Sarah quá đẹp nên đã dẫn nàng “dinh” (“harem”) của nhà vua.
Sự việc vua Pharaon cướp vợ của Abraham làm cho Thiên Chúa rất tức giận nên ngài đã gây ra nạn dịch tàn phá Ai cập. Vua Pharaon thấy vậy sợ quá nên gọi Abraham đến để quở trách : “Tại sao ngươi không nói thật với ta Sarah là vợ ngươi? Vì ngươi nói nàng là em gái nên ta mới lấy nàng làm vợ. Thôi, bây giờ ngươi hãy nhận lại nàng và cút khỏi đây”. Sau đó, Abraham trở lại Canaan và chính thức định cư tại đây.
Tại Canaan, Chúa lại hiện ra với Abraham và xác định lãnh thổ Đất hứa : “Ta sẽ cho dòng dõi của con lãnh thổ từ sông Nil của Ai cập đến sông Euphrates” (nay thuộc Iraq). Nhưng Abraham lo lắng nghĩ về tương lai vì hiện tại Abraham không có một đứa con nào cả. Abraham oán trách Chúa : “Chúa cho tôi những thứ đó để làm gì vì tôi già sắp chết rồi mà vẫn không có con?” (Oh my Lord, what can you give me when I am going to my end childless?). Chúa trả lời : “Con hãy nhìn lên bầu trời và đếm các vì sao. Dòng dõi của con sau này cũng sẽ đông như vậy”.
Lúc đó, Sarah tin rằng mình không thể nào sinh con được vì đã 75 tuổi nên thuyết phục chồng ăn nằm cới cô đầy tớ gái Ai cập tên Hagar. ít lâu sau, Hagar sinh cho Abraham đứa con trai đầu lòng, đặt tên là Ismael. Khi có đứa con đầu lòng thì Abraham tròn 86 tuổi !
Mười ba năm sau, tức vào lúc Abraham 99 tuổi, Chúa hứa với Abraham rằng ông ta sẽ là tổ phụ của nhiều quốc gia (father to a multitude of nations). Abraham và Sarah đều phá lên cười và hỏi lại Chúa “Có lẽ nào một ông già trên 100 tuổi và một bà già 90 tuổi sinh con?”. Đúng một năm sau, Sarah sinh ra một bé trai được hai vợ chồng đặt tên là Isaac, có nghĩa là tiếng cười (theo tiếng Hebrew). Sau khi có con, Sarah ghen với Hagar và Ismael nên thuyết phục Abraham đuổi họ ra khỏi nhà. Abraham đưa Hagar và Ismael đến một nơi trong sa mạc. Những người Hồi giáo tin rằng nơi đó chính là Mecca hiện nay.
Sách Sáng thế ký kể tiếp : Sarah chết năm 127 tuổi tại Quiryat gần Hebron, Abraham đem xác vợ về chôn tại hang Machpelah, thuộc tỉnh Hebron ở gần Biển Chết (the Dead Sea).
Sau đó, Abraham đến Haran kiếm vợ cho Isaac tên Rebekah. Cưới vợ cho con trai xong, Abraham đi Hebron để kiếm một cô vợ cho riêng ông, lúc này ông đã 137 tuổi. Cô vợ trẻ của Abraham tên Keturah sinh cho ông 6 đứa con. Sách Sáng thế ký cho biết Abraham chết vào năm 175 tuổi. Isaac va Ismael đem xác cha về chôn bên cạnh mộ của bà Sarah tai hang Machpelah. Ngày nay hang này là thánh địa của đạo Do thái va đạo Hồi.
2. Truyền thuyết về Abraham trong đạo Hồi
Truyền thuyết về Abraham trong đạo Hồi được thuật lại một cách sơ lược qua 25 câu thơ rải rác trong các chương khác nhau của kinh Koran:
– Adam là tổ tiên của loài người và là vị tiên tri thứ nhất của Thiên Chúa (Koran 3:33)
– Trận Đại hồng thủy tiêu diệt cả loài người, chỉ ngoại trừ những người và vật trên tàu của ông Noah được cứu thoát mà thôi. Noah là tiên tri thứ hai của Chúa (Koran 7:59-64)
– Sau đó loài người sinh sôi nảy nở và thờ nhiều thần nhảm nhí nên Chúa cho tiên tri thứ ba xuất hiện, đó chính Abraham. Với sứ mạng lập đạo thờ một Chúa tức Độc thần giáo (Monotheism), Abraham chống lại cha ruột của minh là Azar (tức Terah) vì ông này làm ra rất nhiều tượng thần để tôn thờ. Abraham chất vấn cha : “Cha sẽ thờ những ảnh tượng này thay vì thờ Chúa sao? Hiển nhiên là cha và những người theo cha là những kẻ sai lầm!” ( Koran 6:74-84 ).
Đạo Do thái và đạo Hồi đều tự nhận là đạo chân chính của Abraham vì không thờ ảnh tượng.ai đạo này kết án đạo Công giáo và Chính thống giáo là những tà đạo vì hai giáo phái Ki-tô này đều thờ rất nhiều ảnh tượng của Chúa và các thánh!
Trong thế kỷ I, “thánh” Phao-lồ của Ki-tô giáo gọi Abraham là “tín đồ Ki-tô giáo trước Phúc âm” ( a Christian before Gospel). Đến thế lỷ 7, Muhammad gọi Abraham là “tín đồ hồi giáo trước kinh Koran” ( a Muslim before Koran ).
Truyền thuyết của Hồi giáo về Abraham trong phần đầu cũng tương tự như trong sách Sáng thế ký của đạo Do thái. Nhưng từ khi bà Sarah nổi ghen và buộc Abraham phải đuổi hai mẹ con Ismael ra khỏi nhà thì câu chuyện bắt đầu đổi khác : Bà Hagar dẫn con đến một nơi ở sa mạc Syro-Arabia, nơi đó chính là địa điểm của thành phố Mecca, thủ đô của xứ Saudi Arabia ngày nay.
Năm Ismael lên 13 tuổi, Abraham cắt da qui đầu của con trai và sau đó ông tự cắt da qui đầu của mình, mặc dầu lúc đó ông đã 99 tuổi. Đây là hành vi tỏ ý tuân phục Thiên Chúa tuyệt đối. Tục lệ cắt bì (circumcision) bắt đầu từ đó và dần dần biến thành một nghi lễ (tương tự như lễ rủa tội của Ki-tô giao) áp dụng cho mọi tín đồ nam giới của đạo Do thái và đạo Hồi.
Khi Isamel trưởng thành, Chúa thử lòng Abraham bằng cách ra lệnh cho ông phải giết đứa con trai yêu quí của mình và đốt nó bằng củi lửa như những vật hy sinh khác ( Koran 37:102-112 ). Abraham tuân lệnh Chúa nên dẫn Ismael lên núi Arafat (cách Mecca 16 dặm) để giết. Nhưng khi Abraham vừa mới vung đao lên để giết con thì Thiên Chúa ngăn lại. Chúa hứa cho Ismael sau này trỏ thành tổ phụ của một dân tộc lớn. về sau, Ismael có 12 người con trai là tổ tiên của 12 giống dân Ả rập. (Điều này cũng tương tự như Kinh thánh Cựu ước Do thái chép rằng : cháu nội của Abraham là Gia-cóp có 12 con trai là tổ phụ của 12 bộ lạc Do thái. Kinh thánh Tân ước cũng chép : Chúa Jesus chọn 12 tông đồ để lãnh đạo 12 bộ lạc Do thái chứ không phải để truyền đạo khắp thế gian.)
Trong thời gian bà Hagar và Ismael sống tại sa mạc, Abraham thường xuyên đến thăm. Giữa chốn sa mạc hoang vu này Chúa đã khiến cho một dòng nước từ dưới những lớp cát phun lên. Đó chính là giếng nước thiêng ở Mecca gọi là giếng Zamzam. Cả hai cha con Abraham đã cùng nhau xây một đền thờ Chúa đầu tiên trên trái đất. Đó chính là đền thờ Kaaba ở Mecca hiện nay. Tiếng Ả rập Kaaba có nghĩa là Tòa nhà hình khối (the Cubic Building). Ismael thọ 137 tuổi.
Ngày nay, mỗi năm có tới hàng chục triệu người Hồi giáo từ khắp nơi trên thế giới đổ về Mecca hành hương. Địa điểm chính yếu là đền thờ Kaaba. Trước khi tới đền thờ này, người ta phải đi bộ qua các đại lộ Abraham, Hagar, Ismael và Muhammad. Sau đó, các khách hành hương đi thăm giếng nước Zamzam đã nuôi sống hai mẹ con Ismael ở sa mạc. Cuối cùng họ kéo nhau lên núi Arafat, cách Mecca 16 dặm, giết những con cừu làm lễ tế sinh (animal sacrifice offering) để tưởng niệm Abraham toan giết Ismael làm lễ hy sinh tế lễ Thiên Chúa !
3. Quan điểm của Vatican về Abraham:
Mặc dầu chỉ đọc qua những truyền thuyết về Abraham của đạo Do thái hay đạo Hồi, chúng ta cũng nhận thấy trong những câu chuyện có đầy dẫy những chi tiết huyền hoặc nhảm nhí. Tuy nhiên, Giáo hoàng John Paul II là người lãnh đạo tối cao của gần một tỉ tín đồ Công giáo tin rằng Abraham là một nhân vật có thật. Năm 1994, John Paul II công bố ý muốn làm một cuộc hành hương đến thành phố Ur để vinh danh thánh tổ phụ Abraham. Giáo hoàng tuyên bố : “Nếu không khởi đầu từ thành phố Ur thì mọi cuộc thăm viếng các vùng đất của Thánh kinh sẽ không thực hiện được, bởi vì mọi sự bắt đầu từ đó” (No visit to the lands of the Bible is possible without a start in Ur, where it all began – national geographic, 12/2001, page 98).
Vatican đã vận động Saddam Hussein cho phép giáo hoàng đến thăm Ur vì thành phố cổ này hiện thuộc lãnh thổ phía nam của Iraq. Cuối năm 1999, Saddam Hussein dứt khoát bác bỏ lời yêu cầu của Vatican. Giáo hoàng bèn quyết định tổ chức một đại lễ tại đại giảng đường ở Vatican. Ngày 23-2-2000, 6000 người tụ họp tai đại giảng đường Vatican để dự đại lễ tưởng niệm Abraham do giáo hoàng chủ lễ. Nghi thức chủ yếu trong buổi lễ này là giáo hoàng châm lửa đốt một đống củi nhỏ trên bàn thờ để tưởng nhớ hành vi giết con của Abraham làm vật hy sinh tế lễ Thiên Chúa! Khói và mùi hương lan tỏa khắp đại giảng đường. Dĩ nhiên, đối với Do thái giáo và Ki-tô giáo, đứa con trai mà Abraham định giết để tế Chúa là Isaac chứ không phải Ismael. Bà Hagar và Ismael của Hồi giáo hoàn toàn bị quên lãng trong hai tôn giáo này.
4. Quan điểm của cá nhà khoa học khảo cổ về Abraham
Sách Sáng thế ký là sách đầu tiên của Bộ Thánh kinh Do thái đã chép : “Terah sinh ra Abraham tại Ur.” Các cuộc khai quật khảo cổ trong thế kỷ 20 đã xác định sự hiện hữu của thành phố Ur, nhưng các kết quả thu lượm được chứng tỏ Abraham chỉ là một nhân vật thần thoại.
Cuộc khai quật thành phố Ur lần đầu tiên đuợc thực hiện năm 1917 bởi nhà khảo cổ trứ danh người Anh là Sir Leonard Wooley. Con số những hiện vật đào được rất nhiều và rất đa dạng khiến cho các nhà khoa học dễ dàng xác định được hạn tuổi và tìm hiểu các khía cạnh của đời sống người xưa. Báo National Geographic số tháng 5 năm 1999 đã viết về vấ đề như sau: “Những tài liệu khổng lồ thu thập được về những thành tựu của con người đã xác định được lịch sử của Lưỡng Hà châu, nơi sinh quán theo truyền thuyết của một nhân vật cả ba tôn giáo Do thái, Ki-tô giáo và Hồi”.
“Nơi sinh quán theo truyền thuyết về Abraham là thành phố Ur đã bị bỏ hoang từ thế kỷ 4 trước Công nguyên do sự đổi dòng của con sông Euphrate khiến cho Ur bị vây hãm bởi sa mạc” (Traditional birthplace of Abraham, the city of Ur, was abandoned is the fourth century BC. after the Euphrate changed course, leaving Ur enclosed by desert).
Các cuộc khai quật khảo cổ tại Ur và các vùng khác thuộc Babylon đã đem đến cho các nhà khoa học hàng chục ngàn tấm đất sét phơi khô có ghi chữ ‘Cuneiform’. Đó là những cuốn sách ghi chép đủ thứ, từ sử liệu, thơ văn, tôn giáo, tóan học, khoa học và rất nhiều chuyện thần thoại. Trong kho chuỵên thần thoại của thành phố Ur có chuyện về Abraham.
Nhà khảo cổ Mellersh (tác giả Archeological Section của Bộ Đại từ diện Bách khoa Great Encyclopedic Dictionary) cho biết : Tại thành phố Ur có chuyện thần thoại về vị Thần đất Terah. Thần đất sinh con trai đặt tên là Abraham, có nghĩa là một vị nam thần (male god) và một con gái đặt tên là Sarai, có nghĩa là nữ thần (female god). Về sau hai người lớn lên, Abraham đã lấy em gái làm vợ.
Năm 322 TCN, Hoàng đế Hy lạp là Alexander the Great chiếm Do thái và vùng Lưỡng Hà châu và thiết lập sự cai trị vùng này trong 180 năm (322 TCN – 152 TCN). Các chuyện thần thoại của Do thái và Lưỡng Hà châu đều được dịch sang tiếng Hy lạp và phổ biến tại Âu châu. ngôn ngữ la tinh đã mượn tên thần đất Terah (cha của Abraham) để làm nguyên ngữ cho dnah từ TERRA có nghĩa là đất. Sau đó, Pháp ngữ dùng chữ Terra làm nguyên ngữ cho danh từ của Pháp là La Terre. Như vậy, theo kết quả khảo cổ, Abraham chỉ là tên đọc trại ra từ tên thần thoại. Abraham trong chuyện thần đất Terah của thành phố Ur mà thôi. Abraham là một nhân vật không có thật.
Chuyên gia Do thái về khảo cổ tại Đại hoc Tel Aviv tuyên bố : “Abraham là vấn đề không thể truy tìm được. Không có một bằng chứng nào về sự hiện hữu của ông ta. Đi tìm một nhân vật Abraham lịch sử còn khó hơn nhiều so với việc đi tìm một Jesus lịch sử. Điều quan trọng là chúng ta hãy giả định Abraham chỉ là một ý tưởng được nhân cách hóa mà thôi.” (Abraham is beyond recovery. Without any prooof of the patriarch’s existence, the search for a historical Abraham is even more difficult than the search for a historical Jesus. The important thing is to assess the meaning and legacy of the ideas of Abraham came to embody. National geographic Dec. 2001, page 96).
