…
Chúa Nhật sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống
LỄ CHÚA BA NGÔI
Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đứng đầu trong mọi mầu nhiệm, vượt khỏi mọi khả năng tri thức của con người, không thể suy thấu và chỉ cảm nhận được bằng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa trong mỗi người, trong cuộc sống và trong lịch sử cứu độ.
Thánh Kinh Cựu Ước trong một vài chỗ có mặc khải cho chúng ta cách không mấy rõ ràng về hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi trong khởi nguyên sáng tạo: Thiên Chúa dùng Lời để sáng tạo và Thần Khí bay là trên hỗn mang (x. St 1,1-3), hay với hình ảnh ba vị hiện ra với Abraham dưới cây sồi Mamre (x. St 18,2)…
Đến thời Tân Ước, Chúa Giê-su lần lượt mạc khải từng ngôi vị Thiên Chúa. Đặc biện nơi Tin Mừng Gioan, Chúa Giê-su nói rất nhiều về Chúa Cha, về Chúa Thánh Thần và khẳng định Chúa Giê-su và Chúa Cha là một, nhưng chưa một lần nào Chúa Giê-su cùng lúc minh nhiên nói đến Mầu Nhiệm Ba Ngôi. Trong câu kết Tin Mừng Mát-thêu có nhắc tới một lệnh truyền của Chúa Giê-su nhắc đến Ba Ngôi cách đầy đủ: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19). Thật ra, câu này chỉ tìm thấy trong bản dịch Latinh (Vulgata) do thánh Giê-rô-ni-mô dịch, còn trong các bản A-ram, Híp-ri và Hi-lạp thì không thấy, nên không loại trừ có thể là do thánh Giê-rô-ni-mô giảng thêm vào, và người ta đã tìm thấy khá nhiều chỗ đúng là thánh nhân có thêm vào thật, giống như phần nói về dấu lạ ngôn sứ Giona. Các bản Thánh Kinh khác chỉ nói: “Giona nên điềm cho Ninive thế nào, thì Con Người cũng nên dấu lạ cho dân này như vậy”, nhưng thánh Giê-rô-ni-mô giảng thêm: “… Giona trong bụng cá ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng ở trong lòng đất ba ngay ba đêm như vậy”. Điều này vô tình tạo nên tranh cãi cho người đời sau là không biết Chúa Giê-su chết ba ngày sống lại hay là ngày thứ ba sống lại nữa?
Thật ra, ngay đến thời thánh Phao-lô, việc làm phép rửa cũng chỉ nhân danh Chúa Giê-su, và Mầu Nhiệm Ba Ngôi thực sự là một tiến triển thần học qua các thế kỷ đầu, và đã không ít các nghị phụ đã rơi vào các lạc thuyết như: Dưỡng Tử Thuyết (Adoptianisme), Ảo Thân Thuyết (Docétisme), Nhất Chủ Thuyết (Monarchianisme), Khổ Phụ Thuyết (Patripassionisme)…
Đến thời Kinh Viện, thánh Thomas d’Aquin đưa ra những từ ngữ giải thích như “nhiệm xuất”, “nhiệm xuy”… nhưng cũng chỉ là những từ ngữ để gọi mà thôi: “Chúa Cha nhiệm xuất ra Chúa Con và nhiệm xuy ra Thánh Thần…”.
