THỨ HAI TUẦN III THƯỜNG NIÊN
I. ĐỌC TIN MỪNG: Mc 3,22-30
Còn các Kinh sư từ Giê-ru-sa-lem xuống thì lại nói rằng Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám và Người dựa thế quỷ vương mà trừ quỷ.
Người liền gọi họ đến, dùng dụ ngôn mà nói với họ: “Xa-tan làm sao trừ Xa-tan được? Nước nào tự chia rẽ, nước ấy không thể bền; nhà nào tự chia rẽ, nhà ấy không thể vững. Vậy Xa-tan mà chống Xa-tan, Xa-tan mà tự chia rẽ, thì không thể tồn tại, nhưng đã tận số. Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó.
“Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha. Nhưng ai nói phạm đến Thánh Thần, thì chẳng đời nào được tha, mà còn mắc tội muôn đời”. Đó là vì họ đã nói “ông ấy bị thần ô uế ám.”
II. SUY NIỆM
Trong thời đại hôm nay nhiều giá trị, nhiều nguyên tắc đạo đức và luân lý đang bị đảo lộn trong khắp các tầng lớp xã hội. Nếu đưa mắt nhìn quanh, người ta sẽ thấy trong các tầng lớp xã hội, gia đình và tôn giáo đều có sự chia rẽ. Bao nhiêu giáo phái Ki-tô giáo khác nhau trên thế giới được tìm thấy xuất hiện, phái nào cũng mạo nhân là theo gót chân Chúa một cách trung thực. Chính điều này đã làm cho nhiệm thể Chúa Ki-tô bị phân rẽ và tổn thương. Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su đã cảnh báo điều đó khi trả lời cho người Do-thái kết án Người là lấy quyền quỷ tướng để dẹp quỷ lính.
Chúng ta cùng dừng lại suy niệm hai lời căn dặn của Chúa Giê-su: Sự hiệp nhất và tội phạm đến Thánh Thần.
1. Chia rẽ thì tiêu tan, kết đoàn sẽ bền vững.
Nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ai Cập hay nơi các tộc ít người, người ta biết cách bùa chú để yểm hại người khác, để trừ được bùa yểm cần phải có một thầy pháp cao tay hơn kẻ yểm bùa. Có lẽ cũng vì ảnh hưởng quan niệm này và vì sự ghen ghét mà một số người Do-thái đã độc miệng nói Chúa Giê-su dùng quyền của quỷ tướng để bắt nạt quỷ con.
Thế nhưng Chúa Giê-su lại nhân cơ hội này để dạy chúng ta bài học về sự đoàn kết, hay nói chính xác hơn là hiệp nhất.
Hình mẫu cho sự đoàn kết là tính hiệp nhất bởi Ba Ngôi Chí Thánh. Hội thánh Chúa từ khắp nơi trên thế giới đều hiệp thông và vâng phục một Đức Thánh Cha, cùng một cử hành phụng vụ, cùng một niềm tin, một phép rửa… Và có lẽ không tôn giáo nào có thể sánh được sự hiệp nhất đến mức duy nhất này. Và chính nhờ sự duy nhất này của Hội thánh mà sức mạnh hoả ngục đã không thắng được, dù Sa-tan đã dùng sự thù địch chia rẽ để chống lại.
Ngày nay, nơi này nơi kia trong Hội thánh đang bị những thế lực thù địch bách hại, hơn lúc nào hết, mọi người Công giáo trong tình liên đới, hãy đoàn kết với nhau, để cùng chung lời cầu nguyện…
Thế giới Ki-tô giáo ngày nay đã bị phân tán nhiều. Ngoài Giáo hội Công giáo, còn có Giáo hội Chính thống, các Giáo hội Đông phương và hàng trăm các giáo phái Tin lành khác nhau. Việc phân tán giữa thế giới Ki-tô giáo là một cớ vấp phạm cho những người không tin Chúa, hoặc chưa tin theo Chúa. Vì thế, sứ vụ của người Ki-tô giáo là cầu nguyện cho việc hiệp nhất giữa những người tin theo Chúa.
2. Tội phạm đến Chúa Thánh Thần.
Chúa Giê-su nói: “Tôi bảo thật anh em: mọi tội của con cái loài người, kể cả tội nói phạm thượng, và nói phạm thượng nhiều đến mấy đi nữa, thì cũng còn được tha” (Mc 3,28). Đây là một vấn nạn rất khó giải thích.
Có hai cách hiểu:
– Thứ nhất, theo đoạn Tin Mừng vừa nghe, thì đang khi Chúa Giê-su dùng quyền năng Chúa Thánh Thần để trừ quỷ, thì các Biệt phái lại nói Người dùng quyền “Tướng Quỷ – Thần Ô Uế” để trừ quỷ. Nghĩa là đã cố tình coi việc của Chúa là việc ma quỷ. Có thể nói, việc này đang xảy ra nơi một số người hiện nay, khi theo những nhóm này nhóm nọ, trong đó có nhóm “sứ điệp từ trời” coi Đức Thánh Cha do công nghị Hồng Y bầu lên là giả, coi công đồng Vatican II là do ma quỷ bày ra…. Mong là mọi người ý thức điều này để đừng bị Sa-tan lừa gạt đi theo nó mà chống lại Giáo hội do Chúa Ki-tô lập.
– Thứ hai: Chúa Thánh Thần là nguồn của bảy ân sủng, là Đấng được ban để tha tội qua công ơn cứu chuộc của Chúa Giê-su Ki-tô. Vì vậy, phạm đến Chúa Thánh Thần, nghĩa là khước từ ơn thánh và khước từ được cứu độ. Chúng ta chỉ được cứu độ nhờ đón nhận, còn khước từ thì Chúa cũng không thể làm gì vì sự tự do Chúa ban cho chúng ta. Chúng ta từ chối thì chúng ta mất linh hồn, không phải là Chúa không tha, mà là chúng ta khước từ sự tha thứ đó. Thánh Augustino từng dạy: “Chúa dựng nên ta không cần ta, nhưng Chúa muốn cứu chuộc ta thì cần có ta cộng tác”. Chúa Thánh Thần hoạt động trong ta, mà ta xúc phạm đẩy Ngài ra để chỗ cho tà thần, thì làm sao được cứu độ?
Tội nguyên tổ đã cắt đứt con đường giữa ta đến với Chúa, Chúa Giê-su đã nối lại con đường bằng cây cầu thập giá, nhưng nếu ta không chịu bước trên cây cầu thập giá ấy thì vẫn xa lìa Chúa; giống như một người bị giam giữ bởi kẻ thù, có vị tướng đến mở cửa ngục dẫn ra, nhưng tù nhân cứ an thân trong đó không chịu ra khỏi ngục thì vị tướng đến giải thoát kia cũng đành chịu thôi.
Lạy Cha, xin hãy cho mọi người hiệp nhất nên một, như Cha ở trong Con và như Con ở trong Cha. Xin Cha cho mọi người nên một trong Chúng Ta, để cho thế gian tin rằng Cha đã sai Con. Amen
Hiền Lâm
Discussion about this post