CHÚA NHẬT V MÙA CHAY
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 11,1-45
Có một người bị đau nặng, tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, làng của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a. Cô Ma-ri-a là người sau này sẽ xức dầu thơm cho Chúa, và lấy tóc lau chân Người.
Anh La-da-rô, người bị đau nặng, là em của cô. Hai cô cho người đến nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng.” Nghe vậy, Đức Giê-su bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh.”
Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô.
Tuy nhiên, sau khi được tin anh La-da-rô lâm bệnh, Người còn lưu lại thêm hai ngày tại nơi đang ở. Rồi sau đó, Người nói với các môn đệ: “Nào chúng ta cùng trở lại miền Giu-đê! ” Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, mới đây người Do-thái tìm cách ném đá Thầy, mà Thầy lại còn đến đó sao? ” Đức Giê-su trả lời: “Ban ngày chẳng có mười hai giờ đó sao? Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình! “
Nói những lời này xong, Người bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc; tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây.” Các môn đệ nói với Người: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại.” Đức Giê-su nói về cái chết của anh La-da-rô, còn họ tưởng Người nói về giấc ngủ thường. Bấy giờ Người mới nói rõ: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy.” Ông Tô-ma, gọi là Đi-đy-mô, nói với các bạn đồng môn: “Cả chúng ta nữa, chúng ta cũng đi để cùng chết với Thầy! “
Khi đến nơi, Đức Giê-su thấy anh La-da-rô đã chôn trong mồ được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số. Nhiều người Do-thái đến chia buồn với hai cô Mác-ta và Ma-ri-a, vì em các cô mới qua đời. Vừa được tin Đức Giê-su đến, cô Mác-ta liền ra đón Người. Còn cô Ma-ri-a thì ngồi ở nhà. Cô Mác-ta nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy.” Đức Giê-su nói: “Em chị sẽ sống lại! ” Cô Mác-ta thưa: “Con biết em con sẽ sống lại, khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết.” Đức Giê-su liền phán: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy, thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết. Chị có tin thế không? ” Cô Mác-ta đáp: “Thưa Thầy, có. Con vẫn tin Thầy là Đức Ki-tô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian.”
Nói xong, cô đi gọi em là Ma-ri-a, và nói nhỏ: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy! ” Nghe vậy, cô Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giê-su. Lúc đó, Người chưa vào làng, nhưng vẫn còn ở chỗ cô Mác-ta đã ra đón Người. Những người Do-thái đang ở trong nhà với cô Ma-ri-a để chia buồn, thấy cô vội vã đứng dậy đi ra, liền đi theo, tưởng rằng cô ra mộ khóc em.
Khi đến gần Đức Giê-su, cô Ma-ri-a vừa thấy Người, liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết.” Thấy cô khóc, và những người Do-thái đi với cô cũng khóc, Đức Giê-su thổn thức trong lòng và xao xuyến. Người hỏi: “Các người để xác anh ấy ở đâu? ” Họ trả lời: “Thưa Thầy, mời Thầy đến mà xem.” Đức Giê-su liền khóc. Người Do-thái mới nói: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy! Có vài người trong nhóm họ nói: “Ông ta đã mở mắt cho người mù, lại không thể làm cho anh ấy khỏi chết ư? ” Đức Giê-su lại thổn thức trong lòng. Người đi tới mộ. Ngôi mộ đó là một cái hang có phiến đá đậy lại. Đức Giê-su nói: “Đem phiến đá này đi.” Cô Mác-ta là chị người chết liền nói: “Thưa Thầy, nặng mùi rồi, vì em con ở trong mồ đã được bốn ngày.” Đức Giê-su bảo: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao? ” Rồi người ta đem phiến đá đi. Đức Giê-su ngước mắt lên và nói: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con.” Nói xong, Người kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ! ” Người chết liền ra, chân tay còn quấn vải, và mặt còn phủ khăn. Đức Giê-su bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi.”
Trong số những người Do-thái đến thăm cô Ma-ri-a và được chứng kiến việc Đức Giê-su làm, có nhiều kẻ đã tin vào Người.
