THỨ HAI TUẦN XVIII THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 14,22-36
Sau khi dân chúng được ăn no nê, Đức Giê-su liền bắt các môn đệ xuống thuyền qua bờ bên kia trước, trong lúc Người giải tán dân chúng. Giải tán họ xong, Người lên núi riêng một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình. Còn chiếc thuyền thì đã ra xa bờ đến cả mấy cây số, bị sóng đánh vì ngược gió. Vào khoảng canh tư, Người đi trên mặt biển mà đến với các môn đệ. Thấy Người đi trên mặt biển, các ông hoảng hốt bảo nhau : “Ma đấy !”, và sợ hãi la lên. Đức Giê-su liền bảo các ông : “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ !” Ông Phê-rô liền thưa với Người : “Thưa Ngài, nếu quả là Ngài, thì xin truyền cho con đi trên mặt nước mà đến với Ngài.” Đức Giê-su bảo ông : “Cứ đến !” Ông Phê-rô từ thuyền bước xuống, đi trên mặt nước, và đến với Đức Giê-su. Nhưng thấy gió thổi thì ông đâm sợ, và khi bắt đầu chìm, ông la lên : “Thưa Ngài, xin cứu con với !” Đức Giê-su liền đưa tay nắm lấy ông và nói : “Hỡi kẻ kém lòng tin ! Sao lại hoài nghi ?” Khi thầy trò đã lên thuyền, thì gió lặng. Những kẻ ở trong thuyền bái lạy Người và nói : “Quả thật, Ngài là con Thiên Chúa !”
Khi qua biển rồi, thầy trò lên đất liền, vào Ghen-nê-xa-ret. Dân địa phương nhận ra Đức Giê-su, liền tung tin ra khắp vùng, và người ta đem tất cả những kẻ đau ốm đến với Người. Họ nài xin Người cho họ chỉ sờ vào tua áo choàng của Người thôi, và ai đã sờ vào thì đều được cứu chữa.
II. SUY NIỆM
Sợ hãi như là một bản năng sinh tồn và hầu như không ai tránh khỏi. Bản tính tự nhiên con người “tham sống sợ chết” nên lo sợ đủ điều. Có người sợ sâu bọ, gián, chuột, rắn rết; có người sợ bóng tối, sợ hồn ma chước quỷ. Nói chung, sợ hãi xuất hiện khi ta cảm thấy nguy hiểm, nhưng cũng khiến ta cảnh giác hơn.
Bài Tin Mừng hôm nay kể chuyện việc các môn đệ Chúa Giê-su hoảng hốt sợ hãi trước sóng biển ba đào đe doạ cuốn trôi, nhất là giữa đêm khuya xuất hiện một bóng người từ xa đi tới trên mặt nước.
Câu chuyện “vượt biển” này được tiếp tục sau sự kiện Chúa Giê-su hoá bánh ra nhiều, các môn đệ ăn xong chưa kịp nghỉ đã bị Chúa hối thúc xuống thuyền vượt biển hồ Galilêa, còn Chúa Giê-su thì lại lên núi cầu nguyện.
Sứ điệp Tin Mừng hôm nay là: Chúa không muốn các môn đệ an thân ỷ lại, hưởng thụ và ngủ quên trên sự tôn vinh của con người hoặc chỉ nhìn Chúa Giê-su dưới khía cạnh quyền năng sau sự kiện hoá bánh ra nhiều, mà nghĩ sai về sứ mạng của Người. Chúa Giê-su cũng muốn môn đệ phải ra đi, bỏ lại tất cả, dám đương đầu với bão tố phong ba của biển đời. Đồng thời, Chúa muốn các môn đệ an tâm vì luôn có Chúa đồng hành. Đặc biệt với Tông Đồ trưởng Phêrô qua biến cố “suýt chìm” là một kinh nghiệm nhớ đời, huấn luyện ngài vững mạnh hơn cho việc dẫn lái con thuyền Giáo hội mà Chúa Giê-su sẽ trao phó cho ngài sau này.
Chúng ta cùng tập chú suy niệm tình huống mà các môn đệ phải vật lộn sinh tử giữa biển khơi, qua hai ý tưởng sau đây:
1. Biển đời sóng gió.
Sự kiện sóng gió ập tới xô đẩy thuyền các môn đệ, không phải xảy ra giữa ban ngày mà là xảy ra giữa đêm tối. Theo Tin Mừng kể lại, thì trong suy nghĩ của các môn đệ lúc đó chỉ có chuyện ăn bánh vừa xong, chứ không nghĩ đến thầy Giê-su, vì không nghĩ đến Chúa nên khi thấy Chúa vẫn cứ tưởng là ma. Các môn đệ chưa thể tin nổi sự kiện quyền năng Chúa hoá bánh ra nhiều nên cũng chưa hiểu được quyền năng Chúa đang đi trên mặt nước mà đến với họ.
