CÁC SÁCH MA-CA-BÊ
Hai sách Macabê không thuộc quy điển Thánh Kinh của người Do Thái nhưng đã được Giáo Hội Công Giáo nhìn nhận là những sách linh hứng. Các sách này đưa về lịch sử các chận chiến chống lại các vua Sêleukus để dành lại tự do tôn giáo và chính trị cho dân Do Thái trong cuộc đấu tranh này.
Từ ngày thoát lưu trở về và trong gần 4 thế kỷ, người Do Thái phải suy phục các lãnh chúa, nhưng rồi, một trong những vị lãnh chúa là Antiôkhô IV (-197), kiêu ngạo đến nỗi tự đặt cho mình một biệt hiệu là “Êpiphanê” – tiếng Hy Lạp nghĩa là Thần Minh (Thiên Chúa) tỏ mình ra. Ông công kích Lề Luật và Đức Chúa, điều mà dân Do Thái cho là chí thánh, rồi ông còn áp đặt cho dân Do Thái tôn giáo ngoại lai. Từ đó có cuộc nổi dậy xảy ra và được coi là cuộc chiến tranh tôn giáo đầu tiên. Phong trào được niềm tin khích động, nhiệt thành với Lề Luật và được thánh hiến bằng máu của các vị tử đạo đầu tiên. Cuộc bách hại khốc liệt gây ra cuộc nổi dậy của người Do Thái với sự lãnh đạo của các anh em nhà Macabê từ năm -170 đến -130.
Sách Macabê cho thấy một dân tộc có khát vọng sống, nhưng đức tin đối với họ còn quý giá hơn chính sự sống. Thần khí của Thiên Chúa cho xuất hiện các anh hùng mới, nhờ đó, họ tìm thấy cảm thức về phẩm giá của mình và chiến đấu để bảo vệ các quyền lợi của dân tộc và tôn giáo của mình.
Macabê được dịch là “cái búa”, hiểu như là cái búa giáng xuống những kẻ vô lại dám xúc phạm đến Thiên Chúa, đến Đền Thờ và Lề Luật. Sự nổi lên của anh em nhà Macabê được phần lớn mọi người Do Thái coi như là những vị anh hùng, nhưng cũng có một số ít cho là không hợp pháp vì không thuộc dòng dõi Đa-vít, cũng như việc làm thượng tế của họ không thuộc dòng tộc được tuyển chọn, và có lẽ cũng do những căng thẳng này, cùng với những tín điều mới về sự sống lại, mà Thánh Kinh Híp-ri dè dặt không xếp sách Macabê vào quy điển.
Các sách Macabê được trình bày rất khác nhau trong các thủ bản bằng tiếng Hi Lạp của Thánh Kinh. Trong khi bản Alexandrius (thế kỷ V) có những bốn sách Macabê, thì bản Simaticus (thế kỷ IV) chỉ biết có sách I và IV và bản Vaticanus (thế kỷ IV) thì lại không có sách nào, các bản dịch Latinh cũ, chỉ có hai quyển đầu, những quyển Giáo Hội giữ lại như thuộc quy điển. Bản Vulgata vẫn giữ lại bản dịch này nhưng không xếp vào quy điển.
Việc khám phá ra một bảng chữ hình ghi một khúc niên biểu của các vua Sêleukus, cho chúng ta biết rõ hơn về hệ thống niên biểu sử dụng trong mỗi sách Macabê. Sách 1 Macabê theo cách tính giáo lịch Makêđônia, khởi đầu tháng 10 năm -312, trong đó 2 Macabê theo giáo lịch Do Thái, tương tự với giáo lịch Babilon, khởi đầu từ Nisan (3 tháng 4) năm -311.
Khác với hai sách Các Vua và hai sách Samuel có thể hợp thành một, nhưng với hai sách Macabê thì phải đọc tách rời nhau. Có thể tóm tắt rằng, sách 1 Macabê có giá trị lịch sử hơn, còn sách 2 Macabê lại có giá trị giáo lý và thần học hơn. Vì thế, khi tìm hiểu xuất xứ, bố cục và nội dung của sách, chúng ta cần tách ra làm hai:
A. SÁCH 1 MACABÊ.
I. Xuất xứ.
Cuốn này viết bằng tiếng Híp-ri, khoảng năm -100, do một người Do Thái tại Giêrusalem, tuy nhiên, bản này đã thất lạc và chỉ còn lại bản Hi Lạp. Nhờ bản này mà ta biết được một số tập tục về tôn giáo thời đó: thí dụ tác giả tránh viết tên Thiên Chúa và thay đó bằng từ “Trời”. Đó là dấu chỉ lòng kính cẩn chu đáo đối với Thiên Chúa. Ngoài ra, luật cũng được đồng hoá với giao ước và tuân giữ kỹ càng.
