CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 13,24-43
Đức Giê-su trình bày cho dân chúng nghe một dụ ngôn khác:
“Nước Trời ví như chuyện người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, thì cỏ lùng cũng xuất hiện. Đầy tớ mới đến thưa chủ nhà rằng: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy? ” Ông đáp: “Kẻ thù đã làm đó! ” Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không? ” Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa. Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa, thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi.”
Đức Giê-su còn trình bày cho họ nghe một dụ ngôn khác. Người nói: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên, thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được.”
Người còn kể cho họ một dụ ngôn khác: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.”
Tất cả các điều ấy, Đức Giê-su dùng dụ ngôn mà nói với đám đông; và Người không nói gì với họ mà không dùng dụ ngôn, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa.
Bấy giờ, Đức Giê-su bỏ đám đông mà về nhà. Các môn đệ lại gần Người và thưa rằng: “Xin Thầy giải nghĩa dụ ngôn cỏ lùng trong ruộng cho chúng con nghe.” Người đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào, thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe.
II. SUY NIỆM.
“MẦU NHIỆM NƯỚC TRỜI”
Các tác giả Thánh Kinh đã chọn nhiều hình thức văn chương để diễn đạt Lời Thiên Chúa (dụ ngôn, ngụ ngôn, ám tỷ, ẩn dụ, cường điệu, mỹ từ…). Một trong các hình thức đó là dụ ngôn. Dụ ngôn (Parable) là một câu chuyện giả tạo nhưng có thể xảy ra trong thực tế. Người ta dùng dụ ngôn để chuyển đạt ý niệm về một thực tại cao siêu xuyên qua việc so sánh với một thực tại thường nhật.
Chúa Giê-su cũng nhiều lần dùng hình thức sư phạm này để rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hôm nay Người dùng dụ ngôn “hạt cải” và dụ ngôn “men trong bột” để nói lên sự tăng trưởng của Nước Trời. Chúa còn dùng dụ ngôn “giống tốt và cỏ lùng” để nói lên sự chung đụng giữa thiện và ác và cả hai cùng tồn tại song hành với nhau trên dương gian này.
Kết hợp cả ba dụ ngôn Chúa Giê-su dạy hôm nay, chúng ta cùng nhau suy niệm về ba điểm sau:
– Sự tăng trưởng của Nước Trời
– Sự thâm nhập của Nước Trời làm biến đổi con người và thế giới
– Sự chung đụng giữa thiện và ác.
1. Sự tăng trưởng của Nước Trời.
Hình ảnh cây cải ở xứ Palestin chắc chắn khác cây rau cải ở Việt Nam, hạt cải thuộc lớp hạt rất nhỏ khi gieo xuống, nhưng khi mọc lên cây cải cao lớn, mà chim trời có thể đến nương náu dưới tán lá nó được.
Nước Trời ban đầu thật bé nhỏ trên dưới vài chục người với Chúa Giê-su và các môn đệ quanh quẩn trong xứ Palestin nhỏ bé, nhưng trải qua lịch sử thăng trầm, đến bây giờ Hội thánh có trên một tỷ người có mặt khắp nơi trên thế giới.
Chức năng của Nước Trời, của Hội thánh, của Dân Thiên Chúa là phải lớn lên và trở thành bóng mát cho đời, cho mọi người nương ẩn giữa bão táp mưa sa của cuộc đời:
Lớn lên: Mọi thành viên trong “Nước Trời” là chúng ta đều có nghĩa vụ truyền giáo và sống chứng nhân để làm cho Nước Trời lớn mạnh. Xét về phương diện cá nhân, chính mỗi người chúng ta cũng phải lớn lên trong Đức Tin, trong Thánh Thần và trong đời sống đạo, từ đó làm cho Hội thánh từ địa phương đến hoàn vũ cũng được lớn lên.
Bóng mát che chở: Nước Trời, Hội thánh, Ki-tô hữu chúng ta phải là bóng mát cho đời, là nơi đáng tin tưởng cho mọi người tìm lại được an bình nội tâm. Chúng ta có bổn phận làm cho thế giới thêm bình an và xoa dịu mọi đau thương của nhân loại.
