Ngày 07 tháng giêng
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 2,1-11
Ngày thứ ba, có tiệc cưới tại Ca-na miền Ga-li-lê. Trong tiệc cưới có thân mẫu Đức Giê-su. Đức Giê-su và các môn đệ cũng được mời tham dự. Khi thấy thiếu rượu, thân mẫu Đức Giê-su nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Đức Giê-su đáp: “Thưa bà, chuyện đó can gì đến bà và tôi? Giờ của tôi chưa đến.” Thân mẫu Người nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo.”
Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước. Đức Giê-su bảo họ: “Các anh đổ đầy nước vào chum đi! ” Và họ đổ đầy tới miệng. Rồi Người nói với họ: “Bây giờ các anh múc và đem cho ông quản tiệc.” Họ liền đem cho ông. Khi người quản tiệc nếm thử nước đã hoá thành rượu (mà không biết rượu từ đâu ra, còn gia nhân đã múc nước thì biết), ông mới gọi tân lang lại và nói: “Ai ai cũng thết rượu ngon trước, và khi khách đã ngà ngà mới đãi rượu xoàng hơn. Còn anh, anh lại giữ rượu ngon mãi cho đến bây giờ.” Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên này tại Ca-na miền Ga-li-lê và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người. Sau đó, Người cùng với thân mẫu, anh em và các môn đệ xuống Ca-phác-na-um và ở lại đó ít ngày.
II. SUY NIỆM
Hôm nay, Chúa Giê-su khởi đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng bằng một phép lạ, nhưng điều đặc biệt là trong phép lạ này có một sự cảm thông và can thiệp của Đức Maria Thân Mẫu Người. Phải chăng tác giả Tin Mừng Gioan có một sự ngụ ý đây?
Đức Giêsu, Mẹ Người là Đức Maria và các môn đệ đều hiện diện tại tiệc cưới Cana. Với sự kiện “Mẹ của Đức Giêsu” được đề cập đến ngay trong câu đầu tiên của tường thuật tiệc cưới Cana, điều này cung cấp bối cảnh cho phép lạ, và sự kiện Đức Maria đặt câu hỏi liên quan đến “rượu”, rõ ràng hướng sự chú ý của độc giả vào sự cộng tác của Mẹ. Tiệc cưới cũng như các bữa tiệc trong Kinh Thánh đều có tính biểu tượng về ngày Messia (Is 25, 6; Đn 5, 1; Mt 22, 2).
Khi rượu sắp hết, một sự bối rối cho mọi người trong phòng tiệc, Đức Maria đã đề cập đến vấn đề này và yêu cầu các người phục vụ “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Sứ điệp này cũng muốn nói với cộng đoàn Hội Thánh sơ khai, gồm những ai cần tham dự vào “rượu” của thời đại mới.
Tác giả Tin Mừng thứ tư mô tả sự đáp trả của Đức Maria đối với Đức Giêsu trong một cách thức cho thấy rằng đức tin của Mẹ không bao giờ có chút nghi ngờ. Vai trò nổi bật của Đức Maria trong tiệc cưới Cana này bao gồm sự cảm thông, sự chuyền cầu và hướng mọi người về với Đức Giêsu.
1. Đặc trưng về sự cảm thông.
Câu chuyện tiệc cưới Cana cho thấy hình ảnh thật đẹp của Đức Maria về sự cảm thông chia sẻ với hoàn cảnh của đôi tân hôn. Đức Maria đã nhạy bén thấu hiểu sự bối rối của chủ tiệc. Tiệc đang vui mà rượu hết giữa chừng là một tai nạn, làm cho chủ tiệc mất mặt và cô dâu chú rể bị chê cười, cảm thông với hoàn cảnh như vậy, Đức Maria đã “gợi ý” với Đức Giêsu.
Sự cảm thông được diễn tả như đôi cánh của đức ái, là y tá săn sóc cho bệnh nhân… Sự thông cảm còn tiên liệu trước cho những tâm trí chậm chạp, đó là thấy trước nhu cầu. Sự cảm thông là quảng đại tự bản chất, xuất phát từ một trái tim biết nhìn ra xung quanh. Chính sự cảm thông này là một nhân đức nổi bật nơi Đức Maria, với một trái tim mẫu tính quảng đại, Mẹ thấu hiểu trước những thiếu thốn của nhân loại và cảm thông trước những nỗi đau của nhân loại để khẩn cầu Đức Giêsu Con yêu dấu của Mẹ trợ giúp họ. Sự cảm thông với đôi tân hôn và chủ tiệc nơi tiệc cưới Cana là biểu trưng cho một sự cảm thông liên lỉ của Mẹ Thiên Chúa đối với những người con của Mẹ được sinh ra dưới chân thập giá Đức Kitô. Đức Maria không chỉ cảm thông với những ai chạy đến kêu xin Mẹ, mà còn đi bước trước cảm thông với những ai gặp đau khổ thiếu thốn cả khi họ chưa kịp cầu xin, tựa như việc Mẹ cảm thông với hoàn cảnh bi đát và quá tế nhị có thể làm mất danh dự của đôi tân hôn, và đã lo lắng cho họ trước khi họ xin được giúp đỡ.
