CHÚA NHẬT XXI THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 16,13-20
Khi Đức Giê-su đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai? “ Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ.” Đức Giê-su lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai? “ Ông Si-môn Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống.” Đức Giê-su nói với ông: “Này anh Si-môn con ông Giô-na, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy.” Rồi Người cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Người là Đấng Ki-tô.
II. SUY NIỆM
“LỜI TUYÊN XƯNG QUA MỌI THỜI ĐẠI”
Bài Tin Mừng hôm nay nói đến lời tuyên xưng đức tin căn bản của thánh Phêrô và cũng là lời tuyên xưng của Hội thánh Chúa Ki-tô qua mọi thời đại cho đến muôn đời. Lời tuyên xưng “THẦY LÀ ĐỨC KI-TÔ, CON THIÊN CHÚA HẰNG SỐNG” được cả ba Tin Mừng Nhất Lãm tường thuật (Mt 16,13-20 // Mc 8,27-30 // Lc 9,18-21) và đoạn Tin Mừng này cũng được kể là đọc nhiều nhất trong một năm Phụng Vụ (ít nhất là 6 lần). Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Lời Tuyên Xưng Đức Tin phải được mọi Ki-tô hữu ý thức và sống đức tin ấy.
Bản văn Tin Mừng hôm nay cũng xác định Giáo hội được đặt trên nền tảng niềm tin vào Đức Giê-su là Đức Ki-tô và là Con Thiên Chúa hằng sống; đồng thời xoay quanh vị trí Phêrô đứng đầu các tông đồ; gợi ý rằng Giáo hội cần có một vị lãnh đạo hữu hình.
Thánh Matthêu kể lại việc Chúa Giê-su trao quyền mục tử tối cao cho thánh Phêrô để chăn dắt đoàn chiên – lãnh đạo Giáo hội hoàn vũ – sau khi nghe lời tuyên xưng thật đúng đắn của thánh nhân. Thật vậy, trước khi trao quyền cho Phêrô, Chúa Giê-su cần một lời tuyên xưng đúng đắn về bản tính của Người, câu hỏi thật rõ ràng dành cho “người ngoài” và “người môn đệ”:
“Người ta” nói “Con Người” là ai?
“Anh em” bảo “Thầy” là ai?
Điều này cho thấy chỉ có ở nơi Giáo hội mới có lời tuyên xưng đúng đắn nhất về thiên tính của Đức Giê-su Ki-tô, vì Giáo hội đã sống với Người và được mặc khải từ Thiên Chúa.
1. Lời tuyên xưng đức tin đúng đắn.
Niềm tin vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa mà thánh Phêrô là người đầu tiên trong các tông đồ lên tiếng công bố, là một mặc khải và là ơn Thiên Chúa ban cho. Niềm tin này không phải do sức phàm nhân mà có được (trong tiếng Híp-ri dùng cụm từ “xác thịt” và “khí huyết”), nghĩa là, không phải do một xác tín thuần túy từ suy tư hay một tình cảm gắn bó cá nhân với con người Giê-su mà biết được, nhưng là do Thiên Chúa Cha mặc khải.
Tin Mừng thuật lại những ghi nhận của những người Do-thái về Chúa Giê-su thật ra không phải là sai, nhưng chưa đủ, mà chỉ nói lên được một khía cạnh trong sự tròn đầy của khuôn mặt Đức Giê-su là Chúa:
Là Êlia (một ngôn sứ quyền năng, làm phép lạ…)
Là Giêrêmia (một ngôn sứ bị bắt bớ và đầy đau khổ)
Là Gio-an Tẩy Giả (rao giảng sự sám hối và sống khắc khổ)
Là một ngôn sứ nào đó (đời sống chứng nhân và rao giảng).
Đấy cũng là những cái nhìn khiếm diện từ một số tôn giáo (Do-thái giáo và Hồi giáo chỉ xem Đức Giê-su như là một tiên tri, Cao Đài xem Đức Giê-su chỉ là một giáo chủ phổ độ ở Tây Phương… ), hoặc như trong lịch sử đã xảy ra nhiều lạc giáo (đã sai lạc về bản tính hay ngôi vị của Chúa Giê-su như Ario hay Nestorio…).