II. SUY NIỆM
«ĐỂ THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH»
Một ngày Chúa Nhật kia, tôi có dịp nói chuyện với một người anh em Tin Lành (thuộc chi hội Nhân Chứng Giêhôva), người đó nói với tôi rằng:
“Tôi thấy bên Công Giáo giống như kiểu giả hình vậy, gần cuối Mùa Chay bày ra cái Chúa Nhật áo hồng rồi bắt đầu vui vì tự hào đã giữ chay được phân nửa thời gian và thích thú vì sắp được thoải mải ăn uống rồi không còn bị ép buộc gò bó nữa”.
Tôi phải trả lời nói với bác ta rằng:
“À, bạn hiểu sai rồi, xin lấy ví dụ thế này: Giống như bạn chuẩn bị một cuộc lễ hội nào đó quan trọng, thì từ xa bạn phải chuẩn bị hết sức chu đáo, và càng gần đến ngày thì bạn rất háo hức vui mừng vì chuẩn bị sống cái ngày lễ hội đó, cho đến khi vỡ òa niềm vui vì đã đạt đến. Hay như một tù nhân biết ngày nọ tháng kia sẽ được phóng thích, thì càng gần đến ngày họ càng háo hức vui sướng thế nào… Cũng vậy, người Công Giáo chúng tôi càng về nửa sau Mùa Chay càng háo hức vui mừng không phải vì hết phải giữ, mà là vui vì sắp được mừng Đại Lễ Phục Sinh, mừng vì được đổi mới trong mầu nhiệm Phục Sinh của Chúa Giêsu và được chia sẻ chính niềm vui Phục Sinh trên chính mình”.
Đúng vậy, Mùa Chay bao gồm những việc chuẩn bị (cầu nguyện, hãm mình, bố thí) và dần càng về sau thì vui mừng vì sắp được mừng sự Phục Sinh của Chúa Giêsu và cũng là niềm tin Phục Sinh của mỗi người chúng ta.
Phụng vụ Lời Chúa từ Chúa Nhật IV Mùa Chay trở đi không còn nói đến chuyện ăn chay hay sám hối nữa, mà là hướng về Sự Sống và Sự Sống Lại, qua những câu chuyện về những con người được Chúa Giêsu cho nếm trải trước hình ảnh tiên trưng về đời sống Phục Sinh về thể xác cũng như về tâm hồn (Người phụ nữ Samari, anh mù bẩm sinh, Lazarô được sống lại, người phụ nữ ngoại tình được giải thoát).
Bài Tin Mừng hôm nay là một bản tường thuật độc quyền nữa của tác giả Tin Mừng Thứ Tư, mà Tin Mừng Nhất Lãm không nói đến. Một phép lạ phục sinh đã xảy ra cho Lazarô khi ông đã chết được chôn cất bốn ngày trong mộ đá. Câu chuyện xoay quanh hai chủ đề là NIỀM TIN và ĐỂ THIÊN CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH.
Lazarô là người em của hai cô Mác-ta và Maria, quen gọi là gia đình Bêtania mà Chúa Giêsu thương mến, như tường thuật Tin Mừng ghi nhận (x.Ga 11,3.5). Đáng ra, nếu là chúng ta thì khi nghe tin người mình thương mến đau nặng thì lo lắng về ngay, nhưng Chúa Giêsu lại có cách khác như Người nói: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa”. Điều này cũng giống như Người nói trong trường hợp chữa người mù bẩm sinh: “… để Thiên Chúa được tôn vinh”. Như thế, đối với Chúa giêsu, bất cứ làm việc gì thì Người cũng làm vì VINH QUANG THIÊN CHÚA, và để khẳng định rằng, bất kỳ chuyện gì xảy ra cho chúng ta, dù là bệnh tật hay cái chết, thì cũng đều cho vinh quang Thiên Chúa.
