CHÚA NHẬT I MÙA CHAY
NĂM A & C
I. ĐỌC TIN MỪNG
Năm A: Mt 4,1-11
Bấy giờ Đức Giê-su được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ. Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, và sau đó, Người thấy đói. Bấy giờ tên cám dỗ đến gần Người và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi! ” Nhưng Người đáp: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra.”
Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
Đức Giê-su đáp: “Nhưng cũng đã có lời chép rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.” Đức Giê-su liền nói: “Xa-tan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Thế rồi quỷ bỏ Người mà đi, và có các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.
Năm C: Lc 4,1-13
Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. Bấy giờ, quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi! ” Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.”
Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý.7 Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”
Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”
Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
II. SUY NIỆM.
“NGƯƠI CHỈ ĐƯỢC THỜ MỘT MÌNH THIÊN CHÚA LÀ CHÚA CỦA NGƯƠI”
Mang phận người, Chúa Giêsu chấp nhận đi vào một cuộc thử thách, như mọi người chúng ta phải đối diện mỗi ngày trong kiếp lữ hành trần thế. Bởi làm người ai lại không bị cám dỗ về vật chất, cá tính và danh vọng quyền lực.
Bài Tin Mừng hôm nay kể lại việc Chúa Giêsu đi vào sa mạc để chịu cám dỗ, bắt đầu cho sứ vụ đi loan giảng Tin Mừng, một sự khởi đầu như Môisê hay Êlia xưa lên núi của Đức Chúa 40 ngày đêm (x. Xh 24,18; 1V 19,8). Con số 40 ngày chay tịnh là thời gian có giá trị tượng trưng cho 40 tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị cho một cuộc sinh nở mới, mà đối với Đức Giêsu đang chuẩn bị sinh ra một nhân loại mới, một cuộc tân sáng tạo. Con số 40 còn gợi lại 40 năm trong sa mạc mà dân Israel đã ngã gục muốn quay lại với nồi thịt dưa hành, thờ bò vàng và bao lần kêu trách Thiên Chúa. Còn hôm nay cũng những cám dỗ ấy Đức Giêsu đã thắng.
Hai sự cám dỗ rất rõ ràng và thực tế đánh vào bản tính con người là chuyện ăn uống (của cải) và mê danh vọng quyền lực; cùng với một sự cám dỗ tinh vi hơn – đó là nhằm vào sự thể hiện cá tính, vào cái tôi muốn khẳng định mình, tôn thờ bản lĩnh bản năng và kiêu ngạo. Tinh ý một chút, ta dễ nhận thấy cả ba sự cám dỗ này nhằm lung lạc sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu. Thế nhưng, tất cả ý đồ cám dỗ đã được Đức Giêsu đập tan bằng Lời Chúa và nhờ sự kiên định sáng suốt qua việc ăn chay.
1. Cám dỗ về vật chất.
Mở đầu “tên cám dỗ” nhằm vào hoàn cảnh Đức Giêsu đang đói để gợi ý Người dùng tư các Mêsia để “hô biến” đá trở nên bánh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”.
– “Nếu ông là Con Thiên Chúa…”. Tên cám dỗ khôn khéo gợi ý tư cách Mêsia của Đức Giêsu, đồng thời đưa ra một thách thức và nghi vấn: “nếu”. Tự thân, Chúa Giêsu làm được chuyện biến đá thành bánh như sau này Người từng hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, tuy nhiên Người đã không mắc mưu lừa gạt của tên “dối trá” mà thỏa mãn yêu cầu của nó, bởi Thiên Chúa làm gì là do ý Người muốn chứ không phải nghe lời Satan. Đặc biệt, Chúa Giêsu không vì sự khích tướng của Satan cũng như thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà làm sai với sứ vụ Mêsia và ý của Cha Người. Sứ vụ Mêsia là chung cuộc chứ không phải tạm thời, vì cứu độ nhân loại chứ không phải thoả mãn nhu cầu cá nhân, giải thoát bằng con đường thập giá chứ không phải vinh thắng của nhân loại. Lời cám dỗ này không khác gì lời thách thức cuối cùng của các thượng tế và tên trộm dữ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy tự cứu mình đi, hãy xuống khỏi thập giá đi…”
– Cách đối lại với cám dỗ, Chúa Giêsu đưa ra một nguyên tắc quân bình giữa đời sống vật chất và tinh thần, giữa thể xác với linh hồn: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Đứng trước cám dỗ, Đức Giêsu dùng tới sức mạnh của lời Thiên Chúa, xác định mục đích Người đã chọn và khẳng định không vì chút thỏa mãn thể xác mau qua mà đánh mất sự sống đời đời.
