CHÚA NHẬT XVIII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 14,13-21
Đức Giê-su đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá! ” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy! ” Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
II. SUY NIỆM
“CHÍNH ANH EM HÃY CHO HỌ ĂN”
Chắc chắn rằng, phép lạ hóa bánh ra nhiều là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện mà cả bốn Tin Mừng đều đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và số lượng người trong phép lạ này.
Hành động của Chúa Giê-su trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúa Giê-su ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giê-su chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi ngước mắt lên để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biến với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.
Chúa Giê-su không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới, nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
Vì thế:
Cần có tâm trạng “chạnh lòng thương” của Chúa Giê-su trước những người kém may mắn, những người đói khát cả tinh thần lẫn vật chất (nghèo tinh thần là đói khát Lời Chúa và Thánh Thể…, nghèo đói vật chất là thiếu những nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống).
Hành động như Chúa Giê-su là dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha rồi bẻ ra phân phát cho dân. Các động từ “chia sẻ”, “tạ ơn”, “bẻ ra” và “trao” mang ý nghĩa đặc biệt:
Chia sẻ: Giúp đỡ người khô khan trở về với Chúa, san sẻ phần mình cho kẻ đói nghèo trong mức độ có thể.
Tạ ơn: mỗi người dâng cho Chúa phần của mình, dâng lời tạ ơn Chúa đã ban cho chúng ta lương thực hắng ngày.
Bẻ ra: Mọi người đừng ăn một mình, nhưng hãy bẻ ra để chia cho những người khác thiếu may mắn hơn chúng ta.
Trao cho: Nhạy bén trước nhu cầu của người đang đói mà đến trao cho họ, chứ không đợi họ phải xin rồi mới cho.
Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất:
Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các giáo lý viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.
Chúa bảo “cho” chứ không bảo phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra).
Mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Khi một thành viên trong giáo xứ làm điều xấu, thì thiên hạ đàm tiếu rằng nó là người của xứ đó, người của lớp đó, người của trường đó, người thuộc sự dạy dỗ của cha xứ đó, thầy cô đó… Và ngược lại, một người làm điều tốt, thì cũng liên đới như vậy… Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo, giúp đỡ nhau sống đời. Chúng ta cũng có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6, 24-35
Khi dân chúng thấy Đức Giê-su và các môn đệ không có mặt ở biển hồ Ga-li-lê, thì họ xuống thuyền đi Ca-phác-na-um tìm Người. Khi gặp thấy Người ở bên kia Biển Hồ, họ nói: “Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy? ” Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, các ông đi tìm tôi không phải vì các ông đã thấy dấu lạ, nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê. Các ông hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh, là thứ lương thực Con Người sẽ ban cho các ông, bởi vì chính Con Người là Đấng Thiên Chúa Cha đã ghi dấu xác nhận.” Họ liền hỏi Người: “Chúng tôi phải làm gì để thực hiện những việc Thiên Chúa muốn? ” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến.” Họ lại hỏi Đức Giê-su: “Vậy chính ông, ông làm được dấu lạ nào cho chúng tôi thấy để tin ông? Ông sẽ làm gì đây? Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời.”
Đức Giê-su đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông, không phải ông Mô-sê đã cho các ông ăn bánh bởi trời đâu, mà chính là Cha tôi cho các ông ăn bánh bởi trời, bánh đích thực, vì bánh Thiên Chúa ban là bánh từ trời xuống, bánh đem lại sự sống cho thế gian.” Họ liền nói: “Thưa Ngài, xin cho chúng tôi được ăn mãi thứ bánh ấy.” Đức Giê-su bảo họ: “Chính tôi là bánh trường sinh. Ai đến với tôi, không hề phải đói; ai tin vào tôi, chẳng khát bao giờ!
II. SUY NIỆM
“BÁNH SỰ SỐNG”
Bài Tin Mừng hôm này là lời đối đáp giữa Chúa Giê-su và người Do-thái, trong loạt diễn từ của về Bánh Trường Sinh, mà mở đầu của chương 6 Tin Mừng thứ IV là phép lạ hoá bánh ra nhiều nuôi dân chúng. Từ đó dân chúng muốn bắt tôn Chúa Giê-su lên làm vua và tìm theo Người để được ăn no mà không phải làm việc. Chúa Giê-su nhân cơ hội dân chúng khao khát của ăn thể xác, mà mặc khải cho họ về lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh bất tử – Đó là Thánh Thể của Người.
