MÙNG BA TẾT
THÁNH HÓA LAO CÔNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 25,14-30
“Quả thế, cũng như có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây.” Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh! ” Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy! ” Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có, thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy đi. Còn tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng.”
II. SUY NIỆM
Hôm nay mồng ba tết, ngày truyền thống Giáo hội Công Giáo Việt Nam cầu xin Thiên Chúa chúc lành và thánh hoá công ăn việc làm trong năm mới. Phụng vụ Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay nhắc chúng ta ý thức hơn về việc làm sinh lợi cho Thiên Chúa qua ân huệ và khả năng mà Chúa đã ban cho mỗi người chúng ta.
Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo, Người muốn con người cộng tác vào công trình tạo dựng của Người qua đời sống lao công, đồng thời Người ban mọi ân huệ: thời gian, sức khoẻ và tài năng cho con người, để con người hoàn thành những gì Người đã giao phó.
Một ông chủ đi xa trao lại cho các đầy tớ gìn giữ những nén bạc của ông. Nghĩa là khi dựng nên chúng ta, Thiên Chúa trao cho chúng ta một ân huệ tuỳ khả năng từng người, rồi Người ban cho chúng ta sức khoẻ, thời giờ, tài năng, để chúng ta làm sinh lợi cho Người.
Người nhận năm chục ký nén hay hai mươi cân hoặc một trăm lạng là tuỳ khả năng mà ông chủ tín nhiệm giao cho. Điều ông chủ muốn là sinh lời chứ không phải chôn giấu tiền bạc của ông chủ để chờ khi ông về trả lại. Cũng vậy, Thiên Chúa ban cho ta ơn đức tin qua Hội Thánh, chúng ta cần làm cho đức tin lớn mạnh qua việc thực thi đức ái Kitô Giáo, chứ không phải cứ lấy lý do “đạo tại tâm” rồi không làm gì cả.
Người nhận hai nén và năm nén đã sinh lợi gấp đôi, nghĩa là những ai biết dùng ơn Chúa để hoàn thiện bản thân và mưu ích cho tha nhân, cho cộng đoàn, giáo xứ và Giáo hội.
Người nhận một nén đã chôn giấu đi, nghĩa là dù mang trên mình Ấn tích Rửa tội nhưng đã không sống đạo, đã để cho hạt giống đức tin bị chôn vùi và không sinh hoa trái gì cho đời sống thiêng liêng.
Cái khác nhau ở chỗ là: người làm sinh lợi là người tin tưởng và yêu mến ông chủ nên đã tự nguyện làm việc nên đáng được ông chủ thưởng công; còn người sợ ông chủ và nghĩ xấu về ông chủ là người hà khắc nên đã sợ sệt đem chôn giấu nén bạc. Chúng ta cũng vậy, khi chúng ta tin tưởng và yêu mến Thiên Chúa mà sống đạo, thì tự sự yêu mến sẽ sinh hoa kết quả; còn khi chúng ta làm vì sợ Chúa phạt thì không đem lại công phúc gì.
Cuối cùng kẻ có được cho thêm, còn kẻ không có thì ngay cả cái đang có cũng sẽ bị lấy đi, nghĩa là Chúa ban cho chúng ta sức khoẻ, tài năng, cơ hội…, nếu chúng ta không chuyên cần cố gắng trau dồi, thì tự nó sẽ thui chột đi.
Lạy Chúa, Chúa đã ban cho chúng con những ân huệ cần thiết để cộng tác với Ngài công trình tạo dựng. Xin Chúa ban cho chúng con được mưa thuận gió hoà và chúc lành cho mọi công việc của chúng con, để chúng con vừa có lương thực hằng ngày nuôi dưỡng thể xác, vừa để đóng góp vào sự phát triển xã hội nhân loại như lòng Chúa ước mong, lại vừa làm cho Chúa được vinh danh khi chúng con biết sử dụng sao cho ích lợi qua những ân huệ Chúa ban. Amen
Hiền Lâm
BÀI GIẢNG:
Mùng 3 tết – THÁNH HÓA LAO CÔNG
Phụng vụ lời Chúa trong ngày mùng 3 tết, ngày thánh hóa lao công, với bài Tin Mừng làm nổi bật lên giá trị của người siêng năng biết làm sinh lợi những gì Thiên Chúa ban, và lên án kẻ lười biếng làm thui chột đi những gì mà Chúa ban cho mình.
Kẻ nhận 5 nén hay 2 nén đã biết làm sinh lợi gấp đôi số bạc chủ giao, nhưng kẻ nhận 1 nén lại lười biếng chôn giấu nó để rồi bị trách phạt.
