CHÚA NHẬT LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 20,19-23
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em! ” Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”
II. SUY NIỆM
“ANH EM HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN”
Truyền thống Giáo Hội mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 50 ngày sau lễ Phục Sinh, điều này trùng hợp với Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái 50 ngày sau lễ Vượt Qua. Lễ Ngũ Tuần của người Do-thái là kỷ niệm biến cố 50 ngày sau khi vượt qua Biển Đỏ và đón nhận Thập Điều trên núi Sinai, mở ra một ký kết Thiên Chúa chọn dân Israel làm sản nghiệp của Người, và từ biến cố Thần Hiện trên núi Sinai, dân Israel trở thành một tôn giáo và là một dân riêng của Thiên Chúa.
Hôm nay, ngày Lễ Ngũ Tuần, Chúa Thánh Thần cũng hiện xuống, bắt đầu một dân mới của Thiên Chúa là Hội Thánh. Hình ảnh Thiên Chúa “thần hiện” trong núi lửa nghi ngút khói và trong cơn gió mạnh đến với Môi-sê để thiết lập dân riêng Israel tại núi Sinai, được tái hiện khi Chúa Thánh Thần dùng hình lưỡi lửa và tiếng gió thổi xuống trên các Tông Đồ để bắt đầu một dân Israel mới là hết những ai tin vào Chúa Giê-su Ki-tô.
Sau tường thuật chi tiết của thánh Luca về cuộc hiện xuống trong sách Tông Đồ Công Vụ, bài Tin Mừng theo thánh Gioan chúng ta vừa nghe cũng kể về việc Chúa Giê-su hiện đến ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ.
Có nhiều biểu tượng về Chúa Thánh Thần như gió, lửa, khí, hình bồ câu… cùng với những ơn của Chúa Thánh Thần như thần khí khôn ngoan và minh mẫn, thần khí mưu lược và dũng mãnh, thần khí hiểu biết và kính sợ Đức Chúa (Is 11,2) quen gọi là bảy ơn cả của Chúa Thánh Thần; nhưng ở đây, chúng ta chỉ dừng lại suy niệm hai vai trò của Chúa Thánh Thần được nói tới trong Tin Mừng hôm nay là: Thần Khí Bình An và Thần Khí Tha Tội.
1. Thánh Thần bình an
“Chúa Giê-su hiện đến, đứng giữa các môn đệ và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20,19).
Tương truyền rằng, ngày xưa, họa sĩ Michael Cardo đến dâng tặng vua Napoleon một bức họa Icon vẽ hình con chim bồ câu. Chim bồ câu có mỏ màu cam, cánh màu xanh lam, ngực màu vàng và đuôi màu xám. Nhà vua lấy làm lạ vì chim bồ câu giống chư con đồi mồi. Họa sĩ Michael trả lời rằng: Đó là biểu tượng Chúa Thánh Thần, trong đó màu đỏ cam là lửa thiên đốt, màu xanh lam là hòa bình, màu vàng là ánh sáng và màu xám là màu bông lau làm chổi quét… Ngụ ý là, Chúa Thánh Thần thánh hóa miệng lưỡi tín hữu để nói Lời Thiên Chúa, là ánh sáng xuất phát từ (lồng ngực) trái tim để chiếu tỏa tình yêu Chúa đến với tha nhân, quét sạch mọi hận thù chia rẽ chiến tranh, đặc biệt, là đôi cánh hòa bình đem bình an đến cho thế giới.
Lời chào bình an mà Chúa Giê-su dành cho các môn đệ hôm nay, gợi lại hình ảnh các tổ phụ xưa và phong tục người Do-thái dùng để chào nhau khi gặp gỡ. Bình an cũng là sứ điệp đầu tiên mà Chúa Giê-su đem xuống nhân loại qua lời hát của thiên thần: “…Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Và nay, khi trao ban Thánh Thần cho các môn đệ, Chúa Giê-su cũng dùng chính sứ điệp: “Bình an cho anh em” (Ga 20,19.21). Nói cách khác, Chúa Thánh Thần là sứ giả của hòa bình và chính là sự hòa bình đó.
2. Thánh Thần tha tội
“Chúa Giê-su thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).
Công thức xá giải trong bí tích Giao Hòa được vị linh mục đọc như sau: “Thiên Chúa là Cha hay thương xót, đã dùng sự chết và sống lại của Con Chúa mà giao hòa thế gian với Chúa và BAN THÁNH THẦN ĐỂ THA TỘI…” Như thế, một trong những vai trò của Chúa Thánh Thần dành cho nhân loại chính là tha tội.
Năng quyền tha tội này Chúa Giê-su đã ban cho các tông đồ – môn đệ và các đấng kế vị các ngài khi Người thổi hơi vào các môn đệ và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23). Điều này cũng như khi Chúa trao quyền cho Phê-rô – tông đồ trưởng: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở” (Mt 16,19…). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do-thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỷ trong khi trừ quỷ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết đức tin và luân lý.
