CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG (Gaudete)
NĂM A
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mt 11,2-11
Ông Gio-an lúc ấy đang ngồi tù, nghe biết những việc Đức Ki-tô làm, liền sai môn đệ đến hỏi Người rằng: “Thưa Thầy, Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” Đức Giê-su trả lời: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gio-an những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”
Họ đi rồi, Đức Giê-su bắt đầu nói với đám đông về ông Gio-an rằng: “Anh em ra xem gì trong hoang địa? Một cây sậy phất phơ trước gió chăng? Thế thì anh em ra xem gì? Một người mặc gấm vóc lụa là chăng? Kìa những kẻ mặc gấm vóc lụa là thì ở trong cung điện nhà vua. Thế thì anh em ra xem gì? Một vị ngôn sứ chăng? Đúng thế đó; mà tôi nói cho anh em biết, đây còn hơn cả ngôn sứ nữa. Chính ông là người Kinh Thánh đã nói tới khi chép rằng: Này Ta sai sứ giả của Ta đi trước mặt Con, người sẽ dọn đường cho Con đến.
“Tôi nói thật với anh em: trong số phàm nhân đã lọt lòng mẹ, chưa từng có ai cao trọng hơn ông Gio-an Tẩy Giả. Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn ông.
II. SUY NIỆM
« THỜI CỦA ƠN CỨU ĐỘ »
Phụng Vụ hôm nay mời gọi chúng ta hân hoan vui mừng vì ngày Thiên Chúa đến đã gần kề. Đồng thời nhắn nhủ chúng ta về sứ mạng của mình trong việc chuẩn bị và đón chờ Chúa đến, qua hình ảnh vị Tiền Hô của Chúa là ông Gioan.
1. Xác định sứ mạng Đấng Cứu Thế.
Khi vừa đọc bài Tin Mừng lên, có lẽ không ít người tự hỏi rằng, chẳng lẽ mở đầu Bài Tin Mừng là một sự kiện nói về đêm tối đức tin của Gioan Tiền Hô? Thật khó lý giải, vì chính Gioan chính là Đấng đã kêu gọi dân sám hối để đón Chúa Giêsu đến, chính Gioan đã làm phép Rửa cho Chúa Giêsu và nhìn thấy Thánh Thần ngự xuống trên Người, và cũng chính Gioan đã giới thiệu Chúa Giêsu cho môn đệ và mọi người rằng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”(Ga 1,36).
Thế thì tại sao hôm nay Gioan lại gửi môn đệ đến hỏi Chúa: “Có thật là Đấng phải đến chăng, hay chúng tôi còn phải đợi ai khác?”
Cũng có thể Gioan vẫn có quan niệm Chúa Giêsu là Messia theo cái nhìn Cựu Ước, là Đấng lên ngôi vương và giải phóng dân, đồng thời sẽ cứu ông khỏi cảnh tù đày, nên đã cứ các môn đệ đến như là một sự nhắc khéo với Chúa Giêsu.
Cũng có thể như là một sự thông báo cho Chúa Giêsu về kiếp tù đày của mình, và xin Chúa xác định là ông đã hoàn tất sứ vụ Tiền Hô.
Cũng có thể là Gioan cử các môn đệ đến như là một sự giới thiệu các môn đệ cho Chúa Giêsu, cũng như gửi gắm môn sinh cho Người, vì biết thân phận mình sắp chấm dứt.
Dù sao, với cách trả lời của Chúa Giêsu, chúng ta có thể coi đây như là một thử thách đức tin mà Gioan Tiền Hô đang đối diện.
Bởi vì: Chúa Giêsu nhắn các môn đệ Gioan về thuật lại cho ông nghe về những gì mắt thấy tai nghe, là Đấng đã làm những điều mà ngôn sứ Isaia đã báo trước: “Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng”. Điều này muốn nhắn cho Gioan biết sứ mạng của Chúa Giêsu không như mọi người thường nghĩ mang tính trần thế, là chinh phạt kẻ quyền thế, và giải phóng dân khỏi cường quyền.
Lại nữa, chính lời dặn: “Phúc cho những ai không vấp ngã về Tôi” đã nói lên tất cả.
