CHÚA NHẬT III MÙA CHAY
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 4,5-15.19b-26.39a.40-42
Đức Giê-su đến một thành xứ Sa-ma-ri, tên là Xy-kha, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giu-se. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Người đi đường mỏi mệt, nên ngồi ngay xuống bờ giếng. Lúc đó vào khoảng mười hai giờ trưa.
Có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giê-su nói với người ấy: “Chị cho tôi xin chút nước uống! ” Lúc đó, các môn đệ của Người đã vào thành mua thức ăn. Người phụ nữ Sa-ma-ri liền nói: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao? ” Quả thế, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giê-su trả lời: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: “Cho tôi chút nước uống”, thì hẳn chị đã xin, và người ấy đã ban cho chị nước hằng sống.” Chị ấy nói: “Thưa ông, ông không có gầu, mà giếng lại sâu. Vậy ông lấy đâu ra nước hằng sống? Chẳng lẽ ông lớn hơn tổ phụ chúng tôi là Gia-cóp, người đã cho chúng tôi giếng này? Chính Người đã uống nước giếng này, cả con cháu và đàn gia súc của Người cũng vậy.” Đức Giê-su trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời.”
Người phụ nữ nói với Đức Giê-su: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước.” Người phụ nữ lại nói: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật.” Người phụ nữ thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Ki-tô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự.” Đức Giê-su nói: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây.”
Có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đó đã tin vào Đức Giê-su, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Vậy, khi đến gặp Người, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, và Người đã ở lại đó hai ngày. Số người tin vì lời Đức Giê-su nói còn đông hơn nữa. Họ bảo người phụ nữ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian.”
II. SUY NIỆM
“KHÁT”
Bài Tin mừng hôm nay như là một câu chuyện lãng mạn kể về một “chàng thanh niên” giữa trưa nóng bức gặp một phụ nữ và xin cô cho uống nước, trong một hoàn cảnh khác biệt quê hương, chủng tộc, văn hóa, tôn giáo và vượt qua cả những cấm đoán gặp gỡ. Thật ra, đây có thể chỉ là một câu chuyện ngụ ngôn về cuộc đời mà nhóm tác giả Tin Mừng thứ tư đã khéo léo trình bày để chuyển tải ý nghĩa về khát vọng vô biên và về cách thờ phượng Thiên Chúa đích thực.
1. Khao khát Thiên Chúa.
Có những khát khao làm cho cuộc sống của con người tốt hơn sau khi đạt được, nhưng cũng không thiếu gì những thỏa mãn làm cho tình trạng của con người trở nên tồi tệ hơn. Con người sinh ra trong giới hạn, nhưng lại mang một khát vọng vô hạn. Và để thỏa mãn cơn khát đó, kẻ thì đánh lừa mình bằng cách tạo ra những thần tượng để tôn thờ và họ sẽ thất vọng, kẻ thì tìm cách lấp đầy khao khát đó bằng cách lăn xả vào những khoái lạc vật chất… nhưng rồi thấy chán chường, không bao giờ thấy thỏa mãn. Chúa Giêsu đã nói với người thiếu phụ Samari: “Ai uống nước giếng nầy, sẽ vẫn còn khát…”, thứ nước này không giải khát hoàn toàn, nó vừa xoa dịu cơn khát, vừa duy trì và kích thích cơn khát.
Hình ảnh người phụ nữ Samari sống tới năm đời chồng (mà vẫn nói không có chồng) và thậm chí là người thứ sáu đang sống với chị vẫn không phải chồng chị (x. Ga 4,17-18), có lẽ là một ý nghĩa mang tính biểu tượng: dân Israel đã qua bao đời chủ vẫn chưa có một ông Chủ đích thực, cuộc đời con người tôn thờ bao nhiêu chủ, nhưng không có gì làm thỏa mãn cơn khát đích thực.
Người phụ nữ xứ Samari đã mưu tìm hạnh phúc qua nhiều đời chồng nhưng rồi chẳng ai trong họ có thể đem lại cho chị hạnh phúc thực sự trong cuộc đời. Chị đi tìm hạnh phúc cũng y như đi múc nước. Ngày nào cũng phải lặn lội tìm đến giếng nước xa, múc cho đầy vò rồi ngày hôm sau lại khát và tiếp tục đội vò đi tiếp. Dù chưa nhận ra, nhưng chị vẫn thao thức và bị dày vò vì một cơn khát nào đó mà những mối tình trần tục đã không giải khát nổi, đã không làm dịu đi sự thèm khát chút nào, càng đi sâu vào biển tình, chị càng thấy thiếu thốn.
