LINH ĐẠO
MỖI DÒNG TU CÓ MỘT LINH ĐẠO RIÊNG
VẬY, LINH ĐẠO LÀ GÌ?
1. Từ “Linh Đạo” ở đâu ra?
Từ “linh đạo” được phát xuất sau khi Hội Thánh Công Giáo được thiết lập, nó phát khởi từ khi người ta tìm thấy con đường giúp nên thiện toàn, hoàn hảo trong việc kết hiệp với Thiên Chúa.
2. Linh Đạo có nghĩa là gì?
Có rất nhiều định nghĩa về “linh đạo”, có người cho rằng: “Linh” là linh thiêng, “Đạo” là đường, linh đạo là con đường thiêng liêng, nhờ con đường linh thiêng này, con người dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa. Đó có vẻ là định nghĩa đơn giản và dễ hiểu nhất. Theo sách giáo lý YOUCAT, các bạn trẻ được dạy để hiểu về linh đạo như: “là những lối sống đạo đức trong Hội Thánh, được phát triển bằng nhiều cách, xuất phát từ những thực hành trong đời sống các vị thánh được Chúa Thánh Thần linh hứng. Vì thế ngày nay người ta thường nói đến linh đạo Biển Đức, linh đạo Phanxico hay Đaminh” (số 497).
Xét về chiều kích tôn giáo, cách chung mà nói: Linh đạo là: một cách thức để tìm gặp Chúa, tìm Thánh Ý Thiên Chúa; là một lối sống để nên thánh; là một đường lối đi theo Đức Giê-su;là một kinh nghiệm về Thiên Chúa của một người hoặc một nhóm người, kinh nghiệm ấy giúp họ cảm nhận Thiên Chúa, đụng chạm, để chọn lựa lối sống của Thiên Chúa, và để sống thân tình với Ngài. Thật vậy, linh đạo là một trong những cách thức biểu lộ hoặc diễn tả kinh nghiệm gặp gỡ, tìm biết và thực thi Thánh Ý Chúa, nhằm làm đẹp lòng một mình Người.
3. Ý nghĩa của Linh Đạo biến chuyển theo lịch sử như thế nào?
Những thế kỷ sau Đức Kitô, nhiều Kitô hữu sống sự bỏ mình, cầu nguyện, ăn chay và độc thân theo gương Chúa Giêsu. Hầu hết họ sống như thế trong thành phố của mình, ở giữa gia đình mình. Tuy nhiên, đến đầu thế kỉ thứ tư, nhiều người nam và nữ ở Phương Đông đã rời khỏi thế gian và để sống sự bỏ mình trong sa mạc. Cuối thế kỉ thứ tư, hàng ngàn tu sĩ nam nữ đã sống trong những hoang mạc trong nội địa Ai Cập, cũng như những vùng hẻo lánh của Syria và Palestine. Một vài người sống như những đan sĩ (cenobits – những người sống với nhau thành cộng đoàn), nhưng nhiều người khác đã sống đời cô độc. Tất cả các phong trào đan tu tiếp sau đều bắt nguồn từ cuộc “chạy chốn” đầu tiên này đến sa mạc Ai Cập, và “lối sống đan tu ở Phương Đông” đã tác động lâu dài đến sự phát triển của linh đạo.
Một nhãn quan chung, có nhiều nên linh đạo nổi tiếng trong Giáo Hội cho đến ngày nay như: Linh đạo thánh Augustino (354-430), linh đạo Biển Đức (480-550), linh đạo Xi-tô (thánh Benado Clecvo 1090-1153); linh đạo Đa Minh (thánh Đaminh 1170-1221); linh đạo Phan Sinh (thánh Phanxico Assisi 1182-1226); linh đạo Carmelo (linh đạo Cát Minh: thánh Teresa Avila 1515-1591; thánh Gioan Thánh Giá (1542-1591); linh đạo I-nhã (1491-1556); Linh đạo Salesien (thánh Gioan Bosco 1815-1888); gần đây nhất có nền linh đạo Con Đường Thơ Ấu Thiêng Liêng của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu (1873).