Lại nữa, Chúa Giêsu khẳng định, sự việc xảy ra là để ANH EM TIN. Niềm tin đó cần can đảm bước đi lên Giêrusalem, nơi mà khổ giá đang chờ đợi và cũng là nơi sự phục sinh sẽ xảy ra. Niềm tin là ánh sáng khiến chúng ta không thể vấp ngã, trái ngược với sự lén lút bước đi trong bóng tối của sợ hãi, như Chúa Giêsu nói với các môn đệ khi họ can ngăn Người tiến về Giêrusalem: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm, thì vấp ngã vì không có ánh sáng nơi mình!” (Ga 11,9b-10).
Niềm tin đó cũng được biểu lộ qua những lời thân thưa của cô Mác-ta và Chúa Giêsu:
“Lạy Thầy, nếu Thầy có mặt ở đây thì em con đã không chết”
Phải, “được Chúa thì được tất thảy, mất Chúa thì mất sạch tay”. Lời nói của Mác-ta như là một lời than trách vì Chúa Giêsu đến chậm nên Lazarô em chị đã chết, nhưng đây là một cách diễn tả của Tin Mừng Gioan là: linh hồn chúng ta được coi là đã chết khi vắng Chúa Giêsu.
“Bất cứ điều gì Thầy xin thì Thiên Chúa cũng ban cho Thầy”
Nghĩa là dù em con đã chết rồi, nhưng bây giờ Thầy xin thì Thiên Chúa vẫn cho em con được sống lại. Thật vậy, dù linh hồn chúng ta đã bao lần chết đi vì vắng Chúa, chúng ta xưng thú tội lỗi và đón rước Chúa vào lòng thì Chúa Giêsu sẽ lại phục hồi cho ta sự sống thiêng liêng với muôn vàn ơn phúc.
“Con biết em con sẽ sống lại khi kẻ chết sống lại trong ngày sau hết”
Đây là điều chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại”. Đức tin Công Giáo chúng ta xác nhận rằng, những người lành thánh sau khi lìa đời, linh hồn sẽ được hưởng tôn nhan Chúa, và ngày tận thế thân xác cũng sẽ được phục sinh để hưởng hạnh phúc trường cửu.
Đáp lại, Chúa Giêsu khẳng định về Người chính là sự sống:
“Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống”
Chúa Giêsu Kitô là sự sống của linh hồn. Vì thế, khi chúng ta không ăn Bánh Sự Sống thì linh hồn chúng ta sẽ chết yểu và hư đi.
Chúa Giêsu còn là sự sống lại. Chính Người là Đấng đầu tiên sống lại từ cõi chết, mở đường cho những ai tin vào Người và thông hiệp trong cái chết của Người sẽ được phục sinh như Người.
“Ai tin vào Thầy thì dù chết rồi thì vẫn sẽ được sống”
Nếu chết là hết thì là một thất bại khủng khiếp nhất của phận người, và cũng không hơn gì một con vật. Thế nhưng, Kitô hữu tin vào Chúa Giêsu Kitô là Đấng cứu họ ra khỏi hư vô, đem lại cho họ một cuộc sống mai hậu.
“Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết”
Lời này hướng đến chúng ta là những người đang còn hiện hữu trên trần gian. Vì chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô nên sẽ không sợ cái chết, cái chết thể lý chỉ là cửa ngõ đưa chúng ta về cuộc sống vĩnh cửu.
Bài tường thuật đến hồi kết là việc Chúa Giêsu phục sinh cho Lazarô khi ra lệnh cho Lazarô chỗi dậy và bước ra khỏi mồ. Ở đây, chúng ta gặp lại khoảnh khắc của SỰ YÊU MẾN trào tràn nơi Chúa Giêsu mà ngay từ đầu bài Tin Mừng khẳng định: “Đức Giê-su quý mến cô Mác-ta, cùng hai người em là cô Ma-ri-a và anh La-da-rô” (Mt 11,5). Người đã thổn thức, xao xuyến và khóc khi cảm thông với sự mất mát của Mác-ta và Maria cũng như trước cái chết của Lazarô. Nhưng trong sự cảm thương ấy, Chúa Giêsu làm phép lạ để khẳng định giá trị của NIỀM TIN và để THIÊN CHÚA ĐƯỢC VINH QUANG: “Nào Thầy đã chẳng nói với chị rằng nếu chị tin, chị sẽ được thấy vinh quang của Thiên Chúa sao?” (Ga 11,40) và “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con” (Ga 11,41b-42).