Đây cũng là cám dỗ trường kỳ cho mọi người chúng ta, cám dỗ về chuyện ăn uống trong bảy mối tội đầu. Cái đói có thể đẩy chúng ta đến việc tìm mọi cách thậm chí rất thấp hèn, kể cả phạm tội để thỏa mãn cái bụng. Chúng ta còn bị cám dỗ sử dụng những ân huệ Chúa ban chỉ để mưu cầu ích lợi cho riêng mình và những lợi ích chóng qua. Chúng ta nhiều khi chỉ lo lắng của cải vật chất no đầy nhưng linh hồn èo ọt vì đói ân sủng, đói Lời Chúa và đói Thánh Thể. Chúa không chủ trương đói nghèo, nhưng dạy chúng ta trong khi làm lụng để có của ăn thể xác, thì cũng cần chăm lo đến sức sống cho linh hồn, vì: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
2. Cám dỗ thể hiện mình
Tên cám dỗ dùng chiêu bài đánh vào cái tôi thể hiện cá tính, kích thích bản lãnh của con người muốn thể hiện bản năng, khả năng và sự tự tôn của mình.
– “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
Tên cám dỗ khôn khéo cài Đức Giêsu vào trong ý nghĩ của dân Israel về Mêsia theo ý họ, là dựng cờ khởi nghĩa, tiêu diệt quân thù, lên ngôi hoàng đế và đưa Israel lên đỉnh vinh quang. Nó gợi ý cho Đức Giêsu muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, dùng quyền năng Mêsia theo cách của nhân loại, để chứng tỏ bản lãnh, chứng tỏ cái tôi và sự tôn vinh chính mình.
– Lại nữa, trong cám dỗ về cái ăn, Đức Giêsu dùng Thánh Kinh để đối lại Satan, thì đây Satan đã ranh mãnh trích dẫn Thánh Kinh (Thánh Vịnh 91,12) để minh họa cho sự cám dỗ của mình: “Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Điều này cho thấy, người ta có thể dùng Thánh Kinh – dùng Lời Chúa để biện minh cho ý đồ của mình, xuyên tạc Thánh Kinh để cho phù hợp cái tôi của mình và lợi ích của mình.
– Cuối cùng đi tới một điểm chung là thách thức Thiên Chúa phải hành động, kêu trách sao Chúa quyền năng mà lại để vũ trụ này hay cuộc đời này bất công và đau khổ như thế? Nếu có Thiên Chúa thì Thiên Chúa ở đâu? Người Công Giáo tin Thiên Chúa sao phải bất hạnh và bị người đời bức hại…? và chỉ vì tìm thành công dễ dãi trong một sự phô trương đắc thắng, thay vì kiên nhẫn thực hiện chương trình của Thiên Chúa như Thiên Chúa muốn.
– Có người từng thắc mắc rằng, tại sao trong sự cám dỗ này không nói đến tính dục, vì tính dục là một trong những vấn đề dễ sa ngã nhất. Thực ra, trong sự cám dỗ thể hiện cái tôi, cái bản ngã, cái chứng tỏ chính mình, cái tự tôn kiêu ngạo… đã bao hàm tính dục, là một sự thể hiện và thỏa mãn bản năng.