Quyền này chỉ có nơi Chúa Giêsu, nhờ Thánh Thần, nhưng Người đã ban lại cho Giáo Hội qua quyền bính của các vị đại diện Người. Ơn Cứu Độ từ Đức Kitô qua Giáo Hội của Người, bởi chỉ có Giáo Hội mới được mặc khải tròn đầy của Chúa Cha về Chúa Kitô (x. Mt 16,17).
Theo nghĩa rộng, việc cầm giữ cũng là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí Tích Rửa Tội giúp mọi Kitô hữu mở cửa bước vào kho tàng ân sủng của Chúa nơi các bí tích. Sự đóng hay mở phụ thuộc vào việc bác ái hay khép kín của lòng người. Ơn tha tội chỉ thực sự có được khi sự tha thứ luôn ngự trị trên mọi thành phần trong Giáo Hội.
Tóm lại, với bài Tin Mừng Gioan được đọc trong lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay, Ki-tô hữu được mời gọi cầu nguyện và xây dựng sự hòa bình cho quê hương đất nước và thế giới. Và để có hòa bình mọi người cần đến sự tha thứ của Thiên Chúa nhờ Thánh Thần của Người, từ đó mọi người cũng tha thứ cho nhau.
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Amen.
Hiền Lâm
++++++++++
MỘT BÀI CHIA SẺ KHÁC
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG
(1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23)
Mọi người chúng ta khi xem hay cổ vũ các môn thể thao, thấy đội chơi tấn công thì chúng ta nói là “đá có lửa”, “đá rất bốc”, “đá rất nhiệt”… Cầu thủ “cháy hết mình” vì huấn luyện viên, vì màu cờ sắc áo, vì người hâm mộ và vì phần thưởng cao quý…; còn nếu đá chậm và nhạt nhòa thì chúng ta cho là “thiếu lửa”, “thiếu nhiệt huyết”…
Một đội thể thao thiếu nhiệt huyết, chơi thiếu lửa là vì trong đó các vận động viên đã không còn đoàn kết và không còn gắn kết với nhau nên phối hợp rời rạc, chơi cá nhân và không hỗ trợ nhau để tấn công (thiếu hiệp nhất). Có thể là do các cầu thủ đã không tin tưởng lẫn nhau cảm thấy không an tâm để sát cánh với nhau (không bình an), hoặc do thiếu đi sự tha thứ và chấp nhận nhau (thiếu tha thứ).
Với một chút ví dụ nho nhỏ về thể thao, xin rút ra hai ý nghĩa của lửa xuất phát từ “ngọn lửa tình mến” là Chúa Thánh Thần, tương ứng với các bài đọc Lời Chúa hôm nay, đó là:
- Nhiệt huyết
- Hiệp nhất
1. Lửa nhiệt huyết.
Ý nghĩa đầu tiên của lửa tình mến từ Chúa Thánh Thần phải nói đến đó là nhiệt huyết, là đốt cháy, là sưởi ấm cho nhau. Đây là thứ lửa mà Chúa Giêsu đem xuống trần gian và khát khao cho nó bùng cháy lên (x. Lc 12, 49. 24,32).
Bài Tin Mừng Gioan chúng ta vừa nghe, các môn đệ Chúa Giêsu đã chán nản buông xuôi và thất vọng sau cái chết của thầy, cảm thấy mất định hướng và mờ mịt tương lai, lòng nhiệt huyết hăng say xưa đã nguội. Chính sự xuất hiện của Chúa Kitô phục sinh đã khơi lại cho các ngài lửa mến và bùng cháy lên nhiệt huyết can đảm và một khởi đầu mới mạnh mẽ hơn, không còn lén lút đóng cửa sợ sệt nữa, mà là ra đi loan báo Tin Mừng.
Nhìn lại cuộc đời Kitô hữu, cách riêng là đời sống tu trì, ban đầu ai cũng nhiệt huyết lắm, ai cũng muốn cháy hết mình vì Chúa, VÌ Giáo hội, vì Hội dòng và vì lý tưởng… nhưng rồi bắt đầu nguội dần theo thời gian, thậm chí buông xuôi tà tà sống như không còn gì để phấn đấu và tấn tới.
