CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 10,26-33
“Anh em đừng sợ người ta. Thật ra, không có gì che giấu mà sẽ không được tỏ lộ, không có gì bí mật, mà người ta sẽ không biết. Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng.
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn. Đúng hơn, anh em hãy sợ Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác trong hoả ngục. Hai con chim sẻ chỉ bán được một hào phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em. Thì đối với anh em cũng vậy, ngay đến tóc trên đầu anh em, Người cũng đếm cả rồi. Vậy anh em đừng sợ, anh em còn quý giá hơn muôn vàn chim sẻ.
“Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn ai chối Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ chối người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời.
II. SUY NIỆM
“TÍN THÁC VÀO CHÚA QUAN PHÒNG”
Bài Tin Mừng trước hết nói lên ý nghĩa về sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng làm chủ thời gian và không gian, làm chủ vận mệnhcủa vũ trụ và thế giới, làm chủ cuộc đời của mọi người chúng ta. Vì thế, Chúa mời gọi chúng ta tin vào bàn tay quan phòng của Chúa, Từ đó chúng ta mới đủ can đảm để dấn thân cho sự nghiệp Nước Chúa.
1. Tín thác vào Chúa Quan Phòng.
Con người không được bình an là quá lo lắng về của cải vật chất, để rồi trằn trọc nghĩ suy tính toán, lấn chiếm hết cả thời giờ nghỉ ngơi và cầu nguyện, dẫn đến mất cả niềm tin vào sự an bài của Thiên Chúa.
Chúa Giê-su không chủ trương cho chúng ta lười biếng hay ỷ lại, mà là muốn chúng ta đừng quá tin cậy vào sức mình, nhưng cần đến sự tin tưởng phó thác với sự quan phòng của Thiên Chúa. Sự tin tưởng vào Chúa Quan Phòng, không có tính cách thụ động, khoanh tay ngồi chờ “trời sinh voi, trời sinh cỏ”, không phải thái độ vô vi, yếm thế, buông trôi. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho. “Đức tin chân chính phải thể hiện bằng việc làm”, càng tin, càng phải đem “hết sức mình, hết lòng, hết trí khôn, hết linh hồn” cộng tác vào công trình sáng tạo và cứu thế của Thiên Chúa; biết xây dựng trần thế tốt đẹp như khi Người dựng nên mọi sự tốt đẹp; biết xây dựng Nước Trời cho tình thương của Thiên Chúa trải rộng khắp mọi người.
Chúa Giê-su đưa ra một bằng chứng cụ thể để nâng đỡ đức tin của chúng ta vào sự quan phòng của Thiên Chúa đối với thụ tạo thượng đẳng của Người: “Chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến”, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giê-su Ki-tô cứu chuộc bằng chính giá máu của Người.
2. Can đảm dấn thân vì Chúa.
Cha ông chúng ta thường nói rằng: “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”. Nghĩa là con cái và cháu chắt thừa kế nhiều nét giống nhau từ cha mẹ và ông bà mình.
Chúa Giê-su từng nói: “Trò không hơn Thầy và tôi tớ không hơn chủ” (Mt 10,24). Nghĩa là Chúa Giê-su thế nào thì những ai theo Chúa cũng như vậy. Ki-tô hữu là những người phải nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giê-su.
Điều mà Chúa Giê-su nói môn đệ sẽ giống như Người trước hết chính là chịu chung số phận bách hại như Thầy từng phải chịu: “Chủ nhà mà người ta còn gọi là Bê-en-dê-bun, huống chi là người nhà” (Mt 10,26).
Tuy nhiên, Chúa Giê-su cũng đòi hỏi một cách dứt khoát cho những ai dám bước theo Người là: “Hễ ai xưng nhận Thầy trước mặt người đời, thì Con Người cũng sẽ xưng nhận nó trước mặt các thiên thần của Thiên Chúa; nhưng ai chối bỏ Thầy trước mặt người đời, thì sẽ bị chối bỏ trước mặt thiên thần của Thiên Chúa”.