Hình ảnh người phụ nữ Samari ngày ngày ôm vò đi kín nước, cùng với phương tiện là cái gầu để múc nước từ giếng sâu, là hình ảnh cơn khát vẫn còn đó, và dù cho con người làm ra đủ thứ phương tiện để thỏa mãn khát vọng, nhưng chẳng bao giờ hết khát. Kẻ nghèo muốn được giàu, kẻ giàu muốn giàu thêm và cứ thế tìm kiếm. Có thể nói, đói khát vàng bạc, giầu sang chỉ là một trong muôn vàn cơn đói khát đang hành hạ và giết chết hàng vạn người. Có biết bao cơn khát của đam mê lầm lạc, của thú vui xác thịt, của tiền tài danh vọng đã đẩy bao người vào hố sâu của vực thẳm. Càng ngụp lặn trong vực thẳm, càng làm cho họ trở nên điên rồ đánh mất nhân cách, đánh mất tính người. Họ đã lầm, vì tất cả những thứ đó không bao giờ làm thoả mãn cơn khát trong lòng họ. Vì được voi đòi tiên, vì lòng tham vô đáy. Giếng sâu của lòng tham chỉ làm cho con người thất vọng, chán chường.
Ai mà chẳng biết cái chu kỳ quỷ quái của dục vọng, luôn luôn tái phát, chẳng bao giờ no thỏa. Ai lại không cảm thấy nhu cầu được thỏa mãn cứ trào lên vô tận, thúc đẩy mình hưởng thụ cách nào đó: càng khát lại càng uống, càng uống lại càng khát… Cha Anthony de Mello cũng nhận định tương tự: “Việc thoả mãn dục vọng không giải thoát chúng ta khỏi dục vọng, nhưng tạo thêm một dục vọng khác còn mãnh liệt hơn để rồi cái vòng lẩn quẩn: khát khao – thoả mãn, thoả mãn – khát khao… cứ tiếp diễn mãi không cùng… lại càng ngày càng tăng ‘đô’ hơn. Và cứ thế, người ta phải chịu dày vò, thiêu đốt vì sự ngọn lửa khao khát trong lòng mình”.
Triết gia Schopennauer (Đức) khám phá: “Những lạc thú mà thế gian cống hiến cho con người cũng chỉ như nắm cơm bố thí cho người hành khất, chỉ làm dịu cơn đói hôm nay, rồi ngày mai lại đói.”
Chung quy lại, những cái khát vật chất thì không bao giờ có thể làm thỏa mãn được con người bao gồm thể xác và tâm hồn, bao hàm tinh thần và vật chất, nên cần đến cái vĩnh cửu. Nghĩa là ngoài cơn khát tự nhiên và bản năng, con người còn có những khao khát mà không có gì trên thế gian có thể làm cho họ được no thoả. Người ta gọi đây là khát vọng vô biên. Đây là cơn khát về mặt tâm linh nên chẳng có thứ nước nào trên đời có thể làm dịu bớt.
Và Chúa Giêsu đã trả lời: “Ai uống nước này, sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa. Và nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,13-14).
Phải, chỉ có chính Chúa Kitô là Thiên Chúa mới lấp đầy được cơn khát vô biên, bởi khi có được Thiên Chúa, con người không còn mải lo tìm kiếm những gì chóng qua nữa. Điều này thật đúng như thánh Augustinô xưa, sau một khoảng đời đi tìm kiếm danh vọng, địa vị, tiền tài, tình yêu, hạnh phúc, cuối cùng đã chán ngán, ăn năn sám hối trở lại với Chúa và đã thốt lên: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, thế mà bấy lâu nay con chỉ mải mê tìm kiếm cái gì khác ở ngoài Chúa. Vì vậy lòng con luôn băn khoăn thao thức mãi cho đến khi được an nghỉ trong Chúa. Lạy Chúa, con đã biết Chúa quá muộn! Con đã yêu Chúa muộn quá rồi!”.