Như vậy dù không rõ ràng, nhưng cám dỗ về cái tôi thể hiện mình lại là một cám dỗ làm cho con người dễ sa vào nhất, nó đánh vào sự tự tin, tự tôn và tự ái của mỗi người; ai chẳng muốn chứng minh cho mọi người thấy về mình, thậm chỉ ngụy tạo giả dối để được tôn vinh…
3. Cám dỗ về danh vọng.
Cám dỗ thứ ba mà “tên cám dỗ” tìm cách đặt Đức Giêsu vào một sự lựa chọn căn bản về sứ vụ cứu độ và một tranh chấp chủ quyền làm chủ nhân loại:
“Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”
– Ma quỷ biết Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha đến trần gian mang sứ vụ dành lại nhân loại cho Thiên Chúa, nên nó tìm cách lôi kéo Đức Giêsu thỏa hiệp với nó dành chủ quyền cho riêng mình mà không cần phải đau khổ, chiếm được mọi danh vọng vinh quang bằng con đường dễ dãi mà không cần phải qua thập giá, miễn là chấp nhận thỏa hiệp theo Satan thay vì vâng theo ý Chúa Cha.
– Đây là cám dỗ mà mọi người chúng ta phải đối diện mỗi ngày. Chúng ta luôn phải đối diện với một thách đố và một lựa chọn sống còn: Chọn Chúa hay chọn Satan cùng với những lợi lộc vinh hoa thế gian? Sự thật là để được vinh thân phì gia đã có người không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho thần tài. Nhẹ hơn, để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… họ đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình. Muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…
– Đức Giêsu đã cương quyết chọn vâng ý Chúa Cha, chấp nhận sự thua thiệt khó khăn, xua đuổi Satan phải xéo đi, để dành lại chủ quyền cho Thiên Chúa. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đang mời gọi mọi người can đảm để cho Chúa đến làm chủ và xua đuổi Satan ra khỏi cuộc đời mình.
Tóm lại, ba sự cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua trong sa mạc, cũng là ba cám dỗ trường kỳ mà Hội Thánh lữ hành đang phải đối diện ngày hôm nay, cách riêng từng người trong chúng ta. Satan vẫn tìm cách mê hoặc chúng ta chạy theo sự ích kỷ lo cho thân xác mình mà quên đi ích chung và phần rỗi linh hồn; chúng ta vẫn mong Thiên Chúa uy quyền giải quyết mọi sự bằng sự trừng phạt kiểu bạo lực; chúng ta vẫn cách nào đó đang muốn thỏa hiệp với thế gian tội lỗi để vinh thân phì gia, danh vọng chức quyền…
Lạy Chúa Giêsu, Mùa Chay thánh giúp chúng con trở về với sa mạc nội tâm, để thấy mình đang ở đâu trong đường lối Chúa. Xin cho chúng con từ bỏ những đam mê thể xác, từ bỏ cái tôi và quyết tâm chọn Chúa là gia nghiệp cuộc đời. Amen
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,12-15
Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Xa-tan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.
Sau khi ông Gio-an bị nộp, Đức Giê-su đến miền Ga-li-lê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Người nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng.”
II. SUY NIỆM
“KHỞI ĐẦU SỨ VỤ”
Khác với thánh sử Mát-thêu và Luca tường thuật cách chi tiết về cơn cám dỗ của Chúa Giêsu trong sa mạc, thánh sử Máccô lại chỉ giới thiệu cách vắn tắt việc Đức Giêsu bắt đầu sứ vụ có đi vào chịu cám dỗ, nhưng chỉ dừng lại ở con số thời gian chịu cám dỗ mà không nói gì về cách thức mà Satan bày ra để cám dỗ Đức Giêsu. Đồng thời, liền sau đó, thánh sử Máccô nói ngay đến sứ điệp đầu tiên của việc rao giảng: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Như thế, tác giả muốn gắn liền việc giữ chay với việc canh tân đời sống và tin, cùng nghĩa là cần tin vào Thiên Chúa mới có được khá năng hoán cải đích thực.