Ngày nay, không có chuyện bách hại nhãn tiền như thời các thánh tử đạo, nên chúng ta cũng không còn phải tuyên xưng đức tin cách trực tiếp như các chứng nhân xưa nữa. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn tuyên xưng hoặc chối Chúa qua những cách sống sau đây:
Những ai dám sống thật, dám làm chứng cho Chúa và cho sự thật thì cái giá họ phải trả là chịu bách hại đủ đường từ chính thể chế chúng ta đang sống cũng như mất đi những cơ hội tiến thân…
Sống đạo, rất cần sự thể hiện ra thực tế, nhưng không ít những người tự cho mình “giữ đạo tại tâm”, không còn tham gia các hoạt động sinh hoạt Công giáo, không tham dự các Bí tích, nhất là thánh lễ, bỏ xưng tội rước lễ lâu năm… Hành động ngược lại với giáo huấn của Chúa và Hội thánh. Đặc biệt, vì lo bon chen cuộc sống hằng ngày, chúng ta quên mất sự hiện diện của Chúa, bỏ bê các việc đạo đức. Đó là chúng ta vừa không tuyên xưng Chúa, vừa gián tiếp chối đạo.
Hoặc để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… chúng ta đã giấu diếm nguồn gốc Công giáo của mình. Chúng ta muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…Ngay cả việc ‘làm dấu thánh giá trước bữa ăn’ khi ăn chung nơi công cộng chúng ta còn thẹn thùng che đậy… Đó là mặc nhiên chúng ta đang chối Chúa.
Hay khi chúng ta gặp thử thách thất bại, hoặc cầu nguyện chưa được nhận lời, đã thất vọng chê trách Chúa và nghi ngờ sự hiện hữu của Chúa. Đó cũng là một hình thức chối đạo…
Lạy Chúa Giê-su, khi được dìm vào trong Bí tích Thánh Tẩy, chúng con đã được nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Xin cho chúng con luôn ý thức mình là Ki-tô hữu, là con cái Chúa, và chúng con càng nên giống Chúa hơn trong mọi thử thách đau thương, để không có gì có thể tách chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
II. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 4,35-41
Hôm ấy, khi chiều đến, Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Chúng ta sang bờ bên kia đi! ” Bỏ đám đông ở lại, các ông chở Người đi, vì Người đang ở sẵn trên thuyền; có những thuyền khác cùng theo Người. Và một trận cuồng phong nổi lên, sóng ập vào thuyền, đến nỗi thuyền đầy nước. Trong khi đó, Đức Giê-su đang ở đàng lái, dựa đầu vào chiếc gối mà ngủ. Các môn đệ đánh thức Người dậy và nói: “Thầy ơi, chúng ta chết đến nơi rồi, Thầy chẳng lo gì sao? ” Người thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: “Im đi! Câm đi! ” Gió liền tắt, và biển lặng như tờ. Rồi Người bảo các ông: “Sao nhát thế? Làm sao mà anh em vẫn chưa có lòng tin? ” Các ông hoảng sợ và nói với nhau: “Vậy người này là ai, mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh? “
II. SUY NIỆM
“CHÚA HIỆN DIỆN”
Hội thánh bước đi trong thế giới, song hành để chia sẻ “vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng” với nhân loại, hầu cho muôn người ý thức sự hiện hữu của Thiên Chúa và hướng mọi người về ơn cứu độ.
Hội thánh khắc khoải ưu tư với thực trạng thế giới, nhập thế giữa lòng thế giới cùng với sự văn minh và suy thoái của nó, cách riêng là lời cảnh tính cho thế giới càng văn minh về vật chất càng suy thoái về những giá trị luân lý đạo đức tinh thần.
Thật vậy, thế giới ngày hôm nay tuy đang đạt tới đỉnh cao của khoa học kỹ thuật, nhưng cũng đang đạt tới “đỉnh điểm” của sự thực dụng, hưởng thụ dục vọng và tôn thờ vật chất; các tương giao giữa người với người và tương giao hữu nghị giữa các nước dựa trên kinh tế lợi nhuận và vũ khí chiến lược hơn là tương giao nhân ái, tương trợ và hoà bình. Giới trẻ học hỏi nhau phong cách hưởng thụ hơn là những kiến thức bổ ích cho xã hội, học hỏi các “mốt” thời trang và các trò tiêu khiển hơn là giá trị đạo đức và tinh thần. Đặc biệt tìm thoả mãn dục vọng và coi thường sự sống, mất dần ý thức về tội lỗi; sự dữ lan tràn và nhân loại sống như “Thiên Chúa không hiện hữu”.
Có thể nói, thảm kịch đồi Calvê ngày xưa khi Đức Giê-su gục đầu tắt thở (chết) thì lúc đó bóng đêm bao phủ địa cầu (x. Mt 27,45-50 // Mc 15,33-38 //Lc 23,44-46), đang xảy ra nơi thế giới ngày hôm nay, khi mà bóng tối sự dữ và tội lỗi đang bao phủ, thì phải chăng Thiên Chúa đã vắng bóng hoặc Thiên Chúa chết rồi?
