CHÚA NHẬT XXXI THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 23,1-12
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với dân chúng và các môn đệ Người rằng: “Các Kinh sư và các người Pha-ri-sêu ngồi trên toà ông Mô-sê mà giảng dạy. Vậy, tất cả những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, còn những việc họ làm, thì đừng có làm theo, vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ thì lại không buồn động ngón tay vào. Họ làm mọi việc cốt để cho thiên hạ thấy. Quả vậy, họ đeo những hộp kinh thật lớn, mang những tua áo thật dài. Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi”.
“Phần anh em, thì đừng để ai gọi mình là “ráp-bi”, vì anh em chỉ có một Thầy; còn tất cả anh em đều là anh em với nhau.Anh em cũng đừng gọi ai dưới đất này là cha của anh em, vì anh em chỉ có một Cha là Cha trên trời. Anh em cũng đừng để ai gọi mình là người lãnh đạo, vì anh em chỉ có một vị lãnh đạo, là Đức Ki-tô. Trong anh em, người làm lớn hơn cả, phải làm người phục vụ anh em. Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống, sẽ được tôn lên.
II. SUY NIỆM
“BẤT NHẤT”
Bài Tin Mừng hôm nay là những lời cảnh báo của Chúa Giê-su cho dân biết lối sống tự tôn và giả hình của các nhà thông luật Do-thái:
1. Giả hình và tự tôn
Các người Pharisiêu với áo vàng mũ miện đai nịt màu mè, nhưng trong tâm hồn đầy những đam mê và suy nghĩ xấu xa. Họ sống đóng kịch và khoe khoang khi muốn tỏ ra cho những người xung quanh thấy những việc làm của họ để được ca tụng. Người Pharisiêu thích chiếm chỗ nhất nơi công cộng, họ bắt người ta bái chào kính trọng họ ngoài đường phố, họ tự tôn, tự đại, tìm giá trị, danh giá bên ngoài mà bên trong thì đáng chê trách vì cuộc sống thiếu đạo đức đích thực. Chúng ta cũng dễ bị ảnh hưởng điều này, vì cám dỗ lớn nhất của con người là đam mê quyền lực, ai cũng mong muốn được ăn trên ngồi trốc, được mọi người tung hô kính trọng… để rồi từ đó làm mọi cách (cho dù là đê tiện thấp hèn) để đạt được mục đích chức quyền…
Không ít người trong chúng ta cũng thường tìm cách che giấu sự thật về con người của mình khi không khiêm tốn đón nhận những khuyết điểm của mình, không đón nhận sự thật về con người của mình. Lời Chúa mời gọi chúng ta trong khi lo trang điểm cho mình vẻ đẹp bề ngoài, thì cũng lo trang sức cho tâm hồn những nhân đức thánh thiện, lo cải hoá đời sống để được đổi mới trong mọi sự.
2. Nói mà không làm
Lời nhận xét dành riêng cho người thông luật là: “Họ chất trên vai kẻ khác những gánh nặng không thể gánh nổi, còn chính các người, thì dù một ngón tay cũng không động vào”. Thật vậy, nhiều tiến sĩ luật Do-thái ưa nói về luật cách tỉ mỉ, nhưng lời nói của họ không đi đôi với việc làm, nói một đàng làm một nẻo, lo tô vẽ cho cái bề ngoài nhằm che đậy sự xấu xa lợi dụng trong lòng họ. Họ dạy luật thì để cho dân giữ, còn chính họ lại không làm gương, họ dùng luật làm thứ bình phong che chắn và làm lợi cho họ, còn dân chúng thì cảm thấy nặng nề, để rồi thay vì yêu mến và tự nguyện, họ chỉ giữ vì buộc phải giữ và luật trở thành gánh nặng đè trên vai họ.