Người phụ nữ Samari hằng ngày vẫn đến giếng lấy nước, đã uống nước, đã gặp gỡ biết bao người, đã ở với bao đời chồng, nhưng khát vẫn hoàn khát. Hôm nay chỉ khi nghe được “Lời Sự Sống” từ Chúa Giêsu, chị mới nhận ra đâu là sự thật về chính mình và chị đã được biến đổi; chị đã biết thờ phượng Thiên Chúa thế nào cho đúng, và đâu mới là Thần Khí và sự thật.
2. Thờ phượng Thiên Chúa trong Thần Khí và sự thật.
Với sự khéo léo trình bày của Tin Mừng, điều mà ta dễ dàng nhận thấy được nơi đây là Chúa Giêsu đã cùng lúc xóa đi được hai sự ngăn cách, đó là: Sự kỳ thị chủng tộc Do-thái – Samari và sự khác biệt giữa sống đạo “trong nhà thờ” với sống đạo “trong Thần Khí”.
Những sự kỳ thị này có từ khi hai miền Nam Bắc Do-thái phân tranh (-931), phía Bắc (có thủ đô là Samari) đã dựng bàn thờ bò vàng thay cho việc thờ Thiên Chúa (x. 1V 12, 26-33); rồi đến khi Israel (miền Bắc) bị lưu đày (-721), vua Assyri đã đem các nhóm dân khác đến vùng đất thủ đô miền Bắc lúc bấy giờ là Samaria để cư ngụ, từ đó trở thành một dân đa tạp đa văn hóa và tôn giáo. Từ những điều đó mà người Do-thái có lý do để khinh miệt coi Samari là “lạc đạo”, là “lai căng”, là miền đất của ô uế và họ đưa ra “vạ tuyệt thông” cho nhau: Do-thái đặt luật cấm người “đạo gốc” không được tiếp xúc với quân “ngoại đạo” để tránh nhiễm uế; còn Samaria thì cấm cản người Do-thái đi lại qua vùng đất của họ, mà phải đi đường vòng. Vì thế mà hôm nay, người phụ nữ quá ngỡ ngàng vì Chúa Giêssu đến xin chị nước uống, nhưng Chúa Giêsu đã đi bước trước để phá vỡ rào cản mà lâu nay vẫn trói buộc giữa hai bên. Hành động của Chúa Giêsu làm cho người phụ nữ không khỏi ngạc nhiên: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Samari, cho ông nước uống sao?” (Ga 4,9).
Người phụ nữ Samaria ở đây không thuộc một tôn giáo ngoại lai, nhưng có nguồn gốc đạo Do-thái từ ngày phân tranh Nam Bắc lưu truyền. Chị tin Thiên Chúa của tổ phụ Abraham như người Do-thái Giuđê, nhưng “không đi lễ nhà thờ Giêrusalem”, mà là đi lễ nhà thờ xây trên núi của người Samari có từ ngày ly khai tôn giáo. Gặp được Chúa Giêsu, người phụ nữ không chỉ muốn Người làm trọng tài trả lời câu hỏi về sự khác biệt văn hóa và tôn giáo, mà còn là câu hỏi cách thức thờ phượng Thiên Chúa: “Thưa ông, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ… Cha ông chúng tôi đã thờ phượng Thiên Chúa trên núi này; còn các ông lại bảo: Giê-ru-sa-lem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa.” Đức Giê-su phán: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giê-ru-sa-lem” (Ga 4,19-21).
Chúa Giêsu đã đưa ra lời giải đáp khẳng định rằng Thiên Chúa không bao giờ bị khoanh vùng: “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem, nhưng sẽ thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật”. Thiên Chúa không bao giờ là Chúa riêng của một người hay một dân tộc nào, bởi vì Người là Cha chung của mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc. Không một người nào, không một dân tộc nào và không một tôn giáo nào được độc quyền chiếm giữ Người cho riêng mình, hay nghĩ rằng Thiên Chúa chỉ hiện diện trên đất nước của mình hay trong đền thờ của mình.
Thiên Chúa là thần khí, mà thần khí thì vô hình nên ở đâu cũng có. Thiên Chúa hiện diện ở khắp mọi nơi. Thiên Chúa là Tình Yêu thì vượt trên thời gian và không gian nên không bị giới hạn ở đâu “trong nhà thờ” hay ngoài xã hội. Cũng vậy, không phải người ta vào nhà thờ thì tỏ ra đạo hạnh, nhưng ra khỏi nhà thờ thì còn tệ hại hơn cả dân ngoại. Sống đạo là luôn ý thức Thiên Chúa hiện diện khắp mọi nơi và luôn làm đẹp lòng Người mọi lúc.
