CHÚA NHẬT XI THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 9,36 – 10,8
Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng: Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về.”
Rồi Đức Giê-su gọi mười hai môn đệ lại, để ban cho các ông quyền trên các thần ô uế, để các ông trừ chúng và chữa hết các bệnh hoạn tật nguyền.
Sau đây là tên của mười hai Tông Đồ: đứng đầu là ông Si-môn, cũng gọi là Phê-rô, rồi đến ông An-rê, anh của ông; sau đó là ông Gia-cô-bê con ông Dê-bê-đê và ông Gio-an, em của ông; ông Phi-líp-phê và ông Ba-tô-lô-mê-ô; ông Tô-ma và ông Mát-thêu người thu thuế; ông Gia-cô-bê con ông An-phê và ông Ta-đê-ô; ông Si-môn thuộc nhóm Quá Khích, và ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, là chính kẻ nộp Người. Đức Giê-su sai mười hai ông ấy đi và chỉ thị rằng:
Tốt hơn là hãy đến với các con chiên lạc nhà Ít-ra-en. Dọc đường hãy rao giảng rằng: “Nước Trời đã đến gần”. Anh em hãy chữa lành người đau yếu, làm cho kẻ chết sống lại, cho người phong hủi được sạch bệnh, và khử trừ ma quỷ. Anh em đã được cho không, thì cũng phải cho không như vậy.
II. SUY NIỆM
“LÚA CHÍN ĐẦY ĐỒNG MÀ THỢ GẶT LẠI ÍT”
Chúa Giê-su chạnh lòng thương trước hiện trạng của con người vất vưởng lầm than, mà những bậc làm “thầy” Do-thái không giải quyết được cho họ. Họ như rắn mất đầu, thiếu vắng đời sống tâm linh. Trong bản tính nhân loại, một mình Chúa cần sự cộng tác của các môn đệ cùng làm công việc của Người như một “mục tử” và “lương y”.
Trước sự bao la của hoạt động tông đồ, điều đầu tiên mà Chúa Giê-su yêu cầu các môn đệ là cầu nguyện: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít! Các con hãy xin Chủ ruộng sai thợ đi gặt lúa”. Cầu nguyện là hình thức dấn thân đầu tiên của các môn đệ cho sứ vụ. Bởi vì nếu người ta tin vào tầm quan trọng của sứ vụ mà người ấy phải thực hiện, thì mọi việc đều có thể làm được để nó sẽ không chết cùng với chúng ta, mà đúng hơn là nó vẫn tiếp tục với những người khác qua chúng ta và sau chúng ta.
Chúa Giê-su sai các môn đệ ra đi rao giảng Tin Mừng, vì Chúa muốn rằng sứ mệnh rao giảng của Chúa cần được tiếp tục mãi trong thời gian từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nhờ qua những con người được mời gọi cộng tác với Chúa, làm công việc của Chúa với những quyền năng do Chúa ban cho. Sự hiện diện và sứ mệnh của Giáo hội qua các thời đại trong lịch sử đều nằm trong chương trình của Chúa ngay từ đầu và do ý Chúa muốn, chứ không do sáng kiến của con người.
1. Chọn các Tông Đồ
Chúa gọi và chọn chứ họ không tự cho mình được chọn hoặc tự ứng cử, nghĩa là Chúa ở một vị thế cao hơn, Chúa là trung tâm chứ không phải họ được quyền lấy mình làm chuẩn; như thế, điều kiện đầu tiên để trở thành Tông Đồ là do được Chúa chọn. Các môn đệ lại với Người, nghĩa là họ phải được tách ra khỏi đám đông và đến; như thế, điều kiện thứ hai là khi được gọi họ phải được tách riêng ra, nghĩa là phải có sự thay đổi đời sống nên tốt hơn…
Trong Giáo hội, việc được chọn làm công việc này, chức vụ nọ, là do Chúa chọn qua sự tuyển lựa của Hội thánh, chứ không phải cha truyền con nối hay mình tự ứng cử, vì thế luôn phải đặt ý Chúa lên trên hết và dù hợp với chúng ta hay không thì cũng phải biết thuận theo ý Chúa. Riêng với những ai được chọn, dù là Giáo Hoàng hay Giáo Lý Viên thì cũng đều phải cố gắng sống tốt hơn so với mặt bằng chung, xứng với địa vị của mình.