“Thiên Chúa vẫn sống và hằng sống” – Đó là chân lý mà mọi Ki-tô hữu phải trả lời và là câu trả lời cho thế giới biết. Tuy nhiên, có thể nói, Thiên Chúa dường như ẩn mặt và vắng bóng trên sự tự do của nhân loại và Thiên Chúa cần những chứng nhân làm cho nhân loại thấy Thiên Chúa vẫn luôn hiện diện và chờ đợi sự hoán cải của họ. Hình ảnh “một Chúa Giê-su đang ngủ trên thuyền” rất cần đến “đức tin” của người môn đệ.
Câu chuyện thầy trò Chúa Giê-su và các môn đệ vượt biển đã gặp phải cuồng phong đe dọa, cho chúng ta hình ảnh một Đức Giê-su Con Thiên Chúa đầy quyền năng trừ phong dẹp vũ, trong một con người Giê-su mệt mỏi nằm ngủ trên thuyền sau một ngày làm việc vất vả.
Câu chuyện này gợi lại hình ảnh được nói tới trong Thánh Vịnh 78:
“Bấy giờ Chúa như người đang ngủ,
như tướng hùng đã thấm men say,
bỗng tỉnh giấc, đánh cho quân thù quay lưng chạy,
phải thảm thê nhục nhã muôn đời”.
(Tv 78,65-66).
Kẻ thù ở đây là biển cả cuồng phong. Theo não trạng người Do-thái, biển là biểu tượng của quyền lực ma quỷ. Mỗi ngày, biển cũng nhắc mọi người nhớ lại thời hỗn mang nguyên thủy: tại đây hải thần thủy quái vẫy vùng và chỉ có một mình Thiên Chúa Toàn Năng mới chế ngự được chúng. Khi Chúa Giê-su thức dậy “ngăm đe gió và biển” như khi Người truyền cho ma quỷ (x. Mc 1,25), cho thấy Chúa Giê-su chứng tỏ thần lực của Người trên quyền lực sự dữ.
Chúa Giê-su chứng minh sức mạnh và sự phát triển không có gì chống lại được của Nước Thiên Chúa. Người chứng tỏ điều này bằng một dấu chỉ quyền năng là phép lạ dẹp tan sóng gió trước khi đi vào miền đất dân ngoại, nghĩa là chiến thắng của Tin Mừng trên ma quỷ vượt ra ngoài biên giới Israel.
Khi đối mặt với mọi hình thức sự dữ đang tấn công con người trong các trận cuồng phong nó gây nên, đôi khi chúng ta tự hỏi: Phải chăng Thiên Chúa đang ngủ?
Thật vậy, cảm nhận của con người giữa biển đời lắm khi như Thiên Chúa ẩn mình hay vắng bóng. Và rồi giữa phong ba bão tố cuộc đời, con người lựa chọn đương đầu ít nhất với ba cách:
Dùng sức mình để vật lộn với sóng gió để rồi thất bại tuyệt vọng,
Chạy đến với Thiên Chúa mọi nơi mọi lúc nên không bao giờ sợ hãi,
Gặp khi khó khăn mới chạy đến kêu cứu Chúa, nghĩa là coi Chúa chỉ như một phương thế giải quyết tức thời, mà thiếu đi đức tin thật sự và lòng yêu mến nồng nàn.
Trường hợp thứ ba này là trường hợp của dân Do-thái xưa, sách Xuất Hành và đặc biệt là sách Thủ Lãnh là một câu chuyện lặp đi lặp lại khi dân bị quân thù ức hiếp thì kêu cứu Chúa, Chúa giải cứu rồi lại tiếp tục phản nghịch Người…
Và có thể nói, đây cũng là thái độ của các môn đệ của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng hôm nay, khi họ chưa có niềm tin và lòng yêu mến Thầy cho đủ, đến nỗi ngay khi chứng kiến phép lạ rồi vẫn ngỡ ngàng không hiểu Thầy là ai. Thầy Giê-su đang ở trên thuyền nhưng có vẻ như không có Người hiện diện, cho đến khi sóng gió bủa vây mà kinh nghiệm chống đỡ của dân làng chài như mấy ông đã bất lực mới chạy đến cầu cứu Thầy.