- Sự sống của Chúa.
Loài người phải sống “tay làm hàm nhai”: mối quan tâm hàng đầu của con người là bảo đảm của ăn cho ngày mai, vì không có của ăn nuôi thân thể thì sự sống chấm dứt. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.
Trong mầu nhiệm Phục Sinh, sự sống lại của Chúa Giê-su không phải là trở lại như tình trạng ban đầu như sự hồi sinh của Lazarô hay con trai bà goá Naim mà Chúa cho sống lại rồi già chết, nghĩa là vẫn bị cái chết thống trị, vẫn bị sự đau khổ và bệnh tật thể lý cũng như tội lỗi hành hạ. Còn sự sống lại của Chúa Giê-su là bước vào một sự sống mới, sự sống lại này sẽ vĩnh hằng nên mới chiến thắng được cái chết, thân xác phục sinh không còn lệ thuộc thời gian và không gian nên bệnh tật, đau khổ và tội lỗi bị loại bỏ. Sự sống của Chúa, sự sống tự thân từ nơi Chúa mới là thường tồn. Chúng ta không có sự sống này tự nơi mình nên đến một lúc thân xác sẽ chết, nhưng hồn thiêng mang sự sống từ nơi Chúa sẽ thường tồn, cho đến ngày cả thân xác cũng mặc lấy sự phục sinh trong ngày chung thẩm.
Đang khi còn sống trong thân xác này, con người phải lo cái ăn cái mặc, nên không lạ gì việc họ chạy theo Chúa Giê-su khi vừa được Người hóa bánh cho ăn no nê.
Tuy nhiên, Chúa Giê-su phải giải thích cho họ việc tìm kiếm Người không phải vì chuyện tìm kiếm sự dễ dãi, nhưng tìm kiếm Người để tin vào Con Thiên Chúa và được ban cho lương thực trường sinh; tìm đến với Chúa Giê-su không phải ỷ lại ngồi chờ sung rụng mà là phải sống niềm tin và cộng tác vào chương trình của Chúa, để chính công việc của con người có ý nghĩa đem đến sự sống đời đời, như Chúa Giê-su nói trong bài Tin Mừng hôm nay: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh” (Ga 6,27).
Chúa Giê-su nói: “Lương thực của Người là làm theo ý muốn của Thiên Chúa Cha”. Ý muốn của Thiên Chúa chính là phải tin vào Chúa Giê-su Ki-tô, vì chỉ có Người là Đấng duy nhất đem lại sự sống đời đời. Người là sự sống và có sự sống tự nơi mình, nên ai muốn được sống đời đời phải cần có sự sống của Người, mà muốn có sự sống nơi Người phải tin vào Người là Đấng được Thiên Chúa Cha ghi dấu xác nhận.
- Bánh sự sống.
Dân chúng đòi Chúa Giê-su một dấu lạ để tin Người là Đấng Thiên Sai. Họ muốn Chúa Giê-su cho ăn bánh không chỉ một lần như Người vừa mới hoá bánh ra nhiều để họ được no nê, mà muốn được ăn mãi như ngày xưa Môsê đã xin Chúa nuôi dân Israel bằng man-na suốt bốn mươi năm. Đây là một quan niệm hoàn toàn sai lầm của dân chúng về Đấng Thiên Sai, vì họ chỉ tìm kiếm một vị chúa thoả mãn sự lười biếng của họ, là ngồi chờ sung rụng, tay không phải làm mà hàm cứ muốn nhai. Trong khi Chúa Giê-su lại muốn họ không phải chỉ tìm kiếm thứ man-na nuôi thân xác sẽ chết, mà là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng tâm hồn đạt đến sự sống đời đời.