Đó là hình ảnh của biển đời và sự non kém của đức tin mỗi người chúng ta:
Sóng gió trên biển cuộc đời, sóng gió trên hành trình làm người, sóng gió trên hành trình làm môn đệ… là những đau thương mất mát, những thất bại ê chề, những hoạn nạn éo le, những cô đơn thất vọng; là những bủa vây của quyền thế danh lợi, của đam mê phóng túng; là những đêm tối đức tin, những bơ vơ lạc lõng, những thử thách bách hại… Sóng gió nào cũng làm lòng người hoang mang, hoảng sợ, chông chênh. Mặt nước của cuộc đời là sự mong manh của thân phận con người, mong manh như hoa cỏ, chỉ một cơn gió thoảng cũng chẳng còn; mong manh như giọt sương mai, vội biến tan khi bình minh thức giấc; mong manh như bình sành đặt trước gió, mới đó, nhưng có thể sẽ vỡ tan tành; mong manh của giới hạn của bản thân, sự bất trắc trong việc tuân giữ luật Chúa và Hội thánh, sự tự do đầy nguy cơ có thể bị biến chất, những lối tính toán xoay xở theo kiểu của con người, những lời mời mọc ngọt ngào lao mình vào lối mòn hưởng thụ… Tất cả làm cho người Ki-tô hữu lắm lúc hoang mang và mất phương hướng. Đến nỗi, không còn tin vào ai nữa, giống như các môn đệ Chúa đến đứng đó mà vẫn cứ hoài nghi là bóng ma.
Tại sao vậy?
Vì cũng như các môn đệ, trong tư tưởng lúc đó chỉ có chuyện “ăn bánh”, nghĩa là chỉ lo chuyện vật chất mà không nhớ đến Chúa, lo chống chọi bằng chính sức mình mà không có Chúa.
Vậy, hãy mau mời Chúa lên thuyền, là hãy mời Chúa vào trong cuộc đời chúng ta.
2. Mời Chúa lên thuyền với mình.
Tin Mừng kể lại, Chúa Giê-su đã trấn an: “Thầy đây đừng sợ”, rồi khi Người bước lên thuyền thì trời yên bể lặng.
Lời trấn an “Thầy đây đừng sợ” chúng ta chỉ gặp thấy hai lần trong các Tin Mừng, đó là lúc các môn đệ vật lộn giữa biển khơi và lúc sợ hãi thu mình trong nhà Tiệc Ly khi Chúa chịu chết: lần này thì vừa sợ sóng biển xô chết vừa sợ ma, còn lần cuối thì cũng sợ các thượng tế tìm giết và cũng “sợ ma” nữa. Hai sự kiện nói lên hai điều sợ căn bản của chúng ta là sợ bị người đời bách hại và sợ ma quỷ tấn công. Nhưng nếu có một đức tin đủ mạnh, thì chúng ta không sợ gì vì có Chúa luôn đồng hành với lời trấn an “có Thầy đây, đừng sợ”
Biển cả ở đây không chỉ là biển đời như đã nói ở trên mà còn là biểu trưng cho nơi ẩn náu của ma quỷ. Chúa Giê-su muốn chứng tỏ cho các môn đệ thấy rằng trong cơn gian nan hoạn nạn, Người luôn hiện diện: “Thầy đây, đừng sợ”. Một lời trấn an bảo đảm mạnh mẽ rằng Người luôn đồng hành với họ trên bước đường loan báo Tin Mừng, mặc dầu sóng biển ầm ầm, thủy triều sóng nước dâng cao… con thuyền có bị sóng đánh dập vùi, nhưng hãy yên tâm vì có Người ở bên.
Con thuyền của các môn đệ ngày xưa cũng chính là con thuyền cuộc đời của mỗi chúng ta hôm nay. Giữa bao sóng gió cuộc đời của kiếp người trong cuộc lữ hành đức tin.
Khi Đức Giê-su lên thuyền, gió liền lặng. Nếu trên cuộc đời của mỗi chúng ta có Chúa Giê-su, thì sự dữ, ma quỷ sẽ bị đẩy xa. Bởi khi ánh sáng tới, thì tất yếu bóng tối sẽ bị đẩy lùi.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa luôn hiện diện để cùng đồng hành, chia sẻ và nâng đỡ chúng con. Xin cho chúng con để cho Chúa lên “thuyền cuộc đời” chúng con, nghĩa là để cho Ngài ngự vào tâm hồn chúng con, hầu không có gì tách được chúng con ra khỏi tình yêu của Chúa. Amen
Hiền Lâm
NĂM B và C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 14,13-21
Đức Giê-su đi thuyền đến một chỗ hoang vắng riêng biệt. Nghe biết vậy, đông đảo dân chúng từ các thành đi bộ mà theo Người. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.