Tóm lại, qua bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta thấy phép lạ và sự phục sinh xảy ra là vì NIỀM TIN và phải làm cho CHÚA ĐƯỢC TÔN VINH nơi phép lạ ấy. Mọi sự đều nằm trong ý định nhiệm mầu của Thiên Chúa, mọi biến cố xảy ra trong cuộc đời là để Thiên Chúa được vinh danh nơi chúng ta và để niềm tin chúng ta được tinh luyện.
Lạy Chúa, xin ban thêm niềm tin cho chúng con, để Chúa luôn được vinh danh nơi mọi biến cố của cuộc đời chúng con. Amen.
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 12,20-33
Khi ấy, trong số những người lên dự lễ, có mấy người Hy-lạp. Họ đến gặp Philipphê quê ở Bêtania, xứ Galilêa, và nói với ông rằng: “Thưa ngài, chúng tôi muốn gặp Ðức Giêsu”. Philip-phê đi nói với Anrê, rồi Anrê và Philipphê đến thưa Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đáp: “Ðã đến giờ Con Người được tôn vinh. Quả thật, quả thật, Ta nói với các con: Nếu hạt lúa mì rơi xuống đất mà không thối đi, thì nó chỉ trơ trọi một mình; nhưng nếu nó thối đi, thì nó sinh nhiều bông hạt. Ai yêu sự sống mình thì sẽ mất, và ai ghét sự sống mình ở đời này, thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời. Ai phụng sự Ta, hãy theo Ta, và Ta ở đâu, thì kẻ phụng sự Ta cũng sẽ ở đó. Ai phụng sự Ta, Cha Ta sẽ tôn vinh nó. Bây giờ linh hồn Ta xao xuyến, và biết nói gì? Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này. Nhưng chính vì thế mà Con đã đến trong giờ này. Lạy Cha, xin hãy làm vinh danh Cha”. Lúc đó có tiếng từ trời phán: “Ta đã làm vinh danh Ta và Ta còn làm vinh danh Ta nữa”. Ðám đông đứng đó nghe thấy và nói đó là tiếng sấm. Kẻ khác lại rằng: “Một thiên thần nói với Ngài”. Chúa Giêsu đáp: “Tiếng đó phán ra không phải vì Ta, nhưng vì các ngươi. Chính bây giờ là lúc thế gian bị xét xử, bây giờ là lúc thủ lãnh thế gian bị khai trừ và khi nào Ta chịu đưa lên cao khỏi đất, Ta sẽ kéo mọi người lên cùng Ta”. Người nói thế để chỉ Người phải chết cách nào.
II. SUY NIỆM
« GIỜ ĐÃ TỚI… »
Bài Tin Mừng hôm nay đặt trong bối cảnh gần dịp Lễ Vượt Qua, khi mà sự căm ghét của giới lãnh đạo Do-thái đối với Chúa Giê-su lúc bấy giờ đã lên tới cực đỉnh. Thế nhưng, Chúa Giê-su không nao núng hoặc thoái lui. Trái lại Người nhắc lại chân lý “qua thập giá tới vinh quang” qua hình ảnh “hạt lúa rơi vào lòng đất phải mục nát đi mới sinh bông hạt”. Đồng thời, Chúa Giê-su khẳng định “Giờ của Người” đã tới, giờ Người sẵn sang đối diện với cuộc tử nạn, giờ “Người phải được treo lên” để cứu độ.
1. Như hạt lúa mục nát đi…
Theo định luật tự nhiên, mọi vật đều đi qua giai đoạn “đề, phản đề và hợp đề”; tựa như hạt giống gieo xuống nếu không mục nát để đâm chồi nảy lộc thì nó chỉ trơ trọi; con người cần phải nỗ lực làm việc mới mong phát triển…
Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt. Điều này đúng đối với đời sống tự nhiên của con người. Mục nát ở đây có nghĩa là phải chịu vất vả khó nhọc. Người nông dân muốn có một mùa gặt bội thu, phải thức khuya dậy sớm, dầm mưa dãi nắng chăm chỉ cầy bừa. Người học sinh muốn đỗ đạt vinh quang, phải từ bỏ những giờ vui chơi với bạn bè, đêm đêm chong đèn miệt mài kinh sử.