Thiên Chúa trong sự thật, là khi con người biết tôn trọng chân lý mới là cách thờ phượng Người cách đúng đắn nhất. Con người thờ phượng Thiên Chúa không dừng lại ở nghi lễ bề ngoài, mà là thể hiện ra nơi cuộc sống.
Một khi đã xác tín Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, không ai được nhân danh Người mà gây chia rẽ và hận thù, trái lại phải nhân danh Người mà yêu thương đoàn kết với nhau. Thực vậy đối với Chúa Giêsu thì cách thế diễn tả lòng kính mến Thiên Chúa một cách sâu xa và trọn vẹn nhất, đó là yêu thương anh em của mình.
Cần phân biệt rằng, những ý nghĩa trên không phải cổ xúy cho việc “giữ đạo tại tâm” để rồi bỏ việc đến với nơi thờ phượng và né tránh những phận vụ Kitô hữu, nhưng là luôn đặt mình trước mặt Chúa và tin Chúa hiện diện khắp mọi nơi, để không chỉ dừng lại việc tôn thờ Thiên Chúa ở nhà thờ hay các nghi lễ bề ngoài, mà là thể hiện ra bằng việc sống đạo trong mọi nơi mọi lúc bằng những hành động cụ thể.
Ngày xưa, người Do-thái tự “bế quan tỏa cảng” mình trong cái gọi là thuần chủng dân tộc và tôn giáo, tự hào vì có đền thờ Giêrusalem giữ Chúa Tể càn khôn lại cho riêng mình, để rồi coi mọi dân tộc khác chỉ là vô đạo; ngày nay, không ít chúng ta vẫn còn những quan niệm tự hào vì “đạo nhà thờ”, đóng khung Thiên Chúa lại trong nhà thờ, tự cho mình là “đạo gốc”, để rồi không còn sống đạo giữa đời và không còn đem Chúa đến cho tha nhân.
Tắt một lời, qua câu chuyện gặp gỡ người phụ nữ Samari, Chúa Giêsu đã làm một cuộc cách mạng. Cách mạng về khoảng cách địa lý và về vai vế thuần chủng để đi đến một cuộc cách mạng vĩ đại, đó là cách mạng tâm hồn. Nhờ cuộc cách mạng tâm hồn này, mà từ nay, giữa người Do-thái và người Samari được sống và sống dồi dào khi thờ phượng Chúa không chỉ ở trên núi này hay núi nọ, mà ngay tại trong tâm của mình qua Thần Khí và sự thật.
Tóm lại: bài Tin Mừng hôm nay dạy chúng ta biết KHAO KHÁT THIÊN CHÚA là nguồn suối đích thực lấp đầy mọi ước vọng của chúng ta. Từ đó, chúng ta biết mở cửa lòng mình để xóa đi mọi ngăn cách mà đến với tha nhân mà loan báo về cách THỜ PHƯỢNG MỘT THIÊN CHÚA ĐÍCH THỰC, như người phụ nữ Samari xưa sau khi gặp Chúa đã bỏ lại tất cả để chạy vào làng loan báo cho mọi người và dẫn họ đến gặp Chúa và tất cả đều được biến đổi.
Lạy Chúa Giêsu, chính chúng con đang tự dựng lên những hàng rào ngăn cách chúng con với Chúa và tha nhân. Xin cho chúng con luôn biết vượt lên trên những rào cản của kỳ thị, ghét ghen, để xây dựng sự hiệp nhất, luôn biết mở lòng ra để đón nhận chính Chúa vào trong cuộc đời, hầu thỏa vọng cơn khát tâm linh, là được hưởng hạnh phúc viên mãn trong Chúa. Amen.
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 2,13-22
Gần đến lễ Vượt Qua của người Do-thái, Đức Giê-su lên thành Giê-ru-sa-lem. Người thấy trong Đền Thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu, và những người đang ngồi đổi tiền. Người liền lấy dây làm roi mà xua đuổi tất cả bọn họ cùng với chiên bò ra khỏi Đền Thờ; còn tiền của những người đổi bạc, Người đổ tung ra, và lật nhào bàn ghế của họ. Người nói với những kẻ bán bồ câu: “Đem tất cả những thứ này ra khỏi đây, đừng biến nhà Cha tôi thành nơi buôn bán.”Các môn đệ của Người nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh: Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân.