Còn trong bài Tin Mừng hôm nay, có thể thánh Phêrô lúc này chưa hiểu hoàn toàn về con người và sứ vụ của Chúa Giê-su, nhưng do mặc khải của Chúa Cha mà thánh Phêrô đã tuyên xưng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa. Vâng, “Con Thiên Chúa” này bao gồm trọn vẹn mọi hình ảnh trên, là một Đức Giê-su Ki-tô Tử Nạn và Phục Sinh để cứu độ con người.
Tuyên xưng vào Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống là tuyên xưng một Đức Giê-su là Chúa, nghĩa là Đức Giê-su quyền phép chữa lành bệnh tật và uy thế trước thế quyền (Êlia), một Chúa Giê-su đau khổ nơi người bất hạnh (Giêrêmia), một Đức Giê-su rao giảng ơn sám hối (Gio-an Tiền Hô), một Đức Giê-su chứng nhân và rao giảng (các ngôn sứ)…
Như vậy, tính “Tông Truyền” của mọi sự tông truyền chính là Giáo hội phải tuyên xưng và sống điều mà thánh Phê-rô đã tuyên xưng vào một Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống đã tử nạn và phục sinh. Chỉ như vậy, Giáo hội mới tồn tại và bền vững.
2. Giáo hội bền vững và năng quyền Giáo hội.
“Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18).
Theo truyền thống Cựu Ước, khi Thiên Chúa đặt tên cho ai là để chuẩn bị cho họ một sứ vụ, thì đây, Chúa Giê-su ngay từ đầu đã đổi tên Simon thành Phêrô, nghĩa là đá. Đá ở đây không phải vô tri vô giác, nhưng nói lên một kết cấu nguyên khối và bền vững. Để rồi, trên tảng đá Phêrô, Chúa Giê-su xây Giáo hội của Người một cách duy nhất và kiên vững, hầu quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi.
Chúa Giê-su đã từng ví dụ về sự khôn ngoan hay khờ dại giống như người xây nhà mình trên đá hay trên cát. Nhà xây trên đá thì dù mưa sa nước chảy, gió thổi bão lay cũng không sao. Đó là hình ảnh Giáo hội Chúa Ki-tô trải qua bao thế kỷ, gặp bao nhiêu thử thách, yếu đuối, bách hại và phải đương đầu với bao thể chế, lý thuyết, ý thức hệ, ly lạc giáo, sự tục hoá… thì trên nền đá Phêrô, Giáo hội vẫn kiên cường bảo vệ đức tin và chuẩn mực đạo lý Ki-tô giáo cho mọi dân tộc.
“Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời” (Mt 16,19).
Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền, và trách nhiệm. Chúa đã tin tưởng thánh Phêrô, trao cho người quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở.” Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Híp-ri phân định điều gì được phép và không được phép, điều chỉ đến việc cầm buộc ma quỷ trong khi trừ quỷ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý.
Việc Chúa Giê-su trao chìa khoá Nước Trời cho thánh Phêrô cũng được hiểu như là biểu tượng Giáo hội gìn giữ kho tàng ơn thánh và ơn cứu độ được đem đến qua Giáo hội. Quyền này chỉ có nơi Chúa Giê-su, nhưng Người đã ban lại cho Giáo hội qua quyền bính của vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Ki-tô qua Giáo hội của Người, bởi chỉ có Giáo hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Ki-tô (x. Mt 16,17), và chỉ có Giáo hội mới nhận biết đúng đắn nhất về Chúa Ki-tô: “Thầy là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16).
Theo nghĩa rộng, chìa khóa Nước Trời còn là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa Tội giúp mọi Ki-tô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người.