2. Ban năng quyền rao giảng và chữa lành
“Chúa Giê-su gọi mười hai Tông Đồ lại, ban cho các ông sức mạnh và quyền năng trên mọi ma quỷ và được chữa lành các bệnh tật”.
Có thể hiểu đến năng quyền được ban cho các mục tử qua các Bí tích để sức mạnh của ma quỷ không thể cản trở được công việc loan báo Tin Mừng. Đặc biệt, qua Bí tích Hòa giải, các mục tử chữa lành bệnh tật và thương tích tâm linh cho các tâm hồn.
Rao giảng và chữa lành là sứ mệnh toàn diện ôm trọn cả con người xác hồn. Công bố sự thật ban ơn cứu rỗi của Chúa và chăm sóc cho cuộc sống phần xác được lành mạnh, đó là cứu rỗi và phát triển luôn đi đôi với nhau. Hay nói cách khác, Tin Mừng và cuộc sống liên kết với nhau, đời sống tôn giáo và phát triển xã hội cùng song hành.
Chức vụ đi đôi với sứ vụ, khi chúng ta lãnh nhận một chức vụ gì, không phải ngồi đó để thụ hưởng mà phải ra đi đến với những người chúng ta có trách nhiệm, để phục vụ và làm chứng về Chúa cho họ.
“Hãy nói với họ rằng Nước Trời đã gần đến”. Rao giảng Tin Mừng là làm cho muôn dân trở thành môn đệ, trở về làm con Chúa, trở thành anh em một nhà… và như vậy, vương quốc Nước Trời đã chính thức hình thành ngay trên trần gian này.
Đời sống tôn giáo và sự phát triển xã hội là nét mới được khám phá nơi chủ đề Tin Mừng hôm nay: Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Đồng thời, khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em.
Lạy Chúa Giê-su, khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng con mang trên mình sứ vụ làm công việc của Chúa, công bố sự thật của Chúa, phân phát ơn cứu rỗi đã được Chúa thực hiện. Xin cho chúng con khi rao giảng Lời Chúa thì cũng không thể lơ là hay đóng kín trước những việc phục vụ cho công cụ phát triển xã hội, phục vụ lợi ích tốt lành cho anh chị em. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4,26-34
“Chuyện Nước Thiên Chúa thì cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Đêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Đất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa.”
Rồi Người lại nói: “Chúng ta ví Nước Thiên Chúa với cái gì đây? Lấy dụ ngôn nào mà hình dung được? Nước Thiên Chúa giống như hạt cải, lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất. Nhưng khi gieo rồi, thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ, cành lá xum xuê, đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng.”
Người dùng nhiều dụ ngôn tương tự mà rao giảng lời cho họ, tuỳ theo mức họ có thể nghe. Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn. Nhưng khi chỉ có thầy trò với nhau, thì Người giải nghĩa hết.
II. SUY NIỆM
“HẠT GIỐNG LỚN LÊN”
Chức năng của Nước Trời, của Hội thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời. Chân lý Nước Trời – tức là bản chất Hội thánh phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Đó là nội dung của dụ ngôn hạt giống âm thầm lớn lên mà Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay:
Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.
Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giê-su và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.
Chức năng của Nước Trời, của Hội thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:
Lớn lên: Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.
Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội thánh, Ki-tô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.
Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Ki-tô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.
Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Ki-tô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay động và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.
