CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 5,13-16
“Chính anh em là muối cho đời. Nhưng muối mà nhạt đi, thì lấy gì muối nó cho mặn lại? Nó đã thành vô dụng, thì chỉ còn việc quăng ra ngoài cho người ta chà đạp thôi.
“Chính anh em là ánh sáng cho trần gian. Một thành xây trên núi không tài nào che giấu được. Cũng chẳng có ai thắp đèn rồi lại để dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, và đèn soi chiếu cho mọi người trong nhà. Cũng vậy, ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời.
II. SUY NIỆM
“MUỐI VÀ ÁNH SÁNG”
Vai trò của mọi Ki-tô hữu chúng ta hôm nay là giữ cho xã hội khỏi suy thoái, đồng thời giúp cho xã hội được thăng tiến. Lời Chúa hôm nay là một lời mời gọi các Ki-tô hữu làm chứng cho Tin Mừng trong cuộc sống, như ánh sáng soi thế giới và như muối ướp cho đời.
1. Anh em là muối cho đời.
Muối được kể là một sản phẩm không thể thiếu trong đời sống con người. Muối vừa làm phân bón cho đất đai màu mỡ, vừa làm gia vị cho các món ăn thêm thơm ngon đậm đà, vừa bảo quản thực phẩm cho khỏi hư thối.
Khi Chúa Giê-su nói: “Anh em là muối cho đời”, Người muốn Ki-tô hữu chúng ta gắn liền với cuộc đời và hòa mình với mọi người, như muối thấm vào thức ăn và giữ cho nó khỏi hư và thêm đậm đà. Nghĩa là giữ cho xã hội khỏi bị suy thoái và làm cho cuộc sống thêm hương vị và ý nghĩa nhờ đời sống đạo đức.
Khi muối dùng để ướp thực phẩm thì muối phải chịu tan biến đi, thì Ki-tô hữu khi dấn thân làm chứng cho Chúa cũng biết chấp nhận hoà tan, biến mình đi trong chất mặn vị kỷ, để hiến dâng cho đời hương vị thơm ngon, mặn nồng của quảng đại và vị tha.
Thế nhưng, Chúa Giê-su cũng lưu ý: “Nếu muối đã nhạt thì chỉ có vứt bỏ đi và để cho người ta chà đạp”. Thật vậy, vị mặn là yếu tố quan trọng và là bản chất của muối, nên nếu muối ra nhạt thì chẳng đáng gọi là muối, vì chẳng ướp được gì nữa. Cũng vậy, khi đánh mất bản chất Ki-tô hữu của mình thì đời sống đạo chỉ là vô ích và trở nên phản chứng cho người ta xúc phạm danh Chúa và đạo thánh Người.
2. Anh em là ánh sáng cho trần gian.
“Thiên Chúa mới là Ánh Sáng” (1Ga 1,5) và chỉ có Chúa Giê-su mới dám nhận mình là Ánh Sáng (Ga 8,12). Nhưng hôm nay, Chúa Giê-su cũng muốn các môn đệ là Ki-tô hữu chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian. Muốn trở thành ánh sáng như Chúa Giê-su, chúng ta phải ở gần Người và kết hiệp với Người, bởi “gần đèn thì ta được toả sáng”. Chúng ta trở thành ánh sáng cho thế gian khi phản chiếu vinh quang Chúa bằng đời sống chứng nhân.
“Thà thắp lên một ngọn nến hơn là cứ ngồi đó mà than khóc bóng tối”. Chúng ta ngồi than trách thế giới hôm nay tuy tiến bộ về khoa học kỹ thuật lại là một thế giới nhạt nhẽo, mất ý nghĩa, một thế giới tối tăm và vẩn đục xấu xa tội lỗi, nhưng chúng ta lại không dám dấn thân thì thật là vô ích. Chúng ta hay phàn nàn về sự xuống cấp và suy đồi đạo lý, nhưng người Ki-tô hữu ít khi nhìn nhận phần trách nhiệm của mình trước thực trạng đó. Thế giới chìm trong bóng đêm tội lỗi đang rất cần những tia sáng để giảm bớt và xua tan. Ánh sáng có sức mạnh hơn bóng tối – một cây nến nhỏ được thắp lên cũng đủ làm ánh sáng tràn ngập một căn phòng lớn.