Dù không kể chi tiết, nhưng con số thời gian 40 ngày chay tịnh của Đức Giêsu vẫn được thánh sử Máccô nhắc đến, cho thấy con số tượng trưng này mang một ý nghĩa lớn trong chương trình cứu độ của Đức Giêsu: Một sự khởi đầu như Môisê hay Êlia xưa lên núi của Đức Chúa 40 ngày đêm (x. Xh 24,18; 1V 19,8). Con số 40 ngày chay tịnh là thời gian có giá trị tượng trưng cho 40 tuần thai nghén, thời gian chuẩn bị cho một cuộc sinh nở mới, mà đối với Đức Giêsu đang chuẩn bị sinh ra một nhân loại mới, một cuộc tân sáng tạo. Con số 40 còn gợi lại 40 năm trong sa mạc mà dân Israel đã ngã gục muốn quay lại với nồi thịt dưa hành, thờ bò vàng và bao lần kêu trách Thiên Chúa. Còn hôm nay cũng những cám dỗ ấy Đức Giêsu đã thắng.
Việc chay tịnh bốn mươi ngày không chỉ hệ tại ở việc kiêng bớt chuyện ăn uống, mà là một sự thanh luyện thay đổi nếp sống mình, một sự ra khỏi những gì không còn thích hợp, một sự loại bỏ đường lối và quan niệm cũ… Đó mới chính là những điều thánh sử Máccô nhắm tới khi tường thuật rất súc tích việc Chúa Giêsu được Thần Khí đẩy vào hoang địa để chịu cám dỗ hôm nay:
– Chúa Giêsu được đẩy vào hoang địa, nghĩa là Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần để trải nghiệm với một hoàn cảnh theo ý của Thiên Chúa, được đầy Thánh Thần để khởi đầu sứ vụ. Cũng thế, mỗi chúng ta sống dưới tác động của Chúa Thánh Thần khi bước vào thời gian ân phúc, với một sự trải nghiệm thiêng liêng thuận theo ý Chúa.
– Hoang địa ở đây không hẳn là một địa dư, nhưng là một hoàn cảnh mà Chúa Giêsu phải đối diện, là một khung cảnh xã hội và tôn giáo cũ; vào hoang địa còn mang ý nghĩa là Chúa Giêsu tách biệt ra khỏi cái hệ thống thiết chế Do-thái Giáo, là không chia sẻ các nguyên tắc giá trị giả dối do hệ thống Do-thái đặt ra… và là nơi Chúa Giêsu thực hiện cuộc vượt qua. Cũng vậy, bước vào thời gian chay tịnh, là chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian, là ra khỏi những gì không hợp với Tin Mừng, là thời gian chúng ta thực hiện cuộc biến đổi “vượt qua’ với Chúa.
– Các đối tượng xuất hiện như: Satan, dã thú và thiên thần được thánh sử Máccô nói tới trong trình thuật cũng mang tính biểu tượng:
Satan (dựa theo Mc 8,33) không nhất thiết là một hữu thể thần linh, mà là một tinh thần đối nghịch với ý Chúa. Có thể hiểu đây là những thế lực tôn giáo (Do-thái) đương thời có thể làm lung lạc chương trình cứu độ của Chúa Giêsu.
Dã thú (dựa theo Đn 7), có thể hiểu như là những quyền lực chính trị và ý thức hệ từ các đế quốc ngoại giáo gây ảnh hưởng, áp lực và tách động vào công cuộc của Chúa Giêsu.
Các thiên sứ (chữ Angelos trong tiếng Hi-lạp dịch là các sứ giả), dựa theo Mc 1,2 và 2,4 được hiểu như là một con người chứ không hẳn là một hữu thể thần thiêng. Có thể nói, thiên sứ ở đây mang tính biểu tượng cho những nhóm người xuất hiện trong cuộc đời công khai của Chúa Giêsu, gắn bó, phục vụ và cộng tác với Người.