Tuy sách đề cập dài đến các biến cố quân sự và những âm mưu chính trị, nhưng chủ đích nhằm tới vẫn là viết một lịch sử tôn giáo. Tác giả coi những khốn cùng và thất bại của Israel như một trừng phạt tội lỗi, ngược lại, những thành công của các nhân vật của tác giả là do sự trợ giúp của Thiên Chúa. Tác giả là một người Do Thái nhiệt thành với lòng tin của mình và hiểu rằng lòng tin ấy là đề tài của của cuộc vật lộn giữa ảnh hưởng ngoại giáo và những tập tục của tổ tiên. Do đó, tác giả là một địch thù không đội trời chung của chính sách Hi-hóa và đầy thán phục đối với những vị anh hùng đã chiến đấu cho lề luật và Đền Thờ và đem lại cho dân, sự tự do tôn giáo rồi nền độc lập quốc gia. Tác giả là một Ký Sự gia của một trận chiến trong đó Do Thái- giáo, chứa đựng mạc khải, được bảo toàn.
Trình thuật phủ dài khoảng thời gian là bốn mươi năm, từ triều Antiôkhô Êpiphanê -175, tới khi Simon chết và Gioan Hircanus lên ngôi, (-134). Sách đã được viết bằng tiếng Hipri nhưng chỉ còn lại một bản dịch bằng tiếng Hi Lạp. Tác giả là một người Do Thái ở Phalêtin, đã soạn ra tác phẩm của ông sau năm 134, nhưng trước khi Pômpê chiếm Giêrusalem năm -63. Những hàng cuối cùng, 16, 23-24, cho thấy tác phẩm đã được sớm lắm là vào triều Gioan Hircanus, có thể, cái nhiều hơn, sau khi ông này chết ít lâu, khoảng năm -100. Đây là một tại liệu quý giá về lịch sử thời này nhưng với điều kiện là phải được sử dụng với nhiều thận trọng, nghĩa là phải quan tâm tới loại văn – một loại văn bắt chước các bản Ký Sự xưa của Do Thái – và chủ đích của tác giả.
II. Bố cục.
Sách Macabê I, trong trong phần đầu trình bày việc nền văn minh Hi Lạp xâm lăng, với một số người Do Thái tay sai và phản ứng các ý thức quốc gia. Gắn liền với Lề Luật và Đền Thờ; một bên là Antiôkhô Êpiphanê chà đạp Đền Thờ và bách hại đạo, một bên là Mattathya kêu goị thánh chiến (1Mcb 1,1-2,70). Không kể phần mở đầu, sách được chia làm ba phần chính, diễn lại hành động của ba người con của Mattathya thay nhau cầm đầu cuộc kháng chiến:
Phần I: Các cuộc khởi nghĩa của Giuđa Macabê (1Mcb 3,1-9,22).
Phần II: Thời kỳ lãnh đạo của Gionathan Macabê (1Mcb 9,23-12,53).
Phần III: Giai đoạn của Simon Macabê (1Mcb 13,1-16,24).
III. Nội dung.
Phần I: Các cuộc khởi nghĩa của Giuđa Macabê (1Mcb 3,1-9,22).
Giuđa Macabê (-166 – -160) đã lập được một loạt chiến công trên các tướng lãnh của Antiôkhô, tẩy uế Đền Thờ, dành lại cho người Do Thái quyền tự do sống theo phong tục của mình. Dưới triều Đêmêtrus I, ông hơi bị lúng túng bởi những âm mưu của thượng tế Alkimos, nhưng thành quả quân sự của ông tiếp tục và Nikanos, kẻ muốn phá huỷ Đền Thờ đã bị giết. Để củng cố thế đứng, Giuđa tìm cách liên minh với người Rôma. Cuối cùng, ông chết nơi chiến trường.
Phần II: Thời kỳ lãnh đạo của Gionathan Macabê (1Mcb 9,23-12,53).
Giônathan, em ông Giuđa kế vị (160-142 ), cuộc đấu tranh có tính cách chính trị hơn quân sự, Giônathan khéo lợi dụng các cuộc tranh chấp ngôi báu Syri: ông được Alêxanđrô Balas đặt làm thượng tế, được Đêmêtrius II nhìn nhận và được Antiôkhô VI tái xác nhận. Ông tìm cách liên minh với người Rôma và người Sparta. Vùng đất do ông kiểm soát lan rộng và cảnh thái bình xem ra cũng được bảo đảm, rồi ông bị rơi vào tay Truphôn và bị hạ.