Thật ra, điều này không xa lạ gì với chúng ta hôm nay, vẫn còn đó đây những vị này vị nó thuyết thì hay nhưng lại tự chuẩn cho mình; dạy dỗ người ta nhưng chính mình lại không giữ, thậm chí còn tệ hơn – ngôn hành bất nhất. Lại nữa, chỉ thấy người khác phạm luật và trách mắng họ, nhưng thực tế thì “suy bụng ta ra bụng người” – chính mình còn bê bối hơn cả những gì mình trách người… Xin Chúa giúp chúng ta, biết dùng chính hành động làm cho lời nói có giá trị, nghĩa là khi muốn ai giữ luật, thì mình phải biết làm gương trước – ngôn hành như nhất.
3. Đừng gọi ai dưới đất là Thầy hay là Cha
Có lẽ không ít người khi đọc đoạn Tin Mừng này sẽ thắc mắc, tại sao Chúa nói thế mà ngày nay mình vẫn gọi các linh mục là Cha và các tu sĩ hay giáo lý viên là thầy. Chúng ta cần hiểu rằng từ “gọi” hay “kêu” trong ngôn ngữ Phương Đông cách riêng người Do-thái hiểu là nhận người đó làm “chủ” đời mình, hay “lý tưởng” cuộc đời mình, hoặc “tôn thờ” như vị chúa của mình, rồi hoàn toàn lệ thuộc và phục tùng họ, giống như các đệ tử Khổng Tử sống hoàn toàn theo giáo thuyết của Nho Đạo. Tóm lại “gọi” hay “kêu” ở đây là đệ tử sống theo giáo thuyết và học đòi lối sống của sư phụ.
Hiểu như thế, có nghĩa là Chúa Giê-su chỉ muốn các môn đệ và cả chúng ta chỉ tôn thờ một Thiên Chúa, và noi bước theo một vị thầy duy nhất là Chúa Giê-su Ki-tô mà thôi. Chúng ta gọi các linh mục là cha hay tu sĩ là thầy không phải để “tôn thờ” hay “lệ thuộc” các ngài, nhưng nhìn nhận các ngài như là tôi tớ của Thiên Chúa hướng dẫn chúng ta tôn thờ Thiên Chúa và bước theo con đường Chúa Giê-su đã đi.
Mọi người chúng ta được Chúa mời gọi mỗi người mỗi công việc bổn phận trong Hội thánh, chúng ta hãy học lấy tinh thần khiêm tốn và hăng say phục vụ vì lòng yêu mến, chứ không phải ham muốn chức quyền và danh vọng để được hơn người…
Khi có trách nhiệm lãnh đạo, chúng ta cần có tinh thần phục vụ hơn háo danh, ý thức trách nhiệm của mình hơn đòi hỏi người khác. Ai làm lớn thì phải phục vụ anh em, ai làm đầu thì phải làm đầy tớ mọi người.
Lạy Chúa Giê-su, xin dạy chúng con biết khiêm tốn trong bậc sống và trách nhiệm Chúa giao phó, để chúng con không tìm vinh quang cho riêng mình mà là Chúa được vinh danh trong chính cuộc sống của mọi người chúng con. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 12,28b-34
Khi ấy, có một người trong các Kinh sư hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào đứng đầu? ” Đức Giê-su trả lời: “Điều răn đứng đầu là: Nghe đây, hỡi Ít-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất. Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức lực ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Chẳng có điều răn nào khác lớn hơn các điều răn đó.” Ông Kinh sư nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, hay lắm, Thầy nói rất đúng. Thiên Chúa là Đấng duy nhất, ngoài Người ra không có Đấng nào khác. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực, và yêu người thân cận như chính mình, là điều quý hơn mọi lễ toàn thiêu và hy lễ.” Đức Giê-su thấy ông ta trả lời khôn ngoan như vậy, thì bảo: “Ông không còn xa Nước Thiên Chúa đâu! ” Sau đó, không ai dám chất vấn Người nữa.
II. SUY NIỆM
“MẾN CHÚA – YÊU NGƯỜI”
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc một tiến sĩ luật của Do-thái đến hỏi Chúa Giê-su về điều răn quan trọng nhất. Chúa Giê-su đã không trả lời trực tiếp về giới răn nào trong thập điều, nhưng đưa ra hai điều gồm tóm tất cả mọi lề luật. Đó là mến Chúa và yêu người.