Qua câu chuyện Tin Mừng, cùng với ý nghĩa ngày cầu xin Chúa thánh hóa công ăn việc làm, chúng ta cùng suy tư 3 điểm sau đây về giá trị của lao động:
– Làm để nuôi sống bản thân
– Làm để cộng tác trong công trình sáng tạo
– Làm để thánh hóa bản thân (cứu độ).
1. Lao động để tồn tại (nuôi sống bản thân và phát triển XH).
Có một sự thật là, dù là ai thì cũng phải có làm thì mới có ăn, như tục ngữ VN có câu:
“Có làm thì mới có ăn
Không dưng ai dễ đem phần đến cho.
Vâng, có làm thì mới có ăn, dù trong cứ bất cứ lãnh vực gì, lao động trí óc hay lao động chân tay, dù làm bất cứ điều gì thì cũng phải làm thì mới có của cải. Không làm thì chỉ có đi ăn mày, ăn ké và ăn bám…
Thánh Phaolô nói trong thư 2Tx 2,12: “Ai không làm thì đừng ăn” . Ngài nhắn nhủ không chỉ vì làm để có của nuôi thân, mà còn là một tinh thần trách nhiệm trong sự phát triển cộng đoàn.
Thánh phụ Biển Đức trong Tu Luật cũng muốn mỗi chúng ta phải biết sống bằng chính thành quả chúng ta làm ra.
Thật vậy, dân gian có câu: “Nhất sĩ nhì nông, gạo hết tiền không, nhất nông nhì sĩ”. Ý nói rằng, hết gạo thì ông quan cũng chẳng là gì so với anh nông dân, cũng như chúng ta mà hết gạo thì… có thể nói hết tu, vì có thực mới vực được đạo mà.
Người nhận 5 nén và 2 nén hôm nay tồn tại và phát triển bản thân cũng như làm lợi cho chủ, chính là biết cần cù làm việc sinh lời. Còn kẻ biếng nhác đem chôn giấu nén bạc thì đánh mất cả nén bạc ban đầu và đánh mất cả chính mình. Tắt một lời, phải lao động thì mới có thể tồn tại và phát triển.
2. Lao động là cộng tác sáng tạo.
Như con đã nói ở đầu lễ: Thiên Chúa không dựng nên con chim để nhốt nó trong lồng, con cá để nuôi nó trong chậu, nhưng loài nào giống nấy đều tự kiếm sống trong sự quan phòng của Chúa. Cũng vậy, khi dựng nên con người, Thiên Chúa đặt để họ vào vườn Eden để canh tác như trong BđI sách St 2,15 ghi lại, để con người vừa có của nuôi thân và để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo.
Nhiều người vẫn tỏ ra tiếc nuối khi hiểu theo nghĩa đen 100% rằng, vì tội lỗi mà con người phải lao động mới có mà ăn… Có lẽ không chỉnh lắm, vì con người lao động mới là con người, Thiên Chúa dựng nên con người theo họa ảnh Thiên Chúa, thì một trong những điều con người giống Thiên Chúa chính là biết làm việc, như Thiên Chúa làm việc, vì Chúa Giê-su từng tuyên bố: “Cha Ta hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17). Thiết nghĩ, trong thượng trí an bài của Thiên Chúa, Thiên Chúa dựng nên con người để phát triển vũ trụ mà Người đã dựng nên.
Ba Ngôi Thiên Chúa vừa tự hữu “ase in”, nhưng cũng luôn hiện hữu hướng về “ase ad”. Ba Ngôi hướng về nhau đến nỗi là duy nhất, là nên một. Ba Ngôi Thiên Chúa cũng hướng về con người trong tình yêu sáng tạo, tình yêu cứu độ và tình yêu canh tân. Cũng vậy, là họa ảnh Thiên Chúa, con người cộng tác với Chúa Cha trong sự sáng tạo và duy trì bảo tồn,cộng tác với Chúa Con trong sự sửa chữa những hư hỏng, cộng tác với Chúa Thánh Thần trong sự làm đổi mới và phát triển nhân loại.
Như vậy, tự bản chất lao động không phải là một hình phạt, mà là nối dài công trình tạo dựng của Thiên Chúa, để phát triển bản thân và phát triển nhân loại.