Đó cũng là cách sống và giữ đạo của không ít người trong chúng ta ngày nay. Khi an vui hạnh phúc chúng ta quên mất sự hiện diện của Thiên Chúa, đến khi gặp khó khăn thất bại mới tìm về cầu cứu Chúa. Sống đạo như thế là hời hợt, thiếu niềm tin đích thật và thiếu lòng lòng mến Chúa Giê-su. Cũng không thiếu những người ỷ lại vào khả năng mình mà thiếu đi lòng tín thác vào Chúa nên khi gặp sóng gió đã dễ ngã lòng kêu trách Người.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mọi người chúng con luôn tin tưởng vào sự hiện diện của Chúa trên con thuyền cuộc đời chúng con giữa biển đời sóng gió. Để chúng con không bao giờ nao núng vì Chúa đã chiến thắng nên chúng con cũng sẽ chung phần chiến thắng và cập bến Nước Trời. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 9,18-24
Hôm ấy, Đức Giê-su cầu nguyện một mình. Các môn đệ cũng ở đó với Người, và Người hỏi các ông rằng: “Dân chúng nói Thầy là ai? ” Các ông thưa: “Họ bảo Thầy là ông Gio-an Tẩy Giả, nhưng có kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, kẻ khác lại cho là một trong các ngôn sứ thời xưa đã sống lại.” Người lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô của Thiên Chúa.” Nhưng Người nghiêm giọng truyền các ông không được nói điều ấy với ai.
Người còn nói: “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng Kinh sư loại bỏ, bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy.”
Rồi Đức Giê-su nói với mọi người: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy”.
II. SUY NIỆM
“ĐỨC KI-TÔ LÀ AI ĐỐI VỚI TÔI”
Tại một lớp Thần Học, giáo sư bộ môn Ki-tô Học khởi đầu môn học này bằng việc phát cho mỗi học viên một mẩu giấy trong đó ghi câu hỏi: “Đức Ki-tô là ai đối với bạn?”. Các học viên tự ghi câu trả lời cho riêng mình, rồi nộp lại cho giáo sư.
Kết quả là có hơn 90% trả lời rất chuẩn xác theo Giáo Lý dạy, rằng “Đức Ki-tô là Đấng Cứu Thế, Đức Ki-tô là Đấng Messia, Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa hằng sống, Đức Ki-tô là Ngôi Lời nhập thể…”
Giáo sư chỉ tìm được bảy học viên có câu trả lời sau đây để chấm điểm cao:
– “Đức Ki-tô là người yêu tôi”
– “Đức Ki-tô là cha tôi”
– “Đức Ki-tô là anh hai tôi”
– “Đức Ki-tô là thầy dạy tôi”
– “Đức Ki-tô là sư phụ tôi”
– “Đức Ki-tô là bạn tôi”
– “Đức Ki-tô chính là tôi”
Trả lời theo cách giáo điều không sai, vì đó là mặc khải của Thiên Chúa Cha dành cho tông đồ Phê-rô, và đó cũng là tín lý Giáo hội dạy các tín hữu trong Giáo Lý căn bản, và có thể nói không ai là Ki-tô hữu trưởng thành mà không thuộc lòng điều này. Một kẻ suốt đời sống trong tội, hay những kẻ chỉ mang danh Ki-tô hữu mà không sống đạo, hay thậm chí, một đứa trẻ Công giáo ba tuổi cũng trả lời được.
Thế nhưng, Đức Ki-tô được tuyên xưng nơi môi miệng theo kiểu giáo điều ấy, có liên hệ gì với chính đời sống mỗi Ki-tô hữu hay không mới là điều cần quan tâm.
Như một số ít học viên trên kia xác lập riêng cho mình một mối quan hệ thân tình với Đức Ki-tô, như: “là người yêu, là cha, là anh hai, là thầy, là sư phụ, là bạn và thậm chí là chính mình”. Chính trong sự liên hệ mật thiết với Đức Ki-tô, thì mới thực sự biến đổi và là lời “tuyên xưng” thiết thực nhất bằng chính cuộc sống mình.
Hôm nay và giờ này đây, nếu Chúa chất vấn từng người: “Này anh, này em, này bạn, các anh chị gọi Tôi là ai”?
Nếu coi Đức Ki-tô là “người yêu”, thì hãy năng đến bên Thánh Thể mà tâm sự với “người yêu Giê-su”, hãy cùng san sẻ vui buồn…
Nếu coi Đức Ki-tô là cha, thì hãy tín thác vào Người và sống tình con thảo như tình cha con.
Nếu coi Đức Ki-tô là “Anh Hai” thì đừng làm “Anh Hai” buồn và biết lắng nghe “Lời Anh Hai” nhé.