Ý tưởng chính yếu của Abraham là “chỉ tôn thờ một Chúa mà thôi”. Nhà khảo cổ Tad Szule, tác giả bài viết “Abraham, cuộc hành trình của niềm tin” (Abraham Journey of faith – N. Geographic, Dec 2001) kết luận: “ Các tín đồ độc thần nói lên niềm tin của Abraham vao một Thiên Chúa, chính niềm tin đó đã làm thay đổi thế giới từ xưa tới nay” (They spell out his fundamenta belief that there is one Gos. That belief changed the world forever).
Người đưa ra chủ thuyết “chỉ thờ một Chúa” có thể đã có một mục tiêu vĩ đại là thống nhất các bộ lạc, hoặc các dân tộc trong niềm tin một Thiên Chúa duy nhất.
PHỤ LỤC III
MỘT SỐ VẤN NẠN
MÀ NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI BIẾT
Theo Deal Hudson
1. “Cựu Ước và Tân Ước trái ngược nhau ở nhiều chỗ. Nếu một Thiên Chúa toàn năng linh hứng Thánh Kinh, thì Ngài đã không để cho có sai lỗi.”
Đây là một luận điệu thông thường, người ta có thể thấy khắp nơi trên Internet (nhất là những websites vô thần và tự do tư tưởng). Một bài trên website của Vô Thần ghi rằng “Điều lạ thường về Thánh Kinh không phải vì tác giả là Thiên Chúa; chính là những mâu thuẫn được bịa đặt vô nghĩa mà người ta có thể tin là được Thiên Chúa thượng trí viết ra.”
Những câu như thế thường được kèm theo một danh sách những câu “mâu thuẫn” trong Thánh Kinh. Tuy nhiên, những điều cho là mâu thuẫn có ít sai lầm đơn giản. Thí dụ, người phê bình không đọc những sách khác nhau trong Thánh Kinh theo thể văn mà các sách đó được viết. Xét cho cùng, Thánh Kinh là một sưu tập nhiều loại văn tự… lịch sử, thần học, thơ phú, và khải huyền,vv…. Nếu chúng ta đọc các sách này cùng một cách cứng ngắc như chúng ta đọc báo ngày nay, thì chúng ta sẽ bị bối rối kinh khủng.
Và danh sách “các mâu thuẫn” trong Thánh Kinh minh xác điều này. Thí dụ lấy điều đầu tiên trong danh sách Vô Thần của Mỹ:
“Hãy nhớ ngày Sabát, và giữ nó cách thánh thiện” (Xh 20,8) so với “Người thì cho rằng ngày này trọng hơn ngày khác; người khác lại cho rằng ngày nào cũng như nhau. Vậy mỗi người phải xác tín trong thâm tâm mình” (Rm 14,5).
Người vô thần la lên: Đó! rõ ràng là một mâu thuẫn. Nhưng phê bình gia quên không nhắc đến điều mà mọi Kitô hữu đều biết: Khi Đức Kitô thiết lập Giao Ước Mới, thì những đòi hỏi về nghi lễ của Giao Ước Cũ được làm trọn (và qua đi). Vì thế việc những luật lệ trong Cựu Ước về nghi lễ không còn được ứng dụng cho dân của Tân Ước là điều hoàn toàn hợp lý.
Nếu nhà phê bình hiểu giáo lý đơn giản này của Kitô giáo, thì anh đã không mắc phải một lỗi sơ đẳng như thế.
Những “mâu thuẫn” khác giữa Cựu và Tân Ước có thể được trả lời cách tương tự. Hầu như với điểm nào, nhà phê bình cũng bị lầm lẫn về mạch văn, không để ý đến thể văn, và không để dành chỗ nào cho việc cắt nghĩa cách hợp lý.
Không một Kitô hữu biết suy nghĩ nào phải bối rối về những danh sách này.
2. Kitô giáo không hơn gì các tín ngưỡng khác. Tất cả mọi tôn giáo đều dẫn đến Thiên Chúa.”
Nếu bạn không nghe đến câu này vài chục lần, bạn không rút ra được bao nhiêu. Đáng buồn là những người nói lên điều này thường lại là Kitô hữu (ít ra trên danh nghĩa).
Những trở ngại với quan điểm này thật không phức tạp gì cả. Kitô giáo đưa ra một chuỗi những lời xác nhận về Thiên Chúa và con người: Rằng chính Chúa Giêsu Nadareth là Thiên Chúa, và Người đã chết và sống lại — tất cả để chúng ta được giải thoát khỏi tội lỗi. Mọi tôn giáo khác trên thế giới phủ nhận tất cả những điều này. Cho nên, nếu Kitô giáo là đúng, thì đạo này nói cho thế gian biết một chân lý sống còn — một chân lý mà tất cả các tôn giáo khác phủ nhận.
Chỉ điều này thôi đã làm cho Kitô giáo thành duy nhất.
Nhưng nó không ngừng ở đó. Hãy nhớ lại lời Chúa Giêsu trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Thầy là đường, sự thật, và sự sống; không ai có thể đến với Chúa Cha, mà không qua Thầy.” Trong Kitô giáo, chúng ta có trọn sự mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Đúng là tất cả các tôn giáo chứa đựng một phần chân lý — số lượng thay đổi tùy theo tôn giáo. Tuy nhiên, nếu chúng ta khao khát mong muốn theo và thờ phượng Thiên Chúa, chúng ta có nên làm theo cách Ngài chỉ dạy không?
Nếu Chúa Giêsu quả thực là Thiên Chúa, thì chỉ Kitô giáo chứa đựng hoàn toàn chân lý này.
3. “Tôi không cần đến Nhà Thờ. Bao lâu tôi là một người tốt, chỉ có điều đó mới đáng kể.”
Luận điệu này dược dùng thường xuyên, và rất gian xảo. Khi một người nhận mình là “người tốt,” người đó thật sự ám chỉ rằng họ “không phải là một người xấu.” — người xấu là người sát nhân, hiếp dâm, và trộm cắp. Phần đông người ta không cần cố gắng mấy để tránh các tội này, và đó là tư tưởng: Chúng ta muốn làm một số việc tối thiểu để được thông qua. Điều đó không giống Đức Kitô lắm, phải không?
Nhưng bỏ qua trạng thái tâm lý đó, có một lý do quan trọng để người Công Giáo đến Nhà Thờ hơn là chỉ để thực hành việc đi thêm một dặm nữa. Thánh Lễ là viên đá góc của đời sống đức tin của chúng ta vì một điều nằm ở trọng tâm của nó: Bí Tích Thánh Thể. Đó là nguồn mạch của tất cả đời sống cho người Công Giáo, là những người tin rằng bánh và rượu trở nên Mình và Máu thật của Đức Kitô. Chứ không phải chỉ là biểu tượng của Thiên Chúa, nhưng là Thiên Chúa hiện diện cách thể lý với chúng ta bằng một phương thế mà chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm được bằng cầu nguyện.
Chúa Giêsu phán, “Thật, Ta bảo các người, trừ khi các người ăn thịt Con Người và uống máu Người, các người không có sự sống trong các người; ai ăn thịt và uống máu Ta thì có sự sống đời đời, và Ta sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết” (Ga 6,53-54). Chúng ta tôn trọng lệnh của Chúa Giêsu và tin tường vào lời hứa của Người mỗi lần chúng ta đi dự Thánh Lễ.
Hơn nữa, bí tích Thánh Thể, cùng với tất cả các bí tích khác, chỉ dành cho những người ở trong Hội Thánh. Là phần tử của Hội Thánh, nhiệm thể hữu hình của Đức Kitô trên thế gian, đời sống chúng ta liên hệ mật thiết với đời sống của người khác trong Hội Thánh. Liên hệ cá nhân của chúng ta đối với Thiên Chúa thật quan trọng, nhưng chúng ta cũng có nhiệm vụ sống như những phần tử trung thành của nhiệm thể Đức Kitô. Là “người tốt” mà thôi chưa đủ.
4. “Bạn không cần phải xưng tội với một linh mục. Bạn có thể đến thẳng cùng Thiên Chúa.”
Như một cựu mục sư Baptist, tôi có thể hiểu việc chống xưng tội của người Tin Lành (họ hiểu về chức linh mục một cách khác). Nhưng một người Công Giáo mà nói một điều như thế… thì thật là thất vọng. Tôi nghi rằng bản tính loài người là thế, người ta thường không thích nói cho người khác biết tội mình, nên đưa ra lý do để biện minh tại sao không làm thế…
Bí Tích Giải Tội đã có với chúng ta từ đầu, từ chính Lời của Đức Kitô: “Chúa Giêsu lại bảo các ông, ‘Bình an cho các con! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai các con.’ Nói rồi, Người thổi hơi vào các ông và bảo các ông, ‘Các con hãy nhận lấy Chúa Thánh Thần. Nếu các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha; nếu các con cầm buộc ai, thì người ấy bị cầm buộc.’” (Ga 20,21-23)
Nên ghi nhận rằng Chúa Giêsu ban cho các tông đồ quyền tha tội.. Tất nhiên, họ không biết phải tha tội nào nếu họ không được nói cho biết là tội nào chúng ta phạm.
Việc xưng tội cũng được chứng minh trong thư thánh Giacôbê: “Có ai trong anh em đau ốm? Hãy mời các kỳ mục của Hội Thánh, và hãy để họ cầu nguyện trên người ấy, xức dầu cho người ấy nhân danh Chúa; Và lời cầu nguyện do đức tin sẽ cứu người bệnh; và Chúa sẽ nâng người ấy dậy, và nếu người ấy đã phạm tội, thì sẽ được Chúa thứ tha. Anh em hãy xưng tội với nhau và cầu nguyện cho nhau để được chữa lành. Vì lời cầu xin tha thiết của người công chính có hiệu lực rất lớn lao” (Gc 5,14-16)
Điều đáng quan tâm là không có chỗ nào Thánh Giacôbê (hay Chúa Giêsu) bảo chúng ta là chỉ xưng tội với Thiên Chúa, nhưng các Ngài có vẻ nghĩ là ơn tha tội đến bằng cách xưng tội công khai.
Và lý do thật dễ hiểu. Khi chúng ta phạm tội, chúng ta làm tổn thương không những mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa, mà còn với Nhiệm Thể Người, là Hội Thánh (vì tất cả mọi người Công Giáo nối kết với nhau như con cùng một Cha). Cho nên khi chúng ta xin lỗi, chúng ta phải xin lỗi tất cả mọi nhóm liên hệ – Thiên Chúa và Hội Thánh.
5. “Nếu Hội Thánh thật sự theo Chúa Giêsu, thì đã bán các nghệ thuật, tài sản, và các công trình kiến trúc lãng phí, mà cho người nghèo.”
Khi một người nghĩ đến thành Vatican, họ liên tưởng ngay đến một vương quốc giàu sang, với nơi ở như cung điện cho Đức Giáo Hoàng và các hòm đầy vàng cất ở các xó nhà, chưa kể đến các sưu tầm nghệ thuật và đồ cổ vô giá. Nhìn đến Vatican cách này thì dễ thấy tại sao một số người trở thành bực tức vì những điều họ nghĩ là sự khoe khoang tài sản cách phô trương và phí phạm.
Nhưng sự thật thì hoàn toàn khác. Các dinh thự chính gọi là “Điện Vatican” không phải được xây làm chỗ ở xa hoa của Đức Giáo Hoàng. Thực ra, khu vực gia cư tương đối nhỏ. Phần lớn điện Vatican được dùng vào việc nghệ thuật, khoa học, điều hành công việc Hội Thánh, và điều hành chung của điện. Có một số đông nhân viên của Hội Thánh và hành chánh sống trong điện Vatican cùng ĐTC, làm cho nó thành trụ sở chính của Hội Thánh.
Còn về những sưu tầm nghệ thuật, thực sự là sưu tập quý nhất trên thế giới, Vatican coi đó như một “kho tàng không thể thay thế được,” nhưng không phải về diện tài chánh. ĐTC không làm chủ những tác phẩm nghệ thuật này, và nếu ngài muốn, ngài cũng không được phép bán chúng; chúng chỉ được đặt dưới sự săn sóc của Toà Thánh. Các tác phẩm này không đem nguồn lợi đến cho Hội Thánh, mà ngược lại, Tòa Thánh phải đầu tư một số tài nguyên không nhỏ để bảo tồn các sưu tầm này.
Sự thật của vấn đề này là Tòa Thánh có một ngân sách khá eo hẹp Nếu thế thì tại sao lại giữ những nghệ phẩm này? Vì tin vào một trong các sứ mệnh của Hội Thánh là một động lực truyền bá văn minh trong thế giới. Cũng như các thầy dòng thời trung cổ cẩn thận chép lại các sách cổ để cung cấp cho các thế hệ tương lai — nếu không thì những văn bản này không còn nữa — Hội Thánh tiếp tục bảo trì nghệ thuật để chúng không bị mai một với thời gian. Trong nền văn hóa sự chết ngày nay khi mà từ “văn minh” chỉ được dùng cách lỏng lẻo, sứ vụ truyền bá văn minh của Hội Thánh ngày nay còn quan trọng hơn bao giờ hết.
6. Nếu giải thích đúng, Thánh Kinh không lên án đồng tính luyến ái. Nhưng đúng hơn là chống lối sống bừa bãi – dù là đồng tính hay giữa nam nữ. Vì vậy, chúng ta không có lý do để chống liên hệ tình yêu đồng tính.”
Khi hành vi đồng tính luyến ái được chấp nhận rộng rãi hơn trong nền văn hóa của chúng ta, thì sẽ có nhiều áp lực hơn giữa các Kitô hữu để giải thích sự cấm đoán điều này cách tỏ tường trong Thánh Kinh. Hiện thời tiêu chuẩn của phe cấp tiến là cho rằng Thánh Kinh — khi hiểu đúng — không cấm những hành vi đồng tính.
Nhưng luận điệu này hoàn toàn trái ngược với những câu rõ ràng trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước. Các câu đầu tiên dĩ nhiên là câu chuyện thời danh về Sođôm và Gômôra. Nếu bạn nhớ lại chuyện hai thiên sứ được Thiên Chúa sai đến thăm ông Lót (x. St 19,4-10).
Thông điệp của đoạn này thật rõ ràng. Các người Sôđôm là người đồng tính luyến ái muốn liên hệ tính dục với những người thanh niên ở trong nhà. Ông Lót cho họ con gái ông, nhưng họ không thích. Ít giờ sau, Sôđôm bị Thiên Chúa thiêu hủy để đền tội dân chúng phạm — đó là các hành vi đồng tính luyến ái. Sự thật này được Tân Ước xác nhận: “Như Sôđôm, Gômôra và các thành lân cận cũng có cùng một thái độ như họ, buông tuồng trong việc tà dâm, và chạy theo những chuyện xác thịt trái tự nhiên, thì đã được dùng để làm gương, bằng cách chịu phạt trong lửa đời đời” (Gđ 7).