Ngày nay, có lẽ không ít lần chúng ta cũng gặp phải những lúc “đêm tối đức tin”, khi chúng ta gặp phải muôn vàn đau khổ, khi chịu thử thách bách hại của cường quyền… chúng ta vẫn muốn Chúa phải ra tay trừng phạt kẻ áp bức, và lắm khi tự hỏi, Chúa ở đâu?
Chúa ở với chúng ta, cùng chịu đau khổ và áp bức với chúng ta. Thiên Chúa của yêu thương chứ không phải trừng phạt. Chúa muốn chúng ta cầu xin cho họ ơn hoán cải, chứ không muốn chúng ta phương cách trả thù.
2. Sự cao cả của vị Tiền Hô.
Chúa Giêsu ví von việc vào hoang địa để nghe tiếng của Gioan Tiền Hô, không phải để tìm thấy một sự vô tri và mong manh như cây sậy phất phơ trước gió, cũng không phải để tìm kiếm một sự xa hoa giàu sang của kẻ cường quyền, nhưng để tìm một vị ngôn sứ và còn hơn một vị ngôn sứ nữa, bởi vì:
Đã có bao ngôn sứ trong Cựu Ước xuất hiện trước ông, loan báo về Đấng Cứu độ mà Thiên Chúa hứa ban. Nhưng Gioan là Tiền Hô và là người duy nhất đã chỉ cho dân thấy Đấng ấy là ai, và giới thiệu Đức Giêsu là “Chiên Thiên Chúa và là Đấng xoá tội trần gian”. Là người có cơ hội được Đức Mẹ và Chúa đến thăm khi mới được sáu tháng trong bụng mẹ. Là phàm nhân mà được làm phép rửa cho Thiên Chúa Ngôi Hai.
Gioan là cầu nối giữa hai giai đoạn của lịch sử cứu độ. Ông vừa thuộc nhóm những ngôn sứ của giai đoạn trước, vừa là người đã chạm đến Nước Trời ở giai đoạn sau: giai đoạn trước của những lời Thiên Chúa hứa, và giai đoạn sau khi Thiên Chúa thực hiện những lời hứa này. Đức Giêsu là Đấng khai mở giai đoạn sau, nhưng Người cần Gioan trực tiếp giới thiệu.
“Tuy nhiên, kẻ nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan”.
Nghĩa là, thời của Gioan và các ngôn sứ trước là thời của lời hứa, và thời của Nước Trời đã nên hiện thực nơi Đức Giêsu đem đến thì Gioan Tẩy Giả đã khuất.
Chúng ta không thánh thiện hơn Gioan Tẩy Giả, nhưng chúng ta có phần hạnh phúc hơn ông, vì được sống trong giai đoạn lời hứa của Thiên Chúa nên thành tựu. Ơn cứu độ viên mãn đã đến.
Thời của nô lề luật đã qua, thời của tự do trong Đức Kitô đã đến. Người bé nhỏ nhất trong Nước Trời còn cao trọng hơn Gioan vì những kho tàng mới do Đức Giêsu mang lại, vượt xa những gì mà các ngôn sứ thời xưa mong đợi.
Còn chúng ta ngày hôm nay, trong vai trò là một Kitô hữu, là chứng nhân của Chúa, chúng ta không mong manh yếu đuối dễ gãy như cây sậy, cũng không tìm kiếm sự lộng lẫy cao sang quyền thế, mà là như một sứ giả đi trước dọn đường cho Chúa đến với những ai còn đang trong bóng tối lầm lạc, bằng chính đời sống chứng tá và lời rao giảng của mình.
Lạy Chúa, Mùa Vọng đã đi được hơn nửa chặng đường, Phụng Vụ mời gọi chúng con vui lên vì Chúa sắp ngự đến. Xin Chúa thôi thúc những ai chưa lo trang trí tâm hồn mình cho sạch đẹp, để Con Chúa giáng hạ và cư ngụ trong tâm hồn họ và ban cho họ được sống trọn vẹn thời kì ơn cứu độ. Amen.
Hiền Lâm
NĂM B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 1,6-8;19-28
Có một người được Thiên Chúa sai đến, tên là Gio-an.
Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin.
Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng.