Phần III: Giai đoạn của Simon Macabê (1Mcb 13,1-16,24).
Tiếp theo sứ mạng của Giônathan là Simon, anh ông, (142-134), Simon ủng hộ Đêmêtrius II, rồi được Antiôkhô VII nhìn nhận là thượng tế, lãnh binh và cầm đầu dân tộc Do Thái. Độc lập chính trị được tái lập. Liên minh với người Rôma tái kết. Một thời kỳ yên hàn và thịnh vượng. Nhưng rồi Antiôkhô đã quay đầu chống người Do Thái và Simon cùng với hai người con của ông bị ám sát chết dưới bàn tay một người con rể muộn làm vừa lòng hoàng đế.
B. SÁCH 2 MACABÊ.
I. Xuất xứ.
Sách Macabê II không phải là một tác phẩm tiếp theo Macabê I. Trong khi Macabê I trình bày một lịch sử khá toàn diện và quân bình của dân Do Thái trong những năm nguy kịch, sách Macabê II giới hạn vào một chuỗi sự kiện và đôi khi giới hạn vào một chuỗi lời bình giải hay tích truyện, giúp độc giả hiểu được niềm hy vọng và những đau khổ của các tín hữu bị bách hại.
Dù ít quan trọng hơn Macabê I đối với các sử gia, nhưng Macabê II lại rất quan trọng đối với Thánh Kinh vì cái nhìn sâu sắc về nỗi đau khổ và sự chết, cũng như công lý của Thiên Chúa. Cùng với sách đaniel và sách Khôn Ngoan, Macabe II là tác phẩm đầu tiên của Thánh Kinh quả quyết niềm tin vào sự sống lại.[1]
Một số những biến cố ghi trong Macabê I cũng được nhắc đến trong Macabê II. Macabê II bắt đầu sớm hơn, cuối triều Sêleukus IV, tiên nhiệm Antiôkhô Êpiphanê và cũng đã kết thúc sớm hơn, tức là dừng lại ở cuộc thất bại của Nikanor, trước khi Giuđa Macabê chết, bao trùm một khoảng thời gian là mười năm tương ứng với các chương 1-7 của Macabê Israel mà thôi.
Nguyên bản được viết bằng tiếng Hi Lạp và tự coi là bản lược tóm tác phẩm của một tác giả khác là Giasôn, người Kyrênê, 2 19-23. Quả là văn của tác giả Hi Lạp, nhưng không là vào hạng xuất sắc nhất. Đôi khi có vẻ khoa trương. Có giọng điệu của một kẻ giảng dạy hơn là một người viết sử, mặc dù tác giả đã tỏ ra có một hiểu biết rất cao về các thượng chế Hi Lạp và về các nhân vật của thời đại đó, so với tác giả của Macabê I.
Vì biến cố cuối cùng được kể lại là cái chết của Nikamor, tác phẩm của Giasôn, người Kyrênê có thể đã được soạn thảo sau năm -160 một ít. Có thể nghĩ rằng bảng tóm lược này có thể đã được thực hiện vào năm -124. Tác phẩm không phải không có giá trị lịch sử, quả thực, người tóm lược đã thu nhập những trình thuật giả mạo trong thư 1 10b-2 18, đã họa lại những tiết truyện có tính cách đánh động tình cảm về Hêliôđôrê 3 ,về cuộc tử đạo của Êlêazar 6,18-31, và của bảy anh em, người tóm lược gặp thấy trong tác phẩm Giasôn, và đi đôi với những đề tài tôn giáo của ông. Nhưng sự trùng hợp chung với 1Macabê đảm bảo cho tính cách lịch sử của các biến cố được cả hai nguồn văn biệt lập này ghi lại. Có một điểm quan trọng trong đó 1Macabê và 2Macabê mâu thuẫn với nhau: 1Macabê 6,1-13 đặt việc thanh tẩy Đền Thờ trước khi Antiôkhô Êpiphanê chết, trong khi đó 2Macabê 9,1-29 lại đặt sau. Một bản niên biểu Babilon mới được ấn hành chứng nhận 2Macabê xác thực hơn 1Macabê: Antiôkhô chết trong tháng 10/11 năm-164 trước việc tái cung hiến Đền Thờ vào cuối tháng mười hai cùng năm đó.
Sách 2 Macabê, lịch sử trước tiên mang tính biện hộ và chỉ được sử dụng với chủ đích thần học. Tác giả viết cho những người Do Thái tại Alexandria; ông muốn giúp họ hiểu các biến cố đã xảy ra bên Palestin và khơi lại lòng mến chuộng đối với đền thờ Giêrusalem.