Một sự may mắn ở đây là khi đi vào sứ vụ của Chúa Giêsu, khi phải đương đầu với Satan và dã thú, thì cũng có các thiên sứ hầu cận. Nghĩa là giữa muôn trùng vây của thiết chế tôn giáo, chính trị, xã hội, giả dối… thì vẫn còn có những tâm hồn yêu mến gắn bó đồng hành, và Chúa Giêsu đã vượt lên trên tất cả, không chia sẻ sự giả tạo và giả dối của cái hệ thống thiết chế đó. Chúng ta cũng thế, khi bước vào hành trình theo Chúa, sống đời Kitô hữu, chúng ta phải đối diện với đủ thứ sự bủa vây như: quyền lực, bó buộc, môi trường, hoàn cảnh, đam mê, giả dối… Mùa Chay này, chúng ta được mời gọi vượt lên trên tất cả những cám dỗ và áp lực đó, không thỏa hiệp hay bị lung lạc theo nó, để cùng theo hành trình vượt qua với Chúa Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu, Mùa Chay thánh giúp chúng con trở về với sa mạc nội tâm, để thấy mình đang ở đâu trong đường lối Chúa. Xin cho chúng con từ bỏ những đam mê thể xác, từ bỏ cái tôi và quyết tâm chọn Chúa là gia nghiệp cuộc đời. Amen
Hiền Lâm
BÀI GIẢNG:
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY, NĂM C
Kính thưa CĐPV!
Ba việc chính mà Giáo Hội muốn chúng ta thực hiện trong Mùa Chay khởi nguồn từ trích đoạn Tin Mừng Mt 6,1-6.16-18 với lời dạy của Chúa Giê-su là: ăn chay, cầu nguyện và bố thí.
Để ý một chút, các bài đọc trong Phụng Vụ trong suốt Mùa Chay từ tuần I đến tuần IV xoay quanh 3 chủ đề này: ăn chay, cầu nguyện và bố thí, 3 việc này cùng một lúc phải đan xen vào nhau và liên hệ với nhau, không thể tách rời.
Tại sao lại ăn chay? Ăn chay đem lại lợi ích nào mà tất cả các tôn giáo lớn trên thế giời: Do Thái Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo và Ki-tô Giáo đều có ăn chay, có ăn chay cá nhân và cũng có ăn chay tập thể, có ăn chay theo ngày theo giờ và cũng có ăn chay theo một kỳ hạn một tháng hay một mùa… (Do Thái ăn chay trước ngày xá tội, Phật Giáo ăn chay trường và đặc biệt là thời gian an cư kiết hạ, Hồi Giáo có tháng Ramadan, còn chúng ta thì có Mùa Chay kéo dài 40 ngày…). Chúng ta không trả lời ở đây với các ý nghĩa lợi ích về sức khỏe hay thẩm mỹ nhờ việc ăn chay, nhưng chỉ trả lời theo mục đích của các tôn giáo, thì ăn chay ít nhất mang lại ba nghĩa là: để tỏ lòng sám hối, đền tội và chống lại các cơn cám dỗ.
Hôm nay, khởi đầu sứ vụ của Chúa Giê-su, ba Tin Mừng nhất lãm tường thuật cho chúng ta thấy Chúa Giê-su sau khi ăn chay cầu nguyện đã bị ma quỷ cám dỗ, trong đó:
Hai sự cám dỗ rất rõ ràng và thực tế đánh vào bản tính con người là chuyện ăn uống (của cải) và mê danh vọng quyền lực; cùng với một sự cám dỗ tinh vi hơn – đó là nhằm vào sự thể hiện cá tính, vào cái tôi muốn khẳng định mình, tôn thờ bản lĩnh bản năng và kiêu ngạo. Tinh ý một chút, ta dễ nhận thấy cả ba sự cám dỗ này nhằm lung lạc sứ vụ Mêsia của Đức Giêsu. Thế nhưng, tất cả ý đồ cám dỗ đã được Đức Giêsu đập tan bằng Lời Chúa và nhờ sự kiên định sáng suốt qua việc ăn chay.
Chúng ta cùng chia sẻ với nhau ba điểm:
- Các cơn cám dỗ.
- Các cách cám dỗ.
- Các cách chống lại cám dỗ.
I. Các cơn cám dỗ.
1. Cám dỗ về vật chất
Mở đầu “tên cám dỗ” nhằm vào hoàn cảnh Đức Giêsu đang đói để gợi ý Người dùng tư các Mêsia để “hô biến” đá trở nên bánh: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!”.
