THỨ BẢY TUẦN IV THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 6,30-34
Các Tông Đồ tụ họp chung quanh Đức Giê-su, và kể lại cho Người biết mọi việc các ông đã làm, và mọi điều các ông đã dạy. Người bảo các ông: “Chính anh em hãy lánh riêng ra đến một nơi thanh vắng mà nghỉ ngơi đôi chút.” Quả thế, kẻ lui người tới quá đông, nên các ông cũng chẳng có thì giờ ăn uống nữa. Vậy, thầy trò xuống thuyền đi lánh riêng ra một nơi hoang vắng. Thấy các ngài ra đi, nhiều người hiểu ý, nên từ khắp các thành, họ cùng nhau theo đường bộ chạy đến nơi, trước cả các ngài. Ra khỏi thuyền, Đức Giê-su thấy một đám người rất đông thì chạnh lòng thương, vì họ như bầy chiên không người chăn dắt. Và Người bắt đầu dạy dỗ họ nhiều điều.
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay tường thuật việc các Tông Đồ đi rao giảng về hồ hởi báo cáo những thành quả tốt đẹp với Chúa Giê-su, Chúa Giê-su bảo các ông lui vào nơi vắng vẻ để nghỉ ngơi đôi chút. Tuy nhiên, vì nhu cầu của dân chúng khao khát được nghe rao giảng, Chúa Giê-su và các Tông Đồ đã không còn thời giờ nghỉ ngơi vì lòng thương dành cho họ.
Qua đoạn Tin Mừng, chúng ta cũng suy niệm hai điểm sau đây:
1. Hoàn cảnh của dân chúng.
Họ giống như đoàn chiên đang bơ vơ không có mục tử chăn dắt. Đây là hình ảnh đáng thương của dân Ít-ra-en thời bấy giờ. Không phải dân không có các vị lo việc phụng tự và dạy dỗ, bởi vì trong 12 chi tộc thì đã có cả một chi tộc Lê-vi làm tư tế, trung bình 1/12. Họ còn có những tầng lớp lãnh đạo, các Kinh sư, các tiến sĩ luật… Thế nhưng, những đầu mục, các tư tế và các Kinh sư chỉ lo tìm kiếm tư lợi hơn là lo dạy cho dân nghe Lời Chúa. Họ lo tìm cách chú giải những điều luật theo ý mình và có lợi cho mình hơn là Lời Chúa. như ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã tuyên sấm: “Khốn cho các mục tử Ít-ra-en, những kẻ chỉ biết lo cho mình! Sữa các ngươi uống, len các ngươi mặc, chiên béo tốt các ngươi giết, còn đàn chiên thì các ngươi lại không lo chăn dắt” (x. Ed 34,2-6). Họ nói mà không làm, lời họ giảng chỉ là những gánh nặng hơn là giải thoát và niềm vui của Lời Chúa. Chính vì thế mà sự xuất hiện của Tin Mừng mà Chúa Giê-su và các môn đệ rao giảng làm họ phấn khởi đi theo. Chính điều này đã đặt ra một sự cấp bách truyền giáo, mà Chúa Giê-su và các môn đệ phải xả thân đến nỗi không còn giờ để nghỉ ngơi vì sự khao khát của dân chúng.
2. Những giây phút tĩnh lặng.
Trước hết, Chúa Giê-su cảm thông với nỗi vất vả của các Tông đồ khi làm việc truyền giáo nên cần có thời gian nghỉ ngơi để hồi phục sức khỏe cả về thể xác cũng như tâm hồn. Nghỉ ngơi để lấy lại sức, để nhìn lại những việc đã làm, để sống thân tình với Chúa và với nhau. Đây là nhu cầu chính đáng và rất bổ ích nhằm quân bình cuộc sống.
Kế đến, theo Tin Mừng Marcô luôn luôn sau mỗi khi tiếp xúc với dân chúng, Chúa Giê-su rút lui vào yên lặng không chỉ để cầu nguyện hay nghỉ ngơi mà còn để phủ nhận sự phấn khởi của quần chúng cứ muốn lôi Người vào quan niệm đầy trần tục về Ðấng Thiên Sai và vai trò cứu thế của Người. Họ muốn một vị cứu tinh làm thỏa mãn tâm tư tham lam của họ. Chính vì thế mà Chúa Giê-su cũng muốn các Tông Đồ xa lánh sự tung hô của dân chúng cũng như tránh đi sự nhầm tưởng không đúng về sứ vụ rao giảng Tin Mừng.
Lại nữa, Chúa Giê-su muốn các Tông Đồ cần có sự quân bình giữa đời sống cầu nguyện và truyền giáo, giữa chiêm niệm và hoạt động, giữa việc đạo đức kết hiệp với Chúa và công việc mục vụ. Đó cũng là một điều hết sức cần thiết cho các vị lo việc truyền giáo và mục vụ ngày nay. Có những vị “quá dấn thân” cho việc “mục vụ” và “xây dựng” đến nỗi không còn thời giờ để đọc kinh Phụng Vụ, không còn những phút thinh lặng cầu nguyện và dần dần đời sống đạo đức èo uột, nói về Chúa mà không sống với Chúa và cuối cùng chỉ còn công việc mà không có Chúa đồng hành nữa…
Lạy Chúa Giê-su, cánh đồng truyền giáo thật bao la, xin cho chúng con biết mặc lấy tâm tình chạnh lòng thương của Chúa, để chúng con biết lên đường làm chứng cho Chúa mọi nơi mọi lúc không ngơi nghỉ, hầu cho Nước Chúa ngày càng lan rộng khắp nơi, cách riêng trên đất nước chúng con. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post