Và đây là lời chứng của ông Gio-an, khi người Do-thái từ Giê-ru-sa-lem cử một số tư tế và mấy thầy Lê-vi đến hỏi ông: “Ông là ai?” Ông tuyên bố thẳng thắn, ông tuyên bố rằng: “Tôi không phải là Đấng Ki-tô.” Họ lại hỏi ông: “Vậy thì thế nào? Ông có phải là ông Ê-li-a không? ” Ông nói: “Không phải.” – “Ông có phải là vị ngôn sứ chăng? ” Ông đáp: “Không.” Họ liền nói với ông: “Thế ông là ai, để chúng tôi còn trả lời cho những người đã cử chúng tôi đến? Ông nói gì về chính ông? ” Ông nói: Tôi là tiếng người hô trong hoang địa: Hãy sửa đường cho thẳng để Đức Chúa đi, như ngôn sứ I-sai-a đã nói. Trong nhóm được cử đi, có mấy người thuộc phái Pha-ri-sêu. Họ hỏi ông: “Vậy tại sao ông làm phép rửa, nếu ông không phải là Đấng Ki-tô, cũng không phải là ông Ê-li-a hay vị ngôn sứ? ” Ông Gio-an trả lời: “Tôi đây làm phép rửa trong nước. Nhưng có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết. Người sẽ đến sau tôi và tôi không đáng cởi quai dép cho Người.” Các việc đó đã xảy ra tại Bê-ta-ni-a, bên kia sông Gio-đan, nơi ông Gio-an làm phép rửa.
II. SUY NIỆM
“MỖI NGƯỜI CÓ MỘT GIAI ĐOẠN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ”
Đọc bài Tin Mừng hôm nay, tôi nhớ tới câu chuyện của một người bạn. Hồi đi học, môn tiếng Pháp, anh bạn của tôi luôn đội sổ. Vậy mà trong một ngày họp lớp gần đây, các bạn đều ca tụng anh ta giỏi ngoại ngữ, bởi anh đã dịch được 3 cuốn sách (tặng mà không bán). Tôi hơi ngỡ ngàng khi nhận món quà anh trao tặng, về nhà mở ra đọc vài trang, tôi mới vỡ lẽ ra là anh chẳng dịch gì cả, mà chỉ là khôn khéo sử dụng sự phong phú của Tiếng Việt, để “đạo dịch” của người khác mà thôi: Đại loại như, trước đó người khác đã dịch rằng “chú chim hót líu lo” thì anh bạn dịch lại là “tiếng chim ca ríu rít”, hay người ta dịch là “nếu không có mẹ thì làm sao có mình” thì anh ta dịch lại là “giá như không có mẹ thì có mình được sao”.
Để ý một chút, ngày hôm nay trên các trang mạng xã hội, rất nhiều người cứ sao chép từ trang mạng khác những bài viết hay rồi đăng lên tường nhà mình, nhóm mình hoặc trang mạng của mình, nhưng lại “cố tình quên” trích dẫn nguồn từ đâu và do tác giả nào, để rồi sung sướng khi nhận được nhiều lượt thích (like) và nhiều lời bình luận khen ngợi.
Thực trạng thích được ca tụng “bám” vào công lao của người khác đang trở thành một căn bệnh, và trở nên mãn tính di căn với đất nước Việt Nam, ăn cắp bản quyền để tìm danh và tìm lợi cho mình.
Thế nhưng, bài Tin Mừng hôm nay vẽ lên bức chân dung tuyệt vời Vị Tiền Hô của Đấng Cứu Thế. Bao quanh thánh Gioan Tiền Hô, từ cấp lớn đến dân bé Do Thái đều coi ngài là Đấng Cứu Thế. Nhưng thánh Gioan đã không háo danh nhận lấy cái vinh quang không thuộc về mình. Sự khiêm tốn của thánh nhân không phải là việc ngài không nhận cái mình có, mà là xác định rõ mình là ai trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Chúa mới là Đấng Cứu Thế mà thánh nhân làm chứng, chứ không phải làm cho mình cái chỉ thuộc quyền của Chúa.