Xét theo thần học linh đạo (1), linh đạo có lịch sử riêng của nó khi xét về khía cạnh thời gian như:
– Linh đạo tiên khởi, gồm thời Chúa Giêsu, các thánh Tông đồ và các thánh phụ (TK I-VII).
– Linh đạo thời Trung Cổ (VIII-XV)
– Linh đạo thời cận đại (XVI-XVIII)
– Linh đạo thời hiện đại (XIX-XX).
4. Linh Đạo muốn diễn tả điều gì?
Có thể diễn tả linh đạo qua hình ảnh một cây ăn trái tượng trưng cho một con người:
Hoa trái là phần nhìn thấy được: học vấn, thành quả tông đồ,…
Linh đạo là phần rễ cây không nhìn thấy, bao gồm: cầu nguyện, khó nghèo, khiết tịnh, vâng phục, cung cách hành xử,… Linh đạo nếu xét như động lực sống thì còn có thể bao gồm gia đình, con cái,…
Hoa trái của cây phụ thuộc vào bộ rễ là linh đạo được chọn để sống. Nếu một người (tu sĩ) không bắt rễ trong cầu nguyện, đời sống nhân đức mà chỉ dựa vào tài năng như học vấn thì vẫn sinh hoa trái về mặt học vấn nhưng hoa trái ít ỏi, còi cọc.
Linh đạo cũng cần “ăn,” đó là hút chất dinh dưỡng từ đất, từ nơi Thiên Chúa. Cần thiết phải liên hệ, gắn bó với Thiên Chúa để có sức sống sinh hoa trái. Vậy linh đạo là cách nhận lãnh mọi sự từ nơi Thiên Chúa. Mỗi nền linh đạo có thể có chung ‘rễ cây’ – theo nghĩa những hoạt động đều nhắm đến việc tiếp xúc với Thiên Chúa; tuy nhiên, cách thức ‘rễ cây – linh đạo’ (spiritual) cuộn lấy nhau, hút sự sống từ đất – cách thức thực hành những hoạt động nền tảng, thì khác nhau và tạo nên những ‘thân cây – con đường’ (the way) khác nhau; cũng từ đó, sinh ra những “hoa trái – việc phục vụ, hành xử” (fruits) khác nhau. Nhưng dù sao đi nữa, cũng phải thừa nhận mọi nền linh đạo đều phải có bộ rễ bám sâu vào Thiên Chúa là nền tảng vững vàng, là nguồn sống sung mãn tạo nên hoa trái dồi dào.
5. Đâu là Linh Đạo mà Thiên Chúa mời gọi tôi sống?
Không phải ngẫu nhiên mà triết gia Hegel khẳng định rằng: “mỗi người đều là đứa con của thời đại”. Thật vậy, mỗi thời đều có những nền linh đạo nổi bật khác nhau, nhưng cơ bản tất cả đều là gợi hứng từ Chúa Thánh Thần (x. Gl 5, 25), Đấng không ngừng mời gọi mỗi tín hữu sống theo một con đường thiêng liêng nào đó để họ được nên thiện toàn hơn như Thiên Chúa là Cha ở trên trời Mt 5, 48). Vậy, đâu là linh đạo mà Thiên Chúa muốn tôi sống?
Chính trong đời sống cầu nguyện và phân định, mỗi người có thể lắng nghe Lời Mời Gọi của Thiên Chúa trong sâu kín lòng mình. Nhưng quan trọng hơn cả, đó là lòng khao khát của mỗi người. Lòng khao khát hướng về Thiên Chúa, hướng về những điều thiện hảo và hướng về những người đang lầm than, vất vả, khổ đau…trong cuộc sống hằng ngày. Những người cùng khổ, kém may mắn trong cuộc sống đó chính là họa ảnh của Chúa Giêsu, họ đang cần sự giúp đỡ từ mọi người.
Tựu trung, trước khi chọn lựa và quyết định sống theo một nền linh đạo nào đó, thiết nghĩ bạn hãy bình tâm, và trong tâm tình cầu nguyện và phân định với sự trợ giúp của những người có kinh nghiệm, bạn sẽ khám phá ra được đâu là Lời Mời Gọi Của Thiên Chúa dành cho cuộc đời mình.
tổng hợp
Discussion about this post