Không ít người đã tách rời hai giới luật Mến Chúa và Yêu Người thành hai và không có tương quan gì với nhau: Phần nhiều coi trọng việc giữ đạo nhà thờ nhưng lại không quan tâm đến đồng loại, và ngược lại, cũng không ít người lại chủ trương đạo ‘tại tâm” mà quên việc bổn phận dành cho Chúa.
Chúa Giê-su khẳng định lại hai giới răn quan trọng nhất và liên hệ không thể tách rời nhau là Mến Chúa – Yêu Người được nói tới trongThập Điều. Thật vậy, Thập Điều được Chúa ban cho Môisen trên núi Sinai tóm gọn lại trong hai điều (mười điều răn ấy tóm lại hai điều này mà chớ…): ba điều trước tập chú về việc MẾN CHÚA TRÊN HẾT MỌI SỰ và bảy điều sau nói đến bổn phận YÊU NGƯỜI NHƯ MÌNH TA VẬY.
1. Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn.
Hết lòng: Nghĩa là với cả tâm của mình, với cả trái tim của mình, nghĩa là với cả ý chí và tự do.
Hết linh hồn: Linh hồn luôn hướng lên Chúa trong cầu nguyện tâm sự với Chúa, tham dự Thánh Lễ và các Giờ Kinh cùng những bổn phận trong bổn đạo.
Hết trí khôn: Với cả tri thức và ý thức trong mọi việc mình làm thể hiện tình yêu với Chúa.
Tóm lại, tình mến dành cho Chúa là ưu tiên hàng đầu trong việc sống đạo, với tâm tình của một người con của Thiên Chúa.
Thế nhưng, như thánh Gio-an Tông Đồ nói: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình.” (1Ga 4, 20-21). Chính vì vậy mà ai đã yêu mến Chúa trên hết mọi sự thì cũng biết yêu thương tha nhân như chính mình.
2. Yêu thương kẻ khác như chính mình ngươi.
Yêu như chính mình là gì? Trong Cựu Ước, sách Tobia đã nói tới nhưng còn mang vẻ tiêu cực là: “Những gì con không muốn kẻ khác làm cho mình, thì cũng ĐỪNG LÀM điều đó cho người ta” (Tb 4, 14), nhưng sang Tân Ước, Chúa Giê-su dạy theo hướng tích cực: “Điều con muốn người khác làm cho mình thì hãy làm cho người ta” (Mt 7, 12 // Lc 6,31).
Thế nhưng đó mới chỉ là yêu tha nhân bằng mình, mà chúng ta thực hành được đã là chu toàn lề luật rồi. Nhưng càng tốt hơn khi chúng ta dám yêu tha nhân hơn cả chính mình, mới thực sự nên giống Chúa Giê-su, Đấng đã dám thí mạng mình vì yêu, Đấng đã chịu đói khát cho chúng ta được giàu sang. Các thánh Tử Đạo cũng đã dám hy sinh chết đi cho chúng ta được đức tin vào Thiên Chúa. Đó là mức độ cao nhất trong tình yêu là agapê – vượt lên trên mọi so đo tính toán, chứ không như eros (chiếm hữu) hay philia (có qua có lại) theo cách phân tích của người Hy Lạp
Tình yêu không phải chỉ thương ở trong lòng hay là nói nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm (x. 1Ga 3,18). Làm sao ta có thể hiến mạng sống mình vì anh em, nếu như không tập từ những cái nho nhỏ như: mong muốn người khác được hạnh phúc, vui, sướng, “được sống và sống dồi dào hơn”. Vui với họ, buồn cùng họ. Chia sẻ từng miếng cơm, từng tấm áo, từng lời động viên, an ủi, cũng như không nói hành nói xấu người khác,… Làm được những điều nhỏ nhoi như thế, thì ta đã yêu thương họ cách chân thành, và khi cần thì cũng có thể hiến mạng sống vì họ (x. 1Ga 3, 17).
