CHÚA NHẬT XIX THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 14,22-33
Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau: “Ma đấy! “, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ! ” Ông Phê-rô liền thưa với Người: “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông: “Cứ đến! ” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên: “Thưa Ngài, xin cứu con với! ” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói: “Người đâu mà kém tin vậy! Sao lại hoài nghi? ” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng ngay. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói: “Quả thật Ngài là Con Thiên Chúa! “
II. SUY NIỆM
“ĐỪNG SỢ… !!!”
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc các môn đệ Chúa Giê-su hoảng hốt sợ hãi trước sóng biển ba đào đe doạ cuốn trôi, nhất là giữa đêm khuya xuất hiện một bóng người từ xa đi tới trên mặt nước. Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giê-su thì lại lên núi cầu nguyện. Như thế, điều đầu tiên mà Tin Mừng hôm nay nhắm tới là Chúa Giê-su không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người, hoặc chỉ nhìn Chúa Giê-su dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giê-su cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ an tâm vì luôn có Chúa đồng hành. Đặc biệt với Tông Đồ trưởng Phêrô qua biến cố “suýt chìm” là một kinh nghiệm nhớ đời, huấn luyện ngài vững mạnh hơn cho việc dẫn lái con thuyền Giáo hội mà Chúa Giê-su sẽ trao phó cho ngài sau này.
Chúng ta cùng tập chú suy niệm qua hai ý tưởng sau đây:
1. Con người được mời gọi tham dự vào bản tính thần linh.
Câu chuyện được liên kết cách liên tục với những sự kiện:
– Chúa Giê-su đi trên mặt nước giữa đêm đen.
– Chúa Giê-su bảo: “Thầy đây, đừng sợ”
– Chúa Giê-su chấp nhận lời thỉnh cầu của Phêrô
– Chúa Giê-su đưa tay nắm lấy Phêrô
– Chúa Giê-su lên thuyền thì trời êm bể lặng.
Một chuỗi sự kiện trên chứng tỏ quyền năng và hành động của Thiên Chúa, được thể hiện nơi Chúa Giê-su. Điều này mặc khải bản tính thần linh nơi Chúa Giê-su và mời gọi con người tham dự vào bản tính thần linh ấy.
Đi trên mặt biển và làm cho gió yên biển lặng là một điều vượt ra ngoài khả năng tự nhiên. Theo quan niệm Thánh Kinh, biển cả là không gian hoạt động của ma quỷ và bóng đêm là thời gian hoạt động của sự dữ. Việc Chúa Giê-su đi trên mặt biển giữa đêm đen và chế ngự chúng là chứng minh thiên tính của Người.
Một minh chứng về thiên tính nữa là khi Chúa Giê-su nói: “Thầy đây”, hay “Ta đây”, hoặc “có Ta”. Đây là lời mà chính Thiên Chúa mặc khải danh của Người cho Môsê trong Cựu Ước: “Yavê”, “Ta là”, “Ta có”, “Ta đây”, “Ta hiện hữu”. Đấng đã đến giải thoát Israel khỏi nô lệ Ai-cập, thì đây Đấng đến cứu độ giải thoát nhân loại khỏi ma quỷ và tội lỗi.
Hành động cho phép Phêrô cũng được bước đi trên mặt nước (nghĩa là cho con người được thông dự vào bản tính thần linh, chà đạp trên ma quỷ, sự dữ và tội lỗi) và nhất là Chúa Giê-su lặp lại hành động của Thiên Chúa khi đưa tay nắm lấy Phêrô lúc ông sắp chìm xuống biển đã được Thánh vịnh 18,17 viết: “Từ chốn cao vời, Chúa đưa tay nắm lấy, vớt tôi lên khỏi nước lũ mênh mông”.
Phêrô bước đi cách vững mạnh trên biển vì ông dám tin Người đi trên mặt nước là Chúa và dám bước xuống nước để đến với Người; nhưng khi đang bước đi, có thể ông cảm thấy tự hào và tưởng là mình tài giỏi, hoặc ông bắt đầu nghi ngờ liệu bóng người đàng kia là Chúa hay ma, thì ngay lúc đó Phêrô chao đảo, may mà ông vội kịp kêu xin Chúa cứu. Chúa mời gọi Giáo hội, cách riêng mỗi một người được thông dự vào bản tính thần linh của Chúa: Khi Giáo hội cũng như chúng ta tự tin vào khả năng mình để bước đi trên biển đời này thì chắc chắn sẽ bị những cám dỗ của ma quỷ và thế gian xô ngã, nên cần phải bước đi bằng niềm tin vào quyền năng của Chúa; khi bị chao đảo vấp ngã, hãy mau cầu xin Chúa đưa tay nắm lấy mình và mời Chúa lên thuyền với mình, nghĩa là cho Chúa bước vào trong cuộc đời mình.