Nhưng không phải chỉ có những đoạn này trong Thánh Kinh lên án hành vi đồng tính. Cựu Ước còn có một câu khác lên án cách rõ ràng: “Ngươi không được nằm với đàn ông như nằm với đàn bà: đó là điều ghê tởm” (Lv 18,22).
Và những câu này không chỉ được giữ trong Cựu Ước mà thôi. “Vì lý do đó mà Thiên Chúa đã để mặc họ theo dục tình đồi bại. Phụ nữ của họ đã đổi những liên hệ tự nhiên lấy những liên hệ trái tự nhiên. Đàn ông cũng thế, bỏ liên hệ tự nhiên với phụ nữ để nôn nao thèm muốn lẫn nhau. Đàn ông làm việc tồi bại với đàn ông, và như thế chuốc vào thân hình phạt xứng với sự suy đồi của họ” (Rm1,26-27).
Thật khó vô cùng cho những Kitô hữu cấp tiến giải thích câu này cách ngược lại. Ở đây không chỉ nói đến việc dâm loàn hay hiếp dâm của người đồng tính; nhưng thánh Phaolô chống lại bất cứ liên quan đồng tính nào (mà ngài diễn tả là “trái tự nhiên” và “đồi bại”). Xem ra giải pháp của họ là lấy đi quyền về luân lý của Thánh Kinh, và giải thích vòng vo để tránh thông điệp thật rõ ràng này.
7. “Người Công Giáo nên theo lương tâm trong mọi sự… dù là phá thai, ngừa thai, hay phong chức thánh cho phụ nữ.”
Đúng –Sách Giáo Lý nói thẳng, “Con người có quyền hành động theo lương tâm và sự tự do để tự mình quyết định về luân lý. Không được cưỡng bách ai hành động trái với lương tâm của họ. Cũng không được ngăn cản họ hành động theo lương tâm, đặc biệt là trong những vấn đề tôn giáo” (số 1782). Giáo huấn này là trọng tâm của điều gọi là có ý chí tự do.
Nhưng điều đó không có nghĩa là lương tâm chúng ta không phải chịu trách nhiệm hay có thể gạt luật của Thiên Chúa ra ngoài. Đây là điều mà Giáo Lý gọi là có “một lương tâm được huấn luyện chu đáo.”
Sách Giáo Lý trao cho lương tâm con người một trách nhiệm nặng nề: “Lương tâm luân lý, hiện diện trong lòng người, ra lệnh vào lúc thích hợp cho con người làm lành lánh dữ… Lương tâm chứng nhận quyền bính của chân lý bằng cách chiếu theo Sự Thiện Hảo tối thượng (Thiên Chúa), là Đấng mà con người được thu hút và đón nhận mệnh lệnh. Khi nghe theo tiếng lương tâm, người khôn ngoan có thể nghe tiếng Thiên Chúa đang nói” (số 1777).
Nói cách khác, lương tâm chúng ta không phải chỉ là “cái gì chúng ta cảm thấy đúng”; mà là những gì chúng ta phán quyết là đúng dựa theo những điều chúng ta biết là giáo huấn của Thiên Chúa và Hội Thánh. Và để phán đoán, chúng ta có nhiệm vụ học hỏi và cầu nguyện rất cẩn thận về những giáo huấn này. Sách Giáo Lý có trọn một phần dành riêng cho việc huấn luyện lương tâm cách kỹ lưỡng — và nó quan trọng thế nào trong việc quyết định đúng.
Và sau cùng, dù đúng hay sai, chúng ta vẫn chịu trách nhiệm về việc chúng ta làm: “Lương tâm giúp chúng ta gánh nhận trách nhiệm đối với việc chúng ta làm” (số 1781). Khi được đào luyện đúng, nó giúp chúng ta thấy khi nào chúng ta làm sai và cần được tha thứ tội lỗi chúng ta.
Bằng cách cố gắng để có một lương tâm được đào luyện hoàn toàn, chúng ta thật sự cảm nghiệm được sự tự do lớn lao, vì chúng ta được lôi cuốn lại gần chân lý vô cùng của Thiên Chúa. Nó không phải là một gánh nặng hay là một cái gì ngăn cản chúng ta làm điều chúng ta thích; nhưng là một sự hướng dẫn giúp chúng ta làm những gì là đúng. “Việc giáo dục lương tâm đảm bảo sự tự do và đem lại bình an trong tâm hồn” (số 1784).
8. Phương Pháp Tự Nhiên chỉ là một cách ngừa thai của Công Giáo.”
Phương Pháp Tự Nhiên (PPTN) có kẻ thù mọi mặt. Có người tin rằng đó là một cách ngừa thai khác thiếu thực tế (mà cách nào họ cũng không cho là có tội) trong khi người khác lại cho rằng nó cũng xấu chẳng khác gì ngừa thai. PPTN phải đi giữa ranh giới của hai cực đoan.
Trước nhất, vấn đề chính của việc ngừa thai là nó ngược lại với bản chất của cơ thể chúng ta – và cách chung sự tự nhiên. Mục đích của nó là tách rời hành động (tính dục) ra khỏi hậu quả (có thai), chính là hạ sự thánh thiện của tính dục xuống thành sự theo đuổi lạc thú thuần túy.
PPTN, khi dùng vì lý do chính đáng, thì còn hơn là một dụng cụ được dùng để xem đôi hôn nhân có phương tiện (dù là tài chánh, thể lý, hay tâm lý) để đón nhận một đứa trẻ vào cuộc đời của họ. Nó liên quan đến việc hiểu biết chính thân thể của mình, cẩn thận lưu tâm đến hoàn cảnh của bạn trong cuộc đời, thảo luận vấn đề với bạn đời, và trên hết là cầu nguyện. Thay vì thoát ly thực trạng đầy đủ của tính dục, bạn tham gia vào đó với một sự hiểu biết hơn về mọi khía cạnh liên quan.
Những người ủng hộ việc hạn chế sinh sản chỉ vào những người không thể cố gắng có thêm con, hay sức khỏe có thể bị nguy hiểm vì mang thai thêm. Nhưng đó là những lý do hoàn toàn chính đáng để dùng PPTN – những hoàn cảnh mà phương pháp này hoàn toàn hiệu quả – và Hội Thánh cho phép dùng nó.
Những người khác nghĩ rằng dùng bất cứ phương thức nào để giới hạn số con trong gia đình là đóng vai Thiên Chúa, hơn là để Ngài cung cấp cho chúng ta như Ngài thấy cần. Đúng là chúng ta phải tin tưởng vào Thiên Chúa và luôn chấp nhận sự sống Ngài ban cho chúng ta, nhưng chúng ta không phải hoàn toàn buông xuôi về phương diện này.
Thí dụ, thay vì phung phí tiền bạc lung tung và nói rằng “Thiên Chúa sẽ cung cấp,” các gia đình cẩn thận dự trù ngân sách tài chánh và cố gắng không tiêu xài quá khả năng của mình. PPTN cũng giống như ngân sách đó, giúp chúng ta suy nghĩ đến hoàn cảnh của chúng ta trong cuộc đời và hành động theo đó trong tinh thần cầu nguyện. Biết mình và dùng trí khôn cùng ý chí tự do, thay vì thụ động mong chờ Thiên Chúa lo liệu mọi sự, là một phần của bản tính con người. Chúng ta được mời gọi để trở nên những người quản lý tốt các hồng ân Chúa ban; chúng ta phải cẩn thận đừng coi thường các ân huệ này.
9. “Người ta có thể vừa ủng hộ phá thai (tự do chọn lựa) vừa đồng thời là Công Giáo.”
Trong khi đây là một huyền thoại thông thường nhất mà người Công Giáo hiểu về đức tin của họ, nó cũng là một điều dễ đánh tan nhất. Sách Giáo Lý không chẻ một chữ nào khi nói về phá thai: nó được liệt kê cùng với tội giết người trong các tội phạm đến điều răn thứ năm, “Chớ giết người.”
Những đoạn sau nói rõ: “Sự sống con người phải được tôn trọng và bảo vệ cách tuyệt đối từ giây phút thụ thai” (số 2270). “Ngay từ thế kỷ thứ nhất Hội Thánh đã xác nhận sự dữ về luân lý của mọi cuộc phá thai cố tình. Giáo huấn này không thay đổi và sẽ không bao giờ thay đổi” (số 2271). “Hợp tác chính thức vào việc phá thai là tội trọng. Hội Thánh gán hình phạt vạ tuyệt thông cho các tội phạm đến sự sống con người” (số 2272).
Có thể nói rõ ràng hơn thế nữa. Tuy nhiên, có những người sẽ lý luận rằng là người “tự do chọn lựa” không có nghĩa là ủng hộ phá thai; nhiều người cho rằng phá thai là sai, nhưng không muốn áp đặt tư tưởng của mình trên người khác.
Đó là lại là luận “điều đúng cho bạn có thể không đúng cho tôi” mà thôi. Hội Thánh cũng có câu trả lời cho lập luận này: “Những quyền bất khả xâm phạm của con người phải được xã hội dân sự và chính quyền nhìn nhận và tôn trọng. Những quyền này không lệ thuộc vào các cá nhân, hay cha mẹ, cũng không phải là một nhân nhượng của xã hội và của quốc gia, nhưng thuộc về bản tính con người và gắn liền với con người do chính hành động sáng tạo của Thiên Chúa mà từ đó sinh ra con người” (số 2273).
Tính linh thiêng của sự sống là một chân lý phổ quát không thể coi thường được. Khuyên ai phá thai, hay ngay cả bỏ phiếu cho các chính trị gia cổ võ việc phá thai, là một tội trọng, vì nó đưa người khác đến tội trọng – là điều mà Sách Giáo Lý gọi là làm gương mù (số 2284).
Hội Thánh mạnh dạn và dứt khoát chống phá thai, và chúng ta là người Công Giáo cũng phải khẳng định lập trường của chúng ta như thế.
MỤC LỤC
THÁNH KINH NHẬP MÔN
Dẫn nhập
CHƯƠNG I. CÁC KHÁI NIỆM
A. Khái niệm về mặc khải (mạc khải).
1. Định nghĩa.
2. Mặc khải và Kitô Giáo.
3. Cách thức mặc khải.
4. Các nguồn mặc khải.
5. Phân loại mặc khải.
B. Khái niệm về linh hứng và vô ngộ.
1. Linh hứng.
2. Các tác giả Thánh Kinh.
3. Vô ngộ.
C. Khái niệm về giao ước.
I, Định nghĩa.
1, Cấu tạo Kinh Thánh.
2, Định nghĩa giao ước.
3. Giao ước cũ và giao ước mới.
II. Các nguồn tài liệu.
1. Các sách luật (ngũ kinh).
2. Văn chương ngôn sứ.
3. Các sách khôn ngoan.
CHƯƠNG II. MỘT SỐ VẤN ĐỀ THÁNH KINH.
1, Ngôn ngữ, chất liệu chép Thánh Kinh.
2. Vấn đề quy điển Thánh Kinh.
3. Thánh Kinh và Khoa Học..
4. Các chủ thuyết.
5. Thánh Kinh và thời gian.
6. Ngày tháng trong Thánh Kinh.
7. Các ngày lễ.
8. Ý nghĩa các con số trong Thánh Kinh.
CHƯƠNG III. CHÚ GIẢI THÁNH KINH.
1. Định nghĩa.
2. Khảo sát bản văn.
3. Các hình thức văn chương.
4. Ý nghĩa trong Thánh Kinh.
5. Phương pháp nghiên cứu lịch sử.
6. Vai trò của Giáo Hội.
CHƯƠNG IV. LƯỢC SỬ CÁC GIAI ĐOẠN THÁNH KINH.
I. Niên biểu giản lược.
a. Trước Chúa Giáng Sinh.
b. Sau Chúa Giáng Sinh
II. lược sử Do Thái.
III. Các thời đại.
1. Thời nguyên thuỷ.
2. Thời các bộ tộc.
3. Thời nô lệ và xuất hành.
4. Thời lập quốc.
5. Thời quân chủ.
6. Thời phân tranh nam bắc.
7. Thời lưu đày.
8. Thời hồi hương.
9. Thời đô hộ.
11. Thời phát sinh Kitô Giáo.
CÁC PHỤ LỤC
[1] Kinh Thánh là một từ áp dụng cho các văn bản thiêng liêng của nhiều niềm tin khác nhau. Các văn bản này thường được viết trong giai đoạn hình thành của các niềm tin Do Thái và Kitô; những người lãnh đạo của các cộng đồng này tin đây là các sách được linh truyền từ Thiên Chúa để thể hiện lịch sử uy quyền của mối liên hệ giữa Thiên Chúa và dân của ngài.
Kinh Thánh Do Thái giáo còn gọi là Tanakh, gồm 3 phần: Luật Giao Ước (Torah), Sách Ngôn Sứ (Neviim) và Sách Văn Chương (Ketubim hay Ketuvim). Các Kitô hữu gọi chung là Cựu Ước để phân biệt với Tân Ước do các môn đệ của Chúa Giêsu (và những người thừa kế họ) viết ra. Theo truyền thống của Kitô giáo, Cựu Ước được chia thành các sách Ngũ Kinh, Lịch Sử, Ngôn Sứ và Giáo Huấn. Tân Ước bao gồm bốn sách Phúc Âm, sách Công vụ Tông đồ, các thư của Phaolô, các thư của các sứ đồ khác và sách Khải Huyền.
Tanakh gồm 24 quyển, nhưng Tin Lành tính thành 39 quyển. Giáo hội Công giáo và các giáo phái Ki-tô khác có thêm một số sách trong Cựu Ước, lấy từ Bản Bảy Mươi (Septuagint) của Do Thái vì họ giữ các sách này lại sau khi chúng bị những người cải cách Tin Lành bỏ ra. Kinh thánh Tân Ước hình thành sau khi Giêsu sinh ra, gồm 27 quyển, được cố định vào thế kỷ thứ 4 và được hầu hết các giáo hội Ki-tô chấp nhận. (Xem Quy điển Kinh Thánh).
Kinh thánh có lẽ là bộ sách gây ảnh hưởng nhiều nhất trong lịch sử loài người. Số bản in Kinh thánh vượt mọi sách khác. Kinh thánh Do Thái giáo cũng như Kinh Thánh Kitô giáo được dịch nhiều lần, sang nhiều ngôn ngữ hơn bất cứ sách nào khác. Kinh Thánh trọn bộ, hoặc một phần, đã được dịch sang hơn 2.100 ngôn ngữ của 90% dân số thế giới. Kể từ năm 1815, ước tính có khoảng hơn 5 tỉ ấn bản Kinh thánh trọn bộ hoặc các phần quan trọng của Kinh Thánh được phân phối, trở nên sách bán chạy nhất trong mọi thời đại.
