THỨ HAI TUẦN V MÙA CHAY
NĂM A và B
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 8,1-11
Khi ấy, Đức Giê-su đến núi Ô-liu.
Vừa tảng sáng, Người trở lại Đền Thờ. Toàn dân đến với Người. Người ngồi xuống giảng dạy họ. Lúc đó, các kinh sư và người Pha-ri-sêu dẫn đến trước mặt Đức Giê-su một phụ nữ bị bắt gặp đang ngoại tình. Họ để chị ta đứng ở giữa, rồi nói với Người: “Thưa Thầy, người đàn bà này bị bắt quả tang đang ngoại tình. Trong sách Luật, ông Mô-sê truyền cho chúng tôi phải ném đá hạng đàn bà đó. Còn Thầy, Thầy nghĩ sao? ” Họ nói thế nhằm thử Người, để có bằng cớ tố cáo Người. Nhưng Đức Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người ngẩng lên và bảo họ: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Rồi Người lại cúi xuống viết trên đất. Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì đứng ở giữa.Người ngẩng lên và nói: “Này chị, họ đâu cả rồi? Không ai lên án chị sao? ” Người đàn bà đáp: “Thưa ông, không có ai cả.” Đức Giê-su nói: “Tôi cũng vậy, tôi không lên án chị đâu! Thôi chị cứ về đi, và từ nay đừng phạm tội nữa! “
II. SUY NIỆM
Hôm nay, các kinh sư và người Pharisêu sử dụng “nguyên lý triệt tam” để tung ra một đòn quyết định, đặt Chúa Giêsu vào một tình thế tiến thoái lưỡng nan, mà nếu Người ngả theo phía nào thì họ cũng có cái cớ để tố cáo Người. Họ đưa đến trước mặt Chúa Giêsu một người phụ nữ phạm tội ngoại tình, rồi hỏi Người sẽ xử lý thế nào khi luật Môsê dạy phải ném đá chết. Cái bẫy của họ gài vào là nếu Chúa Giêsu nói không thì họ kết án Chúa lỗi luật Môsê, còn nếu Người nói có thì họ sẽ có cớ phản bác trái với luật yêu thương mà Người giảng dạy.
Mưu kế này cũng tương tự như họ gài bẫy Chúa Giêsu vào vấn đề nộp thuế cho Xêda. Tuy nhiên, cái trí nham hiểm của con người làm sao gây khó được cho Đấng là Thượng Trí vô song. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp với họ, nhưng với một lời nói của Người đã đặt các kinh sư và người Pharisêu vào một sự chất vấn của lương tâm và phơi bày lòng dạ khi đối diện với Đấng thấu suốt mọi sự: “Ai trong các ngươi sạch tội thì hãy lấy đá mà ném trước đi”. Cuối cùng họ lặng lẽ rút êm, bắt đầu từ người lớn tuổi nhất. Như thế, với một lời chất vấn nhẹ nhàng của Chúa Giêsu, chính những người Pharisêu hả hê tưởng rằng họ gài bẫy được Chúa Giêsu, thì chính họ lại rơi vào tình trạng bế tắc và lủi thủi rút đi bắt đầu từ những đầu sỏ bạc đầu.
1. Tội và tội nhân
Ảnh hưởng từ lối xử tử thời sơ khai, luật Do-thái áp dụng hình phạt tử hình thật tàn độc và man rợ. Họ tập trung ném đá một đồng loại cho tới chết mà không gớm tay. Ai cũng mang trong mình những tội lỗi nặng nề, nhưng lại xử thẳng tay một tội nhân khi họ bắt gặp. “Việc mình thì quáng nhưng việc người thì sáng, chân mình thì lấm lê mê, lại cầm bó đuốc đi rê chân người…”
Thiên Chúa thì yêu thương cứu vớt, nhưng con người thì lại loại trừ lẫn nhau. Khi Chúa Giêsu chấn vấn họ, họ đã bỏ đi vì Chúa đã đánh thẳng vào chính cái tâm địa giả hình của họ và vạch trần lòng dạ họ cũng đầy tội lỗi bê tha. Tắt một lời, người Do-thái trong khi tự cho mình công chính, thì cũng đồng thời đánh đồng quan điểm giữa tội và tội nhân, họ sẵn sàng khử trừ tội nhân như việc loại bỏ tội lỗi.