2. Sự thâm nhập của Nước Trời làm biến đổi con người và thế giới
Nếu ai đã từng xem cách thức ủ bột, ủ cơm hay ủ trái cây để làm rượu, thì sẽ không lạ gì về công dụng của men.
Men là một loại chất xúc tác, hai công dụng của nó là: thấm nhập và biến đổi những gì men được trộn vào:
Thấm nhập: Chân lý Nước Trời, bản chất Hội thánh là phải thấm nhập vào nhân loại và thế giới trong mọi hoàn cảnh và môi trường. Ngay nơi bản thân Ki-tô hữu phải chấp nhận được trộn lẫn vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, để nhờ đời sống chứng nhân, chúng ta sẽ giúp mọi thứ biến đổi theo Tin Mừng. Chứ không phải như cục men nằm yên sẽ chỉ là vô dụng.
Biến đổi: Chân lý Nước Trời là Lời Chúa, có sức biến đổi tâm hồn mọi người, từ đó biến đổi thế giới theo nền văn minh tình thương. Mỗi Ki-tô hữu được mời gọi sống chứng nhân, nghĩa là bằng đời sống đạo tốt lành của mình làm lay động và biến đổi những tâm hồn nguội lạnh, cũng như có sức thu hút lương dân trở về với Chúa, để cả thế giới cũng được “dậy men” Tin Mừng.
3. Sự chung đụng giữa thiện và ác
Chỉ có duy nhất thánh sử Mát-thêu kể lại dụ ngôn này. Một dụ ngôn chỉ ra nguyên nhân của sự thiện ác từ đâu và chứng minh một thực tế là thiện và ác cùng tồn tại song hành với nhau.
Dụ ngôn này cho biết trong các công việc của Nước Thiên Chúa, vẫn có xen lẫn những công việc của ma quỷ, mà trong giai đoạn sống ở trần gian, nguời ta không thể nào triệt bỏ hết được, chỉ đến ngày tận thế sự phân định mới rõ ràng. Vì thế, dụ ngôn cỏ lùng có mục đích diễn tả lòng kiên nhẫn của Thiên Chúa, Người chấp nhận tốt xấu pha trộn, đợi đến ngày cuối cùng Chúa mới lấy quyền phân xử.
Trong trần gian cũng như trong Giáo hội luôn có những người xấu sống bên cạnh những người tốt, cái thiện và cái ác lẫn lộn. Ánh sáng và bóng tối trong thế giới ta đang sống, thiện và ác trong lòng mọi người, đó là cánh đồng lúa mì mà trong đó cỏ lùng mọc lẫn lộn bên cạnh cây lúa tốt. Còn đối với con người, xấu tốt ở xen lẫn với nhau, vàng thau lẫn lộn, không phân biệt được tốt xấu, hoặc đôi khi đánh giá lầm mà coi người tốt ra người xấu, hoặc người xấu ra người tốt.
Thiên Chúa cho kẻ lành người dữ sống chung với nhau, cũng như cho cỏ lùng và lúa cùng mọc lên, đến ngày tận thế Thiên Chúa mới phân xử, mới tách biệt chiên ra khỏi dê, người lành khỏi kẻ dữ. Trong khi chờ đợi ngày phân xử, chúng ta được mời gọi yêu thương mọi người, nhất là tạo điều kiện cho những kẻ tội lỗi biết sám hối trở về đường lành, còn việc xét xử thì dành cho Thiên Chúa.
Trong Hội thánh và nơi mỗi người có một sự pha trộn thánh thiện và tội lỗi, thiện và ác đó là điều không tránh được. Hội thánh là thánh thiện tự bản chất, nhưng Hội thánh cũng có những con người yếu đuối và tội lỗi, và chúng ta, mặc dầu đã nhận nhiều ân sủng qua phép Rửa tội cũng có khuynh hướng phạm tội.
Như thế, qua dụ ngôn này, chúng ta đừng có ảo tưởng là có thể có một Hội thánh hoàn hảo ở trên trần gian này, trong đó chỉ toàn những người thánh thiện. Trái lại, kẻ lành người dữ sống chung với nhau. Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi cho kẻ dữ biết ăn năn sám hối để được tha thứ.