Từ cổ đến kim, nhiều lạc giáo đã tìm cách chối bỏ năng quyền này của Giáo hội và bất phục với các đấng kế vị thánh Phê-rô, nghĩa là họ chối bỏ lời Chúa Giê-su dạy trong Tin Mừng hôm nay. Quá khứ bao nhiêu lạc giáo đã tự suy tàn, nhưng hiện tại đang manh nha có nhiều thứ lạc giáo mới, chung quy lại chúng đều truyền bá việc bất phục Đức Thánh Cha và các mục tử trong Giáo hội, chúng đã lập ra những website và group trên các mạng xã hội, để lôi kéo các thành viên. Điều đáng tiếc là nhiều thành viên Công giáo đã bị chúng mê hoặc. Chính vì thế, qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta cùng ý thức mình và cầu nguyện cho những ai lầm lạc biết hoán cải.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã xây dựng Giáo hội trên nền đá là thánh Phêrô, Chúa cũng trao cho các đấng kế vị thánh Phêrô quyền bảo vệ đức tin, mối dây hiệp nhất và hướng dẫn đoàn chiên Chúa. Xin cho mọi người chúng con luôn biết quy phục Đức Thánh Cha, nhiệt thành xây dựng và làm phát triển Giáo hội bằng đời lời tuyên xưng đức tin sống động qua đời sống chứng nhân theo phận vụ của mình, để Nước Chúa ngày một lan rộng khắp nơi. Amen
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 6,54a.60-69
Sau khi nghe Đức Giê-su nói: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời”, nhiều môn đệ của Người liền nói: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi? ” Nhưng Đức Giê-su tự mình biết được là các môn đệ đang xầm xì về vấn đề ấy, Người bảo các ông: “Điều đó, anh em lấy làm chướng, không chấp nhận được ư? Vậy nếu anh em thấy Con Người lên nơi đã ở trước kia thì sao? Thần khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì. Lời Thầy nói với anh em là thần khí và là sự sống.
Nhưng trong anh em có những kẻ không tin.” Quả thật, ngay từ đầu, Đức Giê-su đã biết những kẻ nào không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Người nói tiếp: “Vì thế, Thầy đã bảo anh em: không ai đến với Thầy được, nếu Chúa Cha không ban ơn ấy cho.” Từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không còn đi theo Người nữa.
Vậy Đức Giê-su hỏi Nhóm Mười Hai: “Cả anh em nữa, anh em cũng muốn bỏ đi hay sao? ” Ông Si-môn Phê-rô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
II. SUY NIỆM
“CON NGƯỜI ĐÃ LÊN NƠI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA THÌ SAO?”
Hôm nay, sau diễn từ về Thánh Thể, nhiều người và ngay cả các môn đệ đã phản ứng: “Lời này chướng tai quá ai mà nghe được”. Thế rồi đã có nhiều môn đệ rút lui không theo Chúa nữa.
Với sự phản ứng này, chúng ta nhớ lại lời Chúa Giê-su đã nói trước đó: “Không ai đến được với Tôi nếu Chúa Cha không lôi kéo người ấy”. Rõ ràng, ơn đức tin là một ơn ban chứ không phải dễ dàng mà có đức tin được.
Tin vào mầu nhiệm Thánh Thể thật không dễ dàng chút nào. Nếu ngày xưa nhiều môn đệ không thể chấp nhận được thịt thầy Giê-su trở thành bánh đem lại sự sống đời đời, thì con người ngày nay cũng khó có thể tin được mầu nhiệm chuyển bản thể (substantia) từ một tấm bánh vẫn còn màu và mùi vị đó lại là Thịt Chúa Ki-tô.
Chính vì vậy, nếu không được Chúa ban ơn đức tin, thì không thể hiểu được, thậm chí còn là cớ vấp phạm, giống như một số môn đệ xưa phản ứng: “Lời này chói tai quá”.