Nếu coi Đức Ki-tô là bạn, thì hãy mời Chúa vào chơi nhà tâm hồn mình, hàn huyên tâm sự qua lời cầu nguyện.
Nếu coi Đức Ki-tô là thầy thì hãy ham học hỏi Giáo Lý về Người để nhận biết và yêu mến Người hơn.
Nếu coi Đức Ki-tô là sư phụ, thì hãy hấp thụ Giáo Huấn và đức hạnh của Người để trở thành môn sinh rao giảng Tin Mừng.
Đặc biệt, hãy cố gắng nên giống Đức Ki-tô, là Đức Ki-tô thứ hai, giống Đức Ki-tô hi sinh, bác ái, yêu thương…
Trong mọi lời tuyên xưng, dù mang tính giáo điều hay riêng tư thân tình với Đức Ki-tô, thì Đức Ki-tô đó không phải là một Đức Ki-tô chỉ có vinh quang hiển hách, mà là một Đức Ki-tô chịu đóng đinh, một Đức Ki-tô đi vào vinh quang bằng con đường thập giá.
“Qua Thập Giá mới vào được Vinh Quang”. Đó là chân lý bất biến mà bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thực hiện qua từng bước: Từ bỏ, vác thập giá và tuyên xưng danh Chúa:
Bước theo Chúa mà với đầy dẫy những thứ cồng kềng vướng bận thì khó mà theo sát và theo kịp Người được. Cụ thể, việc chúng ta giữ đạo mà vẫn phải bon chen và ham mê công việc lấn át hết thời giờ cho Chúa, để không còn giờ để đọc kinh chung, để không đủ sức khoẻ đi tham dự lễ, để đến được nhà thờ thì chỉ còn ngủ gật.
Thật ra, bỏ những thứ bên ngoài đã khó, nhưng bỏ mình, tức là bỏ đi cái tôi của mình còn khó biết bao.
Bỏ được có thế là rất đau, nhưng đó là một đòi hỏi của Tin Mừng. Các thánh Tử Đạo đã thực hiện được điều này trong thời bách hại. Còn chúng ta hôm nay, một khi đã bước theo Chúa, đã trở thành một người con của Chúa trong Hội thánh, chúng ta có để cho con người cũ chúng ta mục nát đi, có cởi bỏ những gì không thích hợp với một Ki-tô hữu không, đặc biệt là có chết đi cho tội lỗi để được sống như Đức Ki-tô, nghĩa là hãy giết chết những gì thuộc về thế gian trong con người cũ của chúng ta không?
Con đường theo Chúa, đời sống đạo cần một sự dấn thân, phải vác lấy thập giá, Thập giá đó là những khó khăn, những trái ý nghịch lòng… Thập giá đó là việc tuân giữ lề luật Chúa…
“Ai giữ mạng sống mình sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình thì sẽ giữ được mạng sống”. Nghe có vẻ thật nghịch lý, nhưng đó lại là chân lý Ki-tô Giáo, bởi vì cái đích đạt tới cuối cùng của chúng ta là sự sống đời đời (mạng sống siêu nhiên) chứ không phải bằng mọi giá phải giữ sự sống thể lý, để rồi chối Chúa.
Tóm lại, Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta, xác định lại đời sống đức tin của mình, liệu chúng ta có sống lời tuyên xưng danh Chúa bằng chính đời sống Ki-tô hữu hay chỉ dừng lại ở đầu môi chót lưỡi, chỉ sống đạo ở nhà thờ còn ra xã hội thì không…? Ngày lãnh Bí tích Rửa tội, chúng ta tuyên nhận Chúa là chủ quyền trên sự sống thể xác và tâm hồn chúng ta, nhưng sau đó liệu chúng ta có dành lại chủ quyền đó mà sống theo ý riêng mình? Ngày trước khi nhận chức vụ phó tế, ngày linh mục nhận nhiệm sở, ngày bề trên nhận chức lãnh đạo cộng đoàn… đều xác định lại lời tuyên xưng tuyên nhận Chúa mới là Đấng chủ quyền trên sứ vụ, trên Giáo hội địa phương, trên cộng đoàn… nhưng phải chăng sau lời tuyên xưng đó, chúng ta dành chủ quyền của Chúa làm của mình, để thay vì phục vụ thì lại cai trị tự tung tự tác theo ý mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết tuyên xưng Ngài là Chúa của cuộc đời mỗi người chúng con, được cụ thể bằng sự phó thác và chấp nhận hy sinh, sẵn sàng và vui lòng đón nhận thử thách vì Chúa, hầu cộng tác với Chúa cứu độ các linh hồn. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post