Tóm lại, Nước Trời được ví như Hội thánh do Chúa Ki-tô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 7,36 – 8,3
Có người thuộc nhóm Pha-ri-sêu mời Đức Giê-su dùng bữa với mình. Đức Giê-su đến nhà người Pha-ri-sêu ấy và vào bàn ăn. Bỗng một phụ nữ vốn là người tội lỗi trong thành, biết được Người đang dùng bữa tại nhà ông Pha-ri-sêu, liền đem theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm. Chị đứng đằng sau, sát chân Người mà khóc, lấy nước mắt mà tưới ướt chân Người. Chị lấy tóc mình mà lau, rồi hôn chân Người và lấy dầu thơm mà đổ lên.
Thấy vậy, ông Pha-ri-sêu đã mời Người liền nghĩ bụng rằng: “Nếu quả thật ông này là ngôn sứ, thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào: một người tội lỗi! “ Đức Giê-su lên tiếng bảo ông: “Này ông Si-môn, tôi có điều muốn nói với ông! ” Ông ấy thưa: “Dạ, xin Thầy cứ nói.” Đức Giê-su nói: “Một chủ nợ kia có hai con nợ: một người nợ năm trăm quan tiền, một người năm chục. Vì họ không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai. Vậy trong hai người đó, ai mến chủ nợ hơn? “ Ông Si-môn đáp: “Tôi thiết tưởng là người đã được tha nhiều hơn.” Đức Giê-su bảo: “Ông xét đúng lắm.”
Rồi quay lại phía người phụ nữ, Người nói với ông Si-môn: “Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít.” Rồi Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Tội của chị đã được tha rồi.” Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: “Ông này là ai mà lại tha được tội? “ Nhưng Đức Giê-su nói với người phụ nữ: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an.”
Đức Giê-su rảo qua các thành phố, làng mạc, rao giảng và loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa. Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa. Các bà này đã lấy của cải mình mà giúp đỡ Đức Giê-su và các môn đệ.
II. SUY NIỆM
“BAO DUNG VÀ BÌNH ĐẲNG”
Ngày kia, tôi ghé thăm một gia đình quen biết ở Sài Gòn. Lúc đến trước cửa nhà thì thấy hai đứa trẻ chơi với nhau rất vui vẻ, sau đó thì có một phụ nữ ra cho hai bé hai cái kẹo và chúng nó ăn với nhau. Người phụ nữ đó là mẹ của một trong hai đứa trẻ kia, chị ta chào tôi và tôi cũng vui vẻ hỏi thăm chị. Nhưng khi đang nói chuyện thì bà kia là người quen nhà dòng đi về mở cửa, nắm tay kéo đứa trẻ con của bà vào và cằn nhằn, mày về đây tao, mày không được chơi với cái thằng bé con của loại phụ nữ hư đốn kia. Sau đó bà ra mời tôi vào phòng khách, bà cũng không quên bảo tôi rằng: cha đừng tiếp xúc với loại đàn bà trắc nết kia, nó đi với trai ngoại đạo chán chê, giờ lại về mua đất ở bên nhà tôi đấy.
Kể lại câu chuyện có thật kia để thấy rằng, nhiều người chúng ta thường tự phong cho mình đạo đức và thành kiến cùng loại trừ xa lánh nhau, ngược với tinh thần của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay:
1. Cần nhìn nhau bằng con mắt bao dung của Chúa.
Đang ngồi ăn, một cô gái chạy vào rồi làm mưa làm gió dưới chân Chúa Giê-su. Hành động này đưa đến hai cái nhìn trái ngược nhau:
Ông Pharisiêu nhìn cô gái là gái làng chơi.
Chúa Giê-su nhìn cô gái là một tâm hồn ăn năn thống hối.
Ông Pharisiêu nhìn người phụ nữ kia chỉ thấy quá khứ và lỗi lầm của cô,
Chúa Giê-su nhìn cô gái chỉ thấy hiện tại và tương lai của cô,
Ông Pharisiêu chỉ thành kiến và kết án người phụ nữ.
Chúa Giê-su yêu thương và tha thứ cho cô gái.