Khi lan toả ánh sáng cho thế gian, người Ki-tô hữu cũng chấp nhận sự tiêu hao bằng những vất vả hi sinh, tựa như ngọn nến cháy phải chịu tiêu hao để cả căn phòng được sáng. Thật vậy, người Ki-tô hữu phải mất đi cho chính mình, phải tan biến đi để Ánh Sáng Chúa Ki-tô được loan toả khắp nơi, khắp mọi nhà và khắp mọi tâm hồn.
3. Không ai đốt đèn rồi để xuống đáy thùng.
Không ai đốt đèn mà lại để dưới đáy thùng, nhưng đặt trên đế để mọi người thấy ánh sáng… Nghĩa là Đức Tin của chúng ta không phải “đạo tại tâm” giấu diếm, mà cần được toả sáng, để mọi người nhìn vào đó mà nhận ra Chúa.
Ánh sáng thì không thiên vị phân biệt ai, tựa như ánh mặt trời lan tỏa khắp nơi, chiếu sáng mọi người và mọi nhà. Cũng vậy, ánh sáng của chúng ta phải “đặt trên đế” – phải ở trên cao, vượt trên mọi danh vọng, tiền tài, lạc thú”.
Vẫn còn nhiều Ki-tô hữu, có khả năng nhưng lại rụt rè, đặt ngọn đèn đời mình dưới thùng. Nghĩa là họ không dám dấn thân vào đời, vì sợ nguy hiểm, vì thiếu tự tin hoặc vì hiểu sai thế nào là khiêm tốn thực sự.
Niềm tin cần được thể hiện bằng những hành động cụ thể của một người có đức tin. Khi làm điều gì, người có đức tin vào Chúa sẽ hành động dưới sự hiện diện của Thiên Chúa và lý tưởng đời sau. Còn người không có đức tin thì làm mọi cách kể cả thủ đoạn để đạt được điều trước mắt mà thôi.
Lạy Chúa, xin cho chúng con ý thức rằng, cuộc sống chúng con phải tỏa sáng qua bao điều tốt đẹp chúng con làm vì Chúa, để mọi người nhận ra Chúa là Nguồn Ánh Sáng mà bước theo hầu vượt ra khỏi bóng đêm tội lỗi. Xin cho chúng con dám dấn thân vì Tin mừng của Chúa, chấp nhận tiêu hao mà tan biến đi, để như men muối chúng con ướp mặn thế giới trong tình thương Danh Chúa được mọi đời tôn vinh. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,29-39
Vừa ra khỏi hội đường Ca-phác-na-um, Đức Giê-su đi đến nhà hai ông Si-môn và An-rê. Có ông Gia-cô-bê và ông Gio-an cùng đi theo. Lúc đó, bà mẹ vợ ông Si-môn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người biết tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài.
Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành xúm lại trước cửa. Đức Giê-su chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.
Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Si-môn và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Mọi người đang tìm Thầy đấy! ” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Ga-li-lê, rao giảng trong các hội đường của họ, và trừ quỷ.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tiếp tục kể về một ngày cuối tuần, lịch sống và làm việc Chúa Giê-su: Sau khi đã giảng một bài làm cho dân chúng nức lòng ca ngợi trong hội đường Caphanaum, trưa Chúa Giê-su ghé nhà học trò chữa lành bà nhạc của trò Phêrô, chiều tối làm bác sĩ đa khoa, mờ sáng ngày tới đi cầu nguyện.
Chúng ta cùng dừng lại suy niệm ba điểm sau đây:
1. Chữa lành.
Khác với những tường thuật khác, Chúa Giê-su thường đòi hỏi một sự van xin khẩn thiết hoặc một lời tuyên xưng đức tin thì Người mới ra tay chữa bệnh, nhưng hôm nay, chúng ta thấy Chúa Giê-su chỉ cầm lấy tay bệnh nhân, hoặc đặt tay lên họ để chữa bệnh mà không nói gì cả. Có lẽ đây là lần duy nhất thánh Phêrô về thăm bà mẹ vợ được Tin Mừng nói đến, thiết nghĩ có lẽ Phêrô đã mời Chúa Giê-su ghé nhà bà nhạc nghỉ chân sau những ngày vất vả. Chúa đã cúi xuống, cầm tay và chữa lành bệnh cảm sốt cho bà mẹ vợ Phêrô.
Hành động này nói lên ý nghĩa, chúng ta chỉ thực sự được lành sạch bệnh linh hồn, khi mời Chúa đến ghé thăm tâm hồn ta, Chúa đã không ngại cúi xuống thì ta cũng hãy đưa tay cho Người nắm lấy và nâng chúng ta đứng dậy khỏi sự khốn cùng mà tội lỗi đang đè nặng trên chúng ta.