Người Do-thái hỏi Đức Giê-su: “Ông lấy dấu lạ nào chứng tỏ cho chúng tôi thấy là ông có quyền làm như thế? ” Đức Giê-su đáp: “Các ông cứ phá huỷ Đền Thờ này đi; nội ba ngày, tôi sẽ xây dựng lại.” Người Do-thái nói: “Đền Thờ này phải mất bốn mươi sáu năm mới xây xong, thế mà nội trong ba ngày ông xây lại được sao? ” Nhưng Đền Thờ Đức Giê-su muốn nói ở đây là chính thân thể Người. Vậy, khi Người từ cõi chết trỗi dậy, các môn đệ nhớ lại Người đã nói điều đó, Họ tin vào Kinh Thánh và lời Đức Giê-su đã nói.
Trong lúc Đức Giê-su ở Giê-ru-sa-lem vào dịp lễ Vượt Qua, có nhiều kẻ tin vào danh Người bởi đã chứng kiến các dấu lạ Người làm. Nhưng chính Đức Giê-su không tin họ, vì Người biết họ hết thảy, và không cần ai làm chứng về con người. Quả thật, chính Người biết có gì trong lòng con người.
II. SUY NIỆM
“ĐỀN THỜ THIÊN CHÚA CHÍNH LÀ ANH EM”
Bài Tin Mừng Chúa Nhật II Mùa Chay (năm B) hôm nay, thánh Gioan kể về việc Chúa Giêsu lên Đền Thờ Giêrusalem, Người đã nổi giận xua đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi đền thờ. Qua sự kiện này, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta biết tôn trọng nơi thánh, đồng thời tôn trọng thân xác và tâm hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa ngự:
1. Đừng biến Nhà Cha Ta thành nơi chợ búa.
Đền thờ Giêrusalem được nói đến đây là đền thờ thứ ba được vua Hêrôđê Cả xây dựng (đền thờ đầu tiên do vua Salômon, đền thờ thứ hai thời Esdra-Nơkhemia đã bị tàn phá) có ba phần bao gồm Nơi Cực Thánh, Nơi Thánh và Sân Chư Dân. Hằng năm, các dịp lễ lớn, người Do-thái từ khắp nơi về dự lễ, có cả những kiều bào và dân các thành khác.
Xung quanh đền thờ, người ta đã lập các kios đổi tiền, buôn bán chiên bò và bồ câu, nhằm đáp ứng nhu cầu những người từ xa về dự lễ khỏi phải mang theo những thứ cồng kềnh. Họ đổi ngoại tệ để nạp thuế đền thờ, đổi tiền lẻ để dâng cúng; người giàu thì mua chiên hay bò, người nghèo thì mua chim gáy hoặc bồ câu để dâng lễ.
Giới tư tế đã nhân cơ hội chiếm dụng cả khuôn viên Chư Dân để lập ra các dịch vụ cho dòng tộc buôn bán trục lợi, làm cho nơi trang nghiêm thành ra chợ búa, nháo nhác tiếng dê kêu bò rống, la lối tranh cãi và có cả quân bảo kê móc túi…
Chúa Giêsu nhìn thấy cảnh lộn xộn của quân buôn và ô uế của súc vật, vì lòng nhiệt thành, Người đã xua đuổi chúng và nói: “Đừng biến nhà Cha Ta thành chợ búa”.
Sự kiện này là bài học cho chúng ta, chúng ta ý thức đền thờ là nơi thánh không? Chúng ta có những chiếm dụng trái phép của thánh không? Chúng ta đã thật sự giữ trang nghiêm khi bước vào nhà thờ? Chúng ta có dành riêng nơi thánh để chỉ làm việc thờ phượng Chúa, hay là dễ dàng dùng nhà thờ để tổ chức những sinh hoạt khác không thích hợp?
2. Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa ngự.
Đền thờ là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau cách đặc biệt qua các cử hành phụng vụ, và là không gian thích hợp nhất cho việc cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa.
Khi Chúa Giêsu nói rằng: “Cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây lại”. Tin Mừng giải thích rằng Chúa muốn ám chỉ về thân xác của Người bị giết chết, nhưng sau ba ngày sẽ phục sinh.