2. Mời Chúa lên thuyền với mình giữa biển đời sóng gió.
Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… Tất cả làm cho người Ki-tô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng, đến nỗi không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma.
Tin Mừng kể lại, Chúa Giê-su đã trấn an: “Thầy đây đừng sợ”, rồi khi Người bước lên thuyền thì trời yên bể lặng.
Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ”, chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công, vì sợ hãi như là một bản năng sinh tồn và hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, nhưng cũng khiến ta cảnh giác hơn. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”.
Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Người luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Người luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Người ở bên.
Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin.
Khi Đức Giê-su lên thuyền, gió liền lặng. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa Giê-su, thì sự dữ, ma quỷ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi ánh sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lùi.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời” chúng con, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì do ma quỷ và thế gian bày ra có thể làm chúng con lo sợ và bị xô ngã. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,44-51
Người Do-thái xầm xì phản đối, bởi vì Đức Giê-su đã nói: “Tôi là bánh từ trời xuống.” Họ nói: “Ông này chẳng phải là ông Giê-su, con ông Giu-se đó sao? Cha mẹ ông ta, chúng ta đều biết cả, sao bây giờ ông ta lại nói: “Tôi từ trời xuống? “Đức Giê-su bảo họ: “Các ông đừng có xầm xì với nhau! Chẳng ai đến với tôi được, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy, và tôi, tôi sẽ cho người ấy sống lại trong ngày sau hết. Xưa có lời chép trong sách các ngôn sứ: Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ. Vậy phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha. Thật, tôi bảo thật các ông, ai tin thì được sự sống đời đời. Tôi là bánh trường sinh. Tổ tiên các ông đã ăn man-na trong sa mạc, nhưng đã chết. Còn bánh này là bánh từ trời xuống, để ai ăn thì khỏi phải chết. Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
II. SUY NIỆM
“CỦA ĂN ĐEM LẠI ƠN CỨU ĐỘ”
Lời Chúa trong Tin Mừng hôm nay cho thấy Chúa Giê-su đang từng bước ngày một quyết liệt hơn để nói về Bánh Hằng Sống là chính Thịt Máu Người, và phải ăn bánh này mới được cứu độ.
Tuy nhiên, với suy nghĩ của con người, khó có ai chấp nhận được khi một người tự xưng mình là bánh từ trời và thịt máu mình lại là của ăn của uống, nên chúng ta không lạ gì người Do-thái đã phản ứng rất sôi nổi khi nghe Chúa Giê-su nói như vậy.
Chính vì thế mà Chúa Giê-su đã phải giải thích rằng, để hiểu và chấp nhận được nhiệm thể Thánh Thể phải được ơn mặc khải từ Chúa Cha và được Chúa Cha lôi kéo. Đây là nội dung chính mà chúng ta cùng suy niệm sau đây:
1. Ơn huệ Chúa Cha mặc khải cho những người được tuyển chọn.
Chúa Giê-su: khẳng định: “Chẳng ai đến được với tôi, nếu Chúa Cha là Đấng đã sai tôi, không lôi kéo người ấy”. Đây cũng là lời mà Chúa Giê-su nói với Phêrô khi ông tuyên xưng Người là Đấng Ki-tô: “…không phải là xác thịt mà là do Chúa Cha đã mặc khải”. Thật vậy, nhận biết Chúa Giê-su Ki-tô là một ân ban yêu thương đến từ Thiên Chúa Cha.
Vì thế, đâu phải tất cả những ai tự hào được nằm trong số người theo chính đạo đều đến với Chúa Ki-tô. Ngay trong Hội thánh có đủ hạng tín hữu, mà chỉ những ai được Chúa Cha ban ơn đức tin mới tìm được đến với Chúa Ki-tô. Mọi nỗ lực của con người không thể thay thế hồng ân Chúa Cha ban khi tuyển chọn họ, kêu gọi họ nhận biết Con của Người theo đúng chân lý. Nghĩa là, theo Chúa Ki-tô mà không tin tuyệt đối vào người, thì những nỗ lực không còn ý nghĩa; theo đạo trước hết phải tin đạo, sau đó mới kể đến những nỗ lực sống đạo.
