MỒNG HAI TẾT
CẦU CHO TỔ TIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 15,1-6
Bấy giờ có mấy người Pha-ri-sêu và mấy kinh sư từ Giê-ru-sa-lem đến gặp Đức Giê-su và nói rằng: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa? ” Người trả lời: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa? Quả thế, Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: “Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa”. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa.
II. SUY NIỆM
Hôm nay mồng hai tết – kính nhớ tổ tiên, Giáo hội cho chúng ta nghe bài Tin Mừng kể về sự tranh luận của Chúa Giêsu với các biệt phái Pharisiêu, xoay quanh việc giữ luật thảo kính cha mẹ và tập tục tiền nhân.
Trọng tâm chính của lần tranh luận này giữa Chúa Giêsu và Biệt Phái là sự đối kháng giữa hai quan niệm, hai hình thức giữ luật. Các luật sĩ thắc mắc: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân…?” Chúa Giêsu trả lời họ cũng bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”
Việc rửa tay trước khi ăn là một thói quen tốt giúp an toàn vệ sinh, nó như là một nét văn hoá được các giáo viên mầm non tập cho trẻ từ thuở bé. Và ở nhiều nơi trên thế giới, việc rửa tay trước khi ăn đã trở thành một tập tục, thậm chí như là một điều buộc phải làm để giữ gìn vệ sinh. Tuy nhiên, đối với các Pharisiêu thì nó được giải thích như là một điều luật và là một nghi thức tôn giáo để đánh giá con người trong sạch hay dơ bẩn.
Vì quá câu nệ luật nên biệt phái Pharisiêu lẫn lộn cái chính yếu với cái phụ tùy, quá chú trọng đến cái phụ tuỳ bên ngoài mà đánh mất cái chính yếu bên trong là đức công bằng. Họ quan niệm giữ luật Chúa là tuân thủ những luật lệ, những nguyên tắc và những lễ nghi bề ngoài, nghiêm ngặt phần hình thức như “rửa tay trước khi ăn”, “dâng lễ phẩm cho Chúa thay thế sự hiếu kính cha mẹ”. Họ dùng nghi lễ bề ngoài, để thoái thác một bổn phận căn bản là hiếu kính cha mẹ, lấy quy ước của các tập tục phàm nhân do họ đặt ra để xóa bỏ đi điều răn của Thiên Chúa.
Đối với Chúa Giêsu, quan niệm về những đòi hỏi của Thiên Chúa được thể hiện lớn nhất bằng luật yêu thương. Người xem giữ luật là một cảm nghiệm sống ở trong lòng, một biểu hiện liên đới, nhân từ, vượt trên hình thức, là tấm lòng trong sạch và đời sống yêu thương.
Chúa Giêsu lấy một ví dụ về việc thực hành tập tục phàm nhân bịa ra để cho họ thấy, chẳng những đây không phải là luật Chúa mà còn có thể đi ngược lại Luật Chúa. Luật Thiên Chúa trong điều răn thứ tư là phải “hiếu thảo với cha mẹ của mình”.
Người Pharisêu giới hạn bổn phận con cái dựa trên hoàn toàn vật chất, một nghĩa vụ vật chất được họ gán cho nghĩa vụ đạo đức. Đối với Đức Giêsu, Người nhắc nhở cho các Pharisêu, và mọi thế hệ rằng: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, và kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử” (Mt 15,4). Thảo hiếu với mẹ cha không chỉ dừng ở của cải vật chất nhưng phải hiếu thảo bằng cả tấm lòng yêu thương và tôn kính.
Ngày nay, thật đáng lo ngại là cho sự khủng hoảng đạo lý nơi nhiều gia đình. Có những người con chỉ dừng trên nghĩa vụ, bổn phận lo lắng cho cha mẹ của cải vật chất, mà quên đi cha mẹ còn phải được kính trọng và yêu mến. Vật chất chỉ là giá trị bề ngoài nhưng chính giá trị tinh thần, giá trị đạo đức mới quan trọng cho đời sống cha mẹ. Giá trị đạo đức bị đảo lộn bởi có những đứa con coi vật chất là trên hết, đặt tiền tài trên nghĩa vụ làm con, sẵn sàng gửi cha mẹ vào các nhà dưỡng lão mà quên rằng bổn phận của con cái là nuôi dưỡng, thăm hỏi khi cha mẹ còn sống, và cầu nguyện xin lễ cho các ngài khi đã qua đời.