Về đời sống tâm lý và đời sống thiêng liêng cũng thế, khi người ta chỉ sống cho mình, không cho đi, thì mối liên hệ với người khác sẽ bị cằn cỗi, và đời sống liêng liêng sẽ không được vươn lên, và ngược lại, chỉ khi trao ban mới được nhận lãnh. Hạt giống phải mục nát đi mới sinh nhiều bông hạt, mục nát đi trong đời sống thiêng liêng có nghĩa là chết cho tội lỗi, từ bỏ bản thân, từ bỏ ý riêng mình.
Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi chúng ta hãy cùng với Người chuyển hoá đời mình như thế.“Thật, Thầy bảo thật anh em, nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu nó chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác.”
Phải, nếu hạt lúa được giữ nguyên trong kho, được bảo quản kỹ càng, thì nó chỉ là hạt lúa trơ trọi, một hạt lúa cô đơn, một hạt lúa chết dần mòn. Còn hạt lúa nào chịu huỷ mình đi trong ruộng sình sẽ vươn lên phơi phới và sinh được gấp trăm.
Quy luật sinh tồn là thế: chỉ khi cho đi, mới là lúc được nhận lại dồi dào; chính khi hiến mình là lúc nhận lại bản thân. Vì thế, khi sắp chịu huỷ mình trên thập giá và chịu mai táng trong mộ, Chúa Giêsu gọi đó là giờ Người được tôn vinh: “Đã đến giờ Con Người được tôn vinh!” (Ga 12, 23).
Vì vậy, để chia sẻ sự sống mới với Đức Kitô, con người phải đi theo tiến trình của kiếp sống con người: sinh lão bệnh tử; tín hữu phải sẵn sàng chết đi cho tội lỗi, chết đi cho tính mê nết xấu, chết đi cho tính tham lam ích kỷ, chết đi cho tính thù hằn giận ghét, chết đi cho tính kiêu căng tự phụ, chết đi cho thái độ sống chết mặc bay để có thể được tham dự vào đời sống mới với Đức Kitô.
Chết cho tội lỗi là dứt lìa những dục vọng đam mê trái luật Chúa. Chết cho tội lỗi là quyết tâm lánh xa những con người, những đồ vật, những nơi chốn lôi kéo mình phạm tội. Những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy như gắn chặt vào mình, như là một phần đời sống của mình. Dứt bỏ những con người ấy, những đồ vật ấy, những nơi chốn ấy khiến mình đau đớn như chết đi một phần đời mình. Đó là những mất mát to lớn. Nhưng nếu biết chấp nhận những “cái mất” hiện tại, thì sẽ có những “cái được” trong tương lai, dám chấp nhận những “cái mất” chóng qua sẽ có những “cái được” vĩnh cửu. mất bản thân mình để được chính Chúa, mất điều tầm thường để được điều cao cả, mất trần gian để được thiên đàng… Nói tóm lại, chỉ khi nào người ta tham dự vào cuộc hi sinh khổ hình của Chúa, thì mới có thể chia sẻ cuộc phục sinh vinh hiển với Người (2 Tim 2,11).
2. Chính vì giờ này mà Con đã đến.
Một trong những nét riêng trong Tin Mừng Mừng Gioan là “thần học về Giờ”. Chúa Giêsu nhiều lần nói về “Giờ của Người”. Người nói về giờ này trong suốt sứ vụ công khai của Người. Nhưng Người luôn luôn nói như thể giờ đó chưa xảy đến. Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng hôm nay, Người lại nói rằng cuối cùng, giờ đó sắp diễn ra. Đó là giờ chết của Người. Đó là giờ mà Người tự trao ban chính bản thân Người, như một sự hy sinh trọn vẹn thân mình Người vì chúng ta. Giờ mà Chúa Giê-su đã tiên báo lần đầu tiên, khi xuất hiện trước quần chúng tại tiệc cưới Cana. Giờ mà Người vẫn mong chờ trong suốt ba năm giảng dạy. Chính vì thế, bây giờ là lúc Người hoàn thành sứ mạng cao cả và phổ quát để hoàn tất chương trình cứu độ.