Cộng tác với Thiên Chúa trong việc sáng tạo là một sự cộng tác tình yêu, họa ảnh Thiên Chúa nơi mình. Như văn hào Exupéry từng nói: “Yêu nhau là cùng nhìn về một hướng”. Ba Ngôi Thiên Chúa cùng hướng về con người trong sự sáng tạo, cứu độ và canh tân. Con người cùng với nhau nhìn về một hướng để làm phát triển gia đình, quê hương và xã hội. Cách riêng mỗi người chúng ta cùng nhau nhìn về một hướng để xây dựng cộng đoàn ngày càng phát triển.
3. Lao động để thánh hóa bản thân – cộng tác cứu độ.
Ba người nhận số nén bạc khác nhau tùy theo khả năng, và ông chủ cũng muốn họ sinh lợi theo khả năng của họ. Sự khác nhau căn bản của ba đầy tớ là lòng tin vào ông chủ thế nào thì việc họ làm sẽ như thế.
Thật vậy, dựa theo lời của kẻ thứ ba nói: “Tôi biết ông là người hà khắc… nên tội sợ mà chôn giấu số bạc của ông”. Điều này chứng tỏ, người tin ông chủ tốt lành và yêu mến ông chủ thì sẽ cố gắng làm cho sự nghiệp nhà chủ mình được phát triển. Ngược lại, kẻ quan niệm ông chủ hà khắc và sợ ông chủ thì chỉ lo cho an toàn bản thân và né tránh nên đã đánh mất tất cả.
Cuộc đời chúng ta, chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng nhân lành, thì chúng sẽ làm tất cả vì lòng yêu mến và trở nên nhẹ nhàng vui vẻ, đem lại lợi ích cho cộng đoàn; còn nếu làm việc vì sợ Thiên Chúa, sợ luật lệ, sợ bị xét soi thì sẽ tìm cách tránh né, mệt mỏi và nặng nề.
Thi hào Voltaire nói: “Lao động xua đuổi xa ta 3 mối họa lớn lao: buồn nản, thói hư và cùng túng”. Thật vậy, trốn tránh công việc là lười biếng, dần già tạo nên thân xác ù lì, bạc nhược, lê thê và sinh bệnh tật. Biếng nhác không chỉ ảnh hưởng sức khỏe thân xác mà còn ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và thiêng liêng. Như ngạn ngữ Pháp có câu: “L’oisiveté est la mère des vices” – ở nhưng là mẹ các nết xấu, hay đạo Nho cũng nói: “Ở nhưng là kẻ thù của linh hồn”. Thật vậy, kẻ rảnh rỗi… dễ sinh nông nỗi. Tắt một điều, chính việc lao động giúp thánh hóa bản thân và thánh hóa cộng đoàn.
Tóm lại, Lời Chúa trong ngày mùng 3 tết – Thánh Hóa Lao Công hôm nay mời gọi mọi người chúng ta biết nhận ra giá trị của lao động là một ân ban Thiên Chúa dành cho con người để tồn tại, để thăng tiến nhân vị và để cộng tác sáng tạo làm cho cộng đoàn và xả hội loài người ngày thêm phát triển.
HIỀN LÂM
Giảng lễ mùng 3 tết
TẠ ƠN VĨNH KHẤN
KIM KHÁNH HÔN PHỐI
Đọc những bài Lời Chúa trong ngày mùng ba tết – Thánh Hóa Lao Công hôm nay, cùng với việc mừng lễ tạ Ơn Vĩnh Khấn của thầy Valentio và mừng Kim Khánh Hôn Phối của ông bà cố Simon và Terexa, con nhớ tới hình ảnh mà không ít nhà người công giáo chúng ta cũng như anh em lương dân, trang trí các bức liễn và bích họa có các chữ Phúc – Lộc – Thọ. Đó cũng là mong ước của mọi người chúng ta trong mỗi dịp xuân về. Kết hợp tất cả các biến cố kỷ niệm và phụng vụ Lời Chúa, con chia sẻ hầu quý obace qua 3 cái chữ phúc – lộc – thọ này:
Con chia ba ra: Phúc nói về ngày Thánh hóa lao công; Lộc nói đến thầy Tân Vĩnh Khấn và Thọ nói về Kim Khánh của ông bà cố.
Thứ nhất: PHÚC
Chữ Phúc theo Hán tự, bao gồm các chữ: Nhân-Y-Khẩu-Điền. Nhân là người, Y là y phục, Khẩu là cái miệng, và Điền là ruộng. Nghĩa là: Một người có phúc là có cơm ăn áo mặc và ruộng để cày, ý chung là Phúc thì “an cư lạc nghiệp”. Chúng ta cầu phúc cho nhau trong ngày tết đều mang đầy đủ ý nghĩ này, trong đó, việc có ruộng để cày, nói lên Phúc là có nghề nghiệp ổn định, dù đó là nghề trí óc hay lao động chân tay.