Nhớ lại xưa kia, khi dân Israel đi trong sa mạc và thiếu thốn mọi thứ, Thiên Chúa ban cho họ thức ăn “từ trời xuống” là man-na. Nhưng nếu coi Thiên Chúa chỉ là ân nhân và nếu hễ đến với Người là xin xỏ cái này cái kia, thì cuối cùng con người chỉ chú tâm đến cái Thiên Chúa ban cho; may lắm là biết cảm tạ Người rồi sau đó lại tiếp tục than van kêu trách và chán ngấy. Đó là điều dân Israel đã làm, vì sau khi nhận được man-na, họ vẫn nổi loạn chống lại Thiên Chúa và chết trong sa mạc. Thật vậy, những của cải vật chất, cho dù là của trời cho, chẳng làm cho chúng ta tốt hơn, vì nó không thể đem lại sự sống đích thực. Con người không có sự sống tự nơi mình, nên phải không ngừng lấy từ bên ngoài những gì cần thiết để duy trì sự sống, nhưng rồi đến một ngày sự sống lệ thuộc kia phải chấm dứt vì con người chưa tìm được lương thực thường tồn.
Vì vậy, Thiên Chúa ban một quà tặng mới: bánh từ trời xuống không phải là một vật gì đó mà là một “Ai đó”. Đức Giê-su là quà tặng cao quý nhất mà Chúa Cha ban tặng cho con người. Người là Bánh Sự Sống, là nguồn sống và là sự sống đích thực. Bánh sự sống đích thực này ban lại sự sống đời đời. Nhưng để nhận được bánh ấy, mỗi cá nhân cần có thái độ đáp ứng riêng của mình với Chúa Giê-su Ki-tô là tin vào Người.
Tóm lại, sự sống thể lý không phải là sự sống tự thân mà là sự sống lệ thuộc, nghĩa là nó cần đến lương thực vật chất nạp vào để duy trì, nhưng vì nó hữu hạn, nên sẽ đến lúc sự sống đó không thể thâu nạp được lương thực nữa nó sẽ èo ọt yếu ớt và chết. Còn sự sống thần linh là sự sống siêu nhiên Chúa ban, tuy không chết, nhưng rất cần được nuôi dưỡng bằng bánh Sự Sống là Thánh Thể, mà Thánh Thể chính là sự sống tự thân nơi Chúa Ki-tô thông truyền cho linh hồn chúng ta. Nhờ rước lấy Chúa Ki-tô mà Ki-tô hữu được mạnh mẽ và tăng trưởng, không sợ tội lỗi hay ma quỷ có thể xâm nhập và làm tổn hại linh hồn mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con trong khi tìm kiếm những của ăn nuôi dưỡng thể xác, thì cũng biết năng đến với bàn tiệc Thánh Thể để được Chúa nuôi dưỡng tâm hồn. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 12,13-21
Có người trong đám đông nói với Đức Giê-su rằng: “Thưa Thầy, xin Thầy bảo anh tôi chia phần gia tài cho tôi.” Người đáp: “Này anh, ai đã đặt tôi làm người xử kiện hay người chia gia tài cho các anh? “ Và Người nói với họ: “Anh em phải coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, không phải vì dư giả mà mạng sống con người được bảo đảm nhờ của cải đâu.”
Sau đó Người nói với họ dụ ngôn này: “Có một nhà phú hộ kia, ruộng nương sinh nhiều hoa lợi, mới nghĩ bụng rằng: “Mình phải làm gì đây? Vì còn chỗ đâu mà tích trữ hoa mầu! Rồi ông ta tự bảo: “Mình sẽ làm thế này: phá những cái kho kia đi, xây những cái lớn hơn, rồi tích trữ tất cả thóc lúa và của cải mình vào đó. Lúc ấy ta sẽ nhủ lòng: hồn ta hỡi, mình bây giờ ê hề của cải, dư xài nhiều năm. Thôi, cứ nghỉ ngơi, cứ ăn uống vui chơi cho đã! Nhưng Thiên Chúa bảo ông ta: “Đồ ngốc! Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai? Ấy kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó.”