Và cho đến hôm nay, người ta vẫn tìm cách đưa ra những ví dụ để giải thích về Ba Ngôi, như là: Ngọn đèn, ánh sáng và sức nóng (cả ba trong một ngọn đèn); một tam giác đều ba cạch ba góc bằng nhau; trong một ngón tay có ba đốt; ba vòng tròn đan kết vào nhau… Tất cả chỉ là loại suy khập khiễng, vì mỗi Ngôi Vị tự hữu và đồng bản thể quyền năng, chứ không phải tắt ngọn đèn thì lửa mất, lấy đi một cạnh thì không còn tam giác, ba đốt tay đốt dài đốt ngắn…
Tắt một lời, nếu suy thấu được thì không còn là mầu nhiệm. Chúng ta vẫn còn nhớ giai thoại về thánh Augustino: Một hôm ngài đi dạo trên bờ biển để suy tư về Mầu Nhiệm Ba Ngôi thì gặp một cậu bé đang dùng cái vỏ sò múc nước đổ vào cái hang con còng. Thánh nhân hỏi thằng bé làm cái gì thế? Nó bảo nó đang muốn múc hết nước biển cho cạn mà đổ vào hang còng. Thánh Augustino đã cười chê cậu bé làm cái việc vô lý, làm sao mà đổ hết nước cả đại dương bao la vào trong cái lỗ bé tí kia. Đứa bé nói với thánh Augustino rằng: “Tôi đổ hết nước biển vào cái hang còng còn dễ hơn việc ông dùng cái trí hữu hạn của ông mà tìm hiểu về Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi”.
Như vậy, như đã nói ở đầu lễ, chúng ta không thể dùng cái trí óc hữu hạn bất toàn để suy tư về Mầu Nhiệm chí minh chí thiện Ba Ngôi được, mà chỉ biết được mầu nhiệm Ba Ngôi bằng chính cảm nghiệm mà thôi. Cảm nghiệm Ba Ngôi hiện diện trên con người ta: Chúa Cha sinh ra ta, Chúa Con cứu độ ta và Chúa Thánh Thần ban sức mạnh để đổi mới ta; cảm nghiệm Ba Ngôi trong cuộc đời; cảm nghiệm Ba Ngôi trong lịch sử…
Đặc biệt, chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa trong tương quan hiện hữu và tình yêu.
Người Việt chúng ta có cách loại suy phần nào dễ nắm bắt hơn một chút: Một anh chàng thanh niên không ai gọi anh là cha, nhưng lúc đứa con anh ta vừa chào đời, thì ngay tức khắc anh trở thành cha. Con và cha cùng một lúc. Và muốn yêu thì phải có đối tượng để yêu, nên cùng lúc anh là cha và con anh vừa sinh ra, cũng phát sinh tình yêu giữa cha và con (loại suy này khiếm khuyết ở chỗ tình yêu không là một bản thể).
Thiên Chúa được gọi là Cha ngay lúc Ngài sinh ra Chúa Con, và tình yêu Cha – Con đó chính là Thánh Thần.
Chúng ta có thể cảm nghiệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dựa trên sự hiện hữu:
Thiên Chúa có hai sự hiện hữu là Hiện Hữu Tự Thân (ase in) và Hiện Hữu Hướng Về (ase ad).
Hiện hữu tự thân, nghĩa là Thiên Chúa tự hiện hữu mà không cần đến bất cứ sự hỗ trợ nào, là Ta Có, Ta là Ta, Ta Là, Đấng Hiện Hữu… Từng Ngôi Vị độc lập hiện hữu. Sự hiện hữu này con người không có, mà chỉ có hiện hữu lệ thuộc. Con người hiện hữu là nhờ Thiên Chúa.
Hiện hữu hướng về. Ba Ngôi Thiên Chúa hướng về nhau đến độ trở nên duy nhất; Ba Ngôi Thiên Chúa hướng đến con người trong sáng tạo, cứu độ và canh tân. Hướng về nhau đến độ duy nhất là 1, nhưng hướng về con người trong công trình của Ba Ngôi thành 3.
Như vậy, chúng ta có thể sống Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi dựa trên sự hiện hữu hướng về. Chúng ta hướng về Chúa để nên một với Ngài, nhưng cũng cùng với Chúa hướng đến tha nhân trong tình yêu thương đồng loại. Amen.
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 3,16-18
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.