Như vậy, Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta, không thể có một sự thỏa hiệp nào giữa hai quan niệm luật hình thức và luật yêu thương; không thể san bằng nghi thức bên ngoài với lệnh truyền của Chúa; không dùng tập tục con người để trốn tránh giới răn Thiên Chúa dạy phải sống trọn đạo hiếu.
Lạy Chúa Giêsu, khi còn sống ở trần gian nơi gia đình Thánh Gia Nazareth, Chúa đã nêu gương về lòng đạo đức và vâng phục cha thánh Giuse và mẹ Maria. Xin cho chúng con cũng luôn biết tôn kính vâng lời và phụng dưỡng các bậc cha mẹ, xứng với công ơn sinh thành và dưỡng dục của các ngài đã dành cho chúng con. Amen
Hiền Lâm
++++++++++++++++++++
GIẢNG LỄ MÙNG HAI TẾT. CẦU CHO TỔ TIÊN.
Nhạc sĩ Phanxico Nguyễn Đình Diễn dựa theo ca dao Việt Nam và sách Huấn Ca đã viết ca khúc “Cầu cho cha mẹ 5”:
“Cây có cội, nước có nguồn,
có trời thì mới có ta
và sinh ra trong cõi người ta
ai cũng mang nghĩa mẹ tình cha…”
Vâng, chẳng có ai tự nứt đất mà ra, và cũng chẳng có ai tự sống và lớn lên… Tất cả chúng ta phải nhờ cha mẹ mà có mặt trên đời, được nuôi dưỡng và lớn lên cho đến ngày hôm nay, và đang hiện diện nơi đây.
Chúng ta đều mang ơn công cha nghĩa mẹ:
“Công cha như núi thái sơn,
nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra”. (ca dao)
Hoặc: “Công cha như núi ngất trời,
nghĩa mẹ như nước ngời ngời biển đông”.
Vậy nên, chúng ta phải: “Một lòng thờ mẹ kính cha,
cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.
Cho tròn chữ HIẾU. Vâng, để đáp lại ơn cha mẹ, chúng ta phải HIẾU.
Vậy, Hiếu là gì? Trong hán tự: 孝 – Hiếu bao gồm bộ lão ở trên và bộ tử ở dưới, nói lên cha mẹ luôn là bậc trên và con gái bề dưới phải lo phụng dưỡng hiếu kính mới là đạo làm con.
Còn, Hiếu như thế nào? Dựa theo sự soi sáng của các bài đọc Lời Chúa hôm nay: Hiếu bao gồm tôn kính, vâng lời, chăm sóc các bậc sinh thành và dưỡng dục khi các ngài còn sống; kinh nguyện, dâng lễ và các công phúc việc lành để cầu cho các ngài đã qua đời được hưởng Tôn Nhan Chúa (như việc chúng ta đang hiệp dâng thánh lễ tại nghĩa trang này trong ngày mùng 2 tết, là chúng ta đang thực hành chữ hiếu cách cụ thể với các đấng sinh thành đã qua đời).
Cụ thể, chúng ta lần lượt nghe Chúa nói với chúng sống chữ HIẾU qua các bài đọc hôm nay.
Bài đọc I: sách Huấn Ca 44 – Làm vinh danh dòng dõi tổ tiên.
Sách Huấn Ca viết: “… danh thơm các ngài lưu truyền hậu thế
Sống chữ Hiếu là làm cho tổ tiên cha mẹ được danh thơm, được mọi người khen tụng. Thật vậy, khi chúng ta làm một điều gì tốt, thì cha mẹ được thơm lây, vui mừng và nở mày nở mặt hãnh diện với mọi người. Đúng không? Người ta sẽ nói, con ông bà đó đấy, họ thật khéo sinh được đứa con tài đức… Ngược lại, tổ tiên cha mẹ dòng họ sẽ mang tiếng xấu vì điều xấu của hậu nhân họ làm. Vâng, một người làm nên cả họ thơm lây, một người làm bậy cả họ mang nhơ là thế.