Thuật ngữ “Kinh thánh” cũng được dùng cho các văn bản thiêng liêng của các niềm tin không Do Thái và không Ki-tô; vì vậy Guru Granth Sahib thường được dùng để chỉ “Kinh thánh Sikh”.
Nhiều nhà giáo dục thấy rằng Kinh thánh Ki-tô đã ăn rễ vững chắc vào văn hoá phương Tây đến nỗi “bất cứ ai, dù có niềm tin hay không, nếu không quen thuộc với các giá trị và giáo huấn của Kinh thánh sẽ trở nên dốt nát về văn hoá.”[1]
Từ “kinh thánh” trong tiếng Hy Lạp là biblia (biblia), nghĩa là “sách”, từ này lại có nguồn gốc từ biblos (byblos) có nghĩa “giấy cói” (papyrus), từ tên của thành phố Byblos xứ Phenicie(Phoenicia) cổ đại, là nơi xuất khẩu giấy cói.
[2] Dòng giống người phụ nữ: Khi Kinh Thánh tuyên nhận bà Eva là nguyên tổ của loài người, và Tin Mừng cứu độ được ban ra, bà Eva đã nhận lời hứa cho dòng giống của bà: “… Dòng giống người ấy sẽ đánh vào đầu mi”, điều này có nghĩa sau này chính Đấng Cứu Độ sẽ là con cháu Eva theo nhân tính, và Đức Maria đã sinh ra Đấng Cứu Độ, nên trước hết, hình ảnh này làm nổi bật vai trò người phụ nữ, bổn phận làm mẹ của người phụ nữ và viễn tượng công trình cứu độ, mà trong đó, Đức Maria là Đấng đã sinh ra Đấng Cứu Độ. Tư thế chủ động của dòng dõi người nữ trong cuộc chiến đấu và chiến thắng: Bản văn St 3, 15 cho thấy, dòng dõi người người đàn bà sẽ chiến đấu với Satan trong tư thế “đứng”, chứ không phải tư thế “bò” như con rắn[2]. Điều này cũng ngầm ý cho thấy thế giới sự dữ có nhiều mưu mô xảo trá quỷ quyệt luồn lách như con rắn (x. St 3, 1), nhưng với thế chủ động, dòng giống người nữ sẽ chiến thắng (Stabat Mater). Thiên Chúa đứng về phía người phụ nữ: Khác với sự chúc dữ dành cho con rắn, Thiên Chúa tuyên phạt dòng giống người phụ nữ, nhưng không nguyền rủa họ như nguyền rủa con rắn (x. St 3, 14). Thiên Chúa nghiêng về phía dòng giống Eva, chống lại Satan cám dỗ (x. St 3, 15). Thật vậy, dù không hiểu câu chuyện “sa ngã” theo nghĩa đen, nhưng có thể hiểu rằng, nhờ linh hứng, tác giả sách Sáng Thế đã tin tưởng rằng có quyền lực sự dữ đối nghịch với loài người, mà Thiên Chúa, Đấng Toàn Thiện sẽ bênh vực loài người chống lại. Lời hứa cứu độ là một chuỗi dài cho những biểu hiện của “lòng nhân hậu”… cho đến ngày được viên mãn trong Đức Kitô được sinh ra bởi người phụ nữ là Đức Maria.
[3] Viện phụ Dominico Phạm Văn Hiền, Giáo An Thánh Kinh.
[4] Kinh Thánh Hebrew (còn gọi là Kinh Thánh Do Thái giáo, hoặc Tanakh trong tiếng Do Thái) có 24 sách. Tanakh là chữ viết tắt của ba phần trong Kinh Thánh Hebrew: Torah (Ngũ Thư hoặc Ngũ Kinh), Nevi’im (Ngôn sứ hoặc Tiên tri), và Ketuvim (Văn chương). Kinh Thánh có khoảng 160.764 từ.
[5] Torah hoặc “Giáo huấn” được biết đến với tên Ngũ Kinh của Moses (Mô-sê hoặc Môi-se trong tiếng Việt), vì vậy còn có tên Chumash hay Pentateuch (tiếng Hebrew hoặc tiếng Hi Lạp nghĩa là “năm”).
Torah tập chú vào ba thời điểm làm thay đổi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người. Mười một chương đầu của Sách Sáng thế cung cấp những ký thuật về sự sáng tạo (hoặc trật tự) của thế giới, và lịch sử của mối tương giao ban đầu giữa Thiên Chúa và loài người. Ba mươi chín chương còn lại của Sách Sáng thế thuật lại việc thiết lập giao ước giữa Thiên Chúa và các tổ phụ của dân tộc Do Thái như Abraham, Isaac vàJacob (còn gọi là Israel), cùng với dòng dõi của Jacob (“Con dân Israel”), đặc biệt là Joseph, cũng ghi chép về cung cách Thiên Chúa kêu gọi Abraham rời bỏ gia tộc và quê hương ở thành Ur để ra đi, cuối cùng định cư trên đất Canaan, và thuật lại câu chuyện Con dân Israel về sau di cư đến Ai Cập. Bốn sách còn lại của Torah ký thuật cuộc đời của Moses, một hậu duệ sống hàng trăm năm sau các tổ phụ. Các biến cố trong cuộc đời Moses xảy ra cùng lúc với cuộc giải phóng Con dân Israel khỏi ách nô lệ trong xứ Ai Cập, để làm sống lại giao ước giữa họ và Thiên Chúa tại núi Sinai, và về thời kỳ dong ruổi trong hoang mạc cho đến khi một thế hệ mới sẵn sàng tiến vào xứ Canaan. Torah khép lại với ghi chép về cái chết của Moses.
Theo truyền thống, Torah chứa đựng 613 mitzvot, hoặc điều luật, của Thiên Chúa, được mặc khải từ thời kỳ nô lệ trong đất Ai Cập cho đến lúc sống đời tự do trong xứ Canaan. Những điều luật này kiến tạo nền tảng cho luật Halakha của Do Thái giáo và được chi tiết hóa trong bộ luậtTalmud. Torah được chia thành 54 phần, được xướng đọc theo thứ tự trong nghi thức Do Thái giáo, vào mỗi ngày Sabbath (thứ Bảy trong tuần), từ trang đầu của Sách Sáng thế cho đến trang cuối của Đệ nhị luật. Chu trình này chấm dứt và lại khởi đầu vào cuối kỳ Sukkot, còn gọi là Simchat Torah.
[6] Sau khi thoát cảnh nô lệ bên Ai Cập, dân Do Thái được Thiên Chúa dẫn qua sa mạc để tới Xi-nai. Họ đóng trại tại chân núi, trong khi Thiên Chúa ban cho Mô-sê lề luật buộc dân phải vâng theo. Các lời hứa (hay thỏa hiệp giao ước) trước đây Thiên Chúa thực hiện với các cá nhân như Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp, nay Người lặp lại với toàn dân. Họ sẽ là dân Thiên Chúa; Người sẽ là Thiên Chúa của họ. Người đã cứu thoát họ và Người chờ mong họ vâng theo lề luật của Người. Đây không phải chỉ là những luật lệ về thờ phượng hay điều hướng những dịp về tôn giáo. Chúng còn bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống. Và chúng được tóm tắt trong Mười Điều Răn. Mười Điều Răn chính Thiên Chúa nói. Và sau đây là chính lời Người:
“Ta là Chúa Thiên Chúa của các ngươi, Đấng đã đem các ngươi ra khỏi Ai Cập, nơi các ngươi từng làm nô lệ. Các ngươi không được thờ phượng chúa nào khác ngoài Ta. Đừng làm cho mình các hình ảnh của vật nào trên trời, dưới đất hay trong nước dưới lòng đất. Đừng cúi đầu trước bất cứ ngẫu thần nào hay thờ phượng nó, vì Ta là Chúa Thiên Chúa các ngươi và ta không khoan nhượng bất cứ ai đòi ngang hàng với Ta. Ta sẽ trừng phạt kẻ ghét Ta, cả con cháu 3, 4 đời của nó. Nhưng Ta tỏ tình yêu cho hàng ngàn thế hệ những kẻ yêu mến Ta và vâng theo lề luật Ta”.
Đừng dùng tên Ta cho các mục đích xấu xa, vì Ta, Chúa Thiên Chúa các ngươi, Ta sẽ trừng phạt bất cứ ai lạm dụng tên Ta. Hãy giữ ngày Sa-bát và giữ cho nó thánh thiện.Các ngươi có 6 ngày để làm việc, nhưng ngày thứ bẩy là ngày nghỉ ngơi dành riêng dâng kính Ta. Vào ngày ấy, không được ai làm việc, kể cả các ngươi lẫn con cái, nô lệ và xúc vật của các ngươi, cả người ngoại quốc đang sống trong xứ sở các ngươi nữa. Trong 6 ngày, là Chúa, Ta đã làm nên đất, trời, biển và mọi thứ trong chúng, nhưng Ta đã nghỉ ngơi vào ngày thứ bẩy. Chính vì lẽ đó, Ta, Chúa các ngươi, chúc phúc cho ngày Sa-bát và làm nó nên thánh thiện.
Hãy kính trọng cha các ngươi và mẹ các ngươi, để ngươi được sống lâu trong lãnh thổ Ta sẽ ban cho các ngươi.
Đừng phạm tội sát nhân.
Đừng phạm tội ngoại tình.
Đừng ăn trộm.
Đừng tố cáo ai cách sai lạc.
Đừng ước muốn nhà người khác; đừng ước muốn vợ anh ta, nô lệ anh ta, trâu bò, lừa, và bất cứ điều gì khác thuộc sở hữu của anh ta.
Đó là sưu tập các lề luật tốt nhất của Ít-ra-en. Rõ ràng sưu tập này có một ý nghĩa đặc biệt: trong sách Xuất Hành, nó là bộ luật đầu tiên được ban cho trên Núi Xi-nai, còn trong Sách Đệ Nhị Luật, cuối Mười Điều Răn còn có lời này: ‘Chúa phán những lời này với toàn bộ cuộc tụ họp của các ngươi…và Người không thêm thắt gì nữa’ (Đnl 5:22), nghĩa là, không còn điều gì khác quan trọng bằng.
Mười Điều Răn được phán cho toàn thể dân tộc Ít-ra-en, chứ không riêng cho một nhóm đặc thù nào như các tư tế chẳng hạn, và cũng nói với từng người Do Thái như các cá nhân. Mặt khác, dù Mười Điều Răn này là duy nhất trong tư cách một sưu tập, mỗi một điều răn vẫn được nhắc lại tại những chỗ khác trong luật lệ Do Thái.
Mười Điều Răn trên được viết trên hai phiến đá. Điều ấy rất có thể có nghĩa chúng được chép thành hai bản. Lý do phải chép thành hai bản chỉ được hiểu gần đây mà thôi. Trong thế giới Thánh Kinh, khi thực hiện một giao ước, mỗi bên ký giao ước phải giữ một bản nội dung. Nếu giao ước ấy là giao ước giữa hai quốc gia, như giữa người Khết và người Ai Cập chẳng hạn, thì hai bản phải được giữ ở nơi thật xa nhau, thường là trong đền thờ thần của mỗi nước. Tuy nhiên, tại Ít-ra-en, vì là giao ước giữa Thiên Chúa và dân Người, nên cả hai bản Mười Điều Răn đều được giữ trong Hòm Bia Giao Ước. Đó là trung tâm của Ít-ra-en và cũng là nơi Thiên Chúa ngự. Bởi thế cả bản của Thiên Chúa lẫn bản của Ít-ra-en cùng được lưu trữ với nhau. Mười Điều Răn, do đó, là các điều khoản của giao ước Thiên Chúa đã ký với dân Người. Tại Xi-nai, đáp lại mọi điều Thiên Chúa đã làm cho họ, toàn dân Ít-ra-en đã chấp nhận các điều khoản ấy. Hình phạt cho việc không thi hành bất cứ điều khoản nào trên đây không được nhắc đến. Nhưng nếu ta so sánh các điều răn này với các điều răn tương tự, thì xem ra hình phạt phải là tử hình (hãy so sánh Xh 20:13 với Xh 21:12). Điều ấy không có nghĩa hình phạt trên luôn luôn được thi hành.
Các Bộ Luật khác: Dĩ nhiên, bất cứ xã hội nào cũng cần có nhiều luật lệ chi tiết nữa. Các luật căn bản cần được khai triển thêm. Nếu điều răn dạy rằng các ngươi không được làm việc vào ngày Sa-bát, thì ai là ‘các ngươi’ và ‘làm việc’ là thế nào? Ngay trong Xuất Hành 20:10, điều răn đơn giản trên đã được diễn tả cách chi tiết hơn rồi. Cần phải làm sáng tỏ điều này là ‘các ngươi’ đây không phải chỉ là các người cha trong gia đình Do Thái, mà còn là ‘con cái, tôi tớ, súc vật…và cả ngoại kiều sống trong xứ sở các ngươi nữa’ (Đnl 5:14). (Chúng ta cũng phải giả thiết và hy vọng rằng cả ‘vợ các ngươi’ nữa cũng phải được kể vào!). Sau này, các thầy rabbis Do Thái còn tốn nhiều thì giờ hơn nữa để định nghĩa cách chính xác thế nào là ‘làm việc’. Chúa Giê-su bị một số người chỉ trích chỉ vì Người và các môn đệ của Người đã chữa bệnh và hái lúa vào ngày Sa-bát (Lc 14:3-4; Mt 12:1-2). Vì điều ấy nghịch lại câu định nghĩa về việc làm của nhóm Biệt Phái. Mười Điều Răn là ‘luật giao ước’ của Thiên Chúa dành cho Ít-ra-en. Thêm vào đó, các sách luật của Do Thái (từ Xuất Hành tới Đệ Nhị Luật) chứa đựng khá nhiều các trường hợp điển hình của luật (case-laws), một số tương tự như luật lệ các nước khác. Đó là ba bộ luật chính.
Bộ thứ nhất tiếp liền sau Mười Điều Răn, tìm thấy nơi Xh 21-23. Đôi khi người ta gọi bộ này là ‘Sách Giao Ước’. Nó chứa đựng các luật luân lý, dân sự và tôn giáo. Sau các giáo huấn về việc thờ phượng là các luật lệ về việc xử lý với các quyền lợi của nô lệ; tội ngộ sát và gây thương tích cho sự sống người ta; tội ăn cắp và gây thiệt hại đến tài sản; các nghĩa vụ xã hội và tôn giáo; công lý và nhân quyền. Sau cùng là các giáo huấn về ba ngày lễ lớn của tôn giáo: Lễ Bánh Không Men, Lễ Đầu Mùa và Lễ Gặt Hái. Các luật này cho thấy Thiên Chúa quan tâm đến việc cuộc đời như một toàn bộ phải công bình và sòng phẳng. Chúng cho thấy Thiên Chúa quan tâm bảo vệ quyền lợi của những kẻ yếu đuối nhất như nô lệ, người nghèo, quả phụ, cô nhi và ngoại kiều.