Với Chúa Giêsu, giờ của Chúa là giờ của Cuộc Thương Khó, giây phút vinh quang là giây phút chịu khổ nạn trên thập giá. Giây phút Chúa Giêsu được treo trên thập giá là giây phút Người bước lên Ngôi Báu của Người. Giờ “Con Người được giương cao lên”, nghĩa là Chúa Giêsu sẽ phải bị treo lên trên thập giá, để nhờ công ơn Cứu Chuộc qua khổ giá, mà Người nâng mọi người lên cao khỏi thế gian, nâng cao lên cõi Trời với Người.
Tuy nhiên, theo quan điểm trần thế, thì đó là một giờ phút của thất bại. Tệ hại hơn, người ta còn coi như đó là giây phút của ô nhục và đáng khinh miệt. Nhưng bằng cách cho Người sống lại từ cõi chết, Thiên Chúa Cha đã biến chuyển thành giây phút của chiến thắng đối với Chúa Giêsu, và một giây phút của ân sủng đối với chúng ta. Đây là giây phút cao quí nhất của Đức Giêsu. Đây là giây phút mà tất cả những gì Người đã thực hiện trên trần thế đều được hoàn tất. Tất cả cuộc đời của Người đều đưa dẫn và chuẩn bị cho Người đến với giây phút này.
Thế nhưng, thập giá không phải là một cái gì thơ mộng, ngọt ngào, nhưng là một cái gì cay đắng ê chề. Nên Chúa Giêsu cũng đã từng hoang mang và run sợ, mà cất lên tiếng cầu nguyện: « Lạy Cha, xin cứu Con khỏi giờ này, nhưng cũng chính vì giờ này mà Con đã đến ». Tác giả thư gửi tín hữu Do thái cũng đã xác định điều này trong bài đọc hai của Phụng Vụ hôm nay: “Khi còn sống ở đời này, Chúa Kitô đã lớn tiếng và rơi lệ dâng lời cầu xin khấn nguyện lên Đấng có thể cứu Người khỏi chết, và vì lòng thành tín, Người đã được nhậm lời. Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã học vâng phục do những đau khổ Người đã chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những ai vâng phục Người” (Dt 5:7-9).
Đó là một sự chấp nhận thật can đảm. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu vừa là một tiếng xin vâng, vừa là một tâm tình phó thác cho Chúa Cha, Đấng sẽ biến cái chết của Chúa Giê-su thành sự phục sinh vinh quang.
Trọn cuộc nhân sinh, mọi Ki-tô hữu đều phải đối diện với những “giờ” khắc quyết định, giờ hấp hối trước những đau khổ nghịch cảnh, và đặc biệt giờ cuối cùng đối diện với cái chết, thì Ki-tô hữu cần biết dâng lên Chúa Cha lời khẩn cầu của Chúa Giê-su, xin vâng theo ý Chúa, và ý thức đó là thời khắc của ơn cứu độ.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết chấp nhận được giương cao lên, là chấp nhận đóng con người tội lỗi của mình vào thập giá Chúa, để sau khi chết đi cho tội lỗi, chúng con được trở nên con người mới. Xin cho chúng con cũng biết “giương cao lên” là vượt lên trên mọi sự thấp hèn xấu xa của thế gian, để sống cho Chúa và cho mọi người. Amen.
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,1-11
Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? ” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! “
II. SUY NIỆM
“ĐỨNG Ở GIỮA VÒNG VÂY TỘI LỖI VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”
Hôm nay, các kinh sư và người Pharisêu sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Chúa Giêsu vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Người ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Người. Họ đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Người sẽ xử lý thế nào khi luật Môsê dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Chúa Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Môsê, còn nếu Người nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Người giảng dạy.