Lời Chúa trong sách Huấn Ca mời gọi chúng ta ý thức về cách sống của mình, người thảo hiếu là không làm cha mẹ phải buồn phải nhục vì sự vô đức của con mình. Vậy, sống chữ Hiếu thì điều đầu tiên là sống đức hạnh, luôn cố gắng làm điều tốt, để làm cho cha mẹ đang sống được vui khỏe, và trở nên công phúc giúp cha mẹ đã qua đời được Chúa ân thưởng.
Như vậy, sống chữ HIẾU đầu tiên, chính là luôn làm cho tổ tiên cha mẹ được vinh dự vì đời sống đức hạnh của con cháu.
Bài đọc II: thư Ê-phê-sô 6 – Tôn kính, vâng lời cha mẹ.
Thánh Phao-lô nói: “Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong tinh thần của Chúa. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất”.
Điều này trước hết xác định, một người biết tôn kính vâng lời cha mẹ, thì chắc chắn đó là một người sống đạo và giữ đạo tốt. Và ngược lại, bất kính bất phục với cha mẹ thì đương nhiên là kẻ vô đạo đức chẳng ra gì.
Tôn kính và vâng lời cha mẹ là luật Chúa, luật được chính thánh Phao-lô coi là điều răn thứ nhất.
Thiên Chúa đã đặt điều răn thảo kính cha mẹ ngay sau 3 điều răn dành cho Chúa (trong 10 điều răn). Cho thấy các bậc sinh thành đóng vị trí quan trọng chỉ sau Thiên Chúa là cội nguồn.
Và việc tôn kính và vâng lời cha mẹ theo như thánh Phao-lô dạy, không chỉ là bổn phận và trách nhiệm, mà đó còn là luật phải giữ. Luật này được chính Thiên Chúa thiết lập, như ý nghĩa thứ ba của chữ HIẾU được trình bày tiếp sau đây.
Bài Tin Mừng: Mát-thêu 15 – Phụng dưỡng, săn sóc cha mẹ.
Chúa Giê-su đi đến một cách cụ thể hơn và thực tế hơn, chính là sống chữ HIẾU bằng việc săn sóc và phụng dưỡng cha mẹ. Đừng tìm lý do (nghe có vẻ đạo đức) mà trốn tránh trách nhiệm chăm sóc phụng dưỡng các ngài. “Dâng cho Chúa ư? Nghe có vẻ đạo đức và hợp lý đấy, nhưng nếu một người bỏ bê cha mẹ mà họ trông thấy, thì việc dành cho Chúa chỉ là hình thức, rỗng tuếch và giả dối.
Thực tế, có nhiều người cha mẹ đang sống thì bỏ đói, bất kính, coi thường, hắt hủi… nhưng khi chết rồi thì ma chay hoành tráng linh đình, mâm cao cỗ đầy, xây lăng mả cho to… Hỏi như vậy thì được gì? Các ngài trong thế giới bên kia còn ý nghĩa gì không?
Thậm chí có người coi cha mẹ là một gánh nặng, mong cho các ngài mau chết. Tệ hơn là tìm kế để chia đất, chia gia tài. Lừa cha mẹ chuyển được giấy tờ rồi thì đẩy cha mẹ ra đường.
Lời của Chúa Giê-su dạy chúng ta, minh định việc thảo hiếu cha mẹ không phải là chuyện trừu tượng, không phải là lý thuyết suông, nhưng là phải thực hành cụ thể qua việc săn sóc và phụng dưỡng các ngài.
Tóm lại:
Sống chữ HIẾU bao gồm rất nhiều điều nên làm và điều phải giữ, nhưng cách riêng ngày mùng 2 tết hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta:
Sống thảo hiếu là làm cho tổ tiên được rạng rỡ danh thơm tiếng tốt,
Sống thảo hiếu là tôn kính vâng lời cha mẹ ông bà,
Và Sống thảo hiếu là săn sóc phụng dưỡng cha mẹ còn sống, và cầu nguyện cho các ngài đã qua đời được hưởng mùa xuân vĩnh cửu bên Chúa….
Hiền Lâm
Discussion about this post