Sách Lê-vi các chương 17-26 chứa đựng bộ luật thứ hai, gọi là ‘luật thánh thiện’. Các luật này chủ yếu quan tâm đến việc dân phải Thờ Phượng Thiên Chúa ra sao, nghĩa là các nghi thức liên quan đến nhà tạm. Tuy nhiên, nó cũng bàn đến các tác phong hàng ngày. Điều chủ yếu trong giáo huấn này là lệnh truyền: ‘Hãy thánh thiện vì Ta, Chúa và là Thiên Chúa các ngươi, là Đấng Thánh’ (Lv 19:2). Ít-ra-en phải thánh thiện vì quốc gia này thuộc về Thiên Chúa.
Bộ luật chi tiết thứ ba được trình bày tại Đệ Nhị Luật 12-25. Nó bao gồm khá nhiều điều y hệt như trong Xuất Hành và Lê-vi, nhưng được trình bày dưới hình thức một bài diễn văn của Mô-sê nói với dân chúng trước khi họ vào Đất Hứa. Chúng bao gồm những lời khích lệ dân giữ Lề Luật và cảnh cáo về hậu quả của việc bất tuân Lề Luật ấy. Đệ Nhị Luật 17:14-20 chỉ là một phần của Lề Luật nói về nhiệm vụ của một vị vua. Mục đích các điều răn. Luật có mục đích hướng dẫn các mối liên hệ tốt với Chúa và tha nhân. Trong Luật, Thiên Chúa, Đấng tạo ra và cứu thoát dân, cho họ hay họ phải sống ra sao để mưu ích và phúc lợi cho chính họ. Từ Hi-bá-lai mà ta thường dịch là Luật (torah) thực sự có nghĩa là ‘hướng dẫn’ hay ‘chỉ giáo’. Các luật này không nhằm đưa ra một bảng liệt kê dài dòng những điều phải làm và những điều không được làm nhằm khiến cho cuộc sống trở thành một gánh nặng.
Lề Luật phản ảnh đặc tính của Thiên Chúa, tức sự thánh thiện, công chính và thiện hảo của Người. Nó diễn tả ý muốn của Thiên Chúa. Nó cung cấp cho dân những hướng dẫn thực tiễn họ cần để vâng theo lệnh truyền phải ‘nên thánh như Ta là đấng thánh’ của Người.
[7] Lịch sử It-ra-en được tiêu biểu bởi nền luân lý rõ ràng của nó. Nếu quả thật rằng việc viết sử không bao giờ chỉ có nghĩa là mô tả các biến cố, thì thuật chép sử của Do Thái đúng là một minh họa tuyệt vời cho thấy lịch sử được viết ra với một động cơ và mục tiêu được xác định rõ ràng trong tâm trí.
Công việc chính của các nhà viết sử của It-ra-en cổ thời là minh họa sự nhận hiểu của họ về Thiên Chúa, và cách thế mà Thiên Chúa dính líu vào đời sống của họ. Nói tóm, nó là văn chương có tính tôn giáochứ không phải là văn thư lưu trữ của triều đình hay những tập ghi chép biên niên về lịch sử. Nắm vững nhãn quan này, chúng ta sẽ tránh được rất nhiều những hiểu lầm không cần thiết. Chẳng hạn, việc nghiên cứu lịch sử ban sơ trong Sách Sáng Thế (chương 1-11) sẽ rất bổ ích nếu các sinh viên nhận ra rằng những câu chuyện này phải được đọc chủ yếu như là sự chỉ dẫn căn bản về triết học và tôn giáo, chứ không phải như là những chỉ nam “khoa học” về nguồn gốc của các loài. Như vậy, xem ra thái độ đúng đắn đối với các trình thuật về sáng tạo hay lụt hồng thủy trong Sách Sáng Thế phải là một sự trân trọng các bài học tôn giáo về trách nhiệm luân lý, về việc Thiên Chúa bênh vực người chính trực, về việc Thiên Chúa can dự vào và quan tâm đối với con người, và về sự cố chấp chống cưỡng của con người. Tham gia một đoàn thám hiểm để tìm kiếm “các mảnh còn lại của con tàu Nôe” trên ngọn núi Ararat ở Thổ Nhĩ Kỳ, đó không phải là thái độ thích đáng nhất để hưởng ứng các bản văn Thánh Kinh, bởi vì làm như vậy là chúng ta bỏ qua sứ điệp cốt lõi của các bản văn ấy và làm cho chúng trở thành một cái gì đó không còn là chúng nữa. Các sinh viên hiện đại cần phải biết cách để đọc, để hiểu và để trân trọng Thánh Kinh Do Thái. Lịch sử thuở ban sơ cho chúng ta biết nhận thức của người Do Thái cổ thời về bản tính ngông cuồng của con người, về tình yêu và sự quan tâm bền bỉ của Thiên Chúa.
Lịch sử thuở ban sơ được nối tiếp bởi các câu chuyện về “các Tổ Phụ”của It-ra-en cổ: Abraham và Sara, Isaac và Rêbecca, Giacóp và các con trai, Giuse bên Ai Cập. Mới cách đây khoảng 30 – 50 năm, các học giả đã bắt đầu tin tưởng hơn vào sử tính của các câu chuyện các tổ phụ, nhưng những công trình gần đây trong lãnh vực khảo cổ và phân tích nguyên bản đã khơi lên mối băn khoăn rằng phải chăng bất cứ tư liệu nào trong Sách Sáng Thế cũng có thể được dùng để tái lập lại lịch sử cổ thời một cách khả dĩ có ý nghĩa. Dường như tốt nhất là nên coi Sách Sáng Thế như một câu chuyện với động cơ tôn giáo kể về nguồn gốc của dân Do Thái và về việc dân này phân bổ thành thành các “chi tộc” được đặt tên theo những nhân vật được nhắc đến trong các câu chuyện của Sách Sáng Thế (ví dụ, “mười hai chi tộc” ứng với mười hai người con trai của Giacóp). Sự việc này đã cung ứng một lịch sử thống nhất cho các dân tộc của Canaan trong khoảng thế kỷ 12 đến thế kỷ 10 trước công nguyên – đây là những người đã cải giáo để phụng thờ Giavê. Các câu chuyện tổ phụ cũng nói lên mối quan tâm trung thành của Thiên Chúa, bất chấp những gãy đổ thường xuyên của con người như được ghi nhận trong các câu chuyện này.
Tuy nhiên, nét nổi bật của năm quyển đầu tiên trong bộ Thánh Kinh không phải ở chỗ đó là những bản văn viết sử mà là những bản văn ghi luật. Hầu như tất cả các luật tôn giáo, luật dân sự, và các nguyên tắc luân lý của It-ra-en cổ thời đều được hệ thống hóa nơi ba bộ sưu tập chứa đựng trong năm quyển sách đầu tiên. Bộ sưu tập xa xưa nhất được gọi là “Bộ Luật Giao Ước”, được tìm thấy trong Sách Xuât Hành (x. chương 19-24). Bộ sưu tập này được bổ sung ít nhất hai lần, bởi một bộ sưu tập chính thức về luật từ cuối thế kỷ 7 trong Sách Đệ Nhị Luật (Deuteronomy – tên gọi này vốn có nghĩa là “bộ luật thứ hai”) và có tên là “Bộ Luật Đệ Nhị Luật”. Bộ sưu tập cuối cùng về luật bao gồm chủ yếu là các luật tư tế hay tôn giáo (mặc dù không phải là không pha phôi các luật khác). Bộ sưu tập này được thêm vào bởi các tư tế trong thời hậu lưu đày. Những luật này có thể được tìm thấy trong Xuất Hành 25 -31, nhưng cũng xuất hiện suốt trong Sách Lêvi nữa. Lớp cổ nhất của luật tư tế có lẽ là Lêvi 17-26 (được gọi là “Luật Thánh”, do bởi câu nói lặp đi lặp lại: “các ngươi hãy nên thánh…”), nhưng được chen vào bởi những luật có tính chú giải và bổ sung sau này trong sách Lêvi và Dân Số.
Sự nhắc lại thường xuyên các luật và các chủ đề về luật (ví dụ, sự kiện “Thập Giới” được gặp thấy hai lần) được giải thích bởi việc bổ sung sau này, trong đó các tư liệu luật của các giai đoạn khác nhau được thêm vào cho các bộ luật. Thật thú vị, việc bổ sung các bản văn như vậy cho phép các sinh viên hiện đại làm công việc đối chiếu, chẳng hạn như đối chiếu về tình trạng của phụ nữ và nô lệ trong luật của It-ra-en qua các thời khác nhau. Từ lâu, khi đối chiếu giữa Bộ Luật Giao Ước (Xh 21) với Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 15,12-18), các học giả đã ghi nhận “tính nhân đạo” ngày càng tăng đối với tình trạng của các nô lệ. Chẳng hạn, bộ luật sau qui định rõ những thứ phải cung ứng khi phóng thích nô lệ, và hơn nữa cấm việc giao trả các nô lệ đã trốn thoát về cho chủ (Đnl 23,16), vv… Có lẽ ấn tượng nhất là mối kỳ vọng có vẻ không tưởng về công bằng xã hội được đưa ra bởi các tư tế trong Lêvi 25, qui định rằng “Năm Toàn Xá” phải được cử hành để hoàn trả tất cả những thửa đất đã mua về cho các chủ nhân ban đầu, như vậy có thể phòng tránh sự gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo bằng cách phân phối lại đất đai sau mỗi 50 năm! Ở It-ra-en cổ, rõ ràng luật vừa có tính chuẩn mực vừa có tính ứng dụng.
[8] Sách luật
Nền tảng của luật và các truyền thống (“halakha”) trong Do Thái giáo là sách Torah (còn gọi là Ngũ thư Kinh thánh hoặc Ngũ kinh Moses). Có tất cả 613 điều răn trong sách Torah. Trong đó, một số điều răn chỉ được áp dụng cho nam giới hoặc nữ giới, một số điều chỉ dành cho các thầy tế lễ thời xưa – thầy tư tế (kohen) và thầy Lêvi, một số điều răn dành riêng cho nông dân trong vùng đất Israel. Nhiều điều răn chỉ được áp dụng khi Đền thờ Jerusalem còn tồn tại, và ngày nay người ta chỉ phải tuân theo chưa tới 300 điều răn trong sách này.
Đức tin của một số nhóm Do Thái giáo như nhóm Sađốc, nhóm Karaite là chỉ dựa vào các bản văn của sách Torah, nhưng hầu hết các tín hữu Do Thái giáo đều tin vào “khẩu luật”. Những truyền thống này được truyền miệng trong phái Pharisêu ở thời kỳ cổ xưa của đạo, sau đó được ghi chép lại thành văn bản và được các thầy Rabi loan truyền rộng rãi.
Các thầy giảng Do Thái giáo thường cắt nghĩa một điều trong sách Torah (các luật được chép lại thành văn bản) song song với một truyền thống được truyền miệng. Khi trong sách có những từ ngữ chưa được giảng giải, những nghi thức không có hướng dẫn thì người Do Thái giả định rằng họ đã biết thông qua kiểu truyền miệng. Cách giải thích song song này dần dần trở thành khẩu luật.
Trước thời của thầy Rabi Judah haNasi (năm 200 trước Công nguyên), sau sự sụp đổ Đền thờ Jerusalem, nhiều phần trong khẩu luật được biên soạn lại thành sách Mishnah. Hơn bốn thế kỷ tiếp theo, nhiều bàn luận và tranh cãi giữa hai cộng đồng Do Thái giáo lớn nhất thế giới (ở Israel và Babylon) và các chú giải về sách Mishnah giữa hai cộng đồng này cuối cùng cũng được tập hợp lại và biên soạn thành hai sách Talmud.
Halakha, cách sống đạo hàng ngày, là sự kết hợp của ba việc, đó là đọc sách Torah, các truyền thống truyền miệng – sách Mishnah và chú giải, sách Talmud và chú giải. Sách luật Halakha dần được hình thành. Việc ghi chép lại các câu hỏi với thầy Rabi và các câu trả lời của thầy được gọi là sách Responsa (sách Hỏi đáp, tiếng Hebrew Sheelot U-Teshuvot.) Theo thời gian, bộ giáo luật Do Thái giáo được ghi chép lại, chủ yếu dựa vào sách responsa; sách luật quan trọng nhất là Shulchan Aruch, mà ngày nay Chính thống giáo dựa vào để cử hành các nghi thức phụng vụ.
[9] Đọc sách Sáng Thế, ngay cả những độc giả vô tình nhất cũng cảm thấy lúng túng bởi một loạt những hiện tượng văn chương thú vị. Chẳng hạn, có hai câu chuyện khác nhau về sáng tạo, đáng kể là sự khác biệt trong mô tả về thứ tự của tiến trình sáng tạo (cây cối, thú vật, rồi đến con người trong 1,1 – 2,4a; con người, cây cỏ, rồi đến thú vật trong 2,4b – 3, 24). Có những câu chuyện khác, chẳng hạn câu chuyện “Mối Đe Dọa Đối Với Vợ Của Tổ Phụ” được lặp lại không dưới ba lần trong bản văn (12,10-20; 20; 26,1-11), và những câu chuyện khác được kể hai lần (sự xua đuổi nàng Hagar trong chương 16 và một lần nữa ở chương 21). Hồi thế kỷ 18, các học giả đã chú ý đến tính không nhất quán giữa những cặp chuyện khác nhau này. Chẳng hạn, một trong hai bản của các câu chuyện được lặp lại sử dụng từ “Elohim” cho Thiên Chúa, trong khi bản kia cứ dùng từ “Yahweh”. Một trong hai bản sẽ trình bày Thiên Chúa có tính nhân cách hóa hơn (nghĩa là Thiên Chúa trong dạng một con người, Ngài đi lại và nói với con người), trong khi bản kia vẫn giữ một cái nhìn về Thiên Chúa uy linh, tách biệt khỏi con người và nói với con người từ trời hay từ trong những giấc mơ.
Những ghi nhận ấy đã dẫn tới “Giả Thuyết Theo Chứng Liệu”. Những đặc điểm căn bản của giả thuyết này thì khá đơn giản, và cho dù giả thuyết này thường xuyên bị chất vấn, nó vẫn là một cơ sở nền tảng để phân tích năm quyển sách đầu tiên của Thánh Kinh.