II. SUY NIỆM
“ƠN CỨU ĐỘ ĐƯỢC THỰC HIỆN
NHỜ TƯƠNG GIAO TÌNH YÊU CỦA BA NGÔI THIÊN CHÚA”
Chúa Nhật sau Lễ Hiện Xuống được chọn để mừng Lễ Chúa Ba Ngôi đã được cử hành vào thế kỷ thứ VII. Lễ kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi chiếm một chỗ xác định trong lịch phụng vụ, cuộc cử hành nầy dần dần được xem như một ngày lễ đặc biệt. Kể từ thế kỷ thứ X, có khá nhiều nhà thờ cử hành thánh lễ nầy một cách long trọng. Vào năm 1334, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII chuẩn nhận việc cử hành nầy ở Rô-ma và mở rộng đến Giáo hội hoàn vũ.
Bài Tin Mừng hôm nay nói lên Ơn Cứu Độ được thực hiện nhờ tương giao tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa:
Với đoạn Tin Mừng này, Chúa Giêsu khẳng định ba điều:
– Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một.
– Thiên Chúa sai Con của Người đến không phải để lên án nhưng là để cứu độ thế gian.
– Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án.
1. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một
Trong cách nhìn nhân loại, ai trong chúng ta nếu chỉ có một đứa con trai duy nhất, thì chúng ta sẽ coi nó như là tất cả của đời mình, của cả cuộc sống mình, của cả giống nòi mình, nên chúng ta sẽ hết sức cung phụng nâng niu, bằng mọi giá phải bảo vệ nó, và chỉ chấp nhận san sẻ khi cho đứa con xây dựng gia đình với một người con gái để duy trì dòng tộc.
Trong mầu nhiệm Thiên Chúa, Chúa Cha đã đản sinh ra Chúa Con, và Chúa Con là đứa Con Duy Nhất của Chúa Cha từ đời đời. Nhiều lần Chúa Giêsu trong lời cầu nguyện đã thân thưa rằng: Con yêu Cha và như Cha đã yêu Con… Và vì yêu thương con người, Chúa Cha đã cho đứa Con Duy Nhất của mình đến với thế gian
Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16a). Từ “đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi.
Nơi cái chết của Đức Giêsu – Con Thiên Chúa là chính Thiên Chúa. Người đã ban và sai Con của Người đến vì yêu thương toàn thể nhân loại, để họ được cứu độ. Tình yêu của Thiên Chúa có một cường độ và mộtchiều kích to lớn đến nỗi, nếu có thể, hẳn ta phải nói: Thiên Chúa yêu thương thế gian, yêu thương chúng ta, hơn chính Con của Người. Người không bỏ mặc thế gian, mà lại còn ban cho chúng ta món quà là Người Con vẫn sống trong một tương quan duy nhất với Người.
Chỉ khi chúng ta xác tín rằng Đấng chịu đóng đinh là Con Một, Con yêu dấu của Thiên Chúa, thì quyền năng của tình yêu này của Thiên Chúa mới có thể thực sự đến với chúng ta và chúng ta mới có thể hoàn toàn mở ra với ánh sáng và sức nóng của Người. Đời sống chúng ta tùy thuộc đức tin của chúng ta.
Nhưng, tại sao Thiên Chúa yêu thế gian lại trao ban Con Một đến để chịu chết mà cứu độ? Bởi vì tình yêu cần đến sự ở với nhau, cần chính thân thể của nhau và trao ban cho nhau, nhất là dám chết cho người mình yêu. Nếu Chúa Giêsu ở trên trời nói vọng xuống rằng: “Thiên Chúa yêu con người” thì liệu con người có cảm nhận được tình yêu không? Nhưng chắc chắn họ sẽ cảm nhận được tình yêu khi Con Một Thiên Chúa đến ở với con người, hi sinh để cứu con người và trao ban chính mình cho họ.
Lại nữa, loài người đã phạm tội xúc phạm đến Thiên Chúa là Đấng Tuyệt Đối nên tự loài người không thể tự đền được sự xúc phạm này cách cân xứng, nên cần tới Đấng là Con Thiên Chúa tuyệt đối thánh thiện mới có thể đền thay cách tương xứng. Giống như dân đen xúc phạm đến vua thì mang tội chết, phải cần đến thái tử của vua mới có khả năng xin phụ hoàng tha thứ cho người mà thái tử yêu được.
Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” Ga 3,17).
2. Thiên Chúa sai Con của Người đến không phải để lên án nhưng là để cứu độ thế gian.
“Thiên Chúa không sai Con của Người giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ”. Thật vậy, sứ mạng thiên sai của Chúa Giêsu đến là để dùng thập giá mà cứu chuộc thế gian. Đó là niềm hy vọng lớn lao của nhân loại.
Người tôi tớ thấp hèn liều mình chết thay cho chủ nhân quyền quý, hay người dân đen cùng khốn chết cho hàng vua chúa cao sang… là điều dễ chấp nhận; đằng nầy Ngôi Hai Thiên Chúa là Chúa Tể trời đất lại hiến thân chết thay cho loài người hèn mọn thì quả là điều vượt quá trí tưởng tượng con người. Chỉ vì quá đỗi yêu thương loài người, Thiên Chúa mới có thể hy sinh đến thế.
Đức Kitô đã đến với tư cách là Đấng Cứu Độ chứ không là Thẩm Phán: Người dẫn đưa con người đến “sự sống đời đời.” Sự sống đời đời, theo Tin Mừng Gioan, không chỉ là cuộc sống tương lai của một thế giới sắp đến, nhưng còn dự phần vào cuộc sống Thiên Chúa ngay từ thế giới hiện nay.
“Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người hiến mạng vì bạn hữu mình” (Ga 15,13) và không có tình yêu nào sánh ví được với tình yêu khôn vời của Thiên Chúa dành cho nhân loại.
Ý định Thiên Chúa cứu độ con người không thể nào được thực hiện nếu không có sự đồng thuận của con người; họ phải chọn lựa, “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi.”
Mục tiêu của sứ mạng Chúa Con đảm nhận khi được gửi vào trần gian: không phải để lên án, nhưng để cứu độ. Thế nhưng, dù điều duy nhất Thiên Chúa muốn, đó là cứu độ thế gian; nhưng biến cố Con của Người đến cũng nhất thiết đưa loài người đến chỗ phải lấy quyết định; quyết định trọng yếu nhất của đời người, là gắn bó với Con Một Thiên Chúa bằng đức tin, hoặc ngược lại, từ chối tin vào Người.
3. Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án.
Thiên Chúa đã khởi xướng trước, Người đã “yêu thương đầu tiên”. Mọi sáng kiến đến từ phía Người. Nhưng để có tình yêu, nếu chỉ có lời tuyên bố, bày tỏ, trước những bước, dấu chỉ từ một trong hai phía chưa đủ mà phải có sự tương ứng, đón nhận và đáp trả. Đức tin là lời đáp lại của con người đối với lời tỏ bày tình yêu của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta biết, ý Thiên Chúa Cha muốn mọi người chúng ta là tin vào Con Thiên Chúa, tức là tin vào Chúa Giêsu, để nhờ đó chúng ta sẽ được mãi mãi chiêm ngưỡng thánh nhan Người và được sống lại trong ngày sau hết.
Như thế, điều kiện tiên quyết để được cứu độ là phải tin và sống niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô. Nên dù mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Cái được mất của đức tin ấy vô cùng quan trọng: vấn đề là chết hay sống: “Ai tin thì khỏi phải chết nhưng được sống muôn đời”. Hoặc người ta chấp nhận “sự ban cho của Thiên Chúa” và đi đến sự sống muôn đời là đặc tính của Thiên Chúa, hoặc người ta ở lại với nhân tính của mình và dĩ nhiên là phải chết. Không thể có thái độ nghiêng ngả quanh co. Phải nói “có” hoặc “không” trước sự ban cho của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu cho thấy rằng đức tin phải dựa trên bằng chứng tình yêu mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta khi sai phái Con của Người đến. Cuộc tái sinh bởi Thiên Chúa và lòng tin vào Con Thiên Chúa đưa chúng ta đạt tới ý nghĩa và sự viên mãn của cuộc sống chúng ta, đưa đến sự sống đích thực không qua đi.