II. Bố cục.
Ngoài tiết truyện Hêliôđôrê 3, 1-40, nhấn vào tính cách thánh thiêng của Đền Thờ, có thể chia sách thành 2 phần chính:
Phần I: 4 1-10 8, kết thúc với nhà bách hại đạo, đã làm uế tạp Đền Thờ, Antiôkhô Êpiphanê, và việc thiết lập lễ Cung Hiến.
Phần II: 10,9-15,36, kết thúc cũng với cái chết của Nikanor, người đã đe dạo phá huỷ Đền Thờ, và việc thiết lâp lễ kỷ niệm. Cũng trong đề tài này, hai bức thư đặt ở đầu sách 1,1-2,18, là những lời người Do Thái ở tại Giêrusalem kêu gọi anh em của họ ở Ai Cập cùng mừng với họ lễ thánh tẩy Đền Thờ, lễ Cung Hiến.
III. Nội dung.
Kể lại cuộc chiến tranh giải phóng do Giuđa Macabê lãnh đạo, được ơn thiêng nâng đỡ và toàn thắng nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa 2,19-22. Dưới cái nhìn của tác giả, sự thất bại cũng là là hậu quả của lòng xót thương của Thiên Chúa, muốn sửa trị dân, trước khi đấu đong tội lỗi đầy tràn 6, 12-17. Tác giả viết cho người Do Thái ở Alexanđria và chủ đích để gợi tinh thần liên đới với các anh em của họ ở tại Phalêtin. Tác giả muốn họ quan tâm đặc biết đến số phận của Đền Thờ, trung tâm của đời sống tôn giáo theo Lề Luật và mục đích đầu tiên của chiến tranh là giải phóng Đền Thờ.
Ngoài việc trình bày những biến cố và giải thích chúng theo nghĩa thần học, cũng cần phải nói đến bầu khí thân mật trong cầu nguyện và việc năng kêu cầu lên thiên Chúa, và một số những xác định giáo lý khác, như: công thưởng của các vị tử đạo, hiệu năng do lời bầu cử của kẻ lành và hiệu năng cầu nguyện cho người quá cố. Nhưng giáo lý quan trọng nhất là giáo lý liên quan đến sự sống lại. Ba lần (7,9; 12,38; 14,48) tác giả quả quyết là kẻ lành sẽ sống lại. Vì người Do Thái không quan niệm con người chỉ như là một vật gồm có xác và hồn tách biệt (nhị nguyên), nhưng như là một đơn vị vừa tâm linh vừa thể xác, quan niệm về sự sống mai sau bắt buộc phải có sự sống lại thân xác.
Như thế, sách 2 Macabê được coi là quan trọng vì những quả quyết về người chết sống lại, những hình phạt đời sau 6, 26, lời cầu nguyện cho kẻ chết 12, 41-46, công trạng cho những người tử vì đạo 6, 18-7, 41, các thánh nhân cầu bầu 15, 12-16. Kho tàng giáo điều của sách này được Giáo Hội Công Giáo đề cao và còn tìm thấy nơi đâymột số điểm làm nền tảng cho những tín điều, như: Các thánh thông công, linh hồn được thanh tẩy sau khi chết nơi luyện ngục, thân xác sống lại.
Đọc lại sách Macabê, chúng ta có được những ý nghĩa quý giá sau đây:
* Ý nghĩa lễ cung hiến (629).
Sau khi thanh tẩy Đền Thờ cho hết các tỳ ố (x. 2Mcb 14,16), việc canh tân lễ tế sau cùng là một việc quan trọng của lễ Cung Hiến (Hanoukka), lễ lịch sử vào ngày 17 tháng 12 năm -167. để đem lại cho công việc đóvẻ huy hoàng xứng đáng, nhà Macabê và con cháu, tuỳ hoàn cảnh cho phép đã giữ lại những vẻ tráng lễ của các lễ cung hiến thời Sa-lô-mon (x. 1V 8) và Esdra (x. Er 6) người ta nói đến “soukkoth tháng kisleu” như nói đến lễ nhà tạm (lễ lều) “soukkoth tháng tisri” một sự đồng hoá như thế phải đem lại cho dân Do Thái một quan niệm cao xa về lễ mới được thành lập. Được đặt vào mùa đông, như thế lễ Cung Hiến sẽ được lấp vào chỗ trống của các múa, vì: mùa xuân có lễ Vượt Qua, mùa hạ có lễ Ngũ tuần, mùa thu có lễ Nhà Tạm.