2. Đặc trưng chuyển cầu.
Việc “hết rượu rồi” là một khía cạnh cụ thể sự nghèo túng của nhân loại, điều này cũng mang một giá trị tượng trưng: đoán trước những nhu cầu con người, cũng đồng thời đưa chúng vào chiều kích sứ mạng thiên sai và sức mạnh cứu độ của Đức Kitô. Vậy cần phải có một sự trung gian: Đức Maria đứng giữa con mình và loài người trong hoàn cảnh đầy thiếu thốn, nghèo túng và khổ đau của họ. Mẹ đứng “ở giữa”, nghĩa là hoạt động trong vai trò trung gian, không phải bên ngoài, nhưng với tư cách là Mẹ, và ý thức mình có thể trình bày cho Con các nhu cầu của nhân loại, hay đúng hơn là “có quyền làm điều đó”.
Một khía cạnh thiết yếu khác trong vai trò làm Mẹ của Đức Maria được tỏ hiện qua điều Mẹ nói với gia nhân: “Người bảo gì, các anh cứ việc làm theo”. Thân Mẫu của Đức Kitô xuất hiện trước nhân loại như người phát ngôn ý muốn của Chúa Con; Mẹ đưa ra một số đòi hỏi phải làm để quyền năng cứu độ của Đấng Thiên Sai được thể hiện… Ở Cana, nhờ sự can thiệp của Đức Maria và sự tuân phục của các gia nhân mà Đức Giêsu đã bắt đầu “giờ” của Người. Cũng như ở Cana, Đức Maria xuất hiện như một kẻ tin vào Đức Giêsu: lòng tin của Mẹ làm phát sinh “dấu lạ” đầu tiên của Đức Giêsu và góp phần khơi dậy đức tin nơi các môn đệ (x. Ga 2, 11).
Biến cố Cana miền Galilê được xem như lời tiên báo đầu tiên về sự trung gian của Đức Maria, hoàn toàn hướng về Đức Kitô và hướng về mạc khải quyền năng cứu độ của Người. Nói cách khác, xét trên bình diện thần học, chỉ cần Chúa Kitô, Đấng trung gian duy nhất để cứu độ nhân loại, nhưng đứng về khía cạnh nhân loại, thì đến với Chúa Giêsu, nhờ Đức Maria, là một điều rất thích hợp. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu mang đến cho toàn thể nhân loại, trên phương diện khách quan, đã hoàn tất đầy đủ, nhưng trên phương diện chủ quan, con người tiếp nhận ơn cứu độ của Chúa Giêsu, qua sự trợ giúp của Đức Maria. Với tấm lòng từ mẫu của Đức Maria, ơn cứu độ mà Đức Giêsu đem đến cho thế gian, sẽ mang đến một hình ảnh khoan dung nhân ái.
Như vậy, vai trò trung gian của Đức Maria tự bản chất không thay thế Đức Kitô, vì chỉ mình Đức Kitô là Đấng Trung Gian cần thiết, sung mãn và hoàn hảo, nhưng Đức Maria qua cái nhìn của nhân loại về Chúa Kitô, Mẹ có tất cả quyền thế của một Nữ Trạng Sư.
Tóm lại, tường thuật tiệc cưới Cana trong Tin Mừng Gioan đã làm nổi bật hai đặc trưng của Đức Maria là lòng cảm thông trắc ẩn trước nhu cầu cũng như đau khổ của người khác, và vai trò trung gian chuyển cầu cùng Thiên Chúa cho nhân loại và cách riêng cho các tâm hồn. Đây là tinh thần mà mọi thành phần dân Chúa phải mặc lấy. Đặc biệt giữa thế giới hôm nay, biết bao người đang chìm đắm trong đau khổ thể xác và lầm than tội lỗi, rất cần lòng cảm thông chia sẻ tình tương thân tương ái và nhiệt thành ra đi để giúp mọi người đón nhận Tin Mừng hầu được giải phóng khỏi lầm than tội lỗi. Đồng thời, các con cái Mẹ Maria hãy học lấy gương Người để ngày đêm cầu xin ơn Thiên Chúa thương xót và ban ơn cứu độ cho các tâm hồn và cho thế giới thoát cảnh chiến tranh và nghèo đói.
Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã trao cho nhân loại một người Mẹ tuyệt vời là Đức Maria, Đấng đầy lòng trắc ẩn, cảm thông với mọi nhu cầu của chúng con. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ, để được Mẹ che chở và cầu bầu cho chúng con trước mặt Chúa, hầu chúng con cũng biết sống cảm thông và chia sẻ với tha nhân. Amen
Discussion about this post