Mặc nhiên hay minh nhiên, không qua Đức Giêsu Kitô thì không thể vào Nước Thiên Chúa. Nghĩa là hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận Bí tích Rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”).
Tóm lại, khi kính nhớ và cung chiêm mầu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi, là chúng ta chiêm ngắm Tình Yêu của Thiên Chúa ban xuống cho thế gian chính Con Một để cứu độ thế gian, và ai muốn được cứu độ phải tin vào Chúa Giêsu Kitô.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa được sai đến thế gian là để cứu độ thế gian chứ không phải lên án thế gian. Xin cũng sai chúng con đến với mọi người, đem đến cho họ sự cứu vớt, chứ không phải đến để lên án nhau. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 28,16-20
Mười một môn đệ đi tới miền Ga-li-lê, đến ngọn núi Đức Giê-su đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Người, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Đức Giê-su đến gần, nói với các ông: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”
II. SUY NIỆM
“HÃY ĐI LÀM CHO MUÔN DÂN TRỞ THÀNH MÔN ĐỆ”
Bài Tin Mừng về Lễ Chúa Ba Ngôi năm B hôm nay là trích đoạn của thánh Mát-thêu về lệnh truyền của Chúa Giêsu:
- Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
- Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
- Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
- Lời hứa: Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
1. Anh em hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ
Cũng như Chúa Giêsu đã quy tụ môn đệ, để cùng sống với nhau và với Người; coi nhau như bạn hữu, đồng bàn với nhau, hiểu biết và chia sẻ với nhau đời sống hằng ngày. Thì đây, Chúa Giêsu cũng muốn các môn đệ đồng hành trước cả việc rao giảng: Cần có việc chia sẻ giữa những con người với nhau trước, sau đó mới tính đến việc loan báo Tin Mừng. Rao giảng Tin Mừng cho ai là giúp người ấy đào sâu những kinh nghiệm bản thân đã trải qua trong quá khứ, cho đến ngày người ấy nhận ra nơi Chúa Kitô, trong cái chết và sự sống lại của Người, là chân lý làm cho cuộc đời họ rực sáng (x. GKPV).
Cùng với các môn đệ Chúa Giêsu, mọi người cũng được mời gọi sống sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng đời sống thanh bần đơn sơ phó thác, xây dựng sự hợp nhất bình an và làm cho Nước Chúa được lớn mạnh ngay trên quê hương trần thế, cách riêng, niềm tin, bác ái, hoan lạc và bình an thắm đầy trên giáo xứ và cộng đoàn.
2. Làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.
Nếu đem đối chiếu các trình thuật về làm phép rửa trong sách Tông Đồ Công Vụ (x. Cv 19,5…) và các thư thánh Phaolô, có thể chúng ta không dám chắc là đã có một công thức đầy đủ về việc làm phép rửa nhân danh Ba Ngôi như tường thuật Tin Mừng Mát-thêu, bởi ban đầu các tông đồ và môn đệ vẫn làm phép rửa nhân danh Chúa Giêsu, còn việc nhân danh Ba Ngôi là sự tiến triển của thần học do Chúa Thánh Thần linh hứng về sau. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là khi muốn làm môn đệ Chúa Giêsu (gia nhập đạo) thì phải lãnh phép rửa. Phép rửa trở thành một điều kiện bắt buộc để được hưởng ơn cứu độ, vì qua Phép Rửa, tín hữu được tái sinh trong Chúa Giêsu Kitô tử nạn và phục sinh.