Xét về thời gian vật lý, thì Gioan Tiền Hô đã xuất hiện trước để dọn đường cho Đức Giêsu xuất hiện, nhưng xét về thời gian vĩnh cửu thì Chúa Giêsu có tự đời đời. Bởi Người là Ánh Sáng bởi Ánh Sáng, Thiên Chúa thật bởi Thiên Chúa thật, được sinh ra mà không phải được tạo thành.
Đấng là Ánh Sáng tự đời đời ấy nay xuất hiện trong thời gian, Người cần có một vị Tiền Hô dọn đường cho Người.
Ngay từ Lời Tựa, tác giả Tin Mừng đã giới thiệu về Gioan Tiền Hô rằng: “Có một người được sai đến tên là Gioan. Ông đến để làm chứng, và làm chứng về ánh sáng, để mọi người nhờ ông mà tin. Ông không phải là ánh sáng, nhưng ông đến để làm chứng về ánh sáng. Ngôi Lời là ánh sáng thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1,6-8).
Lời giới thiệu này khẳng định rõ nét vai trò của Đấng Tiền Hô, Gioan đến để làm chứng cho Ánh Sáng chứ ông không phải là Ánh Sáng, mà Ngôi Lời mới là Ánh Sáng thật.
Cũng như sao mai báo hiệu cho Vầng Đông xuất hiện, khi Vầng Đông mọc lên thì sao mai tự động biến mất. Một người lính đến thông báo cho dân biết Vua sắp đi qua để họ chuẩn bị, khi vua đến thì Vua mới là đối tượng chính mà dân đón chứ không còn là anh lính kia nữa. Gioan chỉ là Đấng dọn đường cho Chúa Giêsu đến, và khi Chúa Giêsu đến thì vai trò của Tiền Hô đã hoàn tất.
Với những gì được nói tới trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta phải cảm phục sự “thánh thiện và cao cả” của Gioan Tiền Hô. Bởi vì dân chúng ai nấy lầm tưởng ngài là Đấng Cứu Thế, cúi đầu lắng nghe và chịu phép rửa của ngài, có các môn sinh theo ngài, và ngay Chúa Giêsu cũng chịu phép rửa dưới tay ngài. Nên ngài có lý do để khẳng định mình, có lý do để bảo vệ vị thế của mình… Nhưng không, ngài rất bình tĩnh trước dư luận, khi nghe những lời dèm pha đâm thọc của người khác, rất bình an khi các môn đệ cho biết có người khác vượt trội hơn mình và có ảnh hưởng hơn mình, biết ơn gọi của mình, khiêm tốn đón nhận và chu toàn bổn phận của mình.
Mọi người được Chúa trao cho những sứ vụ khác nhau, ơn gọi khác nhau tuỳ khả năng và bậc sống của mình, tuỳ theo thời gian và hoàn cảnh, mỗi người có một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa.
Thánh Gioan Tiền Hô đã không ghanh tỵ trước sự nổi bật của của Đấng đến sau ngài. Còn chúng ta, nếu có ai đó đang làm công việc như mình, hay trổi vượt hoặc có ảnh hưởng hơn mình thì lẽ ra phải biết rằng mỗi người đều có một biệt tài riêng, một năng khiếu riêng; mỗi người đều được đặt ở một vị trí riêng nhau… thì chúng ta lại rất dễ tự ái, cảm thấy bị xúc phạm, ganh tị, gièm pha, so bì lẫn nhau, thậm chí trả đũa và triệt hạ nhau.
Cộng đoàn, Giáo xứ, Giáo hội là của Chúa chứ không phải của người được Chúa sai đến. Chúng ta dễ bị cám dỗ chạy theo danh vọng và địa vị mỗi khi làm được việc gì đó cho người khác. Có khi khoe khoang và kể về công trạng của mình cho người khác khen ngợi. Chúng ta dành vị trí “làm chồng” của Chúa, làm cho Chúa nhỏ lại để mình được lớn lên.
Lắm khi tưởng chừng như chúng ta làm việc nọ việc kia, giảng thật hay, xả thân phục vụ, làm từ thiện, xây dựng công trình nọ công trình kia, đóng góp cho Nhà Chúa nơi này nơi nọ… nhưng thật sự lại ngầm ý để được người đời ca tụng, thích thú vì những lời khen tặng và coi như công trạng của mình. Để rồi thay vì Chúa được vinh danh thì mình được vinh danh; thay vì Chúa được mọi người biết đến thì thì “đấng này”, “đại ân nhân nọ” được tri ân, được khắc tên và được lưu danh… Cuối cùng thì “Chúa phải mất hút vì tôi mới là quan trọng”.