Chúa Giê-su nhắc lại lời ngôn sứ: “Hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”. Nghĩa là nhiều bản văn trong sách ngôn sứ Do-thái sắp phải chuyển mình như thế nào để tiến lên. Chúa Giê-su đến không phải để bãi bỏ mà là để kiện toàn và mặc cho một tinh thần mới. Giao Ước trên núi Si-nai đã ban những luật lệ và ràng buộc trong đạo để giáo dục lương tâm của dân Chúa. Nhưng rồi thời đại mới sẽ mở ra, khi Thiên Chúa dạy dỗ từng người. Chúa Giê-su nhắc lại lời hứa “hết mọi người sẽ được Thiên Chúa dạy dỗ”, nhưng nói rõ thêm thời điểm. Đó không phải là những mặc khải phân phát đó đây, mà là ơn gọi nhiệm mầu dẫn con người đến với Chúa Giê-su. Chúa Cha ban cho con người một thái độ mới: tìm thấy mọi sự trong Chúa Giê-su; và nơi Người là tấm gương hoàn hảo phản chiếu Thiên Chúa, giúp khám phá ra ý định của Chúa Cha dành cho con người.
Chúa Giê-su còn nói thêm: “Phàm ai nghe và đón nhận giáo huấn của Chúa Cha, thì sẽ đến với tôi. Không phải là đã có ai thấy Chúa Cha đâu, nhưng chỉ có Đấng từ nơi Thiên Chúa mà đến, chính Đấng ấy đã thấy Chúa Cha”
Khác với loài người chúng ta, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Giê-su có tri thức hưởng kiến và thấu rõ chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi Người. Như Người nói: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy”.
Chúa Giê-su là Lời của Thiên Chúa. Nơi Người, Chúa Cha đã mặc khải tròn đầy và viên mãn cho con người, và kể từ nay, những mặc khải chân chính nhất cũng chỉ có thể làm một việc là dẫn chúng ta quay về với Thiên Chúa.
2. Chân lý về bánh hằng sống.
Sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Ki-tô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Ki-tô mà Ki-tô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình.
Chúa Giê-su khẳng định: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”
Chúa Giê-su là Bánh Hằng Sống, bánh tác động nơi con người. Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh. Còn khi ăn bánh trường sinh – là Mình Chúa Giê-su Ki-tô – thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người chúng ta. Chúa Ki-tô biến đổi chúng ta, ban cho chúng ta sự sống của Người và kết hợp chúng ta vào đời sống của Người. Vì sự sống của Chúa Giê-su là sự sống đời đời, thì khi thông truyền cho chúng ta sự sống ấy nhờ chúng ta ăn Mình Người, chúng ta cũng được thông phần cuộc sống đời đời.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa là sự sống và đã ban sự sống đó cho chúng con khi cho chúng con được ăn bánh hằng sống là Thánh Thể. Xin cho chúng con luôn biết đến kín múc sự sống nơi Chúa nơi bàn tiệc thánh mỗi ngày, để linh hồn chúng con được sống và sống dồi dào. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 12,35-40
“Anh em hãy thắt lưng cho gọn, thắp đèn cho sẵn. Hãy làm như những người đợi chủ đi ăn cưới về, để khi chủ vừa về tới và gõ cửa, là mở ngay. Khi chủ về mà thấy những đầy tớ ấy đang tỉnh thức, thì thật là phúc cho họ. Thầy bảo thật anh em: chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ. Nếu canh hai hoặc canh ba ông chủ mới về, mà còn thấy họ tỉnh thức như vậy, thì thật là phúc cho họ. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết giờ nào kẻ trộm đến, hẳn ông đã không để nó khoét vách nhà mình đâu. Anh em cũng vậy, hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến.”
II. SUY NIỆM
“TỈNH THỨC VÀ TRUNG TÍN”
Bài Tin Mừng hôm nay đề cập đến việc Chúa sẽ đến bất thình lình, mời gọi mọi người biết sống tỉnh thức và sẵn sàng, để khi cái chết ập đến, mọi người sẵn sàng nghênh đón Chúa.
Thiên Chúa ví như ông chủ đi dự tiệc cưới sẽ trở về bất cứ lúc nào, vì thế các đầy tớ không được lơ là việc bổn phận, luôn tỉnh thức sẵn sàng đợi chờ để mở cửa cho ông chủ.
1. Tỉnh thức
Hình ảnh dụ ngôn về người đầy tớ luôn sẵn sàng đợi chủ, anh không chắc chắn là chủ về lúc nào, nhưng anh chắc chắn là chủ sẽ về, nên anh luôn sẵn sàng tỉnh thức đợi chủ. Thật vậy, đối với mọi người:
Điều không chắc chắn là chuyện Chúa đến không phải kiểu sự cố Y2K năm 2000, hay ngày 29/07/2016 lo đi chuẩn bị đồ ăn dự trữ, rốt cuộc chẳg xảy ra. Chúa đến bất kỳ lúc nào, bất ngờ như vậy để con người bày tỏ lòng trung tín qua việc tỉnh thức đợi chờ thời khắc vô cùng quan trọng để được hưởng hạnh phúc hay bị luận phạt đời đời. Vì nếu biết, thì con người sẽ phóng túng, chờ sắp đến ngày chết mới lo liệu, và như vậy thì không còn gì là yêu mến và trung thành.