Chiều đến, các môn đệ lại gần thưa với Người: “Nơi đây hoang vắng, và đã muộn rồi, vậy xin Thầy cho dân chúng về, để họ vào các làng mạc mua lấy thức ăn.” Đức Giê-su bảo: “Họ không cần phải đi đâu cả, chính anh em hãy cho họ ăn.” Các ông đáp: “Ở đây, chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá! ” Người bảo: “Đem lại đây cho Thầy! ” Rồi sau đó, Người truyền cho dân chúng ngồi xuống cỏ. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra, trao cho môn đệ. Và môn đệ trao cho dân chúng. Ai nấy đều ăn và được no nê. Những mẩu bánh còn thừa, người ta thu lại được mười hai giỏ đầy. Số người ăn có tới năm ngàn đàn ông, không kể đàn bà và trẻ con.
II. SUY NIỆM
Chắc chắn rằng, phép lạ hóa bánh ra nhiều là một sự kiện lịch sử. Bởi vì đây là sự kiện mà cả bốn Tin Mừng đều đã tường thuật một cách rất chi tiết về địa danh, thời gian và số lượng người trong phép lạ này.
Hành động của Chúa Giê-su trong sự kiện hóa bánh ra nhiều hôm nay, bao gồm cùng lúc hai công việc của Đấng Cứu Thế, là chữa lành và nuôi dưỡng dân Người. Cả hai đều nói lên lòng thương xót vô bờ bến của Thiên Chúa đối với con người, nhất là những người đau khổ, vì họ vừa mang lấy bệnh tật thể lý vừa mang nặng bệnh tật tâm linh, vừa đói khát của ăn vật chất vừa đói khát của nuôi linh hồn. Hành động yêu thương của Chúa được cụ thể qua việc ra tay chữa lành các bệnh tật cho dân, và đặc biệt chạnh lòng thương hoá bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ.
Chúa Giê-su ngước mắt lên và thấy đông đảo dân chúng đến với mình… Chúa Giê-su chạnh lòng thương (cái đói vật chất cũng như tinh thần của con người). Chúng ta cũng được mời gọi ngước mắt lên để nhìn thấy hoàn cảnh của mọi người mà cảm thông với họ, chứ không phải ru rú cho mình mà bất biết với mọi người xung quanh đang cần đến chúng ta.
Chúa Giê-su không dùng quyền năng để hô biến đem của ăn từ đâu tới (kiểu như trong câu chuyện thần thoại Tôn Ngộ Không), nhưng Người muốn con người cộng tác dâng lên của ăn từ bàn tay lao động của con người (nghề trồng trọt – bánh; nghề đánh lưới – cá). Phép lạ xảy ra khi biết đem chia sẻ cho nhau và cùng ngồi xuống ăn chung với nhau, chứ phép lạ không thể xảy ra khi chúng ta giữ khư khư năm chiếc bánh và hai con cá để ăn một mình.
Chúa muốn các môn đệ phải lo cho dân no đủ chứ Chúa không bảo ông này bà kia cho họ ăn. Nghĩa là chính mỗi người chúng ta có liên đới trách nhiệm với mọi người xung quanh chúng ta (nơi giáo xứ, trường học, nơi làm việc) cả tinh thần và vật chất:
Về tinh thần: Có trách nhiệm về đức tin và đạo đức với cận nhân. Đó không phải chỉ là chuyện chỉ dành cho cha xứ, dành cho các giáo lý viên, mà là mọi người con Chúa đều mang trên mình sứ mạng phải truyền bá và làm chứng đời sống đức tin và đạo đức cho anh em.
Về vật chất: Biết chia cơm sẻ áo cho người thiếu thốn hơn mình. Đó không phải chỉ là việc của những nhà từ thiện, những tổ chức cứu trợ, mà là trong khả năng chung tay đóng góp của mình.
“Cho” chứ không bảo họ phải mua của mình, không phải đưa ra lời khuyên bảo họ ra quán mà mua (như giải pháp của các môn đệ đưa ra). Thật vậy, mọi người có tương quan liên đới và chịu trách nhiệm với nhau trong một giáo xứ, trong một trường học, trong nơi mình sống và làm việc, liên đới với đồng loại. Chúng ta có trách nhiệm giúp đỡ nhau sống đạo và giúp đỡ nhau sống đời, đồng thời có bổn phận đưa tiễn và cầu nguyện cho người đã qua đời…
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con mặc lấy tâm tình của Chúa, để không những có lòng cảm thương, mà còn biết cộng tác thiết thực với Chúa trong khả năng mình có thể, để xoá dần sự đói nghèo vật chất cũng như tinh thần của những người cần đến chúng con. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post