Hãy nhớ rằng, Chúa mới là “chồng”, Hội Thánh địa phương hay hoàn vũ và riêng từng người là hiền thê (vợ) của Chúa trong tình yêu Giêsu; còn những ai được Chúa sai đến chỉ là “phù rể”, mà phù rể thì lo chuẩn bị cho người ta đón chú rể đến, và vui mừng khi chú rể gặp được “cô dâu”, chứ không phải mình dành vị trí của chú rể.
Đặc biệt, cá tính và đam mê của chúng ta phải nhỏ lại, thì Chúa mới lớn lên được trong tâm hồn chúng ta; còn nếu trong tâm hồn chúng ta cao ngạo, ngổn ngang mọi thứ đam mê, ước vọng vật chất phình to lấp đầy, thì Chúa sẽ không còn chỗ để hiển ngự với chúng ta được.
Việc này không nhắm đến riêng ai mà là đến hết mọi thành phần dân Chúa. Chúng ta không tự hào vì những gì mình đóng góp cho việc Chúa vì đó là bổn phận và lòng yêu mến Chúa đòi hỏi, nhưng hãy tự hào và vui mừng vì Chúa được vinh danh và được nhiều người biết đến.
Lạy Chúa Giêsu, lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng con biết học lấy tấm gương của thánh Gioan Tiền Hô. Xin Chúa giúp chúng con biết làm tất cả cho vinh danh Chúa, để Chúa được lớn lên và được mọi người nhận biết, chứ không lo tìm kiếm vinh quang cho mình, để rồi gạt Chúa ra ngoài và làm hại hạ bệ tha nhân. Amen.
Hiền Lâm
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Lc 3,10-18
Đám đông hỏi ông Gioan rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây? ” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”
Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người. Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa. Tay Người cầm nia rê sạch lúa trong sân: thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.” Ngoài ra, ông còn khuyên dân nhiều điều khác nữa, mà loan báo Tin Mừng cho họ.
II. SUY NIỆM
“CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG”
Chúa nhật III Mùa Vọng quen gọi là Chúa Nhật Gaudete (Chúa Nhật vui hay Chúa Nhật hồng). Gaudete là chữ đầu tiên của bài Ca Nhập Lễ trích từ thư của thánh Phao-lô gửi giáo đoàn Philip 4,4-6: Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: Vui lên anh em! Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến”.
Tắt một lời, hôm nay là ngày vui, ngày của màu hồng vì sắp tới ngày mừng biến cố Chúa Giáng Sinh. Nhưng để có được niềm vui trọn vẹn và niềm vui đích thực thì cần phải làm gì? Lời Chúa trong Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Vọng năm C hôm nay, đưa ra từng việc cụ thể để hoán cải cho từng người và từng thành phần trong xã hội qua lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô. Đồng thời, chúng ta cũng được mời gọi học lấy sự khiêm tốn nơi thánh Gioan Tiền Hô để sống đúng với bậc sống của mình.
1. Lời mời gọi cải thiện đời sống.
Phần Tin Mừng (Lc 3,10-14) hôm nay là điểm rất riêng của thánh ký Luca mà không có trong các Tin Mừng khác. Thánh Luca kể một cách rõ ràng chi tiết về lời rao giảng của thánh Gioan Tiền Hô về việc cải thiện đời sống:
“Đám đông hỏi ông Gioan rằng: “Chúng tôi phải làm gì đây? ” Ông trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.” Cũng có những người thu thuế đến chịu phép rửa. Họ hỏi ông: “Thưa thầy, chúng tôi phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Đừng đòi hỏi gì quá mức đã ấn định cho các anh.” Binh lính cũng hỏi ông: “Còn anh em chúng tôi thì phải làm gì? ” Ông bảo họ: “Chớ hà hiếp ai, cũng đừng tống tiền người ta, hãy an phận với số lương của mình.”