– “Nếu ông là Con Thiên Chúa…”. Tên cám dỗ khôn khéo gợi ý tư cách Mêsia của Đức Giêsu, đồng thời đưa ra một thách thức và nghi vấn: “nếu”. Tự thân, Chúa Giêsu làm được chuyện biến đá thành bánh như sau này Người từng hóa bánh ra nhiều để nuôi dân, tuy nhiên Người đã không mắc mưu lừa gạt của tên “dối trá” mà thỏa mãn yêu cầu của nó, bởi Thiên Chúa làm gì là do ý Người muốn chứ không phải nghe lời Satan. Đặc biệt, Chúa Giêsu không vì sự khích tướng của Satan cũng như thỏa mãn nhu cầu của bản thân mà làm sai với sứ vụ Mêsia và ý của Cha Người. Sứ vụ Mêsia là chung cuộc chứ không phải tạm thời, vì cứu độ nhân loại chứ không phải thoả mãn nhu cầu cá nhân, giải thoát bằng con đường thập giá chứ không phải vinh thắng của nhân loại. Lời cám dỗ này không khác gì lời thách thức cuối cùng của các thượng tế và tên trộm dữ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa hãy tự cứu mình đi, hãy xuống khỏi thập giá đi…”
Đây cũng là cám dỗ trường kỳ cho mọi người chúng ta, cám dỗ về chuyện ăn uống trong bảy mối tội đầu. Cái đói có thể đẩy chúng ta đến việc tìm mọi cách thậm chí rất thấp hèn, kể cả phạm tội để thỏa mãn cái bụng. Chúng ta còn bị cám dỗ sử dụng những ân huệ Chúa ban chỉ để mưu cầu ích lợi cho riêng mình và những lợi ích chóng qua. Chúng ta nhiều khi chỉ lo lắng của cải vật chất no đầy nhưng linh hồn èo ọt vì đói ân sủng, đói Lời Chúa và đói Thánh Thể. Chúa không chủ trương đói nghèo, nhưng dạy chúng ta trong khi làm lụng để có của ăn thể xác, thì cũng cần chăm lo đến sức sống cho linh hồn, vì: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”.
2. Cám dỗ về danh vọng
Với cách cám dỗ này, “tên cám dỗ” tìm cách đặt Đức Giêsu vào một sự lựa chọn căn bản về sứ vụ cứu độ và một tranh chấp chủ quyền làm chủ nhân loại:
“Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, và chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian, và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, và bảo rằng: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi.”
– Ma quỷ biết Đức Giêsu vâng lời Chúa Cha đến trần gian mang sứ vụ dành lại nhân loại cho Thiên Chúa, nên nó tìm cách lôi kéo Đức Giêsu thỏa hiệp với nó dành chủ quyền cho riêng mình mà không cần phải đau khổ, chiếm được mọi danh vọng vinh quang bằng con đường dễ dãi mà không cần phải qua thập giá, miễn là chấp nhận thỏa hiệp theo Satan thay vì vâng theo ý Chúa Cha.
– Đây là cám dỗ mà mọi người chúng ta phải đối diện mỗi ngày. Chúng ta luôn phải đối diện với một thách đố và một lựa chọn sống còn: Chọn Chúa hay chọn Satan cùng với những lợi lộc vinh hoa thế gian? Sự thật là để được vinh thân phì gia đã có người không ngại “chối Chúa” là từ bỏ lề luật, bỏ đạo để bán mình cho thần tài. Nhẹ hơn, để có được việc làm nơi công sở, giữ được “ghế” trong xã hội thế quyền, sợ bị phiền phức hoặc bạn bè chê cười… họ đã giấu diếm nguồn gốc Công Giáo của mình. Muốn an thân, sợ liên luỵ nguy hiểm mà không dám làm chứng cho sự thật. Vì cái nồi (miếng cơm manh áo) mà bán rẻ lương tâm, vì cái ghế (chức này chức nọ) mà làm tay sai cho sự giả dối…
3. Cám dỗ thể hiện mình.
Tên cám dỗ dùng chiêu bài đánh vào cái tôi thể hiện cá tính, kích thích bản lãnh của con người muốn thể hiện bản năng, khả năng và sự tự tôn của mình.