Phải, làm sao những người nghe Chúa Giê-su có thể tin rằng “người con của bác thợ mộc làng Nazareth kia lại từ Thiên Chúa mà đến? Và ngày nay làm sao chúng ta có thể tin rằng chúng ta cần Thánh Thể? Chúa Giê-su cho chúng ta biết tại sao Người đã đến: Con Thiên Chúa đến với chúng ta, để sau đó sẽ LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA. Người đã đến từ Thiên Chúa để thông ban cho chúng ta chính sự sống của Thiên Chúa, mà sự sống này sẽ đem lại cho chúng ta hạnh phúc đời đời trong Thiên Chúa.
Thế giới chúng ta được đổi mới là nhờ sự phục sinh của Chúa Giê-su Ki-tô. Con Thiên Chúa đã trở LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA, với thân xác nhân loại đã được Thần Khí biến đổi. Con Thiên Chúa đã lên trời với chất người của chúng ta. Đức Ki-tô là con người nhân loại đầu tiên đạt tới cõi Thiên Chúa. Khi Con Thiên Chúa đi vào vinh quang của Chúa Cha, Người mang trên đôi vai toàn thể thụ tạo mà Người đã đổi mới và thánh hiến.
Thật khó lý giải, nhưng nếu không tin vào mầu nhiệm biến đổi từ bánh thành Mình Chúa, thì cũng không thể hiểu được “con người” đi vào được cõi thần linh. Khi thân xác thần linh của Chúa Giê-su kết hợp với thân xác thụ tạo của chúng ta bằng Mầu Nhiệm Thánh Thể, thì biến đổi chúng ta và đưa thân xác thụ tạo chúng ta vào trong cung lòng Thiên Chúa.
Một số môn đệ Chúa Giê-su và người Do-thái không thể hiểu nổi mầu nhiệm “chuyển bản thể”, Thịt Chúa trở thành bánh ăn và bánh miến thành Mình Thánh Chúa, sâu xa hơn là do họ không tin vào quyền năng Thiên Chúa có thể biến đổi và không tin được Đấng đang nói đó là một Thiên Chúa nhập thể – Thần Linh trong con người hữu hạn.
Thật vậy, họ đã không hiểu được mầu nhiệm Con Thiên Chúa tự nguyện hạ mình và trút bỏ thần tính vinh quang của mình như thế. Người đã trở nên phàm nhân và chết như một tên nô lệ, để sau đó Chúa Cha đưa NGƯỜI TRỞ LÊN NƠI NGƯỜI ĐÃ Ở TRƯỚC KIA. Chúng ta cũng vậy, khó lòng chấp nhận được một Thiên Chúa hoạt động giữa chúng ta, và giữa thế giới đầy bất công và tội lỗi đến thế, nhưng vẫn được Thiên Chúa yêu thương, trong lòng một Giáo hội bất xứng đến vậy nhưng vẫn được Thiên Chúa trọng dụng để thực hiện kế hoạch của Người, đặc biệt trong một lịch sử vô vọng nhưng lại là thời gian chuẩn bị cho Nước Trời.
Điểm sáng nhất mà bài Tin Mừng hôm nay chuyển tải cho chúng ta, là giữa sự thất vọng bỏ đi của nhiều người, thì vẫn còn đó Nhóm Mười Hai với lời tuyên xưng của tông đồ trưởng Phêrô: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con đã tin và nhận biết rằng chính Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.”
Có lẽ ở đây chúng ta chưa dám chắc Phêrô và các tông đồ đã hiểu được mầu nhiệm Thánh Thể là lấy Thịt Chúa cho nhân loại ăn, nhưng ít nhất Phêrô tin vào uy tín của Thầy không thể nói điều sai lạc vì Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa.
Lời tuyên xưng còn khẳng định rõ hơn về đức tin là một ân ban mà không phải ai cũng dễ dàng có được. Lời tuyên xưng của Phêrô và sự trung thành của các Tông Đồ là điểm sáng về niềm tin và lòng trung tín cho chúng ta, nhất là ngày hôm nay không thiếu những người đã lìa bỏ Giáo hội.