Cụ thể, thánh Gioan Tiền Hô đưa ra cho mọi người một nguyên tắc chung, đó là tình tương thân tương ái, chia sẻ giúp đỡ nhau: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy.”
Còn với những ai đang sống và làm việc trong những ngành nghề mà xã hội, dù đó là nghề nghiệp gì bị người đương thời khinh bỉ, hay thậm chí nghề nghiệp đó có thể đưa đến những lạm dụng tham lam hay hà hiếp, thánh Gioan không kêu gọi người ta bỏ nghề, nhưng là chu toàn bổn phận một cách công bình và bác ái.
Tóm lại, thánh Gioan Tiền Hô khuyên người ta làm những việc chứng tỏ cụ thể tình huynh đệ và đức công bình, mà không đòi hỏi các người thu thuế hay lính tráng phải bỏ nghề nghiệp của họ (dù nghề này bị lên án đối với người Do-thái đương thời). Nghĩa là, nghề nghiệp không làm cho con người bị loại ra khỏi tình yêu cứu độ, nhưng để được cứu độ phải thực thi công bình và nhân ái.
2. Mỗi người có một giai đoạn trong Thiên Chúa.
Thánh Luca viết: “Hồi đó, dân đang trông ngóng, và trong thâm tâm, ai nấy đều tự hỏi: biết đâu ông Gio-an lại chẳng là Đấng Mê-si-a! Ông Gio-an trả lời mọi người rằng: “Tôi, tôi làm phép rửa cho anh em trong nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến, tôi không đáng cởi quai dép cho Người…” (Lc 3, 15-16).
Có lẽ hiếm tìm được ai như thánh Gioan Tiền Hô. Thay vì lôi kéo người khác theo mình, không dành giật đệ tử đã là may, thì ngài lại giới thiệu đệ tử của mình cho thầy khác là Chúa Giêsu.
Thánh Gioan làm thế, vì ngài ý thức về thời gian và sứ vụ của vị Tiền Hô, là chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến và khi Đấng Cứu Thế đến thì sứ vụ ngài đã hoàn thành.
Chúng ta cũng thế, mỗi người đều nhận một sứ vụ và một giai đoạn trong chương trình của Thiên Chúa. Thế nhưng, (cả đời lẫn đạo) không ít người tự lầm tưởng như chỉ có mình mới làm được điều này điều kia mà không ai có thể thay thế, rồi lo tạo cánh kéo bè củng cố chỗ đứng của mình. Đặc biệt khó chấp nhận và tìm cách níu kéo khi phải bàn giao. “Đấng” này khi phải thuyên chuyển để cho “vị” khác đến phục vụ thật khó biết bao, nhất là tìm cách áp đặt chủ trương và công trình của mình lên người tiếp nối.
Trong việc phụng sự và phục vụ của Kitô hữu, không ít từ các “đấng” đến “con chiên”, bề ngoài tưởng chừng như việc phục vụ để Chúa được vinh danh, nhưng thực chất đang ngầm ý để được mọi người ca tụng, tìm vinh danh mình hơn là Chúa được nhận biết. Khi làm được điều gì hay xây dựng được cái gì, thì coi như do công sức, tài năng của mình, mà quên rằng là do Chúa ban và sự đóng góp của mọi người. Thành công thì gán cho mình và lên mặt khinh khi kẻ khác, thất bại thì tìm cớ để đổ thừa đổ lỗi.
Tóm lại: Lời Chúa qua bài Tin Mừng hôm nay, mời gọi chúng ta biết cải thiện đời sống bằng cách sống công bình và bác ái với tha nhân. Đồng thời, noi gương thánh Gioan Tiền Hô mà làm tất cả cho vinh danh Chúa, để Chúa được lớn lên và được mọi người nhận biết, chứ đừng lo tìm kiếm vinh quang cho mình.
Lạy Chúa, ngày kỷ niệm Con Chúa giáng trần đã gần kề, xin cho chúng con tích cực chuẩn bị tâm hồn qua việc sống công bình và bác ái, để khi ngày Noel đến, chúng con được hưởng niềm vui thánh thiện, xuất phát từ sâu thẳm của tâm hồn luôn đợi chờ Chúa Giê-su viếng thăm. Amen
Discussion about this post