Theo Giả Thuyết Theo Chứng Liệu, một sưu tập thuở ban đầu về luật và những truyền thống truyền khẩu được tập hợp lại vào thời Salômôn để cung cấp một căn bản lịch sử cho đường lối cai trị. Những hệ thống này, vốn nhất quán sử dụng tên “Yahweh”, đã hình thành một sưu tập mạch lạc các tư liệu từ khởi đầu sáng tạo cho tới thời quân chủ. Sưu tập ban đầu này được gọi là truyền thống “J”. Các học giả chuyên về “phê bình văn loại” cố gắng nhận ra và tách riêng những bản văn hay những mẩu chuyện nhỏ vốn có khả năng phát xuất từ truyền thống truyền khẩu. Có lẽ một ít dòng thơ ca, hay hình thức tiền văn tự của câu chuyện, có thể được nhận ra, và từ đây, chúng ta có thể xác định bằng cách nào truyền thống hay bản văn đó đã được sử dụng và trau chuốt qua thời gian. Chẳng hạn, khi chú ý kỹ đến các hình thức của truyền thống văn học dân gian, người ta có thể nhận thấy bằng cách nào một số câu chuyện về các tổ phụ, vốn nguyên thủy là những câu chuyện truyền khẩu, mãi sau này mới được các ký lục của Salômôn tập hợp lại trong sưu tập của họ. Hơn nữa, một ý niệm nào đó về hình thức nguyên thủy của chúng có thể cho chúng ta thấy cách mà các ký lục đã thay đổi những câu chuyện, hoặc cách mà họ sử dụng những truyền thống truyền khẩu thời trước cho các mục đích của họ.
Sau khi quốc gia quân chủ thống nhất bị phân chia (922 trước công nguyên), vương quốc phía bắc có lẽ lập lịch sử riêng cho mình, sử dụng từ “Eâlohim“ cho Thiên Chúa, và những tư liệu này vì thế được gọi tên là “E”. Một lần nữa, khoa phê bình văn loại có thể chỉ ra cho chúng ta “văn loại” của những tư liệu mà các văn sĩ “E” đưa vào bản văn, và họ nhắm mục đích gì qua bản văn của họ.
Rồi các văn liệu J và E được bổ sung thêm trong thời của Những Cuộc Cải Cách Đệ Nhị Luật (sau 640 trước công nguyên) bởi việc tăng cường quyển Đệ Nhị Luật (gọi là “D”). Hơn nữa, các nhà biên tập này đã viết một phần chú giải rộng rãi về lịch sử It-ra-en từ nhãn quan của các luật thuộc Đệ Nhị Luật. Lịch sử này được viết từ thời chinh phục (Giôsuê) cho đến thời lưu đày Babylon (cuối quyển 2 Các Vua), và quan tâm chủ yếu đến các bài học luân lý của Đệ Nhị Luật bằng cách minh họa các vua quái gở của It-ra-en và Giuđa – là những vị vua bướng bỉnh phớt lơ Lề Luật của Môsê.
Cuối cùng, trong và sau thời lưu đày, quyền lãnh đạo dân Do Thái chuyển từ độc quyền của hoàng gia thành một thể chế cai trị kết hợp giữa hoàng tộc và giới tư tế, để rồi rốt cục quyền cai trị chỉ thuộc về tư tế mà thôi. Trong thời này, giới lãnh đạo tư tế đã thực hiện một cuộc tập hợp và biên tập lần cuối cùng các tư liệu Thánh Kinh. Những tư liệu mà họ thêm vào năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh vì thế được đặt tên là “P”. Tư liệu P có thể được tìm thấy rải rác trong suốt năm quyển sách đầu tiên ấy, bắt đầu với câu chuyện sáng tạo thứ nhất (là câu chuyện mang đặc điểm của truyền thống tư tế, nêu bật tầm quan trọng của ngày Sabát, đến độ nói rằng Thiên Chúa “nghỉ ngơi”). Các biên tập viên “P” dường như muốn cố gắng làm sáng tỏ những vấn đề và những chi tiết tôn giáo trong nhiều điểm khác nhau, và đưa thêm vào rất nhiều tư liệu cho Sách Lêvi và Sách Dân Số. Tuy nhiên, cuối cùng, chúng ta cũng cần phải nhận ra rằng hiện nay chúng ta đọc năm quyển đầu tiên của Thánh Kinh trong tư cách là một đơn vị là do bởi công việc của các tư tế. Chẳng hạn, bằng cách tách Đệ Nhị Luật ra khỏi Giôsuê, các biên tập viên tư tế đã đặt Môsê (ở chỗ ngưỡng cửa bước vào Đất Hứa) vào cuối bộ sách sưu tập thánh thiêng nhất, tức bộ Torah này. Phải chăng những điều này là do ảnh hưởng của hoàn cảnh lưu đày, hoàn cảnh mà trong đó chính họ cũng sống niềm hy vọng được nhìn thấy Đất Hứa một lần nữa?
Ghi nhận một phác họa tổng quát như thế về Giả Thuyết Theo Chứng Liệu [(J + E + D) + P], chúng ta thấy rõ rằng bất cứ sự phân tích nghiêm chỉnh nào đối với bất cứ đoạn văn nào của Ngũ Thư , và thật ra là của sử gia Đệ Nhị Luật, thì cũng đều phải bắt đầu với một sự định vị xem đoạn văn ấy thuộc “nguồn” nào. Quá trình này gọi là “phê bình nguồn văn”.
[10] Các sách Tiên tri hoặc Ngôn sứ (Nevi’im) thuật lại sự trỗi dậy của vương triều Do Thái, sự chia cắt đất nước thành hai vương quốc, và những nhà tiên tri (ngôn sứ), những người nhân danh Thiên Chúa đến để rao truyền sự đoán phạt trên các quân vương và Con dân Israel. Các sách này khép lại với ghi chép về sự kiện người Assyria xâm chiếm Vương quốc Israel và người Babylon chiếm đóng Vương quốc Judah, cùng sự phá hủy Đền thờ tại Jerusalem. Trong ngày Sabbath, người Do Thái vẫn đọc những phần khác nhau của các sách tiên tri. Còn sách Jonah được đọc trong ngày lễ Yom Kippur.
[11] Chúng ta không thấy sách ngôn sứ lớn Đaniel được nói tới ở đây, vì quy điển Thánh Kinh Do Thái không có sách này.
[12] Các sách Văn chương hoặc Trước tác (Ketuvim) có lẽ đã được viết trong hoặc sau thời kỳ Lưu đày tại Babylon. Đây là các sách sau cùng được quy điển. Theo cách giải thích truyền thống của Do Thái giáo, nhiều bài thi thiên trong sách Thi thiên (Thánh vịnh) được xem là những trước tác của Vua David; Vua Solomon được xem là tác giả của sách Nhã ca (Diễm ca) khi nhà vua còn trẻ, còn sách Châm ngôn được trước tác khi nhà vua đang độ tuổi trung niên chín chắn, và sách Truyền đạo (Huấn ca) vào lúc tuổi già; sách Ca thương (Ai ca) được cho là của tiên tri Jeremiah. Job là sách duy nhất trong Kinh Thánh được xem là không phải Do Thái. Sách Ruth kể chuyện một phụ nữ không thuộc dân tộc Do Thái (Ruth là người Moab) kết hôn với một người Do Thái, sau khi chồng qua đời, bà chấp nhận cuộc sống và niềm tin của người Do Thái; theo Kinh Thánh, Ruth là bà cố của Vua David. Có năm sách được chọn để đọc trong các ngày lễ Do Thái: Nhã ca trong ngày Lễ Vượt qua; Sách Ruth trong ngày lễ Shavuot; Ca thương trong lễ Ninth of Av; Truyền đạo trong ngày lễ Sukkot; và sách Zuffi trong ngày lễ Purim. Nhìn chung, phần Văn chương (Ketuvim) trong Kinh Thánh Hebrew gồm có thi ca trữ tình, những suy tư triết lý về cuộc sống, những câu chuyện về các tiên tri và các nhà lãnh đạo dân tộc Do Thái trong thời kỳ lưu đày. Phần này kết thúc với chiếu chỉ của hoàng đế Ba Tư cho phép dân Do Thái trở về Jerusalem và bắt tay tái thiết Đền thờ.
[13] Văn chương khôn ngoan – gồm những sách như Châm Ngôn, Gióp, Giảng Viên, Khôn Ngoan không phải là nét độc đáo riêng của It-ra-en. Tại nhiều nơi ở Cận Đông cổ thời, chúng ta có thể tìm thấy các ví dụ về những bộ sưu tập các câu nói khôn ngoan thường được viết như thể một vị cha già đang khuyên nhủ đứa con mình hay một vị thầy đang chỉ dạy học trò mình. Thật vậy, một phần của Sách Châm Ngôn, quyển chính yếu của chúng ta về nền văn chương khôn ngoan, được lấy trực tiếp từ văn chương khôn ngoan Ai Cập (Cn 22,17-24,12). Đây chắc hẳn do bởi các chủ đề chính của văn chương khôn ngoan: các mối quan hệ, khiếu giao tiếp, sự cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói, tiền bạc và sự cần kiệm, những mối nguy hiểm của việc ngoại tình hay việc ăn uống say sưa, sự cần thiết của việc thu thập thêm kiến thức,… là những vấn đề căn bản của con người. Thật vậy, người ta đã lập luận rằng văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, quả là một nền văn chương thế tục. Hầu chắc đó là văn chương phát xuất từ giới thượng lưu trong xã hội. Điều này càng được thấy rõ nơi cái nhìn của văn chương khôn ngoan về của cải như một dấu hiệu cho thấy sự chúc phúc của Thiên Chúa – trong khi đó văn chương ngôn sứ lại lên án giới giàu có như là những người không được Thiên Chúa chúc phúc.
Nhưng nền văn chương khôn ngoan, vốn đặt cơ sở trên cái nhìn của con người, cũng là căn bản cho tư tưởng duy lý và nhất là cho cách suy nghĩ của khoa học.Văn chương khôn ngoan, chẳng hạn Sách Giảng Viên, cực lực chốâng lại niềm hy vọng trống rỗng hay chủ nghĩa duy tâm sai lầm, và nghiêng về cái thực tế vốn thường đáng buồn của thế giới khả giác này và của con người trong đó. Vì thế, thật đáng ghi nhận rằng văn chương khôn ngoan trong Thánh Kinh Do Thái có lẽ cho thấy rằng tất cả suy tưởng của con người đều nằm trong thực tại đức tin. Nhưng văn chương khôn ngoan vẫn có lực kình chống nó ngay trong Thánh Kinh. Quyển sách Gióp thường được mô tả như là văn chương “phản khôn ngoan” bởi vì sự khôn ngoan không thể cung cấp các câu trả lời cho những vấn nạn nhức nhối của Gióp về lý do tại sao người công chính phải chịu đau khổ (cũng như sự khôn ngoan nhân loại của chúng ta vẫn tiếp tục bế tắc trước vấn nạn này!).
Cuối cùng, có những câu chuyện nhỏ có ý nghĩa quan trọng trong Thánh Kinh, như Sách Eùt-te và Sách Giona. Mỗi trong những sách này thể hiện một loại văn chương Do Thái vốn cũng được nhận thấy trong các sách khác (Giuse trong Sách Sáng Thế, Đn 1-6), ngày nay chúng ta gọi là “những câu chuyện Diaspora”. Đây là những câu chuyện quan trọng phản ảnh hoàn cảnh của người Do Thái trong các cộng đoàn sau thời lưu đày ở Palestine và bên ngoài Palestine. Mục đích chính của chúng là dạy người ta trung thành với đức tin trong những giai đoạn khó khăn và lệ thuộc về chính trị.
Dĩ nhiên, còn có thể nói nhiều điều nữa về các sắc thái đa dạng của văn chương Thánh Kinh Do Thái. Chúng ta đã lược qua một số loại văn chương và các sách có tính tiêu biểu, và đã ghi nhận một số vấn đề nổi bật nhất liên quan tới mỗi loại. Nhưng việc nghiên cứu Thánh Kinh chỉ thật sự thú vị khi các sinh viên bắt đầu học các công cụ, các phương pháp và các kỹ năng phân tích để có thể tự mình đi vào khám phá bản văn. Chúng ta hãy xem xét một số hình thức căn bản phân tích Thánh Kinh Do Thái, đồng thời cũng ghi nhận các loại vấn đề cần phải được đặt ra.
[14] CÁC BẢN DỊCH CỦA NGƯỜI DO THÁI
Người Do Thái có thể đã bắt đầu có các văn bản Kinh Thánh từ thế kỷ 12 trước Công Nguyên (B.C.) và việc hệ thống hóa các văn bản ấy được tiếp diễn liên tục trong khoảng một ngàn năm. Cuối cùng các văn bản ấy được công nhận cách chính thức là giáo huấn của Chúa đã mạc khải cho dân của Ngài qua sự linh ứng cho người viết. Toàn bộ những “quyển sách” được công nhận này được gọi là Qui Điển (Canon).
Kinh Thánh được tồn tại và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác là nhờ công sức của những người sao chép (Copyists hay Scribes) mà một vài dịch giả gọi là “Ký Lục.” Truyền thống này còn được tiếp tục sang thời Tân Ước cho đến khi nhân loại có các ấn bản Kinh Thánh đầu tiên vào thế kỷ thứ 15 sau Công Nguyên (A.D.)
Tuy nhiên các văn bản cổ thời nhất đã bị thất lạc hay bị hủy hoại vì thời gian hoặc chiến tranh. Quyển sách thánh được coi là cổ nhất là sách của tiên tri Isaiah và một số văn bản rời rạc của các sách khác đã xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ 3 TCN
Ngoại trừ một vài bản được viết bằng tiếng A-ram (Aramaic), toàn bộ Cựu Ước của người Do Thái đã được viết bằng tiếng Do Thái (Hebrew). Đến sau thời lưu đày (thế kỷ thứ VI TCN) tiếng Aram đã trở nên thông dụng trong những cộng đồng Do Thái do đó các bản dịch Kinh Thánh đã chuyển qua tiếng Aram.
Đến thời vua Alexander Đại Đế (Thế Kỷ IV TCN) và về sau, tiếng Hi Lạp đã trở nên thông dụng trong khắp miền Địa Trung Hải (Mediterranean Sea). Các bản dịch Kinh Thánh lại được chuyển qua tiếng Hi Lạp. Văn bản Kinh Thánh bằng tiếng Hi Lạp nổi tiếng nhất là bộ Ngũ Kinh (Pentateuch) năm quyển sách thánh đầu tiên trong Cựu Ước mà người Do Thái gọi là “Torah” hay Lề Luật. Bản dịch này có tên là “Septuagint” mà tiếng Việt gọi là bản “Thất Thập” hay bản “Bảy Mươi.” Chữ Septuagint được dùng trong Cựu Ước để chỉ 70 nhân vật đứng đầu trong dân (Kỳ Mục) được tuyển chọn để làm phụ tá cho ông Môi-Sen (Xuất hành 24:1). Tương truyền rằng bản dịch này đã được hoàn tất bởi 70 hay 72 học giả thuộc cộng đồng Do Thái ởAlexandria (Ai cập) vào khoảng năm 250 TCN.