Tóm lại, Nước Trời được ví như Hội thánh do Chúa Ki-tô thiết lập, là một sự tăng trưởng không ngừng và trở thành bóng mát cho mọi tâm hồn đến trú ẩn. Hội thánh đó hiện diện mọi nơi trên thế giới để biến đổi thế giới và làm dậy men Tin Mừng khắp thế giới. Nhưng Hội thánh đó tuy có biết bao người tốt lành thì vẫn tồn tại những cá nhân tội lỗi núp bóng Hội thánh. Đó là một sự thanh luyện trường kỳ làm cho Hội thánh ngày càng hoàn thiện hơn cho đến ngày được viên mãn trong Chúa Giê-su quang lâm.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức về sứ vụ của mình là làm cho Nước Chúa ngày càng được lớn lên và thấm nhập được vào mọi nơi trên dương gian này. Xin cũng cho chúng con biện phân được sự thiện ác cùng tồn tại ngay trong chính thân phận làm người của chúng con và ngay trong Hội thánh Chúa, để chúng con cùng cộng tác với Chúa mà kiên nhẫn và giúp những tội nhân hoán cải trở về với Ngài. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,30-34
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
II. SUY NIỆM
“SỰ QUÂN BÌNH GIỮA CẦU NGUYỆN VÀ RAO GIẢNG”
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc các Tông Đồ đi rao giảng về hồ hởi báo cáo những thành quả tốt đẹp với Chúa Giê-su, Chúa Giê-su bảo các ông lui vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên, vì nhu cầu của dân chúng khao khát được nghe rao giảng, Chúa Giê-su và các Tông Đồ đã không còn thời giờ nghỉ ngơi vì lòng thương dành cho họ.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta cũng suy niệm hai điểm sau đây:
1. Hoàn cảnh của dân chúng.
Họ giống như đoàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt. Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lê-vi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các Kinh sư, các tiến sĩ luật… Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các Kinh sư chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là lo dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ lo tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa, như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt” (x. Ed 34,2-6). Họ nói mà không làm, lời họ giảng chỉ là những gánh nặng hơn là giải thoát và niềm vui của Lời Chúa. Chính vì thế, sự xuất hiện của Tin Mừng mà Chúa Giê-su và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đặt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giê-su và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.
2. Những giây phút tĩnh lặng.
Trước hết, Chúa Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.
Kế đến, sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giê-su thường rút lui vào yên lặng để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người, họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ, chính vì thế mà Chúa Giê-su cũng muốn các Tông Đồ xa lánh sự tung hô của dân chúng, cũng như tránh đi sự nhầm tưởng không đúng về sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Lại nữa, Chúa Giê-su muốn các Tông Đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hiệp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng Vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa, và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa…
Lạy Chúa Giê-su, cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình chạnh lòng thương của Chúa, để chúng con biết lên đường làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ, hầu cho Nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi, cách riêng trên đất nước chúng con. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 10, 38-42
Trong khi thầy trò đi đường, Đức Giê-su vào làng kia. Có một người phụ nữ tên là Martha đón Người vào nhà. Cô có người em gái tên là Ma-ri-a. Cô này cứ ngồi bên chân Chúa mà nghe lời Người dạy. Còn cô Martha thì tất bật lo việc phục vụ. Cô tiến lại mà nói: “Thưa Thầy, em con để mình con phục vụ, mà Thầy không để ý tới sao? Xin Thầy bảo nó giúp con một tay! ” Chúa đáp: “Martha! Martha ơi! Chị băn khoăn lo lắng nhiều chuyện quá! Chỉ có một chuyện cần thiết mà thôi. Ma-ri-a đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi.”
II. SUY NIỆM
« SỰ QUÂN BÌNH ĐỜI SỐNG »
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc Chúa Giê-su vào nhà Martha và hai chị em lo lắng phục vụ Người theo từng cách riêng của mình. Người ngồi nghe Chúa nói, kẻ bận bịu chuyện cơm nước hầu Người. Câu chuyện được kể trong Tin Mừng hôm nay rằng, có thể Chúa không trách Mác ta vì chỉ lo chuyện phục vụ, nhưng có lẽ Chúa đã trách yêu Martha vì quá lo chuyện phục vụ và ôm đồm mọi thứ, bởi vì mọi người có phận vụ riêng của mình.
Thật ra, câu chuyện Martha và Maria nói lên hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, hai linh đạo chính của đời tu (hoạt động và chiêm niệm).