Mưu kế này cũng tương tự như họ gài bẫy Chúa Giêsu vào vấn đề nộp thuế cho Xêda. Tuy nhiên, cái trí nham hiểm của con người làm sao gây khó được cho Đấng là Thượng Trí vô song. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Người đã đặt các kinh sư và người Pharisêu vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bày lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Như thế, với một lời chất vấn nhẹ nhàng của Chúa Giêsu, chính những người Pharisêu hả hê tưởng rằng họ gài bẫy được Chúa Giêsu, thì chính họ lại rơi vào tình trạng bế tắc và lủi thủi rút đi bắt đầu từ những đầu sỏ bạc đầu.
1. Tội và tội nhân
Ảnh hưởng từ lối xử tử thời sơ khai, luật Do-thái áp dụng hình phạt tử hình thật tàn độc và man rợ. Họ tập trung ném đá một đồng loại cho tới chết mà không gớm tay. Ai cũng mang trong mình những tội lỗi nặng nề, nhưng lại xử thẳng tay một tội nhân khi họ bắt gặp. “Việc mình thì quáng nhưng việc người thì sáng, chân mình thì lấm lê mê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người…”
Thiên Chúa thì yêu thương cứu vớt, nhưng con người thì lại loại trừ lẫn nhau. Khi Chúa Giêsu chấn vấn họ, họ đã bỏ đi vì Chúa đã đánh thẳng vào chính cái tâm địa giả hình của họ và vạch trần lòng dạ họ cũng đầy tội lỗi bê tha. Tắt một lời, người Do-thái trong khi tự cho mình công chính, thì cũng đồng thời đánh đồng quan điểm giữa tội và tội nhân, họ sẵn sàng khử trừ tội nhân như việc loại bỏ tội lỗi.
Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay và nhiều chỗ khác trong các Tin Mừng, có lẽ không ít người cho rằng Chúa Giê-su “dung túng cho việc phạm tội”. Không phải thế, Chúa Giê-su ghét tội nên Người đã đến trần gian và chịu chết để giải thoát nhân loại khỏi tội; Chúa lên án tội, nhưng không bỏ rơi tội nhân; Chúa bảo vệ người phụ nữ ngoại tình, giải thoát nàng và tha thứ cho nàng, nhưng không phải để nàng tiếp tục con đường cũ, mà Người đã dặn nàng: “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Thật vậy, “Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn tội nhân bỏ đường tà để được sống” (Ed 18,23). Chính vì thế mà cần phải phân biệt rõ ràng giữa tội và tội nhân. Mọi người đều phải ghét tội, nhưng phải tạo cơ hội giúp tội nhân trở về nẻo chính đường ngay.
2. Vấn đề “công chính hóa”
Câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình hôm nay” là minh hoạ quan trọng cho thần học về SỰ CÔNG CHÍNH HÓA. Công chính hóa xét theo nghĩa chặt, là khi đứng trước mặt Chúa, con người chứng minh được mình vô tội. Điều này không thể có được, cụ thể hôm nay, đối diện với sự thánh thiện tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, những người kinh sư và Pharisêu được coi là ưu tuyển đối với người Do-thái đã phải rút lui vì nhận ra mình cũng đầy tội lỗi.
Vì vậy, sự công chính hóa của con người chỉ có được khi nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô, chứ không thể do sức riêng của mình. Tác giả Tin Mừng hôm nay đã chơi chữ rất hay rằng: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì ĐỨNG Ở GIỮA” (Ga 8,9).
Khi mọi người đi hết, tại sao người phụ nữ lại đứng ở giữa lúc chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu? Nếu như trước đó, chị ta đứng ở giữa những người gian ác tội lỗi vây quanh, thì bây giờ, chỉ còn mình Chúa Giêsu, chị đang đứng ở giữa tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đang tha thứ cho chị, mời gọi chị trở về và đừng phạm tội nữa.
Đứng ở giữa vòng vây tội lỗi là cái chết, nhưng đứng ở giữa tình thương của Chúa Giêsu là được cứu sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy tội lỗi, để chúng con không kết án loại trừ những tội nhân. Xin cũng cho chúng con học lấy tấm lòng trắc ẩn của Chúa mà cứu vớt những ai lầm lỗi, đưa họ về cho Chúa. Amen
Discussion about this post