Thật ra, tuy là một lễ lớn, đánh dấu và kỷ niệm chiến thắng dân ngoại xâm lăng đền thờ, nhưng trong Do Thái Giáo hiện nay vẫn không coi lễ Cung Hiến (hanoukka) ngang hàng với 3 lễ trọng đại kia, và coi đó như là một ‘nửa lễ” mà thôi.
* Âm ty và giá của sự sống.
Từ lâu, Israel đã bám chặt lấy những quan niệm cổ về âm ty (shéol), rồi các nhà thần bí suy nghĩ và cho rằng có cái gì khác nữa ở chốn âm ty. Cuộc bách hại đẫm máu thời Macabê là cơ hội để tiến một bước quan trọng về ánh sáng đầy đủ của mặc khải.
Quan niệm mọi người chết, tốt hay xấu đều ở trong lòng đất, nơi tối tăm và lạnh lẽo; người chết thành ra những cái bóng (ombres), không có xác, không có những hoạt động của loài người nữa; những cái bóng đó trong âm ty sống một cuộc sống uể oải, trì trệ, không vui thú, không đau khổ và không hiểu biết.
Nhưng dưới ảnh hưởng của các tiên tri, tôn giáo dần dần có đặc tính nhân vị hơn, và vấn đề thưởng phạt được đặt ra ngày càng sâu sắc: khi nào và ở đâu Thiên Chúa sẽ thể hiện luật công bình? Từ đó, người ta bắt đầu nghi ngờ rằng, ngay cả dưới âm ty những kẻ dữ, những ai thù địch với Thiên Chúa và với sự thiện sẽ bị tội ác theo đuổi (x. Is 14,9-10). Trái lại, đang khi đó những người trung tín đạo đức muốn hưởng mãi sự thân mật với Thiên Chúa vì Thiên Chúa quyền năng sẽ làm cho những kẻ Người yêu mến.
Đến thế kỷ –III, một số người đã tin rằng có sự thưởng phạt đời sau. Tác giả Thánh Vịnh trông mong được “đem về” trong vinh quang (x. Tv 48,16 và Tv 72,24). Quohelèth trong sách Giảng Viên đã nghe nói về điều ấy (x. Gv 3,19-21). Ben Sira tác giả sách Huấn Ca cũng vậy (x. Hc 11,28) và cuối cùng tôbia có vẻ cũng ám chỉ điều đó (x. Tb4,7-11). Tuy nhiên tất cả những điều này vẫn còn sơ khởi, rải rác và riêng tư.
Đến biến cố tử đạo của cụ già Éléazar, 7 người anh em và bà mẹ can trường đã cho thấy niềm tin này mãnh liệt và cơ sở. Bởi vì Thiên Chúa công minh vô cùng, sẽ ân thưởng những kẻ thuộc về Người và phạt những kẻ vô đạo. Hành động công bình ấy điều kiện là phải có phục sinh, vì phải là con người trọn vẹn mới liên hệ đến sự thưởng phạt này được, vì không có thân xác thì không thể vui sướng, không thể đau đớn, không thể cầu nguyện… Từ đó, có lý khi tin rằng phải có sự phục sinh trước đã, để làm nền tảng cho sự thưởng phạt đời đời.
* Ý nghĩa tử đạo (liên lạc giữa hai giao ước).
Cuộc tử đạo của 7 anh em được kể trong 2Mcb 7 chiếm một địa vị bất ngờ, nó tiêu biểu cho mắt xích cuối cùng giữa Cựu Ước và Tân Ước và chứng tá của họ như đặt một cơ cấu chặt chẽ và riêng biệt cho Do Thái Giáo như ta sẽ thấy khi Đức Kitô đến. Các giáo phụ trong Giáo Hội Công Giáo như Augustino, Gregorio de Nazianze, Gioan Kim Khẩu… ca tụng các vị tử đạo thời macabê như những Kitô hữu sinh trước thời.
Trước đây, Giáo Hội còn mừng lễ Macabê vào ngày 01 tháng 8, cũng là ngày mừng lễ “thánh Phêrô bị xiềng xích”. Từ cuối thế kỷ thứ IV, Giáo Hội dành một chỗ cho các vị tử đạo thời Cựu Ước trong mục lục các thánh tử đạo. Như thế, Giáo Hội muốn làm sáng tỏ mối liên lạc giữa Cựu Ước và Tân Ước. Vào lúc các cuộc bách hại đổ ập trên các Kitô hữu, thì cần noi gương các vị tử đạo của Israel xưa…
Discussion about this post