Cũng vào thời này, một số sách khác đã xuất hiện và được các cộng đồng Do Thái công nhận. Đó là các quyển: Tôbia, Judith, Macabê 1 và 2, Khôn Ngoan, Huấn Ca, Baruch, và một ít văn bản bổ túc cho các sách Esther và Daniel.
Sang thế kỷ đầu tiên của Công Nguyên, người Kitô giáo đã công nhận toàn bộ Cựu Ước theo bản dịch Hi Lạp cùng với những sách mới. Tuy nhiên, vào khoảng cuối thế kỷ này, hội đồng Do Thái đã có khuynh hướng dùng lại bản Hebrew và vì có tinh thần bài Kitô giáo, nên họ đã họp ở Jamnia và quyết định rằng chỉ có các sách viết bằng tiếng Hebrew và cho đến quyển Ezra là được cho vào qui điển. Như vậy là họ đã không công nhận 7 quyển sách mới có trong bản dịch Hi Lạp. Ít nhiều họ đã xử dụng những quyển sách thánh nói trên trải qua hơn ba thế kỷ. Sau này người ta còn tìm biết được rằng có nhiều phần trong các quyển sách được kể là có trước Ezra. Như vậy tính theo thời gian, Ezra đã được viết cùng lúc hay sau những quyển sách mới!
Toàn bộ Tân Ước gồm 27 quyển đã được viết bằng tiếng Hi Lạp, cho đến ngày nay vẫn được tất cả các Kitô hữu, (gồm Công Giáo, Tin Lành, Chính Thống v.v…) công nhận.
BẢN DỊCH TIẾNG LA TINH
Trong thời đế quốc Rôma (Rôman Empire) tiếng La Tinh đã là ngôn ngữ thông dụng. Một vài sách trong Kinh Thánh đã được dịch qua tiếng La Tinh, nhưng thiếu đồng nhất và nhiều sơ sót. Do đó, năm 382, Đức Giáo Hoàng Damasus I đã “sai” thánh Jerome, (tiếng Việt có người phiên âm là Hiêrônimô, có lẽ theo tiếng Tây Ban Nha) nghiên cứu và dịch toàn bộ Kinh Thánh qua tiếng La Tinh.
Thánh Jerome đã phải làm việc ròng rã trong hơn 20 năm. Tương truyền rằng có khi ngài đã xử dụng một căn hầm ngay dưới nền nhà thờ nơi Chúa sinh ra ởBethlehem để dịch thuật. Thánh nhân đã xử dụng bản Cựu Ước tiếng Do Thái, bản Hi Lạp Septuagint, những bản đã được dịch qua tiếng La Tinh. Phần Tân Ước, ngài đã dịch từ nguyên bản tiếng Hi Lạp. Công trình dịch thuật của thánh Jerome đã hoàn tất vào năm 405 và bản dịch này được gọi là Vulgata “the Common Version” (Bản dịch Thông Dụng). Kể từ đó bộ Kinh Thánh Vulgata đã được xử dụng cách chính thức trong giáo hội Công Giáo. Năm 1546, trước những cao trào cải cách (Reformation) và dịch thuật Kinh Thánh khác, các nghị phụ trong công đồng Trent đã tuyên dương thánh Jerome và tái xác định sự chính thức của bộ Vulgata trong giáo hội Công Giáo Rôma.
PHÂN ĐOẠN TRONG THÁNH KINH
Kỹ thuật phân đoạn (chương) và đánh số câu trong mỗi đoạn cho Kinh Thánh như hiện nay không dựa trên truyền thống bản văn cổ đại, mà là một phát kiến thời trung cổ. Về sau chúng được chấp nhận bởi nhiều người Do Thái, có tính tham khảo cho các bản văn Do Thái.
Sự phân chia các sách trong Kinh Thánh thành nhiều đoạn chương đã dấy lên những chỉ trích từ những người chuộng truyền thống và các học giả hiện đại. Họ lập luận rằng các bản văn bị phân chia thành nhiều đoạn trở nên thiếu mạch lạc, giảm sức thuyết phục, và khuyến khích việc trích dẫn ngoài văn mạch, có thể biến Kinh Thánh trở nên những phần trích dẫn phục vụ các mục tiêu khác. Tuy nhiên, việc phân chia các sách trong Kinh Thánh thành các đoạn và đánh số câu cho mỗi đoạn đã trở nên không thể thiếu cho công việc tham khảo trong nghiên cứu Kinh Thánh.
Stephen Langton (sau này là Tổng Giám Mục Canterbery) được cho là người đầu tiên phân đoạn cho ấn bản Vulgate của Kinh Thánh vào năm 1205. Sau đó, trong thập niên 1400, kỹ thuật này được ứng dụng cho các bản sao tiếng Hi Lạp của Tân Ước. Robert Estienne (Robert Stephanus) là người đánh số câu cho mỗi đoạn, kỹ thuật này được ứng dụng cho các bản in năm 1565 (Tân Ước) và năm 1571 (Kinh Thánh Hebrew).
[15] Ngay từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, truyền thống vẫn nhất mực coi thánh Mátthêu là tác giả của Tin Mừng thứ nhất. Chứng từ trực tiếp và cũng cựu trào nhất là lời Giám Mục Papiát (Hiêrapôli, quãng năm 110-120), do sử gia Êusêbiô ghi lại. Theo sử gia này, thì Giám Mục Papiát viết: “Ông Mátthêu đã xếp đặt theo thứ tự bằng tiếng Híppri, những lời (Chúa) nói, và mỗi người tùy khả năng của mình mà phiên dịch (hoặc giải thích)”. Theo các nhà bình luận nhận xét, thì “Những lời (Chúa) nói” không chỉ hiểu về giáo huấn của Chúa, mà về cả sự nghiệp của Người nữa. Tóm lại, là về một cuốn Tin Mừng trọn vẹn từ khi Chúa chịu phép rửa cho đến Phục Sinh. Giám Mục Papiát nói thánh Mátthêu viết bằng tiếng Híppri, thì phải hiểu là tiếng Aram người Dothái dùng thời ấy, chứ không phải Híppri cổ điển của Cựu Ước.
Tiếc rằng tác phẩm bằng Aram đó đã thất truyền rất sớm, một phần vì tình trạng rối ren ở vùng Xyria Paléttin vào những thập niên cuối của thế kỷ thứ nhất, trước và sau biến cố năm 70; phần khác cũng vì bản Mátthêu Hylạp được phổ biến mau lẹ tại các giáo đoàn.
Thật ra thì Giáo Hội chỉ nhìn nhận tác phẩm Hylạp này như là chính lục. Ai là tác giả bản Mátthêu Hylạp này? Dựa vào chứng từ của Giám Mục Papiát người ta phỏng đoán rằng ngay từ khi tác phẩm Aram mới ra, đã có nhiều bản dịch ra Hylạp khác nhau, trong đó có bản chính lục ngày nay. Nói cho cùng thì lời Giám Mục Papiát có thể chỉ hiểu về những bản giải thích hoặc dịch miệng. Căn cứ vào nội dung của bản Hylạp hiện nay, có người cho rằng so với Mátthêu Aram, thì bản Mátthêu chính lục là một sáng tác mới, chứ không phải một bản dịch. Dầu sao thì ai cũng phải nhận Tin Mừng thứ nhất mang mầu sắc Dothái hay Sêmít rất rõ; người thực hiện bản này phải là một người Dothái sống ở Đất Thánh hay trong vùng Xyria.
Theo kết quả nghiên cứu hiện nay của việc phân tích văn chương và những đặc điểm có màu sắc Dothái trong nội dung Mátthêu, người ta đồng ý kết luận rằng sách Tin Mừng này dựa trên những tài liệu gốc Aram. Nhưng các nhà nghiên cứu không nhất trí với nhau về việc coi bản văn Mátthêu Hylạp là bản dịch của Mátthêu Aram hay là một công trình biên soạn dựa trên tài liệu gốc Aram. Do đó truyền thống coi thánh Mátthêu là tác giả sách Tin Mừng này vẫn chưa bị bác bỏ.
[16] Các sách được coi là qui điển, đã thành những bản văn thánh và ngay từ ngày người ta chấp nhận, đã hưởng thụ một thứ đặc miễn, khiến cho được bảo toàn trong tình trạng tốt mãi cho tới thời phát triển nghề in. Còn những sách không đi vào qui điển, thì không được như thế. Tuy một vài cuốn trong số đó (sách Đađikê hoặc thư Thánh Banabê) được mọi người quí trọng, và nhờ đó được bảo toàn hẳn hoi, mặc dầu bị loại ra ngoài qui điển, nhưng mấy cuốn khác thì trái lại, vì không được yêu chuộng bằng, nên đã bị gạt ra ngoài vòng xử dụng của Giáo Hội cách tàn nhẫn hơn, và do đó rất dễ bị thương tổn. Đó là lý do giải thích vì sao phần lớn những sách ấy chỉ còn lưu lại dấu vết mà thôi.
Người ta đã dành tiếng ngụy thư tức là sách thiếu chính nghĩa, cho một số sách, tuy giống phần nào với các văn thư qui điển trong Tân Ước, nhưng bị coi là bao hàm những ý tưởng ngoại lai đối với tư tưởng chính đàng hoàng của Giáo Hội, và xét chung thì chỉ dành riêng cho môi trường “phe đảng” nào, và chỉ một mình họ mới có thể dùng, hầu đạt tới sự hiểu biết thật gọi là “ngộ đạo” mà thôi. Về sau người ta kể là ngụy thư các sách Giáo Hội từ chối, không căn cứ giáo lý và đức tin của mình vào đó, và vì vậy không ban phép đọc công khai trong giờ phụng tự ngày Chúa Nhật. Các sách này, cả khi được khuyên giáo hữu đọc riêng vì đặc tính xây dựng của nó, nhưng trong giờ phụng tự công khai thì không được dùng. Đó là ý nghĩa thông thường người ta sẽ hiểu về ngụy thư, trước khi tiếng này sẽ dùng, vào lúc kết thúc qui điển, để gọi các sách được gán ngụy tạo cho các Tông Đồ. Từ ngày đó, tiếng ngụy thư hàm ý rõ ràng là xấu. Các ngụy thư bị coi là truyền bá sự sai lầm.
Dù giá trị văn chương của nó thế nào đi nữa, các ngụy thư Tân Ước vẫn là sách tuyệt vời quí báu, giúp nghiên cứu đà tiến hóa các tư tưởng tôn giáo trong thế kỷ thứ 2 và thứ 3.
Có thể phân biệt rất thô sơ trong phạm vi các ngụy thư bốn loại sách, tương ứng với các loại văn thư qui điển. Nghĩa là có những Phúc Âm, những Công Vụ Tông Đồ, những Thư và Khải Huyền ngụy tạo. ở đây, chỉ nhắc đến ít nhiều cuốn trong số ấy mà thôi.
Mấy Phúc Âm Nadarét, Hi Bá và Ai Cập, thì ta chỉ biết những câu trích dẫn của các Giáo Phụ Giáo Hội mà thôi. Theo như ta có thể nhận xét, đó là mấy cuốn có họ khá gần với những Phúc Âm qui điển. Phúc Âm Thánh Phêrô, mà ta mới tìm thấy một khúc vào cuối thế kỷ vừa rồi, đã bao hàm những dấu vết của thuyết “ngộ đạo” sẽ xuất hiện hoàn toàn đầy đủ trong những sách ta biết rõ hơn, từ ngày gần đây mới tìm thấy, vẫn ở bên Ai Cập, những sách như Phúc Âm Chân Lý, Phúc Âm Thánh Philíp và Tôma, cuốn chót này có nhiều điểm chung với mấy Phúc Âm Nhất Lãm. Tuy nhiên, các sách này rõ rệt là khác với những Phúc Âm qui điển, vì thực tế nó không bao hàm nguyên tố kể truyện nào. Cuốn sách tên là Tiền Phúc Âm Thánh Giacôbê có một tường thuật quảng diễn về những tin mừng liên quan tới Chúa Hài Nhi, lưu ý đặc biệt về tiểu sử Đức Maria và các biến cố chung quanh việc Giáng Sinh của Đức Giêsu.
Những công vụ ngụy thư, xét chung, là những tác phẩm xây dựng cho người bình dân, cảm ứng theo sách Công Vụ qui điển một cách xa xa vậy. Mấy sách ấy ưa quảng diễn cách riêng những yếu tố lạ lùng, trong đời sống các Tông Đồ mà tác giả muốn tôn vinh. Dù sao, đó cũng là cảm tưởng, sau khi đọc Công Vụ Thánh Gioan, Thánh Phaolô, Thánh Anrê.
Đừng kể trường hợp Thư các Tông Đồ, viết vào khoảng năm 150, và thuộc loại khải huyền, thì không có chi đáng nói về các Thư ngụy tạo. Những tác phẩm này thực không thể sánh được với những Thư qui điển: chúng không giống những bức thư cho bằng những khảo luận vắn về thần học, và chỉ có giá trị tầm thường.
Còn những khải huyền ngụy thư, thì ngoài sách Chủ Chăn của ông Hécmát, có thể nói tới khải huyền Thánh Phêrô (một lý thuyết về đời sau, thiên đàng và hỏa ngục) và khải huyền Thánh Phaolô, muốn kể chi tiết về thị kiến thời danh nhắc lại ở 2C 12, trong đó Thánh Phaolô được cất lên tận tầng trời thứ ba.
Mọi sách này đều viết sau các văn thư qui điển, mà thường chúng chỉ bắt chước theo. Xét chung, chúng không ghi lại một tập truyền cổ sử nào, vì thế không giúp bao nhiêu cho việc nghiên cứu Tân Ước, mặc dầu đàng khác chúng có lợi cho lịch sử tư tưởng Kitô Giáo thời kỳ sau (TOB).
[17] Lm Dominic Nguyễn Phúc Thuần, DẪN VÀO THÁNH KINH.
[18] k.545. Dionysius Exiguus người đầu tiên có sáng kiến chia lịch sử thành hai thời kỳ trước Đức Kitô (B.C.: Before Christ) và sau Đức Giêsu Kitô (A.D.: Anno Domini). (Có lẽ do đề nghị của Giáo Hoàng Gioan II). Ông lấy năm sinh của Đức Kitô làm chuẩn. Nhưng cách tính của ông lại sai mất vài năm.
[19] Từ năm 305-198 người Do Thái ở dưới sự thống trị của Plolémée. Tuy nhiên, sử sách nói rất ít về triều đại này. Đại khái lịch sử nói có 4 đời Ptolémée kế tiếp nhau:
* Ptolémée I tên là Soter (323 – 285)
* Ptolémée II tên là Philadelphe (285 – 246)
* Plolémée III tên là Evergète (246 – 221)
* Plolémée IV tên là Philopator (221 – 203)
* Plolémée V tên là Epiphan (203 – 181)
Plolémée I đã đày hơn 100.000 người Do Thái sang Ai cập và thành lập những thuộc địa ở Alexandria. Những người này và con cái họ tuy bị đi lưu đày nhưng tương đối được sống bình yên, và tự do giữ đạo cha ông. Song le họ cũng bị ảnh hưởng nhiều về văn hoá Hy Lạp. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho những người Do Thái lưu đày và những người Do Thái trong nước giữ đạo chính thống cổ truyền ngày càng xa cách nhau nhất là trong vấn đề ngôn ngữ. Cũng chính trong thời này bản dịch LXX ra đời. Như ta biết trước đó bản văn Kinh Thánh dùng tiếng Do Thái, nên để lưu truyền lại cho con cháu của những người lưu đày mà bản LXX đã ra đời.
