Giáo Hội chọn Tin Mừng Thứ IV (Gioan) đọc trong mùa Phục Sinh với chủ đề về các Bí Tích, như:
Tuần BN: Các cuộc hiện ra,
Tuần II: Bí tích Rửa Tội,
Tuần III: Bí tích Thánh Thể,
Tuần IV: Bí tích Truyền Chức.
V…v….
Suốt cả tuần II Phục Sinh, chúng ta được nghe cuộc đối thoại giữa Chúa Giê-su và ông Nicôđêmô về Phép Rửa tái sinh.
Chúng ta gặp thấy khuôn mặt rất bí ẩn là Nicôđêmô.
Chúng ta chỉ gặp thấy “ông thánh” này trong ngắm đàng thánh giá Nơi thứ Mười Bốn, có viết là: “Ông thánh Giuse, ông THÁNH Nicôđêmô, ông thánh Gioan”. Nhưng trong sổ bộ các thánh của Giáo Hội Công Giáo thì không có, ngày mừng kính cũng không có, và cũng chưa có ai hay nhà thờ nào trên thế giới nhận làm bổn mạng.
Có thể nói Nicôđêmô được Tin Mừng thứ IV xây dựng lên và hoàn toàn không có trong ba Tin Mừng Nhất Lãm, và cho đến nay cũng không ai biết “ông thánh” Nicôđêmô như thế nào và được mừng kính ngày nào.
Chỉ biết rằng, trong Tin Mừng thứ IV đã xuất hiện 3 lần: lần 1 lén lút đến gặp Chúa ban đêm, lần 2 xuất hiện trong cuộc họp “ban lãnh đạo” Do-thái và không tán thành việc kết án Chúa Giêsu, và lần 3 xuất hiện trong việc táng xác Đức Giêsu.
Triết học cổ đại Hi-lạp, đặc biệt Socrate, Platon và Aristote, thường sử dụng lối văn đối thoại để chuyển tải tư tưởng. Tin Mừng thứ IV (Gioan viết cho người Hi-lạp) cũng từng sử dụng lối văn đối thoại này, khi kể lại cuộc trò chuyện giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, hầu chuyển tải ý nghĩa về ơn cứu độ. Lối văn đối thoại giữa các đối tượng cũng xuyên suốt trong Tin Mừng Gioan, đặc biệt về các diễn từ của Chúa Giêsu đối với các môn đệ hay với người Do-thái.
***
Hình ảnh của Nicôđêmô là một hình ảnh của những con người giữ đạo cách âm thầm lén lút vì sợ liên lụy, sợ mất “cái ghế” và “cái nồi”, chọn danh vọng và của cải hơn Chúa; theo đạo nhưng không dám xưng mình là người Công Giáo, đời cũng muốn mà Chúa cũng tham.
Hôm nay Nicôđêmô lén lút đến gặp Chúa ban đêm vì sợ “ban lãnh đạo” biết thì coi như cái ghế trong “thượng hội đồng” của ông đi đứt. Ông thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.” Nghĩa là dù muốn dù không, “giới lãnh đạo” phải thừa nhận sự thật về Đức Giêsu, nhưng chỉ vì cái ghế và cái nồi mà họ đành phải sống ngược lại.
Chúa Giêsu không đợi Nicôđêmô hỏi gì, mà Người nói ngay rằng: “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra một lần nữa bởi ơn trên.” Nghĩa là, Người xác định cách dứt khoát từ đầu rằng, muốn gia nhập Nước Thiên Chúa thì phải “sinh lại”. Sinh lại là phải thay đổi cách sống, phải chọn lựa gia nhập, chứ không thể sống nửa vời được nữa.
Nicôđêmô hiểu sinh lại theo nghĩa tự nhiên nên ông thắc mắc: “Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được? Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?”.
Thực ra, đây là cách nói xuyên suốt cả Tin Mừng thứ IV. Tin Mừng thứ IV nhìn sự tái sinh nhờ ơn Cứu Chuộc của Chúa Giêsu là một cuộc Tân Sáng Tạo, là sáng tạo mới. Sinh ra lần thứ nhất là sinh ra theo xác thịt, nhưng khi chịu Phép Rửa thì sinh ra lần nữa (tái sinh) thành con người mới nhờ nước và Thần Khí.
Đó chính là một đòi buộc ai muốn vào Nước Chúa phải đi vào lòng mẹ Giáo Hội để được sinh ra làm con người mới nhờ đón nhận phép Thánh Tẩy – là sinh lại trong nước và Thánh Thần.
Chúa Giêsu cho Nicôđêmô một ví dụ về hiện tượng tự nhiên rằng: “Gió muốn thổi đâu thì thổi; ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu”. Nghĩa là, việc tái sinh trong Thần Khí dù không thấy được Thần Khí nhưng có thể cảm nhận được nhờ kết quả của Thần Khí. Giống như không ai thấy gió cả, nhưng tin chắc chắn có gió vì nghe được tiếng gió và thấy mọi hiện tượng khi gió đi qua như cây nghiêng ngả, bụi bay mịt mù… gió tự do thổi mà không ai cản được. Thần Khí Thiên Chúa vốn thiêng liêng không ai thấy được, nhưng mọi người biết được nhờ kết quả của Thần Khí tác động và biến đổi trên những con người đã được tái sinh.
Discussion about this post