Với ý nghĩa phụng vụ của ngày mùng 3 tết, trong cái phúc nói lên ý nghĩa của việc lao động. Lao động nói lên cái bản chất của con người và để con người cộng tác vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa.
Thật vậy, Thiên Chúa không dựng nên con chim để nhốt nó trong lồng, hay dựng nên con cá để thả nó trong chậu rồi đem thức ăn cho nó, nhưng mọi vật được sinh ra và để tự nó phải tìm kiếm thức ăn hay nhựa sống để tồn tại. Cũng vậy, Cũng vậy, khi dựng nên con người, Thiên Chúa đặt để họ vào vườn Eden để canh tác như trong BĐI sách St 2,15 ghi lại, để con người vừa có của nuôi thân và để cộng tác với Thiên Chúa trong công trình sáng tạo.
Thiên Chúa dựng nên con người theo họa ảnh Thiên Chúa, thì một trong những điều con người giống Thiên Chúa chính là biết làm việc, như Thiên Chúa làm việc, vì Chúa Giê-su từng tuyên bố: “Cha Ta hằng làm việc, thì Ta cũng làm việc” (Ga 5,17). Thiết nghĩ, trong thượng trí an bài của Thiên Chúa, Thiên Chúa dựng nên con người để phát triển vũ trụ mà Người đã dựng nên.
Dân gian có câu: “Nhất sĩ nhì nông, gạo hết tiền không, nhất nông nhì sĩ”. Hay là: “trên sư dưới sãi, quay lưng trở lại, trên sãi dưới sư”. Ý nói rằng, hết gạo thì ông quan cũng chẳng là gì so với anh nông dân, cũng như thầy hiệp đi tu mà nhà dòng hết gạo thì cũng chỉ có nước mà chạy về xin ông bà cố… vì có thực mới vực được đạo mà.
Người nhận 5 nén và 2 nén như trong bài Tin Mừng hôm nay nói tới, tồn tại và phát triển bản thân cũng như làm lợi cho chủ, chính là biết cần cù lao động sinh lời. Còn kẻ biếng nhác đem chôn giấu nén bạc thì đánh mất cả nén bạc ban đầu và đánh mất cả chính mình. Tắt một lời, phải lao động thì mới có thể tồn tại và phát triển.
Thứ hai: LỘC
Đối với người Việt, chữ Lộc là biểu tượng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc lớn nhất của đời người là tài lộc dồi dào, may mắn, tốt lành. Chính vì thế, vào mỗi dịp đầu xuân năm mới, người Việt thường treo tranh chữ Lộc trong nhà để mong tài lộc đến với cuộc sống. Người dân nước ta vào những ngày đầu xuân năm mới cũng có tục lệ đi hái lộc với ý nghĩa đem tài lộc, may mắn về nhà trong một năm tiếp theo.
Lộc chính là nén bạc Chúa trao, như ông chủ trao cho những người tôi tớ để họ làm cho sinh lợi. Lộc chính là đức tin, tài năng, sức khỏe mà Chúa trao cho chúng ta để chúng ta sinh lợi cho Chúa.
Lộc là một sự khởi đầu mới, là tiếp tục một chu kỳ mới, một sự sinh trưởng của vạn vật… như gốc cây già đi thì chồi lên nững mầm non mới. Cái lộc mà Chúa ban cho ông bà cố, cho giáo xứ Thuận Hòa chúng ta, cho nhà dòng chúng tôi và cho Giáo Hội, là một ơn gọi Thánh Hiến nay đã Tuyên Khấn Trọn Đời dâng mình cho Chúa để phục vụ Giáo Hội. Đó là Đan sĩ Joshep Valentio-Vinh Trần Văn Hiệp mà hôm nay về tạ ơn hồng ân vĩnh khấn.
Thật đáng để chúng ta tạ ơn vì với thời đại phát triển hôm nay, khan hiếm dần những con người dám dâng mình cho Chúa, dâng cả tuổi xuân với bao ước vọng tuổi trẻ, niềm vui thế gian đôi lứa, danh vọng và nghề nghiệp. Ấy thế mà giáo xứ chúng ta có khá nhiều ơn gọi thánh hiến so với mặt bằng chung của nhiều giáo xứ trong giáo phận Buôn Mê Thuột. Trong đó, ông bà cố Ngộ -Búp đã có một cái lộc quý dành cho Chúa và cho Giáo hội.
