THỨ HAI TUẦN III MÙA VỌNG
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 21,23-27
Đức Giê-su vào Đền Thờ, và trong khi Người giảng dạy, các thượng tế và kỳ mục trong dân đến gần Người và hỏi: “Ông lấy quyền nào mà làm các điều ấy? Ai đã cho ông quyền ấy? ” Đức Giê-su đáp: “Còn tôi, tôi chỉ xin hỏi các ông một điều thôi; nếu các ông trả lời được cho tôi, thì tôi cũng sẽ nói cho các ông biết tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy. Vậy, phép rửa của ông Gio-an do đâu mà có? Do Trời hay do người ta? ” Họ mới nghĩ thầm: “Nếu mình nói: “Do Trời”, thì ông ấy sẽ vặn lại: “Thế sao các ông lại không tin ông ấy? ” Còn nếu mình nói: “Do người ta”, thì mình sợ dân chúng, vì ai nấy đều cho ông Gio-an là một ngôn sứ.” Họ mới trả lời Đức Giê-su: “Chúng tôi không biết.” Người cũng nói với họ: “Tôi cũng vậy, tôi không nói cho các ông là tôi lấy quyền nào mà làm các điều ấy.”
II. SUY NIỆM
Bài Tin Mừng hôm nay kể về việc “nhà cầm quyền tôn giáo” đến đòi kiểm tra “giấy phép hoạt động rao giảng Tin Mừng” của Đức Giêsu. Tiếc cho họ là bị Đức Giêsu bẻ lại một câu hỏi về phép rửa của Gioan Tiền Hô làm họ tiến thoái lưỡng nan rồi bỏ cuộc.
Qua sự kiện này, chúng ta đi tìm bài học mà Chúa muốn dạy chúng ta về quyền rao giảng Tin Mừng không dành cho riêng ai, mà mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ đem Lời Chúa đến cho người khác tuỳ theo bậc sống của mình.
Có hai vấn đề được đặt ra, là đặc quyền và năng quyền.
1. Đặc quyền rao giảng.
Điều đáng nói ở đây là người đặt vấn đề “giấy phép” với Chúa Giêsu không phải là nhà cầm quyền dân sự, mà là “các đấng các bậc” tôn giáo, là mấy ông “thượng tế, tư tế, ký mục” Do Thái.
Chính sự “đòi giấy phép” để rồi làm thui chột đi những sáng kiến truyền giáo và cản trở việc mở rộng Nước Chúa. Và đôi khi, sự cản trở lại đến từ chính các đấng các bậc bề trên của mình, vì những lý do quyền bính và lợi lộc, hơn là vì lý do Hiệp Nhất.
Ngày nay không thiếu những vị giữ cho mình cái đặc quyền nhân danh Chúa để loan giảng Tin Mừng, sợ “mất quyền lợi” hoặc “nhỏ đi miếng bánh” hay “ảnh hưởng đến thế giá” và ganh tỵ với những người khác, dù ai cũng có quyền làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách thế, mà không ngược với đức tin Kitô Giáo.
Đôi khi cộng đoàn này phản đối cộng đoàn kia, nhóm từ thiện này lên án nhóm từ thiện nọ, và ai cũng nhân danh Chúa để khiển trách các hoạt động của nhau.
Là người con Chúa trong lòng Giáo Hội, chúng ta không ganh tỵ với việc thiện của người khác, không tự cho mình có đặc quyền lo việc Chúa, nhưng tất cả đều được mời gọi có những sáng kiến làm chứng cho Chúa và giúp đỡ tha nhân.
2. Năng quyền rao giảng Tin Mừng.
Cần nắm vững rằng, “giấy phép” rao giảng Tin Mừng dành cho tất cả mọi Kitô hữu trong chức vụ ngôn sứ cộng đồng. Tuy nhiên, để có một Giáo Hội Hiệp Nhất và tránh những sai lạc đức tin, việc rao giảng Lời Chúa cần phải được đặt dưới sự hướng dẫn của Giáo Hội.
Đây là một điều khác biệt của đạo Công Giáo với anh em Tin Lành. Các anh em Tin Lành tự do chú giải và rao giảng theo những gì họ cho là được Thánh Thần soi sáng, nên ngày nay họ đã có đến hàng trăm chi phái khác nhau. Còn chúng ta, là con cái Giáo Hội Công Giáo, chúng ta đừng vịn cớ “tự do” này, nhưng cần biết vâng theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, để cùng hiệp nhất trong một đoàn chiên và một chủ chăn.
Tóm lại, là Kitô hữu, chúng ta có quyền lợi và nghĩa vụ đem Chúa đến cho mọi người, thực thi nghĩa vụ truyền giáo trong bậc sống của mình, từ vai trò ngôn sứ cộng động đến vai trò ngôn sứ thừa tác. Tất cả cho vinh quang sự nghiệp Nước Chúa và Tin Mừng được loan báo, chứ không phải vì vinh quang và chỗ đứng cá nhân.
Lạy Chúa, xin cho chúng con trong khi dấn thân rao giảng Lời Chúa, thì cũng đồng thời biết xây dựng sự hiệp nhất trong Giáo Hội và vâng nghe sự hướng dẫn của Giáo Hội qua các chủ chăn. Để trong mọi sự Chúa được tôn vinh. Amen
Discussion about this post