II. SUY NIỆM
“CỦA CẢI và SỰ SỐNG ĐỜI ĐỜI”
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải có thái độ đúng đắn khi sử dụng của cải, vì của cải có thể là nguyên nhân của sự tham lam ích kỷ và đổ vỡ, đồng thời cũng là nguyên nhân dẫn ta đến sự sống hoặc hư đi đời đời.
1. Tham lam của cải là nguyên nhân của sự đổ vỡ.
Mở đầu bài Tin Mừng là việc có một người đến xin Chúa Giê-su xử kiện phân chia gia tài. Điều này có nghĩa là do tham lam của cải, vì ích kỷ muốn phần hơn mà anh em ruột đã kiện cáo nhau.
Thế nhưng, dù được người ta xem như là một Rabbi có uy tín đến nhờ phân xử (x. Xh 2,14), nhưng Chúa Giê-su khẳng định sứ vụ của Người không phải là một vị vua hay quan toà kiểu trần thế. Người đến để rao giảng Tin Mừng Nước Trời và đưa họ vào vương quốc của tình yêu thương, chứ không phải chuyện tranh dành của cải vật chất. Người là vua tình yêu và xét xử lương tâm mọi người. Đặc biệt sẽ là Thẩm Phán xét xử nhân loại trong ngày họ đến toà phán xét để được sống hay hư đi đời đời, tuỳ thuộc vào việc họ biết chia sẻ trao ban hay là tham lam giữ lại của cải vật chất khi còn sống.
Chúa Giê-su đã nhân cơ hội người kia xin xử kiện để căn dặn mọi người: “Hãy coi chừng và giữ mình khỏi mọi thứ tham lam”. Vì khi tham lam người ta dễ đánh mất lương tri; đồng tiền làm mờ đôi mắt và che khuất lương tâm; giàu rồi thì muốn giàu thêm, lòng tham vô đáy… để rồi dẫn đến loại trừ nhau.
Sự việc anh em và thậm chí cha mẹ con cái kiện cáo nhau, đôi khi còn giết nhau xảy ra rất nhiều nơi trên thế giới và cả trên đất nước chúng ta, âu cũng vì tranh chấp một miếng đất thửa vườn, hay vài gian nhà, hoặc chút của hồi môn mà người ta không ngại chà đạp lên cả những truyền thống và tình thân thiêng liêng nhất của con người.
Lời Chúa Giê-su hôm nay đang cảnh tỉnh chúng ta: “Hãy coi chừng, phải giữ mình khỏi mọi thứ tham lam, vì không phải được dư giả, thì mạng sống nhờ của cải mà được bảo đảm đâu.”
2. Giàu của cải không đảm bảo cho sự sống đời đời.
Dụ ngôn Chúa Giê-su kể về một người giàu có an thân thoả mãn trên đống của cải lẫm này kho nọ, rồi tự cho phép linh hồn mình được “nghỉ ngơi”, nhưng nếu Chúa gọi bất thình lình, thì ‘tay trắng hư không’ ra đi vào cõi diệt vong.
Thật vậy:
Khi chúng ta đi về nơi an nghỉ
Những gì thu góp chẳng còn chi
Sẽ mất hết những gì ta xài phí
Chỉ còn lại những gì đã cho đi.
Ham mê của cải như ông phú hộ trong dụ ngôn là chỉ lo làm giàu trước mặt người đời, lo tích trữ của cải đời này mà không lo cho phần rỗi đời sau. Của cải vật chất tự nó không xấu, siêng năng làm việc để có của cải luôn là điều tốt. Thế nhưng, chúng ta không được phép dừng lại ở đó để hưởng thụ và an thân bám víu vào nó, mà phải biết chia sẻ với những người kém may mắn hơn mình.
Những gì ta xài phí, những gì ta lo tích trữ và bo bo giữ không chia sẻ rồi sẽ dừng lại khi ta xuống mồ, chỉ còn lại những gì ta đã cho đi theo chúng ta đến trước mặt Đấng Thẩm Phán Chí Công, như lời Chúa Giê-su kết luận: “Kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như thế đó”.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con đang khi hưởng dùng những của cải đời này do Chúa ban, thì cũng biết sử dụng sao cho hợp ý Chúa và sinh lợi của cải thiêng liêng đời sau trong kho lẫm nước Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post