Nếu không có ơn đức tin thì sẽ không thấy sự khác nhau giữa bánh chưa truyền phép và được truyền phép, không thể cảm nhận được sự hiện diện thực của Chúa Giê-su trong phép Thánh Thể. Dù sao, giữa một thế giới 5 tỉ người không tin vào Thánh Thể, thì cũng vẫn còn điểm sáng khích lệ chúng ta là có 1 tỉ Ki-tô hữu tin vào sự hiện diện thật của Chúa Giê-su trong tấm bánh miến được truyền phép trong thánh lễ mỗi ngày.
Lạy Chúa Giê-su, mắt phàm chúng con không thể nhận ra Chúa nơi tấm bánh, nhưng đức tin Chúa ban cho chúng con nhận ra bánh miến và rượu nho được dâng trên bàn thờ chính là Thịt và Máu Chúa đã hiến mình làm của ăn nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Xin Chúa ban cho chúng con một niềm tin kiên vững, để không bao giờ nghi ngờ sự hiện diện của Chúa mà thoái lui xa lìa Chúa. Amen
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 13,22-30
Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, Đức Giê-su đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không? ” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được.
“Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: “Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào! , thì ông sẽ bảo anh em: “Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến! Bấy giờ anh em mới nói: “Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi. Nhưng ông sẽ đáp lại: “Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!
“Bấy giờ anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Áp-ra-ham, I-xa-ác và Gia-cóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa.”Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”
II. SUY NIỆM
“QUA CỬA HẸP”
Quy luật của cuộc sống, chẳng có gì đạt được mà không có sự nỗ lực cố gắng. Muốn giỏi phải học chứ không tự nhiên mà thi đậu, một hạt lúa vàng chín giọt mồ hôi chứ không phải bỏ ruộng hoang để chờ có lúa gặt. Của cải không tự trên trời rơi xuống, tri thức cũng không tự nó toàn tri, hạnh phúc không tự có nếu không vun đắp xây dựng… Cũng thế, Nước Trời đã được Thiên Chúa dọn sẵn và dành cho bất cứ ai, nhưng không phải tự nhiên mà đạt tới, nhưng phải trải qua những gian truân khổ ái và hy sinh thì mới mong đạt tới. Những khó khăn vất vả nỗ lực ấy đó là bước qua “cửa hẹp” (một lối nói ẩn dụ), vì Nước Trời không dành cho kẻ sống buông thả và dễ dãi, cửa tiền tài, sắc dục, hư danh… là cửa dẫn vào cái chết muôn đời. Đó là sứ điệp mà Tin Mừng hôm nay gửi đến cho chúng ta:
1. Đi qua cửa hẹp.
Để có được những thiện hảo đời này hẳn nhiên không thể thiếu sự gắng công nỗ lực. Cũng vậy để có hạnh phúc vĩnh cửu thì sự nỗ lực hoàn thiện bằng đời sống đạo đức càng trổi vượt hơn gấp bội. Thật thế, Thiên Chúa chuẩn bị cho ta ơn cứu độ, dọn sẵn cho ta Nước Trời, nhưng Thiên Chúa muốn con người cộng tác để đạt tới cùng đích ấy, như thánh Augustino nói: “Thiên Chúa dựng nên ta Người không cần ta, nhưng để cứu chuộc ta Người cần ta cộng tác”.
Dĩ nhiên, để đạt tới ơn cứu độ và hưởng Nước Trời không phải chỉ do sức riêng chúng ta tự nỗ lực, nhưng cần đến sự trợ giúp của Ơn Chúa (khác với tự thân nỗ lực giải thoát trong Phật Giáo). Việc đi qua cửa hẹp chính là sự hy sinh mỗi ngày, vừa dành thời gian cho Chúa để được trợ lực, vừa thực hành sống đạo đức và bác ái giữa đời.
Cụ thể, đã là “cửa hẹp” thì muốn vào phải có ít nhất ba điều kiện sau đây:
Phải khom người lại chui mới lọt, nghĩa là hạ mình xuống sống khiêm tốn chứ không phải tự cao tự đại. Hãy học lấy Chúa Giê-su là Đấng hiền lành và khiêm nhường đã tự hạ mình từ Thiên Chúa xuống làm một con người hữu hạn nghèo khó.