Thánh Bênađô nói: “Mức độ của yêu thương là yêu thương không mức độ” và thánh Augustino cũng dạy: “Bạn hãy cứ yêu đi rồi làm gì hãy làm”. Nghĩa là lòng thương xót, yêu thương và bác ái chúng ta không đặt ra cho nó một giới hạn, nhưng là hãy làm những gì chúng ta có thể làm được, và dù làm việc lành gì đi nữa, mà trong việc làm đó không có sự yêu mến thì cũng vô ích mà thôi.
Chúng ta là thân cận của mọi mảnh đời trong xã hội, nhưng đã bao giờ chúng ta phớt lờ hoàn cảnh tang thương của họ, vì những lý do “được coi là thánh thiện và lề luật”…?
Lời Thánh Thi trong giờ Kinh Sách có câu:
“Cúi lạy Ngài, cho tai con nghe rõ,
Tiếng tha nhân cầu khẩn lượng hải hà,
Họ khổ đau, họ kêu gào than thở,
Ðừng để con cứ giả điếc làm ngơ.
Cúi lạy Ngài, xin mở rộng tay con,
Luôn nắm lại giữ khư khư tất cả,
Trước cửa nhà có người nghèo đói lả,
Xin dạy con biết chia sẻ vui lòng”.
Tóm lại: Mến Chúa và yêu người là hai tương quan của một nhân vị, vừa mang chiều kích tôn giáo vừa mang chiều kích xã hội. Con người sống tương quan hàng dọc với Thiên Chúa và tương quan hàng ngang với tha nhân. Ki-tô hữu sống mầu nhiệm đức ái bao gồm hai chiều kích này không thể tách rời nhau: Không thể nói mến Chúa mà lại không yêu người, chính thánh Gio-an Tông Đồ cũng đã khẳng định điều đó.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho con luôn thấy Chúa hiện diện nơi mọi người chúng con gặp gỡ, để khi thực thi đức bác ái yêu thương với đồng loại, chúng con biết rằng, chúng con đang làm vì lòng yêu mến Chúa và có sức cứu độ các linh hồn. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 19,1-10
Sau khi vào Giê-ri-khô, Đức Giê-su đi ngang qua thành phố ấy. Ở đó có một người tên là Da-kêu; ông đứng đầu những người thu thuế, và là người giàu có. Ông ta tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai, nhưng không được, vì dân chúng thì đông, mà ông ta lại lùn. Ông liền chạy tới phía trước, leo lên một cây sung để xem Đức Giê-su, vì Người sắp đi qua đó. Khi Đức Giê-su tới chỗ ấy, thì Người nhìn lên và nói với ông: “Này ông Da-kêu, xuống mau đi, vì hôm nay tôi phải ở lại nhà ông! “ Ông vội vàng tụt xuống, và mừng rỡ đón rước Người. Thấy vậy, mọi người xầm xì với nhau: “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ! “ Ông Da-kêu đứng đó thưa với Chúa rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn.” Đức Giê-su mới nói về ông ta rằng: “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham. Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất.”
II. SUY NIỆM
“GẶP CHÚA – BIẾN ĐỔI”
Bài Tin Mừng hôm nay lại một lần nữa cho ta thấy, Chúa luôn sẵng sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Người. Điều quan trọng là phải tìm gặp Người, đón Người vào nhà, bỏ lại quá khứ và cải hoá đời sống. Câu chuyện Giakêu trong Tin Mừng cho ta thấy rõ điều đó.
1. Tìm gặp Chúa và biến đổi.
Một trong những tội bị ghét nhất từ cổ chí kim là “cõng rắn cắn gà nhà”, hay là “nối giáo cho giặc”, vì dám cộng tác với ngoại bang để làm khổ anh em đồng bào của mình. Là nhân viên thuế vụ, Giakêu làm việc cho Rô-ma đang cai trị dân tộc Do-thái, sưu cao thuế nặng, ức hiếp dân lành và làm giàu trên mồ hôi, nước mắt của dân. Người Do-thái thời ấy coi kẻ thu thuế là vừa phản đạo vừa phản quốc và coi họ đứng hàng ngang với gái điếm, phải bị bị loại trừ bằng vạ tuyệt thông cách ly. Không ai thèm chơi với họ. Họ chỉ chơi với quân xâm lược La-mã và những tín đồ cặn bã của các Hội đường. Giakêu biết tất cả những điều ấy nhưng ông vẫn bất chấp, vì đổi lại ông được chức vụ rất hấp dẫn, đem lại của cải giàu sang.
