Ngày 06 tháng giêng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 1,7-11
Ông rao giảng rằng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi quai dép cho Người. Tôi thì tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, còn Người, Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần.”
Hồi ấy, Đức Giê-su từ Na-da-rét miền Ga-li-lê đến, và được ông Gio-an làm phép rửa dưới sông Gio-đan. Vừa lên khỏi nước, Người liền thấy các tầng trời xé ra, và thấy Thần Khí như chim bồ câu ngự xuống trên mình. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con.”
II. SUY NIỆM
Để hiểu biết về thế giới hay về con người, chúng ta có thể tích lũy sự hiểu biết một phần nhờ lý trí và khoa học, nhưng thường hơn nhờ lời chứng của người khác đã ảnh hưởng và dẫn dắt chúng ta, nhờ những gương sống, lời nói và việc làm của họ. Lời chứng có tính thuyết phục hơn không dựa trên tự mình làm chứng cho mình, nhưng nhờ đến uy tín của người làm chứng. Người càng uy tín, thì lời chứng của họ về một ai đó sẽ thuyết phục và xác thực hơn.
Khởi đầu sứ vụ của Chúa Giêsu, Người được chính Chúa Cha chứng nhận và thánh Gioan làm chứng. Một lời chứng đến từ chính Thiên Chúa và một lời chứng đến từ một con người đầy uy tín lúc bấy giờ là Gioan Tẩy Giả.
1. Lời chứng từ Chúa Cha.
Nói đến Lời Chứng từ Chúa Cha, trong Tin Mừng Nhất Lãm, chúng ta gặp thấy ít nhất hai lần là khi Chúa Giêsu chịu Phép Rửa tại sông Giođan và lúc Người biến hình trên núi Tabo. Hôm nay khi tường thuật biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa, thánh ký Marcô ghi lại rõ ràng lời Chúa Cha phán xuống từ trời: “Này là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). Lời chứng này xác bao gồm việc xác nhận thiên tính của Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, và Chúa Cha hài lòng về mọi công việc của Chúa Giêsu.
Lời Mặc Khải đến từ chính Thiên Chúa Cha, chứng thực Chúa Giê-su Con Thiên Chúa Cha tự đời đời nay đến trần gian hầu cứu độ nhân loại. Thật vậy, Chúa Giê-su là mặc khải tròn đầy của Thiên Chúa Cha. Vì thế, sau Người, không nhất thiết phải có những mặc khải nào nữa. Nên Giáo hội đã rất dè dặt với “những mặc khải tư”. Bởi “mặc khải tư” chỉ như là một sự giải thích mầu nhiệm Thiên Chúa, chứ không phải đi ngược hoặc thay thế những Lời Thiên Chúa mà Chúa Giê-su “đã tỏ cho các Tông Đồ”. Thế nhưng, vấn đề này đã trở nên lạm dụng khá nhiều khi không thiếu những người tự xưng là “thị nhân” này, “con gái yêu” nọ, “tông đồ” kia…
2. Lời chứng của Gioan Tẩy Giả.
Với lời rao giảng: “Có Đấng quyền thế hơn tôi đang đến sau tôi, tôi không đáng cởi quai dép cho Người” là lời chứng xác nhận Chúa Giêsu là Đấng phải đến, và khi Người đến thì sứ vụ của Gioan hoàn thành. Công việc của Gioan chỉ là dọn đường cho Chúa khi kêu gọi mọi người chịu phép rửa để tỏ lòng sám hối đón chờ Chúa đến. Thánh Gioan Tẩy Giả không ngần ngại nói thẳng về hiện trạng của những người nghe ngài giảng và đến lãnh phép rửa.
Cũng để minh chứng lời rao giảng, thánh nhân là mẫu gương của sự khiêm tốn khi nhận mình không đáng xách dép cho Chúa Giêsu đến sau ngài.
Không những làm chứng cho Chúa Giêsu bằng lời nói, thánh Gioan Tẩy Giả còn làm chứng bằng việc làm, nghĩa là bằng đời sống đạo đức thánh thiện của mình. Đời sống của thánh Gioan Tẩy Giả rất thánh thiện, đến nỗi dân chúng cho rằng chính ngài là Đấng Cứu Thế đã đến (x. Lc 3,15). Nhưng ngài đã khiêm tốn nói lên vai trò tiền hô của mình, tự nhận mình chỉ là tiếng kêu trong hoang địa, là kẻ dọn đường cho Chúa đến mà thôi.
Bằng lời nói và bằng việc làm, thánh Gioan Tẩy Giả đã làm tròn sứ mạng chứng nhân cho Chúa Cứu Thế. Nhưng làm sao để phân biệt đâu là lời chứng thật? Chúa Giêsu dạy muốn nhận ra ai là sứ giả của Thiên Chúa, chúng ta không được giống như kẻ tự tôn vinh mình hay tôn vinh lẫn nhau (Ga 5,44) mà vì thế trở thành nô lệ cho những giá trị hữu danh vô thực; người sứ giả của Thiên Chúa không nhằm tìm vinh quang cho mình, nhưng tìm tôn vinh Thiên Chúa.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn là chứng nhân cho sự hiện diện của Chúa mọi nơi mọi lúc. Và xin cũng cho chúng con chỉ biết tìm vinh quang cho Chúa chứ đừng tự tôn vinh mình. Amen
Discussion about this post