THỨ HAI TUẦN IV PHỤC SINH
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,11-18
“Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên.
Tôi còn có những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi cũng phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi. Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử. Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là mệnh lệnh của Cha tôi mà tôi đã nhận được.”
II. SUY NIỆM
Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử với đoàn chiên để diễn tả mối tương giao của Người với tín hữu. Người mục tử đi đi trước để chiên bước theo sao, và người mục tử biết từng con chiên một để săn sóc chiên được sống khoẻ mạnh.
1. Mục tử nhân lành đi trước đoàn chiên.
Không phải như những người khác đi sau và lùa chiên đi trước, người mục tử ở đây đi trước và chiên bước theo sau. Mục tử cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không, Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có gai góc nào cần nhổ.
Nghĩa là không như kẻ chăn thuê ép buộc và xua chiên đi, và không biết những nguy cơ phía trước có thể làm hại chiên, không dẫn đường cho chiên, và khi có kẻ thù thì bỏ chiên mà chạy. Vị mục tử đích thực thì đi trước dẫn đường cho chiên theo, xua đi những cạm bẫy, chống lại những kẻ thù. Người mục tử không ép buộc chiên, nhưng chiên nghe tiếng người mục tử, hăm hở đi theo và tỏ lòng yêu mến quyến luyến với người mục tử, để rồi cuối cùng sẽ đến được nơi đồng cỏ xanh và nơi dòng suối mát.
Như vậy, mục tử thật thì luôn hết mình vì đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ lo vun vén cho bản thân. Mục tử thật không nói mà không làm, nhưng đi bước trước để chiên noi theo, hy sinh cho đàn chiên. Kẻ chăn thuê chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Kẻ chăn thuê chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình. Họ sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.
Chúa Giêsu đưa ra khuôn mẫu mục tử nhân lành là chính Chúa. Cả cuộc đời không tìm an nhàn cho bản thân. Người rong ruổi gió bụi để tìm từng con chiên lạc đưa về ràn. Vì sự sống của đàn chiên, Người sẵn sàng đối phó với sự dữ để bảo vệ đàn chiên. Người đã chấp nhận cái chết để đàn chiên được sống, bởi như Người từng nói: “Ta đến để chúng được sống và được sống một cách dồi dào”. Thực hiện mục đích ấy, Người đã phải trả bằng một giá rất đắt, bằng chính mạng sống của mình.
Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Người đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Người, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Người thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.
2. Mục tử nhân lành biết từng con chiên.
“Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên”.
Chúa Giêsu luôn yêu thương đàn chiên, và yêu từng con chiên một. Chính Người yêu thương chăm sóc đàn chiên nên các con chiên mới được ăn trên đồng cỏ xanh, uống bên dòng suối mát. Chính Người lưu tâm bảo vệ đàn chiên, nên các con chiên mới an toàn khỏi kẻ băt trộm, khỏi nanh sói dữ.
Hình ảnh Chúa Giêsu nơi người mục tử là biết từng con chiên và gọi tên từng con chiên… Nghĩa là vì yêu thương và trách nhiệm, chứ không phải bàng quang mặc kệ nó. Thật vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình suốt khoảng thời gian ngày lẫn đêm. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào còn, con nào bỏ bầy đi lạc.
Biết chiên. Ở đây không chỉ hiểu là nhận biết, mà còn là một sự liên kết thân thiết với nhau, yêu mến nhau như ngang hàng chứ không phải chủ tớ.
Biết từng con chiên không phải là chỉ lưu tâm đến những con béo mập đem lại lợi ích cho mình, mà là thấu hiểu tình trạng của từng con chiên để chăm sóc kịp thời, lo đi tìm kiếm chiên lạc khi thấy thiếu vắng trong đàn mà đưa nó về.
Không thiếu những kẻ không có tình yêu đối với chiên nhưng lại muốn hưởng những quyền lợi của người mục tử. Chúng tìm đủ mọi cách để chiên đi theo mình, nhưng chiên “không chịu theo người lạ, mà chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ”, không cảm nhận được tình thương của kẻ lạ. Vì mục tử giả hay kẻ chăn thuê chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, đến cái lợi của mình, không nghĩ gì đến chiên, nên “khi thấy sói đến, họ bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn” (Ga 10,12). Người mục tử đích thực thì yêu thương chiên, sống vì chiên, và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên” (Ga 10,11) “để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10).
Như vậy: Nhiều khi chúng ta tưởng mình yêu Chúa nhưng chính Chúa mới là người yêu chúng ta trước, yêu vô điều kiện, và yêu không bến bờ.
Người biết rõ chúng ta cần những gì cho linh hồn và thể xác, nên đừng băn khoăn xao xuyến. Hãy chỉ lắng nghe duy nhất tiếng gọi yêu thương của Người. Đừng nghe theo một tiếng gọi nào khác.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhân lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, xin cho chúng con được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Chúa. Amen.
NĂM B và C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 10,1-10
“Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ.” Đức Giê-su kể cho họ nghe dụ ngôn đó. Nhưng họ không hiểu những điều Người nói với họ.
Vậy, Đức Giê-su lại nói: “Thật, tôi bảo thật các ông: Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp; nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dùng hình ảnh mục tử với đoàn chiên để diễn tả mối tương giao của Người với tín hữu. Một điều rất khác trong cách nói đầy ý nghĩa biểu tượng là Chúa Giêsu vừa ví mình như là mục tử, vừa là cửa chuồng chiên, thậm chí vừa là con chiên.