Ông Pharisiêu nhìn bề ngoài với bao lầm lỗi.
Chúa Giê-su nhìn thấu tâm can của một tâm hồn tan nát khiêm cung.
Sự bao dung của Chúa đã chữa lành người con gái kia,
Sự bao dung của chúng ta là cơ hội cho những ai lầm lỡ trở về.
Hãy nhìn đồng loại với con mắt của Chúa, để không bao giờ chúng ta kết án người anh em.
Mọi lỗi lầm của cô gái đã được tha thứ vì cô đã biết ăn năn thống hối và đã yêu mến Chúa nhiều. Chúng ta cũng thế, không ai không có lầm lỡ, điều quan trọng là sau những lần vấp ngã hãy biết đứng lên trở về với Chúa. Và khi chúng ta được tha thứ thì chúng ta cần biết yêu mến nhiều hơn.
“Được tha nhiều thì yêu mến nhiều hơn”. Chúng ta phạm đến Chúa nhiều nhiều lắm, vậy bây giờ hãy yêu và yêu mến nhiều hơn để đáp ứng lại lòng bao dung của Người.
2. Bình đẳng trong sứ vụ truyền giáo.
Giữa một xã hội Do-thái trọng nam khinh nữ, thậm chí người phụ nữ được xếp hàng thứ sáu, đứng sau cả vật nuôi. Người phụ nữ Do-thái hầu như không có tiếng nói, đến cả việc cưới xin và ly hôn cũng do quyết định của người nam.
Xuyên suốt Thánh Kinh Cựu Ước, hầu như lãng quên bóng dáng của người phụ nữ, rải rác một ít chỗ nhắc tới một số phụ nữ, nhưng phần lớn thường là những chuyện chẳng vẻ vang gì (trừ Giuđitha, Etthe và vài ngôn sứ), thậm chí còn coi họ như là cạm bẫy cho đàn ông.
Các Kinh sư Do-thái tuyệt đối không nhận phụ nữ làm đồ đệ, họ phân biệt đối xử trong mọi sinh hoạt xã hội, kể cả việc phụng tự và các nghi lễ thanh tẩy.
Thế nhưng, trong thời đại Tân Ước, thánh Matthêu đã bắt đầu với việc kể tới 4 người phụ nữ trong gia phả của Chúa Giê-su (Tharma, Rakhap, Rút, Maria) xuyên suốt lịch sử cứu độ và đỉnh điểm của mẫu phụ nữ tuyệt vời là Đức Maria.
Phần cuối bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một số các bà đi theo giúp đỡ Chúa Giê-su và nhóm mười hai Tông Đồ lo việc rao giảng Tin Mừng. Điều này cho thấy Chúa Giê-su không phân biệt đối xử mà còn đón nhận những người nữ cộng tác với Người trong việc rao giảng Nước Thiên Chúa.
Từ đó cho chúng ta bài học: Dù chúng ta là ai, Chúa đều mời gọi chúng ta cộng tác.
Là nữ tu chúng ta hoạt động truyền giáo theo linh đạo dòng hay tu hội của mình.
Là những phụ nữ Công giáo, chúng ta cộng tác trong những việc đóng góp công của cho công cuộc truyền giáo.
Là các bà mẹ, chúng ta dâng những người con cho Chúa trong các ơn gọi.
Là những người độc thân goá bụa, chúng ta cộng tác với Chúa trong sự hy sinh cầu nguyện và phục vụ.
…
Như vậy, dù chúng ta là ai, chúng ta đều được Chúa mời gọi cộng tác xây dựng nước Chúa trong bổn phận và bậc sống của mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết ý thức về thân phận tội lỗi của mình cần được Chúa tha thứ, từ đó chúng con cũng biết nhìn đồng loại với con mắt của Chúa, để không bao giờ chúng con kết án người anh em. Và dù trong bậc sống nào chúng con đều biết cộng tác phần mình với Chúa để loan báo Tin Mừng đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post