Và cũng từ những chứng từ này, mà trong Bài Đọc II, thánh Phaolô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô đã nói: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em”
Như vậy, chính chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi ngự, và hằng ngày khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta vẫn tuyên xưng điều đó.
Chúng ta hãy lo trang hoàng đền thờ chúng ta bằng các nhân đức việc lành để xứng đáng cho Thiên Chúa ngự. Chứ đừng để cho “thần tài” ngự hoặc “súc vật” làm ô uế như người Do-thái xưa đã làm cho Giêrusalem.
Lại nữa, như lời thánh Phaolô dạy, không ai có quyền phá huỷ thân xác mình hay thân xác kẻ khác. Tự huỷ hoại thân xác mình hay làm hại người khác đều là tội giết người.
Cuối cùng, vì lòng nhiệt thành với Chúa, chúng ta không sợ kẻ giết thân xác mình, vì xác tín rằng, đền thờ thân xác chúng ta sẽ được Chúa xây dựng lại trong ngày chung thẩm.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con ý thức trang nghiêm mỗi khi bước vào nhà thờ, ý thức sự hiện diện của Chúa để sốt sắng cử hành phụng vụ thánh. Xin cũng cho chúng con biết quý trọng thân xác và tâm hồn mình là đền thờ của Chúa Ba Ngôi hiển ngự, để chúng con luôn giữ mình trong sạch và biết trang hoàng đền thờ tâm hồn bằng những nhân đức thánh thiện. Amen.
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 13,1-9
Cùng lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giê-su nghe chuyện những người Ga-li-lê bị tổng trấn Phi-la-tô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giê-su đáp lại rằng: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Ga-li-lê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy. Cũng như mười tám người kia bị tháp Si-lô-ác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giê-ru-sa-lem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”
Rồi Đức Giê-su kể dụ ngôn này: “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: “Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất? Nhưng người làm vườn đáp: “Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.”
II. SUY NIỆM
“SÁM HỐI”
Các bài đọc Lời Chúa trong Chúa Nhật III Mùa Chay (năm C) đặc biệt nhấn mạnh đến việc tất cả mọi người, dù là ai cũng đều phải sám hối:
Bài đọc I, sách Xuất Hành kể việc Môi-sê run rẩy trước “Danh Ya-veh Thiên Chúa”, phải cởi dép ra, rồi không dám nhận quyền lãnh đạo đưa dân ra khỏi Ai-cập và thoái thác bằng cách cho mình không biết ăn nói… dù trước đó ông là “hoàng tử có ăn học văn võ song toàn ở triều đình Pharaoh” hay ông vừa mới là “anh hùng cứu mỹ nhân” nhà Yêtrôh.
Bài đọc II, thánh Phao-lô trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Cô-rin-tô, nhắn nhủ chúng ta “Ai tưởng mình đang đứng vững, thì hãy coi chừng kẻo ngã”.
Đặc biệt trong bài Tin Mừng theo thánh Lu-ca, Chúa Giê-su sau khi nghe người ta kể về việc những người đi phượt bị thác Si-lô-ác đè chết, Người trả lời là: “Đừng tưởng là nhưng người kia tội lỗi hơn mình, nhưng nếu không sám hối thì các người cũng chết hết như vậy”.
Tắt một lời, Lời Chúa mời gọi tất cả mọi người đều phải sám hối, như vịnh gia từng viết: “Lạy Chúa, xin chớ đòi tôi tớ ra xét xử, vì trước thánh nhan Ngài chẳng có người nào là công chính” (Tv 143,2).
Có người kể câu chuyện vui như sau:
“Trong giáo xứ kia, cha xứ thì đạo đức tài năng, ông trùm thì luôn gương mẫu trong việc nhà thờ nhà thánh. Lại có một anh chàng nát rượu, không xưng tội rước lễ, nên bị ông trùm mắng là thằng quỷ, cha xứ thì bảo là loại như anh chết mất linh hồn.