–“Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.”
Tên cám dỗ khôn khéo cài Đức Giêsu vào trong ý nghĩ của dân Israel về Mêsia theo ý họ, là dựng cờ khởi nghĩa, tiêu diệt quân thù, lên ngôi hoàng đế và đưa Israel lên đỉnh vinh quang. Nó gợi ý cho Đức Giêsu muốn dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, dùng quyền năng Mêsia theo cách của nhân loại, để chứng tỏ bản lãnh, chứng tỏ cái tôi và sự tôn vinh chính mình.
Cám dỗ về cái tôi thể hiện mình lại là một cám dỗ làm cho con người dễ sa vào nhất, nó đánh vào sự tự tin, tự tôn và tự ái của mỗi người; ai chẳng muốn chứng minh cho mọi người thấy về mình, thậm chỉ ngụy tạo giả dối để được tôn vinh…
II. Các cách cám dỗ.
Để ý chúng ta sẽ thấy “tên cám dỗ” hết sức tinh vi và ranh ma, nó dùng cách: khích tướng, đánh vào khả năng bản thân, gợi nên thành công bằng cách cho thấy một nửa sự thật hoặc trộn lẫn sự thật trong cái dối trá, xuyên tạc giải thích điều theo ý mình là tốt, và cám dỗ theo kiểu dần dần “mưa dầm thấm đất.
1. Khích tướng.
Tên cám dỗ rất ma mãnh, nó đánh vào khả năng uy quyền của Chúa có thể làm được mọi sự, nó cũng gợi lên tư cách Messia của Chúa để lừa Chúa thể hiện mình mà thỏa mãn nhu cầu làm theo ý riêng mà đi sai đường lối của Thiên Chúa Cha. Nó mở đầu bằng câu: “Nếu ông là Con Thiên Chúa…, thì…”
Chúng ta rất dẽ mắc bẫy điều này, đôi khi có những người những bậc vốn đạo đức, nhưng khi bị khích tướng kiểu như: “Ngài là số hai thì không ai dám số một, khả năng chuyên môn ngài làm điều đó dư sức, ngài là ai mà lại sợ thằng đó…” làm cho đụng chạm vào cá tính tự ái của bản thân và phản ứng.
2. Gợi nên thành công.
Thằng quỷ nó tinh vi ở chỗ nó thường gợi lên một nửa thành công, nó nói lấp lửng một nửa sự thật. Chẳng hạn nó không hề nói sai với bà E-va là: “Ăn trái cấm vào thì mắt mở ra và nên thông minh như Thiên Chúa, biết điều thiện ác…” Nó nói đúng nhưng không nói hết, nó gợi ý điều tích cực và che mờ điều tiêu cực và ông bà A-đam E-va đã mắc bẫy.
Hôm nay, tên cám dỗ nó chỉ cho Chúa Giê-su thấy mọi vinh quang danh dự và lợi lộc của các nước trần gian và nó sẽ trao cho Chúa chỉ cần là bái lạy nó. Trong khi chủ quyền mọi sự là của Thiên Chúa và để đạt đến hạnh phúc viên mãn phải qua con đường thập giá.
Một nửa sự thật là chúng ta được vẽ ra trước mắt cái vinh quang tạm thời, nhưng chung cục đi đến diệt vong. Chúng ta mắc phải cái bánh vẽ đó nhưng bị ma quỷ che mờ cái sự nguy hiểm cho linh hồn mình. Và chúng ta dễ mắc bẫy.
3. Xuyên tạc, lèo lái sự thật theo ý mình.
Chúng ta thấy tên cám dỗ rất láu cá, khi thấy Chúa Giê-su trích dẫn Thánh Kinh để phản bác lại nó, thì liền sau đó nó cũng lại trích dẫn Thánh Kinh để minh họa cho sự cám dỗ của mình: “Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá”. Điều này cho thấy, người ta có thể dùng Thánh Kinh – dùng Lời Chúa để biện minh cho ý đồ của mình, xuyên tạc Thánh Kinh để cho phù hợp cái tôi của mình và lợi ích của mình.