Những người Do Thái ở Palestine phải đóng thuế cho lãnh chúa Ai Cập. Tuy tương đối được tự do giữ đạo, nhưng họ cũng phải chịu khá nhiều áp bức, nhất là dưới thời đại của Plolémée V là Epiphane (sáng láng, chói ngời). Vì ông này đã để người Do Thái được tự do giữ đạo, nên ông đã bị Anticus III sát hại. Khi ông bị sát hại, người Do Thái đã khóc thương ông rất nhiều vì họ không biết những gì sắp tới sẽ xảy ra với họ?
Dưới thời của Ptolémée, các vị lãnh chúa cũng thường là tư tế, và phải đóng thuế hàng năm cho triều đình. Nhưng một trong các tư tế ấy là Onias I đã không chấp nhận sự đóng thuế này. Tuy nhiên, người cháu trai của ông tên là Giuse, vì không muốn phiền toái với triều đình nên đã chấp nhận đóng thuế thay cho Onias. Vì thế Giuse đã được đặt làm thuế vụ để đi thu thuế trong toàn cõi Giuđêa. Chính địa vị này đã làm cho gia đình anh trở thành một gia đình giàu có nhất vùng. Trong thời điểm này, dù xu cao thuế nặng nhưng người Do Thái vẫn được hưởng một cuộc sống an bình, thịnh vượng và thong thả trong hơn 20 năm. Khi cuộc sống được tự do và bình an, họ đi làm và xoay sở để có đủ tiền đóng thuế.
Thời bấy giờ có một lãnh chúa tên là Antiochus III, ngoài việc thu thuế của người Do Thái để đóng cho triều đình, ông còn chiếm giữ, tịch thâu những đồ đạc hay tài sản trong đền thờ Giêrusalem. Con ông ta là Séleucus IV cũng vậy. Bởi đó, 3 người con trai của ông Giuse nổi dậy kích động dân chúng chống đối.
Đến thời vua (thực ra vua lúc này chỉ là lãnh chúa của một vùng chứ không phải như quan niệm thời nay) Antiochus IV (là em của Séleucus IV) cai trị từ năm 175 – 164. Vì muốn theo đổi đường lối chính trị của cha mình, nên ông cố gắng Hy Lạp hoá toàn thể lãnh thổ bằng bất cứ giá nào. Ong khẳng định chính Do thái giáo là nguồn gốc gây ra sự chống đối. Do đó ông ra lệnh xoá bỏ đạo do thái và thay vào đó là đạo ngoại lai, thờ các thần Hylạp
– Cấm cử hành lễ ngày Sabat
– Cấm cắt bì
– Cấm không được tàng trữ sách Tora trong nhà, đồng thời áp đặt nghi thức ngoại giáo thờ thần Hylạp=> không tuân sẽ bị chết (x Dn 11); cùng đó Ong cho lập đền thờ thờ thần Rớt (thần mặt trời) ngay trong đền thánh Giêrusalem. Từ những lý do đó nảy sinh 3 phản ứng:
* Của những người xưa nay có cảm tình với Hylạp hoăc vì sợ phải chống đối nhà vua
* Phản ứng thụ động hoặc năng động trên các điều vua ban. Vd: (người ta vẫn ngấm ngầm cắt bì….
Ong vua Antiochus: không ngờ có những sự chống trả trong dân, nên thay vì giải quyết được ở Palestina ngược lại thì lại thúc người do thái nổi dậy (168) trước Cn. Vì chính khi bị bách hại chính trị thì lòng tin người Do Thái càng được nâng cao => khi đời sống chính trị bị bách hại thì đời sống tâm linh càng được thúc đẩy mạnh hơn.
* Vua Onias III(174) tCn. (lãnh chúa tư tế). Ong này đụng độ với một người tên Simon, là sĩ quan cảnh vệ của đền thờ (đền thờ là trung tâm của người do thái) => lý do: Đúng ra Ong Simon phải đi thu thuế để nộp lên triều đình nhưng Ong Simon lại không đi mà lại giao cho một người dân thay thế. Trong khi đó Ong Séleuces (dân thường) là một người trung thành với Do thái chính thống nhưng em Ong là Josue biệt hiệu là (Jason) đang lãnh đạo đảng phái phò Hylạp.
Onias III bị phế chức thì Josue lên thay. Ong khuyến khích dân theo Hylạp và muốn Hylạp hoá. Với tư cách là Tư Tế, ông ta làm nổi dậy sự tranh luận giữa do thái chính thống và do thái cấp tiến.
Do thái chính thống => (Hassidim). Đây là những người cố chấp (cực đoan) luôn coi người không cùng tôn giáo với họ đều là ngoại lai (kể cả người do thái cấp tiến)
* Jason : thúc đẩy việc xây dựng vận động trường, khuyến khích giới trẻ mặc theo mốt Hylạp. VD: mang dầy boss có dây quấn chung quanh….=> người Hylạp thường tôn vinh vẻ đẹp của sức khoẻ, của sự cường tráng. Vì thế, những thanh thuở bé được cắt bì thì nay không thể khoe thân thể được. Nên Ong ta khuyến khích họ chuyển đổi giới tính (may lại) để khi họ khoe thân xác ra, họ không bị trêu ghẹo bởi vì của quý đã bị cắt bì. Ong tổ chức đua ngựa, hội chợ, khuyến khích lớp học tiếng Hylạp.
* 171 trước Cn: Có một ông tên Mélénas là một người quý tộc. Ong ta đã dùng tiền thật nhiều để tặng cho lãnh chúa Antiochus. Số tiền mua chuộc của ông lớn hơn số tiền của Jason nộp cho lãnh chúa =>dẫn đến việc Antiochus loại bỏ ông Jason dòng tộc tư tế.
– Điểm chung của hai ông Mélenas và Jason là muốn tiến nhanh việc Hylạp hoá Do thái. Bắt áp dụng luật Môsê một cách triệt để, và ngấm ngầm ám sát Onias III.
Mélénas ám sát Antiochus. Ong Jason đã trốn, nhưng sau khi nghe tin vua Antiochus IV chết. Jason đã trở về định chiếm ngôi từ Mélénas. Nhưng sự thật là Antiochus chưa chết nên đã bắt Jason giết và lập lại đền thờ.
Antiochus IV: giết hại hàng ngàn người vì dân Do Thái chính thống không chấp nhận Mélénas nên vua giết hại người do thái.
Lập 20.000 lính kiểm tra thành phố và lợi dụng sự giữ luật của người Do Thái (ngày sabat không đánh nhau) nên vua xua quân vào giết hại người Do Thái. Đàn ông bị giết ,phụ nữ bị hãm hiếp và ra lệnh phá đền thờ.
* 167 trước Cn . Vua ra chiếu chỉ cấm:
– Không được giữ ngày Sabát
– Không được cắt bì.
– Không được ăn thịt heo
Dùng thịt heo dâng lên thần mặt trời (x Mcb 6). Bắt dân do thái ai không thực hiện thì bị giết, và bắt dân tham dự lễ nghi Hylạp (x. Dn và 1 Mcb: nhiều người do thái chống lại (thánh ca 3 trẻ); có những bà mẹ vẫn âm thầm cắt bì cho con (1Mcb 1, 60-61).
– Một số kẻ không bỏ truyền thống của cha ông đã trốn khỏi thành phố.
– Những tường thành bị phá bỏ ngược lại cho xây tường thành lớn và những chòi canh vĩ đại
-Người Hassidim là tiền thân của người Pharisêu sau này; còn những người theo tình cảm Hylạp thì sinh ra bè Sađốc sau này:
– Sađốc mềm dẻo, hướng ngoại, cảm tình Hylạp
– Pharisêu truyền thống cực đoan.
* Sađốc tham gia chính trị, nắm giữ quyền hạn trong triều đình và được hưởng nhữ sự ưu ái của triều đình.
Vào thời đó, tiếng Aram là ngôn ngữ được sử dụng để trao đổi, nhưng sau đó tiếng Hylạp được thay thế và được coi là ngôn ngữ chính thức.
Khi dịch Kinh Thánh cac tác giả Tân Ước dùng tiếng Hylạp. Bản dịch 70 và phổ biến không những ở vùng (Do thái Kiều) nhưng là cho cả một vùng rộng lớn trong nước Palestine cũng dùng. Dù muốn dù không người do thái cũng phải chấp nhận trào lưu Hylạp hoá.
[20] Tại sao gọi là triều đại Asmon? (Vì uống nước nhớ nguồn); Vì ông cố nội của ông tên là Asmon. Nên người ta không gọi là Simon mà gọi là Asmon.
Ong ta có một kết cục hơi bi thảm: do một ngày kia có một bữa tiệc tại Giêricô vào năm – 134 thì một trong những chàng rể của ông đã giết ông.
Trong số những người con trai của ông có một người tên là Gioan Hycano thoát chết được và trốn đến Giêrusalem và tại đó ông ta được hưởng chức thượng tế từ cha của ông là Simon, lãnh đạo cả đạo lẫn đời
Giuđêâ thời đó cho dù độc lập nhưng vẫn là nhà nước chư hầu, thuộc địa của Syria. Nên vẫn bị các vương quốc lớn hơn đe doạ. Chính Démétrios I đã bị Antiochus VII đưa quân đến vây hãm và bắt cống nộp.
Hycanos I chiếm được Samari, Syken..vv. các thượng tế thời này có cả thần quyền và thế quyền. Trong hoàn cảnh đó cả hai nhóm (Do Thái chính thống và Do Thái thân Hy Lạp) đều phát triển, nhưng vẫn chống đối nhau
Cuối đời Hycanos I, ông viết lại di chúc rằng : Khi ông chết, vợ ông sẽ là người kế nghiệp. Vợ ông sẽ lãnh đạo đất nước còn con trai ông là Jeahuda sẽ làm thượng tế. Tuy nhiên, con trai của ông không chịu vì nó muốn thâu tóm toàn quyền lực, nên nó đã bắt Mẹ và các anh em của nó để bỏ tù.
Nó tự lên ngôi với danh hiệu là Aristobule I (- 104 – -103). Và chính tên vua này đã sát nhập phủ Galilêa vào tiểu vương Giuđêa.
Galilê nguyên thuỷ là đất dân ngoại nên khi sáp nhập thì có sự tiếp cận của người do thái vào Galilêa. Vì thế sau này người ta nói, ông vua này chính là người dọn đường cho Chúa Giêsu và các tông đồ.
Cuối cùng ông Aristobule I chết và vợ ông tên là Salomé Alexandra lên nắm quyền và bà mở cửa ngục cho các anh em của Aristobule I ra và bà lấy một người trong số anh em đó.
Người đó tên là Jonathan (tiếng Hylạp và Jannée) vì thế ông ta lấy tước hiệu là Anlexander Janée,và lên thượng tế. Ông độc ác nhưng có tài, có đầy thói xấu nên không được lòng dân (đã có lần dân ném chanh vào ông trong một buổi lễ) và ông phản ứng bằng cách ra lệnh giết hại hơn 6.000 người. Trước những chuyện đó thì những người Pharisêu đã có những cuộc nội chiến xảy ra làm chết khoảng 50.000 người (chiến tranh nội bộ).
Vào một ngày lễ, ông ta bắt 800 người phải chứng kiến vợ và con của họ bị tàn sát. Trong đó có một số người trốn thoát được. Tương truyền những người này trở thành cộng đoàn qumran sau này (Esseni).
Triều đại của ông Alexandre Janée cũng được sống bình an. Ông chết vào năm 76 tr cn. Vợ ông tiếp tục lên nắm quyền cai trị trong vòng 10 năm (- 76 – -67. Sau 10 năm trị vì, bà đặt con trai mình lên làm vua với danh hiệu là Hycano II.
Hycano II làm thượng tế nhưng quyền dân sự vẫn nằm trong tay người mẹ.
Ông Alexandre Janée có một người em là Aristobule II, ủng hộ nhóm Sađốc và tổ chức kháng chiến chống lại. Khi bà Salomé chết năm – 67 được 73 tuổi.
Vào thời đó có một việc bổ nhiệm một thống đốc (thủ lãnh) một miền Idume. Tên tỉnh trưởng là Antipale. (Alexandre đặt Antipale làm tỉnh trưởng)
Ông Antipale có người con là Hêrôdê Cả. Ông này giúp Hycano II và kích thích dân chống lại Aristobule II và Aristobule phải trốn về Giêrusalem. Những tư tế và phái Sađốc vẫn trung thành với ông ta, nhưng người Pharisêu và đa số dân thì đi theo Hycano II.
Lúc này xuất hiện quân đội Rôma. Đứng đầu quân đội là ông Pompée. Ông được lệnh hoàng đế Rôma sang Syria để nới rộng biên cương của mình. Khi chứng kiến nội chiến của Palestine thì Pompée sai Scausus làm sứ thần Rôma đang ở Syria xuống Palestin để dàn xếp tình hình tại Palestin.
Khi Scausus đến, thì Aristobule II làm đẹp lòng ông, nên ông công nhận Aristobule II làm vua tiểu vương Giuđêa. Nhưng đối với ông Pompée lại không thích Aristobule II. Nên có một hôm ông Pompée thấy ông Scausus đi thị sát mà chỉ thấy những thân cận của Hycano II ra đón. Chính vì vậy mà ông Pompée đưa quân vào Giêrusalem đứng bên ngoài thành luỹ để bao vây. Cuối cùng sau 3 tháng, tường thành bị sập và Giêrusalem bị chiếm đóng (đây là những bước ngoăc vĩ đại, lúc này Syria không còn thống trị mà Rôma bắt đầu). 72.000 dân kể cả các tư tế cũng bị giết hại. Popée đã phạm tội dày xéo lên những nơi thánh trong đền thờ, ngay ngày hôm sau ông ra lệnh thanh tẩy đền thờ và phong thượng tế cho Hycano II và đặt làm tổng trấn. (nhưng khi đã làm tổng trấn thì mất chức vua). Như vậy thời này Rôma cho thấy muốn giảm chức quyền.
Aristobule II bị bắt giải về Rôma cùng 4 người con gồm 2 trai là Alexandre và Antigone và 2 người con gái Mariamne và một người nữa nhưng không được nhắc đến tên.Chiến thắng của Pompée đánh dấu sự chấm hết sự cai trị của nhà Asmon.
Discussion about this post