THỨ BẢY TUẦN IV MÙA CHAY
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 7,40-53
Trong dân chúng, có những người nghe các lời ấy thì nói: “Ông này thật là vị ngôn sứ.” Kẻ khác rằng: “Ông này là Đấng Ki-tô.” Nhưng có kẻ lại nói: “Đấng Ki-tô mà lại xuất thân từ Ga-li-lê sao? Nào Kinh Thánh đã chẳng nói: Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và từ Bê-lem, làng của vua Đa-vít sao? ” Vậy, vì Người mà dân chúng đâm ra chia rẽ. Một số trong bọn họ muốn bắt Người, nhưng chẳng có ai tra tay bắt.
Các vệ binh trở về với các thượng tế và người Pha-ri-sêu. Họ liền hỏi chúng: “Tại sao các anh không điệu ông ấy về đây? ” Các vệ binh trả lời: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy! ” Người Pha-ri-sêu liền nói với chúng: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa! ” Trong nhóm Pha-ri-sêu, có một người tên là Ni-cô-đê-mô, trước đây đã đến gặp Đức Giê-su; ông nói với họ: “Lề Luật của chúng ta có cho phép kết án ai, trước khi nghe người ấy và biết người ấy làm gì không? ” Họ đáp: “Cả ông nữa, ông cũng là người Ga-li-lê sao? Ông cứ nghiên cứu, rồi sẽ thấy: không một ngôn sứ nào xuất thân từ Ga-li-lê cả.” Sau đó, ai nấy trở về nhà mình.
II. SUY NIỆM
Người xưa tin rằng, miền đất nào có “long mạch” (gân rồng) thì ở đó sẽ xuất hiện bậc đế vương hoặc hiền tài. Đời nhà Đường (vua Đường Ý Tông năm 860-873) bên Trung Quốc đã cử một thầy pháp về phong thủy tên là Cao Biền sang nước Việt để đi trấn yểm các nơi có long mạch, nhằm nước Việt sẽ không có bậc vương quân nào xuất hiện và mãi mãi làm nô lệ cho Tàu. Cũng đâu chỉ đến khi Cao Biền qua trấn yểm long mạch, mà trước đó bao trăm năm người dân Việt đã nô lệ cho giặc Tàu hùng mạnh đến nỗi mất dần niềm tin về chủ quyền, sự việc càng tệ hơn khi người ta không còn tin là nước Việt còn có thể xuất hiện được vị quân vương nào cứu mình nữa, và như an phận trong kiếp nô lệ trải qua bao nhiêu đời vua chúa phương Bắc.
Ngày xưa suốt bốn trăm năm nô lệ bên Ai Cập, dân Do-thái cũng hầu như tuyệt vọng và an phận trong kiếp tôi mọi, cho đến khi Chúa cho xuất hiện Môi-sê cứu họ và chính họ đã không tin nổi lời Môi-sê dù chứng kiến phép lạ.
Một số cấp lãnh đạo tôn giáo trong dân Do-thái mà bài Tin Mừng hôm nay kể đến, phần thì họ như tuyệt vọng về kiếp sống bị ngoại bang (Rôma) đô hộ, phần vì họ mang trong mình một thành kiến về quá khứ là chưa có một vị ngôn sứ nào xuất thân từ Nazareth (Galilê), chính Bartholomeo trước khi được gọi làm môn đệ cũng đã trả lời là: “Ở Nazareth nào có cái chi hay?”
Điều mà người Do-thái bám víu vào vẫn là lời ngôn sứ tiên báo về sự xuất hiện của Đấng Cứu Thế thuộc dòng tộc Đa-vít và sinh tại thành Đa-vít là Bêlem, là một thành phía Nam gần thủ đô Giêrusalem. Trong khi Chúa Giê-su ở làng Nazareth, thuộc Galilê là một thành phía Bắc. Có một số người biết Đức Giêsu sinh tại Bêlem trong khi Giuse và Maria về Bêlem khai hộ khẩu, rồi sau khi từ Ai-cập về đã định cư tại Nazareth, nên những người Do-thái cãi nhau và chia rẽ lẫn nhau.
Tuy nhiên có một thực tế mà họ không thể chối cãi là họ chưa từng gặp một ai giảng dạy như Chúa Giêsu, đến nỗi những lính tráng của các thượng tế cũng phải về báo cáo là: “Xưa nay chưa hề đã có ai nói năng như người ấy!” (Ga 7,46). Đáng tiếc là nhóm cầm quyền về tôn giáo của Do-thái cố tình không nhìn ra sự thật, họ còn lên án bất kỳ ai dám ca ngợi về Chúa Giêsu và tự cho họ mới là người nắm giữ chân lý. Họ lên án từ lính đến dân và cả người cùng cấp với họ là Nicôđêmô: “Cả các anh nữa, các anh cũng bị mê hoặc rồi sao? Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu? Còn bọn dân đen này, thứ người không biết Lề Luật, đúng là quân bị nguyền rủa!” (Ga 7,47-48). Lời tuyên bố của giới thủ lãnh đã tự lên án họ và loại họ ra khỏi đức tin khi nói: “Trong hàng thủ lãnh hay trong giới Pha-ri-sêu, đã có một ai tin vào tên ấy đâu?” (Ga 7,47).
Thật ra, không phải là các thượng tế và kinh sư Do-thái không biết, nhưng là họ sợ mất quyền lợi, như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất. Chúa Giêsu là Ánh Sáng và Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của giới cầm quyền.
Có thể không ít người trong chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật. Chúng ta ghanh ghét và lên án bất kỳ ai dám nói thật và tìm cách cả vú lấp miệng em hoặc dùng quyền diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày.
Lại nữa, chúng ta vẫn mang trong mình thành kiến về nguồn gốc hay quá khứ của ai đó thì mãi mãi như vậy. Một người hiện nay tốt thế nào, thì trong mắt chúng ta họ vẫn là xấu khi chúng ta xét đoán họ có một lý lịch dòng họ hoặc quá khứ của họ. Chúng ta vẫn dùng sự thành kiến và hiểu biết của mình để kỳ thị người khác…
Lạy Chúa Giêsu, cũng như người Do-thái xưa, chúng con vẫn cố tình bịt mắt lương tâm lại để lẩn tránh sự thật; chúng con cũng tìm lý do để biện minh cho những sai trái của mình và sẵn sàng lên án bất cứ ai dám nói lên sự thật. Xin cho chúng con trong những ngày còn lại của Mùa Chay thánh này, biết khiêm tốn lắng nghe và đón nhận những lời góp ý của mọi người, mà ra sức sửa đổi cho hợp với ý Chúa. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post