Tại sao vậy? Lòng nhiệt huyết bị bị phai nhạt bắt nguồn từ đâu? Thiết nghĩ lý do đầu tiên phải kể đến, đó là sự bình an và hiệp nhất đã bị rạn nứt trong tương giao giữa người với người, giữa mỗi thành viên trong cộng đoàn với nhau, trong giáo xứ với nhau…
2. Lửa hiệp nhất.
Giống như trong một đội bóng đá, trận đấu mất lửa, mất chiến thắng là do có cầu thủ đã không còn cháy hết mình, một mắt xích nào đó trong sơ đồ chiến thuật đã bị gãy không kết nối được với các tuyến, không hỗ trợ nhau tấn công tiến về phía trước, có thể do tính cá nhân hoặc do “phe nhóm cừu đen” nào đó không bằng lòng với huấn luyện viên, bỏ vị trí hoặc tìm cách phá đội bóng, cũng có thế là do tác động từ bên ngoài mua chuộc bán độ.
Trong thư thứ hai gửi giáo đoàn Côrintô, thánh Phaolô đem ra một sự sánh ví thật tuyệt vời là: Mỗi một người chúng ta được ví như một bộ phận trong Thân Thể mầu nhiệm Chúa Kitô, trong Hội thánh, và thu nhỏ hơn là trong giáo xứ, trong cộng đoàn chúng ta.
Trong một thân thể, mà một bộ phận bị đau thì cả thân thể đều đau. Các bộ phận không phát triển chung trong sự hài hòa mà chỉ lo cho mình phình to ra hay co rúm lại thì biến thân thể thành quái thai, thành quái vật, thành dị nhân và bệnh tật rồi chết sớm.
Có thể trong các cộng đoàn chúng ta, có những mắt xích bị gãy vì chia rẽ, vì không hài lòng với nhau, nên tìm cách phá hoặc vô can với cộng đoàn, hoặc bị những tác động ngoại cảnh kéo mình bị phân tâm xa dần với Chúa và với nhau. Chính sự chia rẽ, mất đoàn kết và nghi kị lẫn nhau đem đến sự mất bình an và kéo theo cộng đoàn và giáo xứ đi xuống.
Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã hiện đến, ban Thánh Thần bình an để nối kết các môn đệ lại với nhau, không còn ai chán nản tìm về với con người cũ nữa, mà cùng chung một niềm tin một lòng mến hăng say đi loan báo Tin Mừng. Lại nữa, liền sau việc ban Thánh Thần bình an, thì Chúa Giêsu ban Thánh Thần tha tội. Theo nghĩa rộng, việc ban Thánh Thần tha tội không chỉ dừng ở “năng quyền tha tội” mà còn là một lời mời gọi và là điều kiện bắt buộc phải có lòng tha thứ.
Bởi khi tha thứ là lúc được thứ tha. Mang trong mình sự hận thù, thì chính ta khổ trước, ăn không ngon ngủ không yên vì tức giận ấm ức, trằn trọc nghĩ kế trả đũa… Nhưng khi ta tha thứ thì không phải lo nghĩ gì và tâm hồn thanh thản, nhất là khi ta tha thứ thì ta không còn kẻ thù mà lại được bạn hữu. Tha thứ lại là một cách trả thù ngọt ngào nhất mà đối phương không ngờ, và làm cho chính đối phương dằn vặt vì nhận ra chính họ sai khi xúc phạm đến một người tốt, cuối cùng làm cho đối phương cảm kích và thay đổi thái độ.
Như thế, để ngọn lửa hiệp nhất được bùng cháy lên, phải có sự bình an và thứ tha.
Kết: Để kết cho bài chia sẻ về Thánh Thần – Ngọn lửa tình mến, xin được kể câu chuyện như sau:
Tương truyền rằng, ngày xưa, họa sĩ Michael Cardo đến dâng tặng vua Napoleon một bức họa Icon vẽ hình con chim bồ câu. Chim bồ câu có mỏ màu cam, cánh màu xanh lam, ngực màu vàng và đuôi màu xám. Nhà vua lấy làm lạ vì chim bồ câu giống chư con đồi mồi. Họa sĩ Michael trả lời rằng: Đó là biểu tượng Chúa Thánh Thần, trong đó màu đỏ cam là lửa thiên đốt, màu xanh lam là hòa bình, màu vàng là ánh sáng và màu xám là màu bông lau làm chổi quét… Ngụ ý là, Chúa Thánh Thần thánh hóa miệng lưỡi tín hữu để nói Lời Thiên Chúa, là ánh sáng xuất phát từ (lồng ngực) trái tim để chiếu tỏa tình yêu Chúa đến với tha nhân, quét sạch mọi hận thù chia rẽ chiến tranh, đặc biệt, là đôi cánh hòa bình đem bình an đến cho thế giới.
Vâng, xin Chúa Thánh Thần ngự đến, để khơi lên trong chúng ta lòng nhiệt huyết, để chúng ta cháy hết mình cho Chúa và cho cộng đoàn, đồng thời nối kết chúng ta nên một trong thân thể mầu nhiệm Chúa Kitô, cùng một lòng một ý và một chí hướng trong sự đào luyện bản thân và phát triển cộng đoàn.
Hiền Lâm
Discussion about this post