THỨ BẢY TUẦN XV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 12,14-21
Nhóm Pha-ri-sêu bàn bạc để tìm cách giết Đức Giê-su.
Biết vậy, Đức Giê-su lánh khỏi nơi đó. Dân chúng theo Người đông đảo và Người chữa lành hết. Người còn cấm họ không được tiết lộ Người là ai. Như thế là để ứng nghiệm lời ngôn sứ I-sai-a đã nói: “Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân. Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người.
II. SUY NIỆM
Hôm nay, thánh sử Mát-thêu trích dẫn lời ngôn sứ Isaia trong “bài ca thứ nhất về Người Tôi Trung của Thiên Chúa”, chứng thực rằng lời ngôn sứ đã ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su.
Có thể nói, bốn bài ca về Người Tôi Trung trong sách Isaia được áp dụng cho Chúa Giê-su cách rõ nét nhất và hầu như đã nên ứng nghiệm trọn vẹn nơi Người (x. Is 42,1; 49,1; 50,4; 52,13). Bài ca thứ nhất mà thánh sử Mát-thêu trích dẫn hôm nay, vừa nói lên nguồn gốc thiên tính của Chúa Giê-su vừa nói về tính nhân bản của Người.
1. Nguồn gốc thiên tính của “Người Tôi Trung”
“Đây là người Tôi Trung Ta đã tuyển chọn, đây là người Ta yêu dấu: Ta hài lòng về Người. Ta cho Thần Khí Ta ngự trên Người. Người sẽ loan báo công lý trước muôn dân” (Mt 12,18).
Lời tiên báo này của Isaia được Mát-thêu trích lại, đã ứng nghiệm rõ nét nơi Đức Giê-su trong biến cố Người chịu phép rửa tại sông Giođan và hiển dung trên núi Tabo. Cả hai biến cố đều có lời chứng thực của Chúa Cha nói với Chúa Giê-su: “Này là Con Ta yêu dấu, ta hài lòng về Người”; và trong biến cố chịu phép rửa, Thần Khí đã lấy hình bồ câu ngự xuống trên Người. Điều đó chứng minh rằng, Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa mặc lấy nhân tính để loan báo công lý trước mặt muôn dân.
Như thế, bên trong thân xác phàm nhân của Chúa Giê-su có ẩn chứa bản tính Thiên Chúa và bên trong cuộc khổ nạn tủi nhục có gieo sẵn mầm mống Phục Sinh vinh quang.
Sứ điệp này cũng liên hệ đến cuộc đời chúng ta là giống như Đức Ki-tô, mỗi người chúng ta cũng có hai chiều kích, một thuộc về nhân tính, một thuộc về thiên tính. Mỗi người chúng ta đều mang trong mình một nét giống Ađam và một nét giống Thiên Chúa, bên trong mỗi thân xác có hiện diện của một linh hồn và bên trong mỗi con người phàm trần có ẩn tàng mầm mống thần linh.
2. Phẩm tính nhân bản của “Người Tôi Trung”.
“Người sẽ không cãi vã, không kêu to, chẳng ai nghe thấy Người lên tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi, cho đến khi Người đưa công lý đến toàn thắng, và muôn dân đặt niềm hy vọng nơi danh Người” (Mt 12,19-21).
Không cãi vã, không lớn tiếng: Đó là tính cách nhân bản thể hiện nơi Con Thiên Chúa. Chúa Giê-su không hiếu động và hiếu thắng như hình ảnh về Đấng Cứu Thế mà người Do-thái quan niệm, nhưng Chúa Giê-su như một Người Tôi Trung của Thiên Chúa đầy khiêm tốn và hiền hậu. Đức tính nhân bản này được nuôi dưỡng và phong phú bởi lòng nhân từ thương xót của Thiên Chúa luôn quan tâm, nâng đỡ, bênh vực những người bất hạnh và những người không có địa vị trong xã hội.
Cây lau bị giập, Người không đành bẻ gãy, tim đèn leo lét, chẳng nỡ tắt đi: Có lẽ đây là nét đẹp nhất nơi Người Tôi Trung mà Isaia tiên báo. Đấng Ki-tô không phân biệt và loại trừ ai và sẵn sàng dang tay đón nhận hết mọi người, dẫu chỉ còn một tia hy vọng le lói Người cũng cố gắng phục hồi họ; Người vẫn nhẫn nại đợi chờ tội nhân trở về để cứu độ họ. Người “không bẻ gãy cây lau đã giập, không dập tắt tim đèn còn khói”, nhưng tìm cách nâng đỡ và cứu chữa, vì sứ mệnh của Người là “đến tìm và cứu chữa những gì đã hư mất”, bởi Người là niềm hy vọng cho dân ngoại và toàn nhân loại.
Lạy Chúa Giê-su, xin giúp chúng con học với Ngài đức tính nhân bản là khiêm tốn và nhẫn nại yêu thương hết mọi người không loại trừ ai, để cùng với Ngài, chúng con cũng xứng đáng được Thiên Chúa Cha hài lòng và nhận làm “con yêu dấu” của Người. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post