Chúa Giêsu đã tự sánh ví mình như người mục tử nhân lành, khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng, người mục tử đích thực chỉ biết phục vụ đoàn chiên và giải thoát đoàn chiên khỏi mọi sự dữ.
Dưới đây chúng ta cùng chiêm ngắm lần lượt hình ảnh của một Đức Giêsu đầy yêu thương gần gũi qua chân dung người mục tử:
1. Là cửa chuồng chiên.
Khi ví mình là cửa ra vào chuồng chiên, Chúa Giêsu không còn cách nào rõ hơn để xác quyết độc quyền của Người trong việc thông ban ơn cứu rỗi. Người khẳng định rằng người ta không thể tranh chấp với Người được, vì Người là cửa cứu rỗi duy nhất mà tất cả phải chấp nhận đi qua, và không ai có đặc ân được miễn, ngay cả những kẻ xem ra được trao phó một chức quyền thiêng liêng trong cộng đoàn tín hữu.
Khi xưng mình là cửa duy nhất, Chúa Giêsu đã dẹp tan mọi lối biện luận cào bằng tôn giáo và tìm sự giải thoát khác ngoài Người. Tuy nhiên, không phải là tất cả mọi người không mang danh hiệu Kitô hữu cách chính thức đều bị ở ngoài chuồng chiên cả đâu nhưng, Chúa Giêsu muốn nói rằng ngay cả người ngoại giáo nào có thiện chí, người vô thần nào cố gắng sống ngay thẳng theo lương tâm, đều đã chỉ nhờ một mình Chúa Kitô mà được như vậy, nghĩa là khi không biết mà vẫn sống lương tâm ngay thẳng thì mặc nhiên ở trong Đức Kitô là Sự Thật.
Với lời khẳng định: Ta là cửa chuồng chiên, ai qua Ta mà vào thì được cứu rỗi, người ấy sẽ tìm thấy của nuôi thân, Chúa Giêsu muốn nói lên rằng: Nơi Người, chúng ta sẽ gặp gỡ Thiên Chúa và anh em. Nơi Người, chúng ta được cứu rỗi và tìm thấy niềm hạnh phúc Nước Trời.
Khi tảng đá lấp cửa mộ lăn ra, Chúa Giêsu đã mở ra cho nhân loại một cánh cửa. Cánh cửa đó dẫn vào Thiên Quốc, nơi chiên nghỉ ngơi đời đời.
Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên. Muốn đi vào đoàn chiên và phục vụ đoàn chiên thì người ta sẽ đi qua cửa chính mà vào, tất cả mọi lối đi vào khác đều là lối đi của quân trộm cướp. Qua hình ảnh này, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, chỉ có một cung cách phục vụ duy nhất đó là phục vụ như Người đã phục vụ, nghĩa là sẵn sàng hiến thân cho và vì tha nhân mà thôi. Ai sống và phục vụ như Chúa Giêsu thì kẻ ấy thuộc về Người, còn ai sống ngược lại cung cách phục vụ của Người thì kẻ ấy chỉ là quân trộm cướp mà thôi.
2. Cho chiên được sống và sống dồi dào.
Hiểu biết về con chiên mà thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời xác quyết của Chúa, khi Người nói: Ta là mục tử nhân lành.
Một trong những việc mục tử thường phải làm, đó là đi trước để tìm đường nẻo bảo đảm và an toàn cho đoàn chiên yên hàn theo sau. Mục tử cần nhìn xa trông rộng xem có thú dữ, trộm cắp gần kề hay không? Và nhất là phải để ý đến con đường ở trước mặt, vì có những con đường sẽ dẫn tới vực thẳm nguy hiểm hay rừng rậm vướng chân, có những con đường sẽ dẫn tới ngõ cụt không lối ra. Chủ chăn cần phải nghiên cứu kỹ xem con đường mình sẽ đưa đoàn chiên đi qua đó có khúc quanh nào nguy hiểm, có hốc đá nào cheo leo, có cỏ dại nào cần nhổ.
Cũng thế, trong đời sống riêng tư, biết bao nhiêu biến cố đã xảy đến trong cuộc đời và bàn tay Chúa đã dẫn dắt chúng ta vượt qua một cách bình an mà ngày hôm nay chúng ta vẫn chưa hay biết. Đã bao nhiêu lần chúng ta thất bại trắng tay mà rồi tới ngày hôm nay vẫn chưa phải chết đói. Biết bao nhiêu lần chúng ta gặp phải những cảnh lo âu, nhưng rồi lại được tai qua nạn khỏi. Chúng ta có biết rằng đó là bàn tay nhân từ của Chúa đã chăm sóc chúng ta.
Thực vậy, Người muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Người cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của mục tử cho đàn chiên của mình.
Chúa Giêsu quả là vị mục tử tốt lành luôn chăm sóc đoàn chiên, luôn nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực bổ dưỡng. Chúa Giêsu đã đến cho ta được sống và được sống dồi dào.
Đó là người mục tử duy nhất, ta hãy nghe tiếng Người. Hãy đến với Người để Người đưa ta đến những chân trời xa rộng. Hãy đến với Người để Người băng bó vết thương, xoa dịu nỗi đau và phục hồi sự sống. Hãy đến với Người để Người đổ tràn tình yêu và sự sống vào tâm hồn ta.
Nếu Người đã nói: “Tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, là Người muốn chúng ta được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Người.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa là mục tử nhân lành đến để cho chiên được sống và sống dồi dào”, xin cho chúng con được sống tràn trề bên dòng suối Lời Chúa và sung mãn với lương thực Thánh Thể của Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post