Phải “giảm cân” cho mình nhỏ lại mới chui qua được, nghĩa là biết trở nên con người nhỏ bé đơn sơ, tránh vơ vét để làm cho mình kềnh to ra vì giàu sang ích kỷ, tránh tham lam quyền lực và tiền của…
Phải bỏ bớt hành lý thì mới dễ chui vào, nghĩa là bỏ bớt những gì làm ta vướng bận và lấn át chúng ta, như đam mê công việc mà bỏ bê việc lành, đam mê tình cảm mà sinh ra tội lỗi, tham thích vui chơi mà quên cả trách nhiệm Ki-tô hữu…
2. Khi cửa đã đóng lại.
“Cửa hẹp” đưa vào bàn tiệc Nước Trời, nhưng không phải lúc nào cửa cũng mở. Sẽ đến giờ “chủ nhà đứng dậy và khóa cửa lại” (Lc 13,25) thì không cách gì, không lý lẽ chi để cửa mở ra lại. Đó chính là lúc vô cùng bất hạnh cho những kẻ đến trễ: những kẻ mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng.
Bao lâu còn cơ hội và được các mục tử rao giảng, được học hỏi Tin Mừng, được Giáo hội kêu mời sống thánh thiện, được đón nhận các Bí tích và được gặp Chúa mỗi ngày nơi phép Thánh Thể… chúng ta không quan tâm, rồi sẽ đến lúc cửa đóng lại khi chúng ta lìa đời, lúc đó dù chúng ta mang trên mình ấn tích Rửa Tội để nói với Chúa là người có đạo, đã từng cùng với mọi người đồng bàn dự bàn tiệc Lời Chúa và Thánh Thể, nhưng vì trước đó chúng ta đã ơ hờ nguội lạnh, thì giờ đó Chúa sẽ bảo không biết ta là ai…
Cái chết đến sẽ là một sự dứt khoát vĩnh viễn, vì thế đừng ai cứ cho phép mình bê trễ việc đạo đức, mải mê thế sự mà không lo sống đạo, tự tin ỷ lại cho đến lúc già rồi mới trở về với Chúa. Cái chết sẽ đến bất thình lình, đó là khi cánh “cửa hẹp” sẽ đóng lại vĩnh viễn với họ và họ sẽ phải đi vào cõi chết muôn đời. Mọi người phải tự cố gắng qua cửa hẹp, chứ không thể ai thay thế qua cửa hẹp giùm cho mình được… Và rồi, khi không lo gắng sức lập công lúc còn sống, thì khi cửa hẹp đã đóng lại sau cái chết, thì mọi việc cầu nguyện xin lễ cũng chẳng còn giúp được gì cho kẻ đã hư đi đời đời.
3. “Có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót”.
Những kẻ đứng hàng đầu này có thể là những người được Chúa ban cho giàu có, nhưng lại sống trong ích kỷ, chỉ biết thu vén cho mình những của cải đời này, mà không biết chia sẻ trao ban như luật yêu thương Chúa dạy.
“Những kẻ đứng đầu”có thể là những ai được Chúa ban cho địa vị, chức quyền, khôn ngoan, nhưng lại sống trong huênh hoang tự đắc. Thay vì dùng ơn lành Chúa ban để nâng đỡ anh em, phục vụ cộng đoàn, họ lại nuôi dưỡng tham vọng cá nhân.
Những kẻ đứng hàng đầu cũng có thể là những người vốn cho mình là đạo gốc đạo dòng, nhưng giữ đạo theo thói quen hoặc câu nệ lề luật máy móc mà nguội dần lòng yêu mến, thì còn tệ hơn những người đạo mới được Chúa gọi vào “giờ thứ mười một”
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con biết sống tiết độ và tỉnh thức, đừng mải mê tìm của cải danh vọng, thú vui phù du mà quên đi hạnh phúc vĩnh hằng, hầu mai ngày chúng con được bước vào cửa thiên quốc hưởng vinh quang với Chúa. Amen.
Hiền Lâm
Discussion about this post