Thế rồi, ngày kia anh chàng đi uống rượu về té sông chết, vừa xuống đến hỏa ngục, anh thấy ông trùm ngay trước sân, anh ngạc nhiên và làm om xòm lên:
– Ủa, tưởng là tội như tôi mới xuống đây, ai dè ông cũng…
Ông trùm vội lấy tay che miệng:
– Xuỵt, mày quen to miệng rồi thằng quỷ, nói nhỏ nhỏ thôi, để cha xứ vừa mới xuống cho ngài nghỉ một chút, kẻo ngài dứt phép thông công bây giờ…”
Chỉ là một câu chuyện tưởng tượng, nhưng giúp chúng ta ghi nhận: Không ai có thể tự cho mình là tốt hơn người khác và phán xét người khác, nhưng phải ý thức rằng: “Những sự việc xảy ra cho họ để làm bài học, và đã được chép lại để răn dạy chúng ta, là những người đang sống trong thời sau hết này” (1Cr 10,11). Không phải chúng ta công chính nên đang ổn, mà là Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi chúng ta hối cải.
1. Bài học về các biến cố trong cuộc sống.
Quan niệm của người Do Thái là những tai ương bệnh tật xảy đến cho ai là do đương sự hoặc cha ông người đó tội lỗi.
Từ đó họ so sánh về ai công chính hơn ai. Chúa Giêsu biết rõ lòng dạ con người chứ không dừng lại ở một số các biểu hiện bên ngoài, nên đã cảnh tỉnh họ: “Các ông đừng có tưởng là những người đó có tội hơn các ông sao…? Nếu các ông không sám hối thì cũng sẽ chết hết như vậy”
Qua đó, Chúa Giêsu cũng dạy chúng ta: Đứng trước một biến cố xảy đến, chúng ta hãy xem đó là một điều cảnh tỉnh chúng ta rằng ai cũng là tội nhân, nên cần ăn năn sám hối. Hãy coi đó như là những bài học cho phần rỗi của mình và tha nhân, chứ đừng vội vàng xét đoán khi người khác gặp những biến cố không may mắn là do họ đáng phạt. Đức bác ái dạy ta phải “vui với người vui, khóc với người khóc”, chứ không luận tội, kết án người anh em dù họ có những biểu hiện sai lỗi bên ngoài.
Thông thường, chúng ta dễ đánh giá người khác mà ít khi nhìn lại chính mình. Thấy một ai đó gặp tai họa, nhất là người đó đang trong tình trạng được coi là tội lỗi, hoặc người đó là đối tượng chúng ta không thích, thì chúng ta sẽ đễ đánh giá ngay là “đáng đời, Chúa phạt, chết cũng đáng…” Để rồi, chúng ta tự cho mình vẫn còn tốt chán so với người khác. Dần dần xem nhẹ về tội, bình thường hóa tội và tự an thân với cách sống của mình. Đây là một thái độ rất nguy hiểm, như lời Đức Giáo Hoàng Piô XII đã lên tiếng cảnh báo: “Tội lớn nhất hiện nay, đó là việc con người đánh mất cảm thức về tội lỗi”.
2. Thiên Chúa công bình, nhưng nhân từ và kiên nhẫn chờ đợi.
Để đối lại với quan niệm sai lầm của người Do Thái, Chúa Giêsu đã kể dụ ngôn cây vả không sinh hoa trái. Thật vậy, sở dĩ chưa đến lượt họ, không phải vì họ công chính hơn những người bị chết kia, mà là Thiên Chúa đang kiên nhẫn chờ đợi họ sám hối.
Hình ảnh một Thiên Chúa như ông chủ vườn, đến tìm trái cây vả vô dụng (một người tội lỗi không sinh hoa trái), muốn chặt bỏ đi khỏi hoang phí đất. Chúa Giêsu như người làm vườn, cầu xin ông chủ là Thiên Chúa Cha gia hạn, để dùng ơn cứu độ của Người qua các bí tích, mà vun xới bón tưới cho cây vả (là người tội lỗi) sinh hoa trái. Điều này cho thấy, đời sống của chúng ta, không nhiều thì ít, mỗi người cũng có những lầm lỗi với Chúa và tha nhân. Tâm hồn chúng ta như cây vả không biết sinh hoa kết trái thiêng liêng. Thiên Chúa rất nhân từ, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta sám hối trở về với Người, sinh hoa trái bằng những công phúc việc lành.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho mỗi người chúng con thay vì lo đánh giá những rủi ro xảy đến cho người khác, mà biết luôn nhìn nhận chính con người đầy yếu đuối tội lỗi của mình và cần đến lòng thương xót Chúa, để rồi, dù điều gì xảy đến, chúng con luôn sẵn sàng thuận theo ý Chúa. Amen
Discussion about this post