Thế rồi, một ngày kia, Giakêu bỗng tò mò muốn thấy Chúa Giê-su là người thế nào mà được nhiều người luôn vây kín để nghe Người nói chuyện. Kẹt cho ông là ông quá lùn, mà người vây quanh Chúa Giê-su lại đông, hơn nữa ông lại mặc cảm vì nghề nghiệp bị mọi người dị nghị , nên ông có sáng kiến là trèo lên nấp trên cây sung để nhìn lén Chúa.
Như thế, điều kiện đầu tiên để được Chúa đón nhận, trước hết là phải tìm gặp Người, điều kiện thứ hai là phải vượt qua sự mặc cảm của quá khứ, đặc biệt là vượt qua mọi thứ ngăn cản mình đến với Chúa.
Chúa nhận ra Giakêu và Người đã gọi ông, ông vui mừng, vượt qua mọi mặc cảm, ông đón người vào nhà mở tiệc khoản đãi. Rồi ông đã đứng lên hứa với Chúa sẽ dùng nửa gia tài để phân phát chia sẻ cho người nghèo, và đền trả những gì thiệt hại mà ông đã gây ra cho kẻ khác. Lạ thật, gặp được Chúa, có Chúa đến trong nhà mình, ông Giakêu từ một con người chỉ biết tham lam vơ vét của cải, bây giờ lại biến đổi 180 độ, trở lành con người bác ái yêu thương.
Như vậy, khi đã gặp được Chúa và đón rước Chúa vào tâm hồn, con người được biến đổi hoàn toàn.
2. Chúa kêu gọi người tội lỗi.
Một nhà thương mà chỉ nhận săn sóc cho người mạnh khỏe thì quả thật là một nhà thương tồi tệ, bởi người khoẻ mạnh thì không cần đến bác sĩ… Cũng thế, Chúa Giê-su không còn là Ðấng Cứu Thế nữa, nếu Người chỉ muốn tiếp xúc với những con người tự phụ cho mình là công chính không cần đến Thiên Chúa.
Luật Do-thái coi ai tiếp xúc với kẻ thu thuế là đồng loã với tội lỗi và bị nhiễm uế, Chúa Giê-su vượt trên tất cả, Người đến đồng bàn trong bữa tiệc “tạ ơn”, “giải nghệ” và “chia tay đồng nghiệp” của Giakêu.
Người Do-thái coi người thu thuế, một hạng người được coi làm tay sai cho ngoại bang, làm tay sai cho Ðế Quốc La-mã thời đó, một hạng người mang tiếng ăn bẩn, tội lỗi và không tốt. Chúa lại nghĩ khác vì Chúa thấu suốt tâm can của con người. Biệt phái, Pharisiêu, tư tế, thông luật luôn nghĩ xấu cho người khác. Chúa nói với họ: “Ta đến không để gọi những người công chính mà là gọi những người tội lỗi” và “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần “.
Đến với người thu thuế không có nghĩa là đồng loã với họ. Đến với họ, để mở cho họ con đường trở về.
Còn chúng ta, nếu lúc này, ai đang sống trong tội, hãy mau “trèo lên cao” rũ bỏ quá khứ mà tìm gặp Chúa, đón Chúa vào căn nhà tâm hồn mình, để được Chúa ban ơn giúp chúng ta biến đổi nên con người mới.
Chúng ta cũng hãy học theo Chúa với cái nhìn bao dung và không thành kiến với mọi người, để rồi chúng ta không ngần ngại đến với những người tội lỗi và đem họ về với Chúa…
Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn sẵng sàng đón nhận bất kỳ ai trở về với Chúa, xin cho chúng con luôn tìm gặp Ngài và đón Ngài vào tâm hồn, để rồi nhờ ơn Chúa, chúng con bỏ lại quá khứ và cải hoá đời sống, hầu xứng đáng trở nên người môn đệ của Chúa. Amen
Discussion about this post