Sẽ khó trả lời khi nói điều này với người ngoài Kitô Giáo, nhưng hết những ai qua tôn giáo của họ hoặc qua tiếng lương tâm mà ăn ở tốt lành thánh thiện thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô (được rửa tội “bằng lửa”). Cũng thế, những ai dám hy sinh tính mạng vì niềm tin hoặc vì Đức Ái, thì dù chưa được lãnh nhận Bí tích rửa tội, thì cũng mặc nhiên ở trong Đức Kitô toàn thể (rửa tội “bằng máu”). Tóm lại, phải qua phép rửa mới được cứu độ dù là minh nhiên hay mặc nhiên.
3. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em.
Những huấn lệnh của Chúa Giêsu chiếm vị thế hàng đầu và trải dài trong Tin Mừng thánh Mát-thêu, được phân bố trong năm bài diễn từ.
Và giờ đây, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ phải dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều mà Chúa Giêsu đã nói cho các môn đệ biết.
Như thế, sau khi bước theo Chúa và chịu phép rửa rồi, Kitô hữu không phải nhận phép rửa gia nhập đạo rồi để đó, mà là phải tuân giữ lề luật của Chúa. Theo đạo thì phải giữ đạo và sống đạo, chứ không phải mang trên mình cái danh Kitô hữu vì đã chịu phép rửa tội, mà sống như kẻ xa lạ.
4. Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.
Chúng ta lại một lần nữa nghe xác quyết điều mà danh xưng Emmanuel diễn đạt (Mt 1,23). Nghĩa là khởi đầu Tin Mừng, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia: “Thiên Chúa ở cùng chúng ta”, thì nay, lời Chúa Giêsu hứa và cũng làm cho ứng nghiệm: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20b).
Thầy ở lại với anh em, nghĩa là sau khi Phục Sinh, trong một cách thế hiện diện mới, Chúa Giê-su không còn bị giới hạn trong không gian hay thời gian nữa, mà ở trong niềm tin, lòng mến và sự trông cậy của các Tông Đồ: Rao giảng một niềm tin duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô, đặt tình yêu duy nhất vào Chúa Giê-su Ki-tô và đặt tất cả niềm hi vọng vào Chúa Giê-su Ki-tô; bởi, “chính nhờ Người, với Người và trong Người, và mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất của Chúa Thánh Thần đến muôn đời”.
Từ đây, mỗi khi làm dấu thánh giá, Ki-tô hữu tuyên xưng sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa ngự trong chính mình.
Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn hiệp nhất với nhau trong cùng một đức tin và một lòng mến, như Chúa luôn hiệp nhất trong Chúa Cha nhờ Thánh Thần Tình Yêu. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 16,12-15
Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.
II. SUY NIỆM
“MẶC KHẢI TIỆM TIẾN”
Đã hơn hai ngàn năm nay, nhiều học giả đã cố gắng đưa ra những ví dụ để giải thích như: ngọn đèn, ánh sáng và sức nóng cùng trong một cái đèn; ba cạnh ba góc bằng nhau trong một tam giác đều; ba đốt trong một ngón tay… nhưng tất cả chỉ là loại suy khập khiễng. Bởi vì đi tìm hiểu mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi thì cũng như một đứa trẻ dùng cái vỏ sò múc nước biển đổ vào một cái hang con còng với hi vọng làm cạn nước biển (x. Giai thoại của thánh Augustino).
Tuy nhiên, dù Ba Ngôi Thiên Chúa vô thủy vô chung, nhưng từng bước mặc khải cho con người hữu hạn trong thời gian cách tiệm tiến. Chúa Giê-su là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa, nhưng để mạc khải được hiểu cách viên mãn thì Chúa Thánh Thần đến sẽ soi sáng cho chúng ta trong lịch sử cứu độ và lịch sử thế giới tiến dần về chung cục. Đó là nội dung của Lời Chúa trong Tin Mừng ngày lễ Chúa Ba Ngôi hôm nay:
Thánh Pachomio tổ phụ dòng đan tu ở Tây Phương nói rằng: “Anh em không thể bắt con bò chưa đến tuổi mang ách và cày bừa thành thạo theo ý anh em được. Cũng thế, anh em không thể bắt một người vừa mới tập nhân đức phải nên hoàn thiện ngay được”.