Đọc đoạn Tin Mừng hôm nay và nhiều chỗ khác trong các Tin Mừng, có lẽ không ít người cho rằng Chúa Giê-su “dung túng cho việc phạm tội”. Không phải thế, Chúa Giê-su ghét tội nên Người đã đến trần gian và chịu chết để giải thoát nhân loại khỏi tội; Chúa lên án tội, nhưng không bỏ rơi tội nhân; Chúa bảo vệ người phụ nữ ngoại tình, giải thoát nàng và tha thứ cho nàng, nhưng không phải để nàng tiếp tục con đường cũ, mà Người đã dặn nàng: “Chị hãy đi và đừng phạm tội nữa”.
Thật vậy, “Thiên Chúa không muốn tội nhân phải chết, nhưng muốn tội nhân bỏ đường tà để được sống” (Ed 18,23). Chính vì thế mà cần phải phân biệt rõ ràng giữa tội và tội nhân. Mọi người đều phải ghét tội, nhưng phải tạo cơ hội giúp tội nhân trở về nẻo chính đường ngay.
2. Vấn đề “công chính hóa”
Câu chuyện “người phụ nữ ngoại tình hôm nay” là minh hoạ quan trọng cho thần học về SỰ CÔNG CHÍNH HÓA. Công chính hóa xét theo nghĩa chặt, là khi đứng trước mặt Chúa, con người chứng minh được mình vô tội. Điều này không thể có được, cụ thể hôm nay, đối diện với sự thánh thiện tuyệt đối nơi Chúa Giêsu, những người kinh sư và Pharisêu được coi là ưu tuyển đối với người Do-thái đã phải rút lui vì nhận ra mình cũng đầy tội lỗi.
Vì vậy, sự công chính hóa của con người chỉ có được khi nhờ ơn cứu chuộc của Đức Kitô, chứ không thể do sức riêng của mình. Tác giả Tin Mừng hôm nay đã chơi chữ rất hay rằng: “Nghe vậy, họ bỏ đi hết, kẻ trước người sau, bắt đầu từ những người lớn tuổi. Chỉ còn lại một mình Đức Giê-su, và người phụ nữ thì ĐỨNG Ở GIỮA” (Ga 8,9).
Khi mọi người đi hết, tại sao người phụ nữ lại đứng ở giữa lúc chỉ còn lại một mình Chúa Giêsu? Nếu như trước đó, chị ta đứng ở giữa những người gian ác tội lỗi vây quanh, thì bây giờ, chỉ còn mình Chúa Giêsu, chị đang đứng ở giữa tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa đang tha thứ cho chị, mời gọi chị trở về và đừng phạm tội nữa.
Đứng ở giữa vòng vây tội lỗi là cái chết, nhưng đứng ở giữa tình thương của Chúa Giêsu là được cứu sống.
Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết khiêm tốn nhận ra mình cũng đầy tội lỗi, để chúng con không kết án loại trừ những tội nhân. Xin cũng cho chúng con học lấy tấm lòng trắc ẩn của Chúa mà cứu vớt những ai lầm lỗi, đưa họ về cho Chúa. Amen
NĂM C
I. ĐỌC TIN MỪNG: Ga 12,44-50
Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi. Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối. Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian. Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
II. SUY NIỆM
Hôm nay Chúa Giê-su khẳng định Người là Ánh Sáng cho thế gian. Người là Ánh Sáng xuất phát từ Cội Nguồn Ánh Sáng là Chúa Cha, Người phản chiếu hình ảnh của Chúa Cha. Vì thế, mọi lời nói và công việc của Chúa Giê-su làm là theo điều Người đã thấy nơi Chúa Cha. Thế nhưng, người Do-thái đã dường như cố tình không nhận ra điều đó, bởi chính ánh sáng thật từ Thiên Chúa đã phơi bày mọi tâm can đen tối của con người.