1. Đừng quá lo lắng việc đời mà quên Chúa.
Martha chọn cách lo việc phục vụ, Maria chọn cách ngồi bên chân Chúa nghe Chúa nói. Cả hai việc đều tốt, nhưng khác nhau ở chỗ là Martha đã quá lo lắng bận rộn với công việc, và Chúa Giê-su đã nhắc Martha là quá lo lắng bối rối về nhiều chuyện, mà quên đi sự cần thiết là ở bên Chúa để lắng nghe Lời Chúa.
Ngày hôm nay, không thiếu người trong chúng ta xem trọng “việc Chúa hơn là lắng nghe Chúa”, bon chen lo lắng việc đời và bỏ quên đời sống cầu nguyện và nghe Lời Chúa.
Mong sao, giữa những bộn bề của một ngày sống, chúng ta vẫn ưu tiên những phút giây cho việc đọc và nghe Lời Chúa.
… Nhiều vị lo lắng công trình xây cất cho giáo xứ mà bỏ bê cả đời sống kinh nguyện. Giáo hội cũng đã khôn ngoan đưa vào luật dạy các Giáo Sĩ phải đọc những giờ kinh buộc, để không ai lấy lý do truyền giáo hay lo việc chung mà miễn cho mình những giây phút ngồi bên Chúa. Bởi vì, chính việc đọc và suy niệm Lời Chúa mới có sức nâng đỡ công việc truyền giáo và nuôi dưỡng đời sống thiêng liêng.
2. Chọn phần tốt nhất là lắng nghe Lời Chúa.
Chính Chúa Giê-su đã khẳng định: Phần tốt nhất chính là ngồi bên Chúa và lắng nghe Người nói.
Hình ảnh cô Maria ngồi nghe Chúa Giê-su hôm nay cho chúng ta một kiểu mẫu khi cầu nguyện, khi gặp gỡ Chúa. Cầu nguyện không chỉ là nói nhiều cho Chúa nghe, mà còn là thinh lặng để nghe Chúa nói với mình.
Khi chúng ta đọc Thánh Kinh, nghe đọc và suy niệm Lời Chúa, là lúc Chúa đang nói với ta. Khi ta ngồi thinh lặng trước Thánh Thể là ta đang lắng nghe nhịp đập yêu thương nơi Trái Tim Chúa. Và trong mọi nơi mọi lúc chúng ta cầu nguyện hay thinh lặng suy gẫm, là lúc chúng ta đang nép mình bên Chúa.
Thật ra, không nên dùng đoạn Tin Mừng này để so sánh về bậc thang giá trị của việc phục vụ và cầu nguyện, hay để cho rằng ơn gọi chiêm niệm hơn ơn gọi hoạt động. Bởi nếu ai cũng như Maria lo ngồi nghe Chúa nói thì lấy ai lo bữa ăn cho Chúa Giê-su và các môn đệ, hay nếu ai cũng như Martha lo chuyện bếp núc thì lấy ai tiếp chuyện với Người. Nhưng cần phải hiểu cách nói của Chúa Giê-su là “tốt nhất” chứ không phải “tốt hơn”, nghĩa là không phải cái này tốt hơn cái kia, mà là mọi người có cách phục vụ Chúa bằng bổn phận riêng của mình được coi là tốt nhất trong ơn gọi mình và đấng bậc mình. Điều đáng trách chính là muốn ôm đồm mọi việc cho mình, lấn vào cả công việc của người khác rồi ganh tỵ với người khác.
Tóm lại, trong việc giữ đạo và sống đạo, chúng ta phải biết làm sao để trung hòa được việc lo toan cho cuộc sống và việc lắng nghe Lời Chúa. Nếu không, lời Chúa được gieo nơi tâm hồn chúng ta sẽ như hạt giống rơi vào bụi gai bị bóp nghẹt, nghĩa là Lời Chúa sẽ bị chết yểu bởi những tân toan lo lắng sự đời.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức nơi cuộc sống dương gian này, chúng con có hai phận vụ của việc phụng sự Chúa, và cũng là hai chiều kích của việc rao giảng Tin Mừng, đó là vừa sống kết hiệp với Chúa vừa dấn thân phục vụ anh chị em. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post