Ngoài ra, hình ảnh Lộc trong văn hóa Việt được tạc hình một vị quan với đầy đủ áo mũ, cân đai, thể hiện một điều là làm quan ắt có lộc, lộc tức là quan, lộc với chức quan là một. Thầy Valentino – Vinh TVH được ví như là Lộc, nghĩa là như một “vị quan” để ngày ngày trong ơn gọi cầu nguyện, thân thưa với Vua Giesu để cầu xin ơn Chúa xuống cho ông bà cố và cho giáo xứ chúng ta.
Thứ ba: THỌ
Mừng ông bà cố 50 năm thành hôn với nhau, thật là một vinh hạnh và đáng trân quý. Thật vậy, dù ngày thành hôn ai cũng chúc trăm năm hạnh phúc, nhưng cả hai trường thọ được trên 70 và kỷ niệm được 50 năm thành hôn thì thật không nhiều. Ngày nay, có lẽ vì thức ăn và không khí nhiễm nhiều hóa chất nên tuổi thọ trung bình rút ngắn, và cũng không ít những cặp vợ chồng ly dị hoặc ly thân. Vì thế mà chúng tô hết lòng tạ ơn Chúa và hân hoan chúc mừng ông bà cố mừng Kim Khánh Hôn Nhân.
Thiết nghĩ, để có được sự hạnh phúc dài lâu và quảng đại dâng con cho Chúa, trong mọi việc mình làm, ông bà cố đã biết thuận theo ý Chúa, để sống đời Ki-tô hữu tốt lành, dù nhiều sóng gió khi như là thiểu số trong dòng họ chọn làm người Công Giáo.
Nói đến đây, con kể hầu quý obace một giai thoại:
Một người kia cứ xin Chúa ban ơn hoài. Chúa nghe mãi đến nỗi phải mệt. Vậy để giải quyết anh này, Chúa nói : “Bây giờ Ta quyết định ban cho con bất kỳ 3 điều nào mà con xin. Sau đó thì thôi Ta không ban ơn gì nữa cả”. Anh rất vui sướng và xin ngay : “Xin cho vợ con chết đề con cưới một người vợ khác tốt hơn”. Chúa nhậm lời, vợ anh chết. Nhưng khi bà con và bạn bè đến lo chôn cất vợ anh, họ nhắc lại những phẩm chất tốt của chị, khi đó anh mới tiếc và biết rằng mình đã quá hấp tấp khi xài lời xin thứ nhất. Anh đành phải xài thêm lời xin thứ hai : Xin cho vợ con sống lại. Chúa cũng nhậm lời. Thế là anh chỉ còn có một lời xin thôi. Đây là cơ hội cuối cùng nên anh suy nghĩ rất kỹ phải xin gì ?
– Một người bạn góp ý hãy xin cho được bất tử. Nhưng người khác nói bất tử có ích lợi gì nếu không có sức khoẻ tốt. Vậy hãy xin sức khoẻ.
– Nhưng một người khác nói sức khoẻ thì làm gì được nếu không có tiền. Vậy hãy xin tiền.
– Người thứ ba phản đối : tiền bạc có nhiều cũng vô ích nếu sống cô đơn bệnh tật.
Tóm lại, muốn xin cái gì thì thoạt đầu thấy cái đó là tốt nhưng suy nghĩ lại thì thấy nó cũng chưa phải là tốt nhất. Anh chàng bối rối quá, chạy tới nói với Chúa “Xin Chúa dạy con biết phải làm gì bây giờ ?”. Nào ngờ đây là lời xin thứ ba và cũng là lời xin cuối cùng. Và anh không còn được quyền xin gì nữa cả. Anh tiếc và tự trách mình. Nhưng Chúa khen: Con thật là khôn ngoan khi xin như vậy. Từ nay Ta sẽ chỉ cho con biết phải làm gì. Con chỉ việc nghe theo lời Ta chỉ dạy, và đời con sẽ được hạnh phúc.
Như vậy, câu chuyện vui thôi, nhưng ý muốn nói rằng: Ông bà trường thọ và hạnh phúc viên mãn với nhau đến cột mốc 50 năm là vì đã biết cùng nhau thực thi theo ý Chúa.
Tóm lại, xin chúc mừng, chúc quý ông bà anh chị em dự thánh lễ hôm nay tràn đầy ơn Phúc, chúc thầy Valentio Vinh Trần Văn Hiệp tràn đầy thánh Lộc, và chúc ông bà cố thầy hiệp an khang trường THỌ. Amen.
HIỀN LÂM
Discussion about this post