4. Mưa dầm thấm đất.
Chiến thuật của tên cám dỗ là nó không cám dỗ chúng ta phát một mà phản bội bỏ Thiên Chúa, nhưng là chúng nó luôn rình rập cơ hội và áp dụng cách từ từ. Tên cám dỗ từng chờ cơ hội Chúa 40 ngày không ăn để cám dỗ Người thỏa mãn nhu cầu, cám dỗ. tên cám dỗ cám dỗ từ từ bắt đầu từ chuyện chẳng đáng là tội là chuyện ăn uống, dần dần đến chuyện thể hiện mình “nhảy khỏi nóc đền thờ”, rồi đến chuyện quyết định đòi Đức Giê-su bái lạy nó – nghĩa là phủ nhận chủ quyền thiên Chúa.
Ma quỷ cũng cám dỗ chúng ta theo hình thức tiệm tiến, chúng ta vẫn cứ xem như là lặt vặt, chuyện nhỏ và rồi dần dần xa lìa Chúa từ lúc nào không hay. Chúng ta bê trễ từng việc đạo đức, từng tội nhẹ, từng lỗi nhỏ… rồi một lúc nào đó không hay chúng ta đã đi quá xa đường lối Chúa mà không hay.
III. Cách thức chống lại cám dỗ.
1. Cần đến Ơn Chúa.
Ngày nọ, thánh An-tôn viện phụ hỏi tên quỷ cám dỗ ngài: “Tại sao mày cứ đi cám dỗ loài người”. Quỷ nói: “Cám dỗ tự bản chất như cái lò lửa âm ỷ trong con người, tôi chỉ dùng cái quạt ngồi quạt là gợi ý thôi, nếu con người không biết cầu xin Ơn Chúa như nước tưới xuống, thì cái lò sẽ bùng lên”.
Để có được Ơn Chúa, cần có sự ăn chay tiết chế hãm mình, cầu nguyện, luyện tập nhân đức và đặc biệt là lãnh các bí tích. Cám dỗ như bụi cỏ gấu không thể diệt trừ nó tận gốc, nhưng chỉ có trồng thứ rau lang mạnh hơn thì nó sẽ lấn át và làm chết cỏ gấu. Cũng vậy, khó tiêu diệt tận căn các cám dỗ, nhưng luyện tập nhân đức sẽ làm nó tiêu tan. Đọc trong kinh “cải tội bày mối”, chúng ta thấy có các cặp tội và nhân đức song đối khắc chế nhau: Ví dụ: Luyện tập đức khiêm nhường để tiêu trừ tính kiêu ngạo.
2. Dùng Lời Chúa.
Đức Thánh Cha Phanxico trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 10.03.2019 đã nói: “Chúng ta đừng dại mà đối thoại với ma quỷ, nhưng hãy dùng Lời Chúa mà chống lại nó”. Và hôm nay trong tường thuật Tin Mừng, chính Chúa Giê-su đã trích dẫn Lời Chúa và đập tan các cơn cám dỗ.
Tóm lại, ba sự cám dỗ mà Chúa Giêsu đã trải qua trong sa mạc, cũng là ba cám dỗ trường kỳ mà Hội Thánh lữ hành đang phải đối diện ngày hôm nay, cách riêng từng người trong chúng ta. Satan vẫn tìm cách mê hoặc chúng ta chạy theo sự ích kỷ lo cho thân xác mình mà quên đi ích chung và phần rỗi linh hồn; chúng ta vẫn mong Thiên Chúa uy quyền giải quyết mọi sự bằng sự trừng phạt kiểu bạo lực; chúng ta vẫn cách nào đó đang muốn thỏa hiệp với thế gian tội lỗi để vinh thân phì gia, danh vọng chức quyền…
Discussion about this post