Mọi người đã đem đến cho Chúa Giê-su đủ loại bệnh nhân và Người đã đặt tay chữa lành họ. Cũng vậy, Chúa sẽ không thể chữa lành chúng ta nếu chúng ta không chạy đến với Người, Chúa cũng không thể tha thứ tội lỗi và chữa lành thương tích trong linh hồn chúng ta nếu chúng ta không chịu đem hết mọi tội lỗi đi xưng thú qua Bí tích Hoà Giải. Hãy để cho Chúa đặt tay trên chúng ta, nghĩa là để cho Chúa đụng chạm thật sự vào linh hồn chúng ta, để chúng ta được thánh hoá.
2. Cầu nguyện
Nhiều lần các Tin Mừng kể về việc Chúa Giê-su cầu nguyện, chẳng hạn như: “Sau khi giải tán đám đông, Người đi lên núi mà cầu nguyện, chiều đến Người vẫn ở đó một mình” (Mt 14,23). “Sáng sớm lúc trời còn tối mịt, Người đã thức dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1,35). “Sau khi bảo các môn đệ xuống thuyền sang bờ bên kia về thành Betsaida trước, Người ở lại giải tán đám đông rồi một mình lên núi cầu nguyện” (Mc 6,45-46)…
Chúng ta để ý đến hai chi tiết: sáng sớm thức dậy Chúa Giê-su đi cầu nguyện và chiều đến sau khi giải tán đám đông, Chúa Giê-su đi cầu nguyện.
Cầu nguyện đóng vai trò hết sức quan trọng trong đời sống Ki-tô hữu. Mọi người có thể cầu nguyện mọi lúc mọi nơi với nhiều phương cách. Tuy nhiên, nơi mỗi xứ đạo chúng ta từ xưa đến nay vẫn giữ được thói quen tốt là đến nhà thờ vào lúc khởi đầu và kết thúc mỗi ngày.
Tốt đẹp biết bao khi mọi Ki-tô hữu chúng ta luôn giống Chúa Giê-su, để rồi:
Vừa tảng sáng, chúng ta đã đến nhà thờ để cầu nguyện và tham dự Thánh Lễ để cầu xin Chúa hướng dẫn, bổ sức và đồng hành với chúng ta bắt đầu một ngày sống tốt lành.
Tối đến, lại đến nhà thờ để đọc kinh tạ ơn Chúa về một ngày đã qua, xin Chúa thứ tha những thiếu sót, xin Chúa chúc lành và gìn giữ cho một giấc ngủ bình an.
3. Rao giảng.
“Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó.”
Rao giảng Tin Mừng luôn là một việc cấp bách và liên tục, không dừng lại ở một nơi hay một nhóm ngươi nhất định, mà phải từ nơi này đến nơi khác, cho bất cứ ai chúng ta gặp gỡ và đi đến. Cần ý thức sứ vụ của tất cả Ki-tô hữu chúng ta là truyền giáo, truyền giáo trong cả lời nói và hành động thiết thực qua đời sống yêu thương, bác ái và xả thân phục vụ…
Lạy Chúa Giê-su, khi nhìn lại một ngày sống của Ngài là rao giảng, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho mỗi một ngày sống của mỗi Ki-tô hữu chúng con cũng hoạ lại ngày sống của Chúa, để trong mọi sự chúng con sống dưới sự hiện diện của Ngài và làm chứng cho Ngài. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 5,1-11
Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.
Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.
Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! ” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.
II. SUY NIỆM
“CHÈO RA CHỖ SÂU MÀ THẢ LƯỚI”
Rao giảng Tin Mừng không phải là một kinh nghiệm cá nhân, nhưng do bởi sự hướng dẫn của Chúa, nghĩa là “vâng lời Thầy” chúng ta ra đi, và dám đi đến những chỗ nước sâu xa bờ, mới mong cứu vớt được nhiều linh hồn về cho Chúa. “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá” là can đảm đối diện với cuộc đời và với những khó khăn phía trước để truyền bá Tin Mừng.
1. Chèo thuyền ra chỗ sâu mà thả lưới.
“Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, nghĩa là ra khơi, tiến tới nơi nguy hiểm. Trong tông thư Novo Millennio Ineute dịp bế mạc năm thánh 2000, thánh Giáo hoàng Gio-an Phaolô II đã mời gọi toàn thể Giáo hội đừng ngần ngại “tiến ra chỗ nước sâu” để đối thoại với thế giới, để gặp gỡ con người thời đại và giới thiệu Chúa Giê-su cho mọi người.
“Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”. Cá nhỏ ở thường ở theo bờ, cá lớn thì ở chỗ nước sâu, muốn thả lưới ở chỗ nước sâu phải ra khơi mà ra khơi thì nguy hiểm, vì thường gặp sóng to gió lớn. Nên ra khơi đòi người thả lưới bắt cá phải can đảm, phải dấn thân. Có “dấn thân” và “yêu nghề” thì người thả lưới mới luôn năng động, biết biến đổi hoàn cảnh và tận dụng mọi thời cơ, biết rút tỉa kinh nghiệm và luôn học hỏi để nâng cao tay nghề cho khả năng làm việc của mình hữu hiệu hơn, biết tận dụng mọi phương tiện cần thiết đúng nơi và đúng lúc, biết khai thác những thuận lợi và tìm cách tháo gỡ những khó khăn trong môi trường làm việc của mình.
“Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới bắt cá”, “muốn bắt cọp, phải vào hang”. Chúa khuyến khích chúng ta hãy can đảm đối diện với cuộc đời, với những khó khăn tưởng chừng như đã có lần đè chúng ta quỵ ngã. Hãy đứng lên tiến về phía trước, vì Chúa đang mời gọi và đồng hành với chúng ta. Lịch sử truyền giáo từ xa xưa đã ghi lại những tấm gương hào hùng, đầy cảm động và thương tâm về những con người đã hy sinh khi “đến những chỗ sâu” để chài lưới bắt người, để chinh phục con người bằng Giáo Lý và đời sống bác ái yêu thương.
Như vậy, Chúa Giê-su muốn nói với từng người trong chúng ta, dù mình ở trong vai trò nào, cũng dám dấn thân không ngại khó ngại khổ, để danh Chúa được nhiều người nhận biết. Chứ không né tránh, an thân hoặc sống phản chứng, không những không “bắt được cá” là đem các linh hồn về cho Chúa, mà còn làm lưới rách là các phương tiện thiêng liêng Chúa trao cho chúng ta cũng bị chúng ta làm cho hư hại…
Tuy nhiên, các tông đồ ra khơi trên một con thuyền có Chúa, thì chúng ta cũng thế, không ai cho cái mình không có, chúng ta nói về Chúa thì chính mình phải có Chúa trước, chúng ta phải sống với Chúa rồi mới đem Chúa đến cho người khác được. Chúng ta rao giảng Lời Chúa thì trước hết chúng ta phải học hỏi và suy niệm Lời Chúa rồi mới có khả năng truyền đạt cho tha nhân…
2. “Vâng lời Thầy, con thả lưới”.
“Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Với kinh nghiệm đầy mình về nghề chài lưới, nhưng tự sức mình Phêrô đã thất bại, nhưng khi Phêrô bỏ đi cái tôi của mình, để tin tưởng và vâng phục Chúa, ông đã thành công với “mẻ cá lạ lùng”.
“Vâng lời Thầy, con thả lưới”. Phêrô khi đáp trả vâng lệnh Chúa, đã không sống ỷ lại căn cứ vào kinh nghiệm riêng cá nhân, không ỷ lại vào những an toàn phàm trần, không nương tựa vào những suy tư và hành động của riêng cá nhân mình.
Mẻ cá của Phêrô năm xưa đã làm cho ông nhận ra sự yếu đuối của mình và cuối cùng ông đã bỏ lại mọi sự để theo Chúa. Thật vậy, điều quan trọng hơn cả là sau những chiến tích làm được, Phêrô không tự hào cho công trạng của mình, nhưng ông đã đến quỳ dưới chân Chúa để nhìn nhận sự yếu kém của mình. Đây là bài học lớn cho mỗi người chúng ta, đàng sau một thất bại, chúng ta không nản chí, nhưng tin tưởng vào Chúa và vâng lời Người chúng ta làm theo Chúa hướng dẫn thì thành công sẽ đến. Khi thành công, hãy quy hướng cho vinh quang Chúa, chứ đừng tự đắc là do mình.
Lạy Chúa Giê-su, xin cho chúng con khi rao truyền lời Chúa, không ỷ lại vào kinh nghiệm và khả năng riêng mình, nhưng biết luôn xin ơn soi dẫn, để vâng lời Ngài, chúng con dám can đảm đối diện và dấn thân đến những mảnh đất tâm hồn chai đá và nơi khó khăn nhất, để đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.
Discussion about this post