Hôm nay Chúa Giê-su nói với các môn đệ: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Nghĩa là, dù tình thương của Chúa Giê-su muốn trao ban tất cả những gì Người có cho các môn đệ, nhưng với khả năng, sức lực, tâm hồn và trí khôn của các môn đệ còn giới hạn trước những thực tại thiêng liêng. Chính vì thế, Chúa Thánh Thần đến, tiếp tục huấn luyện và khai mở dần dần cho các môn đệ và những người kế tục các ngài.
Một cách nào đó, giống như phương pháp sư phạm được áp dụng. Tùy từng cấp độ hiểu biết mà truyền thụ cách tiệm tiến, chứ không được “đốt giai đoạn”. Giáo lý cũng phải trải qua các giai đoạn: sơ cấp – căn bản – vào đời….
Lại nữa, mặc khải là bởi Thiên Chúa chứ không phải tự trí khôn con người có thể tri thức được, nhưng nhờ ơn Chúa Thánh Thần soi sáng cho trí khôn lãnh hội được dễ dàng hơn các mặc khải, cũng như Chúa Thánh Thần tác động để tâm hồn cảm nghiệm được các chiều kích của mầu nhiệm Thiên Chúa.
Tuy nhiên, không phải Chúa Thánh Thần đến đem thêm một mặc khải hay một chân lý mới – vì Chúa Giê-su đã là mặc khải tròn đầy về Thiên Chúa – nhưng như lời Chúa Giê-su nói: “Thánh Thần sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Cha có, đều là của Thầy. Vì thế Thầy đã nói: Người lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em” (Ga 16,14-15).
Nghĩa là Chúa Thánh Thần làm cho tín hữu càng ngày càng hiểu biết Thiên Chúa hơn, và trải qua thời gian, ngày càng khám phá ra nhiều điều mới mẻ từ nơi Thiên Chúa, mà ngay từ buổi đầu các môn đệ chưa thấu hiểu hết được. Chân lý về Thiên Chúa chỉ là một, nhưng mọi chiều kích dài rộng cao sâu và khôn dò khôn thấu chỉ được hiểu biết trải qua từng thời đại, tùy ơn Chúa Thánh Thần ban cho. Đó là vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội.
Mầu nhiệm về Thiên Chúa được mặc khải cho con người tùy theo khả năng Chúa Thánh Thần ban cho, và mầu nhiệm đó được thấu tỏ qua thời gian để Giáo hội càng thêm phong phú… Nhờ mặc khải của Chúa Giê-su và ơn soi sáng của Chúa Thánh Thần, chúng ta tin nhận sự hiện hữu của Ba Ngôi trong một Thiên Chúa duy nhất, đồng bản thể và quyền năng, nhưng thể hiện trong thời gian của sáng tạo, cứu độ và thánh hóa hoàn vũ. Ba Ngôi Thiên Chúa có sự hiện hữu “tự thân”, nghĩa là Thiên Chúa tự hiện hữu mà không lệ thuộc bất cứ ngoại cảnh nào, tự có và không thể mất đi. Ba Ngôi Thiên Chúa còn có sự hiện hữu “hướng về”, nghĩa là Ba Ngôi hướng về nhau đến độ trở nên duy nhất. Con người và mọi sinh linh không có sự hiện hữu tự thân, mà chỉ có sự hiện hữu lệ thuộc, hiện hữu hướng về Thiên Chúa. Và chỉ trong Chúa chúng ta mới hiện hữu.
Lạy Chúa, xin sai Thánh Thần ngự đến ban cho chúng con trí khôn ngoan và sức mạnh, để chúng con đủ sức đón nhận và thông hiểu mầu nhiệm tình thương của Thiên Chúa, hầu chúng con thêm lòng mộ mến Chúa và rao giảng cho những ai chưa nhận biết Người. Amen
Discussion about this post