1. Ánh sáng phơi bày những ẩn khuất nơi người Do-thái.
Sự đối lập giữa những người Do Thái ở thủ đô với Chúa Giêsu luôn là đề tài nóng trong cả bốn Tin Mừng. Cũng như ánh sáng không thể chung với bóng tối, bởi ánh sáng sẽ làm tỏ lộ ra tất cả những gì khuất tất. Chúa Giêsu là Ánh Sáng và Sự Thật. Sự xuất hiện của Người tại Giêrusalem đã làm phơi bày ra sự giả hình, ham mê quyền lực và trục lợi của các kinh sư – biệt phái và nhất là giới cầm quyền Do Thái. Chính vì thế mà họ đã tìm cách tẩy chay Chúa Giêsu, tiếc là họ không có lý do đủ mạnh ngoài việc bám víu vào luật Sa-bát, nhưng ngay cả luật này họ cũng bị Chúa Giêsu vạch trần những điều khoản tỉ mỉ do họ thêm vào mà sai lệch ý Thiên Chúa. Điều mà Chúa Giêsu khẳng định, tất cả việc Người làm là theo ý Thiên Chúa Cha.
Chúa Giêsu là Ánh Sáng thuần khiết từ Thiên Chúa đi vào tấm lòng đồng trinh thuần khiết của Mẹ Maria. Vì thế mà Mẹ đã cưu mang Ngôi Lời mà vẫn đồng trinh, tựa như ánh mặt trời chiếu qua tấm kính trong tinh khiết vào căn phòng rực ánh sáng mà tấm gương không bị ảnh hưởng. Trong khi, ánh sáng ấy chiếu đến sự mục nát xấu xa của giới chức Do Thái đã làm rõ ý đồ đen tối của họ, vì họ như tấm gương bám đầy bụi bẩn trần tục không thể tiếp nhận ánh sáng cho dân chúng, mà còn tìm mọi cách để che khuất và khử trừ Ánh Sáng.
Mọi người chúng ta ngày hôm nay cũng thế, khi chúng ta có tội hay đang theo đuổi những công việc mờ ám, thì chúng ta rất sợ đối diện với sự thật, và tìm cách diệt khẩu những ai có thể làm ý đồ và công việc chúng ta bị phơi bày.
2. Chúa Giê-su nói và làm điều người đã thấy nơi Chúa Cha.
Khác với chúng ta, trong mầu nhiệm Ba Ngôi, Chúa Giêsu có tri thức hưởng kiến và thấu rõ chương trình của Thiên Chúa Cha muốn thực hiện nơi Người. Như Người nói: “Người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý” (Ga 5,19-21).
Như vậy, hai công việc mà Chúa Giêsu hằng làm như Chúa Cha làm chính là: Chúa Cha yêu thương thế nào thì Chúa Con yêu thương như vậy, và Chúa Cha cho kẻ chết sống lại thế nào thì Chúa Con cũng phục sinh ai Người muốn. Chính hai điều này mà Chúa Giêsu không ngại vượt qua những quy định thêm vào khắt khe của Biệt Phái về luật Sa-bát, Người dùng luật yêu thương để cứu chữa bệnh tật thân xác và phục sinh tâm hồn cho những ai tin vào Người: “Ai nghe lời Tôi và tin vào Đấng đã sai Tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống” (Ga 5,24). Còn những ai không tin vào Chúa Giêsu như những người Biệt Phái kia thì tự loại mình ra, bởi: “Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con” (Ga 5,23).
Như vậy, mọi người chúng ta hôm nay muốn làm theo ý Chúa Cha là khi chúng ta tin vào Chúa Giêsu Kitô và sống luật yêu thương vượt trên tất cả mọi sự ràng buộc khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu Ánh Sáng Chúa vào tận nơi sâu thẳm của tâm hồn chúng con, để thánh hóa mọi bí ẩn tâm can và làm cho tâm hồn chúng con được sáng, hầu chúng con sống trọn vẹn giới luật yêu thương của Chúa. Amen
Discussion about this post