Nhưng, điều chắc chắn là Chúa sẽ đến. Chúa không cho biết lúc nào Người đến, nhưng chắc chắn Người sẽ đến và Người dạy chúng ta lúc chờ đợi cần làm hai việc là: Hãy thắt lưng cho gọn (luôn sẵn sàng nhận lệnh và thi hành ý chủ), thắp đèn cho sáng (luôn hướng về, yêu mến và tin tưởng chủ).
Không thiếu những người cứ như mình không bao giờ chết, hoặc nghĩ có già mới chết… Rồi cứ sống thoải mái và nghĩ rằng, sắp đến ngày chết thì xưng tội, sẽ ăn năn, sẽ trở về với Chúa… nhưng có ngờ đâu rằng: Đứa bé nặn đất chơi bên vệ đường – bất ngờ chết, chàng sinh viên tương lai ngời ngợi chuẩn bị tốt nghiệp – chết, cô dâu trên đường về nhà chồng – xe lật chết… nhưng cụ già 90 tuổi ngày ngày mong chết lại không chết.
Tại sao chúng ta nghĩ rằng mai làm việc đó, mà ngay hôm nay làm được mà không làm, rồi có sống đến ngày mai không? Cái chết đến có báo trước cho chúng ta không? Bộ mặt thế gian này sẽ qua đi nhanh như một giấc mộng, sẽ tan biến như làn khói, mọi thứ sẽ trở về cát bụi hư vô. Lúc đó mỗi chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về những việc làm của mình.
Phúc cho ai tỉnh thức, sẵn sàng và nhanh nhạy mới gặp được Chúa và được Chúa ân cần đón vào cuộc sống vĩnh hằng.
2. Trung tín.
Hình ảnh người tôi tớ chờ đợi chủ không phải là để đối phó, nhưng thể hiện sự trung thành, yêu mến chủ và có trách nhiệm với gia nghiệp chủ giao.
Như người chủ nhà có trách nhiệm: Một người chủ nhà có tinh thần trách nhiệm sẽ luôn canh thức để tránh cho trộm khỏi đến đào ngạch khoét vách nhà mình. Một người làm việc có tinh thần trách nhiệm cao sẽ được hưởng hoa trái là hạnh phúc và sự bình an trong tâm hồn như người ta thường nói: “Cẩn tắc vô ưu”.
Như người quản gia trung tín: Sự trung tín khôn ngoan được biểu lộ qua việc anh quản gia luôn chu toàn công việc bổn phận là cứ đúng giờ cấp phát lương thực cho gia nhân.
Như người đầy tớ khôn ngoan: Người đầy tớ trung tín đợi chủ đi ăn cưới về vào bất cứ giờ nào trong đêm để khi chủ về gõ cửa là mở ngay.
Như một sự biểu lộ niềm tin: Nghĩa là tin chắc chủ sẽ về và thao thức chờ đợi, tin chủ sẽ ân thưởng cho tôi tớ trung thành.
Như một tâm tình yêu mến: Người đầy tớ trung tín, quán xuyến việc nhà khi chủ đi vắng, tận tâm chu đáo trong bổn phận hằng ngày. Anh ta làm việc tích cực y như có chủ ở nhà vậy. Hành vi này xuất phát từ tình yêu đối với chủ, anh ta xem việc của chủ như là việc của anh và đã cố gắng chu toàn.
Khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội, chúng ta được Chúa trao ban quản lý ân huệ của Chúa trên cuộc đời chúng ta. Chúa cũng trao ban cho chúng ta những ân huệ đặc biệt kèm theo khi chúng ta nắm giữ một chức vụ phục vụ nào. Chúa còn ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, cơ hội, hoàn cảnh để phục vụ và làm sinh lợi cho Chúa. Khi chúng ta chu toàn việc bổn phận với hết khả năng Chúa ban thì chúng ta đang là người quản lý tốt.
Tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa.
Sự tỉnh thức đích thực là chu toàn bổn phận của mình. Với một tinh thần trách nhiệm và với một tinh thần phục vụ quên mình…
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức rằng: tỉnh thức là thể hiện niềm tin Chúa sẽ đến, là biểu lộ lòng yêu mến chờ đợi Chúa, là trung tín với những gì Chúa giao phó và khôn ngoan làm sinh lợi cho sự nghiệp của Chúa…. để khi Chúa đến chúng con sẵn sàng